Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
552
116.491.195
 
Người Chăm An Giang – bản sắc văn hóa độc đáo một vùng biên
Phương Kiều

Có thể nói, trước 1975, người Chăm ở An Giang là một dân tộc sống như “ẩn cư” trong cộng đồng người Việt với nhiều luật tục, tập quán. Nhưng từ nhiều chục năm nay, dân tộc Chăm đã hòa nhịp cùng đời sống tiến bộ, vươn lên trong thế kỷ mới, vận hội mới, nên những tập tục cổ hủ đã dần được loại bỏ. Nhờ vậy mà các cô gái Chăm xưa kia bị gò bó trong tục ga-sâm (cấm cung), nay đã được đi lại làm ăn, nhất là được ca hát, biểu diễn văn nghệ phục vụ, giúp vui cho làng xóm, tranh giải và đã đoạt nhiều huy chương trong các hội diễn, hội thi địa phương và toàn quốc. Với người Chăm tháng chay Ramadan rất quan trọng. Sau tháng nhịn ăn, họ bước vào ngày lễ Roya Phik Trok, đây là lễ quan trọng, còn được gọi là tết, diễn ra trong 3 ngày (1 - 3 tháng 10 Hồi lịch). Ngoài mục đích bố thí cho người nghèo, trong các ngày này, người Chăm còn đi chúc mừng nhau, xin xóa tội cho nhau; nhà nào cũng làm bánh, làm cơm đãi khánh, khách lạ đến xóm đều được mời ăn uống thỏa thuê... Với tinh thần đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống ấy của người Chăm, nhân Tết Roya Phik Trok, chính quyền tỉnh An Giang tổ chức Liên hoan văn hóa - nghệ thuật dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần I- 2003 tại Búng Bình Thiên, trước cửa Thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah xã Nhơn Hội, huyện An Phú. Đây là cuộc gặp gỡ đầy thú vị của 9 đơn vị xóm Chăm trong tỉnh, gồm: Quốc Thái, Đa Phước, Nhơn Hội, Vĩnh Tường, Khánh Bình (An Phú), Châu Phong (Tân Châu), Khánh Hòa (Châu Phú), Phú Hiệp (Phú Tân), Vĩnh Hanh (Châu Thành).

 

Ba đêm biểu diễn văn nghệ là ba đêm phục vụ khán giả hăng say của 9 đơn vị, họ còn mong muốn vươn lên đoạt lấy thành tích cao nhất, đem vinh dự về cho xóm mình. Trong Hội thi Tiếng hát từ xóm Chăm, với trang phục truyền thống đẹp đẽ, các chàng trai, cô gái Chăm đã cất cao giọng hát làm rung động, say mê hàng ngàn người đứng chen chân trong sân thánh đường, trên đường lộ và ngồi tràn cả bờ Búng Bình Thiên - cái hồ nước rộng mênh mông lung linh ánh điện đủ màu. Điểm nhận thấy rõ nhất là các cô gái, chàng trai này có giọng hát vút cao, trầm ấm, làm nao lòng những người dự khán. Tiếng hát của họ ngợi ca tình đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm; tình yêu quê hương, đất nước - con người, nhất là tình yêu nam nữ qua những bài hát sống động, hào hùng và trầm lắng. Ngoài những bài hát nổi tiếng của một thuở Trường Sơn dép lốp đạp đá tai mèo lên đường đi đánh Mỹ, như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Vàm Cỏ Đông”,... Người xem còn thưởng thức những ca khúc địa phương: “Châu Giang ngày mới” (Anh Chiến), “Hương chiều” (Huỳnh Duy Tâm). Đặc biệt, khán giả rất xúc động trước những sáng tác của các tác giả người Chăm: “Bác Hồ trong trái tim người Chăm” (Mi Xiêm), “Làng Chăm ơn Bác” (Amư Nhăn), “Làng quê tôi” (Sa Mil), Hương sắc An Giang” (Sô Lay Mal), “Bến nước tình yêu” (A Mu Yang),... Đặc biệt, tổ khúc “Karim và

Norisa” gồm 3 bài của Lâm Thanh Bình được Fa Go Hy Roh và So Ly (Nhơn Hội) trình diễn 2 bài “Trái táo” và “Chia xa” đã đón nhận hàng tràng vỗ tay nồng nhiệt. Trước đây, “Karim và Norisa” là tác phẩm đã làm nên tên tuổi Lâm Thanh Bình, người con đất An Phú đầu nguồn sông Hậu.

 

Trong liên hoan, khán giả còn được xem Biểu diễn trang phục truyền thống. Các cô gái Chăm tha thướt trong chiếc ao tunic (áo dài), duyên dáng với chiếc khanh maom (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền. Các chàng trai Chăm trang trọng trong trang phục ao karung (áo dài nam), quấn xà-rông, đội mươt (nón). Qua bước đi của các cô, các cậu trên sân khấu và trang phục đẹp đẽ ngày tết của khán giả người Chăm đến dự, khách Việt rất sung sướng như lạc vào thế giới “Ngàn lẻ một đêm”. Đặc biệt, liên hoan còn có phục hiện lễ cưới người Chăm. Vì ảnh hưởng Malaysia (Malaixia) nên những nghi thức trang trí cho phòng cô dâu, chú rể như gối nằm, gối dựa, những hoa văn trên tấm ti-gai (màn) có đính nhiều hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu sắc, đính nhiều bông hoa (hoa lựu, hoa bốn cánh, các loại dây leo,...). Còn có cái khay đựng tiền và 2 cái hộp bằng đồng theo tập tục Khmer (Khơme), để đựng trầu cau, đựng rượu. Cô dâu mặc áo dài bằng nhung (hay nhiễu) đỏ, tím, chạy dài xuống quá gối, không xẻ hông. Một cái băng to bản màu xanh lam quấn quanh ngực và vai, có đính nhiều vòng chuỗi cườm. Dưới chân áo lộ ra chiếc xà-rông tơ tằm phủ xuống tận mắt cá. Vì là dân tộc theo mẫu hệ nên đám cưới người Chăm không rước dâu mà chỉ đưa rể. Khi chú rể bước xuống thang nhà, bạn bè hát vang bài “La mệ La mư” (bài hát giã từ cha mẹ),... Buổi biểu diễn đã toát lên được tập quán cưới hỏi độc đáo của người Chăm.

 

Liên hoan văn hóa - nghệ thuật Chăm tỉnh An Giang lần I- 2003 cũng giống như bất cứ cuộc liên hoan nào khác, đều có các giải thưởng dành cho những đơn vị xuất sắc. Dù kết quả thuộc về đơn vị nào, nhưng thành công lớn nhất mà liên hoan đã đạt được là dịp để các nghệ nhân Chăm gặp gỡ, giao lưu, học hỏi; là cơ sở để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa độc đáo ấy. Liên hoan này sẽ được tổ chức hàng năm trong ngày Tết truyền thống của người Chăm Roya Phik Trok !

Phương Kiều
Số lần đọc: 4070
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh