Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
486
116.593.769
 
Lương Châu Từ - Một Cách Nhìn Mới
Đăng Lan

Lương Châu Từ, nguyên văn chữ Hán:

 

Âm Hán Việt:

Lương Châu Từ

 

Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi!

Vương Hàn(1)

 

Bản dịch chữ  Nôm đầu tiên ở nước ta:

Chữ Quốc ngữ:

Rượu đào vơi chén pha lê,

Ngập ngừng hầu uống đàn kề bên tai

Sa trường say ngã chớ cười,

Xưa nay chiến địa mấy ai đặng về.

Bài thơ trên là một trong những bài tứ tuyệt nổi tiếng nhất của văn học Trung Quốc mà hầu như chẳng mấy ai yêu thơ Đường lại không biết đến. Cách đây hàng  trăm năm, Lương Châu Từ  là một trong chưa đến 60 bài thơ do một thi nhân vô danh Việt Nam tuyển chọn công phu từ mấy chục ngàn bài thơ của hàng ngàn thi nhân đời Đường dịch ra tiếng Việt và viết bằng chữ Nôm. Tài liệu này được lưu giữ tại Pháp từ lâu nay. Mới đây, GS Nhan Bảo trường đại học Bắc Kinh - một nhà Việt Nam học của Trung Quốc đã sưu tầm được bản chữ Nôm này ở thư viện Paris. Đây cũng là tài liệu bằng chữ Nôm đầu tiên - trong đó có Lương Châu Từ, xuất hiện ở nước ta do chính Giáo sư Nhan Bảo phiên âm ra tiếng Việt, chú thích và công bố (Đường thi tuyệt cú diễn ca, NXB Tổng hợp, 2003). Như vậy đủ thấy Lương Châu Từ được đánh giá và được hâm mộ đến mức nào.

Người đọc Lương Châu từ, tùy theo mối cảm xúc riêng mà có những mức độ thưởng thức khác nhau, nhưng có lẽ cũng chung niềm cảm khái ở câu:

“Xưa nay chinh chiến, mấy ai trở về” (Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi).

 

Bài thơ trên đã được nhiều dịch giả chú giải. Chẳng hạn:

1. Trần Trọng San - Thơ Đường - Đại học Tổng hợp TP.HCM xuất bản 1990, chú giải như sau:

Bài hát Lương Châu.

Rượu ngon Bồ đào đựng trong chén ngọc dạ quang, toan uống thì tiếng tì bà đã giục lên ngựa. Xin bạn chớ chê cười tôi say nằm trên bãi chiến trường, vì từ xưa đến nay, đi chinh chiến có mấy ai trở về (SĐD trang 80).

 

2. Bản dịch của Trần Trọng Kim - Đường thi tuyệt cú diễn ca - NXB.Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2003, như sau:

Rượu nho kèo chén lưu ly,

Uống thì trên ngựa tiếng tì giục sôi.

Say nằm bãi cát chớ cười,

Xưa nay chinh chiến mấy ai đã về.

(SĐD trang 19)

 

3. Chu Tự Thanh - Đường thi tam bách thủ - Tân Cương thanh thiếu niên xuất bản xã, tháng 1/2000 - diễn giải:

Dùng nho cất thành rượu ngon, rót vào chén dạ quang là chén làm bằng bạch ngọc mài giũa nên. Vị tướng quân toan uống, hốt nhiên nghe tiếng tì bà từ Trên Lưng Ngựa, giục giã lên đường. Mặc cho các người thôi thúc, ta hẳn uống thêm vài chén nữa. Cho dù ta có say khướt, nằm vật chốn sa trường các người chớ cười chi, mà nên hiểu rằng tự xưa nay, những người ra đi chinh chiến có mấy ai trở về! (SĐD trang 269).

 

4.  Lê Nguyễn Lưu - Đường thi tuyển dịch - NXB Thuận Hóa xuất bản 1997, dịch xuôi như sau:

Bài hát Lương Châu.

Rượu bồ đào (nho) ngon ngọt rót vào chén dạ quang, Toan uống, tiếng tì bà đã giục lên ngựa. Say nằm bãi cát, xin anh chớ cười. Vì xưa nay đi đánh xa, ít ai trở về (SĐD trang 273).

 

5.  Ngoài ra, chúng tôi còn có thêm bản dịch tiếng Anh của Robert Payne. Tiếc vì bản gốc đã thất lạc, nhưng cũng xin được giới thiệu để bạn đọc rộng đường tham khảo:

The beautiful grape wine, the night glitting cup,

Drinking or not drinking, the horn summon you to Mount.

Do not laugh if I am drunk on the sandy battlefield,

From ancient times, how many warriors ever returned?

(Wang Han)

Qua năm nhà chú giải tạm đơn cử trên, chúng ta nhận thấy Trần Trọng Kim và Chu Tự Thanh cẩn thận trong diễn giải và đã không hời hợt ở chỗ Tiếng tì bà thôi thúc TRÊN LƯNG NGỰA thành tiếng tì bà giục LÊN NGỰA như Trần Trọng San, Lê Nguyễn Lưu và Robert Payne đã sơ ý. Riêng Robert Payne còn thêm một sơ hở khác và đã dịch chữ tì bà thành Horn tức cái tù và. Tuy nhiên cả năm vị cũng chưa thật dụng tâm diễn giải cặn kẽ tình tiết cùng bối cảnh bài thơ, mà như thế, theo chúng tôi thiển nghĩ, đã không giúp độc giả hiểu được trọn vẹn thần khí bài thơ.

 

Từ trước đến nay, có ba điểm mà các dịch giả cũng như nhà chú giải, hầu như đều lờ đi, không đề cập cho ra lẽ. Đó là:

1. Bối cảnh đích thực các nhân vật được miêu tả trong bài thơ.

2. Tại sao lịnh tiến quân không thúc bằng tù và, kèn hay trống, mà lại là đàn tì bà?

3. Chữ Quân trong Quân mạc tiếu dịch hiểu nghĩa là Ông, Bạn, các vị hay dịch chung chung như Trần Trọng Kim có làm giảm bớt phần nào thi vị của bài thơ chăng?

Là kẻ hậu sinh, chúng tôi đâu dám nghĩ rằng các học giả đã khiếm khuyết kiến thức hay lơ đễnh. Mà đây là do lòng kính trọng người xưa, xin chư vị độc giả cao minh cùng chúng tôi tìm hiểu thêm, mong khám phá giá trị nghệ thuật trác tuyệt của bài thơ:

- Tên bài thơ là Lương Châu từ tức tiếng hát miền Lương Châu. Lương Châu ngày nay là tỉnh Cam Túc về phía Tây Trung Quốc. Từ Nguyên ghi: “Thời Đông Tấn, miền Cam Túc này do Hán tộc và người Hồ luân phiên cát cứ. Đời Tống đặt Lương Châu Vũ uy quận là Tây Lương phủ. Song nhà Minh đổi là Lương Châu vệ. Thanh triều gọi Lương Châu phủ, đến Dân Quốc bỏ đơn vị phủ gọi là Vũ Uy huy huyện. Vậy Lương Châu khi xưa là một miền đất từng có thời do người Hồ cư ngụ. Do đó Lương Châu từ có thể là bài thơ nói về sinh hoạt của rợ Hồ miền Lương Châu xưa.(2)

- Rượu Bồ đào tức rượu nho, cũng là tên một loại Quốc tửu của người Hồ. Đời Đường Trung Quốc đã có rượu nho đều do nguồn gốc từ Tây Vức (Vực) truyền sang. Nhà Đường phá Cao Xương, thu được giống nho “vú ngựa” đem về trồng, lại học được cả cách làm rượu, từ đó Bồ đào tửu mới truyền vào Trung Quốc.

 

Vậy sao tựa đề liên quan đến vùng đất mà xưa kia rợ Hồ từng có thời cát cứ, cư ngụ. “Bồ đào” là chi tiết kế tiếp đề cập đến quốc tửu của họ.

 

- Dạ quang bôi là loại chén uống rượu cực quí của bậc sang trọng người Hồ. Chén này xuất xứ do Hồ tiến cống sang Trung Quốc chứ không phải thuần gốc của người Hán. Sách Đông Phương Sóc, thập châu ký ghi: “Thời Chu Mục Lương , rợ Hồ phương tây hiến chén uống rượu luôn tỏa sáng. Đó là tinh khí của bạch ngọc, ban đêm tự phát ra ánh sáng. Đặt chén nơi nào, thì chỗ ấy luôn sáng như ban ngày”.

 

- Tì bà mã thượng thôi. Từ Nguyên ghi: “Tì bà là một loại đàn có bốn dây, gốc từ Hồ sang, thường đàn trên lưng ngựa”. Vậy Tì bà cũng là một loại đàn có nguồn gốc từ Hồ.

 

Cả ba chi tiết: Nước Lương Châu xưa ở gần Tây Vức (Vực), rượu Bồ đào, chén Dạ quang tuy xuất xứ từ Hồ, nhưng do biến thiên lịch sử, nên cũng còn có thể liên quan đến sinh hoạt người Hán. Nhưng đến chi tiết “Tì bà trên lưng ngựa thúc giục” thì chúng ta có thể xác định bài thơ nói về bối cảnh sinh hoạt của người Hồ. Và binh chế Hán tộc qua các triều đại giục quân sĩ lên đường đều bằng trống bể, trống cổ, hoặc kèn sáo, chứ không dùng đàn Tì bà khảy trên lưng ngựa như phong tục Hồ.

 

Sách Tây sử ký do Lưu Úc đời Nguyên soạn có ghi: “Người Hồ ở sa mạc, cư ngụ trong các lều trại, họ phải đánh nhau luôn với các bộ tộc Hồ để dành quyền thống lãnh đất đai, hoặc đánh với Hán tộc. Chiến tranh thường thảm khốc và chiến sĩ ra trận chẳng mấy ai bình yên trở về. Do đó, mỗi lần động binh, trước khi xuất quân lên đường, họ thường tổ chức tiễn đưa rất trọng thể. Quân tướng đều được uống rượu nho thỏa thích. Riêng các tướng tá lại hân hạnh được các mĩ cơ (người đẹp mà họ có quyền mang theo), chuốc rượu tiễn trong trướng chỉ huy. Nhưng theo tập tục, khi nghe tiếng Tì bà từ trên lưng ngựa của đội quân nhạc trổ vang thúc giục lên đường thì mọi người phải cấp tốc lên ngựa ra đi. Khi trổi dứt điệu, nhạc công kị binh chỉ huy đập vỡ cây đàn, ý gác lại tình nhà, rồi mọi người rầm rộ lên đường.

 

Đặc biệt qua chi tiết “chén ngọc dạ quang”, chúng ta còn có thể xác định thêm đối tượng được tiễn trong bài thơ là tướng quân và người chuốc rượu. Ở đây chúng tôi xin võ đoán là một mĩ cơ mà ông tướng đã mang theo để phục thị trong trướng. Vậy tiếng “quân” trong câu “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu”, chúng tôi nghĩ nên hiểu là Nàng cho ý vị bài thơ thêm nồng nàn, thơ mộng?

 

Như vậy hẳn các độc giả sẽ trách chúng tôi cường điệu. Vì từ xưa nay, chữ “quân” chỉ dùng để cho nam giới trong cách xưng hô. Ở đây, chúng tôi thiển nghĩ chữ “quân” trong Hán tự dùng như chữ “You” trong Anh ngữ có nghĩa là “ông”, “anh”, “người”, “nàng”, “em”, “mình”...

 

Từ lâu do quán tính ngữ pháp, chữ “quân” ít phổ biến để gọi phụ nữ trong xưng hô, nên bài thơ trên người ta đã không chịu dụng công tìm hiểu bối cảnh của nó nên đã giản dị hóa mà dịch là “bạn”, “anh” hay “các người”. Dịch như thế, thiết tưởng đã làm giảm mất một phần ý vị của bài thơ, nhất là cảnh bi hùng giữa tướng quân và người đẹp trong mối cảm khái lần chia tay hầu như sẽ vĩnh biệt! Thơ hay, gái đẹp, rượu nồng. Cảnh vậy mới có tình.

 

Ngoài ra, còn tình tiết, có một số dịch giả đã dùng từ toan uống trong bài thơ. Việc dùng từ này e không chính xác với ngữ cảnh của Lương Châu Từ, bởi vì toan uống còn có nghĩa là chưa uống; mà chưa uống thì sao có thể say nằm sa trường hay bãi cát? Cũng xin quý vị lưu ý lại điểm này.

 

Trở lại việc sử dụng chữ quân, chúng tôi xin dẫn chứng ba trường hợp cổ văn, chữ quân được dùng để gọi phái nữ trong xưng hô:

 

a. Nữ gọi nữ bằng quân:

Trong truyện Thanh Mai trong Liêu Trai chí dị Bồ Tùng Linh viết “Mai duệ nữ động phòng viết: hư thử vị dĩ đãi quân cửu hỉ Hựu cổ sinh viết: kim dạ đắc báo ân, khả hảo vi chi”. Nghĩa là: Nàng Mai dìu Nữ vào phòng hoa chúc nói “Em để trống ngôi mợ cả chờ cô từ lâu rồi” đoạn nhìn anh bảo: đêm nay là dịp để trả ơn, xin thực thi cho trọn vẹn”.

 

b. Nam gọi nữ bằng quân:

1. Cũng Bồ Tùng Linh viết trong sách trên ở truyện Bành Hải Thu: “Khách phi nhất quang hướng nữ viết: “Tận thử tống Quân hành. Nữ ẩm gian Bành y luyến bồi hồi...”. Nghĩa là: “Khách nâng chén (sừng) rượu mời Nữ: “Xin cạn chén này tiễn Nàng đi”, trong khi Nữ đang uống, Bành lưu luyến ngẫn ngơ”.

 

2. Trong bài hát nói “Gặp người cũ (Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, Mới ngày nào còn chửa biết chi chi...) nổi tiếng của Dương Khuê (1839 - 1902) có hai câu sau:

Ngã lãng du thì, quân thượng thiếu

Kim quân hứa giá, ngã thành ông.

 

Dịch nghĩa: Khi ta đi chơi thì nàng còn bé lắm, Nay nàng đến tuổi lấy chồng thì ta đã về già.

Đến đây chúng tôi xin tạm dịch thơ như sau:

Bồ đào rượu ngọc chén pha lê,

Trên ngựa đã nghe dục tiếng tì,

Bãi cát say nằm nàng chớ giễu,

Xưa nay chinh chiến mấy ai về.

Trên đây chỉ là những gợi ý chủ quan của kẻ hậu sinh với dụng tâm tìm hiểu thêm ý vị sâu lắng của bài thơ để chúng ta có thể cùng nhau hiểu rõ hơn khi thưởng thức. Kính mong các vị học giả, các bậc cao minh khai tâm lượng thứ!

 

Chú thích:

(1) Vương Hàn (chú thích của GS. Nhan Bảo): (ngày sinh và tử đều không rõ) tự Tử Vũ, người Tỉnh Châu Tấn Dương (nay là Thái Nguyên Sơn Tây) đời Đường. Từng đỗ tiến sĩ, làm quan ở Tiên Châu. Thơ của ông để lại không nhiều. Bài Lương Châu Từ đã được lưu truyền rất rộng rãi.

 

 

Đăng Lan
Số lần đọc: 8086
Ngày đăng: 02.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ Tha Phương Và Tiếng Mẹ Đẻ - Đỗ thị Đông Xuân
Thơ Nguyễn Bắc Sơn: Sai Từ, Câu Thơ Khác Âm Điệu - Hồ Việt Khuê
Nguồn gốc chữ nôm - Đỗ Thành
Paulus Huỳnh Tịnh Của Biên Soạn Pho Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị Ðầu Tiên c ủa Việt Nam (1) - Trần Văn Cảnh
Lang thang chữ nghĩa - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa -12.09 - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa- 6. - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa 5 - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa -4 - Phan Huy Đường
Danh xưng nào chuẩn ? - Thẩm Hồng Thụy
Cùng một tác giả