Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
629
116.538.582
 
Mẹ
Ngô Thị Ý Nhi

Khi tôi vừa tròn sáu tháng tuổi mẹ tôi đã bỏ cha con tôi để đi theo một người đàn ông khác vì không chịu nổi cơ cực. Cha tôi làm nghề hớt tóc dạo nuôi tôi khôn lớn học hành. Đó là chỗ trống lớn lao mà suốt cả tuổi thơ bất hạnh tôi phải chịu đựng. Đã bao lần tôi hình dung, tự tạo cho mình hình ảnh một bà mẹ của riêng tôi. Tôi thèm khát hạnh phúc của con Thủy, bạn tôi, mỗi khi nó sà vào lòng mẹ vòi vĩnh. Cha mất sớm, mẹ nó tảo tần với gánh hàng trái cây vất vả nuôi nó. Dáng người thấp đậm, nụ cười phúc hậu, xuê xoa, bà mẹ mà tôi tưởng tượng ra cũng có dáng dấp như dì Năm, mẹ Thủy. Lần nào đến chơi tôi cũng có qùa. Bà tỉ mẩn gọt xòai, gọt cóc chia phần cho hai đứa. Những lần như thế tôi lại tủi thân muốn khóc. Cũng may trời còn nhìn lại. Tôi học hành đến nơi đến chốn, lo lắng chăm sóc cha một thời gian trước khi cha nhắm mắt. Cha tôi ra đi chẳng có gì ân hận. Tôi đã nên gia nên thất vững vàng. Ông không trối trăn gì, chỉ nở một nụ cười thỏa mãn rồi trút hơi thở cuối cùng, thanh thản ra đi. Tội nghiệp người cha thật thà chất phác của tôi! Gả được tôi ông mùng quýnh quáng. Chàng rể vốn học thức, đàng hòang, con nhà nề nếp. Chẳng thế, vốn tính xởi lởi, bộc trực, ông đã thẳng thừng tuyên bố cho không con gái trước mặt bà con hai họ. Người ta cười xòa vui vẻ. Quê chồng tôi ở ngòai Trung. Đám cưới tôi, để giản tiện, chỉ có bà mẹ và vợ chồng người anh trai đại diện vào làm lễ. Chúng tôi yêu nhau và cưới nhau. Tính chồng tôi lại rất quyết đóan nên những trở ngại nào đó, nếu có, phía gia đình chồng tôi không hề hay biết.

 

Tết năm đó, lần đầu tiên tôi về quê chồng ngỡ ngàng lạ cảnh, lạ người. Trời thì cứ mưa dầm dề ướt át lạnh cắt da. Tôi mặc đến năm bảy lớp áo mà vẫn không chịu nổi. Lại thêm tiếng nói của vùng này! Phải mất dăm bữa tôi mới hiểu lỏm bỏm những người quanh tôi nói gì. Chiều hôm đó, chiều cuối năm cả nhà đòan tụ, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Nhà trên, quanh chiếc sập gụ, đàn ông đủng đỉnh ngồi uống trà, đàm đạo; nhà dưới, đàn bà tụm năm, tụm ba hối hả lo bếp núc. Tôi cũng thuộc lọai đàn bà nên không thể bám theo chồng, người thân thiết duy nhất của tôi. Đang xớ rớ bên cánh cửa không biết làm cách nào để hội nhập với các bác, các thím, tôi nghe tiếng mẹ chồng tôi chắc lưỡi nói về tôi: “Tội nghiệp, mới sáu tháng tuổi… mạ mô mà nở bỏ con…” Ai đó dấm dẳng “Nghĩ chú Thuận nhà mình cũng dại. Lấy vợ thì phải xem tông chớ”. Bà chị dâu tôi thở dài đanh sượt “Chán chi thu, vược, bình thiên. Tham con cá mại rẻ tiền dễ mua”. Tôi lẫn ra ngòai hè ngó mãi trời mưa. Bụi chuối ngòai vườn tả tơi gió dập. Thì ra tôi là một con cá mại, thứ cá rẻ tiền chẳng đáng mấy xu.

 

Nhưng đó chỉ là những ngày đầu tiên. Dần dà thì tôi cũng có đủ nanh, đủ vuốt để thỉnh thỏang nhẹ nhàng “trả miếng” cho cái tập đòan chuyên đố kỵ bươi móc chuyện người. Cũng may tôi theo chồng làm ăn, sinh sống ở xa. Thỉnh thỏang mới phải về ngòai đó đôi lần cho phải phép. Cơ ngơi của  mẹ chồng tôi là một ngôi nhà nhỏ lọt thỏm trong mảnh đất um tùm giàn mướp, giàn bầu. Chồng mất sớm, bà nức tiếng trong ngòai vì tảo tần ở vậy nuôi con. Trước khi gom góp vốn để có căn nhà này và tạo được một chỗ bán thuốc Cẩm lệ ở chợ Đông Ba, bà phải còng lưng gánh lúa gạo với nghề hàng xáo. Bằng đồng tiền lao nhọc đó, chồng tôi lớn lên…

 

Người anh trai rớt tú tài phải vào lính; sau giải phóng cưới vợ rồi phụ vợ bán buôn. Chồng tôi, may mắn và cần mẫn, đã vượt trội hơn anh nhiều về học vấn. Có lẽ “chồng khôn vợ được đi giày”, nhờ vị trí anh trong gia đình tôi cảm thấy mình có chỗ đứng trước bà con họ hàng. Mà người ta còn đòi gì nữa ở tôi. Tính tôi không tham lam, không nhòm ngó của nả bên chồng. Vợ chồng người anh chiếm hết căn nhà của mẹ coi như của mình, ngang nhiên sử dụng mọi thứ trong nhà như chính tay mình tạo dựng. Bà mẹ chồng tôi chẳng mảy may phản ứng, coi đó như chuyện bình thường. Bà cứ than thở mãi về nỗi nhọc nhằn hồi bà về làm dâu, mà là dâu trưởng. Làm dâu trưởng có nghĩa là “đội mũ rơm mà chữa nhà cháy”, cực nhọc lắm kia! Tôi không hiểu cặn kẽ ý nghĩa sự ví von so sánh đó, cũng chẳng hình dung nổi hồi xưa bà đã từng “chữa nhà cháy” thế nào, chỉ biết bà dâu trưởng nhà tôi “chữa cháy” bằng cách nhanh nhạy lợi dụng thời cơ tự tiện sửa nhà cho đại lý nước ngọt thuê lấy tiền xài. Chén bát của mẹ chồng gom góp thản nhiên đem ra dùng, thản nhiên đập vỡ. Cái sập gụ, cái tủ thờ lần lượt bị “đẩy” đi. Thế chỗ trong nhà là các vật dụng mới hiện đại hơn, sang trọng hơn. Kể ra về việc biến của công thành của tư thì bà chị dâu tôi là số một.

 

Mẹ chồng tôi vốn hay lam hay làm. Mảnh đất quanh nhà bao giờ cũng xanh um bầu mướp hoa trái và đủ thứ rau bán quanh năm. Bà chị dâu keo kiệt nào có đối xử với mẹ chồng ra gì. Quanh năm bao giờ cũng thấy bà mặc mấy chiếc áo ngắn cũ xì với chiếc quần đen lam lũ. Tính rõ ra bà còn nuôi thân bà được, đâu phải cậy nhờ con. Thế mà trước mặt bà con họ hàng lúc nào bà chị dâu cũng lên mặt hiếu đạo một tay nuôi nấng mẹ chồng. Còn ông chồng tôi, ông chồng khờ khạo của tôi cứ ngây thơ tin tưởng  những đồng tiền tháng tháng mình gởi ra đã thực sự  làm đời mẹ sung sướng. Tôi vạch trần ra cho anh ấy thấy, không phải mình so đo nhưng cái gì cũng một vừa hai phải thôi chứ. Nhún quá người ta bảo mình ngu. Không nhượng bộ, anh cương quyết lắc đầu “Mặc anh chị ấy. Bổn phận mình thì mình phải làm”. Nhưng như vậy thì những đồng tiền tôi đã thực sự chảy vào đâu? Tôi ấm ức vì đã phải thua con người quá quắt ngòai đó.

 

 

Mỗi lần gặp mặt nhau bà dâu trưởng đố kỵ nhà tôi không để tôi yên, cứ bóng gió gần xa so đo vì tôi sướng, không một ngày làm dâu, trong khi chồng tôi hưởng của mẹ quá nhiều. Chả là nhờ mẹ anh ấy mới có mảnh bằng Đại học để mở mặt với đời. Bà ấy quay sang xỉa xói thằng con kế bên: “Coi gương chú Thuận đó mà bắt chước. Ba mẹ đổ hết tiền của cho con học hành cũng không tiếc. Mà để bao nhiêu của cũng không bằng để chữ cho con.” Tôi không phải tay vừa, chỉ vào hai đứa con gái: “Em cũng nghĩ như chị vậy. Nhà có hai đứa đó. Thế mà con chị lại không bằng con em. Này con, ba mẹ cho ăn học như nhau nhé! Không biết lo thì sau này đừng than thân trách phận nhé! Đừng bảo mẹ đối xử không công bằng nhé!”…

 

Cứ thế chiến tranh ngấm ngầm, âm ỉ rồi đôi lúc có dịp lại bùng lên. May mà còn cách núi xa sông. Nhưng mới đây, ngòai đó lại bắn đại bác vào đây bằng một tin sốt dẻo. Sức khỏe mẹ chồng tôi dạo này sút kém, khổ mãi vì bệnh đau lưng và lại ho nhiều. Anh chị có ý kiến đưa mẹ vào Nam chữa chạy xem sao. Tôi lại bắt đầu tức lồng lộn lên. Quyền lợi thì cứ vơ vào, còn trách nhiệm lại né tránh, tìm cách đùn đẩy. Thử hỏi người già nào lại chẳng ho với lại đau lưng. Vả lại bệnh ấy ai chữa chẳng được mà cần vào tận đây kiếm thầy, kiếm thuốc. Khéo viện lý do! Chẳng qua tôi chỉ là con cá mại rẻ tiền. Bởi rẻ tiền nên dễ xài, mọi thứ cứ đổ lên đầu nó là xong tất. Ông chồng tôi thì hí hửng “Phải rồi, mẹ cần phải vào đây thay đổi không khí”. Tôi cười khẩy “Chắc mẹ bị hóc xương rồi. Hóa ra thu, vược với lại bình thiên tuy đắt tiền mà cũng nhiều xương xóc”. Chồng tôi rên rỉ “Em quên bớt đi, quên bớt đi cho anh sống với”.

*                       *

*

Thế là trong nhà tôi bây giờ có thêm sự hiện diện thường trực  một người mà tôi gọi là “mẹ”. Tôi chưa hề vẽ với mơ ước một bà mẹ thơm tho sang trọng nhưng qủa thực hơn một tuần lễ hình bóng gầy còm, khuôn mặt khắc khổ khó đăm đăm đó với tiếng “mẹ” tôi gọi hình như chẳng ăn nhập gì với nhau. Ngay từ hôm đến nhà, tôi tự tay sắp xếp áo quần bà vào ngăn tủ và đã tức uất người lên. Vẫn mấy cái áo cũ rích, vẫn mấy cái quần đen, được thêm cái áo dài màu lam nhạt xem còn tươm tất. Như đọc được ý nghĩ của tôi bà cười ngượng nghịu ý chừng muốn binh vực dâu con: “Vợ chồng thằng Hiếu đòi sắm sửa mà mạ không ưng. Đi vô đây ở với con cháu chớ ở với ai mà sợ người ta cười”. Tôi chẳng nói gì nhưng ngay hôm sau mua về một lố vải đủ màu, đủ lọai bỏ cho người ta may theo đúng kích cỡ của bà. Cứ áo màu và quần trắng, năm bảy cái quần trắng tha hồ mặc xem bà có tươm tất hơn không. Tôi muốn cho bà chị dâu keo kiệt một bài học. Nếu “mạ không ưng” thì phải biết làm gì. Tôi chờ đợi ở chồng tôi sự tán thành, một điều gì gần như biết ơn  nhưng lần đầu tiên thấy bà xúng xính trong quần là áo lượt anh chỉ hơi ngạc nhiên rồi mỉm cười không ý kiến. Chỉ được ba ngày đi vô đi ra lúng túng trước mặt dâu con, đến ngày thú tư khi vợ chồng tôi đi làm về đã thấy bà lột hết mọi thứ lại đánh cái quần đen, cái áo cánh với hai túi to đùng đựng bao thuốc Cẩm lệ lê la kéo chậu lau hết nhà trên xuống lau nhà dưới. Chồng tôi lại quay sang tôi cười cười không ý kiến. Sợ tôi giận, bà ngượng nghịu “Để mấy bộ áo quần đẹp mạ mặc đi đây đi đó. Ở trong nhà… không quen.” Tôi thực sự đầu hàng vì chẳng biết làm gì hơn.

 

Trà, con gái lớn của tôi, nhận nhiệm vụ đưa nội đi tham quan cho biết thành phố hoa lệ này. Thôi thì cứ xem như để bà đi du lịch một chuyến. Nể lời con cháu bà thay áo quần tươm tất lên ngồi sau yên cho Trà chở. Con bé thi hành công việc như một bổn phận, không hí hửng, không cằn nhằn. Sau một lần vui chơi giải trí như thế bà trở về nhà xơ xác hơn, mệt mỏi hơn làm như vừa chịu đựng một việc gì quá sức. Con Trà thì cứ cười ngất : “Đưa nội đi khắp mà nội không chịu xem gì cả. Cứ kiếm gốc cây ngồi lột nón lá ra quạt suốt rồi hỏi có chỗ mô ít người một chút không con.” Hình như với bà thành phố hoa lệ này cũng na ná như cái chợ Đông Ba ngòai đó. Chỉ có một việc bà thích nhất là quanh quẩn trong nhà sắp xếp hết mọi chuyện. Trước hết, sàn nhà phải sáng bóng. Trước ngưỡng cửa, giày dép xếp ngay hàng. Áo quần không được quăng bừa bãi. Bà không chịu nỗi khi mở ti-vi mà không có người ngồi xem. Mỗi tối, sau bữa cơm, tôi có tật chồng chén bát vào chậu, mai dậy sớm hẵng rửa, để thì giờ nghĩ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Có bà thì không thể làm thế. Bà sà vào ngay đống chén bát. Thế là tôi không thể ngồi đọc báo xem ti-vi với chồng trong khi mẹ chồng rửa bát như một bà vú em. Tôi bức bối và khó chịu. Tôi đâu phải ở tuổi con Trà để suy nghĩ giản đơn rằng có bà thì đỡ chân đỡ tay. Áo quần tôi phơi ngòai dây đôi khi vài ba ngày mới lấy vào xếp cất. Chưa tắt mặt trời bà đã săm soi từng cái rồi dạy dỗ: “Chạng vạng túi áo quần đàn bà không được để ngòai trời.” Cứ dạy, dạy và dạy. Bà dạy tôi đủ thứ trên đời, nhất là tính cần kiệm. “Ngòai mình người ta ăn tiêu dè sẻn lắm con”. “Ngòai mình”! Tôi đến chết mất vì cái “ngòai mình”. Cái gì “ngòai mình” cũng hay, cũng tốt. Hạt sen “ngòai mình” bở hơn. Con cá “ngòai mình” thơm thịt hơn. Mà dè sẻn, tằn tiện để làm gì? Bởi dè sẻn tằn tiện nên mới coi đồng tiền to như bánh xe bò, mới sinh ra hạng người tham lam biển lận như bà chị dâu tôi. Tốt đẹp gì mà dạy với dỗ! Nể chồng, tôi cố nén bất bình, chìu ý mẹ chồng. Buổi tối bà vét sạch sẽ cơm thừa đem cất; tất cả thức ăn thừa cho vào tủ lạnh. Buổi sáng cứ thế lấy ra ăn mặc vợ chồng tôi mời mọc thứ này, thứ nọ. Tôi cố đóng vai dâu hiền ngồi sớt chung với bà một tí. Được chừng ba bữa không hơn tôi khám phá ra cổ mình không trầy cũng sướt vì cứ nuốt mãi mà cơm không chịu trôi. Thế là tôi viện cớ vội đi làm sớm để ra ngòai ăn phở. Nhưng có lẽ câu nói làm tôi bực nhất là bà dạy tôi không nên xài phí bởi chồng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được tiền. Hay chưa! Bà không thấy tôi cũng nai lưng ra cày bừa vật lộn với cuộc sống sao?

Bà không thấy cơ ngơi này một phần là công sức của tôi sao? Dần dần thấy tôi không thiện chí tiếp thu bất kỳ bài học nào bà thôi không dạy nữa, chỉ lẳng lặng làm, lẳng lặng vui cùng con bé Thảo, gái út của tôi, mới học lớp ba. Con bé không gọi bà là “nội” như chị nó. Nó thương nhất là “mệ” của nó cơ. Hột gà của mệ lớn nhất. Trái cây của mệ ngon nhất. Chẳng là sáng nào bà cũng ra chợ sớm chọn trứng khi mới bày hàng và mua một số trái cây có dấu hơi dập một tí mà gía lại rẻ. Nhất là lê, thứ trái cây Thảo thích. Bà tỉ mản gọt sạch sẽ để sẵn vào tủ lạnh. Con bé đi học về tha hồ ăn, cứ thích mê đi. Nó thường  sà vào lòng nội mân mê sợi dây chuyền vàng có tượng Phật Bà nhỏ xíu nói rất vô tư: “Khi nào mệ qua đời mệ cho con sợi dây này nhé!” Tôi quay ngoắt đi “Bùa hộ mệnh của mệ đó con. Nếu không…” Bỏ lửng câu nói, tôi bước đi cố kìm giữ lại phần cuối “Nếu không người ta đã lột hết rồi”. Nghe đâu sợi dây đó bà đã giữ từ hồi còn con gái. Khi chồng mất, đêm nào bà cũng ôm con cúi xuống bức tượng  vừa khóc vừa niệm Quan Thế Âm.

 

Lạ lùng thay, loay hoay suốt ngày như thế mà bệnh bà bớt hẳn dù không cần thuốc thang mấy tí. Chuyện này làm chồng tôi sung sướng phấn khởi ra mặt. Anh bảo “Tại thời tiết Huế khắc nghiệt quá” và không hề có ý để mẹ trở ra ngoai đó. Bà quay quắt đòi về bằng được nhưng chồng tôi cương quyết gạt đi. Tôi chán nản nhìn xấp tiền dày cộm trong hộc tủ, xấp tiền tôi đã chuẩn bị sẳn sàng đưa bà tẩm bổ thuốc thang khi trở về để người ta không đánh đong tôi cũng thuộc vào lọai dâu keo kiệt. Một vài con bạn đến nhà, thấy bà lê la trong chiếc áo cánh, cái quần đen hết việc nọ đến việc kia đã tủm tỉm nháy mắt lấp lửng “Sướng nhỉ!” Tôi đỏ mặt. Chắc tụi nó nghĩ trong nhà tôi đang xảy ra cuộc đấu tranh “ai thắng ai” muôn kiếp giữa nàng dâu , mẹ chồng. Tôi ngán ngẩm và chán nản  vì tình trạng mất tự do này không biết còn kéo dài đến bao lâu nữa. Bà tồn tại cứ như tấm bảng “Tiết Hạnh Khả Phong” tróc sơn loang lổ mà thậm chí bây giờ người ta nhìn  cũng không biết chữ gì. Tấm bảng vừa chướng mắt vừa đáng thương đó đang hiện hữu trong căn nhà tràn trề sức sống của tôi.

 

Tối nay, đọc xong lá thư chồng tôi hí hửng đưa ngay cho tôi:

- Em xem đi. Anh chị cũng đồng ý với mình đó.

Mới lướt qua một đọan tôi đã tức đến uất người nhưng cố kìm lại. Giọng điệu thơn thớt cứ đập vào tôi đến gai cả người. “…Vắng mẹ nhà cửa quạnh hiu lắm nhưng sức khỏe của mẹ là trên hết. Thôi thì ở đâu cũng là ở với con cháu. Mẹ sống ngày nào thì ngày đó anh em mình còn mẹ…” Tôi nghẹn ngang cổ mà chẳng biết phản ứng bằng cách nào. Họ ngang nhiên tọa hưởng hết ngòai đó rồi lên giọng hiếu đạo họ đẩy gánh nặng vào đây cho tôi. Và tôi… tôi phải gánh với thời gian vô hạn định. Chẳng thà chồng tôi là con một. Tôi chẳng biết bắt đầu làm sao, phản đối làm sao. Chừng như đóan được một phần ý nghĩ của tôi, ý nghĩ của hầu hết con dâu đối với mẹ chồng, chồng tôi xuống giọng:

- Để mẹ sống với mình thảnh thơi một thời gian em ạ. Đời mẹ khổ…

 

Tôi đột nhiên cướp lời ngay:

- Mẹ khổ là tại mẹ không biết quản lý những gì mình có. Mẹ không biết tổ chức cuộc sống… Nếu em là mẹ, em sẽ lấy một phần tiền thuê nhà ngòai đó cọng với tiền hoa trái trong vườn trả tiền cơm sòng phẳng cho con cái, chẳng phải bắt đứa nào nuôi nấng, đứa nào chu cấp mà mang tiếng. Nếu em là mẹ, em sẽ biết sử dụng đồng tiền, em sẽ đi chơi chỗ này, chỗ kia thăm con cháu. Nếu em là mẹ…

Chồng tôi nhìn xóay vào mắt tôi:

- Em không phải là mẹ. Không đời nào em là mẹ cả.

Tôi sững người lại. Giọng điệu nhấn từng tiếng một của chồng  xúc phạm đến bản năng phụ nữ của tôi. Anh có ý gì vậy? Tôi chẳng sinh cho anh hai con đó ư? Anh muốn bảo tôi không biết hy sinh, thiếu trách nhiệm bổn phận với con, không xứng đáng làm mẹ ư? Chẳng lẽ anh muốn tôi quê mùa lam lũ như thế mới thật sự là “mẹ”. Anh muốn tôi tự đày đọa tấm thân sao. Sao anh ích kỷ thế? Chẳng qua là cái giống đàn ông… Không muốn sinh chuyện lôi thôi tôi quày qủa bước lên lầu.

 

Như một cái máy, tôi đếm lui đếm tới  hòai xấp tiền vẫn thấy thiếu mất hai trăm ngàn. Xấp tiền hồi sáng mới lãnh lương. Tôi có tiêu gì không nhỉ? Đầu óc nóng bừng không nhớ ra điều gì cả, tôi thét hai đứa con:

- Trà, Thảo có đứa nào lấy hai trăm ngàn trong tủ không?

Tụi nhỏ đang ở nhà dưới. Khi tôi thét đến lần thứ hai thì chồng tôi xuất hiện:

- Em ăn nói cẩn thận!

- Việc gì phải cẩn thận. Tôi mất tiền thì tôi bảo mất tiền.

Chồng tôi nghiến răng:

- Nhưng gào lên như thế là thiếu giáo dục.

- Thì anh cứ bảo thẳng là tôi mất dạy. Anh biết rõ tôi không phải con giòng cháu giống mà, tôi vốn là con cá mại rẻ tiền mà. Tại anh tham…

- Cô im ngay!

- Tôi không im. Tôi không ở nhà từ đường hương hỏa. Đây là nhà tôi.

 

Anh thẳng tay xáng hai bạt tai nảy lửa làm tôi lảo đảo. Tôi ngã xuống giường. Chồng tôi bước ra ngòai đóng sầm cửa lại.

 

Ba hôm rồi, bầu không khí nặng nề ám lấy gia đình tôi. Không ai nói với ai một lời. Người lớn tránh mặt nhau. Bé Thảo ý thức được chuyện gì đó nghiêm trọng lặng lẽ bám theo bà nhưng không dám vòi, dám quấy. Mỗi người một tâm trạng riêng tư. Chồng tôi đi về am thầm như cái bóng. Khuôn mặt mẹ chồng tôi càng khắc khổ hơn, tưởng chừng những nếp nhăn đã hằn sâu vào da thịt. Bà lầm lủi làm việc, lầm lủi ra vào, suốt ngày lóng ngóng nhìn ra cửa. Không biết bà nghĩ những gì. Tôi len lén nhìn bà với đôi mắt phạm tội. Quả tình tôi không cố ý. Nhà tôi không có người lạ nên không bao giờ tôi khóa cửa tủ. Đôi khi Trà cần đóng tiền học thêm mà không kịp hỏi xin nó cứ việc lấy rồi nói lại sau. Và lần này tôi cũng tưởng… Có lẽ trong cơn bực tức giọng tôi gắt hơn, lớn tiếng hơn dễ gây sự hiểu lầm, nhưng… Thì tôi đã chẳng trả gía rồi sao. Trả quá đắt là đằng khác. Cay đắng thật! Hai bạt tai đích đáng! Hai bạt tai đó là lần đầu tiên từ ngày cưới nhau đến nay tôi mới được lãnh. Mà vì đâu? Vì đâu chứ? Tôi đâu ác ý. Anh thừa biết điều này mà. Ngày thường tôi vẫn la lên như thế. Tại sao tôi không còn tự do? Còn cái tập đòan quá quắt ngòai kia nữa. Ngang nhiên hưởng thụ rồi đổ mọi khó khăn lên đầu lên cổ tôi, đẩy hạnh phúc gia đình tôi vào chỗ bế tắc này. Không, tại sao tôi phải xin lỗi? Tôi không có lỗi gì cả. Người xin lỗi là chồng tôi. Anh phải làm gì khi đã xử sự như một kẻ vũ phu chứ?...

 

Tôi mở tủ đựng thức ăn và bất chợt đứng thừ người. Những chén chè xếp đều đặn cạnh nhau trông đến là ngon mắt. Chè đậu ván! Không biết hỏi mua ở đâu được lọai đậu này, chiều hôm qua bà lúi húi luộc sôi, cắm cúi ngồi bóc vỏ. Cứ từng hạt một! Cái xứ gì mà khổ. Cho đến món chè nấu để ăn chơi cũng tự đày đọa tấm thân. Tôi lặng nhìn bà cúi tấm lưng còng xuống lột từng hạt đậu trên bàn tay khô gầy thô ráp, cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó như ngồi xuống cạnh bà vốc lên một nắm đậu để thay lời xin lỗi. Lưỡng lự một hồi tôi lại quay đi. Cuối cùng, tính ngoan cố, bướng bỉnh trong tôi lại thắng. Tôi lại để bà một mình lọm cọm với công việc suốt buổi. Lột xong rỗ đậu tôi thấy bà kéo lê bước chân chậm chạp nặng nề hơn. Rồi chừng như bị đau lưng, bà trở về giường nằm xuống quay mặt vào tường…

 

Không biết nghĩ gì tôi cắn môi bưng hai chén chè bước lên nhà. Chồng tôi đang cầm tờ báo đọc vội vàng trước khi đến sở. Tôi đặt chén chè xuống bàn, đầu hơi cúi:

- Anh ăn sáng… Chè mẹ nấu…

Một giây yên lặng. Tiếng chồng tôi xa xăm:

- Chè đậu ván!

Tự nhiên tôi nghe cay cay ở mắt. Anh vẫn thường kể cho tôi nghe về món chè này. Ở quê anh người ta nấu đặc quánh đến nỗi gói được trong lá chuối. Ngày nào buôn bán có tiền mẹ về chợ lôi trong đôi quang thúng ra hai gói chè là hai anh em mừng hí hửng chia nhau…

 

Tôi múc một thìa, lặng nghe hạt đậu vừa ngọt vừa bùi tan dần trên đầu lưỡi. Anh hỏi nhỏ:

- Mẹ đâu rồi em?

- Chắc mẹ mệt. Hồi tối con Thảo ho nhiều, quấy lắm. Cứ để hai bà cháu nghỉ.

Chồng tôi không vội đi làm như mọi bữa, cứ im lặng như thế một hồi rồi ngập ngừng bảo tôi:

- Em vào thăm mẹ giùm anh nhé!

 

Tiếng xe anh đã xa. Tôi quay vào tự nhiên nhận thấy một chỗ trống trước ngưỡng cửa. Đôi dép nâu không còn ở đó. Chắc bà lại ra chợ. Tôi lại nhìn lên tường. Cái nón lá sỉn màu cũng không còn ở đó. Tôi tái mặt đi khi bắt gặp cái giỏ đi chợ đỏ chót một màu nhức nhối trong góc bếp. Tôi phóng lên lầu mở cửa. Bé Thảo ngủ ngon lành một mình. Như một người điên, tôi mở tủ. Quần là áo lượt y nguyên nhưng mấy cái áo cánh, mấy cái quần đen không còn nữa. Hộc tủ đóng im ỉm. Trong đó hẳn còn nguyên xấp tiền tôi đã để riêng phần bà tẩm bổ thuốc thang để chứng minh tấm lòng “thơm thảo” của tôi! Tôi buốt lòng khi nghĩ đến số tiền hai trăm ngàn gây ra sóng gió. Hai trăm ngàn mà khi bình tĩnh ra tôi mới nhớ là đã rút đưa ngay cho bạn sau khi lãnh lương để nhờ  mua giùm cái quần jean tôi thích… Không, không thể như thế này được. Tôi lại nhìn con. Một vật lấp lánh trên bàn tay trẻ thơ. Tôi bước đến. Đó là sợi dây có bức tượng Phật Bà… “Khi nào mệ qua đời…” Tiếng nói trong veo của con vọng lại… Nước mắt lăn dài trên má, tôi mở cửa. Vấp phải dụng cụ tập thể dục sáng bóng của tôi cuối góc phòng, tôi khựng lại. Kia là chồng dĩa với những bản nhạc mà tôi thích; một lô váy ngắn, váy dài thay ra chưa kịp giặt. Son phấn của tôi, giày dép của tôi… Tôi nhìn lên, bắt gặp bức chân dung phóng lớn của mình mỉm cười, đội mắt ngời lên, tràn trề niềm vui cuộc sống… “Em không phải là mẹ. Không đời nào em là mẹ cả.” Câu nói của chồng xóay vào lòng tôi. Anh đã có một người mẹ, một người mẹ như thế. Mẹ của anh, người đó là duy nhất!

 

Tôi xách xe chạy ra khỏi nhà phóng một mạch đến ga. Chập chờn trước mắt, tôi thấy hình ảnh bà cắm cúi vét từng hạt cơm thừa đem cất. Bàn tay nhăn nheo vuốt từng  chiếc áo gấp lại cẩn thận phẳng phiu. Dáng ngồi co ro chịu đựng cắm cúi bóc từng hạt đậu… Suốt một đời bà chắt chiu nhặt nhạnh để rồi cuối đời không giữ lại một chút gì trên đôi tay cho riêng mình. Ôi tấm thân gầy! Tấm thân gầy đã gánh, đã gồng, đã dầm mưa, dãi nắng vì con. Tôi chợt nhận ra rằng vị trí nhỏ bé của đoi dép nâu, của cái nón lá nếu mất đi sẽ là những khỏang trống không thể nào bù đắp nổi trong ngôi nhà của tôi và cả trong tôi…

 

Gởi xe xong tôi hớt hải ngơ ngác chạy khắp nơi tìm kiếm. Một vài người ngó tôi lạ lùng. Đầu tôi nóng bừng, mắt tôi hoa lên. Kia rôi, không thể nào nhầm lẫn được. Cái dáng dấp nhỏ thó quê mùa đó, cái áo dài màu khói hương tươm tất nhất của bà, cái nón lá sỉn màu, cái quần đen lam lũ… cái xách tay không xách mà kẹp khư khư một bên nách  như sợ người cướp mất… Tôi thấy bà níu tay một người đàn bà xa lạ mặc áo vàng. Và giọng bà, vẫn chất giọng nằng nặng quê mùa ấy sao bây giờ cứ rõ ràng từng chữ một rót vào lòng tôi, xiết chặt trái tim tôi:

- O ơi, o cho tui hỏi thăm. Mua vé tàu ra Huế ở chỡ mô o?

Chỉ cần ba sải chân, tôi ôm gọn thân hình còm cõi đó. Gục đầu vào bầu ngực lép kẹp cạn khô của bà, nơi đã từng tuôn trào ra lai láng giòng sữa thương yêu, tôi hít lấy một hơi dài mùi mồ hôi vừa lạ, vừa quen quyện lẫn mùi thuốc Cẩm lệ hăng nồng. Như một đứa trẻ con, tôi nấc lên:

- Mẹ!

Tôi cảm thấy bàn tay khô gầy, thô ráp của bà mơn man mãi mấy sợi tóc mướt mồ hôi trên trán tôi. Hình như xung quanh người ta xầm xì bàn tán. Tiếng ai đó cười xòa vui vẻ:

- À, hóa ra là bà cụ giận con gái!./.

Ngô Thị Ý Nhi
Số lần đọc: 1968
Ngày đăng: 28.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyền Thuyết Cây Si Đảo Hà - Trần Quang Vinh
Giữ Chức - Ngô Văn Cư
Tấc đất tấc vàng - Huỳnh Văn Úc
Đầu Lâu Biết Cười - Ngô Lạp
Có Một Thời… - Nguyên Minh
Giọt máu - Trần Minh Nguyệt
Li hương - Khải Nguyên
Đêm tân hôn! - Trọng Huân
Thủ Môn - Nguyên Minh
Chó cái - Lê Minh Phong