Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
792
116.618.166
 
Du lịch đầu nguồn sông Hậu
Cúc Tần

Là một huyện của tỉnh An Giang, An Phú có người dân đến lập nghiệp từ đầu thế kỷ 18 và đã hình thành nhiều làng xã từ thời Gia Long, khi vua kêu gọi khai khẩn đất hoang vùng Châu Đốc - Tân Cương. An Phú còn là huyện đầu nguồn, nơi sông Hậu bắt đầu đi vào đất Việt. Ở đây người dân nửa năm đạp đất đồng khô, nửa năm dầm chân trong sóng nước. Ở đây còn có sự hiện diện của người Chăm, có tiếng nói, chữ viết riêng, phong tục, tập quán và nét văn hóa văn nghệ dân gian giàu bản sắc dân tộc. Dù là một huyện được xem là nông nghiệp nhưng với những gì đã có, An Phú là kho tàng quý trong khai thác du lịch. Có 3 điểm du lịch mà An Phú quan tâm khai thác là:

 

Búng Bình Thiên:

 

Là một hồ nước thiên nhiên có từ mấy trăm năm nay nằm trên khu vực gần biên giới thuộc 3 xã: Nhơn Hội, Quốc Thái và Khánh Bình. Tên gọi Búng Bình Thiên nhằm để diễn tả sự to lớn bao la của nó (rộng trên 200 ha). Người dân địa phương thường gọi là Búng Lớn. Mặt búng (hồ) lúc nào nước L cũng trong xanh, có nhiều thủy sản nên được người dân khai thác bằng nhiều phương tiện thô sơ. Vòng theo con đường quanh búng là những tàn cây xanh rậm mát, có nhiều “cây dơi” (chòi lá cao chót vót nơi dơi ngủ đêm để thu hoạch phân); có nhiều vườn trầu ở Vạt Lài. Đây là một con đường đẹp đi qua những xóm Chăm với những căn nhà sàn được xây dựng lạ lẫm. Nhưng thu hút sự chú ý của khách phương xa hơn hết là các thánh đường Hồi giáo với kiến trúc độc đáo, một số thánh đường đã được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử. Thấp thoáng đâu đó trong bóng cây xanh, trên đường đi là bóng dáng những cô gái, chàng trai Chăm với y phục đặc trưng của dân tộc mình khiến ta như lạc vào thế giới “Ngàn lẻ một đêm”. Người Chăm theo đạo Hồi (Islam) nên thánh lễ Ramadan (còn được gọi là Plàn ơh) được xem trọng. Lễ này bắt đầu từ ngày mồng 1-9 cho đến hết ngày 30-9 Hồi lịch mỗi năm. Đây là tháng người Chăm nhịn ăn (ăn chay), mục đích là để kỷ niệm trong đêm 27 của tháng này là đêm các thiên thần chuyển bản gốc thánh kinh Coran từ ngai vàng của Thánh Olloh đưa xuống bầu trời, nơi gần mặt đất nhất để Đức Thánh Olloh truyền dạy cho nhà Tiên tri Muhammed trong thời gian 22 năm. Sau lễ này là lễ Roya Philtrốk (từ 1 - 3-10 Hồi lịch) được xem như ngày Tết của người Kinh. Ngày này, người Chăm đi chúc mừng nhau, xin xóa tội cho nhau, nhà nào cũng làm bánh, làm cơm đãi khách. Ngoài món tung lò mò (lạp xưởng bò), người ta còn dọn các món cà ri, món nướng từ gà, bò. Là người theo đạo Hồi nên họ không dùng thịt heo cũng như không được phép uống rượu, bia. Trong không khí vui tươi của ngày tết, người ta ăn diện những bộ quần áo đẹp nhất được may bằng tơ tằm tạo nên sự trang trọng, quý phái.

 

Trong tương lai, Búng Bình Thiên sẽ được cải tạo thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí và thư giãn của khách với việc trồng thêm cây xanh, hoa đẹp, tạo thêm vẻ thơ mộng quanh hồ; phát triển vườn cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi chim, thú, cá sấu, hồ sen; xây dựng bãi tắm, điểm bơi thuyền dạo hồ, đua thuyền; tổ chức các điểm hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội người Kinh, người Chăm; xây dựng các tụ điểm ẩm thực đồng quê; xây dựng, tái tạo khu căn cứ cách mạng của tỉnh (B3) với mô hình thu gọn; xây dựng làng nghề dệt, thêu, đan, móc ren của người Chăm Nhơn Hội, Quốc Thái,...

 

Giồng Cây Da:

 

Tọa lạc ở ấp 1, xã Khánh An, gần Tỉnh lộ 956, cách trung tâm huyện An Phú 20 km, cách Búng Bình Thiên 8 km. Tại đây tồn tại cây da đại cổ thụ sống khoảng nửa thiên niên kỷ. Theo người địa phương thì bề hoành của cây da khoảng 24m (18 người lớn căng tay đo). Mấy tháng trước, hai nhánh cây da gãy, xẻ được 200 - 300 khối gỗ. Tàn cây da che rợp cả công đất. Nhiều khách đến tham quan cây da đại thụ (1 trong 3 cây còn tồn tại của nước ta - 2 cây kia ở ngoài Bắc). Nơi đây còn thu hút khách du lịch với việc được ngắm nhìn hồ sen rộng 10 ha nở hoa tươi đẹp, thưởng thức những hạt sen non ngon ngọt, bắp nấu, bắp nướng và trái cây đặc sản địa phương, vừa đón ngọn gió mát lồng lộng thổi suốt ngày đêm, quanh năm.

 

Bên cạnh lợi thế đó, chính quyền địa phương đang xúc tiến kêu gọi đầu tư biến Giồng Cây Da thành điểm du lịch hấp dẫn hơn, với việc mở rộng khu vực. Bố trí lại cảnh quan môi trường, xây dựng lều trại, quán ăn, nhà nghỉ đơn giản nhưng lịch sự; khôi phục các nghề truyền thống như dệt chiếu, thêu, hàng thủ công mỹ nghệ, các loại khô rắn, khô cá bổi, mắm,... cùng với việc tổ chức hoạt động văn hóa, đàn ca tài tử,...

 

Xóm Chăm Đa Phước:

 

Từ thị xã Châu Đốc, qua phà Cồn Tiên là đến khu vực xóm Chăm Đa Phước. Được hình thành từ lâu đời, “trong hồi Nguyễn Cư Trinh đánh lui Cao Miên, khoảng 1755, có chiêu dụ một số dân Chăm - trước đó chạy loạn ngụ trên đất Miên - Ông dâng sớ lên chúa Nguyễn hiến kế “tàm thực”, xin được dùng người Chăm để ngăn người Miên. Chúa Nguyễn chấp nhận. Ông bèn cho cất đồn ải tại Tây Ninh, Hồng Ngự và Châu Giang rồi cắt dân Chăm làm quân trấn thủ” (Nguyễn Văn Hầu, “Nửa tháng trong miền Thất Sơn, NXB Trẻ, tái bản 2.000). Cũng như các xóm Chăm khác trong tỉnh An Giang, người Chăm Đa Phước theo đạo Islam nên có nhiều luật tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Thánh đường Hồi giáo ở đây rất đẹp, được xây dựng lâu đời, là công trình kiến trúc văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Đây là điểm du lịch nổi tiếng, hàng năm thu hút khoảng 5.000 khách nước ngoài. Trong tương lai, khách đến thăm xóm Chăm ở Đa Phước sẽ được phục vụ theo kiểu “cùng ăn, cùng ở” với người Chăm rồi được đi du thuyền trên sông tham quan làng nổi. “Nếu chưa tận mắt chứng kiến, khó mà hình dung được ngôi nhà ở trên sông dài gần 30m, ngang 10m, gỗ sơn nhạt, trần lợp simili hoa văn tuyệt đẹp, phòng khách thoáng rộng với bộ salon trang nhã, các gian buồng tiện nghi như phòng nghỉ của khách sạn hạng sang, nhà bếp, nhà ăn sạch sẽ, trong nhà có đủ tivi, tủ lạnh, video, karaoke, xe dream, điện thoại... Ngôi nhà khang trang, sang trọng trị giá gần 1 tỉ đồng ấy có đáy sâu 5m bằng loại gỗ sao, bọc lưới inox để nuôi cá ba sa và một số loại cá khác. Đó là một trong số hàng trăm bè cá trên sông Châu Đốc và Hậu Giang, hình thành những làng nổi trù phú, thơ mộng, tạo nên một nét sinh hoạt độc đáo về văn hóa, đặc thù về kinh tế, hấp dẫn du khách và những nhà kinh doanh đến tham quan, nghiên cứu” (“Cẩm nang du lịch An Giang, Ban Tổ chức Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam xuất bản 2001).

 

Quyết tâm bắt tay vào làm du lịch của An Phú thể hiện rõ khi đang xúc tiến làm đường, bắc cầu (thay phà Cồn Tiên), để biến vùng đất sát biên giới nhiều hấp dẫn này thành một trọng điểm trong bản đồ du lịch của An Giang

 

Cúc Tần
Số lần đọc: 2658
Ngày đăng: 30.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh
Đất Nam Kỳ - Tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài (Tiếp theo) - Huệ Khải
Nghề gốm ven sông Tiền - Khuyết danh
Cùng một tác giả