Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
501
115.990.059
 
Gieo vần cho thơ
Hồ Tĩnh Tâm

Gieo vần cho thơ là chuyện xưa như trái đất. Ấy vậy mà có những cái xưa cũ vẫn đáng quý như thường. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó: Vào một dịp mừng năm mới, có mấy anh cán bộ văn hóa tìm tới Bác, xin một câu về làm khẩu hiệu. Bác cho mấy chữ thế này: CẦN - KIỆM - LIÊM - CHÍNH - CHÍ - CÔNG - VÔ - TƯ. Có người mạnh dạn thưa với Bác, rằng câu ấy ý nghĩa rất hay, nhưng nghe có vẻ cổ cổ. Bác nói, có gì cổ hơn cơm, vậy mà cơm ăn mãi có ngán đâu. Thành ra tôi mới mạo muội có vài lời góp nhặt về việc gieo vần cho thơ.

 

Thơ xưa quả là khổ về vần, về luật. Người ít vốn từ thì khó mà “cắn bút” thành thơ. Vậy mới có câu:

 

Con mèo, con chó có lông

Khoai lang có củ, nồi đồng có quai.

 

Vần quá đi, nhưng mà lại không phải là thơ. Thơ nó khác. Như bài thơ lục bát đã thành ca dao sau:

 

Ví dầu cá bống hai mang

Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu

Anh về bên ấy đã lâu

Để em vò võ canh thâu một mình.

 

Hiệp vần đẹp quá! Ý tứ hay quá! Cá bống, cá trê, tôm càng. Hai câu đầu gợi nên duyên quê có cặp, có đôi có lứa; hai câu sau nói lên nỗi niềm đơn chiếc, trống vắng năm canh. Xứ sở và tình yêu, sự thật và nỗi niềm. Dân gian quả là bậc thầy của ngôn ngữ. Soi vào trong kho tàng văn

học dân gian Nam Bộ, tôi học được nhiều tới không biết bao nhiêu những cách gieo vần rất linh hoạt. Chê một cô gái làm biếng, vần thơ vận vào hay không tưởng được:

 

Má ơi con vịt chết chìm

Thò tay vớt nó con sợ cá lìm kìm

nó cắn tay con.

 

Vịt làm sao mà chết chìm? Con cá lìm kìm chút hỉnh như que tăm, làm sao cắn được tay con? Rõ là cái giọng nhõng nhẽo của cô con gái cưng. Không biết có phải những cô con gái nhà khá giả thường hay chảnh tính không, chứ con nhà nghèo thì thiệt thà như đất.

 

Đói lòng ăn bát cháo môn

Để cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung.

 

Cứ nghe qua cách nói là khắc biết tính người. Tính người làm sao, cách gieo vần cũng ra làm vậy. Người trực tính, thường ưa nói uỵch tẹc, không vòng vo tam quốc.

 

Gió đưa bụi chuối tùm lum

Mẹ dữ như hùm ai dám làm dâu.

 

“Tùm lum”, “tà la” là phương ngữ Nam Bộ rặt ròng. Đưa được phương ngữ vào thơ, tự nhiên thơ có ngay tính cách của một vùng đất, không lẫn vào đâu được. Tỷ như người đồng bằng châu thổ sông Cửu Long vẫn hay dùng những từ như te rẹt, tét lét, tét bét, tèm hem, tèm lem... thì tại sao lại không biến nó thành vần cho thơ, để thơ Nam Bộ đúng hệt là thơ Nam Bộ.

 

Con chi rột rẹt sau hè

Hay là rắn mối tới ve chuột chù.

 

Ở đây từ láy “rột rẹt” chưa phải là vần, nó chỉ mới xuất hiện để tham gia tạo phong cách. Ta thử nghe một câu khác đã dụng vần bằng phương ngữ:

 

Đói cơm lạt mắm tèm hem

No cơm ấm áo lại thèm nọ kia.

 

Đấy, cái từ “tèm hem” ấy dùng hay quá. Cái phép dụng vần cho thơ không phải cốt để đọc nghe trơn tru, mà cao hơn, nó phải tham gia thể hiện chiều sâu của ý, phải góp phần tạo hình tượng cho thơ. Không hiểu sao tôi rất lấy làm tâm đắc về từ “thắt thẻo” được dùng trong câu ca dao này:

 

Gió mùa đông trăng lồng lạnh lẽo

Năm canh chày thắt thẻo ruột gan.

 

Đâu chỉ là vần thuần túy. Sự góp mặt của nó đem đến cho ta nỗi cô quạnh, lạnh lẽo, tê buốt trong lòng. Chỉ một từ thôi mà câu thơ như sắp òa khóc, như ướt đẫm nước mắt đêm trường.

 

Thử so sánh ca dao Nam Bộ với ca dao miền Trung, miền Bắc, ta sẽ thấy, lối gieo vần trong ca dao Nam Bộ quả là biến hóa linh hoạt, nhưng rất gần gũi với đời thường. Câu thơ như từ đất cát tạo thành, nhưng từ đất cát ấy, ý tưởng lại nẩy mầm khỏe, căng sức sống.

 

Chồng chèo thì vợ cũng chèo

Hai đứa cùng nghèo lại đụng với nhau.

 

Tôi nhớ trong một bộ phim nào đó, tác giả kịch bản đã nói: “Cái nhục của sự nghèo cũng ngang bằng cái nhục của sự mất nước”. Nghe chí lí lắm. Nhưng có ai tự dưng mà giàu ngay lên được. Câu thơ trên như mỉm một nụ cười hy vọng vào tương lai. Và có thể nói rằng, ca dao Nam Bộ thường thiên về những nụ cười trào lộng một cách chất phác.

 

Con cò nó mổ con lươn

Bớ chị ghe lườn, muốn tía tôi không?

Tía tôi lịch sự quá chừng

Cái lưng mốc thích, cái đầu chơm bơm.

 

Người ta thường đề cao chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ của văn học, mà ít ai để ý tới chức năng giải trí của nó. Thực tình, người ta đọc thơ, ngâm thơ thường là để giải trí, để khuây khỏa nỗi lòng. Thành ra thứ văn chương nào đáp ứng cái đó chậm, dễ bị ế lắm (đa phần bạn đọc hiện nay là giới lao động bình dân mà). Ca dao Nam Bộ thường ít chú trọng tới cái thâm thúy sâu thẳm của ngôn ngữ, nó cứ thực như là cuộc đời.

 

Khoai lang bí, khoai lang sùng

Khen ai khéo đẻ anh lùn dễ thương.

Chê tôm ăn cá lù đù

Chê thằng bụng bự thằng gù lại ưng.

 

Trong sinh hoạt văn hóa dân gian Nam Bộ, hát giao duyên trai gái là một nét đẹp. Trên dòng sông vắng, trên cánh đồng ngút ngát, sau một buổi cấy, lời hát giao duyên nhiều khi chỉ cốt để vui với nhau cho nguôi mệt nhọc.

 

Ước gì anh hóa con kiến vàng

Bò qua bò lại bò ngang vú nàng.

 

Ước gì em hóa conkiến hôi

Bò lên chót vót em đái trôi con kiến vàng.

 

Nhiều người cho rằng thơ như vậy là thô thiển. Với tôi thì khác. Tôi vốn thích những câu thơ mạnh dạn như thế. Từ ngữ không có gì là xấu, vấn đề là sử dụng nó ra sao. Thơ theo lối mới bây giờ không coi trọng vần làm chính, nhưng không nên vì thế mà coi thường việc gieo vần cho thơ. Muốn ăn cơm thì phải học cầm đũa. Muốn làm thơ thì cũng nên tập gieo vần. Có mất

mát gì đâu. Chẳng qua cũng chỉ là rèn luyện việc dùng từ mà thôi. Cứ buộc mình phải tập gieo vần cho chuẩn, tự nhiên ta phải lục lạo trong đầu để kiếm từ. Trong một câu ca dao Nam Bộ, có người đã la gã trai lơ nào đó thế này:

 

Con mèo, con chuột lom khom

Em tao nó ngủ mày dòm làm chi!

 

Học trong câu ấy, ta biết thêm một từ. Và cứ dài dài như vậy mà học, vốn từ của ta sẽ càng ngày càng phong phú, khỏi mất công cãi nhau con cá bé có phải là con tép không. Có ai không học hỏi mà giỏi được bao giờ.

 

Con chó cụt đuôi ai nuôi mày lớn

Dạ thưa bà con lớn mình ên.

 

Cái kiểu nói ấy nghe chủ quan quá. Cũng như ông bà ta từng trách:

 

Chuối khoe mình chuối còn trinh

Chuối ở một mình sao chuối có con?

 

Vậy đấy! Muốn làm thơ cũng nên học gieo vần cho biết.

 

Cám ơn ông bà đã gieo vần cho ca dao để cháu con ngày nay có cái mà học ở đời.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 6832
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian - Nguyễn Xuân Kính
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Nguyễn Việt Hùng
Văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi - Nguyễn Thị Phương Châm
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)