Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
601
116.606.473
 
Nghìn năm vàng dấu cát
Văn Thành Lê

Kỳ 2: Ra đảo học... câu cá

Ông Hai Song tên thật là Tạ Song, năm nay 75 tuổi. Qua khỏi cầu An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An, hỏi tên ông ai mà chẳng biết. Ông nổi tiếng vì nghề câu “xịn”, không có tay câu trẻ nào ở Hội An sánh kịp. Hôm đó, ông vừa ở dưới bến về, tôi chờ ông uống xong ly nước là “vào đề” luôn. Ông hỏi ngược lại tôi: Rứa chú có biết tui học cái nghề câu ni ở đâu không?

 

Câu trả lời của ông khiến tôi ngạc nhiên. Ra Hoàng Sa mà học được nghề câu cá thì cũng hơi bị lạ. Lạ chi, 3 tháng trời ở không ngoài đó, không đi câu thì làm chi? – ông vặt lại. Ông ra đảo cuối năm 1970, đợt thứ 44, khi làm y tá trên Ban quân y Chi khu Điện Bàn. Ngày đó ở đảo, nói về câu cá thiện chiến là phải nhắc tới Hai Song, ông câu nhiều cá đến nỗi ăn không hết, phải phơi khô đem về đất liền. Ông nằm trên cái giường sắt, nghĩ miết không biết tìm đâu ra lưỡi câu, trở mình, mấy cái lò xo kêu sột soạt. Ông bật dậy, la lên “có rồi”, rồi lật đật tháo cái lò xo đem ra mài cả ngày dưới đá, uốn thành lưỡi câu.

 

Cầu tàu dẫn vào đảo dài gần 200m, chân cầu có nhiều tảng bê-tông bám đầy rong rêu nằm ngổn ngang, là chỗ trú thân của nhiều loại cá ngon, nhất là những khi biển động. Cá cắn câu, rúc vào kẹt đá là mấy tay mơ đành bó tay, thường là mất luôn lưỡi câu. Ông Hai Song nhờ có cước cỡ lớn mang từ đất liền ra nên con nào cắn câu là ông lượm sạch. Mỗi lần vác cần ra đi, ông dặn anh em ở nhà lo nấu cháo. Ra cầu tàu, ông quăng lưỡi câu ra xa cùng với cái lon làm phao, thấy lon chạy là kéo vô. Có bữa ông lôi về con cá khế bề ngang to bằng cái bàn, bữa khác con cá đuối to như cái thúng chai, 3-4 người kéo mới xuể.

 

Xong đợt 44 ông về thì đợt 45 ra đảo có anh Lê Lan đồng hương với ông, được ông “bàn giao” lại cái lưỡi câu và “nghề” câu. Ba lần ra Hoàng Sa, anh Lan đã làm các cư dân ở đảo ngày đó nể phục vì tài câu cá, không hổ danh là “đệ tử ruột” của thầy Hai Song.

 

Kinh nghiệm đi câu của anh Lan là phải đi giày bố cho khỏi bị san hô cứa rách chân, mặc quần soóc, mang theo cái bao tời cát, không được quên lưỡi lê với trái lựu đạn. Lấy lưỡi lê đập con ốc mượn hồn lấy thịt móc vô lưỡi câu, quăng xuống câu được hai con cá mó nhỏ bằng hai ngón tay, cắt chúng ra làm ba khúc. Xong, móc vô lưỡi câu, quăng xuống hốc bên tảng đá, một chặp là cá cắn câu. Muốn câu cá to thì ban đêm chịu khó ra sát mí sóng, mà phải đi ít nhất hai người chứ ngoài đó vắng vẻ quá, ớn lắm. Câu ngoài cầu tàu, cá cắn câu kéo chạy là phải vừa ôm trụ cầu, vừa nới dây dìu nó, chứ căng quá là không biết nó đi đâu về đâu. Năm đó, nhờ lưỡi câu ông Hai Song để lại, anh Lan câu được con cá khế nặng khoảng 15kg, vác về một vác, anh em trên đảo ai thấy cũng lắc đầu thè lưỡi.

 

Đi câu có cái thú riêng, nhưng đi bắt cá cạn mới đúng là ngày hội. Mỗi khi anh em bên khí tượng dự báo thời gian biển động là cả đảo xôn xao rủ nhau đi kiếm cá dự trữ. Mỗi tháng, chỉ có khoảng 8 ngày để bắt cá cạn, từ mồng một tới mồng bốn và từ rằm tới mười chín, đó là thời điểm thủy triều xuống thấp nhất trong tháng, gọi là nước ròng thật sát. Lúc đó, dải đá ngầm phía bắc đảo rút hết nước, lộ ra những hang, hốc đá đầy các loại cá, tôm, ốc, mực… chỉ việc cầm khúc gỗ đánh xuống là bắt bỏ vô bao. Sáng sớm, cả đảo kéo nhau “hành quân” đi bắt cá cạn, vui như Tết. Hai người đi khoảng tiếng đồng hồ là vác về một bao 40-50 kg các loại, khiêng méo miệng.

 

Nhưng thấy rứa, đừng ham – anh Lan đúc kết kinh nghiệm. Chớ dại dột ra xa tới ngoài mí sóng, nước thủy triều mà dâng lên là chạy vô không kịp, bỏ xác cho biển như chơi.

 

Nguồn thực phẩm trên đảo ngày đó còn có rau câu, con vích. Rau câu phơi khô, đóng bao đưa về đất liền. Thịt vích thì ngon không thua thịt bò. Vích to như cái bàn, chậm chạp như một ông lão. Những đêm sáng trăng, loài rùa biển này bò lên bãi cát đào lỗ đẻ trứng. Đuổi theo dấu chân vích để lại trên cát là bắt gặp nó ngay, chỉ cần lật chổng vó bốn chân lên trời là nó bơi trong không khí.

 

Sống trong môi trường trong lành nên ai cũng ăn ngon ngủ yên, lên cân vùn vụt. Thanh niên như anh Lan ngày đó mỗi bữa ăn hơn lon gạo là chuyện thường. Còn ông Hai Song thì chừ mỗi lần nói chuyện câu cá Hoàng Sa cho lớp trẻ giỏng tai ra nghe, làm chi ông cũng gồng cánh tay cho con chuột nổi lên rồi cất giọng sang sảng: Nhờ đảo mà chừ được như ri đây. Mà ông khỏe thật, 75 tuổi ông vẫn đi câu khắp Hội An có bữa được 4-5 trăm nghìn chứ đâu có ít. Hôm đó, nghe tôi hỏi có ưng ra lại Hoàng Sa không, ông trợn mắt: Chú khéo hỏi, nhớ quá chừng, răng lại không ra! Cú ni mà tui ra lại, cá ngoài đó tui lượm sạch.

 

Tiễn tôi ra cửa, ông nói với theo: Nhưng mà tui không đi một mình mô nghe, dẫn theo một mớ mấy đứa trẻ tuổi trong nhóm đi câu Hội An nữa. Để chi chú biết không? Để tụi nó biết Hoàng Sa, mà thương, mà nhớ...

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 1811
Ngày đăng: 05.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông bụt ở ấp Ka-liêu * - Phan Đức Nam
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Xuôi dòng - Lữ Kiều
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Hoài niệm về “Trẻ dáng nâu” - Vũ Quốc Hùng*
Phở Hà Nội ở Sài Gòn - Võ Ðắc Danh
Làng Phước Tích, và Bức Tranh Cổ Ngọc - Thụy Vi
Quê xứ Bạc Liêu - Ngô Kế Tựu
Miền ký ức màu xanh - Thụy Vi
Bụi đời hay nghiệp lang thang? - Vân Hạ