Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
539
116.597.408
 
Ánh Thiện Duyên Tỏa Sáng
Phan Đức Nam

Tôi gặp lại chị Mười vào một sáng mùa xuân trong Hội Chùa Bà - thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương. Chị Mười xoắn lấy tôi: “Trời ơi! Lâu quá mới gặp chú! Sao? Độ rày mạnh giỏi không? Làm ăn ra sao? Vợ con thế nào?...” Tôi nắm tay chị lắc mạnh, cười trừ.

Chị Mười rủ tôi về thăm nhà mới của chị ở Củ Chi, rồi hối mấy bà cùng đi Hội mau mau về... Tôi nhìn bà chị trên 70 tuổi đầy nhiệt tình, lăng xăng phụ cô bảo dưỡng khiêng đỡ mấy cháu khuyết tật lên chiếc xe tải nhỏ, trên lổn nhổn những thùng mì gói, bánh kẹo và nhiều giỏ rau quả... “Tụi tui đi chợ đầu mối Thủ Đức mua cho rẻ, tranh thủ đưa các cháu thăm Chùa Bà”.

1. Tiếng gọi từ trẻ tật nguyền.

Tôi lên xe, trước mặt tôi và chị Mười là một bé gái chừng bảy tám tuổi đang ngồi trên xe lăn. Chị Mười vuốt ve bé gái, kể: “Nhỏ này rất thích đi chùa, có dịp là tui cho nó theo. Năm 2004, cơ sở Thiện Duyên tổ chức đi phát bánh Trung Thu cho các trẻ em nghèo ở chùa Kỳ Quang, quận 12. Trên đường về, qua khu gò mả, nghe có tiếng trẻ khóc... tui biểu tài xế dừng lại... thấy con nhỏ này lúc đó nhỏ tí xíu! Tay chân èo uột quơ qua quơ lại, đôi mắt sáng của nó thất thần nhìn tui!... Trời Phật ơi! Lỡ sinh con không lành lặn mà ai nỡ đành đoạn đem bỏ giữa nghĩa địa hoang vắng như vầy!? Trời Phật giao cho tui, thì tui mang nó về nuôi, đặt tên là Trần Trung Thu...”

2. Niềm vui, nỗi lo...

Chị Trần Thị Cẩm Giang có nhiều con nuôi, cháu nuôi, đa số bị bỏ rơi từ nhỏ, có đứa mới vài tháng tuổi. Không biết họ tên thì chị lấy họ Trần của mình đặt cho chúng, tùy theo vóc dáng, hoàn cảnh... Con Đen là Trần Hồng Duyên, thằng Lắc (do bại não, hay lắc đầu) là Trần Vũ Thiện, thằng bé 9 tháng tuổi không hậu môn ốm quắt queo là Trần Cao Thiện, thằng Rớt là Trần Thiện Đức... Nói chung các cháu đang sống ở mái ấm Thiện Duyên đều thuộc dạng khó nuôi, bị tật bẩm sinh, bại não, nhiễm chất độc da cam... Mỗi cháu một hoàn cảnh, do cha mẹ nghèo quá, do thân nhân mặc cảm v.v...

Mà lạ! Ngay cha mẹ và người thân của những đứa trẻ thiếu may mắn ấy không muốn nuôi, thì chị Mười là người dưng lại ôm hết vào lòng.

“Chớ sao bây giờ!? Chính người thân bỏ nó thì nó khó sống nổi? Nhà nước lo không xuể thì tui phụ nuôi vậy. Tới đâu hay tới đó...” - “Nguyên do nào mà chị mở cơ sở từ thiện?” - “Nói theo nhà Phật thì là duyên. Từ khi anh Mười mất, hai đứa con gái lấy chồng ra riêng, tui thường theo các đoàn hành hương đi làm từ thiện. Tới nhiều chùa, nhiều cơ sở, tui gặp bao cảnh khổ, có gia đình nghèo quá mang con tới gởi để đi làm ăn, lâu lâu ghé vô thăm con, góp chút lương thực, tháng có tháng không... Những khi đoàn tui đến thăm, nhiều cháu thấy mặt tui là chạy sà tới ôm cứng... Thương quá! Nhà tui trống trải, tui nhận vài đứa về nuôi để đỡ gánh nặng cho chùa... Rồi nhiều chùa khác cũng gởi vài đứa - toàn những ca nặng. Có đứa tui nhận về, có đứa người ta đem tới trước nhà tui bỏ... Muốn làm từ thiện phải có tâm, sau đó cũng phải có tiền. Tui quyết định bán căn nhà ở Bà Quẹo, chia cho hai đứa con gái mỗi đứa một chút, còn lại tui mang về quê chồng, xây nhà này để hương khói cho ổng. Con cháu lâu lâu mới về, có tụi nhỏ tới ở cũng vui, nhưng nhiều quá miệng ăn núi lở, nhứt là khâu phục vụ các cháu - đa số bị bại não không tự chăm sóc được, tui phải mướn người, lương cao mà nhiều người tới làm vài bữa là chạy. Chú cứ tưởng tượng mỗi sáng mở mắt ra phải dọn vệ sinh cho bảy tám chục cháu ị ra quần, ra giường... Phải có lòng từ tâm và nhẫn nại lắm mới làm nổi. Vậy mà... thấy trẻ bị bỏ rơi là tui... lượm.” Tôi mỉm cười: “Lần lượm được cháu nào làm chị xúc động nhất?” - “Lần nào cũng xúc động hết. Không xúc động sao mang về nuôi được? Còn xúc động nhứt thì... lúc tui lượm được cháu gái chưa tới một tuổi. Trời ơi! Nó bị kiến ăn hết một con mắt! Tui ẵm chạy tới bác sĩ. Con nhỏ yếu và bịnh suốt! Nuôi được bốn năm thì bé Bỏ mất!” Chị Mười nghẹn ngào!... nắm tay tôi kéo vô gian thờ Phật. Chị đốt 3 cây nhang, đưa tôi 1 cây rồi lẩm bẩm khấn vái, sau đó kể: “Có 4 cháu sống ở đây chết rồi! Tui đều đưa chúng đi hỏa táng rồi mang cốt về thờ. Lúc còn sống chúng bị bỏ rơi, mái ấm Thiện Duyên là nơi nương tựa, thì khi chết chúng cũng được ở đây, có Má Mười nhang khói... Tội lắm chú ơi! Có đứa trước khi chết cứ nắm chặt tay tui, đưa mắt nhìn các bạn nó... Nhiều bạn nó sống ở đây bị bại não, có đứa mất trí nhớ... nhưng trước phút vĩnh biệt thì dường như chúng hiểu hết, chúng thất thần, ngơ ngẩn, khóc um! Làm tui cũng khóc!...”

Tôi nắm tay chị Mười. Em cũng đang khóc đây chị ơi!...

Hôm nay rằm, chị Mười mời tôi dùng cơm chay gia đình. Tôi lân la hỏi chuyện: “Chị gặp bao cảnh đời, có cảnh nào đặc biệt không chị?” Chị Mười gật: “...Một sáng, có anh xe ôm chở tới một bà già mặc nguyên bộ quần áo màu đỏ. Anh ta nói: Bà già này không ai nuôi dưỡng. Tui biết Cơ sở Thiện Duyên chuyên nuôi người tàn tật neo đơn nên chở giùm tới đây... Khi anh xe ôm đi, tui hỏi bà già thì mới biết bà tên Thái Thị Y, 78 tuổi. Bả than: Trời ơi! Nó dám nói vậy sao? Thằng xe ôm đó là con trai tui. Nó phá của, làm ăn thất bại phải bán nhà... Bà Y nhớ mình ở phường 13, quận 11. Tui phải liên hệ coi có thiệt không? Chị em sống với nhau nửa năm trời, sau đó công an phường 13 đã buộc các con của bà Y phải đưa mẹ về nuôi dưỡng.”

Tôi nghe mà ngán ngẫm!

Chị Mười rủ tôi sang thăm Cơ sở 2 cách nhà vài trăm mét. “Gọi Cơ sở 2 cho xôm vậy thôi! Khi các cháu đến ở quá đông - giờ đã trên 120 đứa. Tui nghĩ đủ cách... rồi bán 10 cây vàng cuối cùng mua sào đất phía sau để trồng rau, cấy nấm, nuôi gà, ấp trứng, nuôi dế, nuôi rít, tắt kè... Trước là có cái ăn, sau đó làm đồ chay, muối ớt, muối xả, muối tiêu, tương chao... Bỏ mối lung tung... Cực mà vui chú à! Mỗi thứ một chút kiếm tiền lo cho tụi nhỏ, tháng hơn trăm triệu - lo lắm! Nói thiệt không có các đoàn từ thiện khác tới phụ giúp thì cơ sở này tan rồi. Một mình tui kham hổng nổi”.

Chị Mười dành 500m2 phía sau Cơ sở 2 để trồng rau xanh, dựng chuồng trại... Phía trước chị xây 2 phòng lớn để nuôi các cháu tương đối khỏe mạnh. Phan Thị Cẩm Liên - con gái lớn của chị Mười, là y tá điều dưỡng cho biết: Có 7 cháu cần tách riêng. Chúng tự chăm sóc được và cần đi học. Cứ chiều thứ 6, rời bệnh viện là Cẩm Liên chở hai con đến thăm ngoại, rồi trụ luôn thứ bảy, chủ nhật để chăm sóc cho các cháu nơi này. Con gái thứ hai của chị Mười là Phan Thị Cẩm Tiên đang bày cho các cháu kết những hạt cúc, hạt pha lê nhựa thành hình con thú (12 con giáp), hình bình bông, bóp đầm, móc khóa xinh xinh... Cẩm Tiên khéo tay, tự sáng tạo kiểu, cô hồn nhiên kể: “Tụi em làm không được đẹp lắm! Nhờ bà con đến thăm thương tình mua ủng hộ, còn tặng  thêm tiền - giúp nuôi các cháu đó mà”.

Trong những hình ảnh và sổ lưu niệm, tôi thấy có cả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã lần lượt đến thăm. Cẩm Tiên và các cháu mồ côi khuyết tật ở đây đã kỳ công góp sức làm nên một kỷ lục: chiếc đèn kết bằng cúc áo lớn nhất Việt Nam - cao 3m7, đường kính 2m4 (trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập năm 2009) Chiếc đèn này các cháu đã gởi tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tượng trưng cho sự góp sức và lòng nhiệt tình, mong ánh sáng Thiện Duyên tỏa sáng. Chủ tịch nước đã cảm động viết thư khen các cháu. Tôi trích một đoạn:

“...Các cháu băn khoăn, có thể cây đèn còn chưa thật đẹp, nhưng bác trân trọng nó hơn mọi cây đèn khác, bởi nó chứa đựng niềm tin, hy vọng, tâm huyết, và cao hơn tất cả là nó sẽ thắp lên ngọn lửa có sức lay động làm sáng trong và tươi đẹp hồn người... Dù còn phải đối phó với bệnh tật, thiếu tình thương yêu và đùm bọc của gia đình, nhưng các cháu đã làm được nhiều việc rất hữu ích, đầy nhân nghĩa, biết thương yêu đồng bào, thiết tha góp sức lực nhỏ bé của mình vì sự phồn vinh của đất nước”.

Tôi hỏi chị Mười: “Trong việc làm từ thiện chắc chị được nhiều niềm vui. Niềm vui nào theo chị là lớn nhất?” Chị Mười trả lời ngay: “Gần đây là lo được tiền mổ phẫu thuật cho hai cháu. Giờ hai cháu đã chống nạng đi lại được. Sau đó là cơ sở Thiện Duyên đã xây dựng cho hai cặp vợ chồng - nguyên là các cháu sống và làm việc nơi đây. Chúng thông cảm yêu thương nhau. Tình yêu vượt lên trên mọi hoàn cảnh, đau khổ, bệnh tật. Tôi xin tiền làm nhà tình thương cho chúng ở riêng. Chúng trở thành anh chị nuôi của cơ sở Thiện Duyên. Tết này, tôi đã xin Hội Chữ Thập đỏ cho mỗi cháu một phần quà trị giá 200.000đồng, nấu cho chúng mỗi đứa một khoanh bánh tét, miếng bánh chưng, chút mứt... Hãng kẹo Sugus tặng một đầu Lân, ông Địa, chiêng trống... Chúng tự múa hát, vui lắm! Tui lì xì mỗi đứa năm ba ngàn bỏ trong bao đỏ đàng hoàng. Chưa có cái Tết nào tui thấy vui và hạnh phúc bằng. Rồi thầy trụ trì chùa Khánh Vân Nam Viện - (quận 11) cho 10 bao gạo - tháng nào thầy cũng cho, 5 năm rồi. Năm nay thầy mua ủng hộ Cơ sở Thiện Duyên cây đào kết bằng hạt pha lê do các cháu góp công sức làm với giá 50 triệu. Cơ sở Thiện Duyên này tồn tại chính là nhờ công sức của nhiều tấm lòng từ tâm khắp nơi.”

3. Hãy đến với Thiện Duyên.

Tôi tạm biệt, chị dặn với theo: “Tui năm nay 72 tuổi rồi, con cái đã có phận, chỉ lo sau khi tui mất những đứa nhỏ này không biết ra sao?... Tui nguyện hiến toàn bộ cơ sở này cho từ thiện. Qua bài báo của chú, tui tha thiết kêu gọi bất kể những ai có lòng từ tâm hãy tới đây *, tui xin giao hết.”./.

Ảnh: “Má Mười” (Trần Thị Cẩm Giang) và cháu Trần Trung Thu (8 tuổi).

 

Củ Chi - tháng giêng 2010

 



*  Cơ sở Bảo dưỡng & Hướng nghiệp Trẻ cô nhi, khuyết tật Thiện Duyên: Số 73 đường Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (08) 3797 4522 - : 0938 452 246

Email: thienduyencuchi@yahoo.com.vn

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 1997
Ngày đăng: 06.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nắng Xuân Trên Cầu Yên Lệnh - Hoàng Trọng Muôn
Mổ Xẻ Bức Tranh Văn Học Nghệ Thuật VN Hiện Thời - Nguyễn Hàng Tình
Tản Mạn Một Chuyến Về Thăm - Nguyên Minh
Nhớ Đoàn Giỏi – nhà văn chiến sĩ công an - Đoàn Minh Tuấn
Chìm nổi Hoàng Công Khanh - Vân Long
Nhập cuộc Phê bình mở - Inrasara
Nhà văn Tô Hoài ,Trang viết lớn từ những chuyện nhỏ - Vân Long
Chữ Nghĩa – Cà Phê – Văn Nghệ - Thụy Vi
Sau 10 năm tìm gặp ngôi mộ “người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam”: Viết tiếp câu chuyện về thuỷ thủ William Cook - Trần Trung Sáng
Chị Tôi Và Tôi - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)