Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
741
115.994.162
 
Chim hót bên trời
Thụy Vi

Nhận được email Ca Dao báo tin nàng sẽ về VN trong vài ngày tới , tôi vừa mừng vừa hồi hộp, vì tôi đã đợi nàng năm năm trời đằng đẵng, nhưng có lẽ ngoài sự nôn nao gặp lại người yêu, tôi còn muốn biết chuyện gì đã xảy ra trong thời gian gần đây mà nàng có chút thờ ơ, tránh né đến độ khó hiểu !

  

Tôi nằm im trong đêm. Sự đợi chờ thăm thẳm đầy bóng tối buồn thiu trãi rộng mênh mang như muốn nhận chìm tất cả những tiếng động dường như còn tiếc nuối vang vọng rời rạc ngoài kia. Kỷ niệm là những hình ảnh đẹp chấp chới gợi nhớ đến cuộc tình của tôi và Ca Dao tinh khôi như hồn giấy trắng, mặc dù chung quanh chúng tôi, cuộc sống dòng đời như những con sóng lớn nhỏ hung dữ chập chùng, gây nên cảm giác bất an mà ai nấy đều phải chịu đựng sống trong sự thấp thỏm đợi chờ thêm một bất hạnh tàn nhẩn nào đó sẽ phủ chụp lên đầu.

    

Chúng tôi quen nhau thật tình cờ, và tôi đã ôm lòng tình si với cô bé xinh xắn  mong manh trong dáng vẽ ngơ ngác, cô đơn, rụt rè mà chỉ mới gặp nhau lần đầu, tôi biết mình đã yêu người con gái này, nhất định phải theo đuổi cho bằng được.

 

Cuộc đời Ca Dao thật lạ, nhiều oái ăm.  Lúc người cha của nàng quẩy túi nhẹ bổng đi trình diện tập trung cải tạo theo lịnh của nhà nước, là lúc mẹ của nàng  chấp nối lại với người tình xưa – Một người đàn ông trở về sau đoàn người huyên náo trong những ngày biến động của đất nước. Người đàn ông như hả hê hảnh tiến đó là chàng tuổi trẻ  trong nhóm nhỏ sinh viên học sinh phơi phới năm nào - đã gây rối Sài Gòn một dạo, sau đó bỏ trốn, lên rừng. Bặt tăm…bỏ lại người con gái là mẹ nàng với giọt máu vừa được tượng hình trong bụng.

  

Mười năm đằng đẳng. Cuối cùng, người tù được thả, ông về lặng thinh vô cảm khi thấy sự phản trắc của vợ mình.  Ông dường như bình thản chịu đựng thêm những điều bất ý.  Tội nghiệp đứa con gái bé bỏng đã can đảm chọn đứng về phiá ông như một cách báo hiếu người cha thật độ lượng đã cưu mang đứa con của người khác  từ khi còn trong trứng nước.

  

Hai cha con đã dắt díu sống qua được những tháng năm dài cơ cực đó.   Tôi xuất hiện như chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa ngủ trong khu rừng buồn bã. Nàng choàng thức dậy – yêu đời như những cánh lá non thở hơi hồn nhiên trong một mùa nắng ấm. Chúng tôi khắng khít bên nhau tưởng chừng sẽ nối kết bằng một lễ cưới, nhưng chương trình tị nạn bất ngờ mở ra một tương lai tốt đẹp đang vẫy gọi đón chờ. Tôi yêu nàng thật nhiều, chúng tôi không can đảm xa nhau. Nhưng vì tuổi trẻ của chúng tôi _ những người thanh niên cùng thế hệ hiện tại giống như những con cá mắc kẹt trong vũng nước cạn. Tôi làm sao có thể là sợi giây  buột cánh chim trời đang có cơ hội thoát ra cánh cửa chật hẹp bay vút trong bầu trời lộng gió. Vì thế, ngày tiển nhau, nước mắt nàng thấm đẩm  làm ướt  cả vùng ngực của tôi. Trước khi chia tay,  tôi cúi đầu chào từ giả người cha, ông mĩm cười với ánh mắt thật cương nghị nhưng tôi thấy loang loáng ánh lên chút lửa thật nồng.

 

2 – Hôm nay phi trường ngập đầy nắng. Tôi đứng chìm khuất trong đám đông ngột ngạt huyên thiên cười nói trên những gương mặt đầy mồ hôi,  nhấp nhỏm đợi chờ.   Những cái đầu cứ nhấp nhô cùng tiếng rộn ràng  ồn ào mỗi khi có dòng người mặt mày mệt mỏi căng thẳng từ bên trong đi ra. Tim tôi chợt thắt lại mừng rở  khi Ca Dao vừa xuất hiện trong tầm mắt, nhưng tôi cũng vừa kịp thấy một gả đàn ông mập mạp chen ra vội vả đón nàng với bó hoa đỏ rực với những ánh flash chớp loé chung quanh. Lát sau, nàng đến ôm choàng lấy tôi,  tôi lờ mờ nhận ra dường như điệu bộ nàng có chút gì ngượng ngùng khách sáo.   

  

Chúng tôi ngồi sát bên nhau trên chuyến xe về nhà, nhưng tôi cảm thấy có gì ngăn cách với người con gái đẹp sắc sảo với mái tóc hoe vàng bung lên như kiểu thời trang của những cô ca sĩ  trong những tụ điểm ca nhạc đang nở rộ ngoài kia.

 

Cuộc tái ngộ thật lạ kỳ khiến tôi không làm sao hiểu nỗi, giống như chúng tôi là hai người bạn sơ giao, giống như tôi không phải là tôi và Ca Dao là một người nào khác. Đáng lẽ chúng tôi có rất nhiều điều muốn nói, muốn kể lể về những đau đáu nhớ thương nhau. Nhưng trong suốt một buổi chiều, chúng tôi nói với nhau những điều vụn vặt với những tiếng Việt rời rả mà nàng cố tình làm như không nhớ thì càng lúc tôi càng vướng víu trong nỗi thất vọng vô bờ.  Tôi muốn ngộp thở và không cần chịu đựng với những cố gắng vô ích, tôi tìm điếu thuốc và bật lửa vừa lúc với tiếng nàng hốt hoảng kêu lên “ Oh ! No, no” Một giọt nước vừa đủ tràn miệng ly. Tôi nhìn nàng, muốn nói một câu, nhưng rồi chỉ mỉm cười với hai chử xin lổi và gật đầu chào tạm biệt. Trước khi quay lưng đi thẳng tôi nhìn thấy cái nhún vai thật điệu và tiếng thảng thốt gọi tên tôi chạy đuổi từ ở phía sau lưng.

 

3 – Tôi đi lang thang một cách vô ý thức trong dòng xe cuống quít, đầu óc như rơi vào khoảng không mịt mù. Tôi cứ đi trong trạng thái mộng du như vậy mà không biết làm cách nào mà tôi có thể ghé được vào quán Café củ kỷ quen thuộc này, ngồi một mình, lặng lẽ. Khoảng không gian  mát mắt với màu lá phủ xanh um, khiến lòng tôi bình tĩnh trở lại, nhưng cũng khiến tôi rơi vào cõi cô đơn mịt mù. Tôi nhìn quanh, để thấy chung quanh là  kỷ niệm, cũng như chiếc ghế cái bàn thảy thảy ghi dấu một thời hoa mộng yêu thương của tôi và nàng, tôi lay lắt nhớ hơi thở ngây thơ thơm ấm của nàng e ấp trên bờ vai rộng của tôi, cũng như tôi rưng rưng choáng ngợp khi nhớ đến cái nhìn đăm đắm dịu dàng như dòng tóc muột mà quấn quit trên triền lưng con gái.

  

Có lẽ bây giờ, tâm hồn tôi đang lội sâu vào một thế giới đỗ vỡ, một tình cảm khó hàn gắn. Có lẽ trong một sự chừng mức, lòng tự trọng cho tôi khám phá ra những thay đổi của nàng đã manh nha từ lòng phản bội từ mấy tháng nay mà tôi cứ lơ đãng ngây thơ tội nghiệp. Tôi không còn muốn hỏi, cũng như không muốn nghe những giải thích quẩn quanh. Có lẽ chúng tôi đã đi hai con đường khác và từ từ mất hút, lạc nhau. Thật sự tôi chưa kịp chuẩn bị để đón chờ sự đổ vỡ, nhưng có lẽ trong bất cứ cuộc tình đứng đắn nào, thì không ai muốn xãy ra điều này, nếu phiá nào đó không xem tình yêu là những nhà ga tạm bợ, hay không xem tình yêu và hôn phối được tính trả mua bán bằng những đồng đô la bóng bẩy.

 

Từ ngày anh em tôi còn rất nhỏ, anh em chúng tôi được cha mẹ dạy dỗ trở thành người cứng cỏi, lương thiện để có thể tồn tại được trong bất cứ hoàn cảnh nào và biết phải đứng lên bảo vệ mình. Cho nên, khi vừa lớn mặc dù tôi cứ bị kỳ thị vì cái lý lịch nặng nề trên lưng, nhưng tôi tự hào và cứ vác đơn đi thi hết lần này đến lần nọ, đã bao nhiêu lần giám thị toé lửa với số điểm không ngờ của tôi, cuối cùng … “Chuột chạy cùng sào”… mới vào Sư Phạm. Có hề gì ! Tôi không muốn là người ăn bám.

     

Rất nhiều lần nhìn lại, đây là đất nước do chính tổ tiên cha ông gây dựng, nhưng chúng tôi như người ở tạm trên xứ sở của mình vì bất lực cứ trơ mắt nhìn một xả hội  tồi tệ quay lông lốc đến chóng mặt. Tôi không muốn bi thảm hóa cuộc đời nhưng trong đất nước này  những người tuổi trẻ như chúng tôi có khác gì người Do Thái sống trong chế độ của Hitler. Tuy chúng tôi chưa bị gom lại, chưa bị giết cấp tốc bằng hơi ngạt, nhưng làn khói độc vô hình, rất mỏng từ từ bóp nghẹt gậm nhấm tất cả niềm tin của tuổi trẻ.

    

Tôi nhìn bóng đêm cô đặc, đen ngòm và thầm thương cho thân phận thanh niên chúng tôi như con chim ướt cánh nhìn vào không gian mịt mù, ngơ ngác không biết bay về hướng nào. Mặc dù, riêng tôi đang chờ chuyến đi xa, sắp lià bỏ quê hương mà tâm trạng lại náo nức như người Do Thái xưa được trở về đất hứa. Khôi hài quá phải không ? Bởi lẽ trong cái xã hội này, tuổi trẻ chúng tôi đang quờ quạng bị bắt buộc phải luôn đi một phiá lề nào đó chính chúng tôi phải ý thức để tự cưú lấy mình, phải tìm lối thoát, phải tự thắp lên đốm lửa. Chính vì thế mà tôi nhất quyết không cho mình ủy mị.

 

Tôi dụi điếu thuốc, để tiền dưới đáy ly, rồi đứng lên lững thững đi lấy xe. Đêm tối, trời mát, những ngôi sao nhỏ xíu chấp chới trên cao, tôi thở hơi thật dài, lòng dịu lại và thầm thương Ca Dao, nàng có khác gì một số thân phận con gái tội nghiệp trên đất nước tội nghiệt này. Tôi cũng chợt nhớ tới nụ cười thật tươi của mẹ nàng sáng nay, nụ cười của bà làm tôi rờn rợn.

 

Nàng tự đánh mất mình rồi, nàng không tiếc.  Cớ sao tôi lại tiếc ?

   

4 – Tôi vội vã phóng xe về nhà, vì chợt nhớ đêm nay,  như thường lệ, đứa cháu trai ở Mỹ  gọi về, tíu tít kể đủ thứ chuyện  - chuyện trường, chuyện lớp, chuyện nhà, chuyện chơi banh…Tiếng Việt trơn tru líu lo như con chim đầy sức sống véo von vọng về từ nơi xa lắm./.

Thụy Vi
Số lần đọc: 1991
Ngày đăng: 02.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bạn học đại học - Đỗ Ngọc Thạch
Sông sương mù - Lữ Quỳnh
Một thoáng hương xưa - Mộng Loan
Chị Lượm - Lê Minh Tú
Lấy chồng tây - Hoa Quỳnh
Chỗ của mỗi người - Khôi Vũ
Chuyện sẽ đến, đã đến… - Mang Viên Long
Gió ở lưng - Nguyễn Viện
Bóng tối dưới hầm - Lữ Quỳnh
Mê khúc - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Tình Rụng (truyện ngắn)
Ghi…vụn! (tạp văn)
Rừng câm (truyện ngắn)
Mê khúc (truyện ngắn)
Chim hót bên trời (truyện ngắn)
Tình Ơi! (truyện ngắn)
Miền Chim Hát (truyện ngắn)
Tình Xanh (tạp văn)
Di Chúc (thơ)
Ô mê ly (âm nhạc)
Trước, Sau (tạp văn)
Phố Nhạc Xanh (tạp văn)
Nói Hay Không Nói? (đối thoại)
Thả Tình (tạp văn)
PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI (truyện ngắn)