Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
431
115.864.758
 
Noam Chomsky và những kẻ vu khống ông
Chân Phương

Jacques Bouveresse - Chân Phương trích dịch

 

Lời giới thiệu của người dịch

                                                           

Le premier trait de la corruption des moeurs, c’est le bannissement de la vérité. (Dấu hiệu đầu tiên của phong hóa suy đồi là sự ruồng đuổi sự thật.) Montaigne

 

Đối với sinh hoạt tư tưởng Âu - Mỹ hôm nay, sự kiện Chomsky sang Paris cuối tháng 5 - 2010 vừa qua mang một ý nghĩa đặc biệt như thế nào sẽ là đề tài nóng cho các phe ủng hộ hoặc chống đối ông tha hồ tranh cãi. Trong phạm vi bài giới thiệu này tôi mạn phép nói đôi lời về Jacques Bouveresse, người đã tổ chức các hội thảo tại Collège de France cho Chomsky được lên tiếng như diễn giả chính về các vấn đề của lý trí và chân lý khách quan vào lúc thoái trào của chủ nghĩa hậu hiện đại.

           

So với Derrida, Lyotard, Deleuze, Baudrillard,...có lẽ Jacques Bouveresse là một tên gọi khá xa lạ đối với giới văn nghệ trí thức VN; và đây là một điều đáng tiếc! Sau thất bại của phong trào sinh viên - công nhân Pháp kèm sự bế tắc của các ý hệ tả phái từ 1968, sự bành trướng của Nouvelle Philosophie và French Theory từ Paris qua các đại học anglo - saxon (Mỹ,Anh, Canada, Úc…) để biến thể trở thành postmodernism là câu chuyện dài mà độc giả VN có thể hình dung một cách chắp vá qua các bài dịch, trang viết về trào lưu hậu hiện đại được phổ biến trong nước lâu nay – một đề tài không còn mới mẻ gì và sẽ còn gây nhiều tranh luận, dù đã mất tính thời sự học thuật trên thế giới. Nhân dịp giới thiệu mấy trang dịch này tôi muốn dành ưu tiên cho một gương mặt khác gần ba thập niên qua đã tuyên chiến trên các diễn đàn media cũng như hàn lâm chống lại các triết thuyết phản lý tính đã thành cái mốt văn hóa tư tưởng xâm chiếm nhiều phân khoa nhân văn Âu - Mỹ.

 

Bouveresse là ai? Vị giáo sư chủ nhiệm bộ môn triết học ngôn ngữ và tri thức tại Collège de France hiện nay có lẽ là tiếng nói uy tín nhất ở Pháp về triết học phân tích (philosophie analytique), chuyên gia quốc tế hàng đầu về Wittgenstein và trường phái Vienna với các tên tuổi như Carnap, Goedel… (Cần một phụ chú ở đây: Triết học Âu - Mỹ chia ra hai nhánh chính;a/philosophie continentale - thiên về hữu thể luận siêu hình thay thế ngành thần học với Hegel, Nietzsche, Heidegger;…và b/ philosophie analytique – chú trọng về mặt phân tích ngôn ngữ và lô gíc cộng thêm phương pháp luận khoa học như các công cụ của lý trí trong việc tiếp cận thế giới khách quan). Trong khi Derrida, Deleuze và lý thuyết hậu cấu trúc - hậu hiện đại chịu ảnh hưởng Nietzsche, Heidegger và có xu hướng mượn cảm hứng và chỗ dựa trong văn học, đặc biệt là thi ca; Bouveresse hợp tác với các bạn như Chomsky, Bourdieu, hoặc giới trí thức cấp tiến trẻ hơn như Sokal và nhóm Agone để tái lập liên minh chiến lược giữa tinh thần khoa học và tư tưởng duy lý, phản kích lại sự cám dỗ chữ nghĩa của các thần tượng được báo chí media thổi phồng. ( Tiện đây xin cung cấp thêm chút thông tin này: trước khi Alan Sokal dùng mánh chơi xỏ đám tả phái pomo trên tờ Social Text năm 1996, Bouveresse đã tuyên chiến và đương đầu với các guru tư tưởng hậu cấu trúc Pháp, đặc biệt là Lyotard và Derrida, bắt đầu với hai khảo luận đầy tính bút chiến viết từ 1984: Le Philosophe chez les Autophages, và Rationalité et Cynicisme, nxb Seuil, Paris).

 

Kế tục truyền thống duy lý của triết học phương Tây bắt đầu từ Hi lạp cổ đại và trung thành với tinh thần của thế kỷ Khai Sáng Pháp, con số đáng kể các nhà trí thức học giả như Habermas, Chomsky,Bouveresse… không thể không lên tiếng để tranh luận và phản biện trên các diễn đàn hàn lâm cũng như không gian công cộng đáp lại sự suy thoái của các ý thức hệ tiến bộ trước đây còn tin vào sự liên minh giữa tư tưởng duy lý, tinh thần khoa học, và tiến bộ xã hội nay thiên về xu hướng hoài nghi chủ nghĩa cực đoan được tả phái Paris chưng cất thành các phong trào vừa thời thượng vừa bè phái.. Cái hố giữa hai nền văn hóa ngăn cách các nhà khoa học với giới học thuật nhân văn mà C.P.Snow đã cảnh giác từ các bài giảng ở đại học Cambridge từ năm 1959 càng ngày càng trở thành sâu rộng với sự bành trướng cuối những năm sáu mươi từ Quartier Latin sang khắp các đại học Âu - Mỹ của French Theory, một trào lưu tư tưởng nửa triết nửa văn mà Bouveresse đặt tên là philosophie littéraire. Đằng sau các xảo thuật lý thuyết vay mượn và lạm dụng cẩu thả thuật ngữ khoa học, đặc biệt là toán và vật lý, trào lưu này thật ra là sự ngụy trang khéo của tư tưởng phản lý tính và phản trí thức của một bộ phận học giả hàn lâm đã trở thành xa lạ với tư duy khoa học.

 

Có thể nói Bouveresse là nhà tư tưởng đã trực diện phản công các thần tượng Paris, những kẻ đã tạo ra cái mốt “hậu hiện đại” nhiều cám dỗ, đặc biệt là Derrida - người từng sáng lập Collège International de Philosophie. Ông kêu gọi các sinh viên trí thức quay về với tinh thần tự do với óc phê phán (liberté critique) để nhảy ra khỏi vòng phấn gà mái (poule de Kircher) của bệnh sùng bái ấu trĩ các thần tượng giả. Cùng với các bạn như Chomsky và giới trí thức khoa học như Sokal, Bouveresse phản đối các học giả xã hội - nhân văn chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hậu hiện đại khi những người này quan niệm sự thật lịch sử và các sự kiện xã hội là sự chế tác của đồng thuận ( chẳng hạn như lý thuyết social constructionism ở Mỹ). Dĩ nhiên chân lý khách quan là một khái niệm triết học được hiểu và diễn giải qua nhiều góc cạnh, tùy theo chỗ đứng của nhà khoa học thực nghiệm, giới nghệ sĩ sáng tạo, hoặc người ký giả điều tra hình sự…Nhưng nghi ngờ hay chối bỏ khái niệm này như một số nhà lý luận hậu hiện đại đã chủ trương là một “ảo tưởng nguy hiểm”. Các tự sự lẻ tẻ manh mún cũng như sự đồng thuận của bất cứ một cộng đồng diễn giải nào vẫn chỉ là phế liệu tư duy (ersatz) không giải quyết được sự khủng hoảng lớn của văn hóa và đạo lý hôm nay.

 

Các hội thảo ở Collège de France vừa qua với sự lên tiếng của những tri thức lương thiện như Chomsky và Bouveresse là một dấu hiệu đáng mừng cho những ai chưa hoàn toàn đánh mất khả năng tư duy độc lập cũng như chưa tuyệt vọng về tiềm lực của lý trí và tự do: hai vũ khí xưa nay đã giải thoát loài vượn người khỏi sự an bài của định mệnh, dù đó là thần quyền vô hình hoặc thế quyền lộ mặt của hà chính quyền lực hay kinh tế.

 

CHÂN PHƯƠNG

***

 

NOAM CHOMSKY và những kẻ vu khống ông

 

Jacques Bouveresse - Chân Phương trích dịch

(Le Monde Diplomatique, tháng 5 – 2010).

 

Dù không mấy thiện cảm với ông., tờ New York Times từng nói rằng “Noam Chomsky có lẽ là nhà trí thức lớn nhất hiện đang còn sống”.Là nhà ngữ học từng tạo cách mạng trong bộ môn này, Chomsky được thế giới biết đến nhiều hơn vì sự phê phán quyền lực của ông bắt nguồn từ truyền thống tự do tư tưởng, vì thái độ sẵn sàng dùng ngòi bút không phải để quậy vào vết thương kẻ khác, vì những phẩm bình đáng ngại ông luôn nhắm vào “giới tăng lữ thế tục” (clergé séculier) là các trí thức và nhà báo. Ông đến Paris từ 28 đến 31 tháng 5 này để dự các hội nghị và hội thảo, đặc biệt là cuộc hội thảo tại Collège de France, bộ môn triết học về ngôn ngữ và tri thức ( giáo sư chủ nhiệm Jacques Bouveresse), về đề tài “Rationalité, vérité et démocratie: Bertrand

Russell, George Orwell, Noam Chomsky” vào ngày 28 th.5,2010.

 

Đáp lại những kẻ kết án ông đã xử sự với đất nước mình như “con chim làm ô uế cái tổ của nó”, Karl Kraus trả lời rằng trong vài trường hợp nào đó người ta trái lại rất có thể cảm thấy bị ô uế vì chính cái tổ của mình, và nhận ra nhu cầu hợp lý là nếu có thể được phải làm cho nó phần nào giảm bớt sự dơ bẩn. Vì thế hậu quả Kraus đã lãnh đủ là “bị bọn bẩn dồn hết căm thù vào ông đến mức có thể nói không ai sánh bằng trong lịch sử đời sống trí thức.” (1)

 

Về nhiều phương diện Noam Chomsky hôm nay đang ở vào tình huống y hệt như thế. Theo cách nhìn của một phần đáng kể trong giới trí thức, cái giới nói chung đã thích nghi khá tốt với sự ô trọc bị ông tố cáo kia – Chomsky cũng là con chim mà hoạt động chính là cái việc làm ô uế cái tổ hoặc những cái tổ nơi ông vẫn cư ngụ về mặt vật chất và đáng lý ra cả về tinh thần; dĩ nhiên trước hết là Hoa Kỳ, nhưng cũng phải kể Âu châu, các nền dân chủ phương Tây nói chung, quốc gia Do Thái, giới trí thức ưu đẳng, thế giới khoa học, các đại học, hệ thống giáo dục, vân vân.

 

Như đã thấy qua trường hợp Kraus, ai mà có tư tưởng và hành động theo ý nghĩ rằng người trí thức trước hết phải quét dọn ngưỡng cửa của chính đất nước mình với hy vọng là những người khác cũng sẽ làm như vậy về phía họ là coi như chắc chắn phải đụng đầu sự chống đối hung hăng của những kẻ có phản ứng coi đó gần như đương nhiên là đồng nghĩa với sự khẳng định rằng toàn bộ sự thật, lẽ phải và công lý luôn luôn thuộc về phía kẻ thù.

 

Vấn đề này chắc chắn Chomsky am hiểu hơn ai hết. Nếu ông tố cáo bằng cách gọi thẳng tên chúng những lạm dụng quyền hành, các điều bất công, những bạo ngược và tội ác mà đất nước ông đã gây ra đối với các nước khác - điều ấy ngụ ý rằng ông cũng coi như bình thường những hành động tương tự khi được kẻ thù thực hiện. Nếu ông thẩm định cái việc Hoa Kỳ và các quốc gia chư hầu được Mỹ hỗ trợ tự cho phép mình tiến hành mà không bị trừng phạt đối với một số nước nào đó như là “chính sách khủng bố quốc tế cấp Nhà Nước” hoặc “chủ nghĩa khủng bố đại trà”, điều này tất yếu đưa đến việc ông phủ nhận thực tế khó thể tranh cãi cũng như sự khiếp đảm có thật của “chủ nghĩa khủng bố lẻ tẻ” tiêu biểu cho hoạt động của các nhóm Hồi giáo và những tổ chức khác. Vân vân.

 

Tương tự như trên, sẽ là vu khống và mạ lỵ hẳn hoi nếu người ta dùng cách nói như Chomsky “kiểu mẫu của tuyên truyền” để mô tả cách vận hành của các thứ media giữa một nền dân chủ như Hoa Kỳ nơi mà báo chí vẫn được tiếng là hoàn toàn tự do độc lập trong khi áp dụng cách nói ấy cho các nơi khác là chuyện hoàn toàn bình thường và tự nhiên chẳng cần phải thắc mắc tí nào về mức độ nó thích hợp được đến đâu.

 

Từ vài năm qua Chomsky đã lưu ý rằng, so với những người bình thường được giới trí thức phe tả sắm vai làm người đại biểu và kẻ bảo vệ, giới này rất có thể là nạn nhân của một sự trễ nải đáng ngại, gần đây đã trở nên nghiêm trọng một cách thấy rõ. Chê trách điều mà ông gọi là xu hướng tự hủy của phe tả khi một phần khá đông những đại diện của phe này đã theo trào lưu tư tưởng hậu hiện đại như gia nhập một tôn giáo mới tạo nên một triệu chứng đặc trưng cho sự tự hủy nói trên, ông đưa ra nhận định:”Có một hạ tầng dân chúng để đối phó với những vấn đề con người từ lâu vẫn nằm trong “ dự án của thời đại Ánh Sáng”. Một yếu tố vắng mặt trong dự án này là sự tham gia của các trí thức cánh tả. (…) Sự việc phe tả bỏ rơi dự án này là dấu hiệu nói lên sự chiến thắng mới mà văn hóa của quyền lực cùng các thứ đặc quyền đã giành được, và phe tả đã góp phần vào đó (2) “.

 

Kết án như Chomsky đã làm rằng các loại media đã không biểu hiện thực tại y như nó vốn là mà bóp méo hoặc thường xuyên tránh không nhắc đến một số sự kiện quan trọng nào đó hiển nhiên sẽ chẳng có ý nghĩa gì sất nếu người ta buộc phải chấp nhận ý kiến cho rằng thật sự không có các sự kiện mà chỉ có nhiều cách biểu hiện thế thôi. Cũng giống y Orwell, Chomsky nhận thấy cái thái độ không vồn vả lắm của các trí thức phe tả

trong việc bảo vệ các khái niệm như “chân lý” và “tính khách quan” vừa khó hiểu vừa đáng lo ngại, chưa nói những lúc họ công khai đề nghị là từ đây phải coi các khái niệm ấy là phản động lỗi thời.

 

Đối với một nếp suy nghĩ tự bản chất hay theo tập tục vẫn nghiêng rất nhiều theo chiều hướng này, lời tuyên bố cho rằng thật sự không có “các sự kiện” (faits) cũng chẳng có như là hậu quả kế tiếp “thế giới của các sự kiện” để cho chúng ta phải quan tâm đến chúng một cách nghiêm túc từ các lý thuyết gia của cuộc cách mạng hậu hiện đại đương nhiên đã đến đúng lúc và đã được đón nhận như một biện minh triết học cùng với sự khuyến khích người ta tiếp tục đi theo lối quen ấy chứ không còn chi khác.

 

Đã từng có kinh nghiệm trong suốt cuộc nội chiến Tây ban nha và những năm kế tiếp về tính hữu hiệu đáng gờm vừa khó tưởng tượng được của lối tuyên truyền thời Franco, Orwell đã bày tỏ mối lo ngại khi ông chứng kiến chính khái niệm chân lý khách quan bị đe dọa biến mất một cách nhanh gọn. “Nhìn sự tình ấy khiến tôi hoảng kinh bởi nó thường gây ở tôi cái cảm tưởng là chính khái niệm về chân lý khách quan đang biến mất khỏi thế giới chúng ta. Chung qui mà nói mối hiểm nguy lớn nằm ở chỗ các điều dối trá ấy, hoặc những dối trá tương tự, rốt cuộc chiếm đoạt luôn vị thế của những chân lý lịch sử. Lịch sử cuộc nội chiến Tây ban nha rồi sẽ được ghi chép như thế nào đây? (3) ”

 

Từ kinh nghiệm về tầm mức các chế độ chuyên chính của tk20 có thể đánh tráo các chân lý khách quan bằng những sự thật được tạo dựng trăm phần trăm nhằm phục vụ cho những mục tiêu của họ với các hậu quả hãi hùng việc ấy đã gây ra, người ta lẽ ra có thể mong đợi rằng giới trí thức sẽ củng cố thêm xác tín về chân lý – dù nhiều lúc phải vận dụng sáng kiến để chụp lấy cơ may phát hiện ra nó, chân lý chính nó không thể là kết quả của sáng tạo hay sáng chế (…création ou… invention). Nhưng sau cùng người ta hình như đã đi đến một kết quả khác hẳn; đó là ý kiến cho rằng trong mọi trường hợp chính các sự kiện và chân lý bằng cách này cách khác đã được chế tạo ngang nhiên. Cộng vào việc “chế tác sự ưng thuận” (fabrication du consentement), từ đây có thể kể thêm việc “chế tác chân lý” (fabrication de la vérité), trừ khi người ta quan niệm rằng không thể nào phân biệt được việc sản xuất ra chân lý với việc sản xuất ra sự đồng thuận về cái mà người ta phải công nhận như là chân lý.

 

Có thể người ta dễ xiêu lòng mà tin rằng - nếu các nhà khoa học không (hay chưa thể) từ chối không dùng một khái niệm tựa như chân lý khách quan - giới văn học nói cho cùng rất có thể xem nó như một thứ không còn cần thiết khi mà điều quan hệ duy nhất đối với giới này là sự tự do. Nhưng đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Nếu ta ra vẻ muốn bảo vệ tự do, ta không thể cùng lúc không cảm thấy sự ràng buộc đối với sự cần thiết phải bảo vệ chân lý, Orwell từng bênh vực điều này. Và ngược lại, những ai còn quan tâm đến chân lý khách quan cũng không được xem việc bảo vệ tự do là thứ yếu.

 

Tương tự các môn khoa học chính xác, theo cách nhìn của Chomsky các ngành nhân văn và khoa học xã hội cũng không được cho phép mình ngoảnh mặt làm ngơ hay xử lý một cách lơ là đối với khái niệm chân lý khách quan. Và không có lý do nào để nghĩ rằng một sự giáo dục khách quan lại không mang tính nghịch loạn (subversif) cho bằng các cách giảng dạy tự bản chất và một cách chính thức được mang tiếng là “cấp tiến” (radicaux). “Thông thường người ta chấp nhận rằng một sự khảo cứu khách quan thường có khả năng biến khung tư tưởng thống trị thành vấn đề. Chỉ trong các môn khoa học xã hội thì một quan điểm như thế mới bị xem là triệu chứng của một đầu óc khật khùng không giống ai. (…) Nhưng công tác phát triển việc khảo cứu khách quan được giải thoát khỏi những câu thúc do sự đồng thuận chính trị ở Mỹ áp đặt là một việc hoàn toàn thực tế có tính cốt yếu;và bản thân tôi cho rằng nó sẽ dẫn đến những kết luận triệt để. (4)

 

Dựa vào mức độ tinh xảo của các lý thuyết xã hội học, chính trị học, triết học … thông thường người ta cho là cần nắm vững để xử lý các thứ vấn đề mà Chomsky đã đương đầu, rất có thể là một phần đáng kể những điều ông nói ra sẽ bị đánh giá là hơi thẳng thừng và khá ngây ngô theo quan niệm của những kẻ am tường. Nếu ông cần được bào chữa về điểm này (điều mà tôi thấy không cần), tôi xin nói rằng một nhà bác học có tiếng khắp thế giới như Chomsky chính ra lại có ưu điểm khá bất thường là ông đã không tìm cách xuất hiện dưới bất cứ dạng nào khác trừ tư thế một người không biết gì nhiều đối với loại vấn đề như thế nhưng đồng thời lại xác tín rằng có lẽ con người vẫn có thể, và may thay không tất yếu phải có thật nhiều kiến thức chuyên môn để có thể hành động và đạt được các kết quả.

 

[…]

           

Sự ngây ngô đối với các vấn đề như đang được đề cập ở đây cũng có thể là một dạng lương thiện trí thức (honnêteté intellectuelle). Nói đến điểm này tôi luôn luôn thán phục tính cách mà ông vẫn nêu gương mà nhiều triết gia khác có thể noi theo một cách hữu ích nếu họ nhạy cảm hơn một chút để còn biết e ngại thiên hạ sẽ nhìn ra chất phi lý và ích kỷ của họ. Tôi không chắc là mình có thể hoàn toàn chia xẻ niềm lạc quan và hy vọng ông đặt ở tương lai. Nhưng có thể bởi vì tôi cảm thấy là phải dám chiến đấu như ông để thật sự có được cái quyền lạc quan như thế.

 

Đáp lại lời phê phán cho rằng sự bi quan khi biểu lộ ra sẽ tạo nỗi lo âu và dẫn đến tê liệt hành động, Georg Henrik von Wright đã trả lời: “Trong một chừng mực nào đó thì đúng là như thế. Nhưng theo tôi cách nhìn lạc quan theo đó người ta có thể ngồi yên mặc cho sự vật tiến hóa đại loại cũng như từ trước đến giờ với niềm xác tín rằng một kỹ thuật mới cộng thêm nhiều nghiên cứu với trò chơi tự do của thị trường sẽ rốt cuộc an bài mọi thứ là một thái độ vô trách nhiệm hơn nhiều, đồng thời có khả năng làm tê liệt hành động cao hơn. Tôi có cảm tưởng rằng các chính phủ đã rơi vào một sự lạc quan của bất lực như thế,và đang cố ru ngủ các khối dân chúng bị họ cai trị trong sự lạc quan ấy. (5)

 

Noam Chomsky hiển nhiên là một người lạc quan kiểu khác. Niềm lạc quan của ông là một sự lạc quan của ý chí và hành động. Nó dựa vào ý nghĩ cho rằng, nếu tương lai có thể trở nên khá hơn, đó là nhờ vào tất cả những điều khả dĩ và cần thiết mà chúng ta đã làm để cho tương lai thực sự được là như thế, cho những gì tùy thuộc vào chúng ta.

 

 

Chú thích:

1.Karl Kraus, “Der Vogel, der sein eigenes Nest beschmutz” (Con chim làm ô uế cái tổ của mình), Die Fackel, Vienna, th. 6 - 1928, tr. 5.

2.“Science et rationalité” (Khoa học và lý tính), trong Raison & Liberté (Lý trí và Tự do), nxb Agone, Marseille, 2010, tr.198.

3.George Orwell, Essais, articles et lettres, Ivrea, Paris, tập 2, 1996, tr. 323.

4.Noam Chomsky, “Pour la défense du mouvement étudiant” (Biện hộ cho phong trào sinh viên) (1971), in lại trong Raison & Liberté, tr. 339.

5.Georg Henrik von Wright (1916 - 2003), nhà triết học Phần Lan, người kế tục Wittgenstein tại đại học Cambridge. Vào những năm cuối đời ông đã công kích “ huyền thoại của sự tiến bộ” trong tác phẩm Le Mythe du progress, Philippe Quesne dịch từ nguyên tác Thụy điển sang Pháp ngữ, nxb L’Arche, Paris, 2000, tr.194.
Chân Phương
Số lần đọc: 2286
Ngày đăng: 03.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông & Giấy, Tuyển Tập Thơ của 30 Tác giả - Mang Viên Long
Ra mắt tập sách “Nguyễn Văn Xuân – Một người Quảng Nam” - Trần Trung Sáng
Sợi nhớ vô hình quấn theo - Lâm Xuân Vi
Người Rót Biển Vào Chai Với Nỗi Cô Đơn Tuyệt Đỉnh - Lê Khánh Mai
Thúy Liên nhọc nhằn và hạnh phúc - Nguyễn Hòa vcv
Sầu Rụng Thành Hoa,Tập Thơ Nguyên Cẩn - Mang Viên Long
Thao Thức Tình Yêu Đồng Bằng - Trần Hữu Dũng
Nhà Văn Và Lịch Sử - Đỗ Ngọc Thạch
“Những Người Lính Thợ” - câu chuyện không thể bị lãng quên - Trần Trung Sáng
Nhận Diện Phùng Văn Khai Từ Phác Họa Các Chân Dung Văn Học - Trần Thị Ngọc Lan
Cùng một tác giả
Erotica (thơ)
Bờ Nước Đục (truyện ngắn)