Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
771
116.612.949
 
Hà Văn Thể và cảm thức bên những tinh cầu hừng hực thầm trôi
Dương Kiều Minh

Tắt mặt trời. Nồng bụi tro than

Gió hú thét. Đá rầm rầm chuyển động

Tôi cưỡi đá bay qua phố phường, đồng ruộng

Hoảng loạn gọi con người- người trốn biệt nơi nao

Không khỏi bất ngờ, vào lúc này còn có những nhà thơ ôm theo khối tâm sự từ thế kỷ XX với dòng lãng mạn đến chân thành, như cơn gió thổi ào đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI:

“Tôi nhìn về phía ngôi nhà của mình sau màu mây trắng

Thấy tất cả những ngôi nhà đã trắng màu mây

(…)

Vũ trụ vạn kỷ nay bình lặng

Những tinh cầu hừng hực

Thầm trôi”

(Tản mạn)

    

Mơ mộng quá và cô đơn quá! Trơ trọi vì yêu con người quá hay là dự cảm hoặc một sự cảnh báo về một nền đạo đức chăng? Có những câu hỏi sẽ được đặt ra, nhưng đối với tôi, những câu thơ này vẫn hút tôi về phía một tinh cầu nhỏ bé của nhà thơ đang lượn theo vòng quay miên viễn của trái đất và của thế thái nhân tình. Tinh cầu nhỏ bé ấy đang theo sát con người, trong chờ đợi và hy vọng.Liệu ai dám quả quyết rằng suốt cuộc đời, họ sẽ chẳng bao giờ rơi vào những hoàn cảnh khó khănvà nhận ra mình hoàn toàn trơ trọi, bất lực, chẳng là cái gì đáng kể ở trần gian này?

    

Sự trơ trọi và hoang vắng được tạo nên trong những câu thơ thuộc về thế giới tâm cảm phát lộ từ thần thức của nhà thơ. Nếu xét về phương diện lý trí, chúng không là hiện thực- song, chúng vẫn cuốn hút bởi khát vọng giao cảm giữa con người với con người được đặt ở vị trí cấp bách. Và, tôi nhận thấy cái tinh cầu nhỏ bé của nhà thơ đã đánh thức toàn bộ những xung động tiềm ẩn  về tính nhân văn đang chứa ẩn trong mỗi chúng ta. Ngay lập tức, chúng lấp đầy cái hố vực hoang vắng trơ trọi từng hiện ra trong tâm thức con người.

    

Đoạn thơ tôi vừa trích dẫn ở trên nằm trong tập thơ “Lạy xin mây trắng” của nhà thơ Hà Văn Thể, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2005. Trước tập thơ “Lạy xin mây trắng”, Hà Văn Thể đã xuất bản ba tập thơ: Khi tôi trên mặt đất (1991), Thời bình (1995) và tập thơ dành cho thiếu nhi Vườn cây bà ngoại (2001). Tôi đã được đọc tập thơ Khi tôi trên mặt đất của Hà Văn Thể, và đến Lạy xin mây trắng, tôi thấy rằng Hà Văn Thể vẫn duy trì được cái năng lượng thi sỹ đã được thổi lên từ tập thơ đầu tay của anh. Khi tôi trên mặt đất là một trong những tập thơ mà tôi có ấn tượng cho tới lúc này. Ở đó, cái tinh thần thi ca lãng mạn, phóng túng và vô cùng chân thật- nó như ngọn gió đầy hứng khởi và nhiệt huyết cuốn đi trong “cõi người ta”. Và tôi nhớ mãi Hà Văn Thể với bức chân dung mà anh đã tự phác họa cho mình. Tất nhiên, đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi, còn sự cảm nhận được đánh giá của những người trong giới như thế nào, thực ra tôi làm sao mà quan tâm hết được.

    

Lạy xin mây trắng là tập thơ tiếp tục duy trì cái khí mạch chính của thơ Hà Văn Thể. Ở nước ta, hình ảnh cây cọ vốn là loài cây đặc trưng của vùng trung du, từng được mô phỏng và tái hiện trong nghệ thuật và thơ ca. Đến Hà Văn Thể, hình ảnh cây cọ đã được đẩy lên thành hình tượng thâu tóm toàn bộ hồn vía, mang tính tâm thức tâm linh đặc trưng văn hóa trung du.

Đây là hình ảnh thực của cây cọ gắn với đời sống cá thể của nhà thơ:

Ban mai tôi thức dậy

Vẫn cây cọ trước nhà

Những tàu xanh

Sương đêm vơi đi phần tươi non của lá

Chiếc gai dần cứng lại và cùn

Ban mai tôi thức dậy

Gặp sợi tóc trên đầu rụng xuống

(Ban mai)

    

Cây cọ hiện lên song trùng với chặng đời mang tính sinh học của nhà thơ. Theo thời gian, qua nắng lửa, qua gió rét, rồi bão táp mưa sa, làm “vơi đi phần tươi non của chiếc lá/ Chiếc gai dần cứng lại và cùn”. Rồi “Ban mai tôi thức dậy/ Gặp sợi tóc trên đầu rụng xuống”, ta như nghe thấy tiếng vang lên của tàu lá cọ vừa rụng xuống trên sườn đồi. Cũng hình ảnh cây cọ này được đẩy lên thành hình tượng “Như người lính đứng canh dọc thuở Vua Hùng”:

Bởi yêu đất những người lính ngàn năm không đi khuất

Hóa thân tươi xanh đứng hát giữa trời

(Những cây cọ trung du)

    

Cây cọ được dựng dậy trong sáng tạo của Hà Văn Thể chính là những người lính tự nghìn năm “đứng canh dọc thuở vua Hùng”, “Áo giáp khiên xanh/ Vung gươm lên thề cùng trời đất” đã hóa thành những cây cọ hiên ngang vẫy gió giữa đại ngàn. Với hình tượng cây cọ này không thể không ghi điểm về sự sáng tạo độc đáo của thơ Hà Văn Thể. Hình tượng cây cọ đã thâu tụ và truyền dẫn đầy đủ khí mạch từ nguồn cội tổ tiên, phất lên ý chí kiên cường, khí phách giống nòi của dân tộc Việt. Ở một cảnh giới khác, nhà thơ đã tự bạch một cách cụ thể chân thực như sau:

 

Khu vườn của làng nhỏ tôi ơi

Nơi thịt da tôi sinh thành, nơi anh em quần tụ

Dưới lớp đất nâu kia và trên ngọn cây kia

Tôi hoà tan trong tươi non, trong cằn cỗi

Giữa bầu trời nặng như trì

Hoặc nhẹ bẫng như không

Tôi là đám cỏ khô, là dòng nhựa chảy

Tôi hòa vào mặt đất nhão bùn

Là những hoàng hôn và ban mai hối thúc

Giữa dòng người đến sau, đến trước

Cùng hát lên khát vọng tổ tiên mình…

(Khúc hát về làng nhỏ)

    

Đọc thơ Hà Văn Thể, xuất hiện trong tôi một ý nghĩ, tôi băn khoăn về ý nghĩ này, nhưng rồi cuối cùng quyết định vẫn nói ra: hình như kiếp trước Hà Văn Thể mang bản thể mộc, tức là cây thì phải.

    

Không chỉ hình tượng cây cọ, mà hình ảnh đặc trưng về cây đa ở làng quê hiện dậy trong thơ anh với nhiều nét riêng biệt và có đặc trưng “Hà Văn Thể”. Có lẽ vì vậy, chúng tạo sự ám thị đối với tôi khi tiếp xúc với những hình ảnh thơ này:

 

Cây đa mấy trăm năm ở ngã ba đường

Nhân chứng cho sự đi về, lụi tàn hay phát đạt

Cây đa cổ thụ ngã ba đường

Từng chứng kiến cuộc- ra- đi- lặng lẽ

Những cuộc ra đi, đi mãi, đi dài

Tạc lên gương mặt người vết chìm nổi thời gian

Tạc lên con đường nặng nề sỏi đá

Tạc lên cánh đồng mưa, nắng, bão, lũ

Tạc lên dòng sông khuya khoắt, đầy vơi

Trong giấc ngủ chập chờn kiệt sức

Lại mơ về đầy đặn ngày mai

(Khúc hát về làng nhỏ)

 

    

Cây cối cũng như sinh vật cùng, Hà Văn Thể đã sở hữu chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật vào thế giới và đời sống của chúng với cái nhìn nhất thể:

 

Mỗi loài có cuộc sống riêng, một bài ca, một lễ hội riêng mình

Bình đẳng, tự tin giữa đất trời nắng mưa, bão táp

    

Đọc đoạn thơ, tôi thấy tin ngay sự khơi mở từ những câu thơ về đời sống của muôn vật, chúng đều có một lễ hội của riêng mình. Phát hiện này quả là lạ và độc đáo

 

*

   

Đọc tập thơ Lạy xin mây trắng, tôi tiếp tục bị thuyết phục bởi những ý tưởng được khơi lên từ những câu thơ. Tại một bài thơ, nhà thơ kể về “làn gió sớm mai ùa vào căn nhà nhỏ”, và nhà thơ nhận thấy chúng “sắp xếp những bộn bề ngày qua còn lại/ Chở ý nghĩ tôi ra khỏi ngôi nhà”.

Phải để lòng trống vắng thanh tĩnh lắm, cùng với đôi cánh của sự lãng mạn mới cảm nhận được sự sinh động biến hiện của làn gió đến như vậy.

   

Ơi chú nhện giăng tơ ngoài cửa sổ/ Dệt nên tấm lưới mẫn cảm bằng thịt da mình…/ Con tôi mở cửa ra vô tình làm hỏng mất/ Nhưng chú không buồn/ Lại nhẫn nại dệt nên tấm khác/ Bởi thế ngôi nhà tôi có bao nhiêu sinh linh, thì bấy nhiêu niềm hy vọng/ Cứ diễn ra như thế ngày ngày (Bài ca ngôi nhà nhỏ)

      

   

Đoạn thơ này tàng chứa dấu vết Phật tính, làm tôi hoàn toàn bất ngờ. Đây là một sự thật chưa hề được biết tới, chưa có nhà thơ nào nói bằng một cách chân thực và trực tiếp về sự hiện diện có tính thiêng liêng của một sinh linh bé nhỏ, luôn hằng tồn tại bên cạnh đời sống của chúng ta, như Hà Văn Thể vừa biểu đạt bằng một ngôn ngữ giản dị; và chúng quả đã được hiện hình từ một đời sống đặc biệt, một kinh nghiệm đặc biệt của nhà thơ.

   

Có lẽ xuất phát từ cảm nghiệm về cái nghiệp lực đeo đẳng con người trong cuộc sống nơi trần gian, làm cho nhà thơ không khỏi bận lòng.

 

Chợ trần gian họp ngày đêm

Bước chân mỏi mệt vấp trên cõi đời

Bao nhiêu người trước khuất rồi

Lối sau ngoảnh lại, lá rơi lấp đầy

(Đi chợ trần gian)

    

Hình như có một sự phũ phàng nào đó phả lên từ những câu thơ lục bát này, và nỗi niềm thật không mới nhưng chưa từng cũ, bởi những lời đó phù hợp và chỉ thẳng vào đời sống tâm thức của con người, thời nào cũng vậy không ai tránh được.

 

Phố nhỏ ven sông

Cứ đêm đêm vẳng về tiếng chim thảm thiết

Chúng tìm gì trên nóc phố nhấp nhô

Trên những ngôi nhà trăm năm hình thù không đổi khác

Chỉ có những khuôn viên méo mó, vuông vức

Nơi con người trú ngụ, được chở che

Từ lúc lọt lòng trần trụi sinh ra

Đến khi mở cửa: Đi khuất

(Tiếng chim kêu đêm)

    

Chúng ta từng biết, thế giới trước hết hiện ra khi chủ thể tự phóng chiếu ra ngoài. Sự sợ hãi mất mát chính mình rình rập sau mỗi con người. Làm sao thoát khỏi ảo giác của sinh thành hoại diệt. Thực ra, khi con người ta khuất núi, rời khỏi thế gian “chỉ là giai đoạn rơi xuống một đời sống mới, đời sống này mang con người tới gần đích giải thoát thêm một bước nữa. Đây chính là mục đích cao tột, cuối cùng của tất cả các cố gắng trong kiếp người”. (C.G.JUNG)

    

Những câu thơ trên của nhà thơ Hà Văn Thể đã mở toang cánh cửa trực tiếp đối diện với một vấn đề cơ bản nhất của con người, đó là cái chết; nhưng với một cách nhìn, một tâm thế vô cùng bình thản nhẹ nhõm:

 

Từ lúc lọt lòng trần trụi sinh ra

Đến khi mở cửa: Đi khuất

     Cái chết chỉ là những cuộc đi, những hành trình dù miên viễn nhưng đã được định sẵn, với tâm hồn đã được khai phóng.

Tôi nhìn về phía ngôi nhà của mình sau màn mây trắng

Thấy tất cả những ngôi nhà đã trắng màu mây

Ta sống, người ơi ta được sống

Dẫu rủi ro cũng là hạnh phúc rồi

Vũ trụ vạn kỷ nay bình lặng

Những tinh cầu hừng hực

Thầm trôi

(Tản mạn)

   

Một cuộc đi, ngoái lại và sự bình thản tràn ngập dâng cao. Nguyên sự sống, được sống đã là sự hân hưởng niềm vĩnh phúc lớn lao, dẫu những rủi ro cũng là những yếu tố cần thiết để xác lập nên cái vĩnh phúc của cuộc đời mỗi con người,    như Những tinh cầu hừng hực/ Thầm trôi. Hỏi còn muốn gì hơn?

 

“Thế giới có thực là một thế giới có niềm vui, nỗi buồn, có thiện, có ác. Tóm lại đó là một thế giới luôn luôn có hai cực, thế giới nhị nguyên. Nếu có ai đứng ngoài được sự tranh chấp giữa hai cực đó, người ấy sẽ hiểu được tri kiến nhất nguyên. Với tri kiến này, người ta sẽ không còn mâu thuẫn, vì nhìn thấy được vạn hữu trong một thể trọn vẹn thống nhất” (Lạt ma Chogyam Trangpa Rinpoche). Những ý thơ của Hà Văn Thể thực tế đã tiến sát những vấn đề rất cơ bản mà những kiến giải tôi vừa dẫn trên đây với những câu thơ sâu sắc một cách trực giác. Có một điều bất ngờ đối với tôi khi đọc tập thơ Lạy xin mây trắng của Hà Văn Thể, đó là dấu vết Phật tính nơi khoảng trống rỗng tâm hồn anh, chúng được hiển lộ thành công năng của những câu thơ. Điều này tôi chưa từng nghĩ đến khi đọc thơ của nhiều nhà thơ, đặc biệt đối với thơ của Hà Văn Thể tôi lại càng không có một gợn ý thức nào trước khi đọc tập thơ mới xuất bản của anh. Ấn tượng mạnh mẽ nhất của thơ Hà Văn Thể đối với tôi trước đây là tinh thần lãng mạn trong những vần thơ đầy dung dị, đến tập thơ mới này vẫn còn tiếp tục duy trì khí mạch đó- dù chúng chưa phủ được ở một diện rộng và dâng thành cao trào. Nhưng, một điều kỳ diệu là sự xuất hiện phẩm tính Phật tính trong tập thơ mới này, quả có gây chấn động trong tôi- tiếc rằng, yếu tố mới mẻvà cuốn hút này anh chưa tạo được một dòng chảy là mạch chủ mạnh đủ quán xuyến toàn bộ tập thơ.

    

Cách đây vài ngày, do vô tình tôi gặp Hà Văn Thể, trong khi trò chuyện tôi nhắc lại kỷ niệm, ấn tượng từ tập thơ đầu tay của anh Khi tôi trên mặt đất,  Hà Thể bộc bạch rằng, tập thơ đó ám anh đến bây giờ, nó làm anh long đong vất vả và lận đận đường đời. Tôi đùa anh: nếu không còn long đong, lận đận, chắc gì đã còn thơ? Hà Văn Thể lặng im, tôi thấy đôi mắt anh nhìn xa vời.

 

Đêm

Ngọn đèn

Khuya khoắt

Khi những con muỗi no nê đi ngủ rồi

Gió không còn về lay cửa

Trang giấy thành biển khơi…

Tôi ngửa mặt lên trời

Bóng tối nửa tinh cầu đè xuống

Những âm thanh không có trên mặt đất

Vây bủa tôi

Lại như mọi lần

Tôi khát đợi một tiếng chó sủa

Tôi cầu mong một tiếng đập cửa

Tiếp sức cho mình đón một bình minh

(Hằng đêm)

    

Những câu thơ hiện trên trang giấy trắng quá mỏng manh, mà mênh mông vô tận dường nào. Áp lực của cuộc sống hay áp lực của kiếp người như một trái núi lớn đè lên thân tâm nhà thơ?- Và một lần nữa, tôi lại thấy hiện lên một cái tinh cầu nhỏ bé của nhà thơ trống trải, cô đơn và trơ trọi quá, hoang vắng quá, mà chất chứa trong lòng nó một khối lửa nóng bỏng, đang miệt mài lượn theo vòng quay của thế gian, không ngớt biến động của kiếp người, quỵ xuống rồi lại gắng gượng đứng dậy: Lại như mọi lần/ Tôi khát đợi một tiếng chó sủa/ Tôi cầu mong một tiếng đập cửa/ Tiếp sức cho mình đón một bình minh.

 

Nghị lực hay là khát vọng, hay là tác động của một nghiệp lực theo đuổi? Tôi vẫn thấy bao quanh nhà thơ ngọn lửa rừng rực trong hoang lạnh và trơ trọi. “Tôi cưỡi đá bay qua phố phường, đồng ruộng/ Hoảng loạn gọi con người- người trốn biệt nơi nao

    

Ôi, ở thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 này, nhà thơ còn khao khát về con người đến vậy sao- đó có phải là câu hỏi lớn dựng lên trước thời đại này!./.

 

Hà Đông, 12.2005

Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 1880
Ngày đăng: 05.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhìn gần vài dung nhan thơ trẻ nữ Sàigòn - Nhị Ka
Hồn nhiên Lê Thị Kim - Trọng Vũ
Nhờ Văn chương Việt đính chính giùm - Võ Văn Nhơn
Đọc Thơ Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Tuyệt Huyết Ca của Đặng Tấn Tới - Mang Viên Long
Thêm một khám phá đáng trân trọng về cái đẹp - Phạm Quang Trung
Bình luận về Chỉ thị mới nhất của Chính phủ Phổ về Kiểm duyệt - Karl Marx
Đợi đêm lá mới lìa cành - Lâm Xuân Vi
Đọc bài thơ: NGÀY CHẾT TIỆT của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Hàn Mặc Tử , Chín Một Tình Xuân - Lê Khánh Mai
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)