Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
588
116.534.615
 
Hiệu Ứng Cảnh Tỉnh của Ngụy Tạo Văn Hoá - Khoa Học
Nguyễn Văn Dân

Mới đây, báo Văn nghệ số 16-2010 có đăng bài Sự kiện Sokal với mặt trái của lý thuyết hậu hiện đại của GS Phương Lựu. Bài viết nói đến tác động bài báo của Sokal đối với việc hiểu rõ “mặt trái của lý thuyết hậu hiện đại”. Nó đề cập đến một hiện tượng không hiếm trên thế giới nhưng ở Việt Nam có lẽ vẫn là một vấn đề tương đối mới, cho nên tôi muốn nói rõ hơn về hiện tượng này.

Thế giới gọi hiện tượng đó là “nguỵ tạo văn hoá-khoa học”, nằm trong phạm trù “nguỵ tạo” nói chung. Nhưng theo tôi, nguỵ tạo có hai kiểu: một kiểu là nguỵ tạo vụ lợi cá nhân, chủ tâm lừa gạt để mưu lợi tiền bạc và danh vọng làm thiệt hại đến người khác hoặc đến xã hội. Trong văn hoá-khoa học, kiểu lừa gạt đó từng xảy ra với các dự án nguỵ tạo khoa học để xin tài trợ, để giành giải thưởng hoặc danh tiếng. Báo chí đã phê phán và nó được coi là một tội vi phạm pháp luật. Kiểu thứ hai là nguỵ tạo phi vụ lợi cá nhân, một sự giả mạo để chơi khăm, nhằm mục đích châm biếm, chế giễu, phê phán hoặc cảnh báo một khiếm khuyết hay một thói xấu trong đời sống; hoặc nguỵ tạo với mục đích cao cả là nhằm bảo vệ một tư tưởng đạo lý hay một sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Kiểu nguỵ tạo này sau đó sẽ tự nó hoặc được tác giả tiết lộ. Nói rộng ra, kiểu nguỵ tạo thứ hai có thể có nguồn gốc từ những chuyện biến hoá trong cổ tích hay thần thoại dân gian; từ những chiến thuật nguỵ tạo trong chiến tranh (khá phổ biến trong chiến tranh thời cổ đại ở Trung Quốc hay trong hoạt động tình báo thế giới sau này), thậm chí cả trong đời sống chính trị. Điển hình của nguỵ tạo chính trị hiện đại là vụ Đài Truyền hình Imedi của Gruzia ngày 13-3-2010 mới đây đã đưa một tin báo động giật gân là quân Nga đã kéo vào xâm lược Gruzia! Còn về mặt hài hước, nguỵ tạo châm biếm có nguồn gốc ở truyện cười dân gian, ở phong tục nói khoác của một số dân tộc, như ngày nói dối 1-4 ở phương Tây, thậm chí ở phong tục nói khoác của một làng (gọi là làng nói trạng, làng nói khoác...).

Như vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, người ta cũng không chấp nhận nguỵ tạo vì mục đích mưu lợi cá nhân gây thiệt hại cho người khác hoặc cho tập thể. Chỉ có kiểu nguỵ tạo thứ hai - nguỵ tạo phi vụ lợi - là có lý do để tồn tại. Trong văn hoá-khoa học, ở một chừng mực nào đó, kiểu nguỵ tạo phi vụ lợi có một tác động tích cực nhất định, chẳng hạn như nó cảnh tỉnh giới văn hoá-khoa học về một thói a dua, ham chạy theo mốt mà bỏ quên các nguyên tắc về tính nghiêm cẩn của tri thức [tiếng Anh: “intellectual rigour”]. Trong bài viết này tôi sẽ nói về kiểu nguỵ tạo phi vụ lợi trong văn hoá-khoa học cùng với những vấn đề liên quan.

Nguỵ tạo văn hoá-khoa học phi vụ lợi có thể đã xuất hiện từ lâu, nhưng lịch sử chủ yếu ghi nhận những vụ nguỵ tạo từ cuối thế kỷ XIX đến nay.[1] Ví dụ như vụ nguỵ tạo nổi tiếng của nhà văn Pháp Léo Taxil (1854-1907) nhằm giễu cợt Nhà thờ Thiên chúa giáo. Vào những năm 1890, Taxil đã viết mấy cuốn sách giả vờ chống lại Hội Tam điểm, đối tượng truy quét của Nhà thờ Thiên chúa giáo. Giả vờ tin vào lời Giáo hoàng cho rằng thế giới âm phủ là của quỷ Satan “do Hội Tam điểm đem đến và tham dự”, Taxil đã kể lại những lời khai của các nhân chứng tham dự các buổi lễ thờ cúng quỷ Satan và kể rằng họ đã được chứng kiến sự hiện hình của quỷ sứ, để rồi đến 1897 Taxil tuyên bố rằng những điều ông viết hoàn toàn là bịa đặt. Mục đích của Taxil rõ ràng là nhằm chế giễu đạo Thiên chúa.

Năm 1916, hai nhà văn Mỹ là Witter Bynner, dưới bút danh Emanuel Morgan, và Arthur Davison Ficke, với bút danh Anne Knish, đã xuất bản tập thơ Quang phổ: Những thể nghiệm thơ ca, trong đó có bài Tuyên ngôn về các phương pháp sáng tác của trường phái thơ Quang phổ. Là những nhà thơ theo trường phái cũ, Bynner và Ficke cảm thấy mệt mỏi với các thứ chủ nghĩa hiện đại phóng túng thời bấy giờ, những thứ mà theo hai người đã chiếm mất chỗ của thơ ca truyền thống. Mục đích của họ khi xuất bản tập thơ Quang phổ là để chế giễu tham vọng của các trường phái đó và làm cho chúng mất uy tín. Trong cuốn sách này, với bút danh nói trên, họ đã in những bài thơ dở dưới danh nghĩa là thơ của một trường phái hiện đại “Quang phổ”. Vậy mà có rất nhiều nhà thơ Mỹ đã bị lừa. Với thói chuộng lạ, họ hết lời ca ngợi “trường phái hiện đại” này. Cuối cùng thì trò nguỵ tạo cũng được tiết lộ.

Năm 1924, bất bình trước những bức tranh tĩnh vật hiện thực chủ nghĩa của vợ mình bị ban giam khảo một cuộc triển lãm tiếp nhận lạnh nhạt, tiểu thuyết gia người Mỹ Paul Jordan-Smith liền vẽ một bức tranh mô tả một người đàn bà vùng đảo ngoài khơi Thái Bình Dương vung một chiếc vỏ chuối và đề tên bức tranh là “Cao hứng”. Ông lấy nghệ danh là Pavel Jerdanowitch (biến thái theo kiểu Nga của Paul Jordan), với tư cách là đại diện của trường phái “Disumbrationism” [tạm dịch: “Giải toả bóng tối”]. Ngạc nhiên thay, tranh của ông đã được giới phê bình hoan nghênh nhiệt liệt. Jordan-Smith tiếp tục vẽ những bức tranh theo phong cách loè loẹt và đem triển lãm. Trường phái “Giải toả bóng tối” “một thành viên” của ông đã được tiếp nhận như là một trong những trường phái hiện đại trong phong trào nghệ thuật tiên phong đang diễn ra sôi động lúc bấy giờ. Đến 1927, Jordan-Smith thú nhận trên tờ Los Angeles Times rằng hội hoạ Giải toả bóng tối của ông chỉ là một trò lừa bịp để trả thù cho vợ.

Cùng trong xu hướng giễu nhại thói a dua theo chủ nghĩa hiện đại, năm 1944, hai nhà thơ trẻ người Ôstrâylia tên là James McAuley và Harold Stewart đã tạo ra một cú nguỵ tạo nổi tiếng để chơi khăm nhà văn Max Harris cùng tờ tạp chí theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa Angry Penguins [Chim cánh cụt nổi giận] ở đất nước này. Chuyện xảy ra năm 1944, khi Max Harris, một nhà thơ và là nhà phê bình 22 tuổi theo xu hướng tiên phong, người sáng lập ra tờ tạp chí hiện đại chủ nghĩa Angry Penguins từ năm 1940, nhận được một bức thư của một người con gái có tên là Ethel, hỏi ý kiến ông về tập thơ của người anh trai quá cố của cô có tên là Ernest Lalor "Ern" Malley. Tập thơ bao gồm 17 bài thơ, không có bài nào dài quá một trang (vừa vặn đủ một tay sách). Tất cả được sắp xếp với chủ ý được đọc theo một chuỗi liên tiếp dưới đầu đề chung là Đường hoàng đạo u ám. Chỉ có vậy thôi nhưng nó đã tạo ra một sự khuấy động lớn trong đời sống văn hoá Ôstrâylia.

Harris đã đọc tập thơ mà sau này ông nhớ lại là với niềm phấn khích gia tăng. Ông nghĩ Ern Malley phải là một nhà thơ ngang hàng với W. H. Auden và Dylan Thomas, hai nhà thơ hiện đại nổi tiếng, người thứ nhất là nhà thơ Mỹ gốc Anh, người thứ hai là nhà thơ Anh. Ông đưa cho bạn bè trong nhóm của ông đọc, họ khẳng định rằng đây là một nhà thơ hiện đại lớn, hoàn toàn chưa được biết đến từ trước đến nay mà bây giờ mới được phát hiện. Harris vội vã cho ra một số tạp chí đặc biệt dành cho tập thơ Đường hoàng đạo. Nhưng do chiến tranh nên đến tháng 6-1945 số đặc biệt này mới được in. Sau khi tạp chí ra mắt, Harris háo hức giới thiệu cho giới văn chương. Nhưng thật bất ngờ là phản ứng không được như ông mong đợi. Thậm chí một bài báo trên tờ báo sinh viên của Đại học Adelaide, nơi quê hương ông, còn giễu cợt tập thơ của Malley và nói bóng gió rằng Harris đã tự mình làm trò nguỵ tạo. Thế là dư luận trở nên ồn ào xung quanh nghi án nguỵ tạo. Harris hoảng hốt thuê thám tử tư điều tra. Nhưng chỉ một tuần sau, báo chí Ôstrâylia đã đưa tin rằng tập thơ Malley là do hai nhà thơ McAuley và Stewart chế tác. Chàng Malley yểu bệnh hoàn toàn là do họ hư cấu nên. Vậy họ đã chế tác tập thơ đó như thế nào?

McAuley và Stewart đã sáng tác tập thơ Đường hoàng đạo chỉ trong một buổi chiều. Họ ngồi mở ngẫu nhiên các cuốn sách Từ điển giản yếu Oxford, Shakespeare tuyển tậpTừ điển trích dẫn, chọn bừa các từ ngữ, ghép lại thành những câu vô nghĩa, trích dẫn sai lung tung, và cố ý viết ra những câu thơ dở bằng cách chọn những vần thơ vụng về trong Từ điển gieo vần Ripman. Có thể nói hai người đã làm đúng theo Tuyên ngôn của trường phái Dada đầu thế kỷ XX như sau: Bạn muốn làm một bài thơ ư? Bạn hãy lấy một tờ báo. Lấy kéo cắt rời từng chữ ra. Nhét chúng vào một chiếc túi. Xóc nhẹ túi. Bạn lấy lần lượt từng chữ trong túi ra, sắp xếp chúng thành hàng. Bạn hãy chép lại các hàng chữ đó. Và thế là bạn có một bài thơ theo kiểu Dada![2]

Hai nhà thơ trẻ thổ lộ rằng họ thích chủ nghĩa hiện đại thời kỳ đầu hơn là thời kỳ sau, và họ tiếc thương cho sự mất mát ý nghĩa của thơ ca. Họ đặc biệt coi thường tờ tạp chí Angry Penguins và những người như Harris. Chính vì thế mà họ làm một cuộc thử nghiệm này để thử tài những người a dua theo chủ nghĩa hiện đại châu Âu. Cuộc thử nghiệm, theo họ, cho thấy thói a dua theo mốt đã làm cho những kẻ hâm mộ mất hết cảm giác về sự phi lý và không còn khả năng phân biệt được những chân lý thông thường. (Nhân tiện tôi cũng muốn nói thêm rằng chủ nghĩa hiện đại cũng có những trường phái có những biểu hiện rất cực đoan và tầm phào. Vậy mà hiện tại ở nước ta, một số người bênh vực cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại lại đang muốn tìm kiếm một trong những tính đặc trưng cho chủ nghĩa hậu hiện đại bằng cách cho rằng trong khi chủ nghĩa hiện đại tìm đến cái sâu sắc lớn lao, thì chủ nghĩa hậu hiện đại đề xuất cái vụn vặt đời thường. Người ta không biết [hay làm như không biết?] rằng những cái vụn vặt đến mức tầm phào đó đã có trong chủ nghĩa hiện đại từ lâu, như trong bài thơ kiểu Dada mà tôi vừa giới thiệu.)

Giống như những ví dụ trước, vụ nguỵ tạo của McAuley và Stewart là một sự chế giễu thói a dua cực đoan. Và đáng chú ý là đa số người dân Ôstrâylia, kể cả phần lớn những người được giáo dục về nghệ thuật, đều ủng hộ hai nhà thơ này. Cuốn sách Oxford Companion to Australian Literature còn đánh giá rằng vụ nguỵ tạo Ern Malley đã có tác động lớn đến sự phát triển của thơ ca Ôstrâylia. Điều lý thú là cuộc tranh luận xung quanh vụ nguỵ tạo còn kéo dài tới hơn hai mươi năm sau và vượt ra khỏi cả biên giới Ôstrâylia. Ngay cả nhà phê bình hiện đại nổi tiếng người Anh Herbert Read, tiểu thuyết gia hiện đại người Ôstrâylia Patrick White (giải Nobel văn học 1973), và một số danh hoạ trừu tượng, cũng bị lừa bởi ngòi bút của “Ern Malley”. Thậm chí, sau khi bị bẽ mặt, Harris còn trở nên khiêu khích bằng cách cho in lại tập thơ của Malley vào năm 1961. Cùng với Harris, những người theo chủ nghĩa hiện đại ở Ôstrâylia vẫn coi Malley là một nhà thơ hiện đại chủ nghĩa chân chính. Vụ Malley còn ảnh hưởng đến cả kịch nói, tiểu thuyết, hội hoạ đầu thế kỷ XXI này… Có thể nói, trong lịch sử nguỵ tạo văn hoá-khoa học, vụ Ern Malley là một trong số ít vụ nổi tiếng nhất.

Trong tinh thần đó, vụ nguỵ tạo khoa học Alan Sokal 1996 ở Mỹ cũng nằm trong xu hướng giễu nhại và châm biếm những cái mà ông gọi là thói phi lý thời thượng trong việc lạm dụng khoa học. Xu hướng sùng bái các trào lưu triết học được gọi là hậu hiện đại ở phương Tây trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX đã biến các lý thuyết được gọi là hậu hiện đại trở thành thời thượng. Và việc xuất hiện những phản ứng chống lại chúng là điều đương nhiên. Một trong những phản ứng đó là công trình Mê tín cao ngạo: Cánh tả học thuật và những cuộc tranh cãi của nó với khoa học (1994) của hai nhà khoa học Mỹ Paul R. Gross và Norman Levitt. Đọc xong công trình này, Sokal đã phẫn nộ về những cái mà ông cho là “sự giả mạo tri thức”, về thái độ chủ quan nghi ngờ tính khách quan khoa học của chủ nghĩa hậu hiện đại. Và thế là ông quyết định làm một phép thử. Ông viết một bài báo với những cứ liệu và lập luận giả mạo đủ mức phi lý để làm cho bài báo không có giá trị, nhưng nó lại có hơi hướng “hậu hiện đại” và có vẻ đáng tin để có thể đánh lừa ban biên tập tạp chí Social Text [“Văn bản xã hội”], một tờ tạp chí hàng đầu của giới học thuật và theo khuynh hướng chủ nghĩa cấu trúc phân giải (có người dịch là chủ nghĩa giải cấu, chủ nghĩa giải kiến tạo...), một chủ nghĩa được coi là tiêu biểu của trào lưu hậu hiện đại. Về vụ việc này, GS Phương Lựu đã tường trình khá đầy đủ. Ở đây tôi chỉ muốn nói thêm rằng Sokal đăng bài báo với mục đích là để thử xem tờ tạp chí theo khuynh hướng hậu hiện đại đó sẽ đăng bài theo chất lượng khoa học của bài viết hay theo tên tuổi và khuynh hướng quan điểm của người viết. Quả nhiên bài viết của ông đã được đăng không phải vì chất lượng, (thực sự đó là bài viết nguỵ tạo khoa học), mà là vì khuynh hướng được gọi là “hậu hiện đại” của bài viết với tên tuổi của một giáo sư đại học ngành vật lý. Như vậy, ở đây có một sự đối đầu về quan điểm giữa các nhà khoa học theo xu hướng giải cấu trúc với các nhà khoa học tự nhiên phản đối nó, coi nó là một sự vô nghĩa thời thượng [t. Anh: “fashionable nonsense”], một sự lạm dụng thuật ngữ khoa học.

Như thế, Sokal và các nhà khoa học khác đã phản đối chính cái bản chất của chủ nghĩa hậu hiện đại chứ không phải phản đối cái mặt trái của nó như GS Phương Lựu quan niệm. Điều này cho thấy một thực tế khách quan mà từ lâu tôi đã lưu ý rằng cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại không hề nhận được sự đồng thuận tán thành của các học giả ngay ở phương Tây. Và, cũng giống như các học giả phương Tây gọi nó là một sự lạm dụng thuật ngữ, tôi cũng đã gọi nó là một sự lạm dụng khái niệm.[3] Trong khi đó ở ta, thói sùng ngoại không phân biệt đã làm cho chủ nghĩa hậu hiện đại được giới thiệu như một sự nhất trí cao không phải bàn cãi trong tất cả các lĩnh vực văn học-nghệ thuật. Và vì không gán nổi được một đặc trưng riêng nào cho chủ nghĩa hậu hiện đại, nhiều người có khuynh hướng gọi tất cả các trào lưu hiện đại đầu thế kỷ XX là hậu hiện đại. Sức hấp dẫn vô cớ của thuật ngữ “hậu hiện đại” làm cho người ta dễ dàng từ bỏ thuật ngữ “hiện đại” đã tồn tại gần một thế kỷ chỉ bằng một cái phẩy tay! Thực tế vụ Sokal cho thấy trong những cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại cũng có cái tỏ ra tầm phào một cách “mê tín cao ngạo” đến mức fashionable nonsense!

Một lần nữa, lịch sử văn hoá-khoa học rất cần có những nhà nguỵ tạo như Léo Taxil, Bynner - Ficke, McAuley - Stewart, hay Alan Sokal... để cảnh tỉnh cho các nhà khoa học, thậm chí cho toàn thể nhân loại, cảnh giác trước sức hấp dẫn của các trào lưu thời thượng dễ dãi./.

(Văn nghệ, số 21-2010, ra ngày 22.5.2010)

Theo http://viet-studies.info/NguyenVanDan_HieuUngCanhTinh.htm



[1] Có thể tìm thấy thông tin về các vụ nguỵ tạo trên mạng www.en.wikipedia.org.

[2] Xem Mario de Micheli, Avangarda artistică a secolului XX [“Nghệ thuật tiên phong thế kỷ XX”], Ed. Meridiane, Bucuresti, 1968, tr. 277 (tiếng Rumani).

[3] Xem thêm Nguyễn Văn Dân: “Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm”, trong Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết, Hội Nhà văn - Trung tâm VH-NN Đông Tây, H., 2003, tr. 108-146; hay “Cái gọi là ‘chủ nghĩa hậu hiện đại” - từ khái niệm đến thực tiễn”, trong NVD: Vì một nền lý luận-phê bình văn học chất lượng cao, KHXH, H.2005, tr. 184-237.

Nguyễn Văn Dân
Số lần đọc: 1825
Ngày đăng: 23.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tham Luận Tham Dự Hội Thảo “20 Năm Thơ Đổi Mới” Suy Tưởng Về Thi Ca và Sự Vận Hành của Thi Pháp - Dương Kiều Minh
Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn - Phan Huy Đường
Vào Việt Nam (1533-1659),Công Giáo đã Tăng Rất nhanh. - Trần Văn Cảnh
Phê Bình Theo Phương Pháp Chủ Quan Và Khách Quan - Trần Văn Nam
Ba lối hội nhập đất mới trong thơ hải ngoại - Trần Văn Nam
Hành trình xoá bỏ ẩn dụ* như một lối tìm đến ngôn ngữ thi ca Mở - Khánh Phương
Biện luận về mấy vấn đề: Lý luận văn học hiện đại. - Trực Ngôn
Tình Quê Tường Thuật và Tình Quê Thăng Hoa trong Thi Ca - Trần Văn Nam
Chất Dân Gian trong Cung Oán Ngâm Khúc - Nguyễn Gia Thiều - Trần Minh Thương
Nghĩ về Sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện nay - Hồ Thế Hà