Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
881
116.624.259
 
Chân Dung Một Thế Hệ Quốc Học
Trần Anh Tuấn

Trong lời giới thiệu NHỚ VỀ QUỐC HỌC của Nhóm Thân hữu Quốc Học 60 năm 2008,  Thân Trọng Minh có nói rằng:“thế hệ chúng tôi  đã may mắn  được giáo dục trong môi trường Quốc Học”. Đó là một nhận định hoàn toàn chính xác và cũng là niềm tự hào của tất cả  anh em chúng tôi, những học sinh Quốc Học trong  những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế ktrước. Từ nhận định đó, bài này cố gắng  phác thảo chân dung của thế hệ chúng tôi như là một nỗ lực nhìn lại mình, để hiểu tại sao mình đã sống, đã thương, đã ghét,  đã làm việc, đã đúng, đã sai như vậy,  trong gần năm mươi năm qua. Là sản phẩm của Quốc Học, những gì chúng tôi có, tốt hay xấu, hay hay dở, phần lớn là do Trường Quốc  Học tạo ra, đặc biệt là trong ba năm học cuối cấp Trung học.

 

Nhưng môi trường  giáo dục Quốc Học không phải chỉ  có  khung cảnh trường Quốc học với trường, lớp, thầy, cô, bài vở thành văn hoặc không thành văn mà  các thầy, cô đã hết lòng giảng dạy. Như một qui luật chung, quá trình giáo dục tại Quốc  Học còn chịu tác động và ảnh hưởng  của những yếu tố mà  nhà trường không kiểm soát  được như gia đình, bè bạn, tính cách cá  nhân và nhất là bối cảnh xã hội của thành phố Huế, đất “thần kinh văn vật”, nơi  “sôi kinh nấu sử”, trong những năm từ 1955 đến 1963, năm mà thành phố Huế yên tĩnh,  trầm lắng bỗng vùng lên dữ dội, mở đầu cho một giai đoạn lịch sử khốc liệt kéo dài cho đến 1975.

 

Sự hình thành một thế hệ

 

Thông  thường, một  thế hệ dài khoảng 25 năm, thời gian vừa đủ cho một người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lập gia đình, và sinh con, để lên làm cha mẹ. Khái niệm “thế hệ” trong suy nghĩ  của chúng tôi không dài như thế. Thật ra, chúng tôi chỉ muốn nói trước hết đến  lứa học sinh Quốc Học chúng tôi, vào thẳng Quốc Học từ  đệ thất năm 1955 (như Châu văn Thuận) hoặc  học  “dự bị Quốc Học” trước ở Nguyễn Tri Phương, rồi vào lớp đệ tam của Trường năm 1959 như đa số anh em chúng tôi.  Riêng các bạn gái thì vào đệ nhất năm 1961. Thế hệ chúng tôi  rời Trường vào  đầu hè năm 1962 sau khi thi Tú tài 2. Mở rộng thêm ra là lớp đàn anh vào Trường trước lớp chúng tôi một  lớp như chị Bùi Ấu Lăng, anh Trương Thìn, và  lớp vào Trường một năm sau chúng tôi như Sâm Thương, Trần Hữu Lục.

 

Nếu tính luôn cả thời gian học đệ nhất cấp, tuổi Trung học của thế hệ chúng tôi kéo dài từ khoảng 1954 đến 1963. Đây là khoảng thời gian tương đối yên ổn của thời cuộc miền Nam, ít nhất là ở các thành phố, trong đó có thành phố Huế. Nhưng từ mùa hè 1963, thời cuộc bắt đầu biến động mạnh và đến đầu tháng 11 thì chính quyền Ngô Đình Diệm sụp  đổ. Bắt đầu  từ đây, không khí Quốc Học không còn sự hồn nhiên  của tuổi trẻ  học đường vô tư ăn học để chuẩn bị vào đời,  như thế hệ chúng tôi chỉ một năm trước đó. Các lớp sau chúng tôi, như lớp của Cao Quảng Văn, Trần Kiêm Đoàn, Trần  Đình Sơn v.v… đã phải vừa một chân trong lớp, một chân nhấp nhỏm tìm hướng đi cho tương lai của riêng mình,  trong bối cảnh chiến tranh đang bắt đầu mở rộng, và ở thành phố Huế thì theo  như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã bắt đầu có tiếng  “đại bác đêm đêm vọng về thành phố ”. Nói cho chính xác, thì tình hình chính trị và quân sự đã có những dấu hiệu không còn  bình yên từ đầu thập niên 60, và trong bối cảnh đó, từ đầu năm học 1961-1962 cũng đã có nhiều anh em chúng tôi rơi nước mắt  giã từ trường lớp, bạn bè và cả tình yêu đầu đời trong khung trời Quốc Học để chuẩn bị tương lai theo môt hướng khác. Nhưng đại đa số anh em chúng tôi vẫn còn có điều kiện để tiếp tục “những ngày hoang dại” (nhan đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nhất Lê tức là Giáo sư Lê Tuyên của Đại học Huế thời ấy) của tuổi học trò hoa gấm, với rất nhiều mộng ước của thời thái bình.

 

Vì vậy,  nếu lấy năm 1963 làm dấu mốc của việc chấm dứt đời học sinh, thì  trước và sau 1963 là hai thế hệ học sinh Quốc Học khác nhau về nhiều mặt. Thế hệ chúng tôi (trước 1963), tạm gọi là thế hệ “Thanh bình”,  là thế hệ được lớn lên và học tập tại Quốc Học  trong một khung cảnh thành phố  trật tự, thanh bình. Thế hệ sau chúng tôi chỉ  một năm học thôi (từ 1963), tạm gọi là thế  hệ “Chiến tranh”, đã phải đi thi Tú  tài kỳ 2 tại trường  Quốc Học trong không khí   đe dọa  và nghi kỵ của các lực lượng an ninh canh gác đường lên chùa Từ  Đàm, nhằm  ngăn chận biểu tình. Lớp sau đó nữa, từ 1964 trở  đi cho đến 1975, thì  làm học sinh Quốc Học  trong một bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội hoàn toàn khác của thời chiến tranh với nhiều  băn khoăn về phương hướng, nhiều thấp thỏm lo âu về  tương lai và cũng không ít áp lực cùng đe dọa. So với thế hệ sau, thế hệ chúng tôi hạnh phúc  hơn các bạn nhiều .

 

Xin phép vô lễ để liên hệ so sánh với thế  hệ trước đó của các Thầy Cô chúng tôi, cụ  thể là thế hệ Khải Định 1948-1955 của Thầy Hồng Giũ Lưu , Thầy Cao Huy Thuần cùng nhiều thầy cô khác đã dạy chúng tôi tại Quốc Học hay tại Đại học Huế sau này. Đọc các hồi ký  và tác phẩm của quý Thầy Cô trong Đặc san Khải Định 1948-1955, chúng tôi thấy với tư cách học sinh Quốc Học, các thầy cô cũng là một thế  hệ học sinh khác thế hệ học sinh  chúng tôi. Đương nhiên là phải khác thôi, vì lúc thế  hệ các thầy cô học, trường Quốc Học vừa mới gầy dựng lại trong  bối cảnh trắng đen nhập nhằng, trường sở chưa ổn định, các thầy cô  cũng có nhiều giằng xé trong lòng về lý  tưởng và lòng yêu nước, và việc tâp trung học  thật  giỏi để ngày sau giúp nước cũng là  một lối thoát tạm thời trong khi chờ đợi thời cuộc sáng tỏ. (Thái độ đó cùa quý thầy cô  cũng  chứng tỏ đúng đắn, khi rất nhiều học sinh Quốc Học của thế hệ ấy sau này  đã trở thành giáo sư, bác sĩ, luật sư, kỹ sư  và trí thức lừng danh, trong đó không ít người đã trở lại  trường làm thầy cô giáo dạy  chúng tôi và các thế hệ sau). Như thế, so với  thế hệ 1948-1955  của các thầy cô thì thế hệ chúng tôi  cũng may mắn  hơn, vì về mặt vật chất, chúng tôi đã có trường sở khang trang, đàng hoàng (rất đẹp nữa là khác)  và về mặt tinh thần thì không, hay nói đúng là ít, bị đặt vào hoàn cảnh phải băn khoăn và chọn lựa trước thời cuôc.

 

Bối cảnh xã hội của một thời học sinh

 

Chúng tôi bắt đầu Trung học vào tháng 9 năm 1955, phần  đông  đều khoảng 11 tuổi, và cũng có  một số bạn lớn tuổi hơn, do tản cư vì chiến tranh, về vùng nông thôn không có trường học. Nhưng dù chỉ mới 10,11 hay đã 15,17 khi vào  đệ thất, thì tuổi đó chỉ biết nghe và  thấy, không thể hiểu biết chuyện người lớn. Không hiểu, nhưng những gì người lớn nói và làm thì  để lại ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ  chúng tôi, ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và theo mãi chúng tôi suốt cuộc đời.

 

Chuyện còn nhớ đầu tiên là chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kết thúc chiến tranh với Pháp và hòa bình trên hai miền Nam Bắc của một đất nước bị chia cắt. Kể từ ngày đó, chúng tôi không còn phải sợ bom mìn khi trên đường về làng nội hay làng ngoại ở ngoại ô  thành phố. Cũng không còn cảnh theo mẹ chạy xuống hầm khi nghe Tây đi lùng, và cũng không còn những hình ảnh hãi hùng của chiến tranh mà tuổi thơ của chúng tôi đã chứng kiến mấy năm trước đó. Hòa bình là món quà đầu tiên mà cuộc  đời cho thế hệ học sinh chúng  tôi  khi vừa lên Trung học, và thật sự đó là một món quà ấn tượng, đối với những đứa trẻ  đã từng run rẩy vì chiến tranh. Ý thức yêu chuộng hòa bình đó của thế hệ học sinh chúng tôi sẽ  giải thích cho  thái độ chính trị  chống chiến tranh của phần đông anh em chúng tôi sau khi rời trường Quốc Học, tuy phản ứng của mỗi người sẽ khác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn cùng thời nhưng không học Quốc Học, đã nói thay những anh em có thái độ  phản chiến trong các ca khúc của anh. Nhiều anh em khác chọn thái độ dấn thân chiến đấu quyết liệt, hoặc bên này hoặc bên kia, cũng vì lòng yêu hòa bình, muốn kết thúc chiến tranh, với hy vọng sẽ có thanh bình vĩnh viễn cho đất nước.

 

Chúng tôi lại có thêm các thầy  và các bạn là “người Bắc di cư” từ Hà Nội vào,  âm giọng khác với Huế nghe rất gợi cảm (về  sau, chị Bùi Ấu Lăng và bạn Dư Tế  Xuân bị bắt đóng kịch hoài ở trường Quốc Học một phần cũng vì giọng Bắc). Các bạn nhớ quê Bắc, kể chuyện Hà Nội, về trái sấu chua, về Tháp Rùa và Hồ  Gươm. Chia sẻ nỗi nhớ quê của các bạn, kết hợp với hình ảnh Hà Nội lãng mạn, thanh lịch trong các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, và kiến thức về lịch sử vinh quang của Thăng Long, chúng tôi bắt đầu có những tình cảm mong ước mơ hồ về một đất nước thống nhất, có đầy đủ ba miền Huế, Sài Gòn, Hà Nội để các bạn được về quê và chúng tôi  được đi chơi Hà Nội. Những tình cảm yêu nước đầu tiên lúc đó của thế hệ học sinh chúng tôi vào các năm 1954,1955 chỉ đơn giản như thế, nhưng chúng tôi không biết và cũng không ngờ con đường của các bạn về quê sẽ trải qua rất nhiều đau thương mất mát của cả dân tộc.

 

Vào học chưa được một tháng, khoảng đầu tháng 10 năm  đó, trên đường đi học, đám học sinh đệ thất chúng tôi thấy hình Quốc trưởng Bảo Đại bị  gạch chéo bằng mực đen treo khắp nơi với  khẩu hiệu “Đả đảo Bảo Đại”. Cho đến lúc đó, tôi chỉ biết “Đức Quốc Trưởng Bảo Đại” qua dòng khẩu hiệu “Dân Vi Quý” kẻ trên tấm hoành phi xi măng dọc tường Tòa Khâm đập vào mắt khi xuống dốc cầu Trường Tiền,  và một lần lúc học lớp Tư trường Đoàn thị Điểm năm 1952 được thầy dẫn ra đứng dọc đường từ Cửa Thượng Tứ vào Cửa Ngọ Môn, chờ khi chiếc  xe ô tô chở Đức Quốc Trưởng che cửa kín mít chạy nhanh  qua thì theo mọi người  vẫy cờ và hô “vạn tuế” mà không hiểu nghĩa là gì! Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được nhìn thấy các truyền đơn, bích chương treo dán đầy đường với những chữ mới lạ: truất phế, phong kiến, tay sai thực dân, hoang dâm vô độ… . Hàng ngày, xe phóng thanh chạy khắp nơi trong thành phố Huế đọc ra rả các câu hò, câu vè nhục mạ ông Bảo Đại và ca ngợi ông Ngô Đình Diệm.. Đến ngày 23 tháng 10 năm đó, chúng tôi hí hửng đi chơi,  xem người lớn đi  bỏ phiếu “Trưng cầu dân ý ” với câu châm ngôn học sẵn “Xanh bỏ giỏ (rác), Đỏ bỏ bì (thơ)”, trong  đó giấy  xanh in hình ông Bảo Đại và giấy đỏ in hình ông Ngô Đình Diệm. Ba ngày sau, ngày 26 tháng 10, chính quyền tuyên bố ông Bảo Đại đã bị truất phế, và kể từ ngày đó, ông Ngô đình Diệm đã được bầu làm Tổng thống.  Đến tháng 3 năm sau (1956), lại nghe khắp  thành phố ra rả bài hát “Ai  ơi nhớ chăng, ngày bốn tháng ba. Mau mau vì nước rủ nhau đi bầu” của  chính quyền ông Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc Hội. Sau lần bầu cử đó, chúng tôi không thấy có hoạt động chính trị rầm rộ nào nữa. Chính quyền Sài Gòn có vẻ như đã đi vào ổn định. Chúng tôi chỉ biết đi học, chờ nghỉ lễ “Quốc Khánh 26 tháng 10”, rồi lễ Các Thánh (2 tháng 11), lễ Noel, Tết Tây,  lễ Phục sinh (Pâques) và Lễ Thăng Thiên (ascension) do chính quyền tôn trọng đạo Thiên Chúa. Phần đông chúng tôi không theo đạo Thiên Chúa, nhưng rất sung sướng được nghỉ học, nếu “bắt cầu” được với ngày cuối tuần hay đầu tuần thì các bạn ở tỉnh khác đến Huế học sẽ về thăm gia đình.  Chúng tôi chép bài trong các tập vở trên bìa in sẵn dòng  chữ “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” không biết do ai đặt ra (chính quyền hay nhà sản xuất?), nhưng chúng tôi chấp nhận như một điều đương nhiên và lo học.

 

Môi trường xã hội Huế thời đó là môi trường của một thành phố nhỏ, mọi người đều được giáo dục để tôn trọng phép tắc, của gia đình  và của xã hội. Ở nhà, chúng tôi kính nể người lớn, ra đường, chúng tôi sợ  cảnh sát. Điều sợ nhất của các học sinh chúng tôi cho đến đầu những năm 1960 đối với chính quyền là  đi xe đạp không đèn, sẽ bị  cảnh sát phạt 10 đồng. Nếu lỡ đèn xe bị hư, thì đạp xe với một bó hương thay đèn hoặc sang hơn thì  dùng đèn pin bấm. Nỗi sợ bị cảnh sát phạt 10 đồng vì đi xe không đèn, cộng với nế nếp nho phong, gia giáo, tôn trọng phép tắc của văn hóa Huế đã dạy cho chúng tôi ý thức tôn trọng pháp luật một cách tự nhiên, biến thành lẽ sống, một  điều mà cho đến bây giờ, xã hội vẫn chưa làm  được!

 

Cho đến khi chúng tôi rời trường Quốc Học vào đầu mùa hè 1962, khung cảnh Huế vẫn bình yên, ít nhất là trong thành phố và phụ cận từ vùng Lăng Tự Đức trở về… Biến  động chính trị ở miền Nam chỉ xảy ra sau khi chúng tôi rời trường, nên chúng tôi vẫn là thế hệ học sinh  may mắn có những ngày học đường thanh bình, dù chỉ là trên  bề mặt. Trong khung cảnh đó, bên cạnh những bài học từ các thầy cô của Trường Quốc Học (nói rộng  ra là cả thời đệ nhất cấp), trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1963, những tư tưởng yêu thanh bình, thù ghét và sợ hãi chiến tranh, ưóc mơ một đất nước không chia cắt, và biết  tôn trọng pháp luật  đã thâm nhập vào tâm trí chúng tôi một cách vô thức, để  rồi sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời chúng tôi sau này.

 

Quê quán

 

Phần lớn anh em chúng tôi là “người Huế”, tức là có gia đình ông bà, cha mẹ ở ngay trong Thành Nội hoặc Kim Long, Nguyệt Biều, Bao Vinh, Hàng Bè, Gia Hội bên Tả ngạn, hoặc Chợ Cống, Vĩ Dạ, An Cựu, Bến Ngự, Nam Giao bên Hữu ngạn. Trong lớp, đa số là “bách tính”  (trăm họ), nhưng khác với  các trường ớ các tỉnh khác, lớp nào của chúng tôi cũng có các  “mệ”, tức là các bạn trong hoàng tộc nhà Nguyễn, trực hệ hoặc phiên hệ, họ tên chỉ có hai chữ như Bửu Hồ, Vĩnh Lữ, Bảo Hoàng. Liên Đàm hoặc “bà con  với Vua”  như Tôn Thất Túc, Tôn Thất Hoa. Bên cạnh đó, cũng có  một số bạn thuộc  các gia đình “danh gia vọng tộc” nổi bật của Huế (Thân Trọng, Hồ Đắc, Nguyễn Khoa…)  như Thân Trọng Minh, Hồ Đắc Duệ, Nguyễn Khoa Tần vv… Cũng có  bạn được xầm xì là “cháu ông Cậu”, nhưng không mang họ Ngô.

 

Lên  đệ nhất, anh em chúng tôi có thêm các bạn “người Đà Nẵng” như Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đăng Trừng, và “người Quảng” (Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi), và Quảng Trị (Buồn cười là, cũng là Quảng, nhưng Quảng Trị thì không được tính  là người Quảng!).  Rất ít  bạn từ Qui Nhơn trở vào ra học ở Quốc Học Huế, họ chuyển vào Võ Tánh (Nha Trang) hay Sài Gòn. Các bạn từ các nơi khác về Huế học thường ở nhà trọ. Một trong những nhà trọ của học sinh Quốc Học thời kỳ 1957-1962 nhiều người biết là nhà bác Phan Văn Hoanh, bà con với Thầy Phan Văn Dật  dạy Đồng Khánh. Nhà bác Hoanh ở trong Khu vườn nhà thờ Công chúa An Thường con gái vua Minh Mạng, ở số 29 A đường Nguyễn Công Trứ (Chợ Cống), vì vị Phò mã chồng Công chúa An Thường là người họ Phan. Nhiều học sinh Quốc Học ở trọ tại đây đã học rất giỏi, và thành đạt  như anh Hoàng Thạch Thiết (giáo sư Anh văn), anh Nguyễn Phương Tuấn (Giải Nhì Toàn quốc môn Quốc Văn đệ nhị năm 1959-1960), anh em Bùi Cao Đệ - Bùi Cao Đẳng (Bác sĩ) và nhiều người khác.  Từ 1963-1964 trở đi, các tỉnh bắt đầu mở lớp đệ nhất,  số lượng du học sinh về Quốc Học không còn, nhà trọ của bác Hoanh chuyển sang làm “Đại học xá”, chỉ còn sinh viên ở trọ. Cũng biến chuyển theo thời cuộc, từ năm 1964, khi quân đội Mỹ bắt đầu đến đóng ở An Lỗ (Cây số 17), nhà trọ cùa bác Hoanh cũng vắng dần sinh viên và thay vào đó là các Thông dịch viên cho Mỹ từ Sài Gòn ra. Cũng phải nói thêm là các bạn từ các tỉnh khác về học năm đệ nhất ở Quốc Học thường học giỏi, như Lê Tự Hỷ (1960), Lê Văn Phong (1961),và nhiều bạn khác nữa.

 

Gia cảnh

 

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”. Câu thơ đó của Nguyễn Du cũng có thể dùng để nói về gia cảnh của anh em học sinh thế hệ Quốc Học chúng tôi. Phần lớn chúng tôi (khoảng một nửa) có thân phụ là công chức hoặc quân nhân, ngạch trật không cao lắm vì ít có vị nào tốt nghiệp Đại học. Chúng tôi ít có thân mẫu đi làm việc ngoài xã hội, chỉ ở nhà làm việc “nội trợ”. Cuộc sống Huế thanh đạm, không tiêu xài hoang phí, nên chỉ cần tiền lương của thân phụ đi làm việc là đủ sống cho cả gia đình, ngay cả những gia đình đông con. Nhờ điều kiện kinh tế đó mà chúng tôi có được sự yên tâm học tập.

 

Một nửa còn lại trong anh em chúng tôi  thì có  gia cảnh đặc biệt hơn so với đa số. Một số  bạn có gia đình giàu sang hơn  vì có thân phụ là  quan lại, công chức cao cấp hoặc buôn bán giàu có. Cũng  không ít bạn có gia cảnh khó  khăn vì chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi con ăn học. Có bạn từ vùng quê Phong Điền, Phú Lộc về Huế học, các cụ thân sinh đều ở nông thôn, tuy tiền bạc ít, vẫn cố  gắng chu cấp cho con ăn học, theo đúng truyền thống hiếu học của Huế. Từ lớp đệ tam trở lên, các bạn có gia cảnh khó khăn về kinh tế thường  làm précepteur (bây giờ gọi là gia sư) để  đi học.

 

Tuy hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng chúng tôi không có  một biểu hiện chênh lệch nào khi đến trường. Trường không thu học phí. Các bạn học khá và có  hoàn cảnh  kinh tế  gia đình khó khăn thường được trường cấp học bổng bán phần hoặc toàn phần.

 

Áo quần là đồng phục đơn giản, áo vải popeline trắng,  và quần kaki màu xanh nước biển cho nam sinh, mang giày hoặc xăng-đan có quai sau. Hồi ấy, bắt đầu có dép Nhật nhưng nhà trường tuyệt đối cấm mang đến trường. Hầu như tất cả nam sinh chúng tôi đi học bằng xe đạp, các bạn gái ở lớp đệ nhất có người đi bộ rồi qua đò hoặc dùng xe bus. Các bạn gái mặc  áo dài, đội nón lá, một phương tiện che mưa nắng hữu  ích và cũng là công cụ làm duyên rất chiến lược, gợi hứng cho bài thơ nổi tiếng của nhà  thơ Trần Quang Long mà nhiều người thuộc: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…”

 

Anh em nam sinh chúng tôi chỉ đội mũ cối quét vôi trắng ở các năm đệ nhất cấp, nhưng rất ít bạn giữ “cái mả vôi” ấy khi lên  đệ nhị cấp vì trông hơi “quê”,  và  cũng muốn tỏ ra  người lớn trước các người đẹp cùng trường và nhất là của trường nữ  bên cạnh. Cũng may là Huế có mùa mưa kéo dài suốt nửa năm học, nên các chàng có thể  không đội mũ (vì đã có áo mưa), hoặc đội mũ bê-rê đen. Những bạn thích “mode parisienne” thì đội mũ nỉ có lưỡi trai, gần giống mũ casquette mà Alain Delon đội trong một phim ciné  thời đó. Càng lên lớp trên, đa số nam sinh chúng tôi thường  không đội mũ, và để đầu trần dù nắng hay mưa (mưa nhỏ, dĩ nhiên) đã là một kiểu trang phục của nam sinh Huế thời ấy.

 

Chuyện học hành

 

Chúng tôi có thời khóa biểu học suốt tuần từ  thứ hai đến thứ bảy, có lúc học buổi sáng, có lúc học buổi chiều, nhưng không phải lúc nào cũng học nguyên buổi. Buổi học sáng bắt đầu bằng lễ  chào cờ. Theo lịch phân công từ trước, mỗi buổi một  lớp  ra xếp hàng dưới cột cờ, hát quốc ca (bài Thanh niên hành khúc của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước  có chỉnh lời) trong lúc quốc kỳ được hai bạn  từ từ kéo lên đỉnh. Cho đến năm 1963, sau quốc ca là bài hát  suy tôn! Những buổi chào cờ như thế đã gây cho thế hệ học sinh chúng  tôi hai ý thức trái ngược đối với chính quyền lúc ấy. Ý thức tốt là tăng cường ý thức công dân, bồi đắp lòng yêu nước Việt Nam, nhưng ngược lại thì cũng chớm thấy không thích chế độ. Càng hát suy tôn trên miệng, trong lòng càng không ưa. Ý thức phản kháng ấy sẽ bùng nổ mãnh liệt trong mùa hè 1963, góp phần vào việc đưa đến sự sụp đổ của chế độ.

 

Chuyện học hành trong lớp và quan hệ thầy trò trong trường đã được nhắc đến nhiều trong bài của các bạn khác. Tôi chỉ xin nói thêm một điều quan trọng về sự tận tâm thanh cao của các thầy cô giáo chúng tôi. Tất cả các thầy cô đều nỗ lực giảng hết bài, hết ý cho học sinh tại lớp. Không có hiện tượng các thầy cô mở  lớp tại nhà để “phụ đạo” có  thu tiền học sinh. Đương nhiên là cũng có những bài khó, và nhiều  bạn cũng cần học thêm, nhưng học thêm ở các “cours parts” do các thầy  ở trường khác dạy, không phải là thầy  cô đang giảng trong lớp.

 

Tục ngữ Việt nam có câu nói hay “Học thầy không tày học bạn”. Hồi đó, các thầy cô ít khi ra bài tập thể cho từng nhóm học sinh, nhưng thế  hệ học sinh Quốc Học chúng tôi đã tích cực vận dụng phương pháp đó bằng nhiều cách. Đơn giản nhất là cho nhau mượn những sách hay và quý  hiếm trong các tủ sách gia đình của ông bà,cha mẹ mà không còn bán ở các hiệu sách Ưng Hạ, Gia Long hay Bình Minh, như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Việt Nam Văn hoa Sử Cương của Đào Duy Anh, đặc biệt  là các sách bị chính quyền cấm vì đạo đức (!) như Giông tố của Vũ Trọng Phụng  hoặc chính trị vì có tư tưởng Mác xít như sách của Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa). Chúng tôi cũng thường tụ tập tại nhà bạn, chơi thôi, nhưng cũng nói về sách vở,văn chương, thơ phú.  Lúc gần thi Trung học đệ nhất cấp, Tú tài 1 hoặc Tú tài 2, chúng tôi bắt cặp học chung tại nhà một trong hai người. Cùng học như thế vừa giúp nhau giải các đề bài khó, vừa để chống lại sự cám dỗ của các cơn buồn ngủ. Thường những cặp bạn học như thế đều thi đậu. Các bạn gái thì khó áp dụng cách học chung này vì gia phong Huế nghiêm cấm con gái không được … lang thang. Có lẽ vì gia phong  quái  ác đó mà tỷ lệ các bạn gái thi đậu Tú tài 2 vào cuối năm đệ nhất thường thấp hơn các bạn trai chăng?

 

Chúng tôi cũng sử dụng sách tiếng Pháp để bổ sung bài giảng của  các thầy cô. Toán thì dùng sách của Reunion des Professeurs, hoặc của Lebossuet; Triết học thì dùng sách của Foulquiet. Lúc chúng tôi vào Trung học, tiếng Pháp còn vị thế độc tôn nên đa số đều lấy Pháp văn làm sinh ngữ chính. Nhờ được học Pháp văn từ nhỏ, nên đa số chúng tôi có thể đọc được sách Pháp tuy có khó khăn và chậm vì phải tra từ điển nhiều. Những  bạn đã có thời gian học trường Tây thì đọc nhanh hơn vì có vốn từ nhiều hơn. Đọc sách văn chương và triết học Pháp là một phong trào của thế hệ học sinh chúng tôi, một phần cũng nhờ hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Do một hiêp định về viện trợ văn hóa với chính phủ Pháp, sách mới xuất bản của Pháp, nhất là loại sách phổ thông  Livre de Poche, có dán chữ IC (Information et Culture) được bày bán rất nhiều với giá rẻ tại nhà sách Ưng Hạ.. Nhờ đó mà kiến thức của chúng tôi được mở rộng, nhất là về triết học và văn học.Tuy trường không dạy, chúng tôi đã đọc Francoise Sagan, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Jacques Prevert v.v…, và ngay trong năm 1960, chỉ một thời gian ngắn sau khi nghe tin  Albert Camus chết vì tai nạn, các học sinh Quốc Học do Nguyễn Phương Tuấn (đệ nhị C)  hướng dẫn, đã làm ngay  buổi lễ tưởng niệm nhà văn này  với một chân dung do Phan văn Hạt, sinh viên Cao Đẳng Mỹ Thuật vẽ. Tất cả chỉ là trò chơi của tuổi học sinh, nhưng hữu ích.

Chúng tôi còn tự học bằng cách đọc sách báo tiếng Việt .Trong bài của mình, Vĩnh Tân đã nhắc lại rất  đầy đủ những sách báo mà thế hệ học sinh Quốc Học chúng tôi thích thú tìm đọc trong những năm cuối thập niên năm mươi và vài  năm đầu thập niên 60. Trong đó, phải đặc biệt   nhắc đến  hai quyền sách Những Nhà Văn Hóa MớiSứ Mệnh Văn Nghệ của tác giả Nguyễn Nam Châu. Đó là hai quyển sách do Đại học Huế xuất bản trong hai  năm 1958-1959, giới thiệu tư tưởng của mười bốn tác giả phương Tây  như Koestler, Gheorghiu, Gabriel Marcel, Saint Exupery, Dostoievsky v.v… (trong Những nhà văn hóa mới), và mười bốn nhà văn hóa lớn từ trước Thiên Chúa Giáng sinh như Thích ca, Khổng Tử đến Marx, Kant, Malraux, Sartre , Camus vv… (trong Sứ mệnh Văn nghệ). Thông điệp mà tác giả này muốn nhắn gởi là : thế giới cần những người có đủ cả trí tuệ và tình thương. Đối với những học sinh  đang ở trên lằn ranh giữa trẻ con và người lớn của thế hệ chúng tôi  lúc ấy, đang thích thanh bình và mong đóng góp để xây dựng đất nước,  thông điệp này thực sự có tính thuyết phục, thông qua  cách viết  đơn giản và rất súc tích. Phải nói rằng thông điệp Tình thương đó đã ảnh hưởng  đến nhiều người trong thế hệ chúng tôi, khiến chúng tôi  biết thương người, thương đời hơn. (Cho đến bây giờ, anh em chúng tôi đều không biết gì vể tiểu sử của tác giả Nguyễn Nam Châu mà chúng tôi kính trọng  qua tác phẩm. Theo cách viết, tôi đoán tác giả là người Công giáo, và tên Nguyễn Nam Châu chỉ là bút hiệu).

 

Tình yêu và tình bạn

 

Trong lớp đệ thất B2 của tôi ở trường Nguyễn Tri Phương năm 1955, có một bạn  trông hình vóc không lớn hơn tôi và các bạn trong lớp bao nhiêu ngoại trừ khuôn măt nghiêm trang hơn một chút, nhưng nghe nói bạn ấy có vợ rồi. Lên  đến  đệ tứ (1958-1959), một bạn cùng lớp với tôi luôn luôn tay trong tay với người yêu bé nhỏ  đi khắp đường Hàng Me, Xóm Chuối khiến  tôi thường ghẹo bạn “Hai chú gà con, đi chơi với nhau, Chú che cái dù, chú đội mũ trên  đầu” (lời bài hát của Thầy Nhạc sĩ Lê Cao Phan dạy tôi năm lớp Ba trường Trần Quốc Toản). Năm tôi học  đệ nhị Quốc Học (1960-1961),  ngày hai buổi sáng chiều trừ ngày Chủ nhật, lúc nào cũng thấy một đôi bạn, học trên một lớp,  song đôi rất lãng mạn.

 

Tôi kế lại các chi tiết này để nói rằng tình yêu trai gái cũng là môt phần đáng nhớ trong cuộc sống  của thế hệ học sinh chúng tôi thời  ấy. Chuyện ấy cũng là tự nhiên (nếu không có mới là không tự nhiên!). Ngoại trừ những bạn thuộc loại đào hoa, “biết yêu sớm” hoặc lớn tuối (trước 1963, lúc chưa có  chế độ trưng binh để đi lính, trong các lớp  đệ nhất có những bạn 24, 25 tuổi tuy khai sinh ghi nhỏ hơn), nam sinh chúng tôi ít có  người yêu trong thời trung học. Mặc dù thế, chúng tôi cũng không thể không có những rung động, thầm yêu  một mái tóc, một dáng đi, một nét cười của  các bạn gái rất duyên dáng và hấp dẫn trong bộ áo quần trắng thánh thiện. Có thể trong lòng cũng có  ước mơ “của nhau”, nhưng ít người dám đi xa hơn những rung động đầu đời thoáng nhẹ. Phần  đông chú ý đến việc học hơn là dấn thân vào những phiêu lưu tình ái, như Hoàng Hương Thủy thú nhận trong Nhớ về Quốc Học năm rồi. Tài hoa và đào hoa như Thân Trọng Minh mà cũng thú thiệt “không có bồ thời ở Quốc Học” thì biết đó thực sự là vùng cấm tự nguyện  đối với đa số nam  sinh thế hệ chúng tôi .

 

Những rung động ấy thường làm cho những ngày đi học vui hơn, hoặc  để có cảm hứng âm thầm  làm thơ,  mặc dù cũng ngần ngại như cụ  Dương Khuê: “Câu thơ nghĩ, đắn đo không viết. Viết đưa ai, ai biết mà đưa”, và làm tốn rất nhiếu giấy mực  như thi sĩ Hoàng Anh Tuấn thở dài: “Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ. Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ. Tàu bay giấy lạnh lùng bay ra cửa” (Bài thơ khá dễ thương đăng trong tạp chí Hiện Đại do Nguyên sa làm Chủ biên, xuất bản năm 1960). Nhưng cũng có bạn nhờ những rung động đầu đời đó mà học giỏi hơn và có lẽ thỉnh thoảng cũng  nhớ về đối tượng ngày xưa mà thầm cảm ơn. Phần lớn các mối tình học trò thường không kết thúc có hậu. Các bạn gái thường lấy chồng sau năm đệ nhất, và nếu học tiếp lên Đại học, thì những mối tình  sinh viên lại thường kết thúc đẹp hơn.

 

Ngoài tình yêu trai gái, tình bạn giữa những bạn học  đồng giới cũng là tài sản quí của một  đời người. Tình bạn  thời  Quốc Học gồm hai loại, những tình bạn đã có từ lúc học  đệ nhất cấp và gặp nhau lại khi vào đệ tam Quốc Học, hoặc trong trường hợp các bạn gái thì  những bạn học từ Đồng Khánh  gặp lại chung lớp khi vào đệ nhất.  Bên cạnh đó là những bạn mới quen khi vào đệ tam, (đối với các bạn trai) hoặc khi vào đệ nhất (đối với các bạn gái). Về  tình bạn của các nữ sinh, xin để các bạn ấy nói. Riêng về tình bạn giữa đám con trai chúng tôi thì có hai giai đoạn rất rõ rệt. Những năm học đệ nhất cấp, chúng tôi chơi với nhau theo từng nhóm hai, ba người tình cờ được xếp ngồi chung bàn. Cũng theo qui luật tự nhiên, chúng tôi kết bạn với nhau  vì có những điểm giống nhau, như độ tuổi, sở thích, thái độ đối với việc học, và thậm chí cả trình độ học tương đương. Ngày nghỉ thường đến nhà  nhau chơi, trèo cây trong nhà bạn hái me, hái khế  hoặc xin cha mẹ  tiền qua rạp Tân Tân hay Châu Tinh xem phim cao bồi, Tarzan , Zoro hay phim phiêu lưu, đấu kiếm  kiểu Hồng Y hải tặc, Ba người ngự lâm pháo thủ, Hiệp sĩ hội nghị bàn tròn,  Ivanhoe vv… Chúng tôi cũng chơi đá bóng  nếu ở gần sân vận động Tự Do, như lúc cùng chơi với các bạn Lê Văn Toản, Tôn Thất Phùng  nhà ở đường Triệu  Ẩu. Từ năm đệ tam, chúng tôi đằm thắm hơn, không chơi những trò chơi vận động  nữa, mà nói chuyện văn chương, thời sự! Thay vì các phim hành động, chúng tôi bắt đầu xem các phim có nội dung chính trị và xã hội sâu sắc về tư tưởng. Một số bạn có năng khiếu âm nhạc thường chơi đàn ghi- ta, đặc biệt là ghi-ta điện, và thích trình diễn nhạc kích động dưới hình  thức ban nhạc, có ghi-ta, có dàn trống như ban The Shadow của Anh quốc! Những bạn thích và có tài sáng tác văn chương thì kết hợp thành nhóm, như nhóm Gió Mai của Thân Trọng Minh (Lữ Kiều, Nàng Lai), Châu văn Thuận (Thiên Nhất Phương) và nhiều bạn khác để khuyến khích nhau sáng tác và xuất bản hạn chế các giai phẩm của nhóm dưới hình thức viết tay hay đánh máy, chuyền tay nhau thưởng thức! Chúng tôi cũng  bắt đầu ngồi hàng giờ bên phin cà phê nhỏ chậm rãi từng giọt, nói với nhau đủ thứ chuyện linh tinh trên đời và tập hút thuốc lá. Nhãn hiệu thuốc lá quen thuộc của học trò là Ruby Queen, thường được mua lẻ, “ba đồng bốn điếu”. Thói quen hút thuốc lá của thế hệ chúng tôi đã được tập dần như thế, và có bạn vẫn còn giữ thói quen ấy cho đến bây giờ. Cũng từ năm học đệ tam, chúng tôi ít chơi thể thao, trừ những bạn có năng khiếu,  những “cầu thủ bóng đá nhà nghề ” như Nguyễn Tư Triệt, Trần Công Lễ, Nguyễn Trực hay Nguyễn Văn Sanh đá cho đội bóng của Trường. Những tình bạn thời học đệ nhị cấp ở Quốc Học thường kéo dài mãi cho đến bây giờ (sự hình thành nhóm Thân hữu Quốc Học 60 là một minh chứng), trong lúc  tình bạn thời học đệ nhất cấp thường kết thúc khi phân tán vì chia ban ở tú tài, trừ khi  học chung ban hoặc ở gần nhà nhau. Trong dòng đời xuôi ngược suốt mấy chục năm qua, trong số nhiều tình bạn được tạo ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau,  tình bạn thời Quốc Học vẫn  là tình bạn sâu đậm  nhất, vì không hề có một mục đích hay toan tính nào.

 

Nhìn lại một thế hệ

 

Rời trường Quốc Học sau năm đệ nhất, thế  hệ chúng tôi đã phân tán trên hàng trăm ngả  đường khác nhau. Có người tiếp tục học đại học. Có người chọn binh nghiệp. Có người làm chính trị. Có  người làm văn hóa, văn nghệ. Và  cũng có nhiều bạn chỉ tìm một việc làm khiêm tốn để sống bình lặng. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết rằng những gì chúng tôi  học  được trong và ngoài trường  Quốc Học  trong những  năm ngắn ngủi đó đã thực sự  quan trọng đối với cuộc đời chúng tôi, vì đó  là những điều học  để làm người, sống với ý nghĩa nhân bản, không chỉ học  để có kiến thức và kỹ năng kiếm sống. Thế hệ của chúng tôi đã được học làm người một cách khá đầy đủ, và điều đó luôn làm chúng tôi hãnh diện. Đó cũng là sợi dây vô hình nối kết anh em chúng tôi để mỗi khi ngồi lại với nhau, không còn có sự phân biệt nào về chính kiến, về tôn giáo, về nghề nghiệp,ở trong nước hay nước ngoài  mà chỉ còn là anh chị em cùng chung một thế hệ./.

 

Các bạn hỏi thăm và  tìm mua NHỚ VỀ QUỐC HỌC.

Xin liên hệ : Nhà văn Sâm Thương

Email :samthuong_vietnam@yahoo.com

Đthọai :0903846074

Trần Anh Tuấn
Số lần đọc: 2156
Ngày đăng: 28.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Đức Sao Biển ,Thu hát cho người - Lê Ngọc Trác
Phan Lão Ngoan Đồng - Trần Áng Sơn
Khi ông chủ ngân hàng cưới... nàng thơ - Thái Doãn Hiểu
Người con gái hay chữ phương đông - Đoàn Minh Tuấn
Hồ Dzếnh, Nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa - Lê Ngọc Trác
Phạm Công Thiện ,Con chim lạ lạc miền hoang lương - Lê Ngọc Trác
Phạm Công Thiện ,Con chim lạ lạc miền hoang lương - Lê Ngọc Trác
Gặp Nhà Văn Phó Mộc Lương Văn Chi cùng Những Truyện Ngắn ấn Tượng của Anh - Nguyễn Long Khánh
Alain Robbe- Grillet, Tác Giả Tiểu-Thuyết-Mới - Võ Công Liêm
Nhà thơ FRED MARCHANT đồng điệu, thâm tình - Võ Quê
Cùng một tác giả