Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
883
116.511.891
 
Làng Phước Tích, và Bức Tranh Cổ Ngọc
Thụy Vi

Thường mỗi khi muốn hỏi về chuyện quá khứ hay về văn học nghệ thuật, tôi thường gọi nhờ ba tôi nhắc lại, hoặc giải thích dùm cho. Nhưng từ ngày ông cụ khi nhớ khi quên, là  tôi cầu cứu với người bạn của chồng đang sống tận bên trời Tây, vì cứ hể tôi “ới” lên là cuốn tự điển sống Người Paris cứu bồ ngay tức khắc.

 

Lần này, viết lan man về chuyến đi thăm quê nội và bất ngờ gặp lại bức tranh ngọc của ông ngoại tặng cho ông nội của tôi bị thất lạc từ Mậu Thân. Tôi cứ men theo trí nhớ của mình để viết về một kỷ niệm lạ kỳ và chép lại những đặc điểm của một  làng xa tít tắp gần địa đầu biên giới

 

Ông ngoại tôi là một ông cụ miền nam, lịch lãm nhưng đầy nét hào sảng, còn ông nội tôi là Lê Trọng Tôn người làng Phước Tích tận ngoài Thừa thiên, Huế - Ấy vậy mà hai nhà thông gia thân thiết với nhau vì bởi cùng đam mê cổ ngoạn và thích lang bạc kỳ hồ.

 

Theo sử liệu, quê nội của tôi ngày xưa nức tiếng về nghề làm gốm, thuộc vào đẳng cấp Brand-name. Hãy nghe ông Nguyễn Văn Mạnh một trong những nhà nghiên cưú Huế viết về làng Phước Tích, quê nội của tôi như sau:

 

“Làng Phước Tích còn có tên gọi là "Kẻ Đôộc"…” Đôộc Đôộc” Xuất phát từ tên gọi một loại sản phẩm nghề gốm của dân làng. Từ xa xưa, gốm Phước Tích nổi tiếng cả một vùng rộng lớn. Các sản phẩm của nó như lu, hông, đôộc [đột ] hũ, ảng, chum, vại... được người dân ở nhiều vùng ưa thích. Gốm Phước Tích được mang đi chào bán khắp các chợ trong vùng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, như chợ Truồi, chợ Nọ, chợ Mai ở Thừa Thiên Huế, chợ Tréo - Quảng Bình, chợ Cam Lộ - Quảng Trị, chợ Chùa - Quảng Ngãi... Tuy chưa được tráng men nhưng chất lượng gốm Phước Tích khá tốt. Do độ nung cao và chất đất tốt nên sản phẩm gốm dày, có thể sử dụng vào nhiều việc, như làm dụng cụ đun nấu, đựng các chất lỏng hoặc làm đồ dùng trong nhà. Sản phẩm gốm Phước Tích không chỉ cung cấp đồ dùng cho dân trong vùng mà còn được vua quan nhà Nguyễn ưa chuộng. Người dân nơi đây còn truyền tụng sự việc, vào thời Nguyễn, hàng năm làng phải cống nạp cho triều đình hàng trăm om đất để đặc biệt dùng thổi cơm cho vua [ nghe nói, sau mỗi lần thổi cơm, nhà bếp của vua phải đập vở chiếc om này? ]

 

Vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX. Do nghề gốm phát triển nên cuộc sống người dân Phước Tích ngày càng khá giả. Họ tậu gỗ dựng nhà ở khang trang hơn, lập đền miếu, nhà thờ họ uy nghiêm hơn.  Bởi vậy hiện nay làng Phước Tích còn hàng chục ngôi nhà cổ trên dưới trăm tuổi.
 Mỗi nhà thờ họ đều lưu giữ gia phả, hương án, mộc chủ của dòng họ mình, cùng với các bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng…” [ ngưng trích ]

 

Thường con gái trong dòng họ Lê Trọng [ là một trong mười hai dòng tộc “ thập nhị bổn phái” khai canh khai khẩn được làng tưởng nhớ công đức lập đình để phụng thờ, ngoài ra có nhà thờ họ riêng giữ gia phả, hương án, mộc chủ của dòng họ mình ] không [ ít ] ai mang chử lót Trọng, không biết sao, ông nội phá lệ, đặt tên tôi Lê Trọng Hải Đường.  Cũng như mọi người thường tình, tôi thầm hảnh diện về gia phả dòng họ của mình. Vì thế trong lần về VN thọ tang bên chồng, tôi muốn đưa chồng và các con, dâu rể, suôi gia về …làng một chuyến.

 

Đoạn đường từ Mỹ Tho ra Huế thật dài.  Nhất là dưới cái nắng nung người từ Qui Nhơn ra Đà Nẳng. Khi xe băng qua sông Cầu, nhìn xuống chỉ là bãi đất nứt nẻ. Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ có qua nơi này, nhằm mùa lụt, nước mênh mông, trôi mất cầu phải băng qua bằng thuyền thúng. Bây giờ, Cả gia đình tôi lắc lư trong chiếc xe ngột ngạt phì phò của chiếc máy lạnh thổi ra toàn hơi nóng. Nhìn qua cửa kính thấy hoa mắt vì ánh nắng nặng nề bên ngoài chấp chới khiến ai nấy đều rã rượi.  Đi dọc theo đường mới thấy hết cảnh cơ cực của người dân miền Trung sống bằng nghề đập đá và làm muối. Tôi chỉ cho các con tôi thấy cảnh lầm than nghèo nàn. Hơn mấy mươi năm không gì thay đổi.

 

Trước khi về làng, chúng tôi ghé Huế. Không hiểu sao, trước mắt tôi, giờ Huế luộm thuộm, con nít làm… nghề ăn xin thì vô số - Từ những hàng quán đến cảnh chùa Thiên Mụ, không biết cơ man nào là trẻ em đi xin tiền. Mánh xin tiền ở Huế có bài bản hẳn hòi mà ít người khách nào tránh khỏi. Họ cho một em thật dễ thương, tiều tụy tội nghiệp lãng vãng xin tiền du khách. Hể khách thương tình móc bóp ra, là lập tức các em khác phục sẳn đâu đó kéo lên vây cứng vòng trong vòng ngoài vô phương thoát. Có lần ghé quán bánh ướt bên Kim Long, tôi mon men xuống bến sông Hương, thấy thuyền đậu dọc dọc theo bờ, trong thuyền lúp xúp con nít ngồi chờ “ hiệu lịnh” để kéo lên bờ tấn công thực khách một cách chớp nhoáng.

 

Từ xưa giờ,Trời hành cơn lụt mỗi năm, dĩ nhiên khiến Huế lao đao, nhưng không vì vậy mà Huế mất vẽ nghiêm tôn.  Nhưng bây giờ thật lạ, vào bất cứ quán nào mua hàng, thì y như rằng, khách mà trả giá lơ mơ, tức thì bị chủ quán là mấy ôn, mấy o,  trọ trẹ cộc cằn chan chát mắng sa sả vô mặt  không kịp vuốt, hoặc khinh khỉnh vác mặt lên trời không thèm trả lời với khách. Tôi nói với ông chú tôi người Huế mình sao giờ làm chuyện dị òm rứa ôn? Khó chịu rứa ôn? Thấy ốt dột rứa ôn?  Ông nói  “ Chừ Huế xưa mình mất mô rồi còn chi con, người đâu kéo về sống bất loạn. Huế chỉ còn một thời vang bóng thôi hè! ”  Tôi nghe ông nói như thở than, khiến tôi cũng chạnh lòng.

Buổi sáng, thức dậy ra xe đi sớm, tôi thấy những người lớn trong gia đình đã sẳn sàng xúng xính áo dài khăn đóng để về làng cho đúng phép tắc, còn ông chồng người miền Nam và mấy đứa con tôi than nóng quá trời nên “ chơi” nguyên quần sọt áo thun. Tôi thôi kệ nghĩ mình phận con cháu ở xa, không ai chấp nên cũng phe lờ để đám đàn bà con gái mặc váy jean áo vải cho mát mẻ. Trên đường về Phước Tích có đi ngang Sịa mà không kịp rẻ vào để  thăm ngôi từ đường của bên bà nội ở làng Hạ Lang nằm ngay bên kia bờ sông Phò Trạch có những bậc thang xi măng dẩn cong lên bờ.

 

Xe chạy một mạch đến sông Bến Hải, nơi có chiếc cầu Hiền Lương, chính giữa cầu ngày xưa là cột mốc phân chia đất nước ngày xưa.

 

Sau khi chụp những tấm hình tại bờ dốc của chiếc cầu lịch sử đã bị tháo giở, chúng tôi quay trở lại Mỹ Chánh. Ngay chợ Mỹ Chánh là nhà của ôn Mai, là em rễ của ông nội tôi - một người rất nỗi tiếng vừa là chủ hiệu buôn vàng, vừa là tay, thời trẻ đánh hoa cả cụm - cưới luôn hai chị em ruột về làm vợ. Năm 1975, lúc VC vô, ôn cùng hai mụ cùng các o các cậu chạy vô Sài Gòn tá túc nhà của ba tôi trên đường Hùng Vương. Nghe nói ôn giàu lắm, bà con lúm xúm trong nhà len lén trạo nhau lúc kinh hoàng chạy giặc ôn Mai đã đánh rơi dọc đường mất hết một bao đựng đầy vàng lá? Tôi còn nhớ mang máng chuyện này, không biết hư thực ra sao?  Ngoài ra, trong dòng tộc nội tôi có một đặc điểm lạ lùng là bà con khác họ có thể lấy nhau - họ hàng lấy nhau,  gọi bà con hai họ? Vì thế con cháu chíu chít chắt, nhánh nhóc, chi phái của nhà họ Lê Trọng đông không kể xiết, có người nói nếu đứng sắp hàng, có thể dài vô tận Cà Mâu? Trong khi bà con bên ngoại tôi loe hoe còn lại không bao nhiêu người.

 

Về làng, đối với tuổi chúng tôi có gì vui? Không biết chuyện gì nhiều để nói? Ai hỏi sao thì trả lời vậy, cứ chấp tay thưa ôn, thưa mụ, thưa mệ lia chia, giọng Nam giọng Huế lộn xà ngầu. Thời tiết oi bức, gió Lào mang hơi nóng thật khó chịu khiến mấy đứa con tôi cứ nhấp nhỏm, mặt mủi đứa nào cũng phờ phạt, dù trong nhà lôi ra hết quạt lớn quạt nhỏ chạy vù vù.

 

Biết tôi ưng ăn bánh bột lọc, mấy o lăng xăng hấp bánh nấu cơm trong bếp.Trong khi chờ người nhà dọn cơm, anh Bá người anh chú bác cùng tuổi nhưng phong thái anh thật đỉnh đạc giống y hệt ông nội, rủ tôi ra sân coi người ta đào đất để hạ thổ cội lão mai của ôn trồng trong chậu đang thiếu đất. Cây mai vàng tám cánh già cỗi xù xì với lớp vỏ như mốc thít hình như đang yếu đi vì cái chậu trồng dường như không đủ ôm chứa  bộ rể. Hai người bà con qua giúp, họ vừa đào vừa nói chuyện lao xao, bỗng họ la to khi lưởi cuốc chạm vào một khối gì như cái hủ sành hay lu sành chi đó. Anh Bá mừng rở đoán cái lu này ôn nội tôi chôn trước tết Mậu Thân, bị lạc lâu lắm không tìm được, đến khi ôn mất thình lình thì càng vô phương, vì khi chôn cái lu này chỉ có mình ôn, cả nhà đi tản cư trước đó lâu rồi. Những người đào đất làm chậm lại, ai nấy dường như hồi hộp bươi tỉ mỉ nhẹ nhàng từng phiến đất mỏng.  Mọi người trong nhà đã đứng sẵn chong mắt đợi chờ vừa rù rì bàn tán. Chiếc lu gốm màu nâu từ từ hiện ra và được nâng lên thật cẩn thận rồi đưa vào nhà. Mọi người dường như nín thở khi nắp lu được cạy ra. Ngoài đống giấy mục nát, còn lại toàn tô chén xưa loại đồ sứ ký kiểu. Đặc biệt có một bức tranh ngọc cẩn một cành hoa rất nặng, mặt ngọc xưa cũ lạc tinh [ chữ của cụ Vương Hồng Sển ] Thoạt mới nhìn, tôi cảm thấy khối ngọc này có chút gì quen quen hình như thấy đâu, nhưng bất ngờ không kịp nhớ ra.

 

Đêm đó ai cũng vui, trên bàn thờ của ôn mệ đèn hương thơm ngát, người lớn trạo chuyện đến nửa khuya. Trời vui, nên ông đổ một cơn mưa thật lớn, thật mát mẻ và các con tôi ngủ thật ngon cho đến sáng bửng dậy ăn một bụng bánh bột lọc, bánh canh bột xắt nấu với tôm thẻ và cá tràu [ cá lóc ] rồi lục tục bịn rịn từ giã ra về.

 

Bà con ra tiễn lưu luyến căn dặn đủ điều, có bà o khóc tấm tức  “ Con Hải Đường khi mô về nữa con ơi! ” nhìn thấy ôn  mệ tôi già cỗi lưng cong cụm rụm mà tôi chảy nước mắt, cố nhìn cho kỹ từng người, nắm chặc tay từng người,  mà trong lòng nghẹn ngào mơ hồ như thể gặp nhau đây là lần chót. Tôi buồn quá, không chịu nỗi cảnh này nên hối mọi người lên xe, bỗng dưng anh Bá bưng đưa tôi một hộp giấy nặng, nói thật ôn tồn, thật gọn: “ Anh có chút quà, em mang về bên đó, cẩn thận kẻo bể hỉ” Tôi đinh ninh là những gói mè xửng, bánh trái chi đây nên không hỏi, chỉ ôm anh nói cám ơn rồi lên xe vô lại Sài Gòn. Suốt chuyến về, tôi cứ nao nao trong dạ, bà con ai cũng bao dung mình, một đứa cháu nội nói rặc giọng Sài Gòn và năm thuở mười thì mới về thăm Huế !

 

Vài ngày sau, chúng tôi chuẩn bị trở về Mỹ, lúc sắp đặt hành lý, khi xé gói giấy món quà của anh Bá, tôi ngẩn ngơ như không tin vào mắt mình. Trên tay tôi là bức tranh ngọc vừa mới đào lên ở Huế? Tôi không hiểu gì hết, lục lọi cũng không thấy thư từ gì, tôi nóng ruột gọi ngay ra Huế. Tiếng anh Bá chậm rãi và đầy thân tình “ Anh noái em nghe nì. Anh nhớ ra, ôn mình có kể khi mạ em sinh ra em, ông ngoại em mừng nên tặng ôn mình bức tranh ngọc cẩn đoá Hải Đường. Ôn mình qúy lắm cứ sợ mất, hể rụt rịch chi là ôn đem dấu rồi lạc mô tìm không thấy. Hôm em về, lạ, ôn xui khiến cho tìm lại bức tranh ngọc xưa. Cả đêm đó anh lại nghĩ mông lung, chắc ôn muốn em giữ bức tranh đây nì. Còn nơi ni, quê mình cứ loạn lạc không chừng thật dễ sợ. Em ở bên đó an toàn, không can chi hết nên anh yên bụng nhờ em giữ kỷ niệm của hai ôn cho anh hí. Em hiểu và thông cảm hoàn cảnh của anh bây chừ, trông nom hương hoả cho ôn mụ, nhìn trong ngó ngoài không tưởng nỗi, cực ghê a tề ”

 

Tôi hết sức từ chối, nhưng anh không chịu, cứ ép tôi phải giữ lấy bức tranh ngọc xưa cũ kỹ này. Tôi không còn biết nói thêm điều gì, loay hoay cái điện thoại trên tay mà nước mắt cứ lả chả sụt sịt nói không trọn chữ cảm ơn  tấm lòng hiếm hoi của người anh chú bác của mình. Ai nói người Huế, chỉ đãi nhau bằng những câu khách sáo, hả?

 

Về lại nhà, giở lại cuốn album cũ. Tôi nhìn im sửng tấm hình chụp đám cưới ông bà ngoại, trong hình hiển hiện bức tranh ngọc cẩn hai đoá Hải Đường dựng trên chiếc bàn chổ cánh tay cô dâu đang tựa vào….

Bây giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa cái tên của mình./.

 

[ Hầm Nắng, tháng 2 - 2010 ]

 

Thụy Vi
Số lần đọc: 2453
Ngày đăng: 04.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê xứ Bạc Liêu - Ngô Kế Tựu
Miền ký ức màu xanh - Thụy Vi
Bụi đời hay nghiệp lang thang? - Vân Hạ
Tết Dallas - Ngô Kế Tựu
Chân quê hương Tết - Văn Thành Lê
Ký sự Nhà Gươl - Văn Thành Lê
Tự bạch của một linh mục - Nguyễn Vĩnh Căn
Một thoáng Đakbla - Văn Thành Lê
Nơi đầu sông Sré Pok - Văn Thành Lê
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Cùng một tác giả
Tình Rụng (truyện ngắn)
Ghi…vụn! (tạp văn)
Rừng câm (truyện ngắn)
Mê khúc (truyện ngắn)
Chim hót bên trời (truyện ngắn)
Tình Ơi! (truyện ngắn)
Miền Chim Hát (truyện ngắn)
Tình Xanh (tạp văn)
Di Chúc (thơ)
Ô mê ly (âm nhạc)
Trước, Sau (tạp văn)
Phố Nhạc Xanh (tạp văn)
Nói Hay Không Nói? (đối thoại)
Thả Tình (tạp văn)
PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI (truyện ngắn)