Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
445
115.985.595
 
Mấy suy nghĩ về sáng tác của người viết trẻ
Phùng Văn Khai

Trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, là người viết trẻ, tôi có nhiều suy nghĩ, trăn trở, thậm chí dằn vặt rất khó tả. Đã rất lâu, chúng ta mới có một Đại hội toàn thể trang trọng và chắc chắn sẽ là một ngày hội của các nhà văn trên toàn quốc. Nhiều bài viết, tâm tư, suy nghĩ, kẻ cả những đóng góp về nhân sự, quy chế, đường hướng… thậm chí cả những yêu ghét cá nhân không đáng có cũng đã bộc lộ. Về phía mình, gạt ra những quan tâm khác, tôi xin trình bày suy nghĩ về sáng tác và những trăn trở trong sáng tạo của người viết trẻ. Cũng xin nói rằng đó chỉ là những suy nghĩ cá nhân trung thực với lương tâm của mình.

 

Sáng tác văn học, theo tôi là một quá trình luôn tự đổi mới và làm mới mình. Mới ở đây nên hiểu là phong cách, với tiểu thuyết có thể hiểu là thi pháp. Thi pháp tiểu thuyết ở Việt Nam dường như chưa được các nhà văn chú trọng đúng mức. Đã có một thời gian khá dài vấn đề thi pháp không được đặt ra như một vấn đề hàng đầu của sáng tác. Đã là những sáng tác văn học thì vấn đề thi pháp phải được nhà văn ưu tiên hàng đầu. Một điều tôi muốn nhắc đến nữa là nền tảng triết học, tư tưởng triết học của tác phẩm phải được đặt ra ráo riết đồng thời là phấn đấu không biết mệt mỏi của mỗi nhà văn trong sáng tác. Tác phẩm được viết ra phải từ những dằn vặt, chiêm nghiệm, suy nghĩ đến cùng về một vấn đề. Còn hiệu quả mà nó mang lại đôi khi nằm ngoài chủ quan của tác giả cũng là một quy luật thông thường của văn học.

 

Tư cách tác giả, tôi suy nghĩ, tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết trước hết và trên hết phải phản ánh hiện thực. Hiện thực phải là thứ hiện thực đã được chưng cất kỹ lưỡng từ cuộc sống. Những nhân vật, tình tiết, hình ảnh, kết cấu… của tác phẩm nếu được lấy từ chính cuộc sống đang diễn ra hôm nay sẽ có sức nặng và cơ hội thành công cao. Sự thành công hay chưa thành công của một tác phẩm đối với mỗi nhà văn đôi khi phải cần đến một khoảng thời gian nhất định. Nhiều tác phẩm có chất lượng nhưng lại có lối tiệm cận độc giả khá lặng lẽ nên vì thế cần có thời gian chăng? Trong các sáng tác của tôi, tôi không coi trọng vấn đề đề tài nhưng phong cách và ngôn ngữ thể hiện thì luôn được chú trọng. Tôi luôn viết bằng những xúc động tột độ, kể cả những mảng tối đậm đặc trong đời sống xã hội nhưng chưa bao giờ mất bình tĩnh để cay cú hoặc miệt thị những tối tăm dốt nát của con người.

 

Khi cầm bút, tôi rất sợ hãi bản thân mình mô tả một cái gì đó, một con người, một tâm tư, một xã hội theo kiểu có cái gì bày ra cái đó. Ngòi bút nhà văn khác nhà quản lý xã hội ở chỗ anh ta phải nhìn thấy và nắm bắt được những tầng nội tâm sâu kín nhất của con người. Tôi cho rằng, về một phía nào đó, con người và con người ngày càng sợ hãi và xa lánh nhau trong cuộc sống vật chất. Cái gì làm nên những hố đen ấy và phải giải quyết nó như thế nào. Năm mươi năm, một trăm năm liệu rằng vấn đề trên có giải quyết được không. Tôi xin trả lời ngay rằng không giải quyết được. Thế thì cần gì những tác phẩm văn học của chúng ta? Vẫn cần chứ! Vẫn hết sức cần bởi một lẽ đơn giản nếu không có văn học thì những hố đen sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, những mông muội ngày càng gia tăng. Thực ra theo tôi, các tác phẩm văn học mới chỉ giải quyết vấn đề là nó đã cầm cự được tuy rất mệt mỏi và không cân sức trước những thú tính của con người. Đó cũng là thông điệp và màu sắc trong các sáng tác của tôi.

 

Nội dung và nghệ thuật luôn tồn tại bên nhau như một cặp phạm trù triết học. Tuy nhiên tôi muốn nói đến đời sống của nghệ thuật, trong đó có văn học một đời sống khác, đó là đời sống xã hội dội vào văn bản thể hiện, nội dung văn bản mà từ đó rọi sáng lên những phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm. Tôi vốn ưa thích sự tự nhiên và vì thế những trang văn bản nối tiếp nhau trong sáng tác tôi thường để chúng khá tự do, đôi khi như là vô tổ chức. Sự biểu đạt nội dung tư tưởng của tác phẩm là ở chỗ nắm bắt và khái quát những ẩn ức sâu nhất về cái gọi là tối tăm, mông muội của con người trong đời sống xã hội đương đại, thậm chí bao hàm cả quá khứ và tương lai. Than ôi, giữa tham vọng nhà văn và hiệu quả của tác phẩm bao giờ cũng là một khoảng cách không nhỏ. Điều đó luôn như một cảnh tỉnh đối với mỗi người cầm bút.

 

Không hiểu sao tôi luôn cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống sao mà quá lắm tai ương, nghịch lý, mông muội, phi nhân đến như vậy. Nguyên nhân từ đâu và liệu rằng cộng đồng người có cùng nhau tiến tới sự thân thiện, yên hàn, những hạnh phúc bình dị, những mơ ước nhỏ bé có được thực hiện trong mỗi kiếp người không? Câu trả lời cứ mãi treo lơ lửng suốt bao nhiêu năm, suốt bao nhiêu đời và sẽ còn treo lơ lửng đến bao giờ nữa. Trong các sáng tác, dù cố gắng thì những tâm tư gan ruột mới chỉ đưa vào được một phần nhỏ. Viết xong một tác phẩm, tưởng trút đi được gánh nặng, nào ngờ sự đau đớn dằn vặt càng tăng lên, những ám ảnh mà mình dự báo cứ vây lấy những suy nghĩ của chính mình. Tôi cho rằng một tác phẩm, nếu có đạt một hiệu quả thẩm mỹ nào đó trước tiên phải cám ơn sự liên tưởng không biết mỏi mệt của độc giả.

 

Nhưng nếu chỉ trông chờ vào bất kỳ một bút pháp nào đó để lôi cuốn độc giả thì có lẽ nhà văn đã hồn nhiên quá chăng? Các nhà văn trẻ Việt Nam đang mạnh dạn tìm tòi và chúng ta hãy nên trân trọng họ. Người sáng tác trẻ hôm nay đang ngày càng khó khăn hơn khi tự khẳng định mình. Nghệ thuật vốn vô cùng mà những gì lớp người đi trước đạt được khổng lồ như một bức tường chắn khiến ai không có tài và can đảm sẽ cảm thấy choáng váng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự suy rộng văn chương toàn thế giới. Ở một thế giới đang ngày càng phẳng như hiện nay chúng ta nên mạnh dạn thể nghiệm và dấn thân trong sáng tác.

 

Tôi cho rằng mình chưa có nhiều thành công trong bút pháp thể hiện ở các tác phẩm đã công bố, nhưng điều tôi quan tâm đối với những người viết đồng thời là không suy giảm. Đó là sự dằn vặt nhưng lạc quan, thận trọng nhưng riết gióng. Cuộc sống hôm nay đang vỡ ra và có không ít các giá trị đã bị đảo lộn. Ứng xử trong một cuộc sống phức tạp như thế đối với mỗi nhà văn là một thách thức và lựa chọn không dễ dàng. Kể cả khi đã dấn thân hết mình cho đời sống văn học cũng nên hiểu cho rằng sự thất bại bao giờ cũng thường trực và dồi dào hơn thành công gấp bội. Văn chương là một thứ gì đó đôi khi cao hơn cả tài năng và tâm huyết nhưng không có nghĩa là mình chùn bước trước những thách thức ấy. Nhưng là nhà văn, vùng đất khó ấy vẫn dẫn dụ tôi đặt chân tới. Đó cũng là suy nghĩ của tôi trước thềm Đại hội./.

 

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 1922
Ngày đăng: 17.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền đất trầm hương - Trầm Hương*
Bần Cư Náo Thị Vô Nhân Vấn… - Mang Viên Long
Ngốn não - Lê Minh Phong
Cuốn Sách Được Gấp Lại Và Nàng Hoàn Toàn Bẹp Dí - Lê Minh Phong
Học tài, thi phận - Mang Viên Long
Miếng trầu của mẹ - Phan Chính
Anh Có Tha Lỗi Cho Tôi Không? - Thụy Vi
Ở nơi có những đốm sáng. - Lê Minh Phong
Đà Lạt Chim Sẻ - Nguyễn Thánh Ngã
Một Thoáng Thơ Tình Thời Chiến - Cao Thoại Châu