Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
737
116.506.858
 
Phù Thăng
Xuân Sách

Để tưởng nhớ Nhà văn Xuân Sách nhân giổ lần thứ 2,VCV trích đọan hồi ký chưa công bố của nhà văn dành tặng bạn đọc.

 

Thiếu úy Nguyễn Trọng Phu là lính trinh sát của Trung đoàn 42 nổi tiếng, chiến đấu trong vùng địch hậu thời kỳ chống Pháp. Anh có năng khiếu và máu mê văn chương. Truyện ngắn đầu tay Con những người du kích, đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1953, được ngay giải cao trong một cuộc thi với bút danh ngồ ngộ: Phù Thăng. Đó là cách nói lái của “thằng Phu”. Thằng Phu có thân xác nhỏ thó, còm cõi, trọng lượng chỉ du di trong khoảng từ 37 đến 42 kí lô. Vì sao anh lại trụ được ở bộ đội, lại là bộ đội trinh sát vừa cực nhọc vừa nguy hiểm? Đấy là nhờ có cái đầu to quá khổ và cặp mắt sáng trưng. Nhờ cặp mắt ấy và trí nhớ cực tốt mà anh làm được trinh sát. Bí mật chui sâu vào đồn địch, khi trở về, anh vẽ lại bản đồ bằng trí nhớ rất chính xác. Ngoài chú thích bản đồ bằng tiếng Việt, anh còn ghi thêm tiếng Pháp bằng cái vốn kha khá của mình. Chiến công đầy mình, nhưng có lẽ vì cái tính cách vừa “phù” vừa “thăng” nên anh không được kết nạp Đảng.

 

Tôi gặp Phù Thăng trong hoàn cảnh tức cười ấy. Bấy giờ đang có một công trường lớn, công trường Bắc - Hưng - Hải, xây dựng công trình thủy lợi cho ba tỉnh đồng bằng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Lực lượng lao động chủ yếu là bộ đội, với những đơn vị miền Bắc và bộ đội miền Nam tập kết. Lúc đó, tôi đang làm báo Quân Bạch Đằng thuộc quân khu Tả ngạn. Tôi được cử đến công trường vừa viết bài vừa làm công tác cổ động tuyên truyền tại chỗ. Một buổi tối, tôi đến chỗ đặt máy nổ của công trường, cho chạy máy để chuẩn bị cho buổi phát thanh Tiếng nói Bắc Hưng Hải thì thấy một anh chàng nhỏ thó, mặc bộ bà ba đen đến bắt tay rồi gào lên như thằng điên để át tiếng máy nổ:

-    Anh là Xuân Sách phải không? Tôi là Phù Thăng!

-    Chào anh, tôi đã đọc Con những người du kích.

-    Tôi cũng vừa đọc Đứa con của anh trên báo Quân đội Nhân dân.

 

Phù Thăng ở một đơn vị trong công trường, anh cũng được phân công làm công việc như tôi. Chúng tôi rất mừng. Từ đó hai thằng xuống công trường viết tin, tối về trao đổi rồi thay nhau đọc trên đài. Xen vào là đọc thơ trên báo liếp của bộ đội, thỉnh thoảng mời chị em nuôi quân hát vài lời quan họ.

 

Một lần, tôi tóm được một vụ “người thật việc thật” khá ấn tượng. Một chiến sĩ miền Nam, vốn là tấm gương lao động xuất sắc của đơn vị vừa phát minh một sáng kiến độc đáo. Để tranh thủ thời gian cho công việc, đồng chí ấy thấy thời gian đi tiểu là lãng phí nên khoét một lỗ tròn ở đũng quần, bình thường không ai nhìn thấy, khi cần chỉ việc kéo quần lên một chút vừa vặn cho vòi thoải mái tự nhiên rót nước xuống đất bùn. Tôi bảo với Phù Thăng rằng chuyện đó hay, nhưng phát thanh trên loa ngượng thế nào ấy.

 

Suy nghĩ một lát, Phù Thăng nói:

-    Ông để tôi pha chế, tìm cách diễn đạt biến cái thô thành cái thanh, biểu dương một tinh thần lao động quên mình. Rằng thì là ở chiến trường máu chiến sĩ đổ xuống thấm vào đất mẹ, lao động thì mồ hôi rơi quyện vào đất quê hương. Mà nước tiểu là gì? Xét về mặt khoa học thì mồ hôi là nước tiểu pha loãng, ngược lại ,nước tiểu là mồ hôi cô đặc…

 

Tối hôm đó, khi công việc đã xong xuôi, hai đứa kéo nhau ra quán phở mậu dịch phục vụ riêng cho công trường. Vì thế được ưu tiên có thịt bò. Hồi đó, Mỹ có loại máy bay không người lái, loại phở chỉ có bánh và một chút mì chính gọi là phở không có người lái. Cho nên lính tráng buổi tối đói bụng lại được ăn phở có thịt thì không còn gì bằng. Lúc này quán đã hết khách, chủ quán cũng biết chúng tôi liền hỏi:

-    “Bốc mả” chứ? Tôi để dành cho 2 ông đây.

 

Đó là những khúc xương còn lại trong nồi nước dùng, vớt ra bát gặm gân thịt còn sót, có chén rượu nữa thì bốc lắm.

Phù Thăng hỏi tôi:       

-    Tôi có nghe nói Tổng cục Chính trị có chủ trương mở một trại sáng tác văn học, ông có biết không?

-    Tôi cũng nghe loáng thoáng, nhưng có trại liệu cánh tò te như chúng ta có được triệu tập không?

-    Con có khóc mẹ mới cho bú, ta cũng phải trinh sát xem thực hư thế nào, nếu trời phù hộ hai thằng mình được về trại thì coi như được lên thiên đường. Tôi đã tích lũy được một số vốn kha khá trong cuộc chiến tranh ở địch hậu, ông biết rồi đấy, ở đơn vị mình viết cái truyện ngắn cũng phải giấu giếm kín đáo, muốn viết dài hơi phải có thời gian và điều kiện. Xong việc ở công trường ông thử về Hà Nội vào chỗ tạp chí Văn nghệ xem sao. Nào ta cạn chén với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng.

 

Và chúng tôi được bước qua cửa thiên đường, hai đứa được gọi về trại sáng tác đầu năm 1960. Hơn một chục trại viên đều còn trẻ, đã lặn lội ở chiến trường nên đã biết sợ súng đạn, nhưng với văn chương thì còn điếc. Chúng tôi lao vào công việc viết lách hùng hục như trâu bò. Trại đặt ở thành Liệt ngoại thành Hà Nội, vừa rộng rãi vừa tĩnh lặng. Họa hoằn mới có ngày chủ nhật rủ nhau đi xe điện leng keng về bờ hồ ăn kem hoặc dĩa thịt bò khô loại một hai hào. Điện thiếu, không có quạt máy, đèn đỏ quạch, đêm viết phải đốt đèn dầu hít khói muội, lỗ mũi đứa nào cũng thâm sì. Tất cả đều đánh trần ngồi viết, thảm hại nhất là Phù Thăng, trông giống bộ xương cách trí. Nhưng hắn cũng là kẻ cày khỏe nhất, thu hoạch khá nhất, thứ nhì là Hoàng Văn Bổn cũng gầy guộc vêu vao. Đúng là người gầy cày khỏe, người gầy thầy cơm, người gầy thầy… Phù Thăng viết bằng bút sắt chấm mực. Hắn kẻ hàng cũng trên tờ giấy dày, đặt giấy pơluya lên rồi viết. Hắn viết chữ rất chuẩn, như đàn kiến bò mà sáng sủa, đều đặn, đẹp mê hồn. Hơn vậy còn viết đến 300 trang bản thảo, sau này đưa xuống nhà in, công nhân cứ thế xếp chữ không cần đánh máy. In ra quyển tiểu thuyết gần 600 trang mang tựa đề Phá vây viết về chiến tranh trong vùng địch hậu khu Ba.

 

Thời đó người viết ít, sách được in ra càng hiếm, loại như chúng tôi thường được in một tập mỏng trên dưới trăm trang, mang dòng chữ căng ngang trên bìa một “Tủ sách đầu mùa”. Mới thấy, quyển sách 600 trang của Phù Thăng là một hiện tượng. Hơn nữa, quyển sách lại được dư luận khen ngợi, sách in nhiều bản, nhuận bút được lĩnh trên 3.000 đồng, trừ tiền khao còn xây được ngôi nhà ngói năm gian ở quê, hắn khoe còn hơn nhà Chánh tổng ngày xưa. Được thế, tác giả cứ phù nổi, thăng thiên thì cũng không lấy gì làm quá đáng lắm.

 

Phù Thăng mời bạn bè khoảng 15 người ra cửa hàng ăn mậu dịch vào loại nổi tiếng nhất Hà Thành, nhà hàng Mỹ Kinh, phố Hàng Buồm. Mỗi suất năm đồng gồm 8 món mà lũ lính tráng chúng tôi chưa bao giờ được nếm như đùi ếch rán, cá hấp, bồ câu tẩn hạt sen… Phù Thăng đặt vò rượu nút lá chuối khô từ làng Vân lên bàn mở lời:

-    Tôi định chiêu đãi các ông suất 10.000 đồng, nhưng quy định ở đây chỉ có thế! Mời các ông chiếu cố!

Mọi người nâng chén:

-    Nào, chúng ta cùng “phá vây” với tác giả!

 

Không một ai có thể ngờ, tác giả và tác phẩm đang nổi lên như cồn mà chỉ một năm sau, Phá Vây và tác giả của nó hứng chịu một tai họa cực kỳ vô duyên và cay đắng tới số.

 

Năm 1962 ở Liên Xô, người anh cả xã hội chủ nghĩa, nổ ra sự kiện xét lại Chủ Nghĩa Mác Lê nin đứng đầu là ông Kruscher. Đã có xét lại thì ắt có chống xét lại.

 

Bấy giờ, miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đang đấu tranh giành độc lập, hai miền đều hướng về nhau. Chưa ai hiểu “xét lại” là cái giống gì. Nhưng về mặt tư tưởng, bao giờ cũng phải đi trước một bước, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trung ương Đảng ra nghị quyết, các cuộc học tập chỉnh huấn được mở ra, khí thế  mạnh mẽ quyết liệt, chẳng khác gì một chiến dịch. Một số cán bộ chính trị trung cao cấp được cử sang học bên Liên Xô, bây giờ phải gọi về, số đông trở về nước để chống xét lại, một số ít ở lại để… xét lại!

 

Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa hiểu vì sao cứ mỗi lần có sự biến động về tư tưởng chính trị, người ta lại đưa các chú văn nghệ vào tuyến đầu. Những tư tưởng tiêu cực, thậm chí là phản động được lôi ra từ các tác phẩm, chủ yếu là văn học để phán xét, để trị tội mà cấm được thưa lại, cãi lại. Kể cả những tác phẩm từ xửa từ xưa, cả những tác giả đã qua đời. Và tất nhiên những tác phẩm đương thời, tác giả đương thời được ưu tiên đưa lên “bàn mổ”. Trong cuộc chống xét lại này, 2 cuốn tiểu thuyết được đưa ra là Phá vây của Phù Thăng và Vào đời của Hà Minh Tuấn. Tôi xin kể về Phá vây trước.

 

Như tôi đã nói ở trên, Phá vây đã phát hành được một năm, được dư luận hoan nghênh. Báo chí có nhiều bài khen, có chê đôi chỗ về mặt kỹ thuật. Tác giả của nó đã làm xong nhà và đang hy vọng được tái bản. Kỹ thuật in lúc đó còn thấp, quyển sách dày như Phá vây phải mất vài ba tháng mới xong. Tác giả bám sát nhà in để chữa lỗi. Đúng lúc đó, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân định in tiểu thuyết Tấc đất của Liên Xô viết về đề tài chiến tranh vệ quốc. Phù Thăng đọc ngay và tâm đắc với cuốn sách. Anh tiếc rằng giá được đọc trước khi viết Phá vây sẽ viết được tốt hơn. Bây giờ thì muộn rồi, anh chỉ thêm vào được mươi dòng trong đoạn nhân vật chính của anh, để cho hình tượng anh hùng của nhân vật được mềm mại, đa dạng hơn một chút. Lúc in ra, mươi dòng đó nằm ở cuối trang 147 của cuốn sách. Và bằng chứng của tội phạm tày đình chỉ nằm trong mươi dòng đó.

 

Tôi nói với Phù Thăng:

-  Tôi cam đoan với ông là trong thời buổi nóng bỏng, các ông trên chẳng ai có thì giờ đọc cuốn sách dày tổ bố của ông, mà có đọc cũng lướt qua đoạn ấy mà thôi. Cả cuốn sách của ông đầy ắp những hình ảnh dũng cảm hy sinh mà không tô vẽ, ông viết về đời ông kia mà, trí lực và xương máu của ông kia mà. Phải có thằng cha nào đó hoặc có mối thù truyền kiếp với ông, hoặc tính bản ác quen, mới đưa nó lên bàn mổ…/.

Xuân Sách
Số lần đọc: 2140
Ngày đăng: 08.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một khúc sông buồn tiễn người qui cố xứ - Liêu Thái
Nghi Chép Mỗi Sớm Mai - Nguyễn Hồng Nhung
Có thì có tự mảy may - Trần Áng Sơn
Lãng Du Trong Văn Học Áo - Lương Văn Hồng
Tiễn Khương Bình - Huỳnh Thúy Kiều
Hoa Đạo Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Về tìm chiếc giày bảy dặm - Nguyễn Thánh Ngã
Ngày bãi trường - Mai Văn Sang
Cuộc Tình Thi Sĩ - Việt Thư
Thêm một tác phẩm âm nhạc về Hoàng Sa – Trường Sa - Giang Nam