Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
671
116.543.275
 
mây trôi
Nguyên Minh

Tặng Trịnh Công Sơn

 

1.

 

Một buổi chiều tà, Hữu và tôi ngồi trước sân nhà, nhìn những lá me tây vàng rơi rụng xuống mặt đường nhựa, nhẹ nhàng, lả lướt, cuối cùng nằm lưa thưa đâu đó, hai đứa tôi uống cà phê Hữu tự pha, hút điếu thuốc phà khói lên không, những vòng khói tròn nhỏ rồi lan rộng, mong manh và biến mất. Tiếp tục những vòng khói khác. Tiếp mãi. Tiếp mãi. Thèm nghe một giọng hát cao vút và lả lướt. Tôi vội lên gác mang xuống chiếc máy quay đĩa cho chạy những bản nhạc của Ban Thăng Long và Thái Thanh. Âm thanh khe khẽ vừa đủ nghe. Hai đứa bạn thân từ hồi còn học ở Huế, cùng ham mê văn chương chữ nghĩa, cùng ở một nhóm văn nghệ. Cùng học một trường Sư phạm Qui Nhơn, ra trường  nhận nhiệm sở cùng một tỉnh. Đúng vào nơi tôi đã sinh ra, lớn lên đến 17 tuổi tôi mới rời xa, về Huế – quê nội của tôi – tiếp tục học trung học đệ nhị cấp. Khi nhìn lên bảng phân bổ các giáo viên của nhà trường có kẻ vui người buồn. Vui vì được trở về dạy học tại quê hương mình. Buồn vì bị đến một tỉnh thành thật xa lạ. Có những nơi chiến tranh rình mò chết chóc. Cầm sự vụ lệnh trong tay, cứ xem mãi tên tỉnh lỵ mình sẽ làm việc. Một tỉnh lỵ nhỏ nhất của miền Nam. Trở về lại nơi tôi đã bỏ đi. Trở lại căn nhà tôi đã từng sống với cha mẹ, anh em. Mẹ tôi đã mất khi tôi còn học ở Huế. Anh Phú bỏ nhà ra đi vào chiến khu. Ngân, em gái tôi theo chồng làm việc ở Nha Trang. Chị Mai lấy chồng sĩ quan ở Huế. Nói tóm lại căn nhà cũ chỉ còn ba tôi sau bao nhiêu lần tù tội, bị trục xuất về Huế, trở về sống với những ngày tàn bệnh hoạn. Chỉ còn chị Hồng, từ nhỏ đến lớn chẳng bỏ đi đâu, vẫn ở đấy, trong căn phòng nhỏ đầy kỷ niệm của mẹ tôi. Chị làm việc ở toà hành chánh tỉnh. Tuổi thanh xuân của chị buồn tẻ bên cạnh người cha bệnh hoạn khó tính. Khi chị thấy tôi xách va ly trở về chị vui hẳn lên. Ít ra cũng có người thân chia sẻ với chị những nỗi niềm buồn phiền do ba tôi gây nên hàng ngày. Để có một chỗ ở thoải mái, độc lập, tôi cất ở nhà sau một căn gác nhỏ. Giang sơn của tôi. Ba tôi chỉ chống gậy để bước từng bước một, cùng lắm chỉ vào phòng chị Hồng mà thôi. Ông chỉ đứng dưới cầu thang mà gọi tôi khi có việc cần. Ba tôi không bước lên nổi để nhìn cách trang trí cũng như sắp xếp chỗ ngủ, bàn làm việc của tôi. Ít nhất tôi cũng có một khoảng riêng để thở, để suy nghĩ, và để yêu. Ba tôi đã chết đi trong cơn đau dằn xé rách nát hai buồng phổi, mới đó cũng qua 49 ngày. Mối tình của tôi và T. cũng vừa tan vở. Nỗi đau chưa kịp lành vết.

 

Hữu bỗng nhiên gợi ý:

- Sao bọn mình không lập một quán cà phê cho vui!.

Tôi tán thành ngay. Địa điểm là nhà tôi. Ngôi nhà rộng rãi tọa lạc trên một con đường ngắn, hai bên toàn những cây me tây cổ thụ, vươn lên cao, tỏa cành lá xum xuê, đâu ngọn lại, những ánh sáng buổi trưa xuyên qua kẽ hở của cành lá, chiếu xuống mặt đường nhựa bóng láng những đốm sáng như bóng lá vàng nhỏ li ti nằm rải rác. Con đường vắng người qua lại. Con đường này chỉ dành cho những cặp tình nhân dạo bộ. Con đường dẫn tôi hằng đêm ngang qua ngôi chùa T. đã từng sống trong đó. Bây giờ chúng tôi sẽ mở một quán cà phê văn nghệ.

 

Quán lập ra do bốn người. Thành, Hữu, tôi và chị Hồng. Mở cửa từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Quán được đặt tên: TAO NHÂN. Chị Hồng phụ trách dưới bếp. Hữu chuyên pha cà phê.. Tôi phụ trách về âm nhạc cho quán. Ngoài ra, cả ba chúng tôi đều là những chiêu đãi viên .

 

Từ lúc Hữu đề nghị mở quán đến ngày khai trương chỉ trong vòng một tuần lễ. Trước hết chị em tôi thắp nhang xin ba tôi cho dọn bàn thờ xuống gian nhà sau,  đập bức vách ngăn giữa phòng khách và phòng ba tôi, nối tiếp nhau thành một gian nhà rộng rãi. Bốn vách tường được quét vôi lấp đi vết tích hoen ố của thời gian. Quét lên vài lớp vôi màu hồng như làm mới lại cuộc sống. Những bản sao tranh của Van Goh, Gaughin, được lồng vào khung kính treo rải rác quanh tường. Chị Hồng ngắm nghía gật đầu, lưỡng lự giây lát mới thốt lên:

- Giá treo thêm Rừng thu, không khí quán ấm cúng, tình tư hơn.

Tôi phản ứng như bị điện giật:

- Vừa thôi chứ! Một chút riêng tôi còn phải giữ.

 

Đó không phải bức tranh, một tấm ảnh màu nghệ thuật của một nhiếp ảnh gia nước ngoài được in trang phụ bản báo Time. Tôi lồng vào kính treo trên tường đối diện với chiếc bàn làm việc. “Rừng thu”, tên T. đặt. Nhìn tấm ảnh nhiều lần tôi cứ ngỡ tấm ảnh tôi và T. chụp trong khu rừng mùa thu. Bức ảnh chụp một chàng thanh niên đứng thẳng người dựa vào một thân cây vươn cao và một người con gái mặc váy gục đầu vào vai chàng. Đôi mắt người thanh niên  nhìn xa vời tận một phương trời nào đó. Dưới chân họ đầy những xác lá vàng,   loang lổ. Bức ảnh màu sắc mơ hồ như một bức tranh vẽ.

 

Trần nhà được thiết kế thêm một trần giả, nền màu xanh thẫm, chung quanh đặt những ngọn đèn, chiếu thẳng vào những bức tranh. Bốn góc trên trần nhà được gắn bốn thùng loa tỏa những âm thanh rải đều khắp quán. Khách ngẩn ngơ không nhận ra âm thanh êm đềm của giọng ca, tiếng đàn phát ra từ đâu. Hữu lo bàn ghế trong quán.  Từng cặp ghế đâu lưng vào nhau, cao quá đầu, như những tấm vách ngăn thành từng ô nhỏ, một chút riêng tư cho cả bốn người ngồi.

 

Cửa vào quán, như cổng tam quan. Một rừng tre. Những thân tre thẳng tắp đã được phết lên dầu bóng để giữ được màu, san sát bên nhau đóng cứng vào vách tường. Trên khung cửa chính những thân tre uống cong lại và đâu cành lại với nhau như một vòm tre ở hai bên đường làng. Phải rồi, tôi nhớ ra hình ảnh của quê Hữu, làng Vân Dương, cách Đập Đá ở Huế không bao xa. Mỗi lần lũ chúng tôi, bạn bè năm bảy đứa cùng học một trường, rủ nhau đến nhà Hữu, để chỉ được đi dưới bóng mát của hai hàng tre mọc hai bên đường làng. Nhìn lên trời chỉ thấy một màu xanh của cành lá đâu lại đương vào nhau, dù chỉ một khoảng ngắn, báo trước sắp đến nhà của Hữu. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, Hữu gắn vào đây. Chị Hồng chưa bao giờ bước chân về Huế – quê nội của chúng tôi – chị chưa được cái cảm giác mênh mang đi dưới hàng tre mà làng quê nào ở Huế cũng thường có. Thế mà chị cũng thốt lên được khi chỉ vào “rừng tre” của Hữu:

-  Nhìn nó cũng thấy lòng bâng khuâng.

 

Từ khi chị chỉ là cô gái hai mươi tuổi, trong căn nhà này, không khí lúc nào cũng u ám, buồn phiền. Ngày tám tiếng chị đi làm công chức và tìm nguồn vui ở công sở mặc dù ở đó nhàm chán. Về đến nhà, nhốt mình trong căn phòng ngày trước là của mẹ tôi, như tìm một sự êm ái, hơi hám của mẹ để lại, để lòng chị ấm hơn. Chị đâu biết tâm sự với ai, cho tới ngày tôi trở về.  Khi ba tôi chết, tôi muốn căn nhà này là cõi mộng. Chị gọi Hữu:

- Hữu và Thành ra sân sau, mang những chậu hoa hồng nhung, tường vi, hoa sứ, hoa dạ lý hương ra chưng dọc hành lang của quán.

Làm theo ý chị, nhưng lại thắc mắc, hỏi lại:

- Trước khi khách vào quán, nhìn những cánh hoa đẹp, lại thoang thoảng mùi hương, như dẫn khách vào động hoa vàng. Nhưng đặt ở đây, chỉ một đêm sáng mai dậy chẳng còn chậu hoa nào. Nó khiêng mất.

Chị cười:

- Ai bảo thế. Chỉ khiêng ra trước khi quán mở cửa. Và cất lại lúc quán sắp đóng cửa. Chỉ khổ cho các cậu thôi.

 

Khách đi ngang qua, thấy những hàng chậu hoa chưng hai bên cổng biết giờ quán mở cửa. Đến khuya thấy chúng tôi lục đục khiêng những chậu hoa vào nhà sau, như nhắc chừng đã đến lúc khách phải ra về.

 

2.

 

Ngày khai trương và suốt một tuần sau đó, quán không còn chỗ cho khách. Lúc đầu ai cũng đến vì hiếu kỳ. Thời ấy tại thị xã bé nhỏ mà phố xá chỉ là một con đường độc nhất, mọc lên một quán cà phê văn nghệ của chúng tôi là một điều lạ.

 

Khách đến ban đầu là những đồng nghiệp của bốn người. Sau đó lan rộng như vết dầu loang. Họ là những học sinh trung học đệ nhị cấp, những y bác sĩ, những cô giáo, thầy giáo, những viên chức của các công sở. Tất cả đều trẻ thuộc thế hệ chúng tôi, và thường là những người từ tỉnh xa chuyển đến.

Không khí trong quán ấm cúng, tiếng nhạc du dương, thích hợp cho đôi tình nhân trẻ. Cô bé là một nữ sinh mang họ Công Tằng Tôn Nữ… Tuổi mới lớn. Vai gầy. Dáng mảnh khảnh. Cậu con trai, mặt còn non chẹt, nhưng cố làm ra vẻ chững chạc, lõi đời. Hình như  họ học cùng một trường. Hai cô cậu vẫn thường ngồi ở một góc quán vào tối thứ bảy. Cô bé đến trước, cậu con trai đến sau. Như biết ý, Hữu mang đến hai ly nước cam tươi. Họ ngồi với nhau suốt cả buổi tối cho tới khi quán chuẩn bị đóng cửa. Nhiều lần như thế thành  thói quen. Và tôi để những bản  Dư âm, Suối tóc, Tà áo xanh, Người đưa thư v.v… như những ngày T. đến thăm tôi, hai đứa vẫn ngồi bên nhau, tiếng hát Thúy Nga, Thanh Thúy rồi Khánh Ly, Lệ Thu trầm buồn đưa tâm hồn hai đứa tôi xích lại gần nhau hơn. Khi cô bé ấy, vào tối thứ bảy không đến, cũng như lâu rồi T. vắng bóng, tôi chạnh lòng giây lát. Cậu con trai cũng bặt tăm. Nửa năm sau mới biết mối tình học trò ấy tan vỡ. Cô gái nghỉ học và đi lấy chồng theo quyết định của cha mẹ. Cậu con trai bỏ quê hương đi biệt xứ.  T. đã thôi học, trở về quê sống với mẹ cha. Còn tôi, mở quán cà phê hình như để chỉ lấp nỗi buồn hay tạo cơ hội cho cuộc tình những người xa lạ sinh sôi nảy nở, tôi lại bồi đắp lên, cứ tưởng chuyện tình của mình  đang nở hoa.

 

Trong những người khách đến quán vừa thích nghe nhạc vừa hạp gu cà phê, có một người con gái cùng lứa tuổi chúng tôi đã để lại một ấn tượng khó quên. Nàng tên  Vân Phi. Người con gái dáng mảnh khảnh, mắt mí lót, tóc đen mướt xõa quá lưng. Nàng có một giọng ca trầm trầm, ấm áp. Hình ảnh Vân Phi thời còn đi học chung với chúng tôi ở trung học đệ nhị cấp. Nàng là một trong những người nữ sinh duyên dáng đã từng làm biết bao cậu học sinh cùng lứa tuổi phải thẫn thờ. Đã vậy nàng còn là  huynh trưởng Gia đình Phật tử, mỗi sáng chủ nhật nàng dịu hiền trong chiếc áo dài màu lam, nắm tay các em nhỏ cùng vui ca, nhảy múa. Trong những ngày Phật đản, trăng sáng tỏa khắp sân chùa, các tín hữu cũng như khách thập phương, lòng nhẹ nhàng thanh thoát lâng lâng trong tiếng hát từ trên sân khấu vọng xuống của người con gái ấy.

 

Trong vở kịch Quan Âm Thị Kính, nàng thủ vai Phật Bà, thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu với khuôn mặt trong sáng và thánh thiện. Hình ảnh Vân Phi để lại trong tôi của thời thanh xuân là như thế. Tôi xa thị trấn bé nhỏ này rồi tôi cũng quên đi. Ngày trở về, trong một lần họp giáo viên trong tỉnh tôi mới gặp lại Vân Phi. Cô là đồng nghiệp với chúng tôi. Cô dạy ở một trường rất xa thị xã, nơi ấy là vùng dân tộc. Bẵng đi mấy năm tôi không gặp.

 

Lần gặp nhau này tôi ngỡ ngàng, không biết thật hay hư. Chẳng lẽ đang đứng trước mặt tôi là người con gái dịu hiền năm xưa, dáng yếu đuối, xanh xao mang vẻ đẹp liêu trai. Người con gái, giờ đây, mặt trét đầy phấn trắng nham nhở, môi như sưng vù bầm máu, tóc dựng lông nhím, mặc chiếc quần tây bằng kaki vàng bạc màu và hai đầu gối vá hai miếng vải đậm màu, cùng chiếc áo thun đỏ hở nách ôm sát thân thể nàng. Bộ ngực căng đầy sức sống. Tôi tưởng nàng đang cải trang đóng vai bụi đời trong vở kịch nào đó, sân khấu là quán cà phê, diễn viên và khán giả lẫn lộn bên nhau. Cô nàng tự động mở cửa quán bước vào, theo sau năm sáu gã con trai mới lớn ăn mặc lôi thôi, xốc xếch, có kẻ còn mặc áo thun hở nách, cô nàng ngồi vào một góc quán, còn đám thanh niên đến ngồi giữa quán. Tôi đang mở máy hát. Tiếng kèn đồng tha thiết trong bài To night. Vừa từ nhà sau đi lên, tôi bỗng nghe tiếng huýt gió, rồi tiếng búng tay, giọng nói ngổ ngáo:

- Ê! Chủ quán đâu?

Tôi đi về hướng có tiếng gọi ngang qua đám thanh niên đưa ngón tay ra dấu tôi phải gặp ai.

Người con gái đang quay mặt vào vách tường. Tôi hỏi giọng nhẹ nhàng:

- Xin lỗi, cô dùng gì?

Giọng người con gái khàn khàn và cay cú:

-  Nghe quán mới mở. Nói chủ quán ra đây?

-  Tôi đây. Chủ quán đây.

Tôi vẫn đứng thẳng người. Cô nàng quay mặt lại. Tôi tưởng cô đang đùa với tôi sau bao nhiêu năm gặp lại. Tôi nhìn chăm bẳm rồi buột miệng:

- Phật Bà Quan Âm!

Cô nàng cười ngất ngưởng:

- Tưởng ai xa lạ. Té ra ông bạn thời xa xưa. Hết Phật Bà rồi giờ thành nữ tặc.

“Nữ tặc”. Cách đây một tuần lễ, vài người khách hỏi chúng tôi: “Quán Tao nhân nữ tặc đã đến thăm chưa?” Tôi lắc đầu. Và tôi đợi chờ. Một vài câu chuyện về “Nữ tặc” đã được thêu dệt. Mỗi người kể khác nhau nhưng chung qui Nữ tặc là một cô gái người địa phương sống thác loạn, thường phá phách các quán xá.

 

Trong lúc mọi thiếu nữ trong thị trấn bé nhỏ này chưa ai dám mặc quần ngắn quá gối, áo ngắn hở tay, chỉ trừ những khách vãng lai, từ thủ đô Sài Gòn ghé ngang còn mặc váy đầm, hoặc bó sát thân hình bằng quần jean áo thun, thì “nữ tặc” ngồi trong quán nước, dựa lưng vào vách tường, phì phà điếu thuốc, mắt lim dim, gác hai chân lên chiếc ghế đẩu thấp, đưa cả cặp giò trắng trẻo giữa đám khách đàn ông đang ngồi uống bia.

 

Những thanh niên ngồi cạnh bàn liếc mắt nhìn “nữ tặc” cười nói lả lơi. “Nữ tặc” búng tay một cái “tách” và gằn giọng: “Giỡn mặt hả”. Thế là một tốp con trai mới lớn ngồi đâu ở một góc quán đứng phắt dậy, xô ngã bàn ghế làm chai, ly rơi xuống thềm nhà kêu loảng xoảng, áo bạch ngực lộ ra những hình xâm sọ người có hai khúc xương chéo ngang, hùng hổ tiến đến, hất hàm: “Tụi bây nhìn cái gì?” Khách trong quán lẳng lặng bỏ đi. Chủ quán chỉ biết dọn dẹp sạch sẽ, và sau đó chẳng ai muốn vào quán đó nữa.

 

Như biết được những ý nghĩ tôi đang có trong đầu, Nữ tặc nói:

- Đời chán thấy mẹ. Tôi đã bỏ dạy. Nạp đơn xin nghỉ. Trưởng Ty hỏi bỏ việc rồi làm gì? Làm nữ tặc. Trưởng Ty vội vàng phê ngay trong đơn: Chấp nhận, đương sự bị khủng hoảng tinh thần. Vào chùa trả lại áo lam, vẫy tay chào các em oanh vũ. Trưởng đoàn GĐPT động viên. Cô đi dạy xa, chủ nhật nghỉ có dịp về thị xã đến chùa sinh hoạt cho vui. Tôi nói, thôi vậy, cho em xin. Ông thấy tôi đâu muốn làm ô danh nghề nghiệp. Tôi cởi áo đạo mạo giả tạo ra rồi.”

Ngừng một lát, “nữ tặc” hỏi tôi:

- Ông trả lời tôi xem cái lược dùng để làm gì?

- Để chải tóc cho suông”

- Thôi hả?”

Nữ tặc rút trong túi quần chiếc lược nhỏ đưa lên đầu với một động tác nhanh nhẹn cầm lược đánh rối tóc làm tóc phùng lên:

Chẳng lẽ cái lược chỉ làm suông tóc. Chẳng lẽ mái tóc đẹp chỉ là thế. Cái lược sẽ làm ngược lại chứ. Và mái tóc rối phùng cũng đẹp chứ. Đó ông thấy tóc sư tử giống mấy cô ca sĩ Sài Gòn chưa?”.

 

Tôi cười thích thú:

- Ừ nhỉ, cũng đúng.

Tôi hỏi nhỏ như với một cô bạn thân:

- Phi uống gì?

- Ông rảnh không? Ngồi xuống đây. Cà phê nhé.

Nữ tặc ra dấu cho đàn em giải tán và còn dặn thêm:

- Tụi bây tuyệt đối không được gây sự ở đây nghe.

- Dạ, dạ.

- Rút êm.

Quay qua tôi:

- Ông cho hai tách cà phê đen không đường và mấy điếu capstan”.

- Tôi uống rồi, mà cà phê sữa cơ.

Nữ tặc cười thành tiếng:

- Ai bảo với ông là tôi mời ông, hai phin một lượt tôi uống mới đã.

Tôi ngồi đối diện với “Nữ tặc” nhìn người thiếu nữ tay cầm điếu thuốc đưa lên môi, khói từ mũi bay ra từng cụm tròn lên không và tan dần. Đôi mắt nàng lim dim như đang nghĩ về một nơi nào đó. Phin cà phê đã cạn, cái tách trắng chứa một ít nước đen ngòm và sền sệt loáng trên mặt một màng bơ mỏng, “Nữ tặc” đưa lên môi nhấp từng tí một như cụ già sáng mai thức thật sớm ngồi nhấp từng cụm nước trà tàu trong chiếc bình độc ẩm nhỏ xíu bằng đất nung. “Nữ tặc” yêu cầu tôi để những bản nhạc do Thái Thanh, Anh Ngọc hát và nàng hát theo thật khẽ.

Nữ tặc hỏi tôi:

- Đàn ông khi thất tình, làm gì?

Tôi cười không trả lời nhưng tôi nhớ lại cảnh những đêm khuya, tôi lang thang khắp phố phường, đưa chân đá mạnh vào những thùng rác trên đường, hoặc vài con chó đang ngái ngủ để nó thức dậy và sủa inh ỏi phá tan sự yên tĩnh chung quanh mình, như trút bớt nỗi giận hờn vô cớ đã nằm sẵn đâu đó trong tâm can. Có khi tôi rủ một tên bạn thân đến một quán cóc bên đường, định tâm sự với hắn về người tình đã bỏ đi xa, nhưng hắn mặt vẫn dửng dưng như không muốn nghe, buồn quá nên uống rượu, không như mọi lần vui chơi với bạn bè cả mươi chung rượu ăn thua gì, thế mà trong cơn thất tình chỉ một chung đã say để gọi thành tiếng dù rất nhỏ: T. ơi! Rồi gục đầu xuống bàn, cuối cùng tên bạn phải dìu tôi về.

 

Nữ tặc tự trả lời:

- Nhi nữ thường tình chỉ âm thầm biết khóc. Còn tôi khi người tình đã tử trận, tôi phải làm sao?

Khi nghe tin Tân, bạn thân tôi mới chết, tôi phải chạy một mạch ra bờ đê, đứng trên đó nhìn xuống giòng nước chảy cuồn cuộn của con sông Dinh, giang hai tay lên trời, miệng gào to đến khàn cả cổ: Tân ơi! Tân ơi! Nuốt nước mắt, chấp nhận thương đau. Phản ứng khi mất bạn bè thân thích mỗi người có thể khác nhau. Có người đập phá mọi đồ vật quanh mình. Có người đánh bất cứ ai. Để trút cơn đau, lại có kẻ đòi trả thù. Tôi định hỏi Vân Phi: “Bà làm nữ tặc để phản kháng lại những gì mình đã mất mát sao?” nhưng tôi lại câm miệng.

 

3.

 

Ba người bạn ngồi bàn sát thành lan can của nhà thủy tạ. Ba cốc rượu Martin, uống từng hớp một cho ấm lòng, trời lạnh như cắt, hơi nước từ hồ Xuân Hương theo gió hắt vào người làm run rẩy thân thể, rồi luồn vào tâm can. Đã bốn năm rồi từ ngày ra trường Sư phạm Qui Nhơn, bây giờ trong một tình cờ chúng tôi mới gặp được nhau. Hai người bạn đều mang tên chữ Sơn. Một người họ Trần nhưng khi làm thơ lấy bút hiệu Chu Sơn, anh khoác trên người thêm chiếc pardessus bằng vải dù màu xám, mái tóc dài bồng bềnh. Một người, trong giấy khai sanh, khi đặt nhạc, khi cầm chiếc đàn guitar hát cho mọi người nghe, vẫn luôn mang tên thật của mình: Trịnh Công Sơn. Vẫn như những ngày ở Huế, ở Qui Nhơn, anh vẫn đội lên đầu chiếc mũ bêrê nâu, choàng chiếc áo vét đen đã bạc màu, dính đầy bụi phong trần. Tôi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn trước khi quen anh. Những tháng ngày mùa đông xứ Huế, mưa dầm liên miên, nỗi buồn bơ vơ của tôi như những giọt mưa còn đọng nơi mi mắt. Trong  buổi tiệc cưới người anh họ, nơi gian nhà nhỏ, chỉ một chiếc bàn dài, và cũng toàn những người bạn cùng trang lứa, tôi nghe được bài Ướt Mi, do một chàng thanh niên bằng tuổi tôi: hai mươi. Anh cũng nhỏ người như tôi, cũng gầy ốm như tôi. Anh hát với giọng trầm. Hỏi ra đó là Trịnh Quang Hà, em kế của chàng nhạc sĩ tác giả bài hát. Sau đó vài tháng, tình cờ nghe đài phát thanh Sài Gòn một giọng ca nữ, giọng trầm rất truyền cảm: Thanh Thúy. Tôi cũng hát theo và thuộc một vài câu mà tôi thích: “Ngoài hiên mưa rơi rơi. Lòng ai đang chơi vơi… Mưa kéo dài lê thê những đêm lạnh ướt mi.”. Tôi thích, tôi thấy hay vì hạp với tâm trạng của tôi trong những ngày thanh xuân ở Huế. Trước đó tôi thường xúc động khi nghe Bạch Yến gởi hồn mình để cất tiếng hát, bài Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương. Cũng như Giọt Mưa Thu thánh thót qua giọng ca tuyệt vời của Thái Thanh. Giờ đây trong tôi còn có thêm Ướt Mi của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát trầm buồn của Thanh Thúy.

Hằng năm đến Tết trường Sư phạm đều có buổi trình diễn văn nghệ ở nhà hát lớn nhất Qui Nhơn là rạp Kim Khánh. Để đêm diễn được thành công, chúng tôi thường phải tập dợt những mục mình đảm trách. Tôi đóng một vai phụ trong vở kịch thơ: Người điên giữa kinh thành của Vũ Hân. Sơn điều khiển bản hợp xướng: Dã Tràng Ca do anh sáng tác. Trong dịp ấy tôi mới quen Trịnh Công Sơn. Tôi nói với anh: “Nghe bài Ướt Mi tôi tưởng tượng ông già lắm. Hóa ra chàng rất trẻ.” – “Cũng vậy thôi,  đọc văn ông trên tuần báo văn học Ngàn Khơi ai nghĩ ra chàng cũng trẻ như tôi.” Lúc bấy giờ tuổi chúng tôi chỉ trên hai mươi.

 

Chia tay nhau, mỗi người mỗi ngả trên khắp miền đất nước nhưng tôi vẫn nhớ về Sơn. Đó là hình ảnh một chàng nhạc sĩ, tóc bồng bềnh, mang chiếc kính cận, đôi mắt sáng tròng đen là màu hạt dẻ, chiếc áo vét đen phong trần, đầu đội mũ bêrê nâu, đứng ở một góc sân khấu quay lưng về phía khán giả, cầm chiếc que nhạc trưởng hai tay đánh nhịp say sưa, đầu gật theo tiếng nhạc, và mái tóc rủ xuống quá trán, đang điều khiển ban hợp xướng gồm cả mấy chục người vừa nam vừa nữ đứng sát cạnh nhau, hai hàng, chật cả sân khấu, mắt họ đều nhìn về phía chàng nhạc trưởng và hồn họ cũng theo từng nét mặt trầm lắng mà hòa điệu: “Dã tràng xe cát biển đông…” Và tiếng trống ai đánh vang rền, dồn dập như tiếng sóng gầm trong cơn bão biển vào đầu bài hợp xướng. Tiếng trống ấy thưa dần, nhỏ dần rồi biến mất vào đoạn cuối bản hợp xướng.

Chu Sơn cho tôi biết cả hai bạn đều đã bỏ nghề. Còn tôi cũng mang ý định ngày nào đó không xa tôi cũng giã từ đám trẻ con để vào Sài Gòn làm báo viết văn. Trịnh Công Sơn kể cho tôi nghe những buổi du ca cùng với sinh viên các trường Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt. Một mình với cây đàn ghi-ta hát một lượt đến mười bài không thấy mệt. Trong tiếng vỗ tay cổ vũ, cũng như vỗ nhịp của tuổi trẻ làm anh phấn khởi thêm. Đêm hôm qua trong khuôn viên trường Đại học Đà Lạt, trong ánh sáng bập bùng của lửa trại, Sơn cùng tuổi trẻ, chia sẻ nhau những khổ đau mất mát của chiến tranh, những khát vọng về hòa bình bằng tiếng hát, tiếng đàn đệm ghi-ta của Sơn trong Ca Khúc Da Vàng anh mới sáng tác, làm tăng thêm bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.

Tôi cho hai bạn biết về quán Tao Nhân chúng tôi. Hữu và Thành cũng là bạn học cùng lớp với Sơn. Và khách đến quán chỉ toàn những người mê nhạc. Sơn hỏi về quê tôi, vì Sơn đã đi nhiều nơi trên khắp đất nước nhưng cái thị xã Phan Rang nhỏ bé Sơn chưa dừng chân. Tôi tả cho Sơn nghe về bãi biển Ninh Chữ, cát trắng mịn màng, sạch sẽ, cùng màu xanh thẫm của biển, cùng sóng vỗ rì rào, cùng những hàng dương trơ lên những rễ cằn cỗi trên mặt cát. Bãi biển ở Gềnh Ráng Qui Nhơn đã làm Sơn sáng tác được Biển Nhớ. Về Trường ca Dã Tràng, Sơn kể lại: Một lần trong phòng tắm ở cư xá nhà trường, buổi sáng rất sớm tình cờ nghe tiếng sóng vỗ rì rào vào những ghềnh đá, vào bờ cát trắng từ xa vọng lại. Sơn liên tưởng đến những gì sóng sẽ kéo theo ra biển, phải chăng những vết chân còn để lại dọc theo bờ cát ướt của chính mình lang thang trong những buổi tinh sương một mình ra biển để nhìn mặt trời mọc. Phải chăng sóng đã mang ra xa những tượng đài cát mình đã xây chơi trong những buổi tắm biển. Phải chăng sóng đã kéo ra biển những gì mà dã tràng đã se cát. Trong Sơn dạt dào một tình cảm đang dâng lên như sóng biển, và Trường ca Dã Tràng được hình thành ngay lúc ấy.

 

Trịnh Công Sơn nói với Chu Sơn:

- Hay bọn mình kéo nhau xuống Phan Rang, làm một đêm Ca Khúc Da Vàng đi.

Chu Sơn dè dặt hỏi tôi:

-  Có bảo đảm an ninh cho Sơn không? Tại các trường Đại học có cả một lực lượng sinh viên bảo vệ. Còn quán ông có ai?

 

Tôi cười thành thật trả lời:

- Chỉ có những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi tưởng Trịnh Công Sơn sẽ bỏ ý định đó, nhưng không ngờ anh từ tốn nói:

- Chưa bao giờ mình tự hát Ca Khúc Da Vàng trong một quán cà phê. Thử xem, cảm giác ra sao?

 

Chúng tôi hẹn nhau, hai hôm sau Chu Sơn có trách nhiệm hướng dẫn Trịnh Công Sơn xuống Phan Rang tìm 11 Nguyễn Thái Học, hay hỏi ai đó về quán Tao Nhân. Tôi về trước để chuẩn bị đêm hát cho Sơn.

 

Tôi báo cho Hữu, Thành, chị Hồng tin Trịnh Công Sơn sẽ hát Ca Khúc Da Vàng tại quán Tao Nhân. Mọi người phấn khởi và bàn nhau về sự an toàn cho đêm hát. Hữu lên gác tôi mở cánh của hong gió sát trần nhà bắc sẵn một chiếc cầu ván sang nhà lầu bên cạnh của người hàng xóm thân với nhà tôi. Năm lụt Nhâm Thìn cả nhà tôi đều theo kiểu này lánh nạn qua bên nhà đó. Thành lo dọn trống một góc quán để làm sân khấu nhỏ. Tôi gắn micro vào ampli thử tiếng và bỏ sẵn cuộn băng trống để thu lại tiếng hát. Chị Hồng chạy ra chợ đến hàng bán hoa từ Đà Lạt chuyển về đặt trước những bó hoa hồng. Còn khách đến nghe là bạn bè của chúng tôi được mời bằng cách rỉ tai.

 

Bảy giờ mới bắt đầu cuộc diễn. Theo giờ hẹn trước Sơn sẽ đến lúc 3 giờ, trong 4 tiếng đồng hồ đó đủ cho tôi dẫn Sơn và các bạn về biển Ninh Chữ. Tôi biết Sơn rất mê biển. Hữu xách đàn ghi-ta từ phòng trọ lại. Trời tối hẳn và khách đã vào chỗ ngồi. Hữu bảo nhỏ tôi:

- Nếu không có TCS chắc tao cầm đàn hát thế. Không phải Ca Khúc Da Vàng vì chưa nghe đến. Thôi những bản tình ca của TCS vậy.

 

Còn khách mời đến nghĩ chắc chúng tôi đùa. Bạn bè cả.

Trong lúc chúng tôi đang luống cuống, Sơn cùng ba người bạn chúng tôi đều quen, đi chiếc xe “con cóc” dừng lại trước quán. Hỏi ra mới biết theo yêu cầu của Sơn, lâu quá nhớ biển, các bạn đã xuống từ 3 giờ, nhưng lại kéo nhau xuống Ninh Chữ, tắm cho đã. Như theo lời dặn của tôi, Sơn và các bạn vào quán cứ đi thẳng ra nhà sau, và lên căn gác của tôi, để khách không nhận ra.

 

Tôi đóng cửa lại. Phía trước không chưng hai hàng chậu hoa như mọi hôm. Khách thường, tưởng quán không mở bán. Hôm nay các bàn ghế được sắp xếp lại, tất cả đều quay ngược về trong. Khách chỉ uống nước ngọt mà thôi.

 

Hữu cầm micro giới thiệu, Sơn cầm cây đàn ghi-ta từ nhà sau bước lên chào khán giả. Mọi người ồ một tiếng như trút hết sự ngạc nhiên.  Một bàn dành riêng cho chủ quán bốn người cùng ba người bạn của Sơn. Trong ánh đèn dịu dàng như ánh trăng. Trong không khí ấm cúng như một gia đình, tiếng hát Sơn cất lên cùng tiếng đàn guitar Sơn tự đệm theo.

 

Tôi đứng dựa mình vào vách tường, cạnh cửa chính bằng gương trong suốt. Có tiếng gõ đều đều vào kính, tôi quay người lại và nhìn qua, chỉ thấy dáng dấp một người con gái. Tôi tưởng T. đến. Mở cửa, trước mặt tôi là “Nữ tặc” Vân Phi. Hôm nay nàng mặc chiếc áo dài tím.

“Nữ tặc” hỏi:

- Đêm nay làm gì không mở cửa bán. Bộ mấy ông đọc thơ chống chiến tranh, phải không?

Tôi ra dấu “Nữ tặc” phải im lặng. Tôi nói nhỏ:

- Không đọc thơ mà hát nhạc phản chiến. Phi vào đi, hôm nay tôi mời cô bạn ngày xưa nghe. Trịnh Công Sơn ca đó.”

- Đừng có xạo. Nữ tặc quậy đó.

-  Thôi vào đi cho tôi đóng cửa. Bộ không thấy gắn bảng xin lỗi nghĩ bán  tối nay đó sao?

- Thấy chứ. Nên về nhà mặc chiếc áo dài thời lãng mạn đến uống cà phê nghe nhạc với các ông đây.

 

Tôi nhắc nhở:

- Bà là khách không mời mà đến đấy nhé!

Không còn một chỗ ngồi nào, tôi đành dẫn “Nữ tặc” đến chiếc bàn dành riêng cho chúng tôi. Khách tỏ vẻ bực bội, phiền hà vì sự có mặt của “Nữ tặc” nhưng tiếng hát của Sơn làm họ quên đi rất nhanh.

 

Sơn hát như lời thầm thì tâm sự về nỗi đau của người con gái Việt Nam đã mất mát những người tình nơi chiến trường. Phải chăng đó cũng là nỗi sầu của Vân Phi.

Suốt hai tiếng đồng hồ Trịnh Công Sơn hát liên miên, từ bài này sang bài khác, không biết mệt. Giọng anh trầm buồn hạp với lời tâm sự nỉ non về thân phận con người Việt Nam da vàng đang đau khổ vì chiến tranh đã gây ra cảnh tang tóc cho mọi người, từ người già ngơ ngác trong tiếng đại bác, từ em bé lõa lồ, trong công viên những người điên ru con hai lần, từ lúc con lọt lòng, và khi con chết, những người con gái yêu quê hương như yêu đồng lúa chín nay ruộng đồng đã tan nát. Những trai tráng trong làng, trong thị thành, đều khoác áo lính và bỏ mình hoặc trở về nhà với thân tàn ma dại, chỉ còn một cánh tay, một bàn chân, đôi mắt mù lòa. Bao nhiêu cuộc tình tan nát, chia lìa. Từ đau khổ đó cuối cùng Trịnh Công Sơn rộn ràng với tiếng hát mơ một ngày hòa bình để được đi thăm Sài Gòn, Huế, Hà Nội, ba miền thương yêu nhau như bạn bè đã từng lăn lóc và nằm ngủ với nhau cùng một chăn chiếu. Mọi người trong quán đều xúc động, mắt cay đỏ hoe và tim bị thắt lại, không phải vì khói thuốc và không khí ngột ngạt mà vì Trịnh Công Sơn đã dồn những niềm đau của từng người thành một, chồng chất lên nhau, thành một nấm mồ. Sơn hát cho mọi người nghe mà như anh hát cho ai đó, những oan hồn của người chết đâu đó trên đất nước này đang lang thang trên các chiến trường, cũng lảng vảng quanh đây, bên tiếng đàn guitar của anh, trong con mắt anh như nhận ra có họ trước mặt, nên mắt anh lắng xuống và đón nhận.

 

Bài hát cuối cùng đã làm mọi người như nóng lên bầu nhiệt huyết, những tiếng vỗ tay từng nhịp và hát theo anh. Gia Tài Của Mẹ:…Dạy cho con tiếng nói thật thà...

Như một lời nhắn nhủ của chàng nhạc sĩ họ Trịnh đến chúng tôi.

 

4

 

Khách đã kéo nhau ra về với nỗi bàng hoàng. Mỗi người còn được quán Tao Nhân tặng một tập nhạc Ca Khúc Da Vàng có chữ ký của tác giả. Chỉ riêng “Nữ tặc” Vân Phi vẫn còn ngồi đó. Tôi đến nhắc nhưng Vân Phi yêu cầu được nói chuyện với Trịnh Công Sơn. Thấy tôi còn đang lưỡng lự, như đoán được ý nghĩ của tôi, Vân Phi nói nhỏ:

- Tôi không làm gì phiền đến các ông đâu!

 

Khi nhìn đôi mắt Vân Phi cũng ươn ướt như vừa mới viếng thăm một đám tang của người bạn thân, tôi mới đồng ý. Tôi lên gác chuyển lại với Sơn ý định đó của Vân Phi. Các bạn ngả mình lên chiếc giường của tôi, nghỉ ngơi sau một ngày mỏi mệt và nghĩ rằng Sơn cũng cần như thế. Sơn cười:

- Mình rất thích có dịp trực diện với người ái mộ mình.

 

Tôi dặn dò Sơn:

- Tôi xuống trước báo lại và để dọn bàn ghế như cũ chỉ một lát là xong, ông xuống thì vừa.”

Đèn trần bật sáng choang, các ngọn đèn mờ được tắt đi. Như sau một đêm diễn sân khấu còn bề bộn. Tôi chỉ chỗ cho Vân Phi, người khách duy nhất còn lại, ngồi đợi Sơn. Còn tôi cùng Hữu, Thành lo dọn dẹp nhà cửa. Chị Hồng lo rửa sạch ly tách. Hữu và Thành trở về nhà trọ và hẹn sáng thật sớm sẽ đến uống cà phê và tiễn Sơn đi.

 

Như qua một ngày mới, như quán vừa mới mở cửa bắt đầu cho một cuộc chơi khác. Tôi chỉ để một ngọn đèn trần mờ mờ đủ sáng như ánh trăng lưỡi liềm để Sơn tiếp người khách nữ chưa quen. Tôi lên gác nằm nói chuyện với Chu Sơn. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm những ngày ở Qui Nhơn cùng với các bạn khác giờ đã tản mác nơi đâu. Chu Sơn ngủ lúc nào tôi không hay và anh đã cất tiếng ngáy như sấm.

 

Tiếng hát trong đêm khuya, giọng trầm trầm, khàn khàn như ai vừa uống rượu say, như ai vừa hút thuốc quá nhiều còn đọng khói nơi cuống phổi, đưa hơi thở ra ngoài, như ai đã giữ trong lòng bấy nhiêu năm một nỗi hờn căm, giận đời, giận mình, bây giờ có dịp trào ra. Tiếng đàn ghi-ta tha thiết đệm theo. Tất cả âm thanh ấy dội lên từ quán Tao Nhân của tôi, những bản tình ca của Trịnh Công Sơn.

 

Tiếng hát buồn quá, nghẹn ngào, tiếc nuối, trông ngóng. Tôi ngồi dậy, châm một điếu thuốc. “Chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu…Ô hay mình vẫn cô liêu…” “Chiều một mình qua phố âm thầm nhắc đến tên em…” Hết bài hát này nối tiếp ngay bài khác. Tôi không thể ngờ người con gái mà cả thị trấn nhỏ bé này muốn dẫm nát nàng khi nàng muốn đứng dậy sau khi ngã gục xuống bên lề đường phố, lại có giọng ca truyền cảm như thế.

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…Chiều nay còn mưa sao em không lại. Nhớ mãi trong cơn đau vùi làm sao có nhau…” Tiếng hát của người đàn ông, quen thuộc. Đúng rồi. Của Sơn. Còn tiếng đàn, khẩy từng tiếng một, rồi dồn dập, rồi vấp váp, rồi liên tục. Không phải Sơn đàn, của Vân Phi.

 

Tôi dựa tay vào thành lan can, mắt nhìn lên bầu trời, chỉ còn ngôi sao mai lấp lánh trên nền xám nghịt. Tôi nhớ đến T. Cô gái vai gầy, khuôn mặt liêu trai hay đến thăm tôi vào những chiều mưa. Tôi thường để bản nhạc “Em đến thăm anh một chiều mưa” của Tô Vũ,  Thái Thanh hát mới trữ tình, cho T. nghe. Rồi bao nhiêu buổi chiều mưa sau đó, tôi cũng tự hỏi như Sơn: “Chiều nay còn mưa sao em không lại. Trong cơn đau vùi làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau…”

 

“Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn. Và “T. xưa” của tôi. Mấy cô gái Huế, một thời lãng mạn. Một buổi sáng mùa đông, ngủ dậy trễ, chàng đã thấy một cành hoa hồng ai gắn lên khung cửa sổ, trước thềm đặt một chiếc hộp như cuốn sách dầy bìa cứng. Mở nắp ra, con tim thắt lại, rồi ngỡ ngàng, một lọn tóc dài đánh con rít, một lọ nước hoa, một tấm ảnh nhỏ, một bài thơ ngắn. Ngơ ngẩn nhìn quanh. Người đã đi rồi. Ôi những người con gái liêu trai, đến rồi đi như một bóng ma. Khi mình nhận ra hạnh phúc,  nàng đã bay xa.

 

Tiếng hát Vân Phi và Trịnh Công Sơn trong những bản tình ca đã đưa tôi vào giấc ngủ từ lúc nào. Hình như có tiếng gọi rất nhỏ của T. vào cánh cửa phía dưới nhà: “Anh ơi! Mở cửa cho T. với.” Tôi vội ngồi dậy lần mò xuống cầu thang, đi thẳng một mạch đến cánh cửa chính, mở  ra chẳng thấy bóng dáng ai. Chập chờn trong giấc mơ. Tôi dụi mắt cho tỉnh lại. Tôi bước xuống cầu thang.

 

Khi ngang qua chiếc bàn đặt ở một góc quán, mới nhận ra, trên bàn có hai tách cà phê, một bình nước trà, một gạt tàn đầy tàn thuốc lá. Và tôi sửng sốt nhìn cô gái mà chúng tôi gọi là “Nữ tặc”, khuôn mặt, đôi mắt nhắm nghiền, mái tóc đen mượt mà, xõa dài xuống ngang vai, trở nên hiền thục. Nàng ngả đầu dựa vào góc tường. Hai tay khoanh lại. Tôi nhận ra khuôn mặt từ bi của Phật Bà Quan Âm. Người con trai đối diện, chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tay vẫn ôm cây đàn guitar, ngả người vào thành  ghế, đôi mắt, sau cặp kính trắng, khép lại, còn đôi môi chàng lại nhoẻn một nụ cười đôn hậu, như vừa làm xong một việc thiện.

 

5.

 

Ba mươi năm qua, những người lập quán Tao Nhân ngày xưa, giờ chỉ còn mình tôi. Thành đã hy sinh trong chiến trường Tây nguyên. Chị Hồng đã làm mồi cho cá mập trong lần vượt biên. Hữu chết đột ngột vì nhồi máu cơ tim.

 

Tôi vào sống ở Sài Gòn. Một vài lần gặp lại Trịnh Công Sơn. Anh nhắc lại kỷ niệm xưa và anh hỏi tôi:

- Cô ấy giờ ở đâu?

Tôi  hỏi lại:

- Cô nào?

- Cô Mây Trôi.

Tôi thật sự ngạc nhiên có quen ai tên đó. Sơn kể:

- Có vài lần ngang qua thị trấn đó, mình nhớ đến quán Tao Nhân xưa, nhớ đến cô gái đã hát cho mình nghe những bản tình ca của mình. Hồi đó mình hỏi tên, cô nói cứ gọi cô là Mây Trôi.

Té ra, Vân Phi của mọi người, còn Mây Trôi chỉ của Trịnh Công Sơn.

Ngày ấy, kể từ lúc tôi mở cửa cho “Nữ tặc” ra về, tôi mang máng nhận ra nàng đã trở lại thành người con gái dịu hiền năm xưa. Sau đó, nàng đã bỏ thị trấn nhỏ đầy thành kiến này, biệt tích giang hồ, đến một nơi xa lạ nào đó với một cái tên khác, với một tấm lòng mà nàng suýt đánh mất.

 

Tin Trịnh Công Sơn chết làm tôi bàng hoàng suốt buổi chiều. Tôi nợ anh mà chưa kịp trả. Tôi đã hứa sẽ tìm cho anh bản nhạc Trường ca Dã Tràng đã bị thất lạc. Tôi hứa sẽ tìm lại tung tích của Vân Phi mà chưa tìm ra.

 

Nếu Vân Phi còn sống nơi nào đó, khi biết tin anh chết, nàng sẽ thắp cho anh một nén nhang, và nàng sẽ hát một mình, cho nàng nghe, hay cho hương hồn anh đang phảng phất đâu đó. Nếu nàng đã chết đi, nàng cũng thành “Mây Trôi” lơ lửng trên bầu trời xanh kia để đón anh đi gặp những bạn bè, người thân đã mất, về cõi vô thường./.

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1840
Ngày đăng: 08.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giải cứu nàng ma nơ canh - Nguyễn Hiếu
Một Câu Chuyện Tình - Trần Minh Nguyệt
Gãy cánh uyên ương-1 - Kahlil Gibran
Gãy cánh uyên ương-2 - Kahlil Gibran
Cô Dâu Gặp Nạn - Đỗ Ngọc Thạch
Nhạc Mơ - Yến Lan
Thần Kim Quy Chưa Chết - Nguyễn Viện
Về một buổi chiều ở bờ biển cực nam - Lữ Kiều
Vua và thằng ăn cắp - Nguyễn Hiếu
Dây Mơ - Khải Nguyên