Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.514.490
 
Dường như niềm tuyệt vọng
Nguyễn Vĩnh Căn

Những ngày này, sáng nào người ta cũng thấy một lão già - thực ra cũng mới hơn tuổi lục tuần, ăn mặc tươm tất, quần áo nai nịt hẳn hoi, thường ngồi ở các ghế đá công viên ra vẻ trầm tư suy nghĩ mông lung lắm! Rồi như chợt nhớ điều gì phẩn uất, lão hét toáng lên: “Đả đảo, đả đảo chủ nghĩa, đả đảo đế quốc, đả đảo một lũ man trá, đả đảo một lũ đạo đức giả….”

 

*

- Chú Thành ơi! Ai ngờ mà ông ấy lại phải vào tù hả chú! Chú biết đấy, cả một đời ông ấy sống hiền hoà, nhã nhặn với hết mọi người, thế mà trời lại bắt ông ấy phải vào chốn lao lý, thì có oan khiên không!!!

Nghe tiếng khóc than ai oán kể lể của bà Nhân, ông Thành cảm thấy xót xa như muối mặn xát vào lòng. Khi hay tin sự việc xẩy ra, thực lòng, ông Thành không tin là ông Nhân lại làm cái việc cả thể, tày trời ấy được.

- Thôi chị ạ! Có buồn thảm, khóc lóc cũng không thể níu kéo sự việc được, mà làm chị thêm tổn hại sức khoẻ. Chị bổ bệnh, ai đi lại thăm nuôi bác ấy đây!

- Biết thế mà khi nào nghĩ đến ông ấy, tôi chẳng đừng được nước mắt chú Thành ạ!

Tính Nhân hiền hoà, trung thực và có phần nhút nhát. Nhưng khi cần phải bảo vệ sự thực, Nhân cũng nóng mặt đỏ tai lên kiên quyết lắm! Trong nhóm có năm đứa chơi thân, thì Thành là thân Nhân nhất, vì đồng hương, đồng môn, và là đồng đội. Nhưng Biên lại là người quan tâm và hiểu Nhân hơn cả. Có hoàn cảnh nào khó khăn, neo đơn trong anh em, Biên là người hay đi lại thăm hỏi, rất tình nghĩa.

 

*

Ngày thống nhất đất nước, cả đại đội 3 chỉ còn dăm đứa. Hầu như tất cả đều xuất ngũ và chuyển ngành.

Biên sang quản lý xí nghiệp quốc doanh nhà nước. Lực sang ngành công an. Trí về thương binh xã hội. Thành nhờ du học Liên Xô nên chuyển qua nghề giáo dạy cấp III. Nhân nhờ có hàm trung tá nên chuyển qua bí thư tỉnh đội

 

Mười năm làm việc ở Tỉnh đội, sau 1975 là quãng thời gian ông phải đối mặt với bao khó khăn trong công việc bình ổn trật tự trị an của tỉnh, đã làm ông phải mất ăn mất ngủ. Vốn là một đảng viên mẫu mực, nên ông làm việc không quản ngại giờ giấc, nắng mưa, đêm hôm khuya khoắt để luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Ông còn nhớ cái ngày ông được quy nạp vào đảng, đó là một ngày rất vinh dự cho ông

Yêu cầu công tác, ông được chuyển qua ban thanh tra tỉnh.

 

Bà Nhân thấy ông chuyển qua dân sự sau mấy chục năm binh nghiệp, những đã mừng, vì được làm việc theo giờ hành chánh. Thế là mỗi ngày, bà lo lắng cơm canh sốt dẻo mỗi bữa ăn, chứ không phải như cái thời làm Tỉnh đội, mâm cơm cứ để chờ ông đến nguội lạnh. Nhưng bà đã lầm, vì chỉ một thời gian sau khi ông bắt tay vào việc, thì còn lu bu tất bật đi sớm về khuya, thất thường hơn khi làm Tỉnh đội. Thấy ông làm việc giờ giấc thất thường, bà vân vỉ: “Tôi thấy mấy người kia cũng ban thanh tra như ông, mà có ai tất bật sớm tối như ông đâu”.  Ông cười xoà: “Mỗi người có cách làm riêng chứ có ai giống ai đâu bà. Hơn nữa tôi mới chuyển qua dân sự, còn nhiều bỡ ngỡ, nên bước đầu phải vất vả đấy thôi”. Vân vỉ ông vậy thôi, chứ bà thừa biết tính ông từ thủa nào đến giờ, nhã nhặn nghe lời bà là thế, nhưng ông rất bao thủ, nên không mấy khi lời bà chọc lủng tai ông.

 

Một hôm, ông ôm cặp về với vẻ mặt chán chường, mệt mỏi, rồi ông lên nằm bỏ luôn cả bữa ăn. Thấy vậy, bà hỏi duyên cớ, nhưng ông cứ lặng thinh không lời thổ lộ than thở. Còn đối với ông Nhân, cái nhuệ khí ban đầu hằm hở để xông vào công tác mới sau một thời gian đã làm ông thất vọng. Mọi việc không phải đơn giản như ông nghĩ: trắng là trắng, đen là đen, hai với hai là bốn. Cái vụ việc thâm thủng ngân sách hàng tỷ đồng bên sở công nghiệp rành rành ra đó, mà cuối cùng kết luận của bên thanh tra: Do đánh giá không đúng tình hình, để xử lý sai phạm, cần phải kiểm điểm để rút ra kinh nghiệm cho lần sau.

 

Lần đó. Lúc đầu, cả ban thanh tra ai cũng đồng ý với bản báo cáo của ông, vạch rõ ra những điều sai trái cần phải truy tố tội phạm hình sự. Nhưng rồi chỉ một tháng sau, sự việc lại biến chuyển ngược lại. Lần đầu tiên, ông thấy cái bất cập trong ban thanh tra, khiến ông choáng váng như như va vấp phải viên đá tảng. Vì ở một cơ quan quân sự sang, nên ông khá đơn độc, để không đủ sức thuyết phục được cả ban nghe theo. Sau này, ông mới thấy nhiều điều khuất tất, ẩn chứa trong cơ cấu tổ chức hành chính của các cơ quan công quyền nhà nước. Làm việc công tâm thẳng mực tàu, thì đau lòng gỗ. Và cái đụng chạm giữa những người bạn bè thân quen nhau: tình đồng chí, tình đồng đội ngày xưa, bây giờ sao nỡ quay mặt lạnh lùng để án phạt lẫn nhau sao đành. Đó là chưa nói đến sự gặp mặt nhau thường xuyên giữa các ban ngành khi họp liên ngành, hàng ngang, hàng dọc, hàng tuần, hàng tháng, nhìn nhẵn mặt nhau, cũng thật khó để đưa nhau ra xử phạt. Rồi cái cơ cấu hành chính rềnh rang với: khen thưởng, lễ hội, tiệc tùng liên hoan, ngã nghiêng ăn nhậu, đàn đúm karaoke với nhau, chung một chiến tuyến, nỡ lòng nào lại tố khổ nhau. Cuối cùng, là một bãi đáp nhẹ nhàng cho nhau, để có thể, nay anh mai tôi.

 

Nhưng ông Nhân lại là người trung thực, trắng đen, phải trái phân ranh rõ ràng, chứ không chấp nhận mập mờ, đánh lận con đen. Cuối cùng, sự biểu quyết của một cá nhân đơn lẻ làm sao thắng lại được cả ban thanh tra. Lúc này, sự va vấp với những thế lực ngầm của các quan chức cao cấp, khiến cho ông hết sức ngỡ ngàng. Và hình thức “lại quả nhau” những phong bì, quà cáp, chai rượu tây, cặp nhung nai, để chia sẻ kẻ ăn cơm, người ăn cháo, cũng là để đấm mỏm nhau vậy! Mà nếu cố chấp chống lại, thì có khi bị hăm doạ, khủng bố, trù đập...Chính ông Nhân cũng đã từng bị hăm doạ qua điện thoại, thư nặc danh...Và có lần đi đêm về, đã bị bọn côn đồ bịt mặt đánh trọng thương, phải vào nằm viện mất mấy tuần. Và hình như, ít nhiều, ai trong cái cơ cấu đó, cũng đều nhúng chàm trong các vụ bê bối, thâm thủng ngân sách công quỹ cơ quan, để rồi cười trừ với nhau.

 

Bây giờ, ông mới thấm thía với câu nói của nhà triết học Jean Paul Sartre, mà một người bạn thường nhắc nhở ông: “Trong một xã hội bất lương, nếu mình lương thiện, thì chính mình mới là kẻ bất lương”. Ông đau đớn để phải gậm nhấm nỗi đau riêng mình. Chẳng lẽ, chính cái hệ quả đó, đã biến ông thành kẻ tội đồ bất lương rồi sao? Ông những tưởng rằng: còn một người có thể hiểu ông, để an ủi và động viên ông, thì chính bà Nhân chẳng những không an ủi động viên, mà còn ngăn cản ông: “Dòi từ trong xương tuỷ rồi! Làm sao một mình ông có thể cản ngăn được đại dịch tham nhũng trong cơ cấu tổ chức công quyền”.

 

Lần đầu tiên, cái thành trì vững chắc trong ông về lý tưởng một người Cộng Sản, bỗng có chút suy suyển. Ông tự hỏi: đâu rồi cái hình tượng những đảng viên cộng sản trung kiên thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Cái lý tưởng đánh giặc ngoại xâm để dành lại độc lập cho đất nước, được cán bộ Việt Minh tuyên truyền, như dòng chì nóng chảy vào tâm tưởng những chàng trai bộ đội, đã khiến bầu nhiệt huyết sục sôi căm hờn để quét sạch giặc Pháp, và dòng máu nóng đó vẫn còn sùng sục trong chiến tranh chống Mỹ, với khí thế bất khuất trước pháo đài B52 hiện đại và tiên tiến nhất của Mỹ vào thời đó, để rồi những nòng súng nhã đạn rợp trời, thi gan tuế nguyệt cùng với những cánh đại bàng đen ngạo nghễ trên bầu trời, bỗng phải khuất phục bởi những chú lính chì, làm rung chuyển cả địa cầu về một trận chiến trên không năm xưa. Thế mà giờ đây, khi những người đảng viên bỏ súng xuống để trở về đời thường, lại ngã quỵ trước những cám dỗ mê hoặc của cuộc sống. Chẳng lẽ, bả phú quý vinh hoa lại làm đốn ngã được cái hào hùng, cái kiên trung, cái liêm sĩ một thời của những đảng viên rồi ư? Ông cay đắng để nhận ra rằng, chỉ còn mình là kẻ lạc loài giữa những người cơ hội nữa thôi. Ngay cả những đứa con của ông, cũng còn cười ông:

- Bố ơi! Bố lẩm cẩm mất rồi. Thời buổi này mà bố còn mơ màng với những quá khứ oanh liệt một thời vàng son nữa ư? Bố chỉ còn sống hoài niệm với quá khứ, như một kẻ ăn mày dĩ vãng như ông nhà văn Chu Lai nào đó, đã viết đấy thôi!

Ông ngạc nhiên, khi chính đứa con gái của ông, lên tiếng cảnh báo ông như thế! Ông tự nghĩ: Thế ra mình đã lạc hậu rồi ư?

- Nhưng sống với cái tâm trung thực của một đảng viên Cộng Sản, thì thời nào cũng tốt cả chứ, sao lại bảo bố lẩm cẩm?

 

Thằng Trực lên tiếng:

- Nhưng bố đã chẳng nghe ông Trang Tử thời xưa nào đó nói: “Lưỡi mềm thì còn, răng cứng thì gãy đấy sao?”.

Trời ơi! Đến từng này tuổi đầu, ông còn bị con cái lên lớp dạy đời: phải biết cách sống nữa ư? Ông đắng họng khi bị thằng con trai kê cục gạch cứng miệng luôn. Ông ức lắm, nhưng không để lộ cái giận mất khôn.

- Nhưng cái tốt, cái thiện thì vẫn luôn tồn tại đấy chứ con!

 

Thằng Trực biết rằng, nói nữa chỉ làm cực thân bố thêm, nên nó đành cười ruồi lui binh.

Ông Nhân ốm một trận nặng, rồi lấy lý do sức khoẻ về hưu non, nhưng trong thâm tâm ông biết, nếu mình không tự rút lui, cơ quan cũng kiếm cớ cho ông về vườn. Nhưng bà Nhân có vẻ ấm ức lắm! Phần vì hụt hẫng một khoản kinh tế, gia đình sẽ khó khăn hơn, khiến bà phải lo lắng, mà phần khác là bà ức cho ông: một con người liêm khiết, chí công vô tư là thế, mà bị đẩy ra rìa thì có nhục nhã và cay đắng không kia chứ!

Chỉ có ông Thành là người luôn biết chia sẻ với ông mà thôi.

- Thôi bác ạ! Bác suy tư lo nghĩ làm gì cho mệt đầu óc hả bác. Gặp thời thế, thế thời phải thế chứ biết răng chừ!

 

Ông Nhân có vẻ sừng cồ lên tức tối:

- Thế thời phải thế sao được. Chẳng lẽ cứ để cho cái ác, cái xấu nó diễn ra trước mắt mà chịu được sao hả chú Thành?

Biết ông Nhân giận cá bằm thớt, nên ông Thành hạ hoả:

- Thì em cũng biết bác là người trung thực, muốn trắng ra trắng, đen ra đen, nhưng vì thân cô, thế yếu bác phải chịu, chứ em có nói cái ác là đúng đâu.

 

Ông Thành có cái triết lý sống: đừng tự trói buộc mình vào bất cứ điều gì, khi chính mình bất lực không vượt qua được. Ấm ức chỉ khổ thân mình mà chẳng giải quyết được việc gì. Thực ra, chuyện thời thế biến chuyển hay thế thái nhân tình đổi thay, đâu phải ông Thành không biết, nhưng tính ông không để bụng, chứ như ông Nhân chỉ cái tội ôm rơm xót bụng. Vì thế ông Thành sống vô tư và bình tâm hơn ông Nhân. Còn tính ông Nhân vốn thâm trầm sâu sắc, nhưng đã vướng bận điều gì thì cứ miệt mài suy nghĩ, làm cho ra lẽ mới thôi, nên cuộc đời ông Nhân luôn chao đảo trong tâm tưởng là thế!

 

*

Bị về hưu non, khiến ông thờ thẫn cả ngày. Mấy dịp sau này tính khí ông hay bẳn gắt, thất thường khiến bà Nhân phải rất khéo tuỳ luỵ, mà cơm vẫn không lành canh không ngọt cho.

Chuyện con Liên đang làm việc ở Ngân hàng nhà nước yên lành, bỗng bỏ ra làm công ty nước ngoài, khiến ông bực mình khó chịu :

- Con đang làm việc ổn định bên ngân hàng, tại sao lại bỏ sang công ty nước ngoài?

- Bố biết đấy! Lương nhà nước mình ba đồng ba cọc, không đảm bảo đời sống kinh tế, đã thế lại luôn phải tuỳ luỵ luồn cúi kẻ này, người khác. Thất ý, là họ kiếm cớ đuổi mình khi nào không hay. Tài năng thì bị đóng băng bởi sự lãnh đạo của cấp trên kém cỏi, không có năng lực, mà nhân viên giỏi hơn thì sợ bị qua mặt. Trong khi công ty nước ngoài bình đẳng và dân chủ lắm! Ai có tài, kẻ đó được trọng dụng.

- Con phải biết, làm việc cho đất nước mình là niềm vinh dự của mọi người dân, hà cớ chi con tham lương cao mà phải chui sang làm bên công ty nước ngoài? Liệu bên đó có ổn định lâu dài không?

- Con làm việc cho công ty nước ngoài phát đạt, thì cũng là cách làm giàu cho đất nước, chứ có phải cứ làm cho nhà nước mới là vinh dự đâu hả bố? Làm kinh tế, có ai dám nói trước bên nào ổn định hơn bên nào được đâu? Bố không thấy mấy ngân hàng nước ngoài như Mỹ và các nước Châu Âu còn đang đua nhau vỡ nợ, phá sản nữa là...

 

Ông Nhân ngán ngẩm khi phải đối thoại với lớp trẻ lắm rồi! Bây giờ tụi nó thực dụng, liều lĩnh và cũng lắm nông nổi! Ngay cả thằng Trực, nó đang làm bên doanh nghiệp nhà nước, tài năng nó có thừa, vậy mà ngoan cố không chịu vào đảng, để đánh mất chức giám đốc đang bỏ ngõ cho nó. Cuối cùng nó cũng bỏ việc, ra làm công ty nước ngoài, khiến ông phải đau đầu mất mấy phen:

- Bố nghĩ con cũng lạ thật! Trong khi mọi người chen chân vào đảng cho có uy tín thế vị, và cái chức giám đốc đang chờ con, thì con lại không đếm xỉa tới là làm sao?

- Đó là thời của bố, chứ thời của tụi con, vào đảng được xem là xưa như trái đất rồi bố ạ!

- Nhưng bố thấy, vào đảng càng củng cố cho nhân cách con người được nâng lên, được tốt hơn, chứ có tổn hại mất mát gì đâu mà con không vào?

- Vào đảng để giành giật, xào xáo nhau chứ nhân cách cái nổi gì hả bố! Mà sao bố lại bảo không mất mát gì? Ở công ty nước ngoài, ai có đảng thì càng bị nghị kỵ làm an ten cho nhà nước, dễ bị cho ra rìa lắm đấy bố ạ!

Nhưng ông Nhân đau nhất khi thằng Trực nhắc đến vết đau chưa lành trong ông.

- Thì bố chẳng từng là nạn nhân của các đảng viên đó sao? Họ chẳng xào xáo để đẩy bố ra khỏi cơ quan là gì? Sao bố cứ khư khư ôm lấy cái lý tưởng hão đó mãi kia chứ!? Bố không thấy nhà tù bây giờ chỉ toàn dành cho đảng viên tham nhũng hối lộ cả tập đoàn đó sao?

 

Ông Nhân ngắn mặt, khi thằng con trai lột mặt trái của các đảng viên, khiến ông không thể còn chối cãi gì được nữa.

 

Cũng may, mỗi lần bị tổn thương về lý tưởng đảng, ông Nhân thường tìm về bên mảnh đời quân đội để nương náu. Với ông, cái nôi quân đội luôn thiêng liêng và được tôn quý trong tâm khảm sâu xa của ông. Bởi con người ông lớn lên và được tôi luyện trong môi trường quân ngũ mấy chục năm trời, để tạo nên được một nhân cách người lính cụ Hồ, mà ông rất lấy làm tự hào và vinh dự. Trong con mắt ông, từ trước đến nay - thời chiến cũng như thời bình, người lính bộ đội luôn duy trì được cái kỷ cương: kỷ luật nghiêm túc, và nhân cách mẫu mực của người đảng viên Cộng Sản. Hình ảnh anh lính bộ đội Cụ Hồ, vẫn còn đẹp mãi với bản chất dung dị, chân chất, như chưa hề bị nhúng chàm tục luỵ, dẫu đã trải qua bao thời đại. Và ở đó, gần như là chiếc nôi êm ái để đong đưa ông qua tháng ngày nhọc nhằn.

 

*

Mấy bận đến chơi, thấy ông Nhân cứ luẩn quẩn quay quắt với cái việc hụt hửng khi bị nghỉ việc, nên ông Biên bàn với ông Nhân:

- Chú sang bên doanh nghiệp anh mà làm ăn kinh tế cho nó khỏi vướng bận đầu óc chính trị chính em chi cho phiền.

 

Trong mấy anh em chơi thân nhau, ông Nhân nể phục bác Biên nhất, phần vì bác ấy cao tuổi, lại đằm thắm trong lời ăn tiếng nói, và luôn có tình cảm thân thương với anh em. Đã mấy bận ông Nhân khó khăn, bác ấy luôn thăm hỏi và giúp đỡ cả tiền bạc. Bác ấy cũng là hình tượng một đảng viên chân chính, mà ông Nhân luôn ngưỡng mộ. Nhưng việc sang làm kinh tế với bác Biên là một công việc hết sức mới mẻ, trái ngành, khiến ông Nhân ái ngại.

- Bác không muốn làm kinh doanh bên bác Biên, thì sang làm nhà giáo dạy học với em vậy. Ông Thành lại muốn bác Nhân về dạy cũng trường với mình cho vui, nên ngỏ ý.

Ông Nhân đang lúc rãnh rỗi, nên nhận lời dạy, mục đích là cho khoây khoả, khỏi bị những dằn vặt trong tâm tưởng về cái lý tưởng của ông đang bị tổn thương.

 

Cái nghề dạy học như một phao cứu sinh, khiến ông Nhân dồn hết tâm sức vào việc soạn giáo án miệt mài đến khuya, có khi đến sáng trời, khiến bà Nhân lên tiếng: “Trời ơi! Ông làm việc đam mê cũng vừa phải thôi, còn phải giữ sức khoẻ cho tuổi già nữa chứ!”. Hình như sự bận tâm với nghề giáo, giúp ông quên đi những bức rức dằn vặt, khi đối mặt với những thực tại.

 

Ông Nhân dạy được gần hai năm, ai cũng đánh giá cao về năng lực, cũng như sự nhiệt tình năng nổ của ông với các học sinh. Chính ông được đề cử qua dạy lớp chuyên Nga cho học sinh giỏi đi thi cấp tỉnh.

Nhưng rồi bất ngờ, ông Thành đớ người ra khi nhận được đơn xin nghĩ dạy của ông Nhân. Thực tình, ông Thành không sao hiểu, bỗng dưng ông Nhân xin nghỉ dạy? Hỏi mãi ông Nhân mới tâm sự:

- Mình không thích hợp với cái nghề giáo gian này?

- Sao lại là giáo gian? Ông Thành hỏi.

- Chẳng gian là gì, khi có quá nhiều bất cập trong việc dạy học. Thi lên cấp, thầy chủ nhiệm được tiền lót tay của phụ huynh học sinh, nhận chỉ tiêu mỗi chủ nhiệm mấy gà, được quyền ưu tiên cho vào cấp. Con cán bộ viên chức tai mắt trong thành phố, học hành lêu lỗng, vì nể nang chức quyền, cuối năm, ban giám học xin điểm các thầy chủ nhiệm với phong bì dày cộm để cho lên lớp. Học sinh quậy phá, vô kỷ luật trong trường, có cha mẹ là ân nhân đóng góp nhiều cho trường nên ban giám hiệu cũng vị nể cho qua. Giáo viên lên lớp dạy bài vở sơ sài, lấy lệ, để cuối cùng học sinh không hiểu phải xin đi học thêm. Học sinh nào không đi học thêm, sẽ bị trù dập, và cho ít điểm...Rồi chuyện dạy lấy thành tích, gian lận thi cử...Thế chẳng giáo gian là gì?

 

Ông Thành không phải không biết, những chuyện đó đã tồn tại lâu nay trong trường, nhưng ông nghĩ: một con én chẳng làm nên nổi mùa xuân, việc đại sự là việc của nhà nước mà cũng chưa làm nổi, huống chi một cá nhân nhỏ bé như mình. Thôi thì mình cứ làm tốt được chừng nào hay chừng ấy!

 

Còn ông Nhân, không ngờ tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa. Cái lý tưởng ông vun đắp nung nấu lâu nay về một đảng viên Cộng sản, bỗng như bị sụp đổ trước mặt. Nhưng trong ông, ông không muốn tin về một thực tại phủ phàng như thế. Một lý tưởng sống cao quý như thế, mà tại sao các đảng viên lại tha hoá biến chất? Điều gì đã làm cho họ biến chất? Chẳng lẽ, vì những nhu cầu vật chất thấp hèn, đã khiến người đảng viên đánh mất cái lý tưởng cao đẹp của mình?

 

*

Tính ông rạch ròi thế đấy! Việc gì cảm thấy không ổn trong lương tâm, là ông rút lui ngay. Hình như ông sợ rằng: sống và làm việc một cách thoả hiệp như thế, cái áo lương tâm của ông sẽ nhuốm bùn đen mất. Nhưng rồi ở rỗi, ông cứ bị xào xáo tâm tư. Cuối cùng, nể lời bác Biên, ông qua làm thủ kho bên doanh nghiệp nhà máy đường, cho tâm trí khỏi đi hoang cực nhọc.

 

Công việc bên thủ kho đối với ông khá nhàn nhã. Sáng đi chiều về, với việc cầm hoá đơn nhập nguyên liệu cây mía vào. Còn việc đánh giá phân loại đã có ba rem hẳn hỏi, ông khỏi phải lo lắng chi nữa. Và hoá đơn xuất đường thành phẩm khỏi kho, đã có nhân công bốc vác, ông chỉ kiểm tra số lượng và các loại đường trên giấy tờ mà thôi. Công việc bình ổn ngày này qua tháng khác, khiến cho ông Thành và bác Biên cũng mừng, vì ông Nhân tránh được cái stress cuộc đời đang bủa vây ông.

 

Nhưng rồi ông Nhân lấy làm lạ: tại sao một đơn vị doanh nghiệp làm ăn kinh tế, mỗi năm thua lỗ hàng chục tỷ đồng mà nhà nước vẫn cứ bao cấp bù lỗ mãi như thế được? Đó là một sự phi lý mà ông không sao hiểu nổi? Nhưng đến quý, đến năm, nhà máy vẫn báo cáo hoàn thành chỉ tiêu xuất sắc là thế nào? Rồi còn được khen thưởng nữa chứ! Vậy thì số tiền hàng chục tỷ đồng đó chạy vào túi ai? Ông Nhân vốn thuần là một con người nhà binh, nên khi sang bên dân sự, mọi công việc đều lạ lẫm đến ngỡ ngàng. Ông không ngờ, với một doanh nghiệp nhà máy đường mà có rất nhiều điều bất cập trong việc mua bán như thế. Những con buôn lót tay hàng triệu đồng cho công ty, để có thể mua đường với giá rẻ. Những hoá đơn giả, những trò bịp mánh mung ăn rơ giữa nhà máy và con buôn, không qua nổi mắt ông. Nhưng ông lấy làm lạ: Tại sao một đảng viên như ông Biên - người mà ông hằng kính phục, lại làm ăn cẩu thả như thế, trong vai trò giám đốc nhà máy đã mấy chục năm nay, mà không ai sờ gáy?

Những điều khắc khoải, thắc mắc trong ông chưa kịp lý giải, thì bỗng nổ ra, nhà kho bị phóng hoả. Và ông là người đầu tiên phải vào tù với bốn bảo vệ nhà máy. Chính ông cũng thật sự không biết mô tê chi. Cái đêm cháy nhà kho, lại là đêm trực của ông. Thực sự, ông chỉ có nhiệm vụ đến ngủ tại hiện trường cho có mặt, còn việc canh gác đã có bảo vệ lo. Ông còn nhớ rõ, đêm đó bị mất điện, chính ông đã cẩn thận cắt cầu dao tổng mỗi đêm. Như thế thì không thể có chuyện cháy nhà kho là do sự cố chập mạch điện được. Thú thực là đêm ấy ông ngủ rất mê, đến nỗi bảo vệ lắc người ông một lúc lâu mới choàng dậy chạy cuống cuồng tháo thân, khi lửa đã tứng lựng lên cao rồi.

Cho đến khi bị đưa vào nhà tù, ông như người mơ ngủ để chẳng biết cớ sự nào lại xẩy ra như thế? Rồi công an xét hỏi, điều tra lên xuống, ông cũng nhất mực là không hay biết, nguyên nhân do bởi đâu?

 

Nhưng lạ thay, từ khi ông Nhân bị bắt vào tù, chẳng những không làm ông lo sợ mất tinh thần, mà ngược lại, ông còn phấn chấn tinh thần hơn lên. Ông Thành đến thăm cảm cảnh đến phải sụt sùi: “Bác Nhân ơi! Ai ngờ bác lại gặp tai hoạ khốn khổ trong tù thế này hả bác!? Em cứ tưởng bác sang làm bên đó là an vui tuổi già chứ! Ai ngờ...”. Ông Nhân thấy ông Thành quá bi luỵ về mình thì vỗ về ông Thành: “Tôi đây, cây ngay đâu sợ chết đứng, chú đừng khóc cho thêm bi luỵ”. Đã thế ông ấy còn hài tiếu: “Thôi, lâu ngày đổi gió, đi nghỉ mát mà chú! Vậy chứ ở ngoài đời, tôi cảm thấy ngột ngạt bức bối khó chịu hơn trong này. Từ ngày vào đây, tôi ăn ngon ngủ kỹ và lên cân đấy chú ạ!

 

Tâm hồn tôi bỗng cảm thấy thảnh thơi, thoải mái và yên ổn hơn lúc trước nhiều”.

Có một điều ai cũng lấy làm lạ, là từ ngày ông Nhân vào tù, ông Biên thân thương ông Nhân là thế, mà không thấy vào thăm ông Nhân một lần nào.

- Thế ông Biên không đứng ra giải oan cho bác sao? Mà cái bác Biên nhà mình sao lại vô tâm đến thế nhỉ!? Ông

 

Thành thắc mắc.

Trong tâm tưởng, ông Nhân chưa bao giờ dám nghĩ xấu vế bác Biên.

- Có lẽ bác ấy cũng đang bù đầu về việc cháy nhà kho, nên không có thời gian đến thăm được tôi đấy thôi!

Ông Nhân vẫn bình tâm sống tự tại trong tù như một người vô tội.

Nhưng đến ngày xử án, ông Nhân bỗng phát điên phát cuồng lên. Chính bà Nhân và ông Thành cũng lấy làm lạ: tại sao khi toà án đọc bản kết luận: “Ông Nhân hoàn toàn vô tội trong vụ việc cháy nhà kho!”. Ông Nhân bỗng gào lên điên loạn: “Ô hô! cuộc đời này khốn nạn đến thế ư? Trời ơi! Chẳng lẽ không còn cái đẹp, cái tốt trên cõi đời này nữa sao?

 

Bà Nhân hốt hoảng:

- Tại sao ông được toà xử vô tội mà ông lại phát cuồng lên thế? Ông làm tôi sợ lắm ông Nhân ơi!

- Thì trắng đen, toà xử rõ rồi còn gì phải nói nữa hả bà! Tôi không ngờ một con người đáng kính mà tôi hằng ngưỡng mộ, lại tán tận lương tâm như thế! Đẩy người bạn chí thân vào vòng tù tội, để hòng che đậy những tội ác thâm thủng tài sản nhà nước, thì còn chi để nói nữa hả bà!!!

 

Từ đó, ông Nhân trở nên con người bần thần, điên loạn....Dường như niềm tuyệt vọng đã đánh gục cái lý tưởng sống của ông để ông sống thờ ơ, lạnh lùng bên lề cuộc sống.

 

Không còn lý tưởng sống, không còn niềm tin vào bất cứ điều gì.

Một sáng nọ. Người ta thấy ông ngồi tựa lưng vào cột cờ trước sân Tỉnh đội với khuôn mặt trông rất đỗi ung dung tự tại, mà trên tay vẫn còn khẩu K54. Một vết đạn xuyên qua màng óc, làm máu chảy loang xuống khuôn mặt như đang nở nụ cười mãn nguyện -  dường như ông sung sướng vì còn giữ nguyên được cái thang lương của một đảng viên Cộng Sản.

 

Trong túi ông có để lại tờ giấy ghi dòng chữ: “Hãy chôn tôi với tư cách một đảng viên của một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam”./.

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 1936
Ngày đăng: 18.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viếng ma (!) - Trọng Huân
Mù Mờ Váy - Nguyễn Viện
Lòng Ái Quốc - Nguyễn Vạn Lý
hình như trời đang mưa - Nguyên Minh
Người Khách Lạ - Võ Công Liêm
Cái vạ văn chương - Huỳnh Văn Úc
Ô Đống Mác - Đỗ Ngọc Thạch
Những Mảnh Vỡ (16) - Nguyễn Thị Hậu
Người Của Mùa Xuân. - Đặng thị Thanh Liễu
Thằng đói - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)