Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
773
116.621.924
 
Nổi buồn mang tên Slâcrich
Phương Tử Nghi

Tháng 5. Nam Bộ chuyển sang giao mùa mưa nắng. Những cơn mưa chẳng báo trước khiến tôi cùng anh bạn đồng nghiệp phải bỏ dở ý định leo lên đỉnh núi Soài Xo để thăm anh Trí - người nông dân làm thủy điện. Nhìn màn mưa trắng xóa, rung cả một rừng xoài ven sườn núi, lòng tôi như lửa đốt vì lên cũng không đặng mà xuống núi cũng chẳng xong.

 

Trong câu chuyện phiếm khi trú chân ở một quán nước nằm ven hồ Soài Xo, biết chúng tôi là nhà báo, chị chủ quán hỏi: “Mấy chú có biết kinh lá ở chùa Svay To hông?”. Rồi chị thủng thẳng nói rằng cái xã bán sơn, bán địa Núi Tô (huyện Tri Tôn, An Giang) nơi chúng tôi đang ngồi, nếu không có hồ Soài Xo nổi tiếng cộng với nét độc đáo của kinh lá ở chùa Svay To thì chắc không ai biết đến. Trước đây, sư sãi và bà con phật tử người Khmer từ các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu thường xuyên ghé chùa Svay To thỉnh kinh lá (Slâcrich) về thờ, sẵn dịp ghé chơi hồ Soài Xo nên quán chị nhiều lúc không đủ chỗ cho khách nghỉ ngơi...

 

* Độc đáo Slâcrich...

 

Để tìm hiểu về thông tin đầy thú vị này, hôm sau chúng tôi ghé Trung tâm VHTT huyện Tri Tôn. Anh Châu Chanh, Phó giám đốc Trung tâm và là người quen cũ của chúng tôi vừa tay bắt mặt mừng vừa trách: “Mấy ông đi công tác miệt Bảy Núi hoài, nhưng toàn làm mấy chuyện đao to búa lớn chứ ba cái vụ kinh lá có thèm để ý đâu mà bày đặt thắc mắc”. “Cũng tại bận quá. Đi công tác ào ào rồi về liền. Ông thông cảm” - tôi nói như thanh minh. “Giỡn chút xíu. Ai cũng công chuyện bù đầu mà” – anh Châu Chanh tỏ vẻ thông cảm. “Nói thiệt nghen, ở chỗ tụi này cũng đang giữ một bộ kinh để làm hiện vật trưng bày. Lát tui dẫn ông coi... Kinh lá là “hàng độc” của An Giang à nghen”.

 

Các cán bộ ở Trung tâm VHTT huyện Tri Tôn đã tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ các tàng thư lưu trên kinh lá và tìm được thông tin vô cùng quý giá để khẳng định rõ: Công việc viết kinh lá đã trải qua 8 đời với 8 vị sãi cả chính thức được truyền nghề. Công việc viết Slâcrich chỉ truyền lại mỗi đời một đệ tử và người được chọn phải là người có tư cách đạo đức tốt, có uy tín. Đó cũng là lý do vì sao kinh lá chỉ có ở chùa Svay To. Các chùa Khmer khác ở ĐBSCL đều phải đến chùa Svay To để xin thỉnh 1 - 2 bộ kinh về để thờ cúng chỉ đem ra đọc giảng vào những dịp lễ tết đặc biệt. Trước kia, kinh lá thường viết bằng chữ Pali (chữ Phạn), sau này sử dụng chữ Khmer để viết hòng chuyển hóa kinh văn cho mọi người cùng hiểu. Hiện nay, ở chùa Prêy Vong (thị trấn Tri Tôn) còn lưu giữ một bộ kinh lá viết bằng chữ Pali (chữ Phạn cổ) gồm 18 môn kinh về Phật Thích Ca.

 

Người đang chấp bút kinh lá đời thứ 9 chính là sư Chau Ty - sãi cả chùa Svay To. Sư Chau Ty năm nay đã qua tuổi 60 và có 40 năm gắn bó với công việc viết kinh lá. Kinh lá là nét đẹp nghệ thuật và mang tính tín ngưỡng thiêng liêng đối với đồng bào Khmer. Theo truyền thuyết và lời kể của sư Chau Ty, thì Slâcrich đã xuất hiện và tồn tại khoảng 400 - 500 năm trở lại đây do một vị sãi cả chùa Svay To khởi xướng để chép lại kinh Phật hòng lưu truyền kinh Phật trong thời kỳ giấy bút còn khan hiếm. Sư Chau Ty cho biết: “Việc viết kinh lá còn xuất phát từ một nguyên do khác là theo tích xưa của lịch sử Phật giáo: ở Ấn Độ xưa, các chùa thường ghi kinh Phật trên lá bối, sau đó lấy từng lá xâu lại thành một thiên (1.000 lá) nên gọi là bối diệp - tức kinh lá bối.

 

Sư Chau Ty đã mang ra cho chúng tôi xem bộ kinh Phật viết trên lá. Đó là những chiếc lá có khổ dài 50 cm, bề bản rộng 5 cm có chứa những dòng chữ Khmer nhỏ li ti và là “bảo vật vô giá đối với các ngôi chùa Khmer”. Sư Chau Ty giảng giải: “Kinh lá là cách gọi nôm na của đồng bào Khmer ở Tri Tôn, còn tiếng Khmer gọi là Slâcrich (có nghĩa là chữ viết bằng bút Đékcha trên lá SáT’ra). Nhìn những dòng chữ Khmer được viết tựa như rồng bay, phượng múa, tôi cảm được từng nỗi thăng trầm của chuyện đời ẩn chứa trong mỗi câu kinh viết trên đó. Mỗi chữ trong kinh lá với lời răn dạy của Phật giáo ẩn chứa những bài học về lòng nhân, sự vị tha, quảng bá cái thiện và xua điều ác.

 

 

* Slâcrich và nghệ thuật viết chữ trên lá.

 

Không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng về mặt tín ngưỡng mà Slâcrich còn là một nét văn hóa đặc sắc trong vườn hoa văn hóa nghệ thuật của đại dân tộc Việt Nam. Để có một trang Slâcrich là cả một kỳ công: đầu tiên phải đi lấy lá SáT’ra - một loại cây giống như cây thốt nốt, nhưng lá dày và cứng hơn, chỉ sống trên các triền núi cao hiểm trở. Khi đọt lá vừa nhú lên, người ta dùng vải quấn tròn chung quanh và thăm chừng thường xuyên để cứ ra thêm phần nào là quấn kín lại ngay phần ấy. Cứ thế cho đến lúc lá dài khoảng 2 mét là có thể cắt đem về. Lá này chỉ mềm khi còn tươi và vài giờ sau khi chặt thì cứng lại. Khi mang về nhà là phải nhanh chóng phân ra từng đoạn với kích thước 50 x 5cm hoặc 60 x 6cm và ngâm với một hỗn hợp dung dịch bí truyền, không cho côn trùng cắn phá sau này... Lấy được lá SáT’ra đã là công phu, nhưng công đoạn viết chữ lên lá để trở thành Slâcrich mới thực sự là công việc mang tính nghệ thuật đòi hỏi người viết phải có lòng kiên trì, sự tỉ mỉ. Để viết Slâcrich, người viết phải có cây Đékcha - một loại bút có ngòi là một đoạn thép nhỏ đã được mài nhọn như mũi kim. Bàn viết là miếng gỗ nhỏ vừa với kích thước lá SáT’ra. Miếng gỗ sẽ được đặt trên đầu gối người viết để có thể linh động theo sự nhịp nhàng khi viết. Cách thức viết Slâyrich cũng khá đặc biệt, mọi sự di chuyển của ngòi bút đều tuân thủ theo sự chỉ huy của ngón cái. Nó vừa điều tiết nét lên xuống của ngọn bút, vừa quyết định độ nông cạn của chữ xuống mặt lá và khoảng cách giữa các con chữ. Thông thường mỗi lá viết 5 hàng với khoảng 100 chữ (trung bình 20 chữ/hàng). Khi viết xong, lá được lau sạch và thoa lên một lớp dung dịch gồm than tán nhỏ, nước trái mặc nưa. Dung dịch này thấm vào các kẽ hở làm hiện lên những dòng chữ màu đen tuyền. Khi viết xong, các lá kinh sẽ được kết nối bằng dây bố (ngày xưa, các lá kinh được xâu chuỗi với nhau bằng cách bện các sợi tóc lại với nhau và độc đáo nhất là không hề có dấu nối giữa các sợi tóc. Kiểu sử dụng tóc để làm dây nối thể hiện ở môn kinh đang lưu giữ tại chùa Prêy Vong, thị trấn Tri Tôn).

 

Kinh lá có thể tồn tại hàng trăm năm, càng để lâu mặt lá càng bóng, kinh lá càng đẹp. Sư Chau Ty cho biết thêm: “Viết kinh lá không phải cứ thích là bày ra viết, chán thì nghỉ theo cảm hứng, mà khi viết lòng phải thanh tịnh, tâm hướng Phật và phải dâng hương trước khi bắt tay vào viết. Đó là những thời khắc thăng hoa, quên tất cả để khắc họa lại tất cả”.

 

Rời chùa Svay To mà nỗi buồn vẫn cứ phảng phất trong lòng tôi bởi hơn 12 năm nay sư Ch au Ty không còn viết kinh lá. Một phần do tuổi tác ngày càng cao, phần khác nguồn lá SáT’ra từ Campuchia đem sang không còn, ở miền Trung ít người đem vào bán. Nhưng thiếu nguyên liệu còn có thể chạy vạy, nhờ Phật tử tìm mua giúp chứ hiện nay “không có đệ tử nào muốn theo học nghề viết kinh lá” dù sư Chau Ty nguyện dốc lòng truyền nghệ. Rất muốn có người kế nghiệp mình để sau này con cháu có thể còn biết đến kinh lá, biết đến một nét độc đáo của văn hóa miệt Bảy Núi. Thế nhưng ước mong nhỏ nhoi ấy của vị sư già nơi vùng đất bán sơn địa Núi Tô vẫn chưa được toại nguyện.

 

Những bộ kinh lá của đồng bào Khmer không đơn thuần là những lời kinh của nhà Phật mà nó còn là nhân chứng quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Bảy Núi, nó chứng nhận cho sự góp mặt của một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer để tạo nên sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Nhưng hiện nay, kinh lá sắp bị thất truyền khi nó đang dần trôi vào quên lãng.

 

 

Được biết, trong cả nước hiện nay chỉ có vài địa phương phát hiện được hình thức ghi chép chữ trên lá theo kiểu Slâcrich của đồng bào Khmer (An Giang) là: kinh lá buông do gia đình sư cả Mai Tiệm (dòng Chăm Bà La Môn ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đang lưu giữ và những cuốn sách lá của dân tộc Thái ở Tương Dương, Nghệ An.

Phương Tử Nghi
Số lần đọc: 2355
Ngày đăng: 29.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc guốc xinh xinh và những kỷ niệm ở rừng của tôi - Nguyễn Minh*
Chuyện cũ - Võ Ðắc Danh
Nghề hạ bạc - Phan Lữ Hoàng Hà
Vẫn trên vùng đất cũ - Nguyên Tùng
Đua ghe Ngo trên sông Cái Lớn - Nguyễn Thị Diệp Mai
Chái bếp nhà quê - Phan Trung Nghĩa
Chuyện cổ tích của đất - Phan Trung Nghĩa
Ký ức một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Những mùa lúa đã xa xôi - Phan Trung Nghĩa
Người của một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Cùng một tác giả