Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
734
115.994.835
 
Người Mất Tích
Nguyễn Viện

Hùng Lộc làm quan đến cai cơ, Thái Tông Hoàng Đế, Quí Tỵ, năm thứ 5 (1653), mùa xuân, Chiêm Thành xâm lấn Phú Yên, quan ngoài biên đem việc tâu lên. Chúa bèn sai Hùng Lộc làm thống binh, Xá sai Minh Vũ làm tham mưu, đem 3000 quân đi đánh. Quân ta đến Phú Yên, chư tướng muốn đóng quân, dụ giặc. Hùng Lộc nói: “Binh pháp có nói: Ra quân lúc bất ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị. Nay quân ta từ xa đến, đánh ngay mới lợi, còn dụ giặc làm gì.” Hùng Lộc liền tiến quân qua núi Thạch Bi, núi Hổ Dương, thẳng đến thành giặc, đương đêm đốt lửa, đánh gấp, cả phá được giặc. Chiêm Thành quốc vương Bà Tắm trốn chạy. Hùng Lộc lấy đất đến sông Phan Rang. Bà Tắm sai con là Xác Bá Ân dâng thư xin hàng. Hùng Lộc đem việc tâu lên, chúa y cho, bèn lấy sông Phan Rang làm ranh giới. Từ phía đông sông ấy đến đầu cõi Phú Yên, đặt làm doanh Thái Khoa cho Hùng Lộc trấn thủ, từ phía tây sông ấy trở vào, vẫn trả cho Chiêm Thành, bắt sửa lễ cống. Quốc triều lúc mới khai thác, Hùng Lộc cũng có công đấy. Chỉ tiếc không biết rõ họ, quê quán và tuổi thọ của Hùng Lộc.

Đại Nam liệt truyện tiền biên (NXB Thuận Hoá, 1994)

 

 

 

Màu gạch đỏ của những ngọn tháp Chăm sừng sững vươn tới màu xanh của bầu trời tuy rất khác biệt với cái thấp bình thản của đình chùa người Việt, nhưng không phải là điều làm cho Hùng Lộc bận tâm cho bằng những hình tượng Linga và Yoni được thờ cúng trong tháp. Quan tham mưu Minh Vũ có ý đòi đập phá các ngẫu tượng không hợp với phong hoá người Việt. Nhưng quan trấn thủ Hùng Lộc ngăn cản, ngài bảo: “Hồn ai nấy giữ.”

 

Hàng tuần, Hùng Lộc cùng vài bộ hạ tâm phúc đi viếng các tháp trong vùng. Hầu hết các quân lính Chăm cũng như trai tráng ở các làng xóm đều theo quốc vương của họ chạy vào Phan Rang, những phụ nữ còn lại nuôi sự mong chờ và hy vọng của họ trong các tháp. Hùng Lộc thích nhìn ngắm họ thành kính trước các tượng Linga. Ngài cảm thấy các thần linh trên mái tháp cũng như ngài, hân hoan và độ lượng, chia sẻ những khát khao thầm kín và sự ngưỡng vọng của con người với một đời sống tình dục đến bến bờ siêu nhiên, dù ngài không thật sự cảm nghiệm được sự hoan lạc tính dục như sự hoan lạc sáng tạo của tạo hoá. Vì thế, ngài ban hành lệnh cấm mọi sự xúc phạm đến các hình tượng thờ cúng của người Chăm từ một kính tín chân thành của ngài hơn là một thái độ hành xử muốn an dân.

 

Những phụ nữ Chăm thường giấu khuôn mặt của họ trong các tấm khăn. Vẻ đẹp bí ẩn quyến rũ từ trong sâu kín. Sự xa cách và nhẫn nhục không làm mất đi cái sang trọng kiêu hãnh trong y phục của họ. Hùng Lộc không coi họ là chiến lợi phẩm, ngài cảm thấy rất rõ sự khác biệt nghèo nàn trong tinh thần của mình với sự giàu có tâm linh nơi những phụ nữ thầm lặng phủ phục trước bàn thờ cặc và lồn giao cấu. Tại sao lại có một khoảng cách lớn lao dường vậy trong quan niệm đạo đức của con người? Và đâu là sự tối hậu ở đời? Câu hỏi đặt ra đưa ngài đến một tình thế nghi hoặc mọi sự chính trực và ngài cảm thấy mọi thứ kiến giải đều rất xa với thực tại tín ngưỡng phồn thực ấy.

 

Hùng Lộc nói với bọn thuộc hạ tâm phúc: “Ta muốn xem phụ nữ Chăm nhảy múa, ca hát.”

Trước đó, tiếng trống Baranưng của người Chăm sôi động rộn ràng như cả loài người vào mùa động tình. Nó được Brahman khởi xướng trong các lễ hội thần linh giao phối. Nhưng từ khi Chế Bồng Nga chết, tiếng trống Baranưng đã trở nên xa vắng. Hùng Lộc nói: “Trong sự rậm rật của châu thân, đã có nỗi tàn úa của linh hồn”. Vì thế, những động tác múa của vũ nữ Chăm dường như chỉ còn là ước lệ. Tuy nhiên, trong số các vũ nữ Chăm trong phủ Thái Khoa ngày ấy, có một thiếu nữ làm ngài chú ý. Nước da đen, nhưng đôi mắt biết cười và có phẩm chất gần với tiếng trống. Ngài phán cùng bọn thuộc hạ: “Cho cô gái vào hầu hạ ta đêm nay.”

 

Dưới ánh sáng của ngọn nến, chỉ có Hùng Lộc và cô gái. Mặc dù khép nép, nhưng cô không hề tỏ ra sợ hãi. Rượu chưa đủ làm cho ngài hưng phấn. Ngài bảo cô gái: “Hãy nhảy múa như chính cơ thể mình muốn.” Cô gái nói chỉ có thể làm việc ấy trong bóng tối. Ngài dùng hai ngón tay bóp tắt ngọn lửa. Cô gái lại nói chỉ có thể nhảy trong tiếng trống. Ngài sai thuộc hạ mang trống vào. Nhưng cô gái đòi đuổi người đánh trống ra. Cô đề nghị: “Xin ngài cứ tuỳ thích. Ngài đánh thế nào, tiện nữ xin nương theo,” Xưa nay, ngài chỉ biết có trống trận. Thôi thì cứ thử vui một phen. Tiếng trống thúc quân vang lên càng lúc càng dồn dập, nhưng cô gái vẫn bất động trong tư thế của một người đang dập đầu lạy. Dừng tay, ngài hỏi: “Nhà ngươi định dùng bóng tối để lừa ta chăng?” Cô gái lễ độ thưa: “Chẳng phải là ngài bảo tiện nhân cứ nhảy như cơ thể mình muốn?” “Thôi được, không ép nàng nữa, nhưng ta không thể cho nàng về, hãy ở lại đây với ta. Đây là điều ta muốn.” Ngài thắp lại ngọn nến và từ từ đốt y phục của cô gái, từng phần một. “Từ nay, nàng thuộc về ta.”

Trên những chuyến xe lửa xuôi ngược Bắc–Nam năm 1979, chúng tôi thường nhảy xuống ở một ga nhỏ gần giáp Nha Trang cùng với những thùng dầu hôi. Từ đó, thuê xe thồ vào Nha Trang bán. Trên đường quay ngược lại Sài Gòn, chúng tôi ghé Vĩnh Hảo, gần bãi biển Cà Ná, Phan Rang đóng một loại hàng khác là lá thuốc Virginia mang về tiêu thụ trong Chợ Lớn. Năm đó, tôi mười lăm tuổi, vẫn đang đi học. Mùa hè, tranh thủ theo anh Lộc phụ kiếm tiền giúp mẹ. Bố tôi đang nằm trong trại cải tạo, đâu đó phía Bắc, bởi là người thua cuộc.

 

Sau mỗi chuyến hàng không bị bắt, anh Lộc thường đi chơi đĩ. Anh hỏi tôi: “Mày muốn biết mùi đời không?” Tôi nói không. Thật ra, tôi vẫn muốn biết mùi của chị. Đấy là một cô gái hàng xóm khi tôi còn là đứa bé học lớp một. Hơn tôi mười tuổi, chị đã có vú. Tôi thích ví vú chị là mặt trăng có núm. Tôi cũng thích ví cái hĩm của chị là vầng trăng khuyết. Thật ra, chưa bao giờ nhìn thấy vú và hĩm chị, tôi chỉ tưởng tượng thôi. Mặt trăng lồng lộng trong những tối tôi thủ dâm trước khi ngủ. Qua năm lớp hai, nhà chị dọn đi đâu mất. Tôi vẫn thủ dâm về chị nhiều năm sau. Tôi thật sự không hiểu tại sao một đứa bé như tôi, lại mê đắm một cái hĩm mơ hồ, mà không phải cái gì khác minh bạch trên thân thể chị. Hoàn toàn tính dục và thuần khiết bản năng. Tôi mang nỗi ám ảnh về cái hĩm của chị đi suốt cuộc đời.

 

Đầu những năm 1970, chị theo phong trào sinh viên tranh đấu, mặc dù bố chị là quan chức lớn của chính quyền Sài Gòn. Hầu như ngày nào chị cũng xuống đường biểu tình. Khói lựu đạn cay mù mịt trong thành phố. Bố chị muốn cho chị đi du học để tránh những khó khăn cho ông, nhưng chị nhất định ở lại. Thế rồi chị bị bắt. Chị nhận tội một mình, không khai báo ai. Bố của chị phát điên khi chị bị đày ra Côn Đảo.

 

Sau ngày giải phóng, chị trở lại Sài Gòn sống như một giáo viên bình thường, chăm sóc ông bố điên và từ chối mọi chức vụ được giao.

 

Gia đình nào cũng có một sổ mua hàng như đặc trưng của một xã hội nghèo đói và được cai trị bởi những kẻ độc tài. Một tháng được mua thịt hai lần. Chị cầm sổ của mình và cô bạn dạy cùng trường mới sinh con đến cửa hàng mậu dịch. Xếp hàng như mọi người, chị cũng xếp cho cô bạn vắng mặt một viên gạch. Bỗng có tiếng nói từ phía sau: “Đề nghị bỏ viên gạch. Ai vắng mặt ráng chịu”. Chị quay lại, đó là ông hiệu trưởng trường chị. Cầm cục gạch lên, định đập nó xuống đất cho hả giận, nhưng ngần ngừ một lúc, chị bỏ nó vào giỏ. Khi đến trước mặt người bán hàng, chị đưa cuốn sổ của cô bạn và năn nỉ: “Bạn tôi mới sinh, chị cắt cho miếng nạc.” Lại tiếng nói phía sau của ông hiệu trưởng: “Không được, cứ cắt cho công bằng.” Chị bán hàng đốp ngay: “Không phải việc của ông. Công bằng hay không là do tôi, hiểu chửa?” Ông hiệu trưởng im thin thít vì không muốn gặm xương.

 

Sau lần ấy, mỗi khi hơi thịt xông lên, chị lại buồn nôn. Chị quyết định ăn chay trường.

Những ngày tháng khó khăn, đói khổ sau 1975, tôi đi mót phế liệu trong khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Long Bình, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập của bom mìn thời chiến tranh còn đầy rẫy quanh hàng rào. Anh Lộc bảo: “Đi theo tao.” Anh có biệt tài gỡ mìn và cắt hàng rào đến nỗi bộ đội canh giữ khu vực ấy cũng biết tiếng. Và anh chỉ thoát được cuộc vây bắt của họ nhờ đám cỏ tranh rậm rạp mọc tràn lan từ hàng rào khu quân sự đến các miếng rẫy khô cằn của dân sống quanh đó. Khi đổi nghề đi buôn chuyến, anh cũng nhắn cho tôi: “Đi theo tao.” Và tôi đã theo anh suốt những ngày hè. Đến mùa hè thứ ba, anh bị bọn đầu gấu trên xe lửa đánh trọng thương rồi hất xuống đất, giành chỗ chất hàng trên tàu, tôi mới bỏ hẳn việc kiếm tiền. Đó cũng là lúc bố tôi trở về, sau bốn năm cải tạo. Nhưng chỉ đoàn tụ được hai năm, bố tôi vĩnh biệt vợ và đám con cái nheo nhóc, mang theo hai tạ than trên chiếc xe đạp cọc cạch đi thẳng xuống hỏa ngục. Có hai lý do để tôi cho rằng bố tôi phải đáng bị đày ải trong lửa: Một - bố tôi không bao giờ tha thứ cho những kẻ đã hành hạ và tước mất của ông và vợ con ông quyền được làm người công chính; hai - chính bố tôi là thủ phạm của sự đau khổ trong gia đình tôi.

 

Hùng Lộc bế cô gái đặt lên hương án. Ngài cúi lạy Yoni rồi bắt đầu hôn cô gái từ dưới chân lên. Ngài cảm thấy không chỉ có Yoni giữa háng cô gái mà Yoni tràn đầy, nâng đỡ ngài lên mái tháp của bầu trời. Và mùi của Yoni thì như hương lúa ngợp trong mọi mạch máu của ngài. Nhưng ngài vẫn chưa thể hội thông được với đức tin hoan lạc của cô gái. Ngài chỉ là một con đực thèm mùi con cái. Cô gái xa lạ với ngài. Và vì thế ngài muốn chấm dứt buổi tế tự này bằng cách đâm vỡ cái hĩm của cô với một chút ít hờn giận.

 

Giữa lúc ấy, ngài nghe thấy phía ngoài phủ xôn xao. Bọn lính canh đang đánh nhau với một nhóm thích khách muốn cướp lại cô gái của họ. “Chúng mày muốn chết thì ông cho chết”, Hùng Lộc đích thân đứng ra chỉ huy cuộc truy sát bọn phiến loạn. Toàn bộ đàn ông bắt được trong đêm ấy, ngài cho chém sạch. Cả một vùng rộng lớn không còn tiếng gà gáy. Người Chăm bồng bế nhau trốn về phương Nam.

 

Vốn là người mê vẽ và vẫn miệt mài vẽ từ thằng cao bồi bắn súng tới một cái hĩm siêu thực, nhưng tôi không tưởng được mình lại vào được đại học Kiến trúc. Tôi trở nên tự tin hơn. Những cái hĩm vật vờ không tên gọi hoặc mỹ miều như “Diễm” như “Ngọc”… đối với tôi vẫn không bao giờ là mặt trăng của thời thơ ấu. Ngay cả với XX, cô bạn học cùng lớp mà đôi khi tôi vẫn “mượn” để tưởng nhớ mặt trăng và giải quyết sự đầy ứ thừa thãi lũ tinh trùng trong bầu giái, cũng chỉ là một cái hĩm thường tục sự đời.

 

Có một người đàn ông kỳ lạ dọn đến xóm tôi ở. Ông ta hỏi “có muốn học võ không?” Tôi bảo tôi không muốn đánh ai. Ông bảo, “nhưng nếu người ta đánh cậu thì sao?” Tôi ú ớ một chút rồi cười “thì bỏ chạy.” Ông bảo “không sợ người khác cho là mình hèn à?” Tôi nói không. Vì tôi biết tôi không hèn. Ông bảo “cậu có cốt cách, bất cứ lúc nào cậu thích, tôi dạy.” Tuy vậy, cũng chỉ được ít tháng, khi biết ông chơi ngải, tôi không học nữa. Một người khác túm lấy tôi, bảo “tôi sẽ truyền cho cậu ít nghề.” Nghề của ông là Cầm nã thủ. Chỉ bẻ tay, không đánh chết ai. Tôi đã có dịp sử dụng ngón nghề ông dạy khi có thằng thò tay bóp vú XX trong quán nhậu. May là nó mới bóp một vú, nên chỉ gãy một tay.

 

XX mũm mĩm và đường bệ như một bà hội đồng Nam bộ thời Pháp thuộc. Một vẻ đẹp sang trọng cổ điển rất thích hợp để tạo nên những mối tình mùi mẫn. Nhưng giữa tôi và XX lại là một mối quan hệ có phần của WTO. XX bảo, “anh chỉ có giá trị ở chỗ phi vật thể.” Đó là chỗ bí ẩn của XX. Dần ra, tôi cũng hiểu không phải tôi hay con cu của tôi mà cái biểu tượng tính dục được thờ cúng Linga mới là tối hậu, đối với XX. Điều ấy cũng giải thích cho việc XX sẵn sàng cho tôi mượn cô ấy suốt những năm tôi học đại học.

 

Hùng Lộc xây cho cô gái một biệt điện trên sườn núi nhìn ra biển, có lính gác bảo vệ. Những người đàn ông bị giết trong đêm hoan lạc đầu tiên của ngài với gái Chăm được ngài cho chôn cất tử tế. Ngài phán: “Dù sao chúng cũng đáng là trượng phu.” Ở những nơi máu người Chăm đổ, hằng đêm lửa chập chờn bay lên lung linh như một vũ hội. Chỉ đến sau khi Hùng Lộc đem cô gái đi sâu vào trong phía Nam, những ngọn lửa ấy mới tắt. Nhưng trước khi sự bình an được chúc phúc cho vùng đất này, Hùng Lộc phải đi đến cuối đường tín ngưỡng con cu và cái hĩm trong minh triết về sự sống.

 

Lấy được bằng kiến trúc sư, tôi cùng với đám bạn trong xóm cũ đang làm thợ xây dựng hợp tác làm ăn. Phần lớn công việc của tôi lúc ấy vẫn chỉ như một anh cai thầu nhỏ, ít ai dám bỏ tiền thuê vẽ kiểu như người ta cầu kỳ sau này. Nhưng điều may mắn nhất của công việc là đã giúp tôi tìm được chị. Khi ấy bố chị vừa mất, chị muốn sửa lại căn nhà cho thoáng đãng. Chị nói, “tôi muốn nhìn thấy căn nhà như cái chùa, nhưng sáng sủa.” Chị tu tại gia à? Tôi hỏi. Chị nói không, “tôi chỉ muốn có cảm giác an bình.” Sau đó, tôi biết chị ăn chay trường. Điều ấy khó hiểu so với những gì tôi cảm nhận được về chị. Mạnh mẽ và bạt mạng. Tôi vẫn ngờ ngợ về chị, cho đến khi nhìn thấy chị phơi quần áo thì tôi tin chắc đây là chị. Tôi không hỏi về nơi ở trước kia của chị, mà chỉ kể chuyện mình, rằng hồi còn bé ở Xóm Gió, tôi rất thích một chị hàng xóm. Chị hỏi cô gái ấy tên gì? Tôi nói không nhớ, vì tôi bé quá.

 

Ngày sửa xong căn nhà, chị mời tôi ở lại dùng cơm. “Cậu cũng nên thỉnh thoảng chay tịnh cho bớt nghiệp chướng,” chị nói. Tôi đùa: “Có chị thì tôi ăn suốt đời cũng được.” Chị cười: “Cậu định tán tỉnh cả tôi nữa à?”. Tôi bảo tôi không tán tỉnh mà tôi nói thật. “Cậu còn trẻ mà đã học được cái thói trăng hoa của mấy lão cai thầu rồi đấy,” chị nói một cách tự nhiên. Tôi cũng tỉnh bơ, bảo: “Tôi mong được như họ.” Chị nhìn trừng tôi: “Cậu liệu hồn.” Tôi cảm thấy thú vị nhìn ngắm chị. Chị bảo: “Đừng nhìn tôi như một con mồi thế.” Tôi chọc tức chị bằng cách nheo một mắt lại. Bùm. Tôi ngả người ra, khiêu khích. “Ngày xưa còn bé, tôi vẫn tưởng tượng mình ăn thịt chị.” Chị bảo: “Cậu tội lỗi quá.” Tôi bảo không, đấy là sự kính ngưỡng tôi không hiểu được. Với chị bây giờ, tôi vẫn còn nguyên sự kính ngưỡng ấy. Và rồi tôi đứng lên, bước đến trước mặt chị, quì xuống úp mặt vào giữa háng chị. Hai tay chị giữ đầu tôi đẩy ra. Tôi cảm thấy có sự lưỡng lự thiếu quyết đoán của chị, lì lợm đặt miệng lưỡi thinh lặng ngoài quần chị.

 

Hùng Lộc sai lính đóng một cái giường có mái như ngọn tháp. Hằng đêm, ngài đặt cô gái vào trong đó và quì lạy nàng như một Yoni sống, trước khi làm tình. Tin đồn về việc Hùng Lộc say mê cô gái lan truyền ra bên ngoài. Quân lính cười nhạo ngài, mặc dù đa phần trong số họ cũng đi tìm những cô gái Chăm để khuây khỏa nỗi nhớ nhà và thực hiện nghĩa vụ giống đực. Những người Chăm thù oán ngài và nguyền rủa cô gái. Họ nhắn tin vào cho cô rằng con gái Chăm cưới chồng chứ không làm tì thiếp. Hùng Lộc bỏ ngoài tai lời đồn đãi về ngài. Phía Nam doanh Thái Khoa, Hùng Lộc cho quân trấn giữ và canh phòng cẩn mật. Ngài vẫn có ý định đem quân vượt sông Phan Rang, mở rộng bờ cõi. Biết Hùng Lộc mê gái, Bà Tắm đem dâng cho ngài cả một đội vũ công xinh đẹp. Nhưng Hùng Lộc ban hết cho thuộc hạ. Quan tham mưu ngầm cho người về tâu với nhà Chúa. Chúa có ý nghi ngờ tham vọng của Hùng Lộc, bèn gởi sắc triệu về kinh phong quan tước.

 

Chị xa vắng như ở cõi ngoài. Một nửa thanh xuân của chị dành cho sự lãng mạn chính trị. Một nửa còn lại chị ôm ấp vết thương do chính mình gây ra. Có vẻ như chị chỉ sống vì cái không là chị. Bố chết, chị cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng cũng đồng thời, chị nhận ra mình không còn sức sống, lý do để sống. Sự chay tịnh chỉ giúp chị yên ổn trong cái chết thầm lặng của tẻ nhạt. Những đồng chí cũ của chị muốn đề bạt chị vào một chức vụ quản lý cao cấp trong ngành, như một cách đền ơn và thật tình họ cũng mong chị vui hơn, nhưng chị vẫn từ chối như trước. Chị chỉ muốn được là người lương thiện và chết đi không dấu vết.

 

Chị nói: “Cậu đã làm xáo trộn cuộc sống của tôi.” Hơi nóng từ giữa háng lan tỏa khắp châu thân. Chị rùng mình. Tôi vẫn úp mặt vào chỗ thầm kín nhất của khát khao thời thơ ấu. Trong một lúc, tôi đã cảm thấy đó là một mặt trăng sáng loà. Mùi rơm giạ nồng đượm. Hai tay tôi ôm mông chị kéo sát lại. Chị bảo “Thôi, đừng.” Nếu chị cứ yên lặng, có lẽ tôi cũng vẫn mơ hồ hồi tưởng. Nhưng lời nhắc nhở của chị khiến tôi biết mình đang đối diện với một thực tại không thể lùi bước. Đây là cuộc cách mạng của chính tôi. Tôi dụi mặt mình cuồng nhiệt vào chỗ ấy và nghe thấy tiếng kêu của chị. Tiếng gọi của Yoni trong đền thánh. Lời dụ dỗ của cái hĩm phàm tục. Tôi tụt quần chị.

 

Hùng Lộc biết cái bẫy sập đang chờ mình ở kinh thành. Ở cũng chết, về cũng chết, chỉ còn một lối thoát cho ngài là bỏ trốn. Con đường trải nghiệm tâm linh trong tín ngưỡng hoan lạc của ngài chỉ mới bắt đầu, và ngài tự cho rằng mình cần phải đi tới cùng sự giao cấu thần thánh. Bởi thế trước ngày lên đường, ngài thân hành đến tháp Bà Pônagar, úp mặt vào Yoni linh thiêng cầu nguyện cho sự phồn thực của linh hồn và thể xác. Một sức mạnh tinh thần lớn lao từ sự xác tín chân lý giúp ngài quả cảm vượt qua nỗi khiếp sợ của một trung thần và đạo đức của một người lương thiện. Bị kẹp giữa quân lính triều đình và Bà Tắm, ngài biết rằng chỗ an toàn nhất cho ngài chính là đi vòng vào trong núi rồi đâm thẳng xuống phía Nam, nấp sau lưng quân Bà Tắm.

 

Anh Lộc viết thư cho tôi: “Nếu mày còn nhớ thằng anh này thì ra đây chơi với tao.” Kèm theo lá thư là địa chỉ của anh ở Phan Thiết. Mừng vì biết anh vẫn còn sống, tôi rủ XX theo ra thăm anh. Căn nhà của anh Lộc, chính xác hơn là căn nhà của vợ anh, có cấu trúc giống như những căn nhà rường ở Huế. Một dấu vết xa xưa của những quan lại triều đình trấn nhậm phương Nam nhớ quê cũ. Anh Lộc kể vợ anh là một người địa phương, đã nhặt được anh trong một bụi cỏ. Chị mang anh về chạy chữa các vết thương và giữ anh lại trong nhà làm kiểng. Chị cười bảo: “Anh của cậu tệ lắm, có mỗi việc trông nhà cho tôi đi kiếm ăn mà không chịu nghe, cứ nằng nặc đòi làm cái này cái nọ.” Tôi nói: “Chị cũng nên để anh làm cho vui.” “Nhưng cậu coi kìa, liệu có quẳng cái xe lăn đi được không?” chị hỏi. Tôi nói: “Chắc là anh cũng biết phải làm cái gì thích hợp.” “Chú mày nói đúng. Biết bây giờ tao làm gì không?” anh hỏi rồi tự trả lời: “Tao dạy võ.” XX ngạc nhiên lắm. Ngồi xe lăn làm sao dạy võ được. Nhưng anh bảo: “Tối nay tao sẽ chỉ mày mấy miếng độ thân.” Anh cho biết, trong xóm có một ông già rất lạ, chính ông đã dạy anh một số bí kíp võ học kể cả một vài phương pháp tráng dương bổ thận bằng khí công. Anh đùa: “Mày muốn học cái nào?” Tôi quay qua hỏi XX: “Anh nên học cái nào?” XX đấm tôi: “Anh là quỉ rồi cần gì học.”

 

Nửa đêm, Hùng Lộc dắt cô gái Chăm ra khỏi phủ bằng cửa sau cùng với vài thuộc hạ gánh đầy lương thực. Đây là lần đầu tiên cô được ra ngoài kể từ khi bị bắt vào làm tì thiếp của quan trấn thủ. Mặc dù không hỏi, nhưng cô cũng hiểu được việc gì đang xảy ra với cô. Họ đi về hướng Tây, khi ngang qua nghĩa địa, cô xin phép được dừng lại. Cô tìm hai cục đá lớn, xếp nối tiếp vào hai hàng đá trên lối vào một ngôi mộ mới, tự xem như mình đã chết đối với dân tộc Chăm. Dưới ánh sáng mờ của những ngôi sao, những giọt nước mắt của cô lấp lánh. Hùng Lộc không nói gì, lẳng lặng cõng cô trên lưng, ngài không chết mà chỉ là người mất tích đối với lịch sử.

 

Tôi đưa XX vào trong rẫy của anh chị Lộc và chơi trò chơi của người tiền sử. XX bảo đây là trò chơi của tương lai chứ không phải quá khứ. Tôi cười bảo cũng có thể. Mọi nỗ lực của văn minh nhân loại dường như cũng chỉ để quay về. Chúng tôi cởi truồng và cảm thấy thanh thản. Tôi nhớ lại tối hôm trước, anh Lộc nói: “Mày biết không, hai chân tao liệt, nhưng cái thằng nhỏ ở giữa thì càng ngày càng hoành tráng.” Tôi hỏi: “Thế thì có phiền không?” “Sao lại phiền? Nhờ nó mà tao hiên ngang ở cõi đời này.” Tôi bật cười khi đứng trên một ụ mối, hỏi XX: “Anh có hiên ngang không?” “Xét về tỉ lệ thì không,” nhưng khi ôm tôi, XX bảo: “Anh vô biên, chưa bao giờ em cảm thấy nắm được anh.” Linh hồn tôi bị chị cầm giữ trong đũng quần. Sau ngày hôn chị, tôi đã buông xả tôi với XX để xuất cạn tinh huyết. Tôi không đủ sức vượt qua thành trì im lặng của chị.

 

Sau hơn hai tuần men theo dãy Trường Sơn, Hùng Lộc dừng lại ở một bãi bằng. Ngài chặt cây làm nhà và bắt đầu một cuộc sống dân dã. Cô gái Chăm đã gắn kết với ngài trong gian khổ và được bù đắp bởi một trạng thái phấn khích tột độ trong tinh thần. Tuy nhiên, cô luôn băn khoăn về một điều mà chính cô cũng không hiểu rõ lắm. Người đàn ông của cô dường như vẫn chưa tìm được cái ngài khao khát, mặc dù cô đã chiều chuộng và làm bất cứ điều gì ngài muốn, kể cả những điều rất kỳ quái. Một hôm, cô nói với ngài: “Nếu ông muốn, em sẵn lòng tìm cho ông một cô gái khác.” Ngài trả lời: “Không phải thế. Ta yêu nàng và ta muốn được như dân tộc nàng tôn thờ bộ phận sinh dục, không phải như một biểu tượng mà như chính nó đáng được tôn thờ, nhất là cái của nàng. Làm thế nào ta có thể nâng lòng mình lên thần thánh khi giao hợp với nhau?” “Em không biết. Cái Linga trong đền tháp và cái của ông hoàn toàn khác nhau. Nhưng khi ông vào trong em, em biết Brahman đã ngự trị. Ngài thật cao cả,” nàng đáp. Và như mọi lần, ngài bế nàng lên bệ thờ. Nàng dạng chân ra. Ngài thành kính và say đắm hôn nàng từ trong sâu thẳm vô thức cái nơi chốn đã hình thành nên ngài.

 

Trở về thành phố, tôi tìm gặp chị và mang theo một cái mõ. Nấu cơm cho tôi ăn có thịt, nhưng chị vẫn ăn chay. Trong lúc ăn thỉnh thoảng tôi gõ một tiếng. Chị nói: “Cậu làm gì kỳ cục vậy?” Tôi bảo chị ăn chay thì tôi gõ mõ cho chị thanh tịnh. Chị nói: “Cậu quá đáng lắm.” Khi ngồi uống nước, tôi lại đặt cái mõ trước mặt chị và gõ. Chị cáu: “Có quẳng đi không?” Tôi làm như ngoan ngoãn nghe lời chị, cầm cái mõ đập mạnh xuống đất. Tiếng kêu của nó tàn bạo và trống rỗng. Tôi nhẩy đến ôm lấy chị. Hôn đầy trên mặt chị. Rồi đẩy chị nằm xuống ghế salon. Tiếp tục hôn khắp người chị.

 

Thiệu Trị năm thứ nhất, Quốc sử quán triều Nguyễn được sắc dụ biên soạn “Thực lục tiền biên”, luôn thể soạn liệt truyện. Gặp trường hợp Hùng Lộc thấy khó xử, quan Tổng tài bèn cho họp các quan chức trong sử quán để lấy ý kiến tập thể. Phó Tổng tài Hiệp biện đại học sĩ trình bày: “Hùng Lộc phạm tội đào ngũ theo gái giặc làm ô danh quốc thể, nhưng có công giúp bản triều mở cõi Khánh Hoà, vả lại dưới ánh sáng vinh quang của hoàng thượng và các bậc tiên đế không thể lưu dấu trong sử sách một bề tôi bất trung, cho nên bản quan đề nghị sử quán xoá bỏ tông tích Hùng Lộc, không ghi chép phần đời còn lại của Hùng Lộc sau khi hoàn tất việc lấy Khánh Hoà. Các vị có đồng ý không?” Lễ bộ Thượng thư đã dạy thì chúng thần xin kính cẩn vâng lời. Nghị quyết xong, các quan toản tu ngồi trà dư tán chuyện: “Liệu có thể có một thứ gọi là tình dục tâm linh không nhỉ?” Một quan nói: “Tôi đã từng biết một kinh nghiệm ở lúc sướng nhất, ta có thể thấy được cánh cửa sinh thành của vũ trụ.” Một quan khác phát biểu: “Tôi thấy tê lên tới đầu và đó là một cảm giác hoàn toàn sinh lý.” Quan khảo hiệu vuốt râu, cười: “Âu cũng chỉ là một cái rùng mình giữa vô biên thôi.”

 

Tương truyền, cô gái Chăm đã sinh cho Hùng Lộc mười đứa con. Ngoài ra, Hùng Lộc còn lấy một cô gái thuộc đất Chân Lạp và có thêm năm đứa con nữa. Con cháu ngài được thừa hưởng một dâm tính trong sạch và vẫn không ngừng truy vấn niềm hoan lạc của thần thánh. /.

 

(15.7.2006)

 

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2262
Ngày đăng: 31.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bác Sĩ Thú Y - Đỗ Ngọc Thạch
Phượng - Vinh Anh
Phận - Khải Nguyên
Gío và Cánh Diều - Đổ Quỳnh Anh
Trăng mười sáu - Trần Quang Lộc
Người hậu vệ - Nguyên Minh
Chân dung tự họa - Nguyễn Lệ Uyên
Đám Cưới Vàng - Đỗ Ngọc Thạch
Nhật ký tình yêu - Đổ Quỳnh Anh
Vàng - Dương Phượng Toại
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)