Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
413
116.589.161
 
Đặt trúm ở rừng U Minh
Phan Trung Nghĩa

Hơn mười năm trước, tôi đi U Minh viết về tiểu đoàn Thanh niên xung phong của tỉnh đang “Lợp lại màu xanh U Minh bất khuất”. Tôi sinh trưởng tại Bạc Liêu, lần đầu tiên đến rừng cứ mở ra những điều kỳ lạ. Hồi đó rừng nguyên thủy còn gần như nguyên vẹn. Cảm giác đầu tiên của tôi là mưa ở rừng sao cứ nặng hạt và dài lê thê. Mặt trời mới xuống ngọn cây thì màn đêm đã phủ lấy rừng đại ngàn. Đó cũng là lúc thế giới của rừng trở nên sinh động hơn. Dưới làn nước đỏ đặc biệt của U Minh là những bầy cá dầy đặc, chúng táp mồi, chúng ăn mống nghe như có kẻ quẩy nước nhát ma người lạ. Trên cây là tiếng của chim cò nháo nhác gọi nhau. Dưới chân rừng chồn, rái,... chạy săn mồi sèn sẹt. Nơi đây là xứ sở của nhà trào phúng dân gian Ba Phi và 1001 chuyện cười của ông nói về sự giàu có của rừng U Minh. “Tức cảnh sinh tình” thôi mà. U Minh giàu sản vật đến cổ, ai chưa đến cũng chẳng dám tin. Tay lưới của Tiểu đội 3 kéo lên khiến tôi sững sờ, gồm ba con rắn ri tượng to bằng bắp tay và vô số cá: rô, lóc, trê, sặc bổi,... Mùa mưa nước lụt, rắn hổ đất bò lên các thềm đìa, gò mối lúc nhúc. Lời khuyến cáo của ban chỉ huy cho những người mới đến là: ngủ phải chèn chân mùng cho thật kỹ. Đã thế mà một thanh niên xung phong khi ngủ thức dậy giũ mền lọt ra một con rắn hổ, sợ quá anh ta đào ngũ luôn.

 

Để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhà báo, ban chỉ huy tiểu đoàn bố trí cho tôi ngủ nhà anh Chín Đẹt. Đó là một căn nhà lá nằm ven sông Biện Nhị - một con sông đỏ chẽ giữa ruột U Minh. Sau hậu đất nhà là nơi tiếp giáp với rừng tràm. Đó là một cánh rừng nguyên sinh, cây tràm to và dày đặc, chúng thẳng thóm như đũa dắt trong ống. Hôm tôi đến nhà cũng là lúc Chín Đẹt chống chiếc xuồng ba lá từ cánh đồng năn xanh rì ven rừng tràm về. Trên xuồng chất đầy những ống bằng tre dài khoảng 1,2m. Thoạt nhìn giống như nòng súng cối 60mm. Thấy tôi ngạc nhiên, anh bảo: “Đó là ống trúm - một dụng cụ đặt bắt lươn”. Tôi hỏi “Chừng nào đi đánh bẫy anh cho tôi đi với”. Anh cười: “Gọi là đi đặt trúm, chiều mình đi”.

 

Chiều mưa lâm râm, rừng chuyển màu đen sạm. Chín Đẹt chống xuồng chở tôi vào cánh đồng năn ven rừng tràm. Anh kể chuyện: “Đây là cách bắt lươn truyền thống của xứ U Minh. Nghề đặt trúm có từ bao giờ thì tôi không rõ. Nhưng chắc nó có trước những câu chuyện trào phúng của bác Ba Phi. Bởi ông nội tôi - người sống trước bác Ba Phi một đời người và cũng là một trong số người đặt chân đến đây sớm nhất. Thuở đó người ta lấy lá dừa nước cuộn tròn thành những cái ống, sau đó họ cải tiến lấy ống tre, ống nhựa thay thế như ngày nay”.

 

Thỉnh thoảng Chín Đẹt dừng xuồng lại rồi nhảy xuống đồng năn dọn một khoảng trống, sau đó lấy mồi lươn được gói như chiếc bánh lá dừa bỏ vào ống trúm và đặt xuống. (Mồi lươn là loại cá sặc, cá rô băm nhuyễn xào cho thơm lên để dụ lươn). Đặt hơn một tiếng đồng hồ thì xong. Chúng tôi cắm xuồng trên đồng năn nghỉ. Từ các cửa rừng muỗi bay ra như trấu. Chín Đẹt đốt hai con cúi (rơm khô kết lại như kết tóc đuôi sam) và đặt xuống mấy cây nạng để cắm đỡ con cúi cho khỏi bay xung quanh xuồng xua bầy muỗi. Anh thẩy cho tôi một chiếc nóp rồi bảo: “Chú chui vô nóp đi, không muỗi nó lôi chú vô rừng U Minh bây giờ”, sau đó anh lôi ra một bình trà quạu được ủ nóng trong vỏ hộp trái dừa khô. Chúng tôi ló đầu ra khỏi nóp uống trà và ngắm trời đêm mênh mông. Âm thanh của đêm U Minh thật lạ và buồn, tiếng rừng lao xao pha lẫn với tiếng vo ve của muỗi. Chín Đẹt giải thích cho tôi nghe kinh nghiệm đặt trúm: “Ngư trường” của lươn thì nó mênh mông như chú thấy đó, lươn lại là thứ sống trong đất bùn, mắt mình không nhìn thấy. Thế nhưng người có kinh nghiệm đặt trúm thì giống như nhà ngoại cảm, cảm được chỗ nào có lươn. Như ống trúm ở gần mũi xuồng anh nằm, chém chết sáng mai cũng có một con lươn hơn một ký. Theo kinh nghiệm của tôi chỗ có lươn là chỗ cỏ năn, cỏ lác vàng úa, ở đây nước sâu, năn lác theo không kịp nước nên lá úa vàng, các loại cá sặc, cá rô hay ngụ ở đây để ăn bã do năn loại ra, và lươn thì đến để ăn cá. Chỗ có lươn nữa là những họng đìa đầy đưng, lác. Ban đêm lươn hay mò lên đồng tìm mồi. Ngoài việc nhìn “địa lý” người đặt trúm còn phải nhìn “thiên văn” để phát hiện vị trí đặt trúm thích hợp. Thí dụ nếu chiều đó mà trời gầm gừ dự báo đêm sẽ có mưa to thì phải đưa trúm lên các gò cao mà đặt, bởi lươn có thói quen theo nước lên những vùng đất mới tìm mồi. Đồng thời nhìn “gió” cũng là một yếu tố quan trọng. Nước ở rừng U Minh vốn tĩnh lặng, chúng chỉ trôi lan man theo chiều gió. Người có kinh nghiệm phải đặt miệng trúm xuôi theo chiều gió để hương thơm của gói mồi trong ống trúm lan rộng ra mà khuyến dụ lươn chui vào”.

 

Và cũng theo Chín Đẹt, bí quyết có tính thành bại của một đêm đặt trúm còn phụ thuộc vào mồi dụ lươn. “Tay ngang” thì dùng cá sặc, cá lòng tong,... bầm nhỏ, xào cho thơm lên. Tay khá hơn thì bỏ vào một ít dầu cá (mỡ cá). Đặc biệt có những tay chuyên nghiệp đặt trúm cả đời chẳng cần xài mồi cá mà dùng thuốc. Ở Kinh Năm Đất Sét có ông Năm Đơn, ổng chết rồi, bị rắn hổ cắn hồi sa mưa năm ngoái. Từ thuở lọt lòng cho đến 64 tuổi ông Năm Đơn chẳng làm gì cả ngoài nghề đặt trúm mà nuôi cả gia đình. Công việc đặt trúm của ông sướng hơn người khác nhiều là khỏi đi bắt mồi. Mồi của ông là một gói nhỏ được chế biến bằng một thứ gì bí mật không ai biết được. Có lần cánh trẻ ăn cắp ống trúm của ông mở ra xem thử thì thấy gói mồi là một thứ thực vật băm nhỏ, mùi hương giống thảo dược phương bắc. Vậy mà trúm của ông Năm bao giờ cũng đặt trúng lươn và rất nhiều loại rắn. Năng suất của ông thường gấp 2 - 3 lần người khác. Cánh trẻ nhiều lần lạy lục xin thọ giáo, nhưng ông Năm tuyệt đối không dạy.

Thế là họ ghét ông, đến khi hấp hối ông Năm mới nói với cánh đặt trúm những lời đau đớn như sau: “Qua không phải là kẻ ích kỷ, giấu nghề. Thứ mồi này rắn hổ rất thích, sơ sẩy là bỏ mạng. Như qua đây sinh nghề tử nghiệp. Qua không dạy là vì qua sợ hại em cháu”.

 

Chín Đẹt còn kể thêm rằng lươn ở rừng U Minh thì hằng hà sa số, nên nghề bắt lươn truyền thống ở đây cũng vô cùng phong phú. Sáu tháng mùa khô không đặt trúm được thì dân U Minh chuyển qua cách bắt chúng bằng tay hoặc chĩa. Nghe chuyện tôi ngẩn ngơ. Lươn là giống lùi bò trơn tuột, bỏ vào khạp bắt còn khó, đằng này đồng nước mênh mông làm sao bắt được. Thế nhưng Chín Đẹt bảo: “Ở U Minh chỉ có vài bậc thầy bắt lươn bằng tay. Như ông già vợ tôi đây, ông tài hoa tới cỡ, tại một đám giỗ, có người thách đố thẩy con lươn xuống đìa, nếu lặn bắt được thì thua 5 lít rượu nếp. Nhậu cườm cườm, hứng chí ông nhận lời, và sau vài hơi lặn, con lươn được quăng lên bờ nghe “cái đụi”. Hôm đó mấy chục người xem chắp tay xá dài”. Cũng theo lời Chín Đẹt, người bắt lươn bằng tay phải là những người có kỹ năng đặc biệt. Kỹ năng này phải được luyện tập từ nhỏ, nghĩa là lúc đôi tay còn dịu dàng nhạy cảm nhất, chớ vượt qua tuổi thanh niên rồi có học suốt đời cũng chẳng bắt được một con. Bởi vì hang lươn nằm ngoằn ngoèo dưới sình đất. Mỗi hang có 5 – 7 ngách. Người thụt lươn bắt đầu từ hang chính rồi nung dần vào, tay còn lại phải biết chọn trong 5 - 7 ngách ấy ngách nào có lươn để chặn đầu. Có khi chặn đột ngột con lươn hoảng hốt lùi vào đất sình, mà nó lùi nhanh lắm, người bắt lươn có kỹ năng đặc biệt là ngón tay anh ta cảm được nơi con lươn lùi vào để mà theo dấu tới cùng. Ngoài ra còn phải có kinh nghiệm quan sát để tìm hang lươn trong trăm ngàn hang của các loài động vật khác. Việc này cánh thụt lươn gọi là tìm “mà lươn”.

 

Nhưng người thụt lươn thường đem theo một cây chĩa bằng sắt, 2 ngạnh, để khi lươn chui vào đất cứng, hoặc hang lươn lâu năm nằm trong bờ đìa, tay không thể thụt nổi thì dùng chĩa xom chúng. Khi chĩa lươn đâm trúng mình lươn thì chĩa vặn vẹo. Sau đó ta đào lên, có khi đào lên thấy chĩa lươn mà bắt được rắn, rùa, hoặc cá lóc to...

 

Hừng sáng Chín Đẹt kêu tôi thức dậy để dỡ trúm. Cái trúm ở gần mũi xuồng tôi ngồi

 

mà đêm qua anh Chín quyết đoán rằng sẽ có con lươn hơn một ký lô được dỡ lên... và quả là đoán chuyện như thần. Ngoài con lươn hơn một ký mập núc và đen như rắn hổ thì còn hai con lươn khác nhỏ hơn, vàng nghệ. Tôi trố mắt ngạc nhiên: “Ông nói chuyện linh như miễu vậy”. Chín Đẹt cười ha hả. Anh chống xuồng lại một gò đất cách đó khoảng ba thước rồi chỉ cho tôi xem: “Ở đây có hang một con lươn bọt, lươn bọt là lươn mới đẻ nằm canh chừng con, đến tối nó mới đi ra. Mà lươn nái thì phải lớn đến cả ký lô”. Tôi à lên một cách sảng khoái.

 

8 giờ chúng tôi về đến nhà. Chín Đẹt xổ trúm ra, lươn gần nửa thùng cá. Tôi ước đoán, ít lắm cũng hơn 20 ký lô.

 

Chị Chín Đẹt chạy lăng xăng hỏi chồng: “Làm món gì đãi khách anh Chín?”. Chín Đẹt bảo: “Thứ nào ngon, lạ miệng thì làm”. Mâm cơm dọn lên, thức ăn đầy bàn: lươn nướng, lươn xào sả ớt, lươn um rau ngổ, lươn canh chua trái giát... Món nào cũng ngon, nhưng tôi đặc biệt thích món lươn nấu canh chua trái giát, bởi nó là món đặc sản trong những món ẩm thực của U Minh. Trái giát không chua thét như me, dấm... mà vị chua của nó thật đằm thắm. Kết hợp với chất béo của thịt lươn tạo ra một hương vị hài hòa đến nhuần nhị của nồi canh chua - chua và béo. Tôi ăn rồi cảm động. Những người xưa khi khai mở đất U Minh, rừng thiêng nước độc ngoài sự dũng cảm thì còn sự sáng tạo nữa. Đó là một thứ sáng tạo nương nhờ, luồng lách vào thiên nhiên mà sống. Như món canh chua trái giát đây, lươn ở dưới đất ruộng bắt lên, trái giát trong rừng hái ra, bông súng dưới đầm, bàu rừng nhổ lên... rồi kết hợp lại thành một thứ văn hóa ẩm thực tuyệt diệu. Tất cả đều không cần phải chăn nuôi, trồng tỉa. Rồi cách làm ăn sinh sống của xóm ven sông Biện Nhị này cũng là một thí dụ về sự sáng tạo ấy. Đó là những phương pháp được người đi khai hoang sáng tạo để khai thác sản vật của rừng rồi con cháu lưu giữ và phát triển thêm lên. Để rồi sau đó dân ở đây không cần làm ruộng, không đi buôn, họ sống chủ yếu vào việc cắm câu, giăng lưới, đặt trúm, đặt lờ, ăn ong,... Cuộc đời bình dị đơn sơ nhưng cũng rất yên lành ấy được sản vật của rừng U Minh nuôi dưỡng. Đời người và đời cây là một sự cộng hưởng hài hòa chứ không có mâu thuẫn. Bởi rừng càng dày thì sản vật của rừng càng nhiều thêm, rừng mất đi thì nguồn thu của dân ở đây cũng bị ảnh hưởng. Chuyện phá rừng đặt ra trong nỗi giận dữ của người U Minh, bởi nó phá đi nồi cơm của họ. Mấy trăm năm trước và cho đến bây giờ những người dân U Minh đã sáng tạo và gìn giữ một nếp sống gắn bó máu thịt với rừng. Tôi, một kẻ nơi khác đến nhìn rồi cảm phục. Đó là cách sống đặc trưng và thật đẹp của những vùng đất giàu có của phương Nam.

 

Hơn 10 năm sau, theo một đoàn nhà báo Nhật tôi đến tham quan sinh thái, sinh cảnh của rừng tràm, rồi ghé thăm Ủy ban Nhân dân huyện U Minh. Chủ nhà thấy “móc ruột” đãi khách bằng món lươn um rau ngổ nước cốt dừa, món ăn đặc sản của bán đảo Cà Mau. Nhưng đến khi món ăn được dọn lên thì chủ nhà đâm ngại: Không biết công dân của cái đất nước có đời sống văn minh nhất thế giới ấy có dám ăn lươn lịch, rắn rít hay không? Thế nhưng, khách cứ xoắn lấy cái lẩu lươn vừa chang, vừa húp soàn soạt. Chủ nhà mở cờ trong bụng, rụt rè đến hỏi: “Có ngon không?” khách vừa nuốt vừa trả lời: “Ngon lắm!”. Chủ nhà lại hỏi: “Thế bên quý quốc có

lươn nhiều không?” – khách trở lời: “Không có, phải nhập khẩu, nhưng đắt lắm. Ngày nghỉ cuối tuần mới dám ăn, mà cũng chỉ là lươn đông lạnh, mỗi khúc cỡ này (ra ni) là 10 đô la”. Cứ theo cái ni tay của ông khách “mặt trời mọc” mà tính thì con lươn 1 ký lô chặt được 3 khúc, nghĩa là 30 - 40 đô la. Tính ra tiền Việt Nam... Ối cha mẹ ơi, đến những 1 chỉ vàng. Hóa ra cái con lươn mà người U Minh nấu canh chua trái giát ăn hàng ngày nó quý đến nhường ấy. Mà ngày nay nào phải đâu chỉ có bên Tây bên Nhật, ở Việt Nam ta đây thôi sản vật của rừng U Minh bây giờ cũng quý lắm. Nó được xếp vào cấp phẩm đặc sản đối với đô thị. Trên bàn của các nhà hàng sang trọng dĩa thức ăn món sản vật của rừng U Minh đã có một ngôi thứ chễm chệ, có khi còn lấn lướt cả những món sơn hào hải vị của Tây, Tàu. Đó cũng là tất nhiên thôi, thời đại công nghiệp hóa, con người cảm thấy hụt hẫng, nên muốn tìm về cái hoang dã vốn là gốc rễ của mình. Tôi có một anh bạn, làm giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra. Một bữa anh dẫn vợ đi Sài Gòn vào nhà hàng ba sao, cho bà xã quê mùa được hưởng thụ văn minh. Thực đơn đưa ra, toàn bằng tiếng Tây, giấu dốt, bạn tôi chỉ đại một món, hóa ra đó là món lươn rút xương chiên bột. Anh kêu thêm một chai rượu khai vị. Đến khi tính tiền hóa đơn ghi 900.000 đồng. Anh chồng thì trán đổ mồ hôi hột, còn bà vợ thì lẩm bẩm như kẻ điên: “Thua xa món lươn xào sả ớt dưới quê”.

 

Đột nhiên tôi nhớ Chín Đẹt, tay đặt trúm ở rừng U Minh của hơn mười năm về trước. Với giá lươn bây giờ chắc “chả” đã giàu “nức đố đổ vách” rồi. Thế là tôi quyết định tách đoàn về thăm anh.

 

Tàu đã ghé đúng chỗ rồi, nhưng tôi không nhìn ra cái xóm ven sông Biện Nhị ngày cũ. Nhà cửa đã chật hai bờ sông, hàng quán dày đặc. Tiếng nhạc từ các quán karaoke chát chúa xập xình. Chín Đẹt bây giờ như già đi hơn 20 tuổi, răng cửa rụng hết. Anh nhận ra người cũ rồi cười méo mó. Tôi nói: “Ghé thăm anh và định rủ anh đi đặt trúm một đêm”. Chín Đẹt nói như có lỗi: “Lươn đâu nữa mà đặt chú, tôi giải nghệ mấy năm nay rồi, sinh sống bằng nghề làm ruộng”. Sau đó anh dẫn tôi đi xem ruộng lúa của mình. Ngày xưa rừng U Minh kéo dài tới hậu đất nhà anh, giờ như ai làm phép biến mất, nhường chỗ cho một cánh đồng lúa xanh rì. Tôi căng mắt nhìn kỹ đến cuối chân trời cũng không thấy rừng tràm ở đâu. Hôm qua chúng tôi đi thăm khu rừng đặc dụng Vồ Dơi – khu rừng nguyên sinh cuối cùng của U Minh Hạ cũng đã cháy tiêu hồi mùa khô. Rừng U Minh bây giờ thu hẹp đến kinh khủng. Tôi đọc “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam, ông mô tả: Vào cuối thế kỷ 19 phía Bắc Cà Mau rừng U Minh Hạ kéo dài đến chợ Cà Mau. Đêm đêm cọp rền ở chợ Cà Mau nghe lồng lộng. Một trăm năm sau, nghĩa là lúc tôi đến U Minh lần đầu, rừng U Minh đã trải qua mấy mùa giặc Mỹ rải chất độc “nhổ cỏ U Minh” mà từ thị xã đi ra 9 - 10 cây số đã thấy bìa rừng. Huyện lỵ U Minh ngày ấy nằm lọt thỏm giữa một khu rừng đại ngàn. Chồn còn vào chợ để ăn gà, vịt của thị dân. Thế mà chỉ hơn 10 năm sau tôi trở lại thì rừng đã hoang tàn như thế. U Minh bây giờ chỉ còn những rừng trồng mới. Đó là những cánh rừng cây cối khẳng khiu, thâm thấp. Chúng giống như một thứ rừng giả được người ta làm bằng chất liệu nhựa, chứ không giống rừng nguyên sinh. Bởi rừng nguyên sinh phải hàng trăm năm mới tạo ra đầy đủ hệ sinh thái của nó. Rừng mất đi sản vật của rừng cũng mất đi.

 

Cánh đồng năn, lác cao tận rún mà tôi và Chín Đẹt đặt trúm cũng biến khỏi trần gian. Nơi đó giờ đã thành đồng lúa. Đã là vùng sản xuất lúa thì người ta đưa khoa học kỹ thuật vào, đó là những thứ thuốc diệt cỏ, trừ sâu... nó có tác dụng làm tốt lúa đồng lại có tác hại hủy diệt lươn, rắn, cá... Phía bên kia sông Biện Nhị cũng là vùng đồng năn giáp rừng tràm, ngày xưa vốn là ngư trường làm ăn của xóm này trong việc giăng lưới, đặt lờ... thì nay người ta đã đào kinh thả nước mặn từ biển vào để nuôi tôm, làm phá vỡ hệ sinh thái nước ngọt. Theo đó các động vật nước ngọt vốn là sản vật của rừng U Minh cũng bị hủy diệt. Có một tính toán cho rằng ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu con số đất được áp đặt trái quy luật tự nhiên này lên đến 30 ngàn hecta.

 

Sản vật của U Minh bây giờ không còn bao nhiêu nữa và do đó các ngành nghề truyền thống xuất phát từ rừng U Minh cũng theo đó mất đi.

 

Tôi từ giã U Minh trong một tâm trạng buồn, cứ cảm thấy hoài nhớ về một vùng đất “trầm thủy” đặc biệt của Nam Bộ và quý hiếm của thế giới vừa mất đi. !

Phan Trung Nghĩa
Số lần đọc: 4871
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh