Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
343
116.591.187
 
Tính thuần phác trong thơ đồng bằng sông Cửu Long
Kim Ba

Tính thuần phác trong thơ Đồng bằng sông Cửu Long quả thực có sức cuốn hút mạnh mẽ, bởi nó gắn với cách nghĩ, cách nói, với tính cách của người Nam Bộ.

 

Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất phù sa trù phú, bao la, vựa lúa lớn nhất nước với những cánh đồng được ví von “cò bay thẳng cánh”, sát cạnh thành phố Hồ Chí Minh và chạy dài tới mũi Cà Mau, ngay từ những năm đầu giải phóng đã nhanh chóng hình thành một đội ngũ nhà thơ trẻ rải đều ở khắp các tỉnh. Đội ngũ thơ trẻ này với những bước thơ chập chững ban đầu, háo hức, vững tin nhưng cũng có phần ngại ngùng, bỡ ngỡ... đã nhanh chóng hòa mình, tiếp nối thế hệ nhà thơ đã trưởng thành trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ - vốn là niềm tự hào của nền thơ chiến đấu ở vùng đồng bằng sông nước - để dần dần hình thành nên một gương mặt thơ ở ĐBSCL, một giọng điệu thơ ở ĐBSCL với những đặc điểm riêng biệt, đồng thời đánh dấu một bước phát triển trong nội dung, bút pháp thơ giai đoạn mới, góp phần cùng cả nước làm phong phú thêm nền thi ca Việt Nam. Từ mươi, mười lăm năm trở lại đây, có thể khẳng định thơ ở ĐBSCL đã định hình khá rõ nét mà những ai quan tâm đến thơ, yêu thơ cũng không khó lắm để nhận ra.

 

Đặc điểm quan trọng và có tính bao trùm của thơ ở ĐBSCL xin tạm gọi là tính thuần phác. Đây cũng là đặc điểm xuyên suốt. Tính thuần phác trong thơ ở ĐBSCL quả thực có sức cuốn hút mạnh mẽ, bởi nó gắn với cách nghĩ, cách nói, với tính cách của người Nam Bộ. Có nhiều bạn thơ trẻ đến với thơ là người đang sống ở nông thôn, hoặc từng có quãng thời gian sống ở nông thôn, có điều kiện gần gũi với người nông dân tay lấm chân bùn, với đồng ruộng. Thường thì từ đó, cảm hứng thơ vụt lên và họ, với những bài thơ đầu tay của mình, luôn mang đậm đặc tính thuần phác. Tất nhiên, qua thời gian, mọi sự đều thay đổi. Đa số những người làm thơ ấy vẫn giữ được tính thuần phác trong thơ, thường xuyên được bồi đắp và bổ sung bằng sự nhạy cảm, tinh tế của tâm hồn và tạo được phong cách sáng tác riêng một cách nhuần nhị, sâu lắng. Một số người khác không giữ được tính thuần phác trong thơ như thuở ban đầu, họ chủ động thay đổi, hoặc cũng có thể bị chi phối bởi các “trường phái thơ’ khiến họ bối rối, lúng túng và phải khá chật vật mới tạm định hình được phong cách thơ cho mình. Điều nầy cũng dễ hiểu, bởi đơn giản là các lớp thế hệ thơ trẻ, có nhiều điều kiện để dung nạp thơ từ nhiều phong cách khác nhau, có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều, năng động và dĩ nhiên – không tự bằng lòng với chính bản thân mình.

 

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, tính thuần phác vẫn là một đặc điểm nổi trội, có sức thu hút mạnh mẽ và tự nhiên nhất của thơ ở ĐBSCL. Có không ít nhà thơ sinh ra và lớn lên, từng chiến đấu và sinh sống ở những vùng miền khác nhau, song khi định cư tại ĐBSCL, giọng thơ của họ cũng dần dần mang âm sắc thuần phác riêng biệt và trở thành một bộ phận của thơ ở ĐBSCL.

 

Thơ ở ĐBSCL là thơ “nặng tình - trọng nghĩa” mà biểu hiện cao nhất là “Đạo làm người” trong thơ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Phải chăng do “tình - nghĩa” từ thuở xa xưa đã là vũ khí có hiệu quả nhất để người Nam Bộ chung vai sát cánh chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt, đánh trả kẻ thù, giữ đạo lý truyền thống.

 

Lật bất kỳ một trang thơ của bất kỳ một tờ báo hay tạp chí, của riêng một tác giả hay một tuyển tập thơ ĐBSCL chúng ta đều bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của những dòng sông nặng nợ, những cánh đồng nhiều oan khiên, những bến nước tình tự đêm trăng, những đường khuya ấm lòng đỏ đuốc hay một đêm vùng sâu, một tâm tư góa bụa, một kỷ niệm thời chiến, một khung cảnh mùa lũ, v.v... Thơ ở ĐBSCL vì thế, thể hiện một tình yêu đất, yêu người vừa nồng nàn vừa da diết, vừa sôi nổi vừa trầm lắng với phong cách thơ giản dị, chân phương, mộc mạc và ít có sự thay đổi.

 

Tuy nhiên cuộc sống hiện tại lại đang thay đổi từng ngày từng giờ. Ánh sáng của công cuộc đổi mới đã rọi tới tận từng ngỏ hẻm, từng vùng sâu, vùng xa của cả nước nói chung, của ĐBSCL nói riêng; có sức tác động sâu sắc cuộc sống của nhân dân. Sự chuyển đổi của thơ ở ĐBSCL để theo kịp đà chuyển đổi của cuộc sống, còn quá chậm. Thơ không cần phải chạy theo cuộc sống, thơ cũng không được phép tụt lại phía sau cuộc sống. Thơ cần và phải hiện diện ngay chính trong cuộc sống ấy. Xét về phương diện đó, thơ ở ĐBSCL còn phải phấn đấu nhiều, để tự vượt qua chính mình, để luôn có mặt. Tính thuần phác trong thơ ở ĐBSCL là một ưu điểm bao trùm và xuyên suốt, nhưng đó không phải là một giá trị bất biến. Tính thuần phác đó cần được phát triển và phát triển liên tục. Có như thế thơ ở ĐBSCL mới có thể tiếp tục đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của nền thơ cả nước.

 

Có nhận xét thơ ĐBSCL còn “hiền” quá, có lẽ theo ý nghĩa là còn đơn điệu quá. Thực ra thơ ở ĐBSCL không hề đơn điệu mà ngược lại, rất phong phú, đa dạng, đề cập đến mọi mặt của cuộc sống. Song vấn đề là ở chỗ qua một chặng đường nhìn lại, chúng ta nhận thấy thơ ở ĐBSCL phát triển còn thiếu một sự cân đối cần thiết. Có những mảng đề tài quá quen thuộc lại được tập trung thể hiện quá nhiều (nhất là thơ tình và thơ bộc lộ cảm xúc chung chung trước phong cảnh đặc trưng của miền sông nước), có những mảng đề tài, xét về mặt tâm lý xã hội hiện đại, đã hiện diện trong đời sống và cần được thể hiện (những suy nghiệm về cuộc sống, những dự cảm, những góc khuất phức tạp, bất ngờ của tâm hồn con người, v.v...) thì lại còn thể hiện quá “mỏng” và vì thế chưa đủ sức “đánh động” sự lưu tâm của bạn đọc. Có những nhà thơ đã thành danh từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vẫn mạnh dạn bứt phá, gắng gỏi tìm những phong cách biểu hiện mới, tự vượt qua chính mình và tạo được niềm tin mới cho lớp thơ trẻ, có những tác giả trẻ, thật trẻ, chưa định hình phong cách riêng song trong thơ họ đã có những hình ảnh – liên tưởng thơ thật bất ngờ, có sức gợi nghĩ sâu xa với những tứ thơ mới lạ, tiết tấu thơ nhanh... Tuy nhiên những hiện tượng đáng vui mừng như thế hãy còn quá ít nếu không nói là quá hiếm hoi.

 

Chúng tôi nghĩ rằng, việc quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, tạo “sân chơi nghiêm túc” để các tác giả trẻ cùng “thi thố” tài năng, qua đó học hỏi, bổ sung lẫn nhau, cả về đạo đức lẫn nghề nghiệp, đồng thời thúc đẩy nhau sáng tác là trách nhiệm không nhỏ thuộc về các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương và Hội Nhà văn Việt Nam, nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành một đội ngũ nhà thơ trẻ, không phải chỉ vài mươi tác giả thưa thớt, mà phải thực sự đông đảo đủ sức để gánh vác được trách nhiệm phản ánh, bằng thơ, mọi góc cạnh, sắc thái, biên độ và tầm vóc của công cuộc đổi mới, của cuộc sống mới - cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay, ngày mai. Được biết, việc phát hiện và phát huy năng khiếu sáng tác trẻ luôn là mối quan tâm sâu sắc của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, thậm chí các hội còn giữ mối liên hệ thường xuyên với các tác giả - tài năng trẻ đã chuyển nơi công tác (hoặc học tập) về các thành phố lớn. Đó cũng là một cách để “trẻ hóa, mới hóa” chất lượng sáng tác thơ của địa phương.

 

Hội Nhà văn Việt Nam với việc tổ chức định kỳ Hội nghị Nhà văn trẻ cũng đã thể hiện hết tấm lòng đối với tác giả trẻ.

 

Ngoài ra Tạp chí văn nghệ các Hội VHNT địa phương, Tuần báo Văn nghệ, đặc biệt là báo Văn nghệ Trẻ cũng dành khá nhiều ưu ái cho tác giả trẻ. Đó là những mặt công tác rất đáng hoan nghênh.

 

Tuy có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa đủ. Thực tế, hiện nay đang rất cần có một phụ san Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, vì các lẽ sau đây:

 

1. Có nhiều tác giả trẻ có tài năng, có tâm huyết và hoài bão sáng tác song với họ dường như Tuần báo Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) vẫn còn xa cách tầm với. Không phải tác giả trẻ nào cũng đủ tự tin để tự mình tham gia cộng tác.

 

2. Phụ san Văn nghệ ĐBSCL là tiếng nói của Hội Nhà văn Việt Nam thông qua các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL. Khi ấy, tiếng nói của Hội Nhà văn Việt Nam trở nên gần gũi, thân mật hơn với các tác giả trẻ ở ĐBSCL. Việc đó tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa hội viên và tác giả trẻ càng gắn bó hơn.

 

3. Hiện tại, việc hình thành và tập hợp đội ngũ kế thừa, đặc biệt trong lĩnh vực thơ, ở ĐBSCL đang là vấn đề khó của các Hội VHNT địa phương. Với uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam, thông qua Phụ san Văn nghệ ĐBSCL, đội ngũ kế thừa nầy sẽ tự tập hợp và ủng hộ. Từ đó sẽ nhanh chóng hình thành một đội ngũ thơ trẻ ở ĐBSCL có chất lượng. Hơn nữa, Phụ san Văn nghệ ĐBSCL hứa hẹn sẽ là “mảnh đất màu mỡ phù sa” cho mảng lý luận phê bình về tác phẩm văn học nói chung, thơ nói riêng, ở ĐBSCL.

 

Tôi nghĩ rằng thơ ở ĐBSCL không bao giờ rời xa khỏi đặc điểm của nó là tính thuần phác, kể cả thơ trẻ với những thể nghiệm mạnh bạo, mới mẻ... Chính tính thuần phác đã giúp thơ ở ĐBSCL, dù là thơ mang tính chất “thể ghiệm”, tránh được những hướng tìm tòi cực đoan như đề cao cái tôi vị kỷ, tình dục, bí hiểm v.v... Cho nên đặt vấn đề đổi mới thơ ở ĐBSCL, đương nhiên không phải là sự cổ vũ cho việc tìm kiếm một hình thức thơ xa lạ nào đó mà là đòi hỏi một thái độ nghiêm túc ở mỗi tác giả thơ ở ĐBSCL cần đổi mới cái nhìn, đổi mới cảm xúc, tự hoàn thiện phong cách thơ, có đủ tự tin và năng lực thơ để có thể thể hiện mọi mặt cuộc sống, để tạo ra sản phẩm tâm hồn là những bài thơ hài hòa giữa nội dung và hình thức.

 

Làm được điều đó với sự đồng lòng cao, vì sự phát triển của một vùng thơ trong một nền thơ Việt Nam thống nhất, phong phú, đa dạng và hiện đại, tin rằng thơ ở ĐBSCL sẽ tự vượt chính mình, kịp với đà phát triển của thơ cả nước, đáp ứng được lòng tin yêu của độc giả .

Kim Ba
Số lần đọc: 3520
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh