Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
610
115.984.339
 
Viết truyện theo hư cấu đời thường, hư cấu khả thể, và hư cấu phi thực
Trần Văn Nam

Lâý đề tài chiến tranh để tiểu-thuyết-hóa khác với viết ký sự, vì tiểu thuyết làm cho ta thấy rõ có một cốt truyện sắp xếp, diễn tiến của tình tiết theo thứ tự từ gặp gỡ để làm xuất hiện những nhân vật nam nữ mà chủ yếu chuyện tình, đến những biến cố sẽ xảy ra thường rất hồi hộp, sau cùng sẽ là bi kịch hoặc kết thúc rạng rỡ. Tất cả đều thật, đều đời thường, dù có những chi tiết  gây cấn hay bí mật thời chiến tranh, nhưng không hoang đường giả tưởng. Ví dụ trong một cuốn tiểu thuyết Tây phương đã quay thành phim, trong đó có nhân vật là một sĩ quan Đức thời Đệ Nhị Thế chiến với nhiệm vụ xâm nhập vào bờ biển Aí Nhĩ Lan, đến ngọn hải đăng đang trú ngụ bởi một gia đình gồm người chồng tật nguyền phải ngồi xe lăn, và người vợ rất hấp dẫn, và hai đứa con nhỏ. Sĩ quan Đức làm gián điệp thăm dò điạ thế và thu thập bản đồ để một ngày nào đó sẽ giao nộp cho tàu ngầm Đức bí mật đến bờ biển này. Người sĩ quan Đức giả làm khách phương xa đến viếng thắng cảnh ngọn hải đăng, lân la làm quen gia đình người canh giữ ngọn hải đăng, lấy được con tim của người đàn bà đẹp ở chốn quạnh hiu. Biết được mối tình đó, một trận đánh nhau giữa hai người bên bờ vực chơ vơ của ngọn hải đăng, và người tật nguyền không thể thắng được tay gián điệp lợi hại, cuối cùng bị hắn quăng xuống ghềnh đá sâu thẳm. Tay gián điệp sau khi đã thâu tóm được những dữ kiện mật của vùng bờ biển, ám hiệu cho tàu ngầm Đức đang chực chờ ngoài khơi. Hắn đi lần xuống bờ biển để dùng bè cao su do người từ tàu ngầm đưa vào. Người đàn bà dù đã mê say viên sĩ quan Đức, đã có những lúc làm tình rất lạc thú với tay gián điệp, nhưng lòng yêu nước mạnh hơn, biết rằng nếu để hắn thoát ra tàu ngầm với những tài liệu quân sự bí mật vùng bờ biển sẽ rất nguy hại, nên từ bên bờ đá cao nàng dùng súng tầm xa bắn chết tên gián điệp, ngay sau khoảnh khắc hắn trố mắt như đã không ngờ một người yêu mình cuồng nhiệt lại ra tay như vậy.

 

Rõ đây là một truyện hư cấu nhưng rất đời thường, không chi tiết nào thuộc về hoang đường, cho dù trong đó có tàu ngầm rình mò ngoài bờ biển. Trong bối cảnh thời Đệ Nhị Thế chiến ở Âu Châu, thì kể như đời thường với những phương tiện chiến tranh không có gì vượt xa trong trí tưởng tượng. Bây giờ ta thử đọc vài truyện ngắn của Tường Lam (lấy điển hình truyện Chiếc Giường Tre Bông) trong tập truyện Tám Hổ thì sẽ thấy tác giả viết theo hướng hư cấu khả thể, pha trộn giữa chuyện không chắc có với chuyện đời thường (chuyện đi vùng kinh tế mới sau năm 1975, chuyện người thành thị Sài Gòn bôn ba mở quán sống ở nông thôn cho đến khi lập nghiệp ở hải ngoại.) Tóm tắt truyện: có một thiếu nữ nhan sắc, tính tình rất dễ mến, học thức cao, nhưng có số “sát phu” do định mệnh siêu hình (người đàn ông nào từng đi lại với nàng sớm muộn đều chết thảm khốc). Cô tên Khanh. Sau 1975, Khanh có lệnh bị truy nã do đảm nhận nhiều công việc về ngân hàng sau khi tốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh ở Đà Lạt. Sau một chuyến vượt biên thất bại, Khanh về vùng quê gần Trà Vinh mở quán hàng cà phê. Quán cà phê xinh xắn dưới hai hàng phượng vỹ cao, có nhạc vàng gợi nhớ kỷ niệm, có bàn ghế đóng bằng cây tầm vông rất mỹ thuật, và chiếc giường tre láng bóng có khoang nổi như bông mà lại còn được đục lỗ nhỏ dọc theo chiều dài hai bên giường để khi gió thổi vào nghe vang vang như những tiếng nhạc. Nhưng không có gì hấp dẫn khách đến đông vui bằng chính sắc đẹp của cô chủ quán. Cà phê cho khách buổi sáng, buổi trưa, đồng thời cũng thành chỗ tạt vào khi say bí tỉ vì rươụ, đắm đuối vì gái, của lần lượt cháu bà chủ lò đường rồi Trưởng Công an Xã. Cả hai đều chết cứng không ai hay sau một đêm say bí tỉ từ đâu tạt vào xin ngủ nhờ quán, khiến cô chủ quán mỗi lần như vậy đều phải ngủ ngồi ở phòng ngoài bên quầy bán cà phê. Hai cái chết tại quán xảy ra cách nhau một quảng thời gian lâu, nhưng mọi lời bàn tán đều cùng một chẩn đoán: hai người đàn ông chết vì thượng-mã-phong. Sau cái chết của Trưởng công an xã, Khanh bị bắt để điều tra. Bà Cả, chủ đất cho mở quán (Khanh là cháu ruột của ông Cả) nổi giận vì Khanh làm xấu hổ giòng họ, cho phá tan hoang bàn ghế trong quán, lúc đó mới hay trong chiếc giường tre bông có con rắn nhỏ mà cực độc (rắn ba khoang), đây đích thị nguyên nhân cái chết của hai người đàn ông say ngủ trên giường. Khanh được thả ra và đi xa khỏi xã vì biết sớm muộn chính quyền địạ phương cũng khám phá Khanh có lệnh bị tầm nã sau 1975. Tác giả, nhân vật xưng tôi trong truyện, biết cuộc đời Khanh rõ như vậy, vì lúc Khanh bán quán cũng là lúc anh chở những ghe mía cho các lò đường quanh vùng, sau khi đi tù cải tạo bảy năm trở về. Một quảng thời gian khá lâu sau khi Khanh bỏ xã đi về đâu không ai biết, tác giả đi định cư Hoa Kỳ và lần hồi con cái đều thành tài tại Kansas City thuộc tiểu bang Missouri. Một hôm tác giả đi nghỉ mát bờ biển và thăm bạn tại Tampa Florida, lại trùng phùng với Khanh hiện thành chủ nhân nhiều ngôi biệt thự sang trọng và khu đồn điền rộng lớn rất gần nơi đây. Và Khanh kể tiếp quảng đời sau khi đi trốn lệnh tầm nã: Khanh vượt biên thành công, đến đảo Paulo Bidong, và được thâu dụng làm thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ đặc trách phỏng vấn quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để cho họ đi định cư Hoa Kỳ, trong phái đoàn có Thiếu Tá Phi công  Robert Olivier. Ông “phải lòng” Khanh và xin hỏi cưới nàng. Hết thời gian phục vụ quân đội, Thiếu Tá trở về quê quán ở Tampa Florida, và sống hạnh phúc với Khanh tại đây. Gia đình Thiếu Tá rất giàu có, chủ nhân năm biệt thự, nhiều cửa hàng bán trái cây, một khu đồn điền bao la. Họ đã có một con trai. Hai năm sau lễ cưới của hai người, cha mẹ Thiếu Tá lần lượt qua đời, tất cả cơ ngơi thuộc về Thiếu Tá. Robert Olivier vẫn say mê nghề lái máy bay. Sinh nghề tử nghiệp, một hôm ông cùng con trai bấy giờ đã ở tuổi thiếu niên, đi trên một máy bay, và máy bay đã nổ tan trên vòm trời duyên hải Florida. Một lần nữa, định mệnh “sát phu” lại phủ chụp lên đời của Khanh. Số sát phu, lời bàn tán của người đời không thể giải thích bằng khoa học, nhưng được kể lại do những chứng kiến được truyền tụng, tuy thuộc siêu hình nhưng vẫn là chuyện đời thường của thiên-hạ-sự, chưa thể liệt vào loại hư cấu phi thực vốn là sản phẩm của riêng một tác giả giàu tưởng tượng. Nhưng truyện “Chiếc Giường Tre Bông” chứa đựng những chi tiết không chắc có, liệt vào nghi vấn, cho nên ta gọi đây là viết truyện theo hướng hư cấu khả thể: chuyện có thể có chứ chưa chắc có. Tại sao con rắn độc làm ổ trong chiếc giường tre chỉ cắn những người tác giả viết bằng những nét không thiện cảm: con trai của bà chủ lò đường và Trưởng công an xã; tại sao nó không cắn Khanh hằng đêm vẫn nằm ngủ trên giường? Truyện “Tám Hổ”, cũng trong cuốn sách đó và đã được tác giả lấy làm nhan đề toàn tập truyện ngắn, tác giả viết theo hướng hư cấu khả thể rõ ràng hơn. Đây là chuyện thời kỳ đi vùng kinh tế mới của những người phải rời bỏ Saì Gòn. Kể chuyện Tám Hổ, em ruột của tác giả, nên diễn tiến việc người em bôn ba lên khai khẩn đất hoang ở vùng Định Quán gây cho độc giả những ấn tượng xác thực trong bối cảnh lịch sử ta đã từng chứng kiến. Cuộc đời long đong của Tám Hổ cũng khá dài, ngay từ lúc còn ở Saì Gòn đã không được may mắn về gia đạo, nhưng chi tiết tập trung cho toàn truyện kể từ khi Tám Hổ nuôi một con cọp con bắt được trên vùng rừng núi Định Quán. Một con cọp cái, ăn ở cùng người thật dễ thương, hiền lành, mọi người chung quanh thích thú, và anh Tám được thiên hạ gọi thân mật là anh Tám Hổ. Lớn lên, con cọp cái làm nhiều người hoảng sợ vì vẻ to lớn của nó, nhưng nó chỉ như một con mèo nuôi trong nhà, chưa từng dữ tợn với người nào. Ích lơị đầu tiên do nó đem lại: từ khi nuôi cọp thì khỉ và heo rừng không dám đến phá hại vườn tược. Nó là con cọp cái, nên đến thời kỳ động đực đã bỏ đi biệt vào rừng, rồi khi trở về thì đã mang bầu, và sinh đươc hai chú cọp con. Ích lợi thứ hai do gia đình cọp đem lại cho Tám Hổ: anh lấy tiền chụp hình cho những người muốn chụp chung với những con cọp. Nhờ tiếng đồn lan xa nên Tám hổ làm ăn khấm khá, đã dựng nên cơ ngơi bề thế ở Định Quán. Nhưng rồi tiếng gọi của rừng xanh hòa cùng tiếng gọi của con cọp đực từ rừng sâu về lảng vảng, một ngày kia cả ba mẹ con cọp đã đi dứt khoát về rừng. Tuy vậy ích lợi thứ ba đã đến với Tám Hổ: cứ những đêm có tuần trăng sáng, cọp lại tha mồi khi thì con nai khi con mễn hoặc heo rừng bỏ trước nhà cho Tám Hổ. Nhờ vậy, anh xẻ thịt thú rừng đem bán nên thu nhập rất khá. Chuyện này đến tai những ngươì chuyên đi săn thú, họ đã rình mò vào những đêm trăng sáng, và đã bắn chết con cọp cái ấy, đổi lại cũng bị thịệt hại một nhân mạng bị cọp vồ. Tám Hổ đem cọp về chôn cất trong khuôn viên nhà, mộ xây bằng xi măng với đá mài xanh, có bia khắc tên cọp trang trọng. Ích lợi thứ tư do mộ con cọp đem lại: nhiều ngươi đến cúng kiến, khấn vái xin phù hộ, và cúng đền ơn sau khi thành công mà họ tin là do hiệu nghiệm của lời khấn trước mộ cọp. Nhờ vậy, Tám Hổ và các bạn cùng xóm có rượu thịt ê hề để say sưa cho quên đời, riêng Tám Hổ để quên sầu người vợ thứ hai trong hiện tại cứ mải mê đánh số đề làm tổn hao bao nhiêu tiền của; và để quên buồn người con trai hiện định cư bên Úc cùng với mẹ, đứa con duy nhất của anh với người vợ trước đã bỏ anh ra đi khi còn ở Sài Gòn…

 

Lược qua truyện như trên, ta có thể cũng xếp loại đây thuộc truyện hư cấu khả thể: chuyện nuôi cọp con rồi lớn lên nó lẩn quẩn bên mình là chuyện đời thường có thật, không những cọp mà bất cứ con thú rừng nào cũng coi ta như cha mẹ nuôi nếu nó ở với ta từ thuở sơ sinh. Sự thật này thiết nghĩ tác giả đã đưa lên quá mức: cọp lớn lên bỏ vào rừng nhưng mỗi đêm trăng sáng bắt mồi đem đặt trước nhà cha nuôi để đền ơn. Ta nghĩ khi tác giả viết truyện thì đã có sẵn một tiền đề: “cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”. Cũng như truyện “Chiếc Giường Tre Bông” thiết nghĩ tác giả cũng viết do xuất phát từ một tiền đề: có những người đàn bà đẹp mang số sát phu. Những tiền đề như trên, sản phẩm của ý nghĩ, nói theo triết lý thì là sản phẩm duy tâm dựa vào quan niệm chứ không dựa vào thực chứng như khoa học. Mặc dù được một số người truyền tụng nói rằng có những chứng kiến về số sát phu, nhưng những lời kể này dựa vào sự đồn đãi hơn dựa vào những dữ kiện ghi lại chính xác. Viết truyện theo hướng khả thể có một phần là đời thường, một phần thuộc về khả thể. Khả thể là chuyện có thể có, vậy ta không nên viết quá đà làm độc giả mất tin tưởng. Ví dụ trong cuốn “Ai Hát Giữa Rừng Khuya” của Tchya thời tiền-chiến, ta cần phán đoán xem hiện tượng kỳ lạ “hai bóng người cụt đầu thí võ bên sườn đồi trọc” là hư hay thực, vì hiện tượng chỉ xảy ra khi có con trốt xoáy làm bụi cát quay tròn, có thể từ đó mà ta quáng mắt thấy như hai bóng người đang quần thảo nhau. Nhưng cũng từ cuốn sách ấy, tác giả Tchya đã đẩy chuyện kể lên đến mức làm ta không còn tin tác giả kể chuyện thật đã chứng kiến: một bầy thiếu nữ nhảy múa ca hát bên một thần hổ trong rừng khuya, họ là những oan hồn phải hầu hạ bên chúa sơn lâm sau khi bị cọp vồ ăn thịt từ lâu. Trong cuốn “Thần Hổ” của cùng một tác giả, cũng một kiểu viết từ khả thể lên đến mức quá đáng: Con hổ giết chết con mồi mà chưa tha đi thì thế nào nó cũng trở lại, nếu người chết vì bị cọp vồ thì thân nhân hay bạn đường rừng phải treo xác họ lên cây cao, khi bóng trăng chiếu xuống thì thế nào cọp cũng lảng vảng dưới đất. Nhưng tác giả Tchya đã đẩy chuyện kể đường rừng lên đến mức không thể tin được: con cọp chụp bóng con mồi do ánh trăng chiếu xuống và xác chết bỗng rên rĩ như đau đớn vì cơn hành hạ, khiến người canh gác trên cây phải cắt giây thả con mồi cho cọp tha đi vào rừng.

 

Theo hướng hư cấu khả thể thì truyện không hoàn toàn bịa đặt. Hư cấu phi thực mới hoàn toàn bịa đặt, và mục đích của hoàn toàn bịa đặt có thể chỉ để giải trí mua vui, hoặc với mục đích giáo dục con trẻ (truyện thần tiên chẳng hạn). Mục đích cao cấp thứ hai của kiểu viết hoàn toàn bịa đặt thuộc khuynh hướng thuần tuý nghệ thuật, là mảnh đất để tác giả thử nghiệm (thử nghiệm cú pháp hành văn, sáng tạo từ ngữ tân kỳ, tạo nhạc tính cho văn xuôi, tạo hình ảnh mới lạ hay siêu thực). Hai người có hai truyện viết theo lối hư cấu phi thực, họ bịa đặt hoàn toàn cốt truyện: nhà văn Nguyễn Tuân và Mai Thảo. Với mục đích thuần túy nghệ thuật cho nên họ đã biểu hiện rất rõ trong hình thức hành văn và cấu trúc truyện kể. Bút pháp Nguyễn Tuân bình thường về cấu trúc văn phạm, nhưng hình ảnh ông nói đến gây ấn tượng sắc nét khó quên. Cuốn “Chùa Đàn” với những ấn tượng ma quái về cây đàn ma và ấn tượng dị thường về một con người quá chung tình nên không ưa những gì thuộc về cơ khí máy móc (bởi vì chính xe lửa gặp tai nạn đã làm chết vợ của ông). Đọc qua cốt truyện, ta biết ngay chuyện bịa đặt, nhưng tác phẩm giá trị về mặt bút pháp nghệ thuật, nhiều hình ảnh lạ thường, một cuộc sống kỳ quái của nhân vật (trong phim “Mê Thảo” phóng tác theo cuốn “Chuà Đàn”, người làm phim còn tạo ra thêm tính kỳ quái của nhân vật Lãnh Út với việc ông cho đẻo một tượng gỗ bằng kích thước người vợ quá cố để đêm đêm lại ân ái một cách bệnh hoạn với pho tượng.) Từ những hư cấu phi thực ấy, ta nhận ra tác giả muốn đưa vào nội dung có những con người dám thử thách cuộc đời cho ân nhân (quản gia Bá Nhỡ dám dạo khúc cây đàn ma cốt làm cho chủ ra khỏi tâm bệnh, trả ơn quan chủ ấp đã che chở làm chỗ ẩn trốn cho mình đang bị truy nã tội đại hình.) Và ý hướng chủ yếu muốn trình bày nghệ thuật đánh đàn đáy, cây đàn phát ra những âm thanh nghe như tấm tức hoặc gùn ghè gầm thét hoặc rên rỉ thở dài hoặc sôi nổi; và nghệ thuât của người hát Ả Đào; và nghệ thuật của người cầm chầu. Sau cái chết hy sinh cho chủ của Bá Nhỡ, quan phu Lãnh Út sực tỉnh rồ dại, dần ra khỏi tâm bệnh, rồi một đêm thật huyền ảo với cuộc hỏa thiêu những vò rượu ngon để giải sầu mà ông cho ủ thành từng gò ở dưới đất. Một đêm tửu-phần dị thường làm những con chim đi ăn đêm cũng phải lảo đảo say do hơi rượu bốc lên cao. Và một năm sau, ấp Mê Thảo mọc lên một ngôi chùa, đó là Chùa Đàn. Ngoài pho tượng Phật còn có một chỗ thờ cây đàn ma; và Cô Tơ hàng năm làm giỗ cho Bá Nhỡ (Cô Tơ là người hát khi Bá Nhỡ đánh đàn, là vợ của chủ nhân cây đàn đã chết từ lâu nhưng oan hồn chưa siêu thoát. Người chồng đôi lần hiện về cho biết đang chờ một người dám cầm đến cây đàn ma, đàn xong rồi thì người ấy phải chết và nhập hồn vào đàn thay cho mình.) Cô Tơ nói sự thật về cây đàn ma, nhưng Bá Nhỡ bất chấp, và Chùa Đàn bây giờ ma nhập vào đàn chính là oan hồn của Bá Nhỡ thay thế cho ông Chánh Thủ được đi đầu thai. Lược qua cuốn Chùa Đàn như trên, tính chất hư cấu phi thực đã rõ ràng. Tác giả Nguyễn Tuân, một nhà văn tên tuổi như ông làm sao không biết rõ sự phê phán đánh giá sẽ cho là nhảm nhí của người đọc đối với một truyện hoàn toàn bịa đặt. Nhưng ông viết tác phẩm bằng một tấm lòng, trình bày bằng ẩn dụ nghệ thuật sành sõi của Hát Cô Đầu; ẩn dụ những con người có nội tâm lạ thường nhưng đáng mến… Để minh thị bút pháp của Nguyễn Tuân có cấu trúc văn phạm quy ước bình thường nhưng chuyên chú tạo hình ảnh và tình huống dị thường gây ấn tượng khó quên cho độc giả, ta thử đọc những đoạn trích dưới đây: “Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết ra được vào không gian… Nó là một tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít… Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng… day thịt da tê cóng trên dây sắc buốt như cật nứa, mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng vù và bật máu. Bá Nhỡ đang chịu một cực hình bá đao tùng xẻo… Máu chảy quá nhiều, toàn thân Bá Nhỡ đỏ ngòm. Aó quần màu trắng của Bá Nhỡ vụt trở nên vóc đại hồng…  Tiếng đôi lá con trong cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dặm cát nổi bão lốc…. Và gõ như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn… Trống người chủ ấp trẻ ấy sát phạt thật. Thật là một thứ trống lợi hại. Trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời… Chầu, điểm đến như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trúc.”

 

Ta thử phân biệt hư cấu phi thực với truyền thuyết. Hư cấu phi thực được sáng tạo ra bởi một cá nhân, còn truyền thuyết do truyền lại từ những nguồn mờ mịt huyền ảo có tính chất tôn giáo ngoài kiểm chứng của thế gian trần tục, hoặc từ những nguồn mờ mịt có thể đã hiện hữu nhưng được kể lại với thêm thắt quá nhiều thành ra huyền thoại (ví dụ nguồn gốc của những tộc người), nên truyền thuyết không phải hoàn toàn bịa đặt do một cá nhân nào. Trở lại cách viết hư cấu phi thực với mục đích nghệ thuật, ta có thể liệt kê thêm tác phẩm “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” của Mai Thảo. Hình như nhà văn viết tác phẩm này từ ảnh hưởng truyện “Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro”: chuyện một người đang ở chốn văn minh đô hội lại có khát vọng tới cho được đỉnh tuyết trắng cao nhất ở Phi Châu. Truyện đã được quay thành phim chiếu ở Sài Gòn cách nay trên bốn hay năm mươi năm, nhớ lờ mờ đạo diễn cố đưa dòng văn độc-thoại-nội-tâm phức tạp của  Hemingway vào phim ảnh; cho ta cảm nhận sự suy tư triền miên của nhân vật sắp chết vì vết thương làm độc do trợt ngã khi leo núi; cứ như bị ám ảnh trên sườn núi tuyết có bộ da của con beo, một con vật sống dưới đồng cỏ bạt ngàn Phi Châu tại sao lại từng hiện diện trên núi tuyết cao ngất, phải chăng nó cũng có khát vọng siêu hình tới cho được những đỉnh trời. Truyện này được viết vào năm 1938, lúc ấy chưa có lời cảnh cáo của khoa học về sự ấm nóng dần lên của địa cầu do văn minh nhân loại thải ra quá nhiều thán khí, đỉnh Kililimanjaro bây giờ đã tan chảy hết tuyết mà trước đây tưởng đâu là ngàn năm vĩnh cửu. Nhà văn Mai Thảo còn muốn đẩy đến tận cùng của khát vọng vô hạn trong truyện “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời”. Tác giả dẫn khởi bằng đôi nét xã hội và gia đình trong bối cảnh đời thường của lối sống Tây phương với quang cảnh, với những cách tình tự, với sinh hoạt đầy đủ phương tiện văn minh trong các cuộc thám hiểm muốn đạt thành tích (như chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, hay cắm được ngọn cờ quốc gia mình trên băng cực địa cầu). Tác giả đưa ta đến một nhân vật có những khát vọng siêu hình không hiểu nổi đối với người đi thám hiểm hay chinh phục cốt để đạt danh hiệu, để được nêu tên tuổi, để được phần thưởng thế gian. Khát vọng chinh phục của nhân vật được nhà văn Mai Thảo giải thích là do thừa hưởng từ tổ tiên, một tộc người thuộc Bắc Âu vốn giỏi nghề biển; họ đã từng gieo rắc khủng khiếp trong các cuộc chiến tranh lấn chiếm đất đai thời xa xưa, vì nhu cầu mà cũng vì thiên tính đi chinh phục. Khát vọng vô bờ vẫn còn tiềm tàng nơi hậu duệ sau mấy ngàn năm. Nên khi chỉ còn một trăm thước nữa đạt tới đỉnh trời; nhân vật với đôi mắt sâu thỉnh thoảng như cháy lên ánh lửa dị thường, thấy cái đỉnh ấy cũng trở nên một vật bị chinh phục, và đã tự buông mình xuống vực thẳm để đi vào vô hạn mới. Nhà văn Mai Thảo sáng tác truyện này hoàn toàn dành cho hư cấu phi thực với mục đích viết nghệ thuật, chỉ là một ẩn dụ con người hữu hạn luôn luôn khát vọng về vô hạn (dù cho vô hạn ấy vẫn còn là sắc tướng so với vô cùng), cho nên ta không lạ với văn phong thiên về mỹ cảm của ông, điển hình như: “Tiếng réo gọi tâm linh ấy là dòng nước ngầm chảy siết dưới đáy biển sâu; cơn gió thoảng làm cho phiến lá muốn trở lại ngàn; cánh buồm chợt thấy âm thanh của thủy triều vĩ đại, căng rộng, tìm về biển khơi.”./.

 

Walnut, California, tháng 8 năm 2008

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 3507
Ngày đăng: 04.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phía trước còn lắm gieo neo - Phạm Quang Trung
Góp thêm cách hiểu về thể loại chức năng và nội dung của bản dịch Chinh phụ ngâm khúc - Trần Minh Thương
Héloise và Abélard - Hamvas Béla
Nghĩ về thơ biểu cảm và thơ biện luận - Trần Văn Nam
Phục sinh và gọi hồn - Nguyễn Ước
Hình tượng đôi mắt trong thơ Quang Dũng - Trương Quang Cảm
Nghĩ về kết cấu chặt chẽ ở thể truyện ngắn - Trần Văn Nam
Ba điều về Kiệt Tấn - Nguyễn văn Lục
Hai đoạn suy tưởng về cổ ý và về thi ca - Dương Kiều Minh
Đọc thơ Đặng Ngọc Khoa - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)