Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
369
116.384.818
 
Cái nhìn sòng phẳng
Inrasara

Sự chia ranh vô hình trung tâm/ ngoại vi tồn tại ở nhiều phương diện, trong đó có văn học dân tộc thiểu số/ dân tộc đa số. Nhưng thiết nghĩ đó là sự phân ranh giả tạo và hoàn toàn phản tiến bộ. Mấy năm qua, không ít tác giả từ tỉnh lẻ vô danh xuất hiện lừng lững trên văn đàn, và đã tạo được tiếng nói đầy sức nặng. Không ít tác giả xuất phát điểm là nông dân, bộ đội, từ miền sâu vùng xa.

Các nhà văn nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam không khác. Họ vẫn có những đóng góp tiếng nói trên văn đàn cả nước.

 

Khi có mấy í kiến cho rằng các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có tác phẩm sáng giá, theo tôi, có thể nêu ra vài nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết/ dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5. Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.

 

Thế nhưng, nhìn toàn cảnh, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam năm năm qua đã có những bước chuyển rõ rệt, cả ở tự thân lẫn nhìn nhận từ phía công chúng.

Về thơ, các tác giả thế hệ trước vẫn viết đều đặn, vẫn cho ra đời tác phẩm ngày càng chín hơn. Y Phương, Mai Liễu,… Hữu Tiến từ văn xuôi chuyển sang thơ, năm 2008 cũng kịp cho ra đời một tập thơ đặc sắc. Thế hệ chuyển tiếp có Lò Cao Nhum, Dương Khâu Luông, Ngọc Minh,… Thế hệ mới, bên cạnh Bùi Tuyết Mai ở miền Bắc, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên là hàng loạt tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng, độc đáo. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mang toàn cầu hay Blog cá nhân. Trà Vigia, Jalau Anưk càng viết càng hay. Sau đó hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi thơm của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009. Là tín hiệu sáng sủa.

 

Nhìn qua mảng văn xuôi, dễ nhận thấy có vài biến chuyển tích cực với tác phẩm dài hơi như Đàn trời của Cao Duy Sơn, tập truyện ngắn của Niê Thanh Mai hay Bùi Như Lan. Chăm có Trà Vigia với tập truyện Chăm h’ri độc đáo. Năm 2008, tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó – Đông Nam Á, ghi một dấu ấn đáng kể. Sự kiện này còn ghi nhận sự đánh giá tích cực của độc giả cả nước về sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số.

Riêng lí luận - phê bình, Inrasara sau Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006) là Song thoại với cái mới (2008), đóng góp phần mình vào thể loại vốn cần đầu tư nhiều công sức này. Inrasara còn là cây viết phê bình dấn mình vào trào lưu thơ hậu hiện đại đang là điểm nóng của văn đàn cả nước mươi năm qua.

 

Như vậy, từ thơ đến văn xuôi, từ sáng tác cho đến phê bình, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đã tiến một bước quan trọng về phía trước. Sự kiện được ghi nhận từ phía công chúng độc giả cũng như các tổ chức chuyên ngành./.

 

Sài Gòn, 11-2009.

 

 

Inrasara
Số lần đọc: 2582
Ngày đăng: 19.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tết Lại Đến - Tết Lại Đi - Trần Quang Vinh
Lãng Du trong Văn Học Ấn Độ - Lương Văn Hồng
Lãng du trong văn học Ai Cập - Lương Văn Hồng
Từ mâm ngũ quả, phiếm bàn về con số 5 - Phùng Thành Chủng
Nàng Là ai, Hỡi Thúy Kiều - Khuất Đẩu
Hà Nội nỗi nhớ trong tôi - Nguyễn Thị Hậu
Câu chuyện đêm trừ tịch - Văn Thành Lê
Góc chợ quê ngày giáp Tết - Vinh Anh
Vài chuyện cọp ở các thế kỷ trước - Nguyễn Đức Hiệp
Vaì thiển ý của dân ngoại đạo - Tô Nhuận Vỹ
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)