Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
616
116.602.602
 
Biện luận về mấy vấn đề: Lý luận văn học hiện đại.
Trực Ngôn

Bài viết của GS Trần Thanh Đạm  Mấy vấn đề LLVH Hiện đại” ( Báo Văn Nghệ số 18,19-2010) có một số ý kiến  về “tác phẩm văn học” mà theo GS là “ cho đến nay vẫn  chưa có câu trả lời thống nhât dẫu chỉ là tạm thời” , bài viết khá mới mẻ với một chủ kiến tranh luận rõ ràng , độc giả rất tâm đắc vì “tranh luận là con đường cần thiết để đi đến chân lý”.Rất quý trọng GS vì một bề dày học thuật được thử thách , tuy nhiên có một số lý giải chúng tôi muốn trao đổi thêm để nhận thức cho thấu đáo.

 

1-Về những cái xác chết đã khô cứng về lý luận cũng như sáng tác và lối viết chạy theo “mốt”.

          

GS lập luận : “ Có thể nói rằng: sang thế kỷ XXI, chủ nghĩa hình thức cùng với các con đẻ của nó là chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc trong ngữ học, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học đã kết thúc vận mệnh lịch sử của chúng rồi. Người làm chứng rất có uy tín và đáng tin cậy chính là Tzvetan Todorov.

Một số nhà nghiên cứu văn học cũng như sáng tác văn học ở nước ta vẫn còn tung hô, hâm mộ và noi theo các trường phái nói trên là làm một công việc lỗi thời, đi theo vết xe đã đổ của người khác. Có thể do chúng ta đến sau, cái lỗi thời của người ta xem ra lại hợp thời với chúng ta, song điều đó sẽ chỉ là một thứ “mốt” ngoại nhất thời, sẽ nhanh chóng trở thành quá “đát”. Giới sáng tác phê bình cũng như đông đảo công chúng văn học ở nước ta, trừ một số ít người ngộ nhận, đã rất lạnh nhạt với các “mốt” nói trên vì thực sự nó chỉ còn là những cái xác chết đã khô cứng về lý luận cũng như về sáng tác.

Chúng ta rất hy vọng cùng với GS Tzvetan Todorov, ở Pháp cũng như ở Phương Tây, sẽ sớm có thêm những học giả và nhà văn đi vào tổng kết văn học thế kỷ XX dưới ánh sáng tư duy mới của thế kỷ XXI. Chỉ có họ mới làm việc đó tốt hơn chúng ta, giúp cho chúng ta và nhiều nơi trên thế giới tránh được sai lầm của họ, cũng như họ đang hướng về các nền văn hoá khác phương Tây (non-western) để tìm những nguồn sống mới và sự giải thoát cho cuộc khủng hoảng tinh thần của họ đến nay đã diễn biến quá lâu, đã trở thành “hẹp hòi và nghèo nàn đến mức phi lý” như Tzvetan Todorov nhận xét.” ( những chỗ in nghiêng HQ nhấn mạnh)

Chúng tôi  trích dẫn dài dòng một tý vì sự liền mạch của tư duy tác giả, lối tư duy cộng hưởng theo bề sâu, càng về sau càng chồng chất, không thể ngắt ra vì sự cách quãng có thể dẫn đến cái hiểu chưa đến ngưỡng .Trong đoạn trích này có mấy nhận xét chưa thật thuyết phục cả về cách ứng xử lẫn khoa học! GS cho rằng các chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc , chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại đã  “kết thúc vận mệnh lịch sử của chúng rồi”,chỉ còn là “cái xác khô cứng về  lý luận cũng như về sáng tác”, các nhà văn đương đại của VN đến sau tiếp thu chỉ là một cái “môt”  nhất thời , tác phẩm sẽ nhanh chóng trở thành kém chất lượng ,quá “đát”. Một suy luận có khe khắt và sớm quá không?

Cho rằng các chủ thuyết như  chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại đã “lỗi thời” ,vì nhiều vấn đề xã hội cũng như nghệ thuật đặt ra trong thời đại hiện nay nó không giải quyết nổi ,họ hướng đến những lý thuyết mới chỉ là ý kiến một số nhà lý luận chứ không phải tất cả, kể cả Tzvetan Todorov.Những lý thuyết mới như Chủ nghiã kinh điển tự nhiên (Natural classicism) ,Chủ nghĩa hiện đại-số hoá (Digimodernism) cùng một số lý luận đề cao các “minh triết  phương Đông” mới xuất hiện cũng có nhiều bất cập đang ở mức trao đổi ý kiến

chứ chưa đạt mức chi phối thu hút nhiều tác giả noi theo .Vả lại xem các chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học là “con đẻ của chủ nghĩa hình thức” thì quả là một nhận thức theo lối mòn ít thuyết phục vì ai cũng biết các chủ thuyết này bao trùm lên nhiều vấn đề cả xã hội, cả khoa học,cả nghệ thuật , ngôn ngữ, trong một hệ hình tư tưởng- thẩm mỹ chung cả về ngoại tại ( liên hệ ngoài ) cũng như nội tại ( liên hệ trong), chứ không dừng lại ở phương diện hình thức chỉ chú ý đến những yếu tố bên ngoài bề nổi giả tạo của sự vật . Chúng tôi cũng cho rằng Tzvetan Todorov -một trong những nhà lý luận xuất sắc mà độc giả VN mới làm quen khá nhiều vào mấy năm trở lại đây, chưa bao giờ là nhà lý luận hướng sự chú ý của mình vào viêc phủ nhận các chủ thuyết kia, xem là “hẹp hòi và nghèo nàn đến mức phi lý”(!?) Vị giáo sư hai quốc tịch Bungari và Pháp này với vài chục đầu sách bao gồm chủ yếu ba lĩnh vực lý thuyết văn hoc, lịch sử tư tưởng và lý thuyết văn hoá .Trong lĩnh vực tư tưởng và văn hoá ông nổi bật ở các công trình liên quan đến hạnh phúc con người như các công trình về J .Rousseau , các các tác phẩm lên án sự phi nhân tính trong trại tập trung của phát xít Đức hay “quần đảo GULAC”Nga .Trong lĩnh vực Lý thuyết văn học với các tác phẩm như The Poetics of Prose (1971), Introduction to Poetics (1981), Mikhail Bakhtin: The Dialogical Principle (1984) Tzvetan Todorov chú ý sự tiếp cận  của các thể loại về cái huyền bí và cái kỳ diệu dưới ánh sáng của qui luật tự nhiên và siêu nhiên. Ở các trường Đại học Pháp, Mỹ ông có nhiều ảnh hửơng nhờ các luận điểm phê phán  việc đề cao thái quá các “giải pháp cấu trúc” , “phi chủ thể” trong  việc phân tích TPVH  ở  các nhà trường làm nghèo nàn ý nghĩa thẩm mỹ đích thực của TPVH, xem đó là “những chú lùn trên vai người khổng lồ” . Còn việc phê phán các chủ thuyết CN cấu trúc và giải cấu trúc, CN hiện đại và hậu hiện đại chỉ là những tiểu tiết trong các bài viết mà thôi.

        

Các chủ thuyết dù “vĩ đại” đến đâu thì cũng theo quy luật  hình thành , phát triển ,rồi lụi tàn nhường chỗ cho những lý thuyết mới.Một lý thuyết dẫu đã lỗi thời  thì nhiều “nhân tố hợp lý” vẫn còn kéo dài sức sống về sau chứ không phải chấm hết ngay. CN siêu thực, CN biểu hiện,cả CN cổ điển nữa, nhiều yếu tố thẩm mỹ , nhiều thủ pháp nghệ thuật vẫn còn có tác giả đời sau tiếp thu  làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật mới.Nói đâu xa , ở VN  những chủ thuyết siêu thực ,biểu hiện, lập thể..., tuy xuất hiện và phát triển ở phương Tây vào những năm đầu thế kỷ nhưng tác động của nó lên các tác giả VN lại ở nửa cuối thế kỷ  ( Thơ Hàn Mặc Tử , Bùi Giáng,tranh Bùi Xuân Phái, điêu khắc Điềm Phùng Thị...), thậm chí đến nay vẫn còn

đó sao !

          

GS  cho rằng những  nhà học giả phương Tây là những người am hiểu, hy vọng họ sẽ tổng kết Văn học thế kỷ XX dưới ánh sáng tư duy thế kỷ XXI,tin rằng  họ làm việc đó tốt hơn chúng ta,nhưng  họ chưa làm xong thì GS  đã kết luận vội vã cho các chủ thuyết đó là “xác chết” ,liệu có thuyết phục không? Chúng tôi cũng rất không yên tâm với các cách lập luận phê phán có tính tư biện . Phê phán các  chủ thuyết mà không quan tâm đến các khái niệm cơ bản của các chủ thuyết đó xem nó đen trắng thế nào, chỉ dựa vào các nhận định của một vài tác giả gián tiếp ( riêng trong bài viết này GS chỉ dựa vào ý kiến Tzvetan Todorov) qua các bài báo rồi kết luận theo “ý chí ”của mình, một “lỗi” mà bấy lâu ta vẫn hay gặp đang cố thoát ra!  Còn nhận xét về văn chương chạy theo “mốt” của GS khi liên hệ đến thực tiễn sáng tác của nền văn chương VN đương đại, người đọc càng thất vọng vì tác giả đã không theo kịp, hay nói một cách khác rất ít đọc các tác phẩm văn chương đương đại . Trong mấy thập niên lại đây có khá nhiều nhà lý luận  đề cập đến các chủ thuyết trên và hàng trăm tác phẩm viết theo lối “mới” một cách có chọn lựa , tất cả sáng tác lẫn lý luận phê bình đó GS đều gói vào cái gói “đi theo vết xe đổ” , “chạy theo mốt ngoại ” và khẳng định sẽ trở thành hàng quá “đat”.Xin nêu mấy dẫn chứng cùng suy nghĩ và chờ xem bao lâu nữa thì việc chạy theo “mốt” cuả các cây bút quen thuộc  sau đây sẽ trở thành lỗi thời , chứ hiện họ đang được hâm mộ.

         

“... Hậu hiện đại là một khuynh hướng lớn trong văn học thế giới, nên việc xuất hiện những yếu tố hậu hiện đại trong văn học Việt nam là điều dễ hiểu.

  Hướng tiếp cận so sánh loại hình cho phép “đọc khác” những tác phẩm văn học đương đại, qua đó nhận diện rõ hơn những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam hai thập niên vừa qua, thấy được sự tìm tòi, thể nghiệm của các nhà văn, đặc biệt các nhà văn trẻ Việt Nam, nhằm tạo dựng được một thứ văn học mới có khả năng soi chiếu những vấn đề và các góc tối của thời đại họ đang sống.(Những yếu tố Hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga-TS Đào Tuấn Ảnh - vienvanhoc.org.vn - 11/1/2008 )

          

“... Khi những đầu óc bảo thủ còn nghi ngại sự mất gốc lai căng của hậu hiện đại, thì việc nêu bật những nét tương đồng giữa tính hậu hiện đại và truyền thống Việt Nam không phải là không cần thiết.Tất cả chúng đều là phương tiện thiện xảo, như thể một quá độ thiết yếu   [...]  chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” (Inrasara – Đối thoại CNHHĐ-Văn chương Việt11-03-2009)

Trong một bài viết khác liên hệ đến thực tiễn văn học VN đương đại về sự ảnh hưởng của CNHHĐ, tác giả Phùng Gia Thế miêu tả cụ thể:

“...Còn sự thể hiện chúng trong văn chương lại khá đa dạng, phức tạp. Chẳng hạn, ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đó là những câu chuyện về sự vô nghĩa của cuộc đời, sự bê tha nhếch nhác của con người, sự bơ vơ lạc loài của cái đẹp. Ở Phạm Thị Hoài, là câu chuyện về một thế giới vô hồn rất ít sự gần gũi mang tính người... Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương ám ảnh bởi  khủng hoảng niềm tin , của sự đổ vỡ của những trật tự đời sống xã hội và gia đình... Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà thể hiện cái nhìn về một đời sống hỗn loạn, đổ vỡ. Văn chương Tạ Duy Anh là nỗi khắc khoải đi tìm bản ngã, tiểu thuyết Hồ Anh Thái thể hiện tinh tế những nỗi hoang mang về con người...” (Văn Nghệ, ngày 8/12/2007).

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo . Bản chất của sáng tạo là đi tìm cái mới .Trên con đường đẹp đẽ nhưng khó khăn này không thể tránh khỏi bước trồi, bước trụt.Đến những thiên tài cũng có khi vấp, hoặc chệch hướng.Với Cái Mới nhiều khi rất cần sự  cảm thông nâng đỡ. Chẳng có ai muốn tự “giết” mình cả .LLPB phải khái quát từ tình hình văn học , nếu thoát ly thực tiễn sáng tác thì nhiều khi hơi “bị” xem là bảo thủ, lý luận suông .Chẳng lẻ hàng trăm nhà thơ của Phong trào Thơ mới đều chạy theo “mốt” thơ CN lãng mạn Pháp, và họ sau đó đều mất tăm ? Sao ta không học tập Lênin để có cái nhìn độ lượng, cởi mở đối với những tìm tòi khám phá của  nghệ thuật mới như  Người  từng thể hiện đối với các nhóm Vị lai, Siêu thực Nga thế kỷ trước ?     

     

2 - Vấn đề mối quan hệ giữa văn bản (VB) và tác phẩm văn học (TPVH).

 

GS viết : “ Sự thật là nếu không có sự đọc thì văn bản vẫn là TPVH với chức năng của nó dưới dạng tiềm năng (mà các nhà tiếp nhận học gọi là tầm đón đợi). Dù tầm đón đợi xa rộng đến đâu thì cũng xuất phát từ văn bản là TPVH”. ( HQ nhấn mạnh)

     

Lập luận của GS trong vấn đề này cũng có điều bất cập. Ngoài việc xem VB đồng nhất TPVH, GS còn đưa khái niệm “tầm đón đợi” vào lĩnh vực VB , lĩnh vực TPVH, xem nó xuất phát từ đó, rồi khẳng định đó là “tiềm năng” của lĩnh vực này tức là tiềm năng của VB.Tầm đón đợi ( có tài liệu dịch là tầm đón nhận ),một giới thuyết thuộc về chủ thể tiếp nhận tức là độc giả , nó chỉ có ý nghĩa khi TPVH được sáng tạo lại trong tâm thức người đọc tuỳ theo trình độ suy nghĩ và cảm nhận riêng biệt, không thuộc lĩnh vực  VB.

     

GS cho rằng “ không có sự đọc thì văn bản vẫn là TPVH với chức năng ( tầm đón đợi-HQ)của nó dưới dạng tiềm năng ”,một đằng thì còn dưới dạng tiềm năng, một đằng thì đã là hiện thực  sao gọi là đồng nhất  hay nói theo toán học VB =TPVH , nghĩa là nó phải chồng khít lên nhau.Chúng ta không phủ nhận tính khách quan của văn bản, cũng như nhiều chức năng của nó dưới dạng tiềm năng, dạng tiền đề cho cái sự đọc, nhưng nội dung tư tưởng “ý nghĩa không nằm trong văn bản tác phẩm mà nằm trong tầm đón nhận của người đọc , trong cái khung ý nghĩa  mà người đọc đem lồng vào tác phẩm ( Trần Đình Sử – Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học-TCSH124/06-99).Chưa có cái sự đọc thì Văn bản chưa có ý nghĩa gì hết.Trong phần này , vượt ra khỏi sự tranh luận về chữ nghĩa của Umbecto Eco, cũng như của R. Ingarden về TP và VB mà cả GS và ngừời đối thoại TĐD đều không thoát nghĩa từ bản dịch dù cố kéo họ về phía mình, chúng tôi trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề trên.

 

Theo ý chúng tôi : TPVH khác VB vì mấy lý do sau:

- Nhà văn khi tạo ra Văn Bản  chỉ có một nghĩa ( đơn trị ),đó là nghĩa mà nhà văn nghĩ đến và thể hiện bằng các ký hiệu ngôn ngữ. VB khi đã đến độc giả trở thành TPVH lại có nhiều nghĩa(đa trị)  tuỳ theo tầm đón nhận của từng cá thể tiếp nhận - người đồng sáng tạo .Ở VB các cấu trúc ký hiệu chỉ là những liệu pháp ngôn ngữ chỉ khi trở thành TPVH thì chúng mới trở thành “hình tượng nghệ thuật”. Như vậy TPVH chưá một sản phẩm riêng biệt là hình tượng , trong quan hệ với thực tại nó như thật chứ không là có thật ,nó có thể thế này có thể thế kia,  VB không có hiệu ứng này.

- Một phương diện khác  không thể đồng nhất VB với TP được là   vì VB chưa đến người đọc nên không có sức sống , nhưng khi  đến người đọc nó cựa quậy như một sinh thể , nó đi vào tâm tư độc giả tác động  , cộng hưởng với  “bảy tình” của con người nó thành TPVH.Ở dạng VB nó không có tác động đó .Khi ở dạng văn bản nó chỉ là một thực thể các ký hiệu, còn khi là tác phẩm nó là một hữu thể có phần “xác” chữ và phần “hồn” tư tưởng tình cảm, hay nói như Lê Đạt có “bóng chữ” phía sau. VB không có cái “bóng” này.Một văn bản viết ra để ở trên bàn  nó chỉ là những con chữ khô cứng, khi cô gái đọc xong trở nên vui buồn như gặp một người bạn-đó là TPVH.

 

-  Quan điểm xem  VB chưa là TP, xét về mặt ý nghĩa xã hội nó sâu sắc hơn, vì nó đề ra một yêu cầu nhà văn cần hướng đến độc giả khi sản sinh đưá con tinh thần,có trách nhiệm trên phương diện “tác động”,  không chỉ biết “sinh” nó ra mà  làm nó “sống”  cộng hưởng được trên nhiều tầm đón nhận của độc giả để trở thành TPVH.

             

Chúng tôi ủng hộ cái công thức : VB + sự đọc = TP.

        

Những điều chúng tôi phân tích biện luận quả thật là hiển nhiên bấy lâu trong cái sự hiểu của nhiều độc giả, nó trở thành khó hiểu khi được rối rắm  lên bằng các hình thức  suy luận tư biện,qua  quá nhiều giả định từ các bản dịch mà cách tiếp cận không giống nhau./.

 

Tháng 05-2010

Trực Ngôn
Số lần đọc: 3613
Ngày đăng: 13.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình Quê Tường Thuật và Tình Quê Thăng Hoa trong Thi Ca - Trần Văn Nam
Chất Dân Gian trong Cung Oán Ngâm Khúc - Nguyễn Gia Thiều - Trần Minh Thương
Nghĩ về Sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện nay - Hồ Thế Hà
Chính trị, kích thước cơ bản của con người - Phan Huy Đường
Thơ tình phổ quát và thơ tình hải ngoại - Trần Văn Nam
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -3 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -4 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -5 - Trương Quang Cảm
Vào Việt Nam (1533-1659), Công Giáo đã gửi Những Giáo Sĩ Trách Nhiệm - Trần Văn Cảnh
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ -2 - Nguyễn Khắc Phê