Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
660
116.545.656
 
Gửi thầy, với tất cả yêu thương
Sâm Thương

Trong bài trước, tôi có giới thiệu bộ phim The Blackboard Jungle, (được dịch với nhan đề Bầy Thú Trước Bảng Đen, MGM,1955) của đạo diễn Richard Brooks, một trong những bộ phim về đề tài giáo dục, đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm thức thế hệ trẻ chúng tôi vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu một bộ phim khác: To Sir, With Love (tạm dịch Gửi Thầy, Với Tất Cả Yêu Thương, Col., 1967) của James Clavell, một bộ phim kinh điển nổi tiếng về đề tài giáo dục, cả hai được thực hiện cách nhau khoảng thời gian hơn 10 năm, đều do Sidney Poitier đóng vai chính, chỉ khác trong phim trước Sidney Poitier đóng vai một học sinh da màu quậy phá, còn ở phim sau anh trở thành một giáo viên phải đương đầu với đám học sinh cá biệt, bị đuổi từ các trường khác về đây. Chúng tôi muốn nhắc đến bộ phim nầy như để thay lời tạ lỗi với thầy cô, để thấy được sự nhọc nhằn, khổ tâm của thầy cô chúng ta, và cùng nhau được sống lại với quá khứ, cũng như soi rọi vào ngõ ngách sâu kín nào đó trong tâm hồn trẻ thơ chúng ta những phút giây nông nổi, có thể ở mức độ khác nhau so với thế giới trong lớp học của To Sir, With Love, nhưng bản chất chỉ là một.

 

Nội dung phim

 

Mở đầu phim, trên chuyến xe buýt hai tầng màu đỏ từ trung tâm thành phố Luân Đôn chạy về phía Tây, đưa Mark Thackeray (Sidney Poitier) đến nhận nhiệm sở ở trường Trung học North Quay, Bến cảng Luân Đôn. Thackeray là một thanh niên da đen học thức, tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử, có nhiều ước vọng, nhưng hiện sống trong tình trạng thất nghiệp. Trong khi chờ đợi công việc chuyên môn, anh bất đắc dĩ nhận lời làm giáo viên tại trường nầy. Mặc dù chưa có kinh nghiệm giảng dạy, nhưng anh đã được giao phụ trách một lớp cuối cấp, toàn những học sinh vô kỷ luật. Lớp học nầy là một hiện tượng, nói đúng là nỗi kinh hoàng của tất cả giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường. Trước Thackeray, một giáo viên đã phải bỏ cuộc, xin thuyên chuyển đến một trường khác, vì không thể chịu đựng nổi những trò quậy phá kinh hồn của lũ quỷ nầy. Nhưng đối với Thackeray, anh không còn con đường nào khác để chọn lựa: hoặc nhịn đói hoặc nhận lời hướng dẫn lũ trẻ nầy. Hơn nữa, đối với anh đây còn là một thách thức mà anh muốn vượt qua để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Tuy nhiên, Mark vẫn nuôi hy vọng được nhận một công việc tốt phù hợp với nghề nghiệp chuyên môn của mình, và hy vọng việc giảng dạy cho nhóm học sinh nầy không kéo dài quá lâu.

 

Mặc dù, được sự đồng tình ủng hộ của tất cả các giáo viên khác, nhưng không mấy ai tin anh sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.

 

Lớp học được giao cho thầy Thackeray gồm toàn những thiếu niên ngỗ nghịch và phần lớn xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly tán, hoặc nếu có em nào có gia đình khá giả, thì rơi vào tình trạng bất mãn với cha mẹ, thiếu hẳn sự quan tâm và yêu thương của phụ huynh. Đám học sinh nầy coi lớp học như một nơi lý tưởng để bộc lộ bản thân mình, chúng trở nên xấu xa và đối xử thô bạo với tất cả những người chung quanh không chút kiêng dè thương tiếc; hoặc muốn chứng tỏ với mọi người rằng bọn chúng đã trưởng thành thực thụ mà không cần đến sự hướng dẫn chỉ bảo của ai.

 

Khi Thackeray chấp nhận đến dạy, anh thừa hiểu rằng mình phải chuẩn bị đối đầu với những thử thách mà anh chưa từng nếm trải. Luật lệ nhà trường không cho phép dùng hình phạt vũ lực đối với học sinh. Anh tự nhủ với lòng sẽ phải kiên nhẫn và hết sức bình tĩnh, làm ngơ trước những lời lẽ xúc phạm, những hành vi xấc láo ngang ngược của chúng và bắt đầu lên kế hoạch riêng để lập lại kỹ cương cho lớp học. Anh bắt đầu dính líu vào cuộc sống cá nhân của học sinh và phải né tránh những bước chủ động của cô học trò có cảm tình với mình. Nhưng cũng như những giáo viên trước đây, Thackeray càng nhẫn nhục bao nhiêu thì chúng được nước, càng bày ra những trò đùa quái ác bấy nhiêu. Cho đến một ngày, chúng đã vượt quá giới hạn chịu đựng của Thackeray.

 

Trong cơn giận dữ bộc phát, Thackeray chợt nhận ra những đứa trẻ này không hề hứng thú với việc học, hứng thú với những bài giảng trong sách giáo khoa thông thường. Đồng thời anh cũng biết rằng sau khi tốt nghiệp ở trường nầy ra, không mấy đứa sẽ tiếp tục theo học cao hơn, điều quan tâm nhất của chúng là làm sao kiếm được việc làm. Vì vậy Thackeray quyết định chinh phục chúng và chuẩn bị cho chúng hành trang vào đời.

 

Việc này được Thackeray thực hiện bằng những hành động thiết thực: Anh đưa chúng đi thăm viện bảo tàng mỹ thuật cổ điển, dạy nấu ăn, dạy trang điểm cho các nữ sinh, giải đáp rõ ràng và hợp tình, hợp lý tất cả các câu hỏi hóc búa, thậm chí nhận lời so găng với lũ học trò ngang bướng. Anh dạy cho chúng cách ăn mặc, đi đứng, cách nói năng xưng hô lễ độ và lịch thiệp.

 

Sự thù địch ban đầu dần dà được thay thế bằng sự cảm phục và kính trọng. Trong mắt chúng giờ đây anh không chỉ đơn thuần là một thầy giáo, mà còn là người cha tinh thần giáo dục chúng những điều hay lẽ phải, bằng những bài giảng thực tế của đời sống, chứ không phải lý thuyết. Thackeray đã thực sự chế ngự được đám học trò ngang bướng của mình.

 

Một trong những trường đoạn hay nhất của phim, khi lớp học tổ chức quyên tiền để mua vòng hoa tang gửi đến viếng mẹ của một người bạn da màu trong lớp. Thầy Thackeray bàng hoàng khi nghe từ học trò của mình nói lên những e ngại mà chúng đã bị nhồi nhét từ những thành kiến trong xã hội. Rồi sau đó cũng chính anh đã sững người khi nhìn thấy những đứa học trò trẻ dại của mình có mặt đầy đủ trong đám tang của người mẹ đó.

 

Phương pháp giảng dạy của Thackeray đã làm hội đồng giáo viên rất kính nể, ban Giám hiệu phải chính thức mời anh ở lại trường giảng dạy. Trong thời gian đó, song song với công việc giảng dạy, Thackeray đã tiếp tục nộp đơn xin việc tới rất nhiều nơi, dù không mấy hy vọng. Cuối cùng một trong những công ty xây dựng hàng đầu đã đề nghị anh về cộng tác với họ.

 

Và trong buổi tiệc chia tay, Babbs (ca sĩ Lulu) đã tự nguyện hát lên ca khúc To Sir,With Love. Không khí tràn đầy cảm xúc, càng làm cho thầy Thackeray lúng túng trước câu hỏi được đặt ra, đó là anh sẽ đến nhận công việc mới phù hợp với chuyên môn ở một công ty xây dựng hay tiếp tục việc dạy học?

 

Từ tiểu thuyết đến phim

 

Ngoài nội dung chính về chủ đề giáo dục học đường. Bộ phim To Sir, with Love còn mạnh dạn đề cập đến một vấn đề gai góc lúc bây giờ: Đó là dấu ấn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn đang hằn sâu trong xã hội.

 

Vào thời điểm xảy ra câu chuyện- khoảng giữa thập niên 50- là giai đoạn mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và kỳ thị màu da đang gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của xã hội. Bản thân tác giả tiểu thuyết To Sir,With Love là Eustace Ricardo Braithwaite, một người da màu, đã từng trải nghiệm rất nhiều về vấn đề này trong suốt thời gian 7 năm dạy học tại Hội đồng dân cư quận Luân Đôn từ năm 1950-1957. Do đó,không phải vô cớ mà tác giả đã xây dựng nhân vật thầy giáo Thackeray là một người da đen. Những kinh nghiệm mà Eustace Rica Braithwaite tích lũy được từ những năm tháng đứng trên bục giảng chính là nền tảng để Braithwaite xây dựng nên tác phẩm To Sir, With Love và sách được xuất bản ở Anh vào năm 1959.

 

Mặc dù bản quyền đưa tiểu thuyết của Braithwaite lên màn ảnh đã được chi nhánh của hãng phim Columbia ở Anh mua được, nhưng vấn đề do Braithwaite đặt ra trong hoàn cảnh lịch sử đó là một vấn đề quá nhạy cảm, nhất là ở nước Anh.

 

Năm 1964, đại diện của hãng Columbia là Marty Baum giới thiệu cuốn tiểu thuyết To Sir, With Love cho đạo diễn kiêm biên kịch James Clavell (đạo diễn các phim The Fly(1958); Watusi (1959), Five Gates to Hell (1959) Walk Like a Dragon (1960); The Great Escape (1963) ;633 Squadron(1964); The Satan Bug(1965), To Sir, With Love,1966); The Sweet and the Bitter (1967), Where’s Jack?(1968); The Last Valley (1970) ;Shogun (1980), và Noble House (1988). Ở vào thời điểm đó, người đang tìm một dự án để viết kịch bản và đạo diễn. Đồng thời Baum cũng giới thiệu Sidney Poitier cho James Clavell. Và đặt vấn đề nếu ông đồng ý, Sidney sẽ là diễn viên chính của phim.

 

Mặc dù James Clavell và Sidney Poitier đã đồng ý tham gia, nhưng một trở ngại được đặt ra: hãng Columbia vẫn chưa đứt khoát về tài chính – Vấn đề ở chỗ, liệu bộ phim đã đáng được thực hiện chưa và doanh thu thế nào? Cuối cùng đạo diễn James Clavell và diễn viên Sidney Poitier, dự định sẽ là diễn viên chính của phim đã đưa ra một giải pháp: Họ chấp nhận thực hiện bộ phim To Sir,With Love mà không cần nhận tiền thù lao trước. Thay vào đó họ chỉ nhận những phụ phí trong thời gian phim thực hiện, còn thù lao sau này sẽ được chia trên tổng số doanh thu. Hãng Columbia đồng ý với đề nghị của nhóm.

 

Bộ phim được khởi quay vào 1.5.1966 và hoàn tất trong vòng chưa đầy hai tháng với tổng kinh phí là 640.000 USD. Bộ phim được phát hành vào mùa hè 1967, được giới phê bình điện ảnh cũng như quần chúng đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới. Chỉ riêng Bắc Mỹ,bộ phim đã mang về cho hãng Columbia 19 triệu USD, trở thành bộ phim doanh thu lớn thứ bảy trong năm.

 

Vài nét về diễn viên chính

 

Sự thành công của bộ phim, ngoài tác giả tiểu thuyết Braithwaite, đạo diễn James Clavell, phải nói đến diễn viên Sidney Poitier, vì chính Sidney Poitier là linh hồn của bộ phim.

 

Sidney Poitier sinh ngày 20.2.1927 tại Miami, tiểu bang Florida lớn lên ở Cat Island, Bahamas trong một gia đình giàu có, cha là chủ một hãng sản xuất cà chua đóng hộp. Nhưng đến năm Sidney 12 tuổi, công ty của cha ông bị phá sản, gia đình suy sụp, ông buộc phải lao vào đời kiếm sống.

 

Năm 15 tuổi, ông quay lại Mỹ sinh sống với người anh lớn ở New York. Năm 16 tuổi, Sidney Poitier đến Manhatan quyết chí lập nghiệp. Trong hai năm ở Manhatan, Sidney làm đủ việc lặt vặt kiếm ăn: chỉ dẫn bãi đậu ô tô, khuân vác trong các nhà thuốc Tây, xưởng ô tô, rửa chén… Và 18 tuổi, thì ghi tên gia nhập quân đội. “Đó là lối thoát của những người nghèo khổ

 

Sau khi giải ngủ, một đêm Sidney Poitier tình cờ đọc được hàng chữ rao vặt trên một tờ báo hàng ngày: “Đoàn kịch da đen, cần một công nhân trẻ “

 

Ngay sáng hôm sau thức dậy, Sidney đến nhà hát American Negro Theatre (Sân khấu kịch của người Mỹ da đen), và người ta đã lắc đầu từ chối.. Cuối cùng do sự khẩn khoản kiên trì, người ta đã phải nhận Sidney, nhưng không phải để làm diễn viên, mà để chạy việc, gác dan, và làm đủ thứ việc trong đoàn kịch. Được gần gũi ánh đèn sân khấu, Sidney càng đâm ra say mê và quyết chí trở thành diễn viên. Để thực hiện giấc mơ của mình, Sidney đã ghi tên theo học một khóa diễn xuất của một trường nghệ thuật sân khấu. Ngoài ra, hằng đêm, Sidney nghe radio để tự sửa chữa khuyết điểm trong cách phát âm, giọng Bahamas rất nặng của mình. Rồi dần dần Sidney Poitier tham gia những vai quần chúng (figurants) trên sân khấu và trên màn ảnh.

 

Trong lần đầu bước lên sân khấu, Sidney đã không gặt hái được thành công, phần lớn do giọng nói Bahamas của ông. Nhưng Sidney không vì thất bại ban đầu đó mà từ bỏ đam mê của mình, trái lại ông quyết tâm nâng cao khả năng diễn xuất, trong 6 tháng, đã cố sửa giọng nói cho thật chuẩn. Sau đó, Sidney tham gia vở kịch thứ hai trên sân khấu Brooadway mang tựa đề Lysistrata. Lần nầy Sidney Poitier rất được hoan nghênh.

 

Năm 1950, Sidney Poitier chính thức đến với điện ảnh, khi chấp nhận lời đề nghị của đạo diễn Joseph Mankiewicz đóng trong No Way Out (20th, 1950). Sự xuất hiện của Sidney trên màn ảnh nhanh chóng gây được sự chú ý của những nhà phê bình và giới chuyên môn, họ đánh giá cao nghệ thuật diễn xuất của Sidney Poitier. Bên cạnh đó, gắn liền với phong trào dân quyền nổi lên khá mạnh thời bây giờ, một trào lưu phim mới đã hình thành, đề cập nhiều hơn đến cuộc sống của người dân lao động và người da đen. Nhờ vậy, sau khi hợp tác thành công với Joseph Mankiewicz, Sidney có nhiều cơ hội để bộc lộ tài năng trên màn ảnh. Trong phim No Way Out, Sidney đóng vai một bác sĩ da đen chữa bệnh cho một bệnh nhân da trắng kỳ thị.

 

Sidney bắt đầu nổi tiếng với Cry,The Beloved Country (UA,1952), dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Nam Phi Alan Paton viết năm 1949, đó là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, chống lại sự phân biệt của chính quyền Nam Phi đối với người da đen thời đó.

 

Sau bộ phim này, Poiter tiếp tục với Red Ball Express (Univ.,1952), Go, Man Go! (UA,1952). Nhưng đến phim Blackboard Jungle (MGM,1955) của Richard Brooks, Sidney mới thực sự trở thành một ngôi sao, trong phim Sidney đóng vai một người học trò da màu hư hỏng và quậy phá, bên cạnh diễn viên Glen Ford đóng vai thầy giáo. Bộ phim được giới nghiên cứu điện ảnh nhìn nhận là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng về đề tài học đường.

 

Sau thành công đó, Sidney tiếp tục tham gia trong các phim như Good- Bye, My Lady (WB, 1956), Edge of The City (MGM,1957), Something of Value (MGM,1957), Band of Angels (WB,1957), The Mark of Hawk (Univ.,1958),The Defiant Ones (UA,1958), Porgy and Bess (Col.,1959), Virgin Island (Films-Around-the World,1960), All the Young Men (Col,1960), A Raisin in The Sun (Col., 1961),, Paris Blues (UA,1961).

 

Thành công quốc tế đầu tiên của Sidney, là nhân vật trong bộ phim The Defiant Ones (UA,1958) của Stanley Krammer. Sidney Poitier đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Tây Berlin. Phim nói về cuộc vượt ngục của hai tù nhân, một da màu một da trắng, tay bị trói vào nhau và tình bạn cảm động nảy sinh giữa Sidney Poitier và Tony Curtis. Và cũng với nhân vật trong phim này, Sidney Poitier, người Mỹ da đen đầu tiên được đề cử giải Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Nhưng phải đến năm 1963, với nhân vật trong bộ phim Lilies of The Field (UA,1962) Sidney Poitier mới giành được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Oscar 1963. Trước Sidney Poitier, bà Hattie McDaniel (Mamy) nhân vật trong Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind, MGM,1939) của Victor Fleming, nhưng Hattie McDaniel đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc.

 

Trong những năm 1960, Sidney Poitier tham gia các phim thành công khác như The Slender Thread (Par.,1965), A Path of Blue (MGM,1965),Và In Heat of the Night (UA,1967) của Norman Jewison, bộ phim đã vượt qua các phim Bonnie and Clyde, Doctor Do little, The Graduate, Guess Who’s Coming to Dinner để đoạt giải Oscar 1967 phim hay nhất của năm, trong phim Poitier vào vai một cảnh sát Philadelphia phải đối mặt với sự kì thị khi ông đang thi hành nhiệm vụ điều tra vụ án tại miền Nam nước Mỹ (Trước chiến tranh nội chiến của Mỹ, miền Nam luôn luôn ủng hộ chế độ nô lệ)

 

Đến To Sir With Love (Col., 1967) của đạo diễn James Clavell, một thành công khác của Sidney Poitier.

 

Sau khi đoạt giải Oscar, Sydney Poitier vẫn tiếp tục hoá thân vào những bộ phim nói lên tính sai trái của phân biệt chủng tộc. Phim Guess Who’s Coming to Dinner (Col., 1967) của Stanley Krammer, Sidney Poitier xuất hiện bên cạnh Spencer Tracy, Katharine Hepburn và Katharine Houghton.., trong đó, Sidney Poitier đóng vai một chàng trai da màu, muốn làm con rể của ông bố Spenser Tracy bảo thủ, đã nhất quyết không chịu thừa nhận Poitier. Đồng thời, trong bộ phim này, Sidney Poitier đã lại làm xáo trộn Hollywood khi lần đầu tiên trên màn ảnh có nụ hôn giữa một người da màu và một người da trắng.

 

Qua các vai diễn của Sidney Poitier tham gia đã phá vỡ những định kiến về người Mỹ da đen trong xã hội Mỹ: một hình ảnh người da đen mới xuất hiện trong nền điện ảnh Mỹ và thế giới, không còn là một anh hầu Sam trung thành hay một bác Tom ngờ nghệch, không còn là một gã nhạc công mua vui trong mấy quán bar hay trong những bữa tiệc của giới giàu sang, cũng không chỉ là một chú nhóc đánh giày rách rưới, những nhân vật da đen tầm thường mà người xem thường bắt gặp trên màn ảnh. Một điển hình mới đã được xây dựng, đại diện cho một lớp người da đen có học thức, độc lập trong suy nghĩ, hành động và có ý thức đấu tranh cho quyền tự do và bình đẳng của chính mình trong xã hội, mà các đạo diễn như Stanley Krammer, Richard Brooks, Raoul Walsh, Otto Preminger, Stephen Fetchit qua hình tượng của Sidney Poitier đã góp phần tạo nên trên màn ảnh trong những năm 1960-1970.

 

Từ năm 1967 đến 1987, Sidney Poitier không tham gia một bộ phim nào nữa với tư cách một diễn viên. Năm 1969, Poitier cùng Paul Newman, Barbara Streisand, Steve McQueen và Dustin Hoffman thành lập Công ty First Artists Production. Ông thử mình vào một lãnh vực khác khi tham gia bộ phim Buck and the Preacher (1972). Sidney đóng vai chính cùng với Harry Belafonte. Máy đã khởi quay thì đạo diễn của phim rút lui. Cả Poitier và Belafonte chỉ muốn xưởng phim tìm một đạo diễn khác thay thế. Nhưng vì xưởng phim đã xem qua một số mẫu phim do Poitier làm đạo diễn nên khuyến khích Poitier đảm nhiệm công việc đạo diễn. “Đó là hoàn cảnh đưa đẩy tôi đến nghề đạo diễn”, ông nói trên tờ báo Los Angeles Times. Tiếp theo, Sidney thực hiện Upton Saturday (1974), Let’s Do It Again (1975) và Stir Crazy (1980). Đây là bộ phim có doanh thu cao nhất của đạo diễn người Mỹ da màu. Một số phim khác do Sidney Poitier làm đạo diễn như Upton Saturday Night,, A Piece of The Action, và Ghost Dad… Trong những năm 1980, ông gần như không xuất hiện trong làng giải trí. Mãi đến cuối năm 1980, ông quay lại với màn ảnh với những bộ phim như Sneakers (1992) xuất hiện cùng Robert Redford, The Jackal (1997) cùng Bruce Willis và Richard Gere.

 

Trong những năm tạm xa vắng Hollywood đó, ông lại lao vào một niềm đam mê khác. Sidney Poitier đã viết 3 cuốn hồi ký về cuộc đời mình: The Life (1980), The Measure of a Man, A Spitual Autobiography (2000). Cuốn sách nói (Audio book) thứ 2 do chính ông thuyết trình đoạt giải Grammy cho album nói hay nhất (2001). Cuốn sách mới gần đây nhất là Life Beyond Measure-Lettes to my Great Granddaughter (2008).

 

Niềm đam mê và tài năng của ông dường như không có giới hạn. Khi bước sang lãnh vực truyền hình, thành công của ông cũng được khẳng định khi ông đoạt giải Emmy cho bộ phim truyền hình nhiều tập Separate but Equal. Bộ phim dựa trên một vụ án rất được nhiều người biết đến, Brown v.Board of Education, vì nó chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc trong ngành giáo dục ở Mỹ năm đó.

 

Trong cuộc sống riêng, Sidney Poitier đã từng kết hôn với Juanita Hardy từ 29.4.1950, có với nhau 3 con: Beverly, Pamela và Sheri,đến năm 1965 họ ly hôn. Năm 1976, Sidney kết hôn với Joanna Shimkus, một nữ diễn viên da trắng xinh đẹp và có với ông thêm hai người con gái nữa, trong đó, Tamiia Poitier cũng là một diễn viên.

 

Suốt 50 năm trong sự nghiệp điện ảnh, Sidney Poitier đã có những thành tựu rất đáng nể. Ông được trao tặng giải Oscar dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, là một nhà đạo diễn, một nhà viết sách bán chạy, một người cha, một người chồng, một người ông mẫu mực. Ông cũng nhận được rất nhiều giải thưởng : Giải thưởng vinh dự nhất đối với ông là giải thưởng Người Hùng của Nữ hoàng Elizabeth trao tặng năm 1968. Năm 2002, lần thứ hai, Sidney Poitier nhận giải thưởng Oscar cho những cống hiến của ông cho điện ảnh Mỹ. Hơn nữa, American Film Institute (AFI) bình chọn Sidney Poitier là một trong 50 huyền thoại của màn ảnh Mỹ năm 1992. Năm 2000, Screen Actors Guild (SAG) cũng trao giải thành tựu cho ông. Năm 2001, giải thưởng vinh dự của NAAPC trao cho Poitier vì ông luôn hoá thân vào những vai diễn có hình tượng tốt đẹp và đầy ý nghĩa.

 

Những đóng góp khác

 

Góp phần thành công cho bộ phim To Sir,With Love còn phải kể đến sự xuất sắc của dàn diễn viên trẻ vào vai những học sinh ngỗ nghịch quậy phá. Những diễn viên có thể nói là vô danh trước đó như Lulu, Suzy Kendall, Judy Gesson…, sau phim được công chiếu đã trở thành những ngôi sao sáng của tương lai. Nhưng ấn tượng đặc biệt nhất với khán giả, chính là giai điệu khó quên của ca khúc To Sir, With Love. Ca khúc nầy do Marc London và Don Black viết nhạc và lời, đã được ca sĩ người Anh Lulu thể hiện thật tuyệt vời. Đặc biệt trong phim này, chính cô ca sĩ nhí Lulu lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh đã hóa thân thật xuất sắc vai cô học trò đanh đá nhưng đáng yêu Babbs. Ca khúc này sau đó cũng nổi tiếng không kém thành công của bộ phim và ngự trị trong suốt nhiều tuần lễ liên tiếp trên cả hai bảng xếp hạng Top Ten của Anh và Mỹ.

 

Với ý nghĩa nhân bản, To Sir, With Love được dành cho tất cả những ai đã từng cắp sách đến trường và đó cũng là bộ phim tôn vinh hình ảnh cao quý của những người thầy, người cô từng đứng trên bục giảng trong sứ mệnh giáo dục trong quá khứ, hiện tại hay tương lai./.

 

8.2008

Sâm Thương
Số lần đọc: 3112
Ngày đăng: 13.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đoàn Thị Lam Luyến – Người đơn phương phát động cuộc chiến tranh tình ái ! - Thái Doãn Hiểu
Chân Dung Một Thế Hệ Quốc Học - Trần Anh Tuấn
Vũ Đức Sao Biển ,Thu hát cho người - Lê Ngọc Trác
Phan Lão Ngoan Đồng - Trần Áng Sơn
Khi ông chủ ngân hàng cưới... nàng thơ - Thái Doãn Hiểu
Người con gái hay chữ phương đông - Đoàn Minh Tuấn
Hồ Dzếnh, Nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa - Lê Ngọc Trác
Phạm Công Thiện ,Con chim lạ lạc miền hoang lương - Lê Ngọc Trác
Phạm Công Thiện ,Con chim lạ lạc miền hoang lương - Lê Ngọc Trác
Gặp Nhà Văn Phó Mộc Lương Văn Chi cùng Những Truyện Ngắn ấn Tượng của Anh - Nguyễn Long Khánh
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)