Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
631
116.493.918
 
Cái chết trong bữa ăn
Nguyễn Đình Phư

Chúng tôi vừa đưa tiễn một anh bạn về bên kia Thế giới. Anh ra đi thật nhẹ nhàng sau một bữa liên hoan thịnh soạn đầy đủ rượu bia và sơn hào hải vị. Câu chuyện cũng từ đó mà dẫn đến việc tranh luận giữa hai người:

-  Chung quy cũng chỉ vì miếng ăn! Tôi kết luận.

- Ông nói cũng phải. Nhưng mà trên Trái Đất có hơn sáu tỷ người thì tám phần trong số đó vẫn lo miếng ăn hàng ngày. Bình cũng quả quyết.

- Mà ông ạ, chẳng đâu xa, cứ nhìn vào anh em mình thì biết. Lương công chức, thậm chí lương giáo sư đại học như ông và tôi cũng chẳng nuôi nổi thân mình thì làm sao mà nghiên với chả cứu.

- Ai mà chẳng lo miếng cơm manh áo. Chẳng biết khi nào người ta mới xây dựng xong một xã hội mà không cần làm gì vẫn được hưởng thụ thoải mái theo nhu cầu cá nhân!

- Ông còn lo nỗi gì? Người ta đã có học thuyết hẳn hoi!

- Nhưng để tới đó cũng còn lâu. Ngẫm về miếng ăn, suy cho cùng nó vừa là niềm hạnh phúc vừa là nỗi nhục. - Tôi điềm đạm nhưng dứt khoát trả lời Bình để ra về.

Nói đơn giản vậy thôi, nhưng khi chia tay Bình rồi mà tôi vẫn cứ nghiền ngẫm về điều đó cả tháng trời. Nào là con người sống vì mục đích gì mà cái ăn quan trọng đến vậy? Nguồn gốc của mọi sự đấu tranh sinh tồn, tranh giành … cướp giật là do đâu? Những hình ảnh và những câu chuyện về cái chết trong bữa ăn cứ thế ào ạt hiện lên trong tâm trí tôi. Đó là những cái chết trong chiến tranh một thời khói lửa: đang ăn bị pháo kích – chết; đang ăn bị đạn lạc, bị bom nổ chậm, bị tập kích,… chết. Đi đánh nhau bị lạc, bị đói lâu ngày nên khi ăn phải hoa quả độc hoặc ăn bội thực mà chết… Nhiều đêm mất ngủ vì những hình ảnh của những đồng đội quặn quại trong vũng máu pha trộn những miếng lương khô đạm bạc. Hơn một nửa bạn bè tôi ra đi đã nằm lại ở chiến trường, trong số đó cũng có nhiều đứa đang ăn mà chết.

Nhưng có một cái chết chẳng phải của người thân hay của đồng đội gì mà nó lại ám ảnh tôi nhiều đến thế, thậm chí bắt tôi theo nó suốt một đời !

 

*

 

Dạo đó chiến trường Cămpuchia trở nên ác liệt. Bọn tàn quân Pônpốt đang co cụm lại trong những cánh rừng phía tây, thậm chí rất gần thủ đô Pnômpênh. Quân tình nguyện thường xuyên bị phục kích bất ngờ nên tổn thương rất lớn. Mặt trận lại cần những chàng trai, những cô gái trẻ tuổi dấn thân. Tôi nhận lệnh tái nhập ngũ khi đang ngỗn ngang bộn bề công việc. Mặc dù ăn bo bo ngày hai bữa nhưng vẫn vừa phải lên lớp giảng dạy, vẫn vừa phải nghiên cứu khoa học. Chiến tranh biên giới Tây Nam cũng ngốn mất mấy tháng đắp lũy đào hào. Nhưng lần này thì ra trận thật. Cũng chẳng có gì để băn khoăn với anh giáo trẻ chưa có gia đình riêng. Tôi xách chiếc ba lô con cóc một thời đánh Mỹ tạm biệt mái trường, tạm biệt bạn bè, tạm biệt thành phố mà ra đi. Ngày đầu tái ngũ, tôi cứ tưởng mình là lính cũ và sẽ được ra trận ngay, nhưng không ngờ tôi lại được đưa về Trường Quân chính của Quân khu. Tuy là Trường nhưng nó chẳng khác gì một doanh trại. Những căn nhà nằm đan xen giữa những cánh rừng và đồi khoai mì xanh tốt. Ở cái thời buổi được chèn đầy củ mì vào bụng đã là hạnh phúc thì chúng tôi đang thật sự là những người hạnh phúc. Lá khoai mì vò kỹ rồi nấu canh hoặc luộc, khoai mì thì đủ nhiều để có thể nướng, luộc và cả xào,… Trong khi đó, gần doanh trại có một làng kinh tế mới, người ta cũng trồng khoai mì nhưng cây thì xơ xác. Họ hái lá nhiều quá mà phân bón thì chẳng có, cây khoai mì được phó mặc cho trời đất nên lấy đâu ra mơn mỡn xanh tốt như của mấy anh bộ đội.

 

Hễ có dịp là tôi lại lân la những gia đình kinh tế mới. Dần dà rồi thành khách quen của cả xóm. Những đứa trẻ đen nhẻm đói ăn gầy xơ xác vây quanh. Bao giờ tôi cũng có quà cho chúng, khi thì vài bát cơm lính, khi thì vài mẫu bánh mì cứng như đá nhưng vẫn được coi là quà bánh của một thời bo bo đói khát.

-  Chú Thi hôm nay ra chơi? Ông Năm mình mẩy đầy mô hôi hỏi tôi.

-  Vâng chào bác. Trời nắng dữ mà bác không nghỉ ngơi sao?

-  Nghỉ sao được chú! Không khéo mùa này chẳng có gì mà nuôi mấy cái tàu há mồm. Chứ chẳng bỡn!

-  Gớm! Bác làm gì mà lo cuống lên vậy. Tình hình rồi sẽ khác đi chớ.

Tôi an ủi ông mà lòng nặng như chì. Chiến tranh triền miên, dân mình đã chịu bao đau thương vất vả và đói khát,… Đến bao giờ nữa đây? Vừa mới thoát ra khỏi bom đạn, có người vừa mới hứng khởi: “ Mình đã đánh thắng ba đế quốc to. Đất nước sẽ hòa bình vĩnh viễn! Từ nay sạch bóng quân thù! ” thì đùng một cái chiến tranh phía Nam, chiến tranh phía Bắc. Nhìn những gương mặt thiếu ăn lâu ngày phờ phạc bởi họ chẳng có gì ngoài mấy củ mì chấm muối. Nhà ông Năm có tới sáu miệng ăn. Hai vợ chồng làm nương rẫy nuôi bốn đứa nhỏ sàn sàn tuổi nhau. Trong thời buổi khó khăn thóc cao gạo kém mà cũng chẳng biết mua ở đâu thì ăn củ mì còn chưa no, huống gì là cơm. Cơm là thứ ước ao xa xỉ!

 

Một buổi tối cuối mùa khô. Oi nồng. Ngột ngạt. Hình như chẳng có tý gió nào làm dịu được cái nóng sau một ngày Mặt Trời hun đốt đồi đất đỏ bazan. Rồi mây vần vũ kéo đen cả bầu trời, ngột ngạt, những giọt mưa đầu mùa rơi, rồi bổng chốc ào ào, chỉ trong chốc lát, nước chảy như thác đổ. Điện đóm chẳng có nên mọi người quây quần bên bữa tối với ngọn đèn dầu leo lét. Gia đình ông Năm hôm đó lại có khách thành phố lên chơi. Hai lần ông Năm bảo cháu lớn sang mời, nhưng nào tôi có sang được. Đang là lính thời chiến, dễ gì tùy tiện. Tiễn cháu Quang, khi bóng nó khuất sau dãy khoai mì cũng là lúc chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị hành quân ngay trong đêm. Đã bao lần hành quân, đã bao lần ra trận, nhưng tôi nào có bình tĩnh được đâu. Bụng dạ cứ ngỗn ngang, bồn chồn lo lắng. Vẫn biết giờ người lính ra đi vậy đó … Lệnh ban xuống rằng mọi người phải tranh thủ chợp mắt để đêm nay hành quân nhưng chẳng ai ngủ được.

 

Ngoài cổng doanh trại bỗng ồn ào. Tiếng năn nỉ cầu xin, tiếng khóc ré lên. Mọi người đổ ra sân trong khi trời vẫn mưa. Các bác sĩ cấp cứu đi lại gấp gáp. Một hồi lâu thủ trưởng cho gọi tôi lên trạm xá. Hỏi ra mới biết có người dân bị rắn độc cắn. Thủ trưởng biết tôi là nhà bò sát học, lại là chuyên gia về rắn độc nên ông hy vọng tôi có thể giúp được gì đó. Bước vào trạm xá, tôi nhận ra ngay bác Năm – người vừa rủ tôi qua nhà chơi. Miệng bác sùi bọt, lên cơn co gật, da bắt đầu tím tái. Bác bị nọc rắn độc của con hổ mang chúa. Bệnh nhân không được sơ cứu, không được thắt garo, giờ thì protein lạ – một độc tố chết người đã vào tận tim. Không có huyết thanh ngựa, chẳng thứ gì để cấp cứu. Sự việc đã quá trễ, đến nước này thì chúng tôi chỉ biết lặng im đứng nhìn ông Năm chết. Cái chết này chỉ vừa xảy ra ít phút, ngay trong bữa cơm tối. Đã lâu lắm rồi họ mới có gạo nấu bữa ăn. Hai người bạn mang lên từ thành phố dăm cân gạo tặng gia đình ông. Nói là cơm, nhưng mì trộn nhiều hơn cơm. Tám con người ngồi quanh ngọn đèn dầu tù mù vệu vạo nhai nuốt những miếng sắn khô. Ba ông già vừa nhâm nhi vài ly rượu cây lý mới được mang về từ thành phố vừa nói chuyện nhân tình thế thái, về tình hình chiến sự ở hai đầu biên giới. Đang mãi vui vẻ, bổng rầm một cái. Mọi người chưa ai hiểu ra đầu cua tai nheo gì thì ông Năm đã giơ tay nắm gọn con hổ mang vừa ngóc đầu dậy phì phì. Ông Năm còn biểu diễn quay con rắn mấy vòng, kiểu nhà hàng Tri Kỷ ngày nào. Ông Năm nhanh đến lạ. Một nồi cháo rắn thơm phức bốc khói nghi ngút. Những khúc rắn trắng hếu dành cho ba người nhậu cũng được vớt ra đĩa. Mọi người lại hỷ hả ngồi xôm tụ bên bàn ăn. Cháo vừa múc xong. Ông Năm giơ tay lên và trịnh trọng:

-  Chẳng mấy khi các bác lên chơi. Trời chiều lòng ta có món đặc sản.

Vừa nói tới đó thì một tiếng rầm nữa trên bàn ăn. Lần này, cũng nhanh như chớp, nhưng không phải ông Năm mà là con rắn khác. Nó đớp vào tay ông Năm một phát và trườn trên đầu mọi người mà bỏ chạy. Tất cả hoảng loạn đổ kềnh ra. Mấy đứa nhỏ kêu ré lên. Hai người khách thậm chí sợ đến vãi cả linh hồn. Khi định thần lại được thì họ vẫn thấy ông Năm còn nằm.

- Dây đi cha nội, thịt rắn nguội hết rồi!

Một người bạn lắc lắc người ông Năm. Nhưng than ôi, chất độc của loài rắn hổ chúa đã làm cứng họng nạn nhân. Ông Năm vẫn nằm bất động.

-  Ông bị rắn cắn rồi! Ai đó hét toáng lên. Khi mọi người hiểu ra thì đã quá muộn. Hai người đàn ông thay nhau vác ông Năm băng qua ngọn đồi đến doanh trại bộ đội.

 

Buổi tối đầy mưa gió và sấm chớp đầu mùa như đưa tiễn chúng tôi – những chàng trai trẻ ra trận.

 

*

 

Những mùa khô trên đất Cămpuchia oi nồng không nước uống, những mùa mưa như muốn nhấn chìm tất cả. Ở đó cũng chẳng ít những cái chết của đồng đội. Tôi vẫn mãi miết theo đoàn quân Tình nguyện. Tại mỗi nơi dừng chân tôi đều chú ý đến những thứ lá cây chữa rắn cắn. Trong chiếc balo của người lính luôn sẵn có cuốn tập để tôi ghi chép.

 

Ngày ra quân về lại trường đại học, tôi lao ngay vào công việc đi sưu tầm trong dân gian và tiến hành nghiên cứu những bài thuốc chữa hiệu nghiệm. Thế đấy, cái chết trong bữa ăn đó đã theo đuổi tôi suốt một đời. Thuốc thì đã tìm ra. Hàng trăm ca bị rắn cắn đã được cứu chữa. Nhưng cho mãi tới bây giờ tôi vẫn không thể nào lý giải nổi điều trăn trở nhất: Tại sao con rắn kia – một con bò sát thuộc loại động vật cấp thấp lại biết báo thù kẻ đã sát hại “vợ” mình?./.

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 2155
Ngày đăng: 10.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vọng phu - Nguyễn Đình Phư
Mơ ước một mùa xuân - Trần Minh Nguyệt
Đời không là … - Nguyễn Minh Phúc
Đi qua thời thiếu nữ - Vân Hạ
Y tá xã - Đỗ Ngọc Thạch
Lụy chữ - Bạch Lê Quang
Chênh vênh vực thẳm - Dương Phượng Toại
Ngày không như mọi ngày - Khôi Vũ
Cà phê từng giọt - Nguyễn Đình Phư
Bà Tôi - Phùng Thành Chủng
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)