Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.009.657
 
Thời tiết xấu
Khôi Vũ

Chuyến tàu chậm mười tiếng. Đáng lẽ khoảng một giờ trưa đã đến thì mười một giờ đêm tàu mới dừng hẳn nơi ga cuối. Sân ga có nhiều người đứng đón thân nhân. Nhìn cảnh vẫy gọi mừng rỡ của những người thân với nhau, Nguyên vừa vui lây, vừa thấy tủi. Nhưng thôi - Nguyên tự bảo - hãy tạm gác lại tình cảm ấy, đó chẳng phải là mối quan tâm hàng đầu của anh lúc này. Điều quan trọng là một chỗ trọ qua đêm nay ở thành phố khuya khoắt và nhiệt độ lúc càng xuống thấp. Hòa ôm bé Trang, kêu khe khẽ: “Rét quá!”. Nguyên động viên: “Cố gắng đi em! Có chỗ nghỉ sẽ đỡ hơn”.

 

Thực ra Nguyên trấn an cả chính anh. Mười một giờ đêm. Trước lúc này khoảng một tiếng đã có một chuyến tàu dừng. Hàng trăm khách đi tàu chứ đâu phải ít. Một chỗ trọ, nào có dễ!

 

Có đến chục người bước vào khách sạn đứng lô nhô trước quầy vé. Nguyên thấy hai người mua được vé trọ nên phấn khởi xách hành lý bước vào.

- Chị làm ơn cho tôi mua hai vé trọ.

Chị nhân viên ngồi sau quầy vé ngẩng nhìn Nguyên một giây, lắc đầu:

- Hết chỗ!

- Tôi vừa trông thấy...

- Phải! Nhưng bây giờ thì hết!

Sự thất vọng của Nguyên kéo theo sự thất vọng của những người vào sau anh. Ai cũng than thở là mình không gặp may. Nguyên bảo Hòa ở lại trông con và hành lý để anh đi tìm khách sạn khác. Đêm lạnh. Nếu không có việc gấp gáp, một mình đi trong cái giá rét không thể có ở miền Nam trên đường phố nửa khuya, chắc sẽ thú vị lắm! Thôi! Thôi! - Nguyên lại tự bảo mình - Đừng có mơ mộng nữa! Hãy qua đường. Kia, có một khách sạn. Hãy bước vào. Hãy nhìn nơi quầy bán vé. Tấm bảng ghi “Hết chỗ”. Đó là câu trả lời. Một ông già khoác ba lô vẻ sành sỏi kéo tay Nguyên: “Theo tôi, tôi biết một khách sạn ở gần đây thường vắng khách”. Nguyên đi mà không mấy hy vọng. Ông già đứng sững trước quầy bán vé khách sạn ông dẫn Nguyên đến. Hết chỗ. Hết chỗ cả rồi. Trong đêm, ông chia tay Nguyên đi thất thểu trên vỉa hè, chẳng hiểu đi đâu.

 

Nguyên trở lại chỗ cũ. Hòa vẻ mong, giọng vui nói với Nguyên: “Vẫn có người mua vé trọ được anh à. Mình thử năn nỉ cô bán vé xem sao đi anh”. Có lẽ Nguyên đã sai khi anh hành động trái với đề nghị của Hòa. Anh bước đến trước quầy vé với thái độ bực bội tạm nén lại:

- Cho tôi mua hai vé trọ.

Chị nhân viên nhìn Nguyên lâu hơn lần trước như để có đủ thời gian nhớ ra anh đã hỏi mua vé một lần rồi. Giọng chị ta hơi sẵng:

- Hết chỗ!

Nguyên như bị đổ thêm dầu vào lửa:

- Lúc nãy tôi hỏi chị cũng bảo hết chỗ. Thế sao vẫn có người mua vé trọ được?

- Ai bảo anh thế?

- Vợ tôi và những người đứng đợi kia.

Chị nhân viên trừng mắt nhìn mọi người. Rồi chị ta đáp một câu làm cho Nguyên hoàn toàn bất ngờ:

- Những người ấy là người quen của tôi, không phải khách.

Nguyên đuối lý. Làm sao có thể xác định được một người có là người quen hay không quen với chị nhân viên kia!

 

Tối hôm ấy, gia đình Nguyên cũng như nhiều hành khách khác của chuyến tàu chậm phải trải ni lông , giấy báo hay bất cứ thứ gì có thể trải được ra vỉa hè nằm nghỉ tạm. Hòa xót ruột nhìn bé Trang co ro trong mấy lần áo mà vẫn cứ trở mình vì rét. Nguyên bất lực trước hoàn cảnh này nhưng anh không ngạc nhiên. Chỉ có Hòa, thỉnh thoảng chị lại than thở: “Em không ngờ tìm một chỗ trọ lại khó đến thế”. Nguyên an ủi: “Có lẽ do hai chuyến tàu dồn khách đông quá”. Nói thế cho có, chứ Nguyên thừa biết Hòa muốn nói đến chuyện bán vé trọ của chị nhân viên khách sạn. Biết nói sao cho Hòa hiểu đó là chuyện bình thường, diễn ra mỗi ngày mà vì ít đi đây đi đó, một người như Hòa mới ngạc nhiên.

Thời gian nặng nề trôi. Càng về sáng trời càng rét. Xấu quá, thời tiết xấu quá!

 

*

 

Mười ngày sau từ quê Nguyên trở lại thành phố đăng ký vé tàu vào Nam. Anh trở lại khách sạn hôm nào vì nó đối diện ga, thuận tiện hơn cả. Lần này Nguyên gặp may. Người ta bán vé trọ và không từ chối một ai. Nguyên nhìn tấm bảng giá treo trên tường, thấy ghi có phòng riêng. Anh hỏi chị nhân viên bán vé, không phải chị hôm nọ:

- Tôi muốn đăng ký một phòng riêng.

Chị nhân viên nhìn Nguyên lắc đầu:

- Không còn phòng riêng. Anh mua hai vé trọ tập thể đi. Anh ở phòng nam, chị và cháu ở phòng nữ.

Nguyên đành phải nộp tiền mua hai vé trọ tập thể.

 

Tối hôm ấy, khoảng mười hai giờ đêm, Nguyên vừa thiu thiu ngủ thì có người lay dậy:

- Anh! Dậy anh! Con nó sốt!

Hòa tìm lên phòng trọ nam, ẵm theo bé Trang, người nóng hầm hập. Nguyên vội tìm được mấy viên thuốc hạ sốt. Anh bảo Hòa đợi mình đi xin nước. Chị nhân viên trực bị gọi dậy, càu nhàu:

- Cái gì thế?

- Con tôi bệnh, chị cho cháu xin chút nước uống thuốc.

Nguyên nhìn cái phích nước để ở góc bàn. Nhưng anh được trả lời:

- Không có nước nôi gì đâu.

- Thế chị cảm phiền mở cửa cho tôi ra ngoài mua vậy.

- Giờ này không mở cửa được.

Nguyên bắt đầu bực dọc:

- Thế trong trường hợp cấp cứu thì sao?

- Khi ấy hẵn hay!

- Chị có phải là người không đấy?

Sau câu nói giận dữ ấy, Nguyên tưởng sẽ nhìn thấy đôi mắt bực tức phản ứng lại của chị nhân viên trực - ít ra cũng phải thế chứ - nhưng anh đã lầm. Chị ta chẳng có phản ứng gì ngoài câu cằn nhằn: ”Mất cả ngủ!”. Rồi chị ta nằm xuống, kéo mềm trùm đầu.

 

Nguyên chịu thua. Cách giải quyết cuối cùng của anh là ra bể nước tắm rửa múc một ca đem lên phòng trọ. Anh nghĩ, có thể bé Trang sẽ bị đau bụng, nhưng trước hết, phải làm cho nó hạ sốt.

Hòa hỏi:

- Anh xin nước ở đâu vậy?

Nguyên nuốt nước bọt, đáp dối để vợ yên lòng:

- Người ta mở cửa cho ra ngoài mua, em ạ.

 

*

 

Hôm sau, mua được vé tàu đi sáng hôm sau nữa, Nguyên trở lại khách sạn đăng ký trọ tiếp một ngày. Hòa kể:

- Trong lúc anh đi vắng, em hỏi mấy chị thường trọ ở đây, họ nói vẫn có phòng riêng cho trọ, nhưng nhân viên khách sạn chỉ dành cho mối lái quen biết.

Nguyên đến bên quầy gặp một chị nhân viên lạ:

- Chị cho tôi mua vé trọ.

- Hôm qua anh có nghỉ ở đây không?

- Có.

- Mua mấy vé?

- Tôi xin đăng ký một phòng riêng. Đây là giấy kết hôn của vợ chồng tôi. Còn đây là giấy khai sinh của cháu bé...

- Nhưng hết phòng riêng rồi!

Khoảng mười một giờ đêm, Nguyên đi mua nước để sẵn, phòng khi cần thì có cho con uống thuốc. Lúc trở lại, anh gặp ba cặp trai gái đang đẩy ba chiếc xe gắn máy thẳng vào phòng đợi khách sạn. Họ hỏi và chị nhân viên bán vé trả lời:

- Hôm nay hết. Dứt khoát là hết!

- Thôi đi bà chị! Bà chị muốn bao nhiêu nào? Nói để đàn em biết mà chi.

- Hay nhỉ! Đã bảo hết là hết!

- Này, hỏi thật bà chị, thế đám nào thuê rồi?

- Đám con Hà.

- Tưởng ai! Cái con phe ấy cho nó ngủ vỉa hè đi!

- Không đùa đâu. Tí nữa nó trở lại đấy. Đặt tiền rồi!

- Hôm nay bà chị khó nhỉ. Thế vé tập thể còn chứ?

- Còn.

- Đành vậy thôi, bà chị bán cho ba vé.

- Xé ba vé nhưng phải trả tiền sáu. Sáu đứa cơ mà. Đưa tiền đây. Mà không có tiền lẻ trả lại đâu đấy!

- Gớm! Phải nhắc! Này chúng mày nghe rõ chưa? Bà chị bảo sáu đứa sáu vé, giường đứa nào đứa ấy ngủ, rõ chứ?

Cả bọn phá lên cười.

Mờ sáng, có nhiều tiếng động ồn ào. Nguyên nhỏm dậy. Rét quá.

- Yêu cầu khách trọ cho kiểm tra vé.

Những người đến kiểm tra đột xuất gồm hai anh công an và chị nhân viên trực đêm ấy. Ba cặp trai gái mà Nguyên gặp lúc tối bị mời ra khỏi ba chiếc giường cá nhân ở phòng tập thể nam.

- Sao nam nữ lại ngủ chung? Yêu cầu cho xem giấy kết hôn.

- Báo cáo anh, vợ chồng em quên giấy ở nhà rồi...

- Thế nhà ở đâu?

- Báo cáo anh... ở thành phố ạ.

- Sao lại bán vé trọ cho người có hộ khẩu ở thành phố? Mời tất cả xuống văn phòng làm biên bản.

Những câu hỏi đáp, với Nguyên, đều dễ hiểu. Đó là hậu quả tất nhiên của những hành vi không chính đáng, về phía những người thuê chỗ trọ, cả về phía người bán vé trọ.

 

Nguyên kéo mền trùm kín đầu, ngủ tiếp.  Anh nghĩ: “Chuyện thường ngày ở khách sạn. Hơi đâu mà bận tâm”.

 

Buổi sáng lên tàu về, trờivẫn rét. Trong lúc xếp hàng ở phòng đợi, Hòa kể rằng tối hôm trước ở phòng tập thể nữ cũng có một cặp nam nữ ngủ chung bị công an lập biên bản, nghe nói là dân đi buôn có đăng ký phòng riêng nhưng phòng riêng họ dành để xếp hàng hóa. Kể xong, Hòa lắc đầu nói:

- Chắc em chẳng dám ra đây lần nữa. Gặp toàn là chuyện tiêu cực.

 

Nguyên định nói với vợ rằng đó chỉ là những chuyện bình thường. Nhưng cái nhìn đắm buồn của Hòa và cả đôi mắt thơ ngây của bé Trang nhìn quanh phòng đợi, đã khiến anh giật mình khi nghĩ rằng, thật ra mình phải nghĩ như vợ mới đúng, phải nghĩ rằng đó là những chuyện bất thường!

Hôm ấy bầu trời vẫn xám đục. Thời tiết xấu làm nên cái màu trời u ám ấy. Nguyên bàng hoàng khi biết rằng thời tiết tâm hồn mình đã bị xấu đi tự bao giờ!./.

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 1839
Ngày đăng: 17.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bụt - Thiện Phạm
Mùng ba tết thầy - Đỗ Ngọc Thạch
Tâm lý trị liệu - Trương Văn Dân
Ăn ngủ và các thứ còn lại - Nguyễn Viện
Ngày trở về đau thương - Nguyễn Đình Phư
Bụi tre xanh - Dương Phượng Toại
Ca trực đêm giao thừa - Đỗ Ngọc Thạch
Vợ tôi cũng bị lừa - Vinh Anh
Chiếc áo bà ba cổ trái tim - Hồ Việt Khuê
Bây giờ xuân mới đến - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)