Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
721
116.602.253
 
Bán danh
Nguyễn Đình Phư

Trước cuộc họp Hội đồng Khoa học, chúng tôi rũ nhau ra canteen cơ quan ngồi uống nước. Vừa nhâm nhi ly café vừa tán gẫu. Câu chuyện hôm nay xoay quanh vị Giáo sư đầu ngành Lê Lộc bị tai biến mạch máu não đang cấp cứu ở bệnh viện. Giáo sư Đắc lên tiếng trước:

- Đúng là mua danh ba vạn, bán danh ba đồng !

- Thì có ai mua một mà bán được mười đâu? -Tôi phụ họa. Ở đời, người ta mua là chính, có mấy ai bán và cũng không dễ bán đâu.

- Bây giờ người ta bán bạc triệu đó ông ạ.

- Vậy ư, vậy là tôi lạc hậu rồi. Nhưng tại sao hôm nay các vị lại nói về danh tước vậy nè?

- Ông Hòa không biết gì sao? Giáo sư Đắc hỏi tôi. Số là ông Lộc sắp đi rồi.

- Ủa, mới đầu tuần ổng còn hăng tiết lắm mà. Nói chuyện một mạch liền tù tỳ ba bốn giờ đồng hồ về quan hệ Triết học biện chứng với Khoa học Tự nhiên. Tôi thật sự ngạc nhiên.

 

Cuộc họp hôm nay cũng nhằm thông báo tình trạng sức khỏe của Giáo sư Lê Lộc cùng việc bố trí lại người thay Giáo sư Lộc hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh. Giáo sư Lê Lộc bị tai biến mạch máu não vừa được chuyển từ Trung tâm cấp cứu Sài gòn về bệnh viện Thống nhất. Tôi là người duy nhất cùng ngành hẹp với Giáo sư nên phải cáng đáng thêm công việc hướng dẫn kia. Ngay sau cuộc họp, Hội đồng quyết định đi thăm Giáo sư Lê Lộc.

 

*

 

Ông Lộc sinh ra từ dạo có phong trào Xô -Viết Nghệ -Tĩnh. Hôm đó cha ông vừa từ Huyện về thì mẹ ông chuyển dạ. Người làng nói rằng cậu bé này sẽ được hưởng bổng lộc của chế độ mới, nên ông bà nội đặt tên cho là Lộc (Dù rằng phong trào này sau đó bị đàn áp và mãi tới Cách mạng tháng Tám mới thành công trở lại). Dòng họ Lê quê ông một thời nổi danh ở xứ này. Họ Lê không có tên lót như Lê Đình Lộc, Lê Văn Lôc,… mà chỉ ngắn gọn Lê Lộc. Nhiều đứa bạn cùng trang lứa vẫn đùa rằng Lê Lộc là cháu của Lê Lợi và bà con với Lê Nin,… Chỉ là đùa nhưng xem ra nhờ thế mà đi đâu cái danh của ông cũng có giá. Cách mạng tháng Tám thành công, ông bước vào tuổi mười sáu. Cha ông thoát ly, nhà neo người nên bà mẹ bắt ông cưới vợ. Mãi đến năm 1954 vợ ông mới có thai lần đầu. Bụng mang dạ chữa, bà vẫn tiễn đưa chồng tận bến sông. Hai bố con ông tập kết ra Bắc. Bà vợ ở lại nuôi mẹ chồng. Sau đó con gái họ sinh ra được hai tuổi thì bị sốt xuất huyết rồi mất vì không có thuốc men. Mẹ và vợ ông chịu bao nhiêu sự đớn đau từ phía chính quyền và tụi lính của chế độ Việt Nam cộng hòa. Hai người đàn bà 20 năm vò võ chờ chồng chờ con cũng là 20 năm sống trong nỗi lo sợ tai họa ập đến bất cứ lúc nào.

 

Trên đất Bắc, Lê Lộc được vào học trường bổ túc Công Nông Hòa Bình. Tốt nghiệp trường đại học sư phạm, ra trường ông đi dạy Trung học cùng ngành ở một tỉnh xa Hà nội. Những năm chiến tranh ác liệt ở miền Bắc ông không phải tham gia một ngày nào. Đơn giản thôi, đó là những năm Lê Lộc được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Bulgaria. Vừa đến đất nước Hoa hồng xinh đẹp, Lê Lộc được cô Thơm - con gái của một vị trong Sứ quán yêu thương. Cô Thơm sang từ trước, đang làm nghiên cứu sinh về thực vật. Họ làm lễ cưới ngay tại Sophia và chỉ cần bảy tháng sau một cậu bé bụ bẩm ra đời, dù rằng vợ Lê Lộc sinh thiếu tháng. Chính nhờ lý do đấy vợ chồng ông được lưu lại làm việc tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Khi về nước, gia đình Lê Lộc chuyển hẳn vào Sài gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ là đích ngắm của ông từ lúc còn ở tận đâu đâu bên trời Tây. Lê Lộc cũng đã kịp ghé về quê. Mẹ ông đã qua đời từ năm 1968 chiến tranh ác liệt. Bà vợ cả vẫn ở vậy chờ chồng. Khi biết Lê Lộc có vợ bé và đứa con, chẳng ai hiểu bà buồn hay vui nhưng bà nói với ông như chính bà là người có lỗi: “Tôi đã có lỗi với ông và dòng tộc. Thôi thì nay chúng ta đã có con trai nối dõi tông đường cho dòng họ Lê rồi”.

 

Sau đó ít lâu Lê Lộc lại được đi thực tập sinh cao cấp ở các nước Xã hội Chủ nghĩa, nhiều người lấy làm lạ. Lê Lộc sinh năm 1930 đã quá tuổi bảo vệ luận án tiến sĩ bỗng nhiên được trẻ lại. Lý lịch đã được sửa chữa, ông đường hoàng sang Trời Tây làm luận án Tiến sĩ. Dạo đó Đông Âu đang rục rịch cơ chế thị trường, đi đâu cũng nghe bàn đến vấn đề tách khỏi Liên xô. Nguồn hàng từ Đông Âu qua Nga thì không ngừng cấp tập còn đôla Mỹ từ Nga thì bí mật được tuồn qua biên giới. Vào những năm tháng chuyển đổi chế độ đó, chẳng hiểu từ đâu mà Lê Lộc lại có hộ chiếu ngoại giao nên ông sẵn sàng cửu vạn đôla cho các đại gia người Việt khắp Đông Âu. Lê Lộc còn quen nhiều giáo sư Việt nam đang đi chuyên gia Châu Phi, hàng chục vị đã nhờ Lê Lộc mua xe máy second hand từ Nhật bản gửi về Sài gòn. Tiếng tăm Lê Lộc đã vang khắp Đông Âu. Có người nói, họ còn thấy Lê Lộc áp tải một đoàn xe tăng T54, T72 sang các nước láng giềng. Chuyện này, Lê Lộc bảo rằng tụi nó bịa ra để hạ uy tín của ông chứ chẳng phải ca tụng gì. Đợt cuối, chẳng vị nào nhận được xe, kể cả mấy cậu cán bộ trẻ cùng cơ quan đi công tác Trieste - Italy. Lê Lộc cũng đã trả tiền lại cho họ, dù rằng có bị trễ 3 - 4 năm sau. Nhiều người nói rằng Lê Lộc thật nhiều lộc. Ông Hậu, cùng cơ quan than phiền: ”Ổng vẫn nhận xe và có tiền mua nhà mới, có mất mát gì đâu!”.  Hậu chỉ mất có vài ngàn đôla mà đã nghĩ xấu cho thầy mình. Lê Lộc còn thừa tiền mua một chiếc xe TOYOTA CAMRY và chuẩn bị cho cậu con trai duy nhất đi du học. Thời gian thấm thoắt thoi đưa: Những bữa ăn bo bo, rau cháo rồi cũng qua đi. Con trai họ giờ đã lớn khôn. Chuyện có lẽ sẽ êm đẹp hoài, nếu hôm tiễn cậu con trai đi Pháp du học, một người đàn ông đã không xen vào cuộc sống của gia đình họ. Ông ta đến tặng cho con trai Lê Lộc ba ngàn đôla Mỹ và kèm theo một lá thư nói rằng cậu bé là con đẻ của mình. Ông ta minh chứng rằng dù bị kỷ luật phải về nước, nhưng ông cũng kịp để lại cái thai trong bụng cô Thơm. Đời thật lắm kẻ ngang ngược đến vậy. Tức giận, Lê Lộc buộc thử ADN của ba người. Kết quả con trai Lê Lộc và người đàn ông kia cùng một gene di truyền. Hạnh phúc gia đình Ông tan vỡ.

 

Mấy tháng sau, đã thấy Lê Lộc tay trong tay với cô nghiên cứu sinh đến từ miền Tây. Cô Hà nghiên cứu sinh về Văn học dân gian từ Sóc Trăng lên mang theo nền văn hóa chùa chiền, những nét hoang sơ của một vùng đất chưa được khai phá. Dù đã có chồng là bác sĩ, nhưng Hà muốn ở lại thành phố và nhu cầu tìm một tấm chồng của cô là chính đáng. Họ cưới nhau chóng vánh và chung lưng đấu cật cùng làm ăn. Cũng từ đó Lê Lộc nổi như cồn về cái tên GS Tiến sĩ Ca Hát khắp thành phố năng động này. Đúng dịp Nhà nước cho mở các trường bán công, dân lập, … Đâu đâu, cũng có các Tổ chức, Đoàn thể đứng ra lập trường. Người ta không cho tư nhân mở trường vì Luật giáo dục quy định thì đã có các tổ chức đoàn thể lo giùm. Các Trường mở ra, kéo theo sự thiếu hụt mặt bằng, thiếu hụt giáo viên. Lê Lộc được mời đứng tên một lúc bốn năm trường từ Phổ thông Trung học, Cao đẳng đến Đại học. Giá như có hệ Đào tạo cao hơn thì người ta cũng mời ông. Khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố đi đâu cũng bắt gặp các quảng cáo về các trường này và tên Lê Lộc luôn đi cùng các chức danh cùng tước vị như Nhà Giáo Ưu tú, Tiến sĩ KH (Ca Hát),… Mỗi khi ra đường, ở mọi nơi: từ dưới gốc cây, bên bức tường đỗ ai ai cũng bắt gặp cái tên ông. Ngay đến Lê Lộc, nhiều khi ngồi trong xe hơi kính mờ cũng lơ đãng nhìn hai bên đường và thốt lên: “Nhiều quá!”. Lê Lộc vẫn thoáng vẻ tự hào với cái danh của mình lắm lắm. Lê Lộc giàu lên nhanh chóng, nghe nói ngoài căn nhà được Nhà nước cấp họ còn mua thêm hai ba căn nữa.

 

Nhưng rồi “ của Thiên trả Địa”, cô Hà lại ly dị ông và chiếm hết tài sản. Lê Lộc lại trắng tay. Trường Đại học dân lập VLN, nơi ông được mời làm Hiệu trưởng, dư mỗi năm trên 15 tỷ đồng. Số tiền này thay vì đầu tư cơ sở và thiết bị thì Ban điều hành quyết định chia cho các cổ đông. Tin đến cơ quan chức năng, lập tức Hiệu trưởng mới được trên cử về chuẩn bị thay Lê Lộc. Nhiều mâu thuẫn giữa cấp trên và trường cứ thế tăng lên. Hôm rồi, họp Hội đồng Nhà trường, người ta đã cố tình đẩy Lê Lộc ra rìa. Ông hậm hực: “Cả một lũ ăn cháo đá bát!”. Ông giận lắm, uất lắm. Lê Lộc bị tai biến mạch máu não. Người ta chở ông từ Trường Đại học dân lập VLN thẳng đến Trung tâm Cấp cứu Sài gòn rồi từ đó đưa tới Bệnh viện Thống nhất cho đúng tiêu chuẩn.

 

*

Con đường dài hun hút là thế mà nay đã bị cắt ra ba bốn đoạn mang những cái tên khác nhau. Tệ hơn, người ta đào bới quanh năm, lô cốt cứ dựng lên vô tư,  nên người xe cứ bám đuôi nhau mà bò chậm chạp giữa cái nắng trưa của mùa khô nghiệt ngã làm các đồng nghiệp của tôi ngộp thở… Nhiều người muốn bỏ về. Tôi mời các vị ghé uống nước và nghỉ ngơi. Tới bệnh viện thì đã muộn, chúng tôi vội vã gửi xe và lên thang máy đến Khoa Ngoại Thần kinh. Lê Lộc nằm đó mà không thể nói được. Miệng ông méo xệch. Nước giải chảy ra cả cằm. Mắt ông lờ đờ nhìn lên trời, nhìn vào cõi xa xăm nào đó… và dường như ông đang kiện cả Trời: “Ông chỉ bán cái danh của ông thì tội tình gì?”./.

 

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 1922
Ngày đăng: 23.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng mất dạy - Huỳnh Văn Úc
Băng nhân - Đỗ Ngọc Thạch
Phút chót - Mang Viên Long
Hương cau quê nhà - Trần Dzạ Lữ
Nước mắt cô hoa hậu - Thụy Vi
Chó đẻ - Phạm Thanh Phúc
Cái chết của nhà thấu thị - Nguyễn Viện
Có một hậu duệ của nhà Hậu Lê - Đỗ Ngọc Thạch
Một giọt máu rơi - Trần Minh Nguyệt
Rừng câm - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)