Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
574
115.974.322
 
Xuôi dòng
Lữ Kiều

Đoạn I

 

Những vết thương tuổi nhỏ

 

Đập Đá. Đó là tên một cái đập ngăn hai dòng nước, một bên là sông Hương, một bên là nước từ con sông nhỏ Vân. Dương chảy ra. Thời 1953 – 1955, chúng tôi ngồi với nhau trên bờ đập, nhìn về phía làng Vân Dương. Chúng tôi gồm có tôi, Lữ Quỳnh, Nghi Hữu, Lê Trọng Nhạn, những người bạn mới quen nhau ở lớp đệ thất trường Nguyễn Tri Phương. Lữ Quỳnh với câu chuyện ở Mỹ Lợi. Nghi Hữu với rất nhiều tên làng quê. Nhạn với làng Phước Tích, ngôi nhà cổ, lò gốm cạnh con sông Ô Lâu cùng những bóng ma Hời. Đó là những câu chuyện làng quê trong 9 năm chiến tranh chống Pháp vừa chấm dứt khi chúng tôi bước vào trường trung học.

 

Đêm trăng sao trên đầu, gió mang hơi nóng từ mặt sông chịu nắng suốt một ngày hạ, còn chúng tôi thì thả hồn tưởng tượng theo những lời thầm thì kể chuyện nửa hư, nửa thực. Giờ đây, nhớ lại, vẫn còn cái rùng mình thảng thốt khi bước chân vào làng Vân Dương. Nghi Hữu chỉ lên cây đa cổ thụ:

- Đây là chỗ treo cổ mấy tay Việt gian!

Giọng Hữu nghiêm trọng, tự tin, ra vẻ từng trải trước sự ngờ nghệch của người bạn trẻ thành phố. Nghi Hữu nói:

- Mi biết không, có buổi tối tau rình coi. Nơi sau đình kia mấy người tù bị trói ké, quì xuống. Họ nói gì tau nghe không rõ. Rồi một người đọc bản án, tau chỉ nghe được tiếng: Xử tử! Người ta tròng thong lọng vào cổ, dẫn tử tù  đến gốc đa, một người leo lên cột dây vào cành đa. Phải lựa cành chắc. Có lần khi treo cổ thì  cành gãy, tử tội rơi xuống, phải làm lại…

Hữu nói tiếp: có buổi sáng, dắt trâu ra đồng, tau thấy bốn cái xác bị treo tòn ten, hình như một cái chưa chết, trợn mắt dòm tau, tau chạy té đái…Mạ  tau nói, có đêm ma thắt cổ về gõ cửa sau nhà tau xin ăn, mạ tau mở cửa thì thấy ma biến mất, nhưng mạ tau kịp thấy nó rõ  ràng, miệng mấy con ma đỏ lòm, lưỡi dài thòng đến tận ngực!

 

Cửa sau nhà Ngy Hữu mở ra một cánh đồng ruộng. Tôi và Lữ Quỳnh theo các bạn dẫn trâu ra đồng ăn cỏ, băng hết cánh đồng là làng Ngọc Anh, Lai Thế.  Ở đó có bạn Trần Ngọc Thái, Hoàng Kim Can.

Can ngồi trên bờ ruộng khô, chỉ tay ra xa, nói:

-Tụi bay thấy ngôi nhà ngói to đùng không? Nhà cụ  Thượng đó. Tây đốt không cháy! Còn cái cầu gỗ  kia, đó là nơi người ta chém đầu bọn theo Tây!

Bọn theo Tây là ai, tuổi 12 của tôi chưa hình dung ra. Can kể thêm:

-Tau đi xem chém đầu, dễ sợ lắm. Tiếng dao chém xuống cổ nghe cái Phụp! Phải chém nhiều lần đầu mới rời khỏi cổ. Máu chảy có vòi…Thân hình người bị chém gồng cứng lên, hai chân đạp loạn xạ một hồi mới ngừng.

-Thiệt hả?

-Thiệt. Trời lúc đó chạng vạng, nhưng tau đứng gần nên thấy rõ. Mà lạ lắm tụi bây biết không.Tử  tội bị trói dẫn ra đầu cầu, quì xuống,  bị chém., rồi đứt đầu, giãy chết mà không la một tiếng. Mấy người đao phủ cũng vậy. Yên lặng như tờ…Chỉ có tiếng dao chém Phụp!

-Sợ  không?

- Vài ngày sau tau mới sợ, không dám qua cầu. Người ta đồn đêm đêm có mấy con ma cụt đầu hóng mát trên cầu.

 

Tôi xanh mặt. Không thể tưởng tượng đứng hóng mát mà  không có đầu. Can càng hù tới: Mi biết không, trong xóm tau nhiều người đi khuya về bị ma thu, sáng ra thấy mình nằm giữa bụi tre gai, phải chặt cả  bụi tre mới lôi ra được, sau đó người bị ma thu trở nên điên điên khùng khùng, phải lên nhờ  ôn (tức hòa thượng) trên chùa Trúc Lâm trị bệnh tà!

 

Có  lần trên trảng cát ở quê một người bạn, làng Mỹ Lợi, bạn kể cho tôi nghe về cảnh tượng Tây về làng. Bạn nói: Tây đi lùng, lùng sục tìm những du kích Việt Minh. Mỗi lần vậy, dân làng chạy vô núi trốn, đứng trên cao nhìn về làng trông thấy khói bốc lên là biết Tây đốt nhà. Bạn chỉ một nấm mồ, nói, mộ chị Tú. Lần  đó chị trốn không kịp, bị Tây đen rạch mặt bắt (sau này tôi mới biết đó là những người lính châu Phi thuộc địa Pháp, người Sénégal hay rạch mặt). Chúng kéo chị vô giữa vườn chuối hãm hiếp chị. Lần đầu tiên tôi nghe từ hãm hiếp, không hình dung ra được rõ nhưng lờ mờ nhận ra đó là một điều gì rất ác độc tàn nhẫn.

 

Bạn kể tiếp : khi dân làng trở về, họ tìm thấy chị Tú trần truồng, máu me, bất tỉnh. Khi tỉnh lại, chị không nói một lời, mắt mở trừng trừng và bắt đầu nôn ói. Tiếng chị Tú  nôn ói liên tục, vang to trong đêm. Cả làng lo sợ, yên lặng lắng nghe. Sau bốn ngày đêm, tiếng ói nhỏ  dần rồi tắt. Chị chết.

 

Thời chiến tranh , tuổi thơ các bạn tôi đã chứng kiến những cảnh như vậy. Có thể có những điều vui, an lành hơn, nhưng chính những hình ảnh tang thương khốc liệt ấy đã để lại vết thương trong tuổi nhỏ các bạn.

 

Những vết thương của tuổi thơ! Có lẽ tôi nói hơi quá, nhưng điều chúng tôi trải qua trong những tháng năm tàn khốc ấy là những đòn roi quất lên tâm hồn của một thế hệ, vết thương còn rỉ máu khi chúng tôi bước vào môi trường học đường, gặp nhau và trở thành bạn của nhau. Đã là bạn, thì nỗi đau riêng trở thành đau chung. Nếu vết thương không được chữa lành, biến thành sẹo, dù  sẹo lớn hay nhỏ, sẽ định hình những tính cách bất lợi cho cuộc đời về sau của họ. Bao nhiêu tội  ác – giết người, cướp của, kể cả  giết người hàng loạt – hoặc nhẹ hơn, bệnh tâm thần, lệch lạc tình dục, mất khả năng hội nhập xã hội, nghi ngờ sự thiện… đều bắt đầu bằng những vết thương tuổi thơ như  vậy.

 

Thế  nhưng, điều kỳ diệu  đã xảy ra. Những vết thương tuổi nhỏ đã được băng bó, xoa dịu và chữa lành những năm sau đó, sau ngày im tiếng súng, bằng môi trường văn hóa, xã hội, giáo dục của đất Thần Kinh.

 

Tôi muốn nói đến trường Quốc Học, đến tất cả  những mái trường công và tư ở Huế, tôi muốn nói đến môi trường giáo dục tuyệt vời mà  tuổi thơ bất hạnh của chúng tôi được hưởng, đến những lớp học mà khi bước vào chúng tôi  được an toàn giữa tình bằng hữu, tình thầy trò…Tôi biết ơn môi trường văn hóa với tính truyền thống, tiếp nối không bị chặt đứt khỏi quá khứ, thể hiện bằng những giá trị tinh thần, giá  trị tâm linh. Tất cả điều ấy là những liều thuốc trị liệu tuyệt vời chữa lành những vết thương kia kịp tránh khỏi biến thành sẹo. .. Đồng thời giúp chúng tôi trưởng thành, vững vàng, biết yêu cái đáng yêu, biết ghét và chống cái phải chống, nhất là chống lại sự tổn thương do chiến tranh .Từ đó, đã hình thành một thế hệ 60 bản lĩnh, yêu hòa bình, phản chiến sau này…

 

Những thập niên nửa sau thế kỷ 20, lịch sử đất nước đã có những bước thăng trầm biến động phức tạp. Chúng tôi đã tham dự lịch sử, theo cách của mình, đã có những con đường rẽ, đã có những cuộc chia ly vì ý thức, đã có nhiều khác biệt giữa những người bạn tuổi nhỏ cùng đi một  đường, thế nhưng vẫn có những mẫu số  chung nối kết chúng tôi, đó là những giá trị  nhân văn, đạo đức của thời trẻ, những giá trị  ấy lớn theo đời, hình thành bản lĩnh và nhân cách một thế hệ, dù ở đâu, làm gì, với ai.

 

Có  thể còn nhiều điều phải suy nghĩ, phải bàn lại những cái được, cái mất của một thời, nhưng với tất cả sự khiêm tốn, tôi tự hào về  thế hệ mình. 



 

Đoạn II

 

Cô  giáo cũ

 

Năm 1961, cô giáo vừa rời trường Sư phạm và  dạy môn Triết học lớp đệ nhất văn chương và  vạn vật trường Quốc học.

 

Bấy giờ cô 24 tuổi, chúng tôi ở độ tuổi  đôi mươi. Cô đẹp. Đẹp và dịu dàng. Cô  vừa lập gia đình xong. Những lời giảng triết lý  của cô về sự Thật, về cái Thiện, về  cái Đẹp đã cùng ánh mắt và nụ cười của cô đi vào lòng bọn trai trẻ chúng tôi, lũ  bọn trai mà: “ hồn lưu lạc chưa hề thờ một Chúa…” trong câu thơ của Huy Cận.

 

Bốn mươi năm sau, chúng tôi gặp lại cô. Thời gian xa cách tưởng như không hiện hữu, bởi vì cô vẫn là  cô, cho nên chúng tôi vẫn là những chàng trai thời  đệ nhất trong xác phàm của những trung niên hư hao. Tôi nói điều đó với Châu Văn Thuận, chàng trưởng lớp đệ nhất C1 ngày ấy, vẫn mang quả tim nồng nàn không có tuổi vượt qua bao tai ương. Đôi mắt cô không còn đen như trước, đã có  những vẫn đục vì đời, vì người, vì  tháng năm, nhưng nụ cười của cô vẫn dịu dàng xinh đẹp như ngày nào. Và nhất là tấm lòng cô, bất chấp thời gian, vẫn nguyên vẹn sự hồn nhiên tin cậy, tin người, tin đời, tin điều tốt lành, tin những lời cô giảng 40 năm về trước. Có thể  chúng tôi giờ đây già hơn cô, đã trải qua bao tai ương cay nghiệt của lịch sử, chúng tôi là  một thế hệ nghi ngờ, hoang mang cho nên cần vô  cùng một chút lòng tin. Của tin còn một chút này (Nguyễn Du). Của tin ấy còn đầy trái tim cô giáo cũ.

 

Có  lần tôi cùng cô dự một đám tang. Cô  mặc một màu đen, trang điểm kín đáo. Cô  vẫn muốn đến với mọi người bằng dung nhan đẹp nhất, như hoa nở cho đời. Lần ấy, tôi ngồi cạnh cô, nhìn sóng mũi thanh tú của cô (hình như  đó là dấu nhấn trên khuôn mặt cô, như điểm nhấn trong bức tranh vậy), tôi nghe tiếng tụng kinh buồn bã, ngửi mùi trầm hương, lòng ngậm ngùi về sự  tàn phai của kiếp người, những tình yêu chết đi không cứu vãn được. Tôi nói điều đó với cô, cô trả lời:

- Không, ở tuổi nào, người ta cũng bắt đầu yêu được…

Giọng cô chân tình, xác tín làm tôi bàng hoàng. Có thật  ở tuổi nào cũng có thể yêu? Hình như  ngày ấy, tôi tưởng lòng mình là viên đá chạm đáy hồ không còn loạn động vì  những đợt sóng đời. Lời cô làm tôi tỉnh thức. Cô đã truyền cho tôi lòng tin cậy. Tôi nhớ đến một nhân vật của Dostoievski, nàng Sonia tội nghiệp  đã đem tình yêu của nàng phục sinh chàng sinh viên sát nhân tội lỗi.

 

Tôi nhớ đến người bạn gái trong căn nhà cuối hẻm, nàng sống một mình chịu đựng bao nhiêu khổ lụy, nàng là nỗi khổ, nhưng nàng vẫn dành cho cuộc  đời nụ cười bao dung, nhẫn nại và tin yêu.

 

Hình như ai cũng cần một niềm tin. Cũng như một chút may mắn. Cô giáo cũ đã giúp tôi nhìn ra điều  ấy…

Đêm ấy, tôi gọi điện thoại cho người bạn gái bất hạnh, tôi nói rằng tôi cầu mong em hãy yêu như thể chưa hề bị ai phụ bạc.

 



Đoạn III

 

Nụ  cười an nhiên của bạn

 

Tôi  đến thăm chị Bùi Ấu Lăng vào buổi sáng. Chị  bệnh, đang nằm thiêm thiếp, cố gắng nhỏm dậy khi tôi bước vào. Chúng tôi là đôi bạn nửa thế  kỷ, đủ thân tình để ngồi lại với nhau trong những phút khó khăn này.

Tôi nói với chị rằng, chịu đựng thân xác mình cũng mỏi mệt lắm, nhưng thôi, phải thương lấy nó vì  thân xác chung thủy với ta cho đến phút cuối đời.

 

Chị  cười, nụ cười An Nhiên Tự Tại của một người đã chiêm nghiệm giới hạn của sống – chết.Bởi chị đã qua đau khổ nên hiểu hạnh phúc. Đã thấm thía tình đời nên hiểu giá trị sự sống. Trong đó có những ràng buộc với người thân, mà  vì họ, đôi khi ta phải quên đi thân mình, nhưng cùng vì họ, phải giữ lấy xác phàm hư  hoại, đứng dậy sau mỗi lần ngã xuống, với một nụ cười. Nụ cười cho mọi người, nhưng nước mắt cho riêng mình.

 

Chị  đã chiến đấu với căn bệnh trầm kha trên mười năm, 10 năm với người bệnh dài vô tận so với người không bệnh. Là thầy thuốc, là con bệnh, là  người bạn, tôi chia sẻ với chị điều ấy, về cuộc sống triển hạn, cho dù tôi biết rằng chúng ta không thể gánh dùm nhau nỗi đau, nhưng làm nhẹ đi một ít, một chút thôi, thì biết  đâu, có thể …

 

Trong ánh sáng mờ đục của căn phòng chị đang nằm, tôi thấy mọi chuyện mù mờ hư ảo như  quá khứ…như trí nhớ…

 

Tôi nhắc đến một thời tuổi trẻ, ngôi trường cũ, những người bạn còn, mất, ở gần hoặc ở xa. Đôi mắt chị sáng lên, như thể sống lại những ngày vui cũ.

 

Đó là những năm tháng đầu thập niên 60, chị là chị Cả trường Đồng Khánh bước chân vào lớp đệ nhất văn chương trường Quốc Học. Chị Cả có nghĩa là người nhận phần thưởng danh dự toàn trường (điều chị  đã ghi trong tiểu sử của mình, để thấy chị trân quý phần thưởng năm đệ nhị C 1959-1960 của trường Đồng Khánh). Chị nhớ đến những ngày học tập và văn nghệ, những buổi thuyết trình hằng tháng cho toàn trường tham dự mà chị là người khởi đầu với bài nói chuyện “Du xuân qua các miền Đất Nước”. Chị kể về ban Thi Ca Học Sinh của đài phát thanh Huế mà anh bạn Trần Ngọc Thao làm trưởng ban, chị làm phó ban, có Huỳnh Văn Uyên thổi sáo. Trần Ngọc Thao sau này là nhà văn Cung Tích Biền.

 

Tôi nói về cuốn biên khảo “Hoa Tiên: một tình yêu đích thực” vừa in xong, thơm mùi giấy mới vừa đem từ nhà xuất bản về, chị trân trọng kí tặng bản đầu tiên cho tôi. Đó là cuốn luận văn cao học văn chương của chị, trình bày năm 1974 tại viện đại học Đà Lạt trước ban giám khảo gồm có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, học giả Giản Chi và giáo sư Lê Hữu Mục, là những tác giả hàng đầu của văn học miền Nam, mà tên tuổi của họ bảo đảm cho chất lượng  luận văn của chị.

 

Không phải chỉ là một luận văn, mà là một công trình nghiên cứ nghiêm túc của thầy và trò, là tình yêu với áng cổ văn xuất chúng bị  quên lãng vì người, vì đời, vì thời gian…

 

Đã 35 năm, bản thảo cuốn sách nằm đáy tủ. Hình như cả thời thanh xuân Bùi Ấu Lăng gắn liền với chữ nghĩa tác phẩm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, lúc còn đi học, lúc làm sinh viên sư phạm Việt văn, lúc đi dạy ở trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt và cuối cùng là luận văn cao học cũng về tác phẩm ấy. Chị cười. Chị kể về những ngày mưa gió Đà Lạt, tìm vô Chi Lăng để gặp cụ Giản Chi, để phiên âm từng dòng thơ Hoa Tiên, bàn bạc từng cách đọc các dị bản…

 

Tôi nói với chị rằng giờ đây số người biết  đến Hoa Tiên không nhiều, nhất là về người nhuận sắc Hoa Tiên là Nguyễn Thiện, một tác giả  cùng quê và có bà con với Nguyễn Du, đối tượng nghiên cứu của luận văn. Tôi nói về công phu phiên âm và tổng kết những dị bản của tác phẩm. Và nhất là chị đã chỉ ra hơi thơ Truyện Kiều trong bản Hoa Tiêu nhuận sắc…Chị  nói, ừ, thì theo Thầy khó lắm nhưng mình học  được rất nhiều, từ kiến thức đến nhân cách. Những ngày ấy, chị mới 32 tuổi.

 

Giờ  đây sau 35 năm, chị cho in lại, giới thiệu lại một tác phẩm bị quên lãng, như trả nợ cho tiền nhân. Sách giữ nguyên chữ nghĩa 35 năm trước, không đổi một chữ. Chị cười, nụ cười an lạc, càng an lạc khi hơn trong chữ nghĩa, vì chữ  nghĩa không có tuổi, còn chúng tôi thì mang nặng gánh thời gian…

 

Buổi sáng trong căn phòng mờ ảo, chúng tôi nhắc đến những mối tình học trò tan vỡ và bền chặt. Tôi ngồi, nghe chị nói lòng nhẹ nhàng nghĩ  về những điều không nói được giữa hai người, nhưng vẫn chia sẻ được bằng im lặng. Tôi nghĩ  đến những tế bào ung thư đâu đó trong chúng ta. Có Hoại mới có Diệt. Đơn giản thôi, cớ sao lòng ta sắt se làm vậy!

 

Tôi nói với chị, nỗi đau như ly rượu đắng, đôi khi ta thử nghiêng ly chia bớt cho người. Mắt chị  long lanh. Có thể vì hàng nước mắt sắp rơi, nhưng cũng có thể vì một nụ cười sắp hé lộ.

 

Tôi gỡ miếng thuốc dán trên bụng chị. Đó là  miếng dán có tên DUROGESIC, loại thuốc giảm đau cực mạnh của nền y học hiện đại.

Tôi nói: Bạn hãy cố gắng ngủ đi, quên đi, quên cơn đau, quên mình, quên người. Thực ra, quên cũng là một đức tínhh.

 

 

 

Đoạn IV

 

Sen

 

Tôi qui y ở chùa Từ Hiếu, một ngôi chùa cổ cách thành phố khoảng bảy cây số, trên đường đi lên Vạn Niên. Thời gian qua, không thể nhớ những bước chân tuổi thơ chạy trên những viên sỏi sân chùa cũ. Nhưng không quên, không bao giờ quên màu nước xanh ngọc bích của cái hồ bán nguyệt nằm ở mặt tiền, bước qua khỏi cổng tam quan là nhìn thấy. Ôi, màu nước in hình trời, cây cỏ, bóng chùa, cái màu xanh rêu phong mà không cũ, đầm ấm sâu thẳm mà vẫn sáng láng rực rỡ hào quang của ngọc bích. Trên mặt hồ ấy là những đóa sen hồng, sen trắng. Và bên cạnh màu hồng, màu trắng kia là màu lam khói hương của tà áo mẹ tôi.

 

Sau này, tôi còn dịp nhìn những sen hồng sen trắng khắp miền đất nước. Sen hồ Tịnh Tâm, sen ở Tây Lộc , Huế, sen ở Đồng Tháp, trong rừng tràm của khu Xẻo Quýt. Sen trên những đồng sen bát ngát ở Campuchia. Sen ở vườn thượng uyển bên Tàu. Thậm chí, tôi cũng tò mó ngắm những loài hoa rất gần với sen như bông súng, hoa nénuphar ở ngoại ô Paris, trong vườn của họa sĩ Claude Monet.

 

Nhưng chỉ có sen ở hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu gây cho tôi cái bồi hồi về một vẻ  đẹp và một tình cảm lạ lùng, mà mỗi khi hình dung lại, tôi tưởng như đó là những người bạn thân thiết luôn luôn trung thành với tôi từ tuổi thơ cho đến giờ tóc đã bạc. Bởi vì, trong cánh sen kia, hình như thấp thoáng màu khói hương của tà áo mẹ tôi, và nụ cười bất tuyệt của đức Phật.

 

Năm 1995, con mắt của tôi bị bệnh, thị lực kém hẳn đi. Có những đêm trực ở bệnh viện, bước xuống những bậc cấp cầu thang để đi thăm bệnh, tôi dò dẫm từng bước. Tôi không còn quyền vấp ngã, vì tôi không còn gượng dậy được. Đêm dài, tôi không ngủ. Tôi nghĩ đến lúc trước mắt tôi chỉ còn màu đêm vĩnh viễn. Se sắt vô cùng. Tôi nhớ đến từng khuôn mặt người thân, ở gần, ở xa, còn hay mất. Tôi nhớ mẹ tôi. Dù ở tuổi nào, dù cuối cuộc đời, khi mất mẹ, người ta vẫn cảm thấy mồ côi. Tôi nhớ đến những đóa sen ở ngôi chùa cũ, người bạn không bao giờ thay lòng đổi dạ trong đời tôi. Và tôi vẽ những bông sen trong tâm cảnh ấy.

 

Trong những đêm không ngủ ấy, tôi vẽ sen bằng chất liệu màu nước. Cho nhanh. Cho đỡ mất công nhìn kỹ  vì mệt mắt. Tôi thích những đài sen – vì  tôi biết trong ấy có những hạt sen thơm tho –  rồi những chiếc lá sen còn tươi xanh lục. Tôi vẽ  những chiếc lá sen khô cuốn lại, tan tác đen nâu như ống thổi lửa. Tôi vẽ sen hồng cạnh sen trắng. Sau này, có thì giờ, tôi dùng chất liệu sơn dầu, vẽ trên giấy hoặc trên bố, tôi vẽ  những nhụy hoa tàn, những cánh hoa tàn rơi trên mặt bàn mà mẹ tôi vẫn cẩn thận dùng một cái chổi  đót bé tí quét gom trong tờ giấy, rồi gói lại. Mẹ không nỡ vất đi cái gì thuộc về hoa sen.

 

Vẽ sen say mê như vậy trong khoảng hai năm, đột nhiên tôi không còn hứng nữa. Đó là thời gian tôi đọc bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Đó là thời gian tôi đọc những câu thần chú trong mật tông có liên quan đến sen; thậm chí, tôi có dịp tỉnh táo để nhìn những bức họa hoa sen được thể hiện bởi bao nhiêu họa sĩ và thiền sư.

 

Tôi nhìn thấy ảnh chụp một đóa sen được vẽ  trên đá tại vùng núi ở Hi Mã Lạp Sơn, nơi tuyết phủ quanh năm, và nơi ấy không có  hoa sen, người vẽ chưa thấy đóa sen bao giờ.

 

Tôi hiểu ra, sen không chỉ là một đóa hoa, mà là một cái gì hơn thế nữa. Thời nhỏ, tôi cũng là một cậu bé trong đoàn Phật tử, cũng được đính một huy hiệu hoa sen trên ngực  áo. Hình như huy hiệu ấy, ở Huế, phát xuất từ chùa Từ Đàm, do họa sĩ Phạm Đăng Trí vẽ (tôi biết rằng, tờ báo Phật giáo tên là Liên Hoa do thầy Thích Đức Tâm chủ biên cũng do họa sĩ Phạm Đăng Trí trình bày).

 

Vấn đề không phải là hình dáng sắc màu của hoa mà là điều đóa hoa sen gợi cho lòng ta. Như tích “niêm hoa vi tiếu”, khi Phật đưa đóa sen cho tăng chúng và mỉm cười thì chỉ có  đệ tử Ca Diếp mìm cười đáp lại. Dù chỉ  là huyền thoại, nhưng tôi cũng hiểu được cái vô ngôn của nét đẹp kia. Sen chỉ là cái cớ. Cái cớ cho người ta bước tới, hay dừng lại, tinh tiến hay vô minh. Cái cớ cho điều lành hay điều dữ. Cho tâm an lạc, hay sự loạn động. Và trong cõi ta bà này, sen - với tôi - là cái cớ để yêu thương hay từ biệt cuộc sống này. Bời chỉ là cái cớ, cho nên nó hữu hình mà vô hình, như ngọn núi xanh mà không phải là ngọn núi xanh.

 

Hay nói theo lời kinh, không chỉ là cái cớ  mà còn là phương tiện. Để tự mình tìm thấy khuôn mặt thật của mình (Bản lai diện mục).

 

Tôi không vẽ sen được nữa. Bởi vì những đóa sen hồng sen trắng trở thành một ý niệm. Như mẹ tôi, như bạn tôi trở nên một phần trí nhớ của đời tôi. Cái phần  đã tạo nên nhân cách của mình, và từ đó, số  mệnh của mình.

 

Có những đêm ngồi thao thức dưới ngọn đèn, tôi tự hỏi nếu không có những cành sen ở  hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu, thì đời tôi sẽ ra sao. Ra sao? Tôi không biết nữa, nhưng chắc chắn sẽ khác.

 

Những dòng này viết cho bạn tôi, để trả lời một câu hỏi. Cám ơn bạn đã gợi cho tôi bao nhiêu  điều se sắt mà tôi tưởng đã vượt qua, nhưng nào tôi có vượt qua được đâu, dù có trầm tư bao nhiêu lần về Tứ Diệu đế./.

 

Theo Nhớ về Quốc Học

Lữ Kiều
Số lần đọc: 2076
Ngày đăng: 01.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Hoài niệm về “Trẻ dáng nâu” - Vũ Quốc Hùng*
Phở Hà Nội ở Sài Gòn - Võ Ðắc Danh
Làng Phước Tích, và Bức Tranh Cổ Ngọc - Thụy Vi
Quê xứ Bạc Liêu - Ngô Kế Tựu
Miền ký ức màu xanh - Thụy Vi
Bụi đời hay nghiệp lang thang? - Vân Hạ
Tết Dallas - Ngô Kế Tựu
Chân quê hương Tết - Văn Thành Lê
Ký sự Nhà Gươl - Văn Thành Lê