Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
545
116.487.299
 
Người có công
Nguyễn Viện

Người đàn ông khoảng năm mươi tuổi kể chuyện trên truyền hình, kênh phát sóng chính thức của nhà nước, rằng: Hồi ấy, để bảo vệ an toàn cho các đồng chí, tôi đã phải giết chết đứa con của mình. Người dẫn chương trình xen vào: Anh có thể nói rõ hơn anh hy sinh con mình như thế nào không ạ? Năm 1972. Cuộc càn quét bất ngờ của địch tràn vào khu hậu cứ làm chúng tôi không kịp trở tay. Trong lán trại lúc ấy có hai vợ chồng tôi với đứa con bảy tháng và ba đồng chí cùng đơn vị. Tất cả chúng tôi chui xuống hầm bí mật. Vợ tôi bế theo đứa con. Thằng bé bị ngộp thở khóc ré lên. Vợ tôi vội vàng bịt miệng nó, nhưng không bịt được tiếng khóc của nó. Tôi giằng lấy đứa con. Nựng nịu. Thằng bé vẫn khóc. Tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng giày và tiếng bọn lính hò hét nhau phía trên đang đến gần. Không suy tính gì cả, tôi bóp mũi thằng bé. Tiếng khóc của nó chỉ còn ừng ực trong cổ họng. Trên mặt đất, tiếng giày đinh dậm xuống làm lồng ngực tôi ép lại. Tôi nhìn thấy mặt thằng bé méo xệch, dù trong hầm rất tối. Khuôn mặt của nó lúc đầu đỏ au rồi từ từ chuyển sang màu xanh. Rồi chuyển sang tím tái. Người nó co giật. Tôi cũng co giật. Khi nó hoàn toàn im bặt, tôi cũng mơ hồ lịm đi. Đến lúc ấy, vợ tôi mới nhoài người đến…

Không biết ông ta đã kể câu chuyện này bao nhiêu lần, trên bao nhiêu sân khấu, trên bao nhiêu bàn nhậu, trên bao nhiêu bục giảng. Khuôn mặt ông ta không có một chút đau khổ hay hối tiếc, mà nó chỉ bừng lên cái khí thế can trường của một người cha giết con. Ông kể công. Quả thực, đó là một chiến công hiển hách nhất được ghi nhận trong lý lịch cách mạng của ông ta. Nó lót đường cho ông ta đến với quan trường và danh vọng của thời bình.

 

Đấy là chuyện thật của người sống. Còn chuyện của người chết kể thì bảo là thật cũng được, bảo không thật cũng được.

 

1.

 

Người ta vẫn bảo những người chết oan khuất khó siêu thoát và thường biến thành ma. Ít ra, trong trường hợp của tôi thì đúng. Tôi đã biến thành ma ngay sau khi ba tôi bóp mũi tôi trong hầm bí mật. Con người không bao giờ biết hết được thế giới ma ngoài những trò quấy rối vớ vẩn của những con ma tinh nghịch. Chúng tôi cũng có một thế giới, và trong thế giới ấy tôi lớn lên cùng với lịch sử con người. Một ngày nào đó, con người sẽ biết cách sống chung với thế giới ma như một thực thể toàn diện của con người, tôi tin thế, mà không phải sợ hãi. Và để cho ngày ấy đến gần hơn, tôi chọn ông Nguyễn Viện để kể câu chuyện của mình.

 

Khởi thủy tôi là một cái rùng mình của thân xác. Tôi và cái xác của tôi rời nhau cũng giống như đứa con rời khỏi bụng mẹ. Có nỗi đau đớn của thân xác và sự luyến tiếc của linh hồn. Cái xác chết là một căn nhà kín đặc và tan rữa. Cha mẹ tôi chôn cái xác ấy gần một bụi tre. Tôi đi theo họ cho đến ngày mẹ cũ của tôi sinh một đứa con khác. Nó là một đứa con gái mang hình người nhưng không có linh hồn. Vì đấy thật ra chỉ là một hình nộm trong thế giới ma mà “người ta” dùng để mô phỏng một sự hiện hữu. Chiến tranh đã kết thúc. Tôi cũng đã trưởng thành bằng những gì tôi nhìn thấy.

 

Tất cả những người sống sót đều kể công để được ban phát bổng lộc. Những người chết được tôn vinh cũng chỉ vì người sống. Quan hệ mang tính huyết thống trong thế giới ma thật sự chấm dứt sau khi người được gọi là cha tôi đã đạt được những điều ông ta muốn, mà lẽ ra nó đã chấm dứt ngay khi linh hồn tôi rời khỏi xác. Tôi đi theo một trong ba người đàn ông trong hầm bí mật đã chứng kiến cái chết của tôi. Ngày giải phóng, ông ta nằm trong toán quân tiếp quản bộ ngoại giao của chính quyền cũ. Là một người khôn ngoan, tuy ít học, ông ta cảm nhận được đây chính là chỗ phải nắm lấy sau khi phục viên. Thủ trưởng của ông ta chắc chắn còn khôn ngoan hơn. Ông đại đội trưởng xin xuất ngũ ngay trong lúc cầm con dấu của sở ngoại vụ thuộc ủy ban quân quản thành phố. Và ông ta tiếp tục làm chủ con dấu ấy cho đến ngày ông ta không thể đóng dấu ngay ngắn được nữa mới thôi. Người lính của ông cũng xuất ngũ một đợt với thủ trưởng của mình. Ông ta trở thành một cán bộ ngoại vụ. Ý thức được chỗ đứng của mình, ông ta đi học bổ túc đại học. Khi đi học, ông ta luôn mặc đồ bộ đội. Có người hỏi: Sao không ăn mặc như những sinh viên bình thường? Ông ta bảo: Cho nó khí thế. Học cũng như xung trận. Tốt. Nhưng tay bí thư đoàn trường và các ông thày đều biết rằng đấy chỉ là một cách hăm dọa. Người ta hỏi thày: Nó có viết được chữ nào đâu mà cũng cho nó đậu? Ông thày bảo: Cho nó đậu hay đánh rớt nó thì cũng không thể làm nó mất chức, chi bằng cứ cho nó đậu, nó có đi học cũng còn hơn không, vả lại cũng còn có tí ơn nghĩa với nhau sau này. Có bằng đại học, ông ta chạy chọt một nhiệm sở ở nước ngoài. Người ta đòi năm trăm triệu cho chức vụ tùy viên. Một tỷ cho chức đại sứ ở Nga. Ông ta chỉ có hai trăm triệu nên làm tùy viên của sứ quán tại Indonesia. Ông ta bảo vợ: Em ra chợ xem cái gì có thể buôn được. Bà vợ nói: Không cần ra chợ thì em cũng biết chỉ buôn đồ lót là ngon ăn nhất. Có con đàn bà nào mà không thích đồ lót đẹp. Bà cũng bảo cho mà biết nhé, muốn tán tỉnh em nào thì cứ mua đồ lót cho nó là xong. Trên đời này luôn luôn có những người thông minh hơn ta, ông ta khám phá ra điều ấy khi đến nhận nhiệm sở mới. Ở đấy, người ta đã có sẵn một công nghệ đóng gói hàng hóa buôn lậu. Ông ta phát biểu ý kiến: Tôi có thể giúp các đồng chí đóng được ít nhất gấp rưỡi số hàng cũng trong cái thùng này. Thử coi. Ông ta gỡ bỏ cái quạt trần, dùng cái móc sắt treo quạt kéo cái khuôn dập lên xuống bằng một cái ròng rọc. Cứ xếp vài lớp hàng, ông ta lại dùng khuôn dập để nén hàng xuống. Vừa đỡ tốn sức vừa hiệu quả. Số hàng đóng gói tăng gấp đôi. Thành quả ấy xứng đáng để ông được cho chơi chung. Có tiền thì tất nhiên vui. Nhưng vui nhất là được sống chung với những cái quần lót. Mùi vải mới giống như mùi trinh nữ. Họ tung đám quần lót bay đầy phòng, rồi để những chiếc quần ấy phủ lên người. Lăn lộn và hít hà. Nhưng niềm vui ấy cũng không lâu, họ bị cạnh tranh bởi những con buôn xuyên quốc gia và khi vừa thu hồi đủ vốn thì cũng là lúc ông ta bị triệu hồi về nước. Ông ta nhận ra rằng, làm sứ đi buôn không bằng làm cò chạy chức. Không phải bỏ vốn mà vẫn có lời, lại được cả ân tình.

 

Trong lúc ấy, người được gọi là cha tôi đã leo lên tới chức phó giám đốc sở thương binh xã hội. Lương của ông ấy cũng như mọi cán bộ khác, chẳng bao giờ đủ sống, nhưng ông ấy sống và thụ hưởng như một thằng tư bản nhờ lĩnh tiền thương binh của những liệt sĩ. Trong danh sách nhận trợ cấp xã hội của các quĩ từ thiện trong nước cũng như nước ngoài, ông xếp thứ hai. Ông đáng được hưởng tất cả những gì người khác được hưởng, vì xét cho cùng, ông là người có công.

 

Người đàn ông thứ hai chứng kiến cái chết của tôi trở thành đại biểu nhân dân. Đôi khi, tôi tự hỏi đại biểu nhân dân là cái gì nhỉ, vì tôi chẳng thấy ông đại diện cho ai ngoài chính ông ấy. Ông ta có tiêu chuẩn ôtô, công cán bằng máy bay vé nhà nước. Hỏi, ông sao được vậy? Đáp, tao là người có công. Sau này, khi về già, ông viết hồi ký thú nhận: “Quả thật, tôi cũng không biết làm đại biểu nhân dân để làm gì. Đến chỗ họp chỉ ngủ gật. Nếu có thức thì cũng chỉ có mỗi việc là chuyền thư tay giúp từ người này sang người kia”.

 

Người đàn ông thứ ba chứng kiến cái chết của tôi đã là một quan tòa. Ông ta bảo: Làm quan tòa cũng giống như làm thượng đế, tuy đôi khi không được xét xử theo ý mình. Hỏi ông, không theo ý mình thì theo ý bị cáo à? Ông bảo cứ làm quan tòa đi rồi biết. Chuyện này phải chờ đến khi chính người được gọi là cha tôi ra tòa, tôi mới biết quan tòa phải xét theo ý ai. Giữa pháp đình vắng vẻ, tôi hỏi: Không công minh chính trực, vì sao ông được làm quan tòa? Ông ta đáp: Bởi tôi là người có công.

 

2.

 

Người có công nhất trong số họ phải là tôi, đúng không các đồng chí? Chính tôi là kẻ hy sinh mạng sống mình, nhưng tôi đã được hưởng gì? Nho Mỹ, táo Trung Quốc, hoa Hà Lan trên bàn thờ nhà cha tôi? Ngửi mùi quần lót ở sứ quán Indo? Là ma thì chỉ có hương hoa à? Tôi cũng cần phải hưởng theo sự đóng góp của mình. Ừ thôi thì cũng là đạo lý, mày muốn gì? Dạ, thưa mấy chú mấy bác cháu muốn lấy vợ.

 

Cô gái con ông-tùy-viên-một-dạo tôi đã được nhìn thấy ngay từ lúc cô mới sinh ra. Cái khuôn mặt bé và nhăn nheo như quả táo khô rất giống khỉ ấy không ngờ càng lớn càng đẹp. Tôi nhìn thấy cô ta mọi lúc mọi nơi. Chính tôi đã chọn cho cô ta những cái quần đẹp nhất và mặc cho cô ấy. Tôi đã nhìn thấy cô bâng khuâng. Tôi đã nhìn thấy cô khao khát. Khi cô vừa trổ mã, đêm đêm, tôi chui vào giường nằm với cô để cho cô thủ dâm. Và mùi quần lót của cô ấy thì tôi không thể nào quên được. Tôi bảo: Em làm cho anh gần với thế giới con người. Cô ấy cũng bảo: Anh làm cho em gần với thế giới thần thánh.

 

Mẹ tôi đi xem bói bà đồng cốt ở gần nghĩa trang liệt sĩ, mục đích là muốn biết số phận cha tôi thế nào. Tôi nhập vào bà đồng cốt, nói: Muốn cha thoát khỏi lao tù thì lấy vợ cho con. Con là ai? Là con của mẹ. Khi con chết mới mấy tháng tuổi thì làm sao lấy vợ? Con lớn rồi, mẹ nghĩ xem, đã bao nhiêu năm. Thế con muốn lấy ai? Con gái bác tùy viên. Âm dương cách trở thì lấy nhau thế nào được? Lấy được, mẹ không tin cứ hỏi cô ấy xem.

Mẹ tôi đến nhà ông tùy viên kể chuyện đi xem bói. Ông tùy viên cười bảo: Chị về thuê người ta làm một cô gái bằng hàng mã rồi đốt cho cậu ấy là xong. Mẹ tôi cúng cô gái trước bàn thờ tôi rồi đốt. Nhưng lửa không cháy. Tẩm xăng đốt cũng không cháy. Mẹ tôi lại đến chỗ bà đồng cốt. Tôi nhập vào nói: Con muốn lấy cô con gái bác tùy viên chứ có phải cô gái hàng chợ đâu.

 

Mẹ tôi điều đình với ông tùy viên: Chuyện này xin anh giúp cho, cũng là chỗ sống chết có nhau, cứ cho con gái anh mặc đồ cưới nửa đêm ra nghĩa trang làm lễ với chúng tôi, xong, lại trả con gái về cho anh. Chuyện này không ai biết ngoài hai gia đình chúng ta. Lễ vật xin đón dâu của chúng tôi là tất cả mọi nguồn xuất khẩu lao động dành cho anh độc quyền.

 

Ông tùy viên bàn với vợ con. Đóng kịch vài tiếng đồng hồ mà được trả công như thế thì còn gì bằng.

 

Con người cần phải được khải thị và sống trong sự khải thị với thế giới khác. Tôi đâu có đùa. Đêm thành hôn tôi đã nổi gió tốc hết quần áo cô ấy để chứng thực rằng cô thuộc về tôi. Và rồi tất cả những người có mặt đều thấy cô ấy nằm ngửa trên mộ tôi. Hơn ai hết, cô gái biết mình thật sự có chồng. Tôi chẳng còn cách nào khác là về ở rể. Cô ấy có hạnh phúc không? Tôi tin là có vì chính tôi, không phải ai khác, mang tới cho cô ấy mỗi đêm một điều kỳ ảo. Vật chất cho cô ấy tôi cũng lo đầy đủ, nếu không muốn nói là dư thừa. Cũng chính nhờ tôi dẫn lối chỉ đường để ông bố vợ chạy chức chạy quyền chạy tội cho thiên hạ mà càng lúc càng trở nên giàu có. Còn những thằng đòi léng phéng với vợ tôi đều bị tôi tát cho vỡ mật. Vợ chồng ông tùy viên đều biết chuyện này nhưng không dám hé răng.

 

3.

 

Trước vành móng ngựa, bị cáo được gọi là cha tôi nói to lời cuối cùng: Tôi có công. Và ông ấy được tha tội.

 

(3.12.2003)

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2325
Ngày đăng: 19.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi yên nghỉ - Lữ Quỳnh
Tiếng hát ru - Bùi Công Thuấn
Một câu chuyện buồn - Phan Bích Thủy
Khalil, tên dị giáo 2 - Kahlil Gibran
Khalil, tên dị giáo 1 - Kahlil Gibran
Nụ hôn với quỉ II - Nguyễn Ước
Kỳ phùng địch thủ - Hồ Ngạc Ngữ
Nụ hôn với quỉ -1 - Nguyễn Ước
Nếm người - Quỳnh Linh
“I” Ngắn Hay “Y” Dài - Nguyễn Đình Phư
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)