Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
484
115.870.594
 
Phản-sến, và… như là thông điệp phi thông điệp
Inrasara

Đọc Tẩy sạch vết yêu, tập truyện ngắn của Lê Anh Hoài,

NXB Hội Nhà văn, H., 2010.

 

Tẩy sạch vết yêu – cái tên sách dường í đồ câu khách, như thể Xin lỗi tôi là con đĩ, Điếm trai, Lạc giới,… Hay như mọi tên truyện đồng dạng mà tác giả của chúng đặt tên sách đầy nghiêm túc, nghiêm túc với í hướng câu khách của mình. Ở đây Lê Anh Hoài không tỏ sự nghiêm chỉnh chút nào cả. Suốt 19 truyện ngắn có dung lượng dài ngắn khác nhau, không thấy đâu vết yêu để mà tẩy sạch. Lừa độc giả ư? – Có và không! Có, bởi độc giả nào mong tìm nơi Tẩy sạch vết yêu câu chuyện tình ướt át, đầy tình tiết éo le gây cấn, sẽ thất vọng. Và không, vì Lê Anh Hoài đặt tên cho tập truyện để quay lại đùa nghịch với chính cái tên đó. Đùa nghịch lây lan sang bao nhiêu tên sách tương cận đang tràn ngập hiệu sách và vỉa hè.

 

Trước, đã có người làm như thế. Nguyễn Hoàng Nam dùng một câu thơ đầu trong bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ nổi tiếng đặt tên cho bài thơ của mình: Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Nhà thơ buộc người đọc đọc bài thơ trong tâm trạng luôn phải đối chiếu với “Ngậm ngùi” của Huy Cận. Bài thơ trở thành bài thơ kép. “Ngậm ngùi” có mặt song hành với “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” của Nguyễn Hoàng Nam. Không thể khác.

 

Tẩy sạch vết yêu cũng ám người đọc theo suốt tập truyện của Lê Anh Hoài. Xài lại “Ngậm ngùi”, Nguyễn Hoàng Nam đã làm giảm thiểu tối đa cảm xúc thường có trong thơ, nhất là Thơ Mới, như là một phản-lãng mạn. Lê Anh Hoài dùng Tẩy sạch vết yêu đặt tên cho tập truyện của mình như là một cách phản-sến! 

 

Phản sến bằng đùa nghịch vào tình yêu được vạch kế hoạch, lên phương án đầy tính khoa học như là đứa con thiếu tháng của bạt ngàn Cẩm nang bạn gái, Người con trai sắp lấy vợ nên biết, Kĩ năng chọn người yêu, Chuẩn bị hạnh phúc cho hôn nhân của bạn,… với bao chuyên gia tâm sinh lí, nhà chiêm tinh, thầy bói các loài… trong “Chinh phục”. Hãy chú í những con số, mênh mông con số. Từ bảng kê thời gian sinh hoạt chi li: dậy 6h 20 phút, vào W.C 10 phút; làm vệ sinh cá nhân 5 phút, uống trà 10 phút,… đến quá trình nghiên cứu đối tượng: chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến sức khỏe và khả năng đinh đẻ,… 2 trứng, 2 hợp tử, trứng có chất lượng đảm bảo 100% trên toàn bộ mẫu,… sang khảo sát mẫu băng vệ sinh, qua chuyện gia đình, vấn đề học thêm kinh tế, ngoại ngữ,… nghĩa là tất tần tật “những điều cần biết” để đảm bảo hạnh phúc cuộc sống lứa đôi bền vững. Sau cùng là cầu hôn, ấn định “ngày cưới có tham khảo lịch hoạt động của các quan khách cao cấp” và dĩ nhiên, tuần trăng mật. Đúng theo sách.  

 

Nhưng rồi tất cả đảo lộn, loạn xạ, bất khả kiểm soát. Khi hai sinh thể khác giống lõa lồ áp vào nhau, khi thân xác chạm thân xác. Cả hai nóng chảy tan tành. Sức nóng thiêu rụi những con số, các hiểu biết sách vở, và có thể lắm, thiêu ra tro cả kế hoạch dài lâu và bền vững từng ngốn bao nhiêu thời gian tìm hiểu kia.

 

“Những con số chiều cao, vòng 1 vòng 2 vòng 3, tỷ lệ giữa các bộ phận cơ thể nàng tôi nắm rõ trong lòng bàn tay nhưng lúc này đều đảo lộn”.

 

Cuộc đời thực không phải cứ hai lần hai là bốn mà răm rắp làm theo, sống theo. Nhiều, đã xảy ra quá nhiều sự cố hai lần hai là năm, là chín hay không là gì cả. Bấp bênh, ngẫu nhiên, đầy biến động khôn lường. Đó là nguyên do vì sao hầu như tất cả truyện ngắn của Lê Anh Hoài không có kết; hoặc có, nhưng với nhiều lối khác nhau. Ở “Chinh phục”, tác giả mở ra ba lối rẽ cho người đọc chọn lựa phần kết cho mình, như là một gợi í.

 

“Chinh phục” mang tinh thần giễu nhại (parody) của hậu hiện đại, thể hiện bằng thủ pháp hậu hiện đại. Giễu nhại và chất hài hước đi xuyên suốt tập truyện, đậm nhạt mỗi truyện mỗi khác, nhưng chưa bao giờ vắng mặt. Cả lối viết “Tái ngộ” mang nhiều nét cổ điển hơn cả, chất hài hước vẫn bàng bạc. Ở đó xảy ra nhiều tình tiết vừa chua chát, đau xót lẫn buồn cười. 

 

“Lại có một ít nước chua chua đắng đắng ngược lên miệng tôi. Bây giờ mà ra nhổ thì thiếu lịch sự. Tôi đành nuốt vào”.

 

Tình cũ không rủ cũng đến, ông bà xưa nói vậy. Cặp tình nhân lâu ngày tái ngộ, tưởng ngọn lửa đam mê sẽ bùng cháy, hai sinh thể hứa hẹn đưa nhau lên tận đỉnh trời, nhưng không. Kết thúc là hẫng. Luôn là kết thúc hẫng. Hẫng như Hà, một anh hùng hảo hớn sành đời đầy khí phách, khi gặp sự cố chẳng đáng, đã bật ra trước mặt đàn em hai từ gọn lỏn: “Rút quân”! (“Vai kép”).

Bày ra bao nhiêu chi tiết gây hài hước đã đành, Lê Anh Hoài còn bỡn cợt ngay lối chọn hình ảnh đối nghịch: thịt trâu đặt cạnh huân chương hoặc “một con - cua - Huy chương”, huy chương với “đợt vét”, chỗ gắn huy chương với “chỗ ấy”, hay thao tác “tóm lấy” cũng như thái độ “cười chẳng ra cười, nói chẳng ra nói”,… luôn tạo buồn cười. Không đúng chỗ đúng lúc tí nào cả. Nghĩa là giải-nghiêm trọng! Giải-nghiêm trọng nỗi nghiêm trọng hay tinh thần nghiêm nghị của sư thầy ở truyện cực ngắn “Nghiêm”:

 

“Sư thầy dạy đệ tử rất nghiêm, đặc biệt trong chuyện ăn uống.

Ví như khi ăn thịt chó, thầy chỉ chấm muối ớt, đứa nào dọn mắm tôm lên thì chết với thầy”.

 

Chuyện tưởng như nghiêm lắm nhưng chẳng lấy đâu tí ti nghiêm túc cả! Hay nói khác đi: cái nghiêm vừa đủ cho một bật cười.

Ở “Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo”, Lê Anh Hoài đẩy sự giễu nhại lên cấp độ cao hơn nữa. Nhìn các “bản thảo” như những nhân vật, những mảnh đời cũng nhiều tình tiết, đầy tâm trạng như con người thật, thì “Trinh nữ ma-nơ-canh” đã làm rồi. Hóm nữa là khác. Nhưng “Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo” thì khốn nạn trăm lần hơn. Qua hình thức bỡn cợt, tác giả buộc người đọc tra vấn lại sự thể tưởng như chuyện đương nhiên, đương nhiên đến đã thành truyền thống không thể chối bỏ: sự kiểm duyệt, dao kéo cắt xén tác phẩm của nghệ sĩ sáng tạo.

 

Nếu chủ nghĩa hiện đại thể hiện tư duy chín đầy của con người í thức, thì các tác giả hậu hiện đại đẩy í thức dấn thêm một bước thẳm sâu hơn nữa, í thức ở bề sau í thức bằng thái độ phi nghiêm cẩn trí thức. Tại đó giễu nhại là cách thế biểu hiện được xem là nghiêm túc duy nhất.

“Giải phẫu, tôi cần giải phẫu”, một bản thảo la lên. “Chúng ta - tôi và ông - có thể chết chỉ vì một ẩn dụ bị suy diễn”. Thế là tự kiểm duyệt. Không cần đợi ai cắt xén, các bản thảo nhắc nhở mình, nhắc nhở nhau ta cùng kiểm duyệt. Tự đánh hơi lấy mấy vùng taboo, các đề tài nhạy cảm, những từ ngữ húy kị,… mà né tránh, mà lách, mà làm… phê bình.  Riết rồi,

 

“Sống trong bóng tối, chúng tôi đã quen phán đoán theo cách của người mù”.

 

Người mù và kẻ theo đuôi. Mù, nên theo đuôi.

Chúng ta, những nhà văn, nhà phê bình và nhà viết lách đủ loại quen sống theo, viết theo. Tất cả trở thành tín đồ Theo-ism trong cộng đồng văn chương “đã quen phán đoán theo cách của người mù”. Quen, chúng ta hành động trong, với và giữa những quán tính, như không cần thiết phải thay đổi. Vậy, phải giải phẫu để thay đổi. “Giải phẫu, tôi cần giải phẫu”. Bằng cách thế độc đáo, Lê Anh Hoài đã giải phẫu vài ung nhọt tiêu biểu trong sinh hoạt chữ nghĩa hôm nay. Không để làm gì cả, nhưng ít ra thái độ đó cũng buộc các cây bút hôm nay tự phản tỉnh trước các sự thể nghiêm trọng đầy buồn cười này. Trong đó, hành vi tự kiểm duyệt chỉ là một trong những.

Qua giọng điệu giễu cợt thường trực suốt Tẩy sạch vết yêu, đây có lẽ là thông điệp tác giả gởi đến người đọc, nếu ta cứ đòi tác phẩm văn chương cần phải mang một thông điệp nào đó.

Và cuối cùng:

"Tập sách này hân hạnh được công ty chất tẩy rửa TASAVEYE tài trợ"

 

Sài Gòn, 1-4-2010.

Inrasara
Số lần đọc: 2242
Ngày đăng: 24.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bao nhiêu là trăn trở chưa thể lý giải được… - Từ Sơn
Lâm Anh, dòng thơ của kẻ bị lưu đày (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Những hồi ức buồn - Khuất Đẩu
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui - Thái Doãn Hiểu
Một bài thơ ứa máu - Phan Bá Ất
Thăm thẳm cõi người - Phan Văn Tường
Truyện Nguyễn Văn Ninh: bi kịch mới bắt đầu... - Trần Thị Ngọc Lan
Lớn lên từ bếp nhà sàn - Nguyễn Thánh Ngã
Lữ Quỳnh và Sinh nhật của một người không còn trẻ. - Nguyễn Mạnh Trinh
Văn chương phản ánh và ký thác - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)