Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
753
116.528.860
 
Phượng
Vinh Anh

Học xong cấp hai ngày đó, con đường đã rộng mở với đa số thanh niên lắm rồi. Mà học trò cấp hai ngày ấy cũng lớn. Cả ba đứa đều mười bảy. Phiêu “du” nhấp nhổm làm đơn đi trung cấp thuỷ lợi. Chữ đệm được đặt vào tên Phiêu vì Phiêu vốn thích những vùng đất xa xôi, hoang dã, đại loại là thích bay nhảy. Mục tiêu của nó rất rõ, phải đi làm, phụ giúp bố mẹ hoặc giảm gánh nặng cho bố mẹ, nuôi bốn em lít nhít phía sau. Phượng con gái, được lấy làm tên của nhóm, vào sư phạm “bảy cộng ba”. Thời đó, con gái nếu không lấy chồng sớm thì chỉ có ra công trường, nông trường hoặc làm cô giáo. Còn Khâm “sai” (là bởi trong số bạn bè cùng lớp, Khâm là con nhà cán bộ, cũng cỡ cỡ) trong cái nhóm “Phượng” đó, chưa biết đi về đâu. Thấy chúng bạn rục rịch, Khâm sốt ruột. Hay là mình cũng đi với Phiếu. Vừa mới ngỏ lời, cha mẹ Khâm đã phản đối kịch liệt. Khâm bị một trận mắng té tát. Lý do của Khâm đơn giản, ở nhà một mình thì buồn lắm. Lý do của bố mẹ Khâm còn đơn giản hơn: Cậu con trai yêu phải tiếp tục học, cả nhà chẳng ai cần cậu giúp đỡ hay gánh vác gì hết. Đường đời của Khâm hình như đã được định hình.

Cái nhóm thân thiết với nhau là vậy mà chẳng bao lâu nữa sẽ mỗi đứa mỗi ngả.

 

Và rồi cái ngày chia tay cũng tới. Tiên phong là « Phiêu du ».Nó cũng là đứa gìa dặn nhất.Tối hôm trước khi « Phiêu du » khăn gói lên đường, ba đứa ngồi với nhau gần suốt đêm.

 

Đã gần cuối hè. Gió biển thổi vào phố mát rượi. Những cánh phượng cuối mùa còn sót bay phơ phất, mỏng mảnh như những cánh chuồn thấp thoáng trong nhợt nhoà ánh điện đường. Tiếng xào xạc của đám lá cuốn nhau chạy trên hè phố, đôi khi, nghe rào rào cảm tưởng như những hạt mưa gõ vào tấm áo choàng ni-lông cứng như mo nang.

 

Nén lại những tình cảm đang xốn xang và nặng như những đợt sóng đang duềnh lên trên ngực. Giọng Phiêu :

- Thế là chia tay, thế là vĩnh biệt tuổi học trò...

- Vĩnh biệt chim câu. Phượng cũng xúc động không kém. Phượng nói tên bộ phim mà tối hôm nào ba đứa cùng đi xem ngoài bãi chiếu bóng « Nhân dân ». Bộ phim của Liên Xô, nói về tuổi học trò. Bọn chúng nó cũng hai trai một gái, chia tay nhau trên một căn gác sát mái, nơi chuyên để đồ cũ và những chú chim câu làm tổ. Sau khi học xong cấp ba, chúng nó đã lớn và đã biết yêu. Khi chia tay nhau, hình như chúng nó thả ra ngoài trời những con chim câu và chia làm hai ngả. Một ngả có một đứa con trai và một đứa con gái. Đến nhà đứa con gái, chúng dừng lại và hôn nhau. Cái hôn đầu của tuổi học trò. Ba đứa học trò Việt Nam cũng lớn, nhưng mới chỉ « dám » có cảm tình thân mật. Khâm sai và Phiêu du, chưa đứa nào dám cầm tay cái Phượng. Cái Phượng vẫn đối xử rất công bằng với hai đứa. Trong chuyện này, cái Phượng lớn nhất. Lúc cảnh hôn nhau của hai đứa trên màn ảnh, cái Phượng cầm tay thằng Phiêu, bấm một cái rồi buông ngay ra. Phiêu không dám cầm lại, cũng chẳng hiểu hết ý cái Phượng. Chỉ lơ mơ, nhìn Phượng, cười bâng quơ.

- Hai năm...lâu nhỉ, biết bao giờ gặp lại... Lúc đó thằng « Khâm sai » còn nhớ đến bọn tớ không ? Con quan lại vẫn đi làm quan, sướng nhỉ... ?

- Quên sao được. Khâm vô tư. Tớ nhớ các cậu thật đấy. Biết chơi với ai. Sau này liệu có gặp được các bạn khác như chúng mày không... Thôi thì, nhóm « Phượng » chúng mình phải hứa, mãi tồn tại, mãi bên nhau nhé. Mà này, hay các cậu yêu nhau đi, mấy năm nữa lấy nhau, như cái phim chúng mình xem đấy. Như vậy, nhóm mình không thể tan được. Mà trông thằng Phiêu cũng già đấy.

 

Khâm hoàn toàn buông rơi câu nói đùa, cậu ta chỉ trong một phút bất chợt, buột miệng nói ra.

 

Một cơn gió nữa thổi qua. Những cánh lá vàng còn lại của hàng cây phượng vĩ bên hè bay như mưa rơi. Những cánh vàng mỏng tang, bé nhỏ, yếu ớt bay lả tả trên không trung như cánh côn trùng được phản chiếu bởi ánh đèn lấp loá. Vài cánh lá trong đó đậu trên vai trên tóc ba người bạn.

 

Đường càng về khuya càng vắng. Phiêu du lẩm nhẩm, i ỉ một bài hát gì đó không rõ lời, chỉ nghe thấy nhạc điệu quen quen, Phượng cũng khe khẽ hoà theo, tiếng con gái trong veovà ngọt ngào lôi cả « Khâm sai » vào cuộc. Cuối cùng thì cũng đã rõ, hoá ra đó là bài hát Nga. Bài hát nói về cuộc chia tay người thuỷ thủ với người yêu trên bến cảng. Lời ca và khung cảnh hợp nhau thế. Chẳng biết lời bài hát được cất lên như thế nào, từ ai lĩnh xướng, mà sao, chính bài ca đó nói lên nỗi lòng của ba người bạn.

 

Chỉ có điều, mắt Phượng đêm đó long lanh. Phiếu và Khâm đều nhận ra. Cả hai đều thốt lên :  « Ồ, Phượng đêm nay đẹp quá... » Nhưng sao Phượng hôm nay ít nói thế. Mái tóc hôm nay cũng khang khác, nó điệu đàng phủ nhẹ bờ vai và thoang thoảng mùi hoa bưởi quyến rũ.

 

Màn đêm như bị vùi đi trong quên lãng. Họ, ba người, không nghĩ đến đêm khuya. Phía dưới kia là con sông êm đềm, hình như vào những lúc chia xa, con sông mới trở nên thân thiết. Làn nước đục nhờ nhờ và những con sóng nhỏ nhoi hắt lên những ánh sắc nhiều mầu bởi ánh điện từ những con tầu, từ những chiếc cần trục như những cánh tay của chàng Héc–Quyn chỉ  lên bầu trời. Khâm nói với hai bạn : « Chúng đang nắm tay tuyên thệ, giữ mãi tình bạn của chúng ta ».

 

Lại một con gió thổi. Đêm về, gió nhiều và mạnh hơn, hàng phượng ven sông lại rợp một cơn mưa lá, cả ba đều sững sờ như lần đầu tiên nhìn thấy. Phượng nói nhỏ : « Đẹp quá, nhưng mà buồn ! Có cuộc chia tay nào mà không buồn, các bạn nhỉ ? ». Hàng mi cong che rợp đôi mắt trong veo chưa biết đến tô điểm của Phượng như tối lại. Không gian chỉ vương vấn, quẩn quanh mùi hương dìu dịu từ mái tóc của Phượng. Cả ba đều trầm ngâm, cùng đang một suy nghĩ về sự chia xa

 

Đó là cuộc chia tay thứ nhất. Khâm và Phượng tiễn Phiêu vào đời. Phiêu, so với các bạn, vẫn chứng tỏ mình cứng cỏi nhất và cuộc đời cũng đón Phiêu vào lòng sớm nhất. Từ ngày mai, không phải, bây giờ đã là hai giờ sáng rồi. Chỉ còn năm tiếng nữa, Phiêu sẽ chia tay thành phố, xa các bạn, để trở thành một “Phiêu du” thật sự. Ba bàn tay đặt lên nhau. Phiêu lại thấy tay mình bị Phượng bấm một cái.

 

Hai năm sau, thư của Phiêu gửi cho Khâm: “ tao và Phượng đã yêu nhau. Mày không thể biết chúng tao yêu nhau trong hoàn cảnh nào, đúng không? Làm sao mà biết được! Tao ra trường và đi công tác (mới tập sự thôi) đúng địa phương cô giáo tương lai học tập. Nắng và mưa, gió và rét, đói và khát là chuyện thường xảy ra với quân trắc đạc bọn tao. Cái lần đó, trời đất run rủi, tao được đi về vùng đất của Phượng. Phượng đã cho tao địa chỉ để nếu có dịp vào chơi. Ai ngờ việc đó thành sự thật. Bọn lính trắc đạc ghen với tao. Tao thì vênh vang với bọn nó... Bạn gái đẹp như thiên thần...”

 

Khâm không ngạc nhiên lắm. Cái tình khăng khít của nhóm “Phượng”như đã vốn có cái điều này. Khâm nhớ cái đêm chia tay “Phiêu du”. Mắt Phượng long lanh, nhưng chỉ để cho Phiêu. Tuyệt nhiên, Khâm không thấy phần nào của mình trong đó.

 

Ba năm sau, khi còn đang học năm thứ hai đại học Bách Khoa, Khâm nhận được điện của Phiêu: “Về ngay. Tớ lấy vợ. Về ngay!”

 

Không kịp xin phép lớp trưởng, Khâm ra ga ngay. Trên sân ga, Khâm nhìn thấy Phiêu và Phượng đang chờ. Cả ba cùng ùa lại, chập lại bên nhau. Từ sau đêm “vĩnh biệt chim câu”, đã năm năm, cả ba mới lại cùng gặp mặt. Hai năm hoc trung cấp và ba năm lên rừng xuống biển, “Phiêu du” trở thành già nhất nhóm. Nói theo kiểu của Phiêu “dạn dày nhất nhóm”. Cũng phải thôi! Không hơn được Phượng thì cũng chắc chắn gian khổ hơn “Khâm sai”, cái thằng vẫn kẽo kẹt sách vở, trường lớp.

- Bọn tớ yêu nhau và đương nhiên sẽ lấy nhau. “Phiêu du” oang oang. Đúng lời của “Khâm sai” dự đoán đêm nào. Nhớ không? Khâm lắc đầu. Phượng quay đi. Phượng đã là cô giáo. “Phiêu du” tiếp:

- Nét “cô” đã thấm đượm trên từng “kí-lô” trong con người Phượng. Dịu dàng hơn, trầm lắng hơn, kiên nhẫn hơn và bây giờ, đáng yêu hơn. Đáng yêu nhất trong nhóm “Phượng” chúng mình. Mày đứng hàng thứ hai, tao chót sổ, nhưng làm hạt nhân của nhóm.

 

- Không ai tranh cãi với « Phiêu du ». Hình như có một cái gì đó khang khác. Khâm nhận thấy sự vui vẻ hơi quá của Phiêu và sự hơi trầm của Phượng : « Có gì vậy, các cậu nói đi ? »

- Bọn tớ phải gọi cậu về để chia tay. Tớ đã nhập ngũ. Sắp sửa đi chiến đấu. Biết đâu đây lại chẳng là lần gặp mặt cuối cùng của nhóm chúng ta. Phượng muốn cưới, nhưng tớ thì chưa Nhiều vấn đề lắm. Tớ hi vọng vẫn có ngày gặp lại các cậu.

 

Phiêu nhận nhiệm vụ đi vào chiến trường. Thái độ của Phiêu đúng với đa phần của thanh niên thời đó. Đó là sự tiếp nhận vui vẻ, sẵn sàng của tuổi trẻ, nhẹ nhàng chưa vướng bận hay không muốn vướng bận. Nhưng Khâm vẫn thấy bạn có phần không thật. Đó có phải bản lĩnh và sự già dặn của Phiêu ? Ngày đó, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ với Miền Bắc đang diễn ra ác liệt. Những cuộc hành quân vượt Trường Sơn được tuyên truyền nhiều. Tin thắng trận liên tiếp từ Miền Nam đưa ra. Nghe với sự phấn khởi, quyết tâm và tin tưởng. Hào khí lắm ! Sôi nổi lắm !

 

Nhưng Phượng không vậy. Những nụ cười gia giả hơi khiên cưỡng của Phiêu không khoả lấp cái buồn thiếu nữ. Kết cục của mọi cuộc chia li, gánh nặng của mọi cuộc chia li đều dồn vào vai người phụ nữ. Người phụ nữ dù trong lòng ngổn ngang mối lo, dù trong lòng lửa cháy, vẫn cứ phải tỏ ra vui vẻ để người ra đi yên lòng. Gánh nặng và trách nhiệm nhân đôi.

 

Mặc dù không muốn xa bạn, Khâm vẫn phải chia tay Phượng và Phiêu : « Để dành cho bọn mày những giờ phút tình yêu ». Phiêu tiễn Khâm thêm một đoạn, họ ôm nhau và thầm thì gì đó.

 

Đêm cuối cùng, Phượng và Phiêu đã sống hết vì nhau. Chính Phượng là người chủ động. « Chẳng lẽ Phiêu không để cho Phượng chút kỉ niệm gì sao ? Phượng cũng muốn có gì đó cho Phiêu nhớ về Phượng những ngày xa xôi, bên đống lửa giữa đại ngàn... ». Và đêm trở nên quá ngắn với hai người trên chiếc vó bè bỏ hoang bên sông. Sóng và gió đôi bờ đêm nay như chao động nhiều hơn. Chỉ thỉnh thoảng nghe qua được tiếng gió những âm thanh rên rĩ nức nở xen lẫn nhịp thở gấp gáp của ngàn cây với ào ào tiếng lá.

 

Họ ngồi bên nhau, ánh trăng dọi qua tấm liếp thưa. Toàn thân Phượng được ánh trăng chiếu vào. Cặp môi đỏ như cười mà đôi mắt với hàng mi cong vẫn buồn thăm thẳm. Phượng nhìn vào mắt Phiêu, cô muốn giữ lại cái nhìn đam mê của Phiêu trong đêm nay. Phượng chỉ cho Phiêu cách tháo áo con mà Phiêu đang sờ soạng. Phiêu mê mẩn, đờ đẫn khi chạm vào ngực cô, bàn tay vẫn còn run, vẫn chưa dám mạnh tay thoả sức. Phượng lim dim, những tiếng rên se sẽ. Phiêu chỉ thấy cặp vú trắng ngà ngà, đầy đặn và trinh khiết. Anh vục đầu vào bộ ngực non tơ, thuần khiết. Tấm màn bí mật của người con gái được mở ra. Phượng ấn nhẹ đầu Phiêu xuống. Mùi thơm da thịt con gái sao lại đặc biệt và đốt lòng người nhường vậy. Cái hôn đầu đời.  Bất ngờ và sung sướng trào dâng. Phiêu lâng lâng không còn biết gì nữa. Bỗng sức mạnh con trai nổi sóng, Phượng đã là của Phiêu, của Phiêu đêm nay tuyệt đối. Chiếc vó bè như gặp gió lớn, chòng chành, lắc mạnh.

Đó là cuộc chia tay thứ hai tiễn « Phiêu du ».

 

Phiêu được phiên chế vào bộ đội cao xạ. Đơn vị được điều gấp vào Miền Trung. Trong một trận chiến đấu bảo vệ cho những chuyến phà sang sông, Phiêu đã hi sinh. Đồng đội tìm trong tư trang của Phiêu thấy có tấm ảnh nhỏ của Phượng. Mặt sau tấm ảnh ghi đầy đủ địa chỉ của gia đình, của Phượng và của Khâm. Một người bạn cùng khẩu đội biết mối quan hệ đặc biệt của nhóm « Phượng » đã gửi thư cho Khâm. Nhờ Khâm tìm cách nói chuyện với gia đình Phiêu và Phượng. Trong thư nói rõ ngày tháng hi sinh, hoàn cảnh hi sinh của Phiêu và cả nơi chôn cất anh.

 

Vì trường phải sơ tán lên các tỉnh biên giới, bức thư lưu lạc ba tháng trời mới đến tay Khâm. Nhận được thư, Khâm đã bỏ học để đi tìm bạn. Khâm chưa dám báo tin cho Phượng càng không thể đưa Phượng cùng đi. Thâm tâm chỉ mong thông tin không đúng.

 

Mất một tuần đạp xe ròng rã, ngày nghỉ đêm đi, Khâm cũng tới được nơi Phiêu đã từng chiến đấu và hi sinh. Đơn vị của Phiêu đã di chuyển. Hỏi thăm mất một ngày lòng vòng, chị dân quân địa phương buồn rầu chỉ cho Khâm, nghĩa trang, nơi yên nghỉ của Phiêu. Nơi đây bị bom đánh lần nữa, bây giờ chỉ là những hố bom lở loét và ngập nước. Trên một chục liệt sĩ nằm trên khu vực đó đã được một đơn vị bộ đội khác và dân địa phương gom lại thành một nấm mồ chung. Tên tuổi cũng không còn.

 

Khâm thắp một nén nhang trên nấm mồ vô danh, nơi gom những gì còn sót lại của trên một chục liệt sĩ cùng yên nghỉ với Phiêu. Chắc rằng trong nấm mồ đó, chỉ có linh hồn của các anh, những người đã sống và ngã xuống trên mảnh đất này.

 

Đó là cuộc chia tay thứ ba với « Phiêu du ». Cuộc chia tay không có người ra đi, chỉ có một người đưa tiễn.

 

Chuyện về chuyến đi tìm bạn và sự hi sinh của Phiêu được Khâm dần dần nói với Phượng. Phượng không tin Một điều khiến Phượng vẫn nghi ngờ và gửi gắm niềm tin mong manh là gia đình chưa nhận được giấy báo tử của Phiêu. Những lí lẽ mà Khâm đưa ra đều không thuyết phục được Phượng.

 

Một năm sau ngày Phiêu hi sinh, Khâm cũng gia nhập đội ngũ những chiến sĩ giải phóng. Chiến dịch Đường Chín-Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị rồi hiệp định Pa-ri nối tiếp nhau, rồi đi tiếp, đi tiếp. Bởi « Đường giải phóng mới đi một nửa »...Không thể bỏ lỡ thời cơ... Khâm theo đoàn quân giải phóng đến tận sào huyệt của kẻ thù ở Sài Gòn. Phượng dõi theo từng bước chân đoàn quân giải phóng suốt thời gian đó vẫn đau đáu một nỗi niềm khắc khoải, một tia hi vọng.

 

Năm một chín bảy nhăm. Người Hà Nội cùng nhân dân cả nước mừng ngày chiến thắng.Khâm « Trai ba mươi tuổi đang soan », Phượng « Gái ba mươi tuổi đã ... ». Chỉ có Phiêu vẫn đôi mươi trong lòng đôi bạn. Riêng với Phượng, Phiêu vẫn trẻ trung với bàn tay run rẩy, đôi mắt thẫn thờ và trong lòng hừng hực những đam mê của đêm kỉ niệm. Sự chờ đợi của Phượng hằn vết thời gian trên nét mặt thanh tú, vẫn con mắt ngày xưa, u buồn và thăm thẳm. « Chẳng gánh nặng nào bằng sự chờ đợi, chẳng sự tàn phá nào bằng thời gian ! » Khâm chua chát và đau khổ khi gặp lại Phượng.

 

Trước ngày tiễn Khâm vào trường học tiếp, Phượng đưa Khâm đi dọc bờ sông ra phía ngoại ô. Những ngọn gió dọc sông mát rượi. Phượng kể lại đêm kỉ niệm với Phiêu trên bè vó trước khi Phiêu đi. Gió đêm làm Phượng se se lạnh và giọng cô run run. Khâm cởi chiếc áo quân phục choàng lên vai Phượng, để đầu cô dựa vào bờ vai cũng đã trải qua những dạn dày sương gió.  Khâm kể lại với Phượng những lời thầm thì của Phiêu khi hai người bạn ôm nhau trên sân ga : « Mày hãy thay tao chăm sóc Phượng, tao khó về lắm...và bây giờ là lúc chúng mình hoà hợp để vẫn gĩư trọn vẹn nhóm « Phượng » ngày xưa ». Phiêu đã biết, đã lường hết những vất vả và hi sinh mà anh sẽ phải gặp trên những nẻo đường chiến tranh. Phiêu vẫn già dặn nhất nhóm.

 

Phượng khẽ rùng mình, gần chục năm trôi qua, đêm nay Phượng mới cảm thấy yên lành và không trống vắng.

 

Hai người ngước mắt lên cao, hàng phượng vĩ đỏ cháy trong đêm sáng trăng. Tiếng chim gù đâu đấy. Họ đang nhớ về ngày xưa./.

 

5/12/08

Vinh Anh
Số lần đọc: 2180
Ngày đăng: 30.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phận - Khải Nguyên
Gío và Cánh Diều - Đổ Quỳnh Anh
Trăng mười sáu - Trần Quang Lộc
Người hậu vệ - Nguyên Minh
Chân dung tự họa - Nguyễn Lệ Uyên
Đám Cưới Vàng - Đỗ Ngọc Thạch
Nhật ký tình yêu - Đổ Quỳnh Anh
Vàng - Dương Phượng Toại
Anh yêu em! - Huỳnh Văn Úc
Bạn thâm giao - Phạm Thanh Phúc
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)