Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
722
116.610.834
 
Tam Thập Lục Kế
Đỗ Ngọc Thạch

Đúng vào lúc tôi rất “túng thiếu” (thực ra thì lúc nào cũng thế!), thì một người quen thuộc dạng “Quý nhân phò trợ” gọi điện tới nói: “Có việc rất ngon lành! Tới ngay!”. Chưa cần biết việc gì, “ngon lành” theo kiểu nào, tôi lập tức phóng đi ngay, mặc dù lúc đó trời đang mưa to gió lớn! Nhiều người rất sợ đi dưới trời mưa bởi sẽ có hai nguy cơ: cây đổ hoặc nhà đang xây cũng rất dễ đổ! Sau đó là dây điện chăng từng búi “rối như tơ vò” trên khắp các con đường sẽ rơi xuống và đương nhiên là nguy cơ bị chết vì điện giật rất cao! Song tôi lại không “sợ chết” chỉ bởi một lý do: đi dưới trời mưa sẽ rất vắng người, cứ thênh thang mà bước!

 

Khi tôi tới nhà người quen “Quý nhân phò trợ” thì gặp ngay người “Có việc” đang cần “Tìm người”. Đó là một ông già cỡ tuổi “Thất thập cổ lai hi” rất đẹp lão, tới mức chỉ có thể nói ngắn gọn rằng rất giống một vị Đại Tiên trên Thượng giới, kiểu như Thái Bạch Kim Tinh hoặc Thái Thượng Lão quân! Khi nhìn thấy tôi, vị Đại Tiên kia mỉm cười chào thân thiện rồi nói ngay: “Đây là tập bản thảo cuốn sách tôi muốn in ngay trong năm nay, tạm đặt tên là Tam thập lục kế, trong đó có giới thiệu  lại nội dung của tất cả 36 kế sách và quan trọng là lời bình của tôi về những kế sách đó cùng với những câu chuyện tôi kể lại việc tôi đã vận dụng những kế sách đó vào thực tiễn cuộc sống của tôi như thế nào! Việc cậu phải làm, trước hết là chỉnh sửa lại những lỗi nhỏ về câu cú, văn phạm, giống như công việc của một biên tập viên các nhà xuất bản. Sau đó là một việc khá khó và đây mới là yêu cầu chính của tôi: Cậu phải viết một bài giới thiệu về cuốn sách này, độ dài khoảng chục trang in trở lên tùy vào “cảm hứng” của cậu nhưng chất lượng thì phải ở cỡ “phun châu nhả ngọc”. Nói vậy chắc cậu đã hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào?”. Tôi nhận tập bản thảo từ tay vị Đại Tiên, áng chừng khoảng hơn hai trăm trang in, liếc qua trang đầu, trang cuối và một trang bất kỳ ở giữa rồi nói ngay: “Cho tôi một ngày tôi sẽ nói là có nhận làm không và bao giờ thì xong!”. Thực ra thì nói thế cho “có vẻ thận trọng” chứ tôi có thể nói sẽ hoàn tất mọi việc trong mười ngày! Và điều khiến tôi ngạc nhiên là vị Đại Tiên kia như là đọc được ý nghĩ đó của tôi và nói: “Tôi sẽ ứng cho cậu năm triệu và tôi nghĩ rằng sau mười ngày sẽ có kết quả tốt đẹp!”. Vị Đại Tiên ra hiệu cho người quen của tôi và người này liền rút dưới gầm bàn ra một gói giấy báo mà tôi đoán là gói tiền mới coong, rồi vừa mỉm cười vừa đọc một câu ca dao về trời mưa: “Trời mưa bong bóng phập phồng / đi đâu thì chớ qua sông đắm đò!”. Tôi hiểu là người “Quý nhân phò trợ” muốn nói với tôi: “Hãy làm cho tốt, tiền sẽ vào như mưa!”…

 

*

Quả nhiên, sau nửa ngày, tôi đã “Thám tử” được rằng vị Đại Tiên kia thuộc đẳng cấp Đại gia tiêu tiền tấn, tiền tạ chứ không phải từng “tờ” như chúng dân, và về phẩm hàm quan chức thì thuộc loại “dưới một người trên ngàn người”, tức tương đương loại Tể tướng ngày xưa!

 

Vì thế, tôi đã “làm việc” ngay với tập bản thảo “Tam thập lục kế” của vị Đại Tiên kia và xin “trích đăng” lại dưới đây vài đoạn khá “đặc biệt”, ngõ hầu giúp bạn đọc của tôi biết thêm “chút đỉnh” về một “típ người” khá đặc biệt trong xã hội “Hạ giới” của chúng ta…

*

…Sáu kế đầu tiên của Tam thập lục kế đã được thực hiện khá trôi chảy trong đúng một tuần: 1/ Dương đông kích tây: Đánh lạc hướng đối phương;  2/ Điệu hổ ly sơn: Dụ hổ ra khỏi rừng; 3/ Nhất tiễn hạ song điểu: Một mũi tên hạ hai con chim; 4/ Minh tri cố muội : Biết rõ mà làm như không biết. 5/ Du long chuyển phượng : Biến rồng thành phượng; 6. Mỹ nhân kế :  Kế dùng gái đẹp. Chỉ tiếc là có cô gái đẹp như Điêu Thuyền mà phải ngồi nhìn các “Quan Anh” ăn nghiến ngấu, đến “cái sái” cũng không được hưởng!...

Lùi một bước để tiến ba bước, quả nhiên trong cái kế thứ 7/ Sấn hỏa đả kiếp: Theo lửa mà hành động, ta đã thu hoạch thật đậm đà! Kế "Sấn hỏa đả kiếp" là lợi dụng lúc loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà trục lợi. Có hai loại "Sấn hỏa đả kiếp": Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp. Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm. Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta. Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có. Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ.


Trong sử sách, người ta thấy tay phóng hỏa giỏi là Trương Nghi(1). Một mình Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung của Tô Tần(2) bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở.
Trương Nghi thật là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả sáu nước, dựng thành cơ nghiệp

thống nhất cho nhà Tần. Còn ta, chỉ cần “uốn ba tấc lưỡi” là đã có thể làm được cái điều mà người ta phải hì hục làm cả chục năm trời: Trong lúc “giới quan chức” rụng như sung vì dính đủ các tội trạng đáng chu di tam tộc thì ta đã vượt ba cấp, thăng ba chức chỉ sau một giấc mộng đẹp!


Sau kế thứ 7, kế thứ 8/ Vô trung sinh hữu ( Không có mà làm thành có) chỉ là thuận tay, làm tiếp sau kế thứ 7 mà thôi. Thiên hạ không loạn, trật tự không rối thì làm gì có anh hào xuất lộ! Bởi lẽ đó, những anh hào thường được gọi là kẻ "chọc trời khuấy nước". Mục đích của khuấy nước là làm rối beng sự việc lên để dễ bề thao túng. Thủ đoạn của khuấy nước là gây tiếng tăm, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi.

Kế thứ 9/ Tiên phát chế nhân (Ra tay trước để chế phục đối phương) cũng không gặp trở ngại gì bởi từ thời còn “thò lò mũi xanh”, ông nội đã nói hoài câu "Tiên hạ thủ vi cường" đến nỗi nguyên tắc đó nó đã trở thành  bản năng tự nhiên của ta rồi! Cũng như thế, kế thứ 10/ Đả thảo kinh xà (Đập cỏ làm cho rắn sợ) và kế thứ 11/ Tá đao sát nhân (Mượn đao để giết người), rồi kế thứ  12/Di thể giá họa  (Dùng vật gì để vu khống người ta), ta làm quá đẹp. Khổng Minh Gia Cát có sống lại cũng phải gọi ta là “Sư huynh”! Riêng kế thứ 13/Khích tướng kế (Kế chọc giận tướng giặc), và kế thứ 14/ Man thiên quá hải  (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn), ta vẫn phải tôn Gia Cát Khổng Minh làm Sư phụ.


Kế thứ 15/ Ám độ trần sương  (Đi con đường mà không ai nghĩ đến) quả là diêu kế và ta chưa thể vận dụng  được, đanh phải “nghiên cứu” lại. Ám độ trần sương là mỗi bên đều ra sức giấu mục tiêu thật của mình rồi đưa ra mục tiêu giả mà lừa đối phương. Đây là công việc rất phức tạp, có một quá trình khúc triết. Như Tôn Vũ (3) trong Tôn Tử Binh Pháp(4) viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh” Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định.


Muốn dụng kế này phải là người có tầm nhìn xa hiểu rộng và một khối óc tuyệt vời.

Kế thứ 16/Phản khách vi chủ  (Đổi vị khách thành vị chủ). Đó là khả năng xoay chuyển tình thế. Cũng có chỗ nào đó giống như kế thứ 17/ Kim thiền thoát xác: Ve sầu vàng lột xác. Kế này

 

dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.

 

*

Ba kế thứ 18/Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành),  19/Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng giặc), 20/Ban chư ngật hổ (Giả làm con heo để ăn thịt con hổ) cũng được thực hiện trôi chảy và có một kỷ niệm vui là trong thời gian ta giả làm con heo ngu đần để nhử “con hổ” vào bẫy (dùng kế Ban chư ngật hổ) thì thật bất ngờ: từng đàn “heo” không biết từ đâu kéo đến làm quen, kết bạn! Thì ra làm người dốt nát, ngu đần có rất nhiều bạn!


Để thực hiện trót lọt, hoàn hảo kế thứ 21/Quá kiều trừu bản (Qua cầu rồi phá cầu) thật không dễ dàng. Muốn thực hiên tốt kế “Quá kiều trừu bản” này, phải đọc kỹ lại “Hán - Sở tranh hùng”.
Lưu Bang (5) quả nổi danh là người qua cầu cất nhịp lớn nhất trong lịch sử. Thuở Lưu Bang hàn vi còn đi ăn cắp gà, cuộc sống rất gian truân, phải nhờ cậy rất nhiều người mới nên cơ nghiệp. Đến khi có được giang sơn  rồi, lo việc củng cố quyền thế, Lưu Bang chẳng ngại gì hết, đổi lại thái độ, nghi ngờ và giết hầu hết những người đã phò giúp. Người thứ nhất mà Lưu Bang lôi chém là Hàn Tín, rồi đến Bành Việt, Anh Bố, bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái… Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng học ðạo tu tiên!... Máu lạnh như ta mà khi phải “triệt hạ” bớt những “tay chân” thân cận, cũng thấy…mủi lòng! Thôi đành “tạ tội” bằng cách “chăm sóc” vợ con đám “Liệt sĩ” đó thật chu đáo!

 

Kế thứ 22/Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau), và các kế thứ  23/Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt), thứ 24/Chỉ tang mạ hòe (Chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe), thứ 25/ Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng), thứ 26/Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế), thứ 27/Phủ để trừu tân (Bớt lửa dưới nồi) và thứ 28/ Sát kê hách hầu (Giết gà cho khỉ sợ) thực ra là phải liên hoàn, liên kết với nhau, hỗ trợ nhau thì mới phát huy hết tác dụng, đạt hiệu quả cao.


*

Bốn kế từ thứ 29 đến 32 là Phản gián kế (dùng kế của đối phương để quật lại – còn gọi là “tương kế tựu kế” – phải dùng gián điệp), Lý đại đào cương (đưa cây Lý chết thay cho cây Đào), Thuận thủ khiên dương (Thuận tay bắt con dê về) và Dục cầm cố tung (Muốn bắt mà lại thả ra) thật là những diệu kế thiên biến vạn hóa, thực ra ta cũng chưa ngộ hết sự thâm thúy của những chiêu thức căn bản và những biến hóa kỳ ảo của nó! Tuy nhiên, ngó quanh chốn Quan trường thì cũng không có mấy ai tránh được “sát thương” khi ta thi hành những diệu kế này!


*


Khi chưa tới bốn mươi tuổi, ta đã thực hiện thành thục nốt bốn kế cuối cùng là kế thứ 33/Khổ nhục kế (Hành hạ thân xác mình để người ta tin), kế thứ  34/Phao bác dẫn ngọc (Ném hòn ngói để thu về hòn ngọc), kế thứ  35/Tá thi hoàn hồn (Mượn xác để hồn về) và kế thứ 36/ Tẩu kế (Chạy, lùi, thoát thân). Nếu người xưa nói “Ngũ thập tri thiên mệnh” tức Năm mươi tuổi là biết được mệnh Trời thì nay cần sửa lại là “Tứ thập Tri thiên mệnh”, bởi sau khi đã đi qua hết “Tam thập lục kế”, ta bỗng thấy tinh thần sáng láng vô cùng, nhìn thiên hạ chỉ như nhìn vào đám con trẻ, nhìn vào chốn quan trường chỉ như nhìn vào một tấn tuồng, có thể biết rõ kết cục của mọi sự tranh quyền, đoạt lợi kia nó sẽ ra thế nào, đi đến đâu?

 

 

Lại phải nói đôi lời về câu "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách" (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!). Đó là “kế vẹn toàn” của những kẻ “yếu bóng vía”! Còn đối với những người đại bản lĩnh thì phải là bám trụ tới cùng, “Một tấc không đi, một li không rời”! Còn nếu muốn dùng hết cho đủ bộ “Tam thập lục kế” thì “Tẩu kế” chỉ là “động tác giả” mà thôi!

 

*

Khi tôi hoàn tất công việc của vị Đại Tiên giao cho thì chỉ mới hết bảy ngày, còn ba ngày mới tới hẹn, tôi định ra bãi biển Vũng Tàu đổi gió sau một tuần tự giam mình trong “Xà lim” thì nhận được điện thoại của người quen “Quý nhân phò trợ” báo tin: Tác giả cuốn sách “Tam thập lục kế” muốn mời chúng ta đi tắm biển Vũng Tàu hai ngày! Sáng mai, đúng bảy giờ sáng sẽ có xe tới đón!”. Quả là không còn gì để nói!

 

Ngồi trên bãi biển Vũng Tàu rồi, vị Đại Tiên kia mới nói: “Cậu có biết là sau khi cậu “làm việc” cho tôi thì cậu sẽ phải dính vào kế thứ 21 là “Quá kiều trừu bản” không?” – “Lúc đầu tôi cũng nghĩ như thế nhưng nhìn vào “Bản mệnh” của mình thì tôi thấy xuất hiện nhiều điềm lành cho nên không cần phải né tránh gì cả!...Và hình như ông đang gặp rắc rối khi thực hiện “Không thành kế”?” – “Sao cậu lại biết?” – “Tôi chỉ đoán mò mà thôi!” – “Cậu mò giỏi lắm! Ta dùng “Không thành kế” lần này vì quá đề cao đối thủ! Thực ra đối thủ không hề biết ta đang dùng “Không thành kế” nên cứ kéo quân tràn vào “trận địa” của ta và thế là ta đã mất tất cả!” – “Đó goi là “Vô chiêu thắng hữu chiêu”, nhưng thực ra phải nói là đối thủ của ông quá may mắn!” – “Nhưng đó chưa phải là kết cục cuối cùng, ta sẽ lấy lại cả vốn lẫn lời!”…

 

Vị Đại Tiên kia định nói gì nữa thì chuông điện thoại của ông ta réo vang lên bản nhạc của ca khúc “Hành quân xa”! Vị Đại Tiên đứng dậy nghe điện thoại và đi ra mép nước, sóng vỗ dập dờn dưới chân! Nhìn cái cảnh một ông già rất đẹp lão đang đi trên bờ biển kia, chắc không ai có thể nghĩ rằng ông ta đang triển khai thực hiện hai độc kế đều có chữ “Sát” là “Sát kê hách hầu” và “Tá đao sát nhân”!./.


Sài Gòn, tháng 7-2010

 

Chú thích:

 

(1) Trương Nghi: Trương Nghi (? - 309 TCN) là nhà du thuyết nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông sử dụng tài chính trị và tài thuyết phục của mình mà gây dựng sự nghiệp. Ông là đại diện tiêu biểu của phái Tung hoành gia, đề xướng chính sách Liên hoành, chống lại việc Hợp tung của Tô Tần.

Trương Nghi là người nước Ngụy, bạn đồng môn với Tô Tần, theo học thầy Quỷ Cốc Tử. Trương Nghi vào nước Tần, được vua Tần tin dùng, Trương Nghi được phong làm thừa tướng bắt đầu dùng thuyết Liên Hoành. Thuyết Liên Hoành của Trương Nghi chủ yếu dùng thủ đoạn bày cái lợi trước mắt ra cho các nước chư hầu. Các nước Chư hầu đều vì tham cái lợi trước mắt

mà không tính đến hậu quả lâu dài, bội ước với nhau. Điển hình trong thủ đoạn của ông là việc lừa Sở Vương. Trương Nghi sang Sở hứa với vua Sở nếu Sở bỏ liên minh với Tề thì Tần sẽ cắt đất 600 dặm đất Thượng Ư cho Sở. Sở tuyệt giao với Tề nhân cơ hội đó, Tần với Tề liên minh với nhau. Khi Sở Vương đòi đất thì Trương Nghi lại bảo dâng cho Sở vương 6 dặm đất của mình. Sở Vương tức giận mang quân đánh Tần. Tần và Tề cùng đánh Sở, Sở thua to, tổn thất nặng nề.

Trương Nghi dùng thủ đoạn này thuyết phục được các nước Tề, Triệu, Yên, Ngụy liên hoành với nước Tần, như vậy liên minh hợp tung 6 nước do Tô Tần kiến tạo nên đã bị Trương Nghi phá tan, đặt cơ sở vững chắc cho nước Tần tiến tới thống nhất Trung Quốc.

Cuối cùng Trương Nghi làm quan ở Ngụy được 1 năm thì mất.

(2) Tô Tần: Tô Tần (? - 316? TCN), người ở Lạc Dương nước Đông Chu, là một biện sĩ nổi tiếng khả năng du thuyết thời Chiến Quốc. Tương truyền Tô Tần là học trò của thầy Quỷ Cốc Tử, bạn đồng môn với Trương Nghi. Tô Tần đi nhiều nước đề xuất việc hợp tung liên kết sáu nước Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề, Sở để chống lại nước Tần.

Tô Tần đầu tiên gặp vua Tần  nhưng Tần Vương không dùng Tô Tần. Sau đó Tô Tần lần lượt qua nước Triệu, Yên, Hàn, Ngụy, Tề, Sở. Trong thời gian ở Triệu , Tô Tần sợ Tần đánh Triệu liền trêu tức Trương Nghi khiến Trương Nghi sang làm tể tướng nước Tần. Tô Tần đi qua nước nào cũng dùng tài du thuyết của mình, chỉ ra cho vua các nước thấy cái lợi của việc hợp tung. Từ đó vua các nước đều tin Tô Tần, muốn sử dụng thuyết hợp tung của Tô Tần. Tô Tần được vua Triệu phong làm Tung ước chưởng và cầm ấn Tướng quốc 6 nước.

Sau khi việc hợp tung 6 nước hoàn thành, nước Tần không mang quân đi đánh các nước khác trong vòng 15 năm. Nhưng về sau các nước vì lợi của nước mình mà phá minh ước đem quân đi đánh lẫn nhau. Tô Tần liên tục qua các nước để du thuyết khuyên các nước bãi binh trả lại thành trì cho nhau. Tô Tần đi qua các nước đắc tội với các vua nên luôn phải tìm cách trốn từ nước này sang nước khác. Cuối cùng Tô Tần ở nước Tề làm quan. Dần dần việc hợp tung cũng bị phá vỡ.

Ở nước Tề, Tô Tần bị các đại phu nước Tề ghét, tranh giành sự tin yêu của Tề Mẫn Vương nên sai người đâm Tô Tần. Tô Tần bị thương nặng rồi chết.

Sau khi Tô Tần chết, hai người em là Tô Đại và Tô Lệ định đi duy trì việc hợp tung. Tuy việc hợp tung không được như trước nhưng Tô Đại và Tô Lệ đều làm quan và được coi trọng ở các chư hầu phía đông. Như vậy có thể nói việc hợp tung là thành quả của cả ba anh em nhà họ Tô.

Tô Tần và Trương Nghi là bạn đồng môn nhưng do nhiều lý do và đưa ra học thuyết trái ngược nhau. Học thuyết Liên Hoành của Trương Nghi thực chất là để chống lại học thuyết Hợp Tung của Tô Tần. Tô Tần thì luôn nghĩ Trương Nghi hơn tài của mình. Còn Trương Nghi sau khi bị Tô Tần khích mà làm nên sự nghiệp cũng than rằng:

"Than ôi? Thế là ta mắc mưu Tô Quân mà không biết, rõ ràng ta không bằng Tô Quân. Ta lại mới được dùng làm sao nghĩ đến việc đánh Triệu được? Ông tạ ơn Tô Quân hộ ta. Trong thời

 

còn Tô Quân, Nghi đâu dám nói chuyện đánh Triệu? Vả lại, Tô Quân còn đấy, Nghi dám làm trò gì được? "

Như vậy có thể nói hai người tuy chính kiến đối lập nhau nhưng vẫn thán phục lẫn nhau.

Tô Tần được người đời sau coi trọng về tài du thuyết, người có tài ăn nói thường được ví như "lưỡi Tô Tần". Trong Sử ký, Tư Mã Thiên (2*) có nhận xét về Tô Tần: "Tô Tần nổi dậy từ chốn làng xóm, hợp tung sáu nước. Điều đó chứng tỏ tri thức của ông ta có chỗ hơn người".

Nhưng mặt khác vì việc hợp tung liên hoành của Tô Tần và Trương Nghi chỉ có mục đích chủ yếu làm lợi cho bản thân nên Tư Mã Thiên còn nhận xét:"Cả hai người ấy đều là những kẻ gian trá, nguy hiểm làm sao!"

(2*) Tư Mã Thiên: Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN), tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử ký, với bộ sử đó, Tư Mã Thiên được tôn là Sử thánh, một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc.

Tư Mã Thiên làm chức Thái sử lệnh rồi Trung thư lệnh, đời nhà Hán. Sử ký là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ sử này còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế. Công trình này là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.

Tư Mã Thiên sinh năm 145 TCN, ở Long Môn , tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, trong một gia đình có truyền thống làm sử. Hai chữ Tư Mã có từ đời nhà Chu và dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức là chức Binh bộ Thượng thư đời sau. Đời Chu Tuyên Vương (827 TCN-782 TCN) một người giữ chức đó có công, được vua cho phép lấy chức làm họ. Sau đó họ Tư Mã có vài người làm sử quan ở nhà Chu. Thời Chiến Quốc, nước Tần có tướng giỏi là Tư Mã Thác.

Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, là cháu tám đời của Tư Mã Thác. Mười tuổi, Tư Mã Thiên đã đọc Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và nổi tiếng “thông kim bác cổ”. Năm 20 tuổi, nhờ sự hỗ trợ của cha, Tư Mã Thiên đã bắt đầu chuyến du hành vòng quanh đất nước, thu thập các tài liệu và bằng chứng lịch sử…

Sau chuyến đi trở về, ông được chọn làm chức Lang trung trong chính quyền, với nhiệm vụ đi kiểm tra từng địa phương cùng Hán Vũ Đế (vào khoảng từ 122 TCN đến 116 TCN). Sau ông được phụng sứ đi thanh tra các miền Ba Thục, Cung, Tạc, Côn Minh tức những miền mà nhà Hán mới chinh phục được ở phía tây nam. Phía bắc ông lên tới Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương. Năm 110 TCN, sau cuộc tuần du, cha ông lâm bệnh và gọi Tư Mã Thiên về để nối nghiệp, ông nhận chức Thái sử lệnh.

Năm 99 TCN, ông bị vướng vào vụ Lý Lăng . Lý Quảng Lợi và Lý Lăng, hai quan võ, đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi,

anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị cầm tù.

Sau khi ra tù, Tư Mã Thiên được làm Trung thư lệnh, đây là chức quan to, ở gần vua, được ra vào cung cấm, xem các tài liệu mật, chức này chỉ dành cho hoạn quan. Thỉnh thoảng ông được đi theo vua trong các cuộc tuần du. Không được giữ chức Thái sử nữa, lại luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt, ông dồn tất cả tâm sức cho bộ Sử ký và hoàn thành nó năm 97 TCN (có sách nói là năm 91 TCN, lúc ông trên 55 tuổi).

Không ai để ý tới ông cả và ông mất năm nào cũng không biết rõ. Theo Vương Quốc Duy trong Thái sử công niên khảo có lẽ ông mất vào năm 60 tuổi, năm 86 TCN cùng một năm với Vũ đế.

Sử ký là một công trình sử học do Tư Mã Thiên viết trong hoàn cảnh được ông tâm sự như sau: Biên chép, sắp đặt văn Sử ký được bảy năm, thì Thái sử-công gặp cái họa Lý Lăng, bị cùm trói trong tù. Bèn bùi ngùi mà rằng: “-Đó là tội của ta ! Đó là tội của ta ! Thân tàn không dùng được nữa rồi!”. Nhưng rồi lại suy nghĩ kỹ mà rằng: Ôi ! Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng dùng để truyền đạt cái ý nghĩ của mình. Xưa Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên vết Ly Tao; Tôn Tẫn cụt chân bàn Binh Pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lãm; Hàn Phi bị tù ở Tần làm những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở Kinh Thi phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giãi bày cái nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo truyền lại người sau…

Nó đã xây dựng một phong cách viết sử mà sau này trở thành "khuôn mẫu chính thức" cho tài liệu lịch sử Trung Hoa. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên trình bày các sự kiện theo chuỗi kèm theo chú giải, nguồn tham khảo. Công trình này gồm 526.500 chữ, 130 thiên; không theo trình tự thời gian, mà theo 5 chủ đề, bao gồm bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện; viết về nhiều lĩnh vực của xã hội gồm âm nhạc, lễ hội, lịch, tín ngưỡng, kinh tế; kèm theo một nguồn tham khảo lớn. Trước ông, lịch sử được viết dành cho triều đình. Phong cách viết sử mở rộng cho nhiều mặt của xã hội trong Sử ký sau này ảnh hưởng đến Trịnh Tiều  khi viết Thông sử hay Tư Mã Quang khi viết Tư trì thông giám.

Sử ký của Tư Mã Thiên cũng đã được coi như hình mẫu cho văn học miêu tả chân dung nhân vật và sự kiện tại Trung Hoa. Phong cách viết trong Sử ký có ảnh hưởng trong phong cách văn học Trung Hoa thời kỳ nhà Đường, nhà Tống và những tác phẩm truyện võ hiệp sau này. Ngoài Sử ký, Tư Mã Thiên còn viết 8 bài thơ trào phúng,trong số đó có bài nói về sự chịu đựng của ông trong vụ Lý Lăng và bài nói về niềm đam mê viết Sử ký.

(3) Tôn Vũ: Tôn Vũ , tên chữ là Trưởng Khanh, người Lạc An nước Tề, ở vào cuối thời Xuân

Thu, năm sinh năm mất đều không xác định được, nhờ cuốn Binh thư của mình mà được tôn là Tôn Tử, lại bởi hoạt động chủ yếu ở nước Ngô, nên được gọi là Ngô Tôn Tử để phân biệt với Tôn Tẫn (3*).

Tôn Vũ là hậu duệ của Vua Thuấn. Hồi đó các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực cũng tàn khốc khác thường. Tôn Vũ phải mang gia đình chạy đến ẩn cư ở ngoại thành Cô Tô là kinh đô của nước Ngô (nay là Tô Châu), cầy cấy, dệt cửi để sinh sống, Tôn Vũ để tâm nghiên cứu binh pháp.

Thời gian này Tôn Vũ với Ngũ Tử Tư (là trọng thần của nước Ngô) kết thành mối quan hệ gắn bó. Ngũ Tử Tư đã tiến cử Tôn Vũ với Ngô vương. Tôn Vũ dâng 13 chương Binh pháp lên Ngô vương là Hạp Lư, được Ngô vương rất tán thưởng, Tôn Vũ dùng ngay các cung nữ để diễn tập binh pháp, chém mỹ nhân để thị uy, khiến Ngô vương rất nể vì, lệnh cho làm thượng tướng quân, rồi phong làm quân sư. Tôn Vũ sau đó cùng với Ngũ Tử Tư trợ giúp Ngô vương cải cách chính sự, tăng cường quốc lực.Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký: Hạp Lư biết Tôn Tử có tài dùng binh và cho Tôn Tử làm tướng. Phía tây quân Ngô phá nước Sở mạnh, đi vào đất Sính; phía bắc uy hiếp nước Tề, nước Tấn, nổi tiếng ở chư hầu, Tôn Tử có công ở đấy.

Trong Binh nghiệp của mình, Tôn Vũ trực tiếp chỉ huy năm trận đánh và chính năm trận chiến "để đời" này đã góp phần đưa tên tuổi của Tôn Vũ  bất hủ cùng thời gian.

Trận thứ nhất: Tháng 12 năm 512 TCN, khi đó Ngô vương là Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Vũ chỉ huy quân tiêu diệt hai nước nhỏ là nước Chung Ngô và nước Từ. Trong lần cầm quân đầu tiên này, Tôn Vũ đã xuất sắc hạ gọn hai nước trên đồng thời thừa thắng chiếm được đất Thư thuộc nước Sở.

Trận thứ hai: Năm 511 TCN, Tôn Vũ lại thống lĩnh ba quân cùng Ngũ Tử Tư, Bá Hi đi chinh phạt nước Sở bởi lý do "Sở vương từ chối không chịu trao thanh bảo kiếm Trạm Lô cho Hạp Lư". Quân Ngô chiếm được hai sứ Lục và Tiềm thuộc đất Sở.

Trận thứ ba: Năm 510 TCN, lúc này giữa nước Ngô và nước Việt lần đầu tiên xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn mà sử sách còn ghi lại đó là cuộc "Đại chiến Huề - Lý". Trong cuộc chiến này lần đầu tiên Tôn Vũ đưa ra cách dụng binh Quý hồ tinh bất quý hồ đa trong đánh trận, do vậy chỉ với ba vạn quân với phép dụng binh tài tình của mình, Tôn Vũ đã đánh bại 16 vạn quân nước Việt.

Trận thứ tư: Năm 509 TCN xảy ra cuộc Đại chiến Dự Chương giữa nước Ngô và nước Sở. Khi đó vua Sở sai con trai là công tử Tử Thường và công tử Tử Phàm dẫn đại quân tiến đánh nước Ngô, nhằm báo thù nỗi nhục mất đất năm xưa. Một lần nữa Ngô vương Hạp Lư lại giao cho Tôn Vũ cầm quân chống giặc. Lần này Tôn Vũ khôn khéo vòng tránh đội quân chủ lực của công tử Tử Thường; dùng lối đánh vu hồi tập kích doanh trại bắt sống công tử Tử Phàm, quân Sở từ thế mạnh, chuyển sang yếu cầm cự chưa đầy một tháng phải rút chạy về nước.

Trận thứ năm: Hai nước Ngô - Sở một lần nữa xảy ra chiến tranh vào ngày 18 tháng 11 năm 506 TCN sử sách gọi đây là cuộc chiến Bách Cử. Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử hai nước. Lần này quân Sở huy động 25 vạn quân tiến đánh nước Ngô, khí thế báo thù rất sôi sục. Theo kế của Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư vua Ngô bí mật liên kết với hai nước nhỏ là Đường và Thái làm thành liên minh chống Sở. Khi tác chiến, Tôn Vũ triệt để lợi dụng địa hình thuận lợi của hai nước "đồng Minh" để triển khai chiến thuật "Khống chế chính diện", "Tập kích vu hồi mạn sườn" của mình. Sau năm lần giao chiến với quân Sở, Tôn Vũ đều giành thắng lợi. Cuối cùng 3 vạn quân Ngô đã phá tan 25 vạn quân Sở buộc Sở vương phải tháo chạy.

Với năm trận đánh "để đời" này, uy danh và tài thao lược quân sự của Tôn Vũ lừng lẫy khắp thiên hạ. Nhưng sau khi lập được công lao ông không muốn làm quan, cố tình về núi làm dân

thường, mai danh ẩn tích, không biết cuối cùng ra sao nữa. Cuốn sách Việt tuyệt thư nói rằng: ở mười dặm ngoài thành Cô Tô có mộ Tôn Vũ, thực giả ra sao cũng khó xác định?

 (3*) Tôn Tẫn: Tôn Tẫn (khoảng thế kỷ 4 TCN), người nước Tề, là một quân sư, một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng thời Chiến Quốc. Tương truyền, Tôn Tẫn là cháu của Tôn Tử, cùng với Bàng Quyên là học trò môn binh pháp của Quỷ Cốc Tử (ngoài Tẫn và Quyên, học trò Quỷ Cốc Tử Vương Hủ còn có Tô Tần và Trương Nghi học môn du thuyết).

Bàng Quyên là bạn học với Tôn Tẫn, vì ham công danh phú quý nên xin Quỷ Cốc tiên sinh xuống núi trước để tìm công danh. Bàng Quyên làm tướng nước Ngụy, vì ghen ghét tài học của Tôn Tẫn đã mượn pháp luật mà trị tội chặt 2 chân, chạm vào mặt để Tẫn phải giấu mình không lộ diện. Sứ giả nước Tề đến đất Lương (Ngụy), Tôn Tẫn lén gặp thuyết phục sứ giả. Sứ giả nước Tề cho là kỳ lạ bèn mang trộm Tôn Tẫn lên xe về Tề. Tướng Tề là Điền Kỵ phục tài, tâu với Tề Uy Vương phong Tẫn làm thầy, cùng với Kỵ đem quân đánh Nguỵ. Tẫn ngồi trong xe kín, bày mưu kế cho Kỵ đánh Nguỵ phải kiệt quệ.

Mười ba năm sau, Nguỵ và Triệu đánh Hàn. Hàn cáo cấp với Tề, Tề lại sai Điền Kỵ làm tướng, Tôn Tẫn làm quân sư đi cứu Hàn. Tôn Tẫn dùng kế "vây Ngụy cứu Triệu" khiến cho tướng Ngụy

là Bàng Quyên nghe vậy phải rời bỏ Hàn quay về. Tẫn lại dùng kế giảm số bếp trong quân (Rút bếp) lừa Bàng Quyên đuổi theo, rồi sau đó sai quân cung nỏ mai phục hai bên đường Mã Lăng, lấy một khúc gỗ to cạo sạch vỏ, lấy than khắc lên dòng chữ: "Bàng Quyên sẽ chết dưới cây này". Sau đó dặn quân lính hễ thấy ánh lửa nổi lên là bắn thẳng vào chỗ đó. Bàng Quyên đuổi đến nơi, thấy có chữ bèn sai quân thắp đuốc lên để đọc. Quyên đọc xong, thất kinh vội sai quân rút nhưng đã muộn. Quân Tề mai phục thấy ánh lửa đốt lên vội bắn như mưa về phía đó. Bàng Quyên bị tên bắn ngã ngựa, sợ bị quân Tề làm nhục vội rút gươm tự tử".

Chiến thuật mai phục của Tôn Tẫn ở Mã Lăng có thể coi là ví dụ nổi tiếng nhất của câu nói "Dĩ lợi động chi, dĩ tốt đãi chi" (dùng lợi mà dụ địch tiến, trọng binh mai phục quân thù) trong sách Binh pháp Tôn Tử. Hai kế Vây Ngụy cứu TriệuRút bếp của Tôn Tẫn sau này cũng trở nên nổi tiếng, Gia Cát Lượng từng sử dụng một biến thể của kế Rút bếp là kế Thêm bếp để ngăn quân Tư Mã Ý đuổi theo.

Tề Tôn Tẫn binh pháp còn gọi là Tôn Tẫn binh pháp là sách binh pháp do Tôn Tẫn một danh tướng Trung Quốc thời xưa viết. Tôn Tẫn binh pháp đôi khi còn gọi là Tôn tử binh pháp nhưng không phải là Tôn Tử binh pháp (do Tôn Tử viết). (Ở đây Tôn nghĩa là họ Tôn, còn tử () nghĩa là bậc thầy như tử trong Khổng Tử, Mạnh Tử).

Sau khi giúp nước Tề (Nước Tề thời Xuân Thu - chiến quốc nay là tỉnh Sơn Đông) Tôn Tẫn sống ẩn dật, sách bị thất truyền lâu nên người đời có nhiều tranh cãi. Năm 1972 tại núi Ngân Tước - Sơn Đông, người ta khai quật được một số tài liệu lục thao, binh pháp Tôn tử..., nhưng bị hư hại gần hết, Tôn Tẫn binh pháp đáng ra có 89 thiên thì chỉ còn 30 thiên đọc được, tổng cộng bộ binh thư này có hơn 2000 chữ. Tôn Tẫn viết dạy cho binh lính, tướng sĩ Tề quốc. Bộ binh pháp này kế thừa, phát triển Tôn Tử binh pháp nhưng nó tiến bộ hơn. Bộ Tôn Tẫn binh phápTôn Tử binh

pháp tập họp lại thành Tôn gia chỉ đạo. Tôn Tử binh pháp có 18 thiên còn chúng ta chỉ biết 13 thiên. Tư Mã Thiên dựa vào 5 thiên cuối để viết về Tôn Tử trong "Sử kí".

(4)Tôn Tử binh pháp: còn gọi là Binh pháp Ngô Tôn Tử, là sách chiến lược, chiến thuật trong việc dùng binh do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu. Tôn Tử binh pháp  không chỉ đặt nền móng cho Nghệ thuật quân sự truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại.

Cuốn  Tôn Tử binh pháp do  Tôn Vũ dâng lên Ngô vương Hạp Lư là cuốn binh pháp hoàn chỉnh, được viết vào năm 512 trước Công nguyên. Theo Sử ký và theo luận bàn về Tôn Tử của Tào Tháo, đều có ghi chép rõ ràng về 13 chương sách của Tôn Vũ. Từ đời nhà Đường, nhà Tống về sau, xuất hiện khá nhiều thuyết lầm lạc đối với cuốn Tôn Tử binh pháp. Bởi vì từ sau đời nhà Tuỳ cuốn binh pháp này đã bị thất truyền. Ở đời nhà Thanh người ta hiểu Tôn Tử binh phápTôn Tẫn binh pháp là cùng một cuốn sách, Tôn Vũ và Tôn Tẫn cũng là một người, thậm chí còn cho rằng chỉ có Tôn Tẫn mà không có Tôn Vũ.

Năm 1957 khi Quách Hóa Nhược viết về Binh pháp Tôn Tử còn dẫn lời Đỗ Mục cho rằng: Binh pháp Tôn Tử có 82 bài và 9 quyển hình vẽ cộng với cuốn "Ngô Việt Xuân Thu" ghi chép các câu hỏi và trả lời của Tôn Vũ với vua Ngô. Truyền đến đời Tam Quốc, được Tào Tháo chọn lựa, gọt

sửa, biên tập và chú thích, bỏ chỗ thừa, chép những phần tinh tuý và xếp thành 13 thiên, tức là cuốn "Tôn Tử" lưu truyền đến ngày nay. Và khẳng định Tào Tháo đã giữ lại những nội dung chủ yếu của "Tôn Tử", đó là một cống hiến không thể lu mờ được.

Tháng 4 năm 1972, hai cuốn sách Tôn Tử binh pháp (Tôn Vũ) và Tôn Tẫn binh pháp(3*) đồng thời tìm thấy trong một ngôi mộ cổ từ thời nhà Hán ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tháng 7 năm 1978, cuốn Tôn Tử binh pháp cũng được tìm thấy trong một ngôi nhà ở Thanh Hải Trung Quốc, những ngộ nhận kéo dài về cuốn Tôn Tử binh pháp bấy giờ mới được làm rõ.

Từ trước tháng 4 năm 1972, bản Tôn Tử binh pháp được lưu truyền cho là cổ nhất, đó là bản khắc đời Tống. Vào cuối đời nhà Hán đã được Tào Tháo chú giải, sau đó là Mạnh Thị nhà Lương, Lý Thuyên nhà Đường, Đỗ Mục, Trần Hạo , Giả Lâm, Mai Nhiêu Thần nhà Tống, Vương Triết, Hà Diên Tích và Trương Dư. Trong đó bản chú giải của Tào Tháo là có giá trị hơn cả. Đến năm 1957, Thượng tướng Quách Hóa Nhược (Trung Quốc) đã viết lại Tôn Tử binh pháp

theo thể văn ngày nay, dựa vào bản khắc đời nhà Tống và có tham khảo bản Tôn Tử trong Tứ bộ tùng san thời Gia Tĩnh nhà Minh. Những bản này có 13 bài (thiên): Bài 1: Kế, bài 2: Tác chiến, bài 3: Công mưu, bài 4: Quân hình, bài 5: Binh thế, bài 6: Hư thực, bài 7: Quân tranh, bài 8: Cửu biến, bài 9: Hành quân, bài 10: Địa hình, bài 11: cửu địa, bài 12: Hoả công, bài 13: Dụng gián. Sau khi dịch Quách Hóa Nhược chia thành 13 bài là: 1: Bàn về chiến tranh, 2: Tiến công chiến, 3: Tốc quyết chiến, 4: Vận động chiến, 5: Chủ động tính, 6: Linh hoạt tính, 7: Địa hình, 8: Sử dụng gián điệp, 9:Phán đoán tình huống, 10: Hoả công, 11: Quản lý giáo dục, 12: Quan hệ chỉ huy, 13:Tu dưỡng của tướng soái. Rồi lại chia thành 108 đoạn.

Từ năm 1972 về sau (khi đã có bản "gốc" Binh pháp Tôn Tử đời Hán) có nhiều hình thức viết về cuốn sách này nhằm giúp cho người đọc dễ hiểu, nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc bản dịch của

Quách Hóa Nhược, rồi đối chiếu sửa theo bản đời Hán. Bản của Mã Nhất Phu viết theo 13 thiên của Tôn Vũ, mỗi thiên có 3 phần là bản gốc, diễn giải (dựa theo Quách Hóa Nhược) và lời bình. Bản của Đức Thành lại biên tập theo ba mục lớn:1-Tôn Tử binh pháp dẫn nhập ; 2-Tôn Tử binh pháp ứng dụng; 3-Tôn Tử binh pháp nghiên cứu.

Kể từ bài viết của Tào Tháo đã có đến vài trăm người tham gia. Kể từ thế kỷ 7, Binh pháp Tôn Tử đã vào Nhật Bản do sứ thần đưa về, không lâu truyền đến Triều Tiên, đến thế kỷ 18 truyền vào châu Âu qua nước Pháp, nước Anh, nước Đức mà lan khắp thế giới…

Tại phương Tây Binh pháp Tôn Tử được du nhập đến Pháp đầu tiên. Vào năm 1772, tại Paris, cha đạo Joseph Marie Amiot đã xuất bản cuốn sách với tên gọi Nghệ thuật quân sự Trung Quốc, trong đó có "13 chương Binh pháp Tôn Tử", đã gây được tiếng vang lớn.

 (5) Lưu Bang: Là tên húy của Hán Cao Tổ (256 TCN hay 247 TCN –195 TCN) là vị Hoàng đế sáng lập nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Lưu Bang là người làng Trọng Dương, ấp Phong, quận Bái (còn gọi là Bái Công), ở ngôi từ nãm 202 TCN đến 195 TCN. Hàn Tín…Trương Lương là những người có nhiều công trạng giúp Lưu Bang lập nên cơ nghiệp nhà Hán.

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3382
Ngày đăng: 27.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Mảnh Vỡ (17) - Nguyễn Thị Hậu
Lão Trạch - Minh Diện
Cò Quăm - Nguyễn Anh Thế
Ma chó - Ngô Nhân Đức
Những Ván Cờ Cuộc Đời - Đăng Lan
Mọi Thứ Vẫn Đen Đặc - Lê Minh Phong
Cô Son - Minh Diện
Giấc Mơ Bọ Ngựa - Khải Nguyên
Quận He - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện Làng Tôi … - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)