Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
677
116.607.351
 
Nhà văn xứ tuyết đi khắp thế giới cùng những chú Mumi
Lê Lam

Đó là nhà văn, hoạ sĩ và nhà điêu khắc người Phần Lan gốc Thuỵ Điển , Tove Jansson (1914 - 2001), tác giả của bộ truyện mumi nổi tiếng.được bạn đọc rất nhiều nơi trên thế giới yêu thích. Tove Jansson sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ: cha là một nhà điêu khắc, mẹ là một hoạ sĩ đồ hoạ, còn hai em trai thì một là nhà nhiếp ảnh, một là nhà văn, hoạ sĩ. Bà từng học hội hoạ và  nghệ thuật ở Stockholm (Thuỵ Điển), Helsinki (Phần Lan) và Paris (Pháp).

Nhà văn Tove Jansson và nhân vật Mumi

Tove Jansson bước vào con đường nghệ thuật từ rất sớm: năm 1929, khi mới 15 tuổi bà bắt đầu vẽ tranh biếm hoạ và minh hoạ cho tờ báo có tên Garm của Phần Lan và làm việc đó tới 25 năm sau. Bà còn vẽ tranh cho nhiều báo khác, trong đó có Tin buổi tối London (The London Evening News) của Anh từ năm 1953 đến năm 1959. Bên cạnh sáng tác và minh hoạ cho truyện của mình, Tove Jansson còn minh hoạ cho tác phẩm của nhiều tác giả khác trên thế giới, trong đó đáng chú ý là The Hobbit của J. R. R. Tolkien; The Hunting of the SnarkAlice in Wonderland của Lewis Caroll. Vào cuối những năm 1930 và 1940 Jansson được đánh giá là một trong số hoạ sĩ trẻ có tiếng nhất ở Phần Lan.

Tuy nhiên, Tove Jansson được yêu thích và nổi tiếng trên thế giới là từ bộ truyện về mumi. Những con Mumi do Jansson sáng tạo nên có hình dáng mập mạp với cái mõm dài, da trắng muốt trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Mỗi nhân vật có một tính cách, sở thích và lối sống riêng nhưng đều có một điểm chung là yêu quý thiên nhiên và rất giàu lòng bác ái. Bộ truyện này lấy chất liệu và cảm hứng từ chính gia đình Jansson với những người mang tư tưởng tự do, phóng khoáng, sống gần gũi với thiên nhiên và yêu quý loài vật. Với Thung lũng Mumi, Tove Jansson đã tạo nên một thế giới thanh bình như trong truyện cổ tích của xứ Bắc Âu với cuộc sống đầy nhân bản, không có bạo lực và giết chóc. Ngôi nhà hình tròn với mái nhọn của gia đình mumi trong thung lũng đầy hoa về mùa hè và trắng toát tuyết vào mùa đông không chỉ là nhà của Mumi, Mumi Bố, Mumi Mẹ - những thành viên chính của gia đình, mà còn là tổ ấm của Muy Tí Hon, Nisku Em, Nisku Anh, Muikkunen, Nipsu, Hemuli, cũng như nhiều “cư dân” khác nữa trong Thung lũng Mumi.

Các nhân vật chính trong bộ truyện Mumi

Những câu chuyện theo trí tưởng tượng của Tove Jansson về cuộc sống của những con mumi kết hợp với những tranh minh họa mộc mạc nhưng rất mềm mại và ngộ nghĩnh của chính tác giả đã lôi cuốn bạn đọc khắp thế giới hơn bốn mươi năm qua. Người dân Phần Lan trìu mến ví nữ tổng thống đương nhiệm Tarja Halonen của họ như là nhân vật Mumi Mẹ trong bộ truyện mumi.

Đến nay, bộ truyện về mumi của Jansson đã được dịch ra 40 ngôn ngữ trên thế giới, còn truyện tranh của bà đã được dịch ra 60 ngôn ngữ khác nhau và in trên báo của  40 quốc gia. Tác phẩm của Tove Jansson được so sánh với những tác giả nổi tiếng thế giới như Lewis Caroll và J.R. Tolkien. Tove Jansson hiện là nhà văn Phần Lan thứ ba có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất sau Elias Lönnröt với Kalevala và Mika Waltari với Sinuhe egyptilainen (Sinuhe-người Ai Cập).

Các tác phẩm về Muumi của Tove Jansson gồm:

1. Truyện:         

- Muumi và trận hồng thuỷ (1945, 1991)

- Muumi và sao chổi (1946, 1955)

- Chiếc mũ của phù thuỷ (1948, 1956)

- Những cuộc thám hiểm của Muumi bố (1950, 1963)

- Lễ hạ chí nguy hiểm (1954, 1957)

- Mùa đông huyền bí (1957, 1958)

- Đứa trẻ vô hình và những chuyện khác (1960, 1962)

- Muumi bố và biển (1965)

- Tháng Mười Một ở Thung lũng Muumi (1970)

 

2. Truyện tranh:

- Thế rồi sao?(1952)

-  Ai an ủi Nyyti (1960)

-  Chuyến du ngoạn mạo hiểm (1977)

-  Vị khách kỳ quặc trong nhà Muumi (1980)

-  Những bài ca về Thung lũng Muumi (1993)

Ngoài các tác phẩm dành cho thiếu nhi, Jansson cũng sáng tác truyện và tiểu thuyết cho người lớn. Điều đáng chú ý là mặc dù sinh ra và lớn lên ở Phần Lan, nhưng tất cả các tác phẩm của Tove Jansson đều được viết bằng tiếng Thuỵ Điển là tiếng mẹ đẻ của bà.

Tove Jansson đã nhận nhiều giải thưởng của Phần Lan và quốc tế, trong đó đáng chú ý là Giải thưởng Hans Christian Andersen (1966), Giải thưởng của Viện hàn lâm Thuỵ Điển (1972, 1994) và ba Giải thưởng Nhà nước Phần Lan về Văn học (1963, 1971, 1982). Năm 1995 bà được phong hàm giáo sư của Phần Lan.

Mumi đã bước ra khỏi trang sách và trở thành đề tài của nhiều loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, opera, phim truyền hình, trò chơi không chỉ ở Phần Lan mà nhiều nước khác. Riêng phim truyền hình, ngoài Phần Lan, mumi đã được sản xuất ở Đức, Liên bang Xô Viết, Ba Lan và Nhật Bản. Bộ phim truyền hình đáng chú ý nhất là Những câu chuyện ở Thung lũng Mumi do Nhật Bản và Phần Lan sản xuất vào năm 1990-1992, gồm 104 tập, rất được yêu thích trong hơn một thập kỷ qua..

Không chỉ quen thuộc trong văn học, nghệ thuật, ở Phần Lan, mumi còn có riêng một bảo tàng ở Tampere (http://inter9.tampere.fi/muumilaakso/ ), một khu nghỉ ngơi giải trí Thế giới mumi ở Naantali (http://www.muumimaailma.fi ), cách Helsinki khoảng 180km về phía tây nam. Ngoài ra, còn có Công ty các nhân vật mumi (http://www.moomin.com). Trong thời gian từ 1992-2009, tám bộ tem về Tove Jansson và bộ truyện Mumi đã được phát hành. Hình ảnh các nhân vật trong bộ truyện mumi xuất hiện rất nhiều trên các sản phẩm văn hoá cũng như kinh tế và đang trở thành một thương hiệu của Phần Lan. Cho đến nay đã có tới 250 mặt hàng về mumi được bán trên thị trường khắp thế giới.

Cuốn mumi tiếng Việt đầu tiên: Chiếc mũ của phù thuỷ (do Võ Xuân Quế và Bùi Việt Hoa dịch) sẽ được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản vào tháng 9 tới. Đây là cuốn truyện thứ ba về mumi, ra đời năm 1948, nhưng là tác phẩm đánh dấu sự thành công rất lớn của Jansson. Chỉ hai năm sau, năm 1950, nó đã được dịch sang tiếng Anh và từ đó Mumi và tên tuổi của Jansson bắt đầu nổi tiếng trên thế giới. “Đây là một cuốn sách đáng đọc không chỉ cho trẻ em mà cả cho người lớn”(Washington Post book World). ” “Một món quà tuyệt vời nếu bạn là một đứa trẻ, hay có một đứa trẻ hoặc từng là một đứa trẻ. Ai mà có thể không bị cuốn hút bởi Tove Jansson.” (Hereford Times).

Chiếc mũ của phù thuỷ bằng tiếng Việt là bản dịch tiếng nước ngoài thứ 40 của bộ truyện mumi, nhưng là cuốn mumi đầu tiên có một ”món quà” đặc biệt: thư của Tổng thống Phần Lan, Tarja Halonen, gửi bạn đọc Việt Nam. Trong bức thư bà Tarja Halonen đã viết: ”Tôi hy vọng rằng sau khi đọc xong Chiếc mũ của phù thủy, bạn đọc Việt Nam cũng sẽ yêu thích gia đình mumi. Có thể cuốn sách sẽ khơi gợi ước muốn được làm quen với thế giới mumi - và biết đâu cả với quê hương của mumi ở phương bắc xa xôi – một cách sâu sắc hơn”.

Lê Lam
Số lần đọc: 1828
Ngày đăng: 05.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gọi mãi người ơi - Lâm Xuân Vi
Nháp, Sự Tha Hoá Và Vỏ Bọc Trí Thức - Bùi Công Thuấn
Nguyễn Du, một cách nhìn mới về lịch sử . - Yến Nhi
Thư Cho Bé Sinh - Thơ Đỗ Hồng Ngọc - Mang Viên Long
Đọc thơ Huỳnh Thúy Kiều “ Giấu anh vào cỏ xanh” - Khổng Ðức
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -1 - Lại Nguyên Ân
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -2 - Lại Nguyên Ân
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -3 - Lại Nguyên Ân
Trò Chơi Ẩn Dụ Trong Tháp Nghiêng - Hoàng Thụy Anh
Nguyễn Hồng Quang Trong Bóng Tối Nhìn Ra Ánh Sáng - Lương Văn Chi