Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
757
116.498.166
 
Văn Miếu Diên Khánh
Nguyễn Man Nhiên

Văn miếu Diên Khánh tọa lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tuy gọi là Văn miếu Diên Khánh nhưng có thể xem đây là Văn miếu cấp tỉnh mà tiền thân là Văn miếu trấn Bình Hòa xưa, lập từ năm Gia Long thứ 2 (1803). Đây cũng là Văn miếu cấp tỉnh hiếm hoi còn tồn tại ở khu vực Nam Trung bộ, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998.

 

Văn miếu là hệ thống di tích đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Văn miếu là đền thờ của đạo Khổng (Nho giáo), thờ Đức Khổng Tử là đấng sáng lập và những bậc hiền triết là học trò của Ngài. Văn miếu cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, đồng thời tôn vinh những người đỗ đạt thành danh phụng sự dân tộc.

 

Thời phong kiến, đạo Nho được coi là quốc giáo; chữ Hán được coi là “chữ của thánh hiền” và được dùng trong việc thi cử để chọn nhân tài ra giúp nước. Dưới triều Nguyễn, hệ thống trường học các cấp (tỉnh, phủ, huyện) được xây dựng khắp các địa phương trong cả nước để phục vụ Nho học. Việc học đã được tổ chức thì nhất định phải có Khổng miếu. Cấp tỉnh có Văn Thánh hay Văn miếu; cấp phủ, huyện có Văn chỉ. Văn miếu do quan tỉnh đứng lập; Văn chỉ do thân hào nhân sĩ đứng lập. Văn Miếu Diên Khánh xưa cũng được hình thành theo thiết chế ấy.

 

1. LẦN THEO DẤU TÍCH VĂN MIẾU DIÊN KHÁNH

 

1.1 VĂN MIẾU TRẤN BÌNH HÒA:

 

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển 11 nói về tỉnh Khánh Hoà, ghi: “Văn miếu: ở xã Phú Lộc, phía tây bắc tỉnh thành, dựng năm Gia Long thứ 2 (1803), trùng tu năm Tự Đức thứ 2 (1849)”.

 

Theo ký ức các vị bô lão ở địa phương, Văn miếu trấn Bình Hòa xưa xây dựng tại chân núi Hòn Tháp nằm ở đầu làng Phú Lộc về phía tây nam, gần bờ sông Cái. Lúc mới lập có miếu chính và miếu Khải Thánh, lợp cỏ tranh.

 

Do nơi đây gần bờ sông, mùa mưa nước lũ xâm thực, đất bị sạt lở vào tận chân miếu nên đến năm Tự Đức thứ 2 (1849) địa phương di dời Văn miếu đến chỗ mới cách địa điểm cũ khoảng 1000m về hướng đông. Lần này miếu được tu bổ lợp ngói và dựng thêm Tả vu, Hữu vu.

 

Toàn bộ các kiến trúc nằm trên bốn mẫu đất cao ráo. Chánh tòa thờ Khổng Tử, cột kèo chạm trổ; Tả vu và Hữu vu thờ Tứ phối và Thất thập nhị hiền nằm đối nhau hai bên sân lát bằng những viên gạch vuông cỡ 30x30cm nung đỏ mà các cụ nghĩ là được chở từ ngoài Bắc vào. Phía tây của chánh tòa là miếu Khải thờ Khải thánh công Thúc Lương Ngột và bà Nhan Thị Trưng Tại tức thân phụ và thân mẫu đức Khổng tử. Ngôi miếu này nhận lễ tế cáo trước khi chánh lễ bắt đầu. Phía tây của miếu Khải, nhưng lui lại phía sau là nhà ông từ miếu. Từ miếu được hưởng hoa lợi của đất Văn miếu. Cách xa về phía trước, cận cổng vào ở hướng Đông Nam là nhà quan cư. Đây là chỗ các quan ở tỉnh đường sang tạm nghỉ để đợi đến khuya hành lễ. Cách xa sân là Nghi môn. Ngoài Nghi môn là bức thành hoa của Văn miếu. Và ngoài thành hoa là hai tấm trụ bằng đá có chữ “khuynh cái” (nghiêng lọng) và “hạ mã” (xuống ngựa).

 

Bên cạnh miếu, dưới một gốc cây cổ thụ, có một bàn thờ xây gạch. Đó là bàn thờ Chúa Sơn Lâm, tức là Cọp. Mỗi lần tế miếu, đều đem một tợ thịt heo ba sườn ra đặt nơi bàn thờ. Truyền rằng lúc miếu còn ở phía tây, cũng như khi miếu đã dời sang đông, hễ tế xong thì cọp đến tha thịt đi. Lại có lắm đêm cọp về nằm ngủ nơi bàn thờ. Ngủ đã giấc rồi đi chứ không bao giờ làm hại đến người hoặc súc vật. Từ ngày bỏ cúng tế theo cổ tục, cọp không về nữa.

 

Khu miếu đứng trên một đồi đất cao, sầm uất. Thuật phong thủy lấy hướng Tý Ngọ (trục Bắc Nam) làm trục chính để xây cất. Đứng từ cửa Nghi môn, phóng tầm mắt qua khỏi Thành Diên Khánh, lấy núi Diễn Sơn (tức núi Cây Cầy) làm tiền án. Ở vị trí gần có khúc quanh của sông Phú Lộc chầu về. Sau lưng, lấy núi Đại Điền làm hậu chẩm. Các cụ có ý mượn sông núi này gợi tưởng đến sông Tứ Thủy và núi Ni Sơn tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc là nơi đất lành sinh ra bậc Thánh muôn thuở cho loài người. Bên trái và bên phải lấy núi Sơn Lâm và núi Hòn Tháp (lúc ấy đá và đại thụ còn chớn chở chứ không khô trọc và có nhà cửa như ngày nay) làm tả phù hữu bật. Cạnh núi Sơn Lâm thuở ấy còn cái ao sâu giúp cho ý niệm “núi bút” kề với “ao nghiên”. Thờ vị Văn vương ở nơi hình thế bút nghiên, thật là đạt được cái “hình thắng”.

 

Thời ấy cảnh vật còn đậm nét hoang sơ, dã thú rình rập kiếm mồi theo thôn xóm con người, ngôi miếu bề thế trang nghiêm đứng giữa đồi cây cao rậm, vững chắc và hài hòa với khung cảnh. Trước mặt là bãi soi bên sông trồng dâu và hoa màu trải dài đến gần chân nước. Xa xa, cửa Bắc môn Thành Diên Khánh ẩn hiện trong lũy tre dày ken khít nhau trên bờ thành. Con sông Phú Lộc vào thu đông thì cuồng loạn, vào xuân hè thì lượn lờ êm ả giữa bên nam là các kiến trúc hành chánh của tỉnh lỵ, bên bắc có Văn miếu là nơi tế tự đức “chí thánh tiên sư” của đạo Nho.

 

Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn miếu tỉnh trở thành trụ sở, là bãi luyện tập cho vô số thanh niên. Nhà Đông, nhà Tây, miếu Khải trở thành nơi chứa lương thực gạo mắm của mặt trận.

 

Năm 1947, Văn miếu trở thành trường học cho trẻ em hai trường Đại Điền Nam và Phú Lộc bị đốt cháy.

 

Năm 1948, quân Pháp thấy được vị trí lợi hại của cuộc đất Văn miếu, định xây dựng nơi này thành một đồn binh. Không để cho địch lợi dụng, Văn miếu Khánh Hòa đã chịu thiêu hủy, hy sinh cho công cuộc “tiêu thổ kháng chiến”.

 

Sau thời gian này, việc tế tự ở Văn miếu tỉnh phải tạm chuyển dời về Văn chỉ huyện Vĩnh Xương (nay thuộc phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang).


Năm 1964, chính quyền cũ xây dựng lại Văn miếu Khánh Hòa trên đường Lữ Gia, Nha Trang (nay là đường Lê Hồng Phong). Sau năm 1975, do sinh hoạt của hội Khổng học bị gián đoạn rồi mai một, cơ sở vật chất của Văn miếu Khánh Hòa được dùng làm trụ sở UBND Phường Phước Hải cho đến nay.

 

1. 2 VĂN CHỈ HUYỆN PHƯỚC ĐIỀN:

 

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Văn chỉ Phước Điền được quan Bố chánh Ngô Văn Địch và Tri phủ Đặng Trọng Dật khởi xướng xây dựng tại ấp Phật Tỉnh xã Phú Ân (ở chỗ nay là Cây Da làng Phú Ân) làm nơi tế tự cho học giới phủ Diên Khánh, bước đầu che tạm bằng vật liệu thô sơ, chưa được lớn đẹp.


Năm Tự Đức thứ 6 (1853) quan Án sát Đỗ Thúc Tỉnh xem xét phong thủy, hội ý với quan Giáo thọ Trương Đức Lân, triệu tập văn thân huyện dời đền thờ về dựng ở phía đông phủ lỵ (thuộc ấp Thanh Tự, xã Phú Ân), vận động người trong tỉnh hạt đóng góp tiền của công sức xây dựng Văn chỉ kiên cố, to đẹp, sau một năm thì hoàn thành (1854).

 

Năm Thành Thái thứ 4 (1892) người trong hạt tự nguyện quyên góp tiền của tu bổ Văn chỉ lần thứ hai.

Đến năm Thành Thái thứ 7 (1895), do sự học trong huyện không phát triển, nhiều năm không có học sinh thi đỗ, quan Đốc học Nguyễn Liễn xem xét phong thủy, cho chuyển dời Văn chỉ lên cuộc đất mới ở Gò Sòng, xã Phước Tuy (nay là xã Diên Phước). Vị trí miếu nơi đất mới có gò cao (Gò Sòng), ao sâu (bàu sen bên cạnh gò Sòng) là thế bút nghiên chững chạc, giữa cảnh trí tôn nghiêm, bề thế. Công việc chuyển dời do quan đồng Tri phủ Lê Quang Cảnh cùng các vị trong Văn hội đứng ra đốc trách thực hiện.

 

Năm Bảo Đại thứ 16 (1941) tu bổ và mở rộng các kiến trúc của Văn chỉ Diên Khánh gồm Chánh điện, Bái đường, nhà Tây.

 

Năm 1958, nhận thấy cơ sở vật chất của Văn chỉ Diên Khánh trải qua thời gian chiến tranh bị hư hỏng nhiều, Ban trị sự Quận hội Khổng học Diên Khánh hội ý với các phụ lão làng Phú Lộc cùng nhất trí lấy đất và nền cũ của Văn miếu tỉnh làm chỗ di kiến Văn miếu Diên Khánh. Để có ngân quỹ, các cụ bán bớt tự điền và đất miếu sở tại ở Phước Tuy, chuyển cây gỗ, vật liệu từ Văn chỉ Diên Khánh về xây dựng lại trên nền cũ của Văn miếu tỉnh ở thôn Phú Lộc đã tiêu thổ năm 1948. Qua năm 1959 làm lễ khánh thành Văn miếu Diên Khánh.

 

Năm 1969 trùng tu. Năm 1990 chống dột, quét vôi. Năm 1997 tu bổ nhà Đông. Năm 1998 xây lại cổng miếu bị sập.

 

Sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998, đến năm 2008, Văn miếu Diên Khánh được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cấp kinh phí đại trùng tu di tích với nhiều hạng mục bề thế để phù hợp với sự phát triển của địa phương trong thời kỳ mới.

 

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, ta thấy Văn miếu Diên Khánh hiện nay được xây dựng trên nền đất của Văn miếu Trấn Bình Hòa xưa (tên cũ của tỉnh Khánh Hòa), giàn cây gỗ kết cấu các gian thờ là của Văn chỉ Diên Khánh ở làng Phước Tuy chuyển về.

 

Văn miếu tỉnh ở làng Phú Lộc vì tiêu thổ kháng chiến mà mất, Văn chỉ huyện tại làng Phước Tuy theo thời gian mà suy tàn. Vì thế chuyển cái cốt (cây gỗ, cột kèo của công trình cũ) từ nơi suy tàn về lại nơi đã từng là nền móng, gốc rễ Nho học của địa phương để kết nối và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào cuộc sống hôm nay.

 

Như vậy, tuy gọi là Văn miếu Diên Khánh nhưng đây không còn là Văn miếu cấp huyện mà chính là Văn miếu cấp tỉnh mà tiền thân của nó là Văn miếu trấn Bình Hòa xưa, lập năm Gia Long thứ 2 (1803). Giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục của Văn miếu hiện nay không chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi huyện Diên Khánh mà còn ảnh hưởng trong phạm vi toàn tỉnh, nhất là trong phong trào “khuyến học, khuyến tài” và “giáo dục đức hạnh” hiện nay.

 

2. KIẾN TRÚC VĂN MIẾU QUA CÁC THỜI KỲ

 

2.1 ĐỊA THẾ VĂN MIẾU:

 

Văn miếu Diên Khánh xây dựng trên một khu đất cao ráo, có diện tích rộng gần 1500m2, toạ lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, trên nền Miếu Văn Thánh cũ của tỉnh Khánh Hòa ngày trước. Theo lời của các bô lão địa phương kể lại, Văn miếu xưa có qui mô rộng lớn hơn Văn miếu bây giờ gấp bảy tám lần.

 

Để đến nơi đây, từ ngã ba Thành (Cây Dầu Đôi) qua cầu Sông Cái, rẽ trái về hướng tây theo đường tỉnh lộ 8 đi Khánh Vĩnh hoặc đường lộ dọc theo Sông Cái, cách quốc lộ 1A khoảng hơn 3 km, thấy bên đường có biển chỉ dẫn ghi “Di tích Văn miếu Diên Khánh”, hoặc đi từ chợ Thành, qua cầu Thành rẽ trái về hướng tây đi dọc theo hương lộ giáp bờ sông lên đến chùa Thiên Quang có biển chỉ dẫn như trên, rẽ vào là đến nơi.

 

Mặt tiền của Văn miếu Diên Khánh hướng về phía Nam, theo phong thủy là hướng Thánh hiền. Trước miếu là sông Phú Lộc tức sông Cái, theo thế tiền thủy. Đứng từ cổng Nghi môn nhìn thẳng về hướng Nam qua bên kia thành cổ Diên Khánh là núi Diễn Sơn còn có tên là núi Cây Cầy làm tiền án. Sau lưng miếu, về hướng bắc là dãy núi Hòn Ngang và núi Đại An án ngữ làm hậu sơn. Bên trái Văn miếu, cách 300 m là núi Sơn Lâm tức hòn Bút, bên phải Văn miếu là hòn Tháp, hai hòn núi nhỏ đứng hai bên làm tả phù hữu bật. Người xưa xây dựng Văn miếu đã có ý mượn cảnh núi, sông để gợi nhớ đến núi Ni Sơn và sông Tứ Thủy ở tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, quê hương đã sinh ra Đức Khổng Tử.
Khi xưa chọn thôn Phú Lộc để lập Văn miếu, vì thôn ở bên này sông, đối diện cùng tỉnh thành ở bên kia sông, cách mà không xa, việc đi lại tiện lợi. Vả lại, thôn Phú Lộc là một thôn trù phú và có nhiều nhân vật có uy danh.

 

Trong thôn, gần Văn miếu, có Trường văn và Trường võ. Cạnh Trường võ có lò đúc súng, gọi là Lò gang. Ở thôn Đông có xưởng làm giấy.

 

Nhờ vậy mà thời phong kiến thịnh vượng, thôn Phú Lộc nổi danh nhất Diên Khánh. Và con sông Cái được mang tên Phú Lộc vào sử sách, mặc dù sông chảy qua nhiều thôn.

 

Nhìn toàn cảnh vị trí Văn miếu trên bản đồ, ta càng khâm phục tầm nhìn của cổ nhân đã khéo chọn một địa thế chuẩn về phong thủy, đẹp về cảnh quan để xây dựng Văn miếu của tỉnh. Điều đó chứng tỏ xã hội lúc bấy giờ rất coi trọng Nho học và chọn địa thế như trên không ngoài mục đích cầu mong cho nhân tài trên đất Khánh Hòa phát triển.

 

2.2 KIẾN TRÚC VĂN MIẾU XƯA:

 

Theo lời kể của các cụ hào lão, ngày xưa, trước khi hỏa thiêu Văn miếu Khánh Hòa (mà tiền thân là Văn miếu trấn Bình Hòa) vào năm 1948 để tiêu thổ kháng chiến chống Pháp thì cấu trúc xây dựng của Văn miếu tỉnh rất bề thế, bao gồm các hạng mục sau:

 

- Chánh tẩm: tòa nhà chính của Văn miếu, lớn nhất, có 5 gian, có hệ cột kèo đỡ trên cao cấu trúc cổ lâu (hiện nay còn khung gỗ, vì kèo cổ). Khi tái thiết, các cụ bỏ các hàng cột biên cho hệ kèo gối trên đầu vách 3 phía hậu, tả, hữu. Mái trước là trần thừa lưu (máng xối) liền với mái sau của tòa tiền tích (cũng gọi là tiền tế, bái đường) ba gian.

 

Tận trong cùng của chánh tẩm là án chánh trung thờ thánh tượng Đức Khổng Phu Tử và thần vị 8 chữ khắc gỗ: Chí thánh tiên sư Khổng Tử thần vị. Bên tả là án thờ Tứ phối (4 vị học trò giỏi được Khổng Tử thương yêu nhất và được phối thờ cùng Ngài là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cấp, Mạnh Kha). Bên hữu là án thờ Thập Triết (10 vị hiền triết có công với Nho giáo là Mẫn Tử Khiên, Tử Trương, Tể Dư, Nhiễm Hữu, Ngôn Yển, Nhiễm Canh, Nhiễm Ung, Trọng Do, Bốc Thượng và Đoan Mộc Tử).

 

- Bái đường: còn gọi là nhà tiền tế, là gian kế tiếp trước chánh tẩm, đây là nơi tiến hành nghi thức lễ tế cổ truyền và khách hành hương hành lễ. Nhà tiền tế của Văn miếu có treo 6 bảng chữ Hán. Từ ngoài nhìn vào, giữa là bài minh. Trái và phải là hai bảng ghi công lần tu bổ năm 1941. Từ trong nhìn ra, giữa là bảng tự tích làm năm 1904. Trái và phải là hai bảng ghi công lần tu sửa năm 1892.

 

- Sân miếu: bên ngoài hai tòa nhà chính là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng, trong sân có các kiến trúc như hai dãy nhà Đông - nhà Tây, nhà bia, cổng tam quan và tường thành.

 

- Nhà Đông, nhà Tây (Tả Vu - Hữu Vu): là hai dãy nhà hai bên chính tòa, dựng theo kiểu nhà 5 gian đối nhau theo hình chữ Môn. Bên tả có 3 án thờ: trong cùng thờ Thất thập nhị hiền; giữa thờ Thành hoàng, thổ địa, long thần; án ngoài thờ bổn huyện tiên chánh tiên sanh tiền bối văn nhân. Bên hữu có 3 án thờ, trong cùng thờ lịch đại tiên hiền, giữa thờ lịch đại tiên nho, án ngoài cùng thờ chư vị thần linh của miếu Hội Đồng (sở dĩ có điều đặc biệt này vì trước kia, khu đồi có Văn miếu tỉnh cùng núi Sơn Lâm vốn là nơi sầm uất, phong cảnh tươi nhuận, tập trung nhiều chùa, miếu, trong đó có miếu Ba Tòa của Tào Lễ tỉnh Khánh Hoà thiết lập từ thời Vương triều để hàng năm tế chung các cấp thần trong Tỉnh, quen gọi là miếu Hội Đồng. Miếu đổ nát trong chiến tranh, không phương tiện cũng như không còn cơ quan chuyên trách nào lo việc thờ cúng nữa. Nhân di kiến Văn miếu, các cụ thêm một án thờ ngoài cùng này. Miếu chế (cách thờ phụng của miếu Hội đồng ngày xưa) có án giữa thờ thượng đẳng dương thần, án tả thờ trung hạ đẳng dương thần và án hữu thờ thượng trung hạ đẳng âm thần. Nay các cụ tập trung hơn 30 đạo sắc phong thờ chung vào một án thượng trung hạ tam đẳng âm dương hội đồng linh thần.

 

- Nhà bia (Bi đình): trước sân Văn miếu, đối diện gian thờ chính. Bên trong nhà bia dựng một tấm bia đá hình chữ nhật cao phủ đầu người, đứng trên một chân đá tạc hình án thư. Bia được tạc vào năm 1858, có chạm khắc hoa văn trang trí, nét chữ đẹp, ghi lại danh sách những vị đã đóng góp tiền của, công sức trong việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu vào năm đó.

 

- Cột cờ: nằm kế tiếp khoảng giữa nhà bia và cổng Nghi môn. Cờ có hình vuông lớn, màu ngũ sắc, trên có 4 chữ Hán đại tự: Diên Khánh Văn Miếu. Cờ thường được treo vào những dịp lễ tế cổ truyền trong năm cùng với cờ Tổ quốc.

 

- Nghi môn: gồm 4 trụ cao vươn lên uy nghi theo hình tứ trụ. Hai bên Nghi môn có tường thành xây lửng để bảo vệ. Tường được xây bằng ghè ống (loại gạch ngày xưa có hình trụ tròn bằng đất nung).

 

- Miếu Khải: là ngôi miếu nằm cách tòa miếu chính khoảng 30m về phía Tây, thờ Khải Thánh Công Thúc Lương Ngột và bà Nhan Thị Trưng Tại là thân phụ và thân mẫu của Đức Khổng Tử. Thường đến ngày lễ tế, người ta làm lễ tế ở miếu Khải trước rồi sau đó mới vào tòa chính làm lễ tế Đức Khổng Tử.

 

- Nhà từ miếu: là ngôi nhà nhỏ phía sau miếu Khải, chếch về hướng Đông, cấu trúc nhà 5 gian, dùng làm nơi ở của người trông giữ, hương khói, bảo vệ miếu.

 

- Nhà quan cư: gần cổng Nghi môn, chếch về hướng Đông, dùng làm chỗ tạm trú cho các quan tỉnh khi về dự lễ.

 

Tất cả các công trình đều xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ, mái lợp ngói âm dương, các cột kèo, vì nóc… được chạm khắc hoa văn họa tiết rất công phu.

 

2.3 KIẾN TRÚC VĂN MIẾU SAU KHI XÂY DỰNG LẠI VÀO NĂM 1959:

 

Sau khi tiêu thổ kháng chiến vào năm 1948, đến năm 1959 thì Văn miếu Diên Khánh được xây dựng lại trên nền Văn miếu cũ ở thôn Phú Lộc nhưng có những điểm khác xưa. Các giàn cây gỗ cơ bản còn giữ nguyên nhưng kiến trúc có thay đổi. Các gian thờ xây dựng theo kiểu nhà cấp bốn thời Pháp: mái lợp ngói Tây, vách xây gạch thẻ, tô trát xi măng. Trước hàng hiên gian Tiền tế có xây trụ tròn bằng xi măng. Các cửa gỗ theo kiểu cửa pa-nô. Xung quanh có tường lửng xây bằng gạch, cao khoảng 1,5 m bao bọc sân miếu. Các công trình như miếu Khải, nhà Quan cư, nhà Từ miếu không phục dựng.

 

2.4 KIẾN TRÚC VĂN MIẾU HIỆN NAY:

 

Được sự đầu tư từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia “Bảo tồn, chống xuống cấp di tích” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nguồn ngân sách của tỉnh, trong các năm 2008 và 2009 địa phương đã tiến hành đại trùng tu di tích Văn miếu Diên Khánh, bao gồm các hạng mục:

- Nâng cấp các công trình kiến trúc, hạ giải, nâng mái và nền móng di tích, xây dựng lại trên nền cũ.

- Thay mái ngói cũ lợp lại ngói hài (ngói vảy).

- Xây hai lớp tường bao bảo vệ kiên cố.

- Xây hai trụ cổng theo kiểu tứ trụ bề thế.

- Qui hoạch lại toàn bộ đất đai khuôn viên di tích trở về thời kỳ ban đầu.

- Xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng và thiết lập công viên cây xanh trong khu vực Văn miếu.

Mục đích của dự án phục hồi lại Văn miếu tỉnh Khánh Hòa là để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó gìn giữ bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, tinh thần về đạo học, đạo hiếu cho nhân dân; đồng thời nơi đây sẽ là địa điểm hoạt động văn hóa, giáo dục của cộng đồng, của ngành giáo dục… nhằm khuyến học, khuyến tài, khai trí, tôn vinh nhân tài và sự sáng tạo của nhân dân trong tỉnh.

 

3. LỄ KHÍ VÀ TẾ TỰ

 

3.1 ĐỒ LỄ KHÍ VÀ CÁC DI VẬT, CỔ VẬT Ở VĂN MIẾU:

 

- 6 hòm sắt đựng 18 đạo sắc phong của các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức ban tặng.

- 1 hòm sắt đựng 4 đạo sắc “Thượng trung hạ tam đẳng âm dương dư linh thần” (nguyên của Miếu Hội Đồng).

- 1 bức hoành phi.

- 8 câu đối chữ Hán khắc nổi trên gỗ.

- 1 văn bia khắc ghi chuyện Văn hội phủ Diên Khánh đóng góp công của xây dựng đền thờ Đức Khổng Tử, làm năm Mậu Ngọ 1858, niên hiệu Tự Đức thứ 11. Thông qua bia đá Văn miếu, ta còn biết được danh tính 7 vị Cử nhân, 18 vị Tú Tài, 38 vị học sanh, hàng trăm chức sắc, quan lại, thân hào, nhân sĩ… là người trong phủ Diên Khánh và Khánh Hòa đã học tập đỗ đạt thành danh hoặc có công đóng góp tiền của, vật lực xây dựng Văn miếu. Trong số này có những sĩ phu yêu nước đã hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi đứng lên chống giặc Pháp xâm lược tại Khánh Hòa trong những năm 1885 - 1886 rồi hy sinh tuẩn tiết như Tú tài Nguyễn Khanh (người làng Võ Cạnh), Tú Tài Nguyễn Trung Mưu, Tú tài Trần Văn Học (người làng Phú Lộc)…

 

- 1 bảng gỗ treo giữa Bái đường khắc bài minh của Tri phủ Diên Khánh Cung Thế Dự làm năm Mậu Ngọ 1858, niên hiệu Tự Đức thứ 11.

- Cây xuyên bằng gỗ giữa chánh điện có niên đại 1854.

- Cây xuyên bằng gỗ ở gian Bái đường có niên đại 1892.

- 2 bảng thiết tích (ghi công tu sửa) làm năm Nhâm Thìn 1892, niên hiệu Thành Thái thứ 4.

- 1 bảng thiết tích (ghi công tu sửa) làm năm Giáp Thìn 1904, niên hiệu Thành Thái thứ 16.

- 2 bản thiết tích (ghi công tu sửa) làm năm 1941, niên hiệu Bảo Đại thứ 16.

- 1 đại hồng chung.

- 3 chung bạc rót rượu cúng “khâm tống”. Quả đại hồng chung và ba chung bạc rót rượu đã được các bô lão thôn Phú Lộc cất giấu và giữ gìn khi Văn miếu bị thiêu hủy trong tiêu thổ kháng chiến.

- 3 đài gỗ.

- 1 trống đại.

- 4 cặp chân đèn đồng.

- 1 lư trầm đầu tròn.

- 1 lư trầm đầu vuông.

- Long đình, án thờ chạm mặt rồng ngang.

 

3.2 VIỆC TẾ LỄ TẠI VĂN MIẾU:

 

- Nghi lễ thời xưa:

 

Mỗi năm, Văn miếu Diên Khánh có hai ngày tế lễ lớn: Ngày “ĐÁN” tức là ngày sanh của Đức Khổng Tử (27/8 âm lịch) và ngày “ HÚY” tức ngày mất (18/4 âm lịch).

 

Nhưng ở vào thời kỳ trước nữa, theo ký ức các cụ, Việt Nam ta qui định theo “tế xuân” và “tế thu”. Ngày tế dựa theo “Can, Chi” mà làm lễ. Can phải là Can “Đinh”, phải đúng ngày “Trung Đinh” tức trong khoảng từ mùng 10 đến 20 âm lịch thuộc hai tháng: tháng Hai và tháng Tám. Theo thuyết “Ngũ Hành”, “Đinh” thuộc hành hỏa là lửa. Lửa sáng như văn chương sáng sủa, văn vẻ, vì thế lựa ngày ấy để tế vị vua của văn chương.

 

Xưa, tế lễ Văn miếu liệt vào lệ “Quốc tế” tức là của nhà nước lo, do ngân sách của tỉnh đài thọ. Nhà nước đặt hẳn ra một viên chức tự thừa để trông coi, hàm Chánh cửu phẩm, trực thuộc qui phạm của quan Đốc học. Phụ giúp ông có 4 lễ sanh lo phần nghi lễ và 30 miếu phu được chọn lựa kỹ lưỡng. Các miếu phu được “miễn diêu” tức khỏi phải những công sưu tạp dịch khác. Được chọn làm miếu phu hầu hết là dân Trường Lạc, còn trạm phu phần đông là dân các làng Phước Thạnh và Phú Lộc.

 

Dưới thời phong kiến, Nho giáo là cái đạo chính thống của Nhà nước, vì thế Quốc tế ở Văn miếu được tổ chức rất trọng thể. Từ thời nhà Hán bên Trung Hoa, Hán Cao tổ khởi ra lệ vua tế đức Khổng Tử dùng lễ Thái Lao, lễ vật có dê, bò và lợn, các triều đại sau đều theo đó mà tế lễ. Nếu so về tính cách tôn nghiêm, trang trọng của lễ “Thái Lao” ở Văn miếu và nhất là về số lượng quan lại, thân hào, nhân sĩ, trí thức cùng học sinh các lớp lớn nhỏ tham dự, thì không có lễ hội nào ở địa phương sánh được.

 

Lễ được quan và dân sắp đặt nghiêm cẩn từ nhiều ngày trước. Vào thời mà nông thôn còn nghèo, người dân tiết kiệm chất thắp sáng bằng cách đi ngủ từ đầu hôm, chỉ đôi nhà khá giả mới thắp đèn dầu phụng, vấn đề ánh sáng trong cuộc lễ là rất quan trọng. Đã thành lệ, một trong các vật liệu được chuẩn bị kỹ càng là cặp “đình liệu” (cặp đuốc). Hai cây đuốc này làm bằng cây “chà ran”, một loại cây rừng thân nhỏ, suông, dài, thịt săn, lửa đượm, cháy sáng và không khói. Cây được rọc chẻ, bó sát nhau, thân đuốc tròn cỡ một thân người, dài đến 20m từ đầu sân đến cuối sân. Người ta đặt nó nằm nghiêng theo bìa sân, đầu đuốc gối lên một giá đuốc cao vừa tầm mặt người ở sát thềm nhà tiền bái. Cặp đuốc này không chỉ dùng để tạo nguồn ánh sáng trong phạm vi rộng của khu vực hành lễ nhằm tăng phần long trọng mà còn có ý nghĩa là nguồn sáng, khai sáng cho trí tuệ, cho sự học.

 

Buổi trưa, trước lễ một ngày, bên này sông, các quan viên, thân hào, nhân sĩ, học sinh tựu về Văn miếu chờ chiêm bái, phụ giúp cùng Ban Tổ chức, người nào việc nấy. Con đường làng từ cửa Văn miếu đến bến sông Phú Lộc được quét dọn sạch sẽ. Cờ ngũ hành cắm theo khoảng cách. Bên kia sông, quan thủ hiến (tuần vũ) dẫn đầu các quan án sát, lãnh binh, đốc học, áo mão đại triều phục, có các quan phủ, huyện, giáo, huấn cùng ty thuộc tháp tùng với đầy đủ nghi vệ, tiến vào hành cung làm lễ bái mạng trước long án. Sau đó hai tay nâng kiếm lệnh, quan thủ hiến cùng các quan lên kiệu và đoàn người tiến ra ngã cửa Đông thành Diên Khánh. Dẫn đầu lổ bộ là hai bảng “túc tỉnh” (yên kính) và “hồi tỵ” (tránh một phía), kế đến hai hàng gươm, giáo, phủ, việt và cờ xí chiêng trống theo sau. Kiệu quan tuần bốn lọng, các quan án sát và lãnh binh che hai lọng, các nhạc công y phục áo đỏ, nón dấu, tấu những khúc nhịp nhàng. Trống và phách điểm nhịp hài hòa trang trọng. Hai bên lề dân chúng chắp tay cung kính. Trên bến đò, những chiếc ghe rước quan qua sông cắm cờ ngũ sắc, chấm phá những nét màu xanh đỏ, vàng, trắng trên bóng nước lung linh. Bến sông bên kia, các chức việc làng, lễ phục áo xanh, đen cùng vô số dân chúng đang đứng sau hương án trầm hương nghi ngút chờ bái vọng lệnh vua. Các quan xuống kiệu tại cổng Văn miếu, bước trên lối đi trải chiếu hoa đến tận nhà nghỉ (quan cư). Viên tự thừa đệ trình bản chúc văn để vị chủ tế tự mình điền tên vào rồi đem tôn trí tại chúc án. Trời chưa tối hẳn, bên trong Văn miếu hàng trăm ngọn nến đã lung linh. Ánh sáng nhảy múa trên những hoành phi câu đối, cột kèo sơn son thếp vàng cùng lễ vật bày biện theo nghi thức lễ Thái Lao. Tận trong xa, trên án chính, là một bài vị lớn chạm trổ công phu, khắc dòng chữ duệ hiệu đức Khổng Tử. Trước bài vị, một cái đài khuôn đỡ chiếc khay cẩn xa cừ trên bày ba chén rượu bằng bạc do Bộ Lễ ở kinh đô khâm tống. Phía ngoài, ba cái mâm vuông lớn như ba bộ phản sắp hàng ngang, trên mâm phủ phục một con bò, một con dê, một con heo. Đầu mỗi con vật cắm hoa trang trí, hai bên má, hai tô đại tượng đựng lòng, huyết. Từ chân trước đến chân sau con vật, mỗi bên là những cái bánh tráng nướng vàng óng sắp thành những chồng cao kế nhau. Trước các dãy án phối hưởng tứ phối, thất thập nhị hiền, tiên nho, hậu nho đều sắp một con heo quì phục theo cùng thể thức.

 

Càng về khuya, khung cảnh càng sinh động, càng tôn nghiêm. Những lễ sinh chỉnh tề y quan, những viên chức tế tự cùng những miếu phu qua lại, bưng bày, chỉnh đốn lễ vật. Bước chân họ nhanh, cử động chính xác nhưng tiếng trao đổi chỉ nhỏ giọng thì thào ngắn gọn. Sau cùng, hai ngọn đình liệu bật lên đầu lửa cháy sáng rực. Trong chốc lát, lửa bốc phần phật soi rõ cả từng chiếc lá trên vòm cây run run theo hơi nóng dâng cao. Vòng quanh sân ngoài, xếp hàng từng lớp trước sau, đông đảo quần chúng nhân dân chen cùng học sinh lớn nhỏ, hiếu kỳ mà cung kính, chờ xem diễn tiến đại lễ.

 

Quan án sát đang phụng mạng sang tế miếu khải thánh. Nghi lễ ở đây chỉ có tam hiến, ba lần dâng rượu không có lễ sinh đi điện. Chấm dứt cuộc tế, quan án về lại nhà quan cư phục mạng, đã thấy quan thủ hiến cầm hốt đứng chờ. Tất cả đi theo sau quan chánh tế, và lễ chính bắt đầu. Những hình người áo mão cung kính đứng bất động, quan thủ hiến trước chánh án, quan án sát, lãnh binh và đốc học đứng phân hiến, các quan phủ huyện, huấn đạo và giáo thọ đứng ở lưỡng vu. Ngàn con mắt bên ngoài hướng nhìn về chánh tẩm. Một tiếng hắng giọng nho nhỏ rồi tiếng xướng đột ngột của hai vị nội tán và ngoại tán cất lên cao vút. Chiêng, trống vang dồn từng chập rung động lòng ngực mọi người ...

Tiếng xướng của người dẫn lễ cứ tiếp tục theo thứ lớp. Những động tác làm theo lời xướng, mọi người cũng đã thuộc lòng. Nhạc cử lúc khoan, lúc nhặt dẫn lệnh, đàn sáo lúc réo rắc, lúc hài hòa dẫn tâm. Lòng người nương vào âm thanh, vào hương khói, vào cả sự tĩnh mịch của đêm khuya để nâng mình tiếp cận đến chỗ cao cả của đạo lý… Tế văn đọc xong, viên tự thừa nâng chúc văn lên ngang mày tiến ra vọng liệu sở (chỗ đốt văn tế) có bốn lọng theo che. Tất cả quan viên và nhân hào dự lễ đứng nghiêm cẩn hướng theo cho đến khi xong việc phần chúc.

 

Lễ hoàn tất khi tiếng gà xao xác và phương Đông mờ sáng. Các quan lui về nhà quan cư chỉ giải lao chốc lát đã đến giờ về lỵ sở. Nghi thức tiễn đưa cũng trọng thể như lúc rước đến, nhưng nếu chú ý kỹ, chúng ta thấy rằng nhạc trên đường về được phép tấu những bản vui. Đây cũng lại là một lễ tiết: lúc đi nhạc nghiêm chủ ý đang dồn sức lo cho công việc, khi về nhạc vui chủ ý công việc đã hoàn thành tốt đẹp. Ở Văn miếu, lễ tứ bái hậu (bốn lạy cho những người lạy sau) tiếp tục cho đến gần hết buổi trưa. Học trò áo dài quần trắng chỉnh tề, sắp thành hai hàng ngay thẳng trước tòa chánh. Một tiếng trống thì lạy xuống, một tiếng chiêng thì đứng lên, cứ như thế cho đủ bốn lạy. Ngày này mọi người, dù đang làm việc ở một nhiệm sở hay có biết chút ít chữ nghĩa, trong đời đã được thầy dạy học năm ba chữ… đều đến Văn miếu lạy bốn lạy trước Thánh hiền, thể hiện lòng “tôn sư, trọng đạo”.

 

-Nghi lễ thời nay:

Ngày nay, trình tự hành lễ chính thức vẫn được bảo tồn nhưng có một số điểm cải biên cho phù hợp với điều kiện xã hội.

- Về ngày cử hành lễ: không chọn ngày Can - Chi như trước đây. Thống nhất ngày lễ Thánh Đán là ngày 27/8 âm lịch, ngày lễ Thánh Huý là ngày 18/4 âm lịch hàng năm.

- Về việc tổ chức lễ: Trong mấy chục năm qua, kể từ ngày xây dựng lại Văn miếu, việc cúng tế chỉ do Ban quản lý và các bậc hào lão Nho học, các vị giáo viên, trí thức cao niên… đứng ra lo. Chính quyền địa phương không trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lễ như thời xưa.

- Thành phần dự lễ: Ngoài các tầng lớp nhân sĩ trí thức, học sinh, sinh viên, còn có đại biểu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thị trấn về dự lễ với tư cách là khách mời. Ban tế lễ mặc trang phục cổ truyền, khách dự lễ chủ yếu mặc Âu phục.

- Lễ trao thưởng khuyến học: Đây là một hoạt động mới, được Ban quản lý di tích, Hội khuyến học của Văn miếu thực hiện từ nguồn quỹ “khuyến học, khuyến tài” do những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân ở địa phương… đóng góp. Lễ này được thực hiện sau nghi lễ tế cổ truyền. Địa điểm tổ chức là bên ngoài sân Văn miếu. Mục đích buổi lễ là trao phần thưởng cho những học sinh nghèo, hiếu hạnh, học giỏi được tuyển chọn từ các trường học ở địa phương huyện Diên Khánh và vùng lân cận. Sau lễ phát thưởng là chương trình giao lưu gặp mặt thân mật giữa các nhà tổ chức, các thân hào nhân sĩ trí thức bày tỏ cảm tưởng, giới thiệu những sáng tác văn thơ nói về đức hạnh và sự học… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về tài chính và phương tiện tổ chức, đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa giáo dục lớn, phát huy giá trị của di tích.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Quách Tấn - Xứ Trầm hương - Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa tái bản lần thứ hai, 2002

- Phạm Phú Viết & Võ Nhân - Tìm hiểu văn miếu Diên Khánh – Tài liệu lưu hành nội bộ của Ban Quản lý Văn miếu Diên Khánh, 2001

 

 

Văn miếu Diên Khánh sau khi được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998

 

Nhà bia Văn miếu Diên Khánh (ảnh chụp năm 1998)

 

Văn miếu Diên Khánh đang được trùng tu tôn tạo (ảnh chụp năm 2009)

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 5328
Ngày đăng: 30.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đạo Công Giáo vào Việt Nam (1533-1659) thế nào ? - Trần Văn Cảnh
Thư Ngỏ gửi Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Bích (Đại Học Yale) - Đinh Kim Phúc
Bình Tuy, những ngày cuối cùng. - Phan Chính
Một đề xuất lạ ? - Đinh Kim Phúc
Đất của người tứ xứ - Phan Chính
Tàu ngư chính hộ tống 16 chữ vàng khống chế biển đông - Đinh Kim Phúc
Chữ quốc ngữ đã được công giáo khai sinh năm 1651 - Trần Văn Cảnh
Đền Và – “Đoài phương tĩnh nhất khu” - Phùng Thành Chủng
Cục thông tin đối ngoại? - Đinh Kim Phúc
Tư duy biển cả của Trung quốc - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)