Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
516
115.989.708
 
Bàn Thêm Về Hình Thức Gắn Bó Với Nội Dung Trong Thơ Nguyên Sa
Trần Văn Nam

Cách đây khoảng mười năm, năm 1988 (Bài này viết năm 1998), nhà thơ Nguyên Sa đã cho ra đời tập thơ thứ hai của ông, tại California. Trong đó có một số bài thơ lục bát bí ẩn, thấp thoáng mờ ảo về tình dục và thân thể mỹ nhân. Gần hai trăm năm trước, thi hào Nguyễn Du, mặc dù đang sống trong xã hội dưới ảnh hưởng khe khắt của Nho Giáo, vậy mà đã có các câu thơ "Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên" hay "Con ong đã tỏ đường đi lối về". Thơ Hồ Xuân Hương cũng vậy. Vài người làm thơ có hình ảnh tình dục vì ẩn ức, vì thách đố chống lại phong tục tập quán xã hội, hoặc vì một tư tưởng triết lý nào đó, hoặc vì để nhạo báng kẻ quyền trên chức trọng (như trong bài thơ phổ biến tưởng chừng đã thuộc văn chương truyền khẩu: Vũng Lội Làng Ngang). Những câu thơ trên của Nguyễn Du, trước hết cho ta một ấn tượng về mỹ cảm. Bài thơ "Tháng Tám Riêng" của Nguyên Sa cũng cho ta một ấn tượng mỹ cảm. Trong khoảng thời gian đã kể trên, ông còn có một số bài thơ cùng loại nhưng không được ông cho in vào tập thơ thứ hai ấy (đăng trong tuần báo Dân Chúng dưới bút hiệu Trần Khiết). Đọc kỹ, ta cũng thấy một chút bí ẩn lồng trong cuộc gặp gỡ đẹp giữa con trăng và dòng sông, đàm thoại những điều gì đó thật mơ hồ:

 

Ta vừa bán được con sông

Ở trên lầu cũ chỉ còn con trăng

Nửa đêm uống được ba phần

Con trăng xuống hỏi chỗ nằm ở đâu

Này em dòng nước trắng phau

Cho ta bờ cỏ gối đầu nghe em.

(Bờ Cỏ)

 

Đến tập thơ thứ ba xuất bản năm 1995, cũng ở California, chỉ còn một vài câu có lẽ vẫn nằm trong chiều hướng về hình tượng bí ẩn thuộc về tập thơ thứ hai, như trong bài "Tiếng Biển", "Âm Nhạc" và bài "Tôn Nữ Thanh Hằng" trích ở dưới đây:

 

Gặp em Tôn Nữ Thanh Hằng

Anh mơ triều đại Công Tằng Nữ Tôn

Lúc vô thấy núi, thấy non

Khi về nhớ nốt ruồi son tuyệt vời...

 

Nhưng đa số các bài thơ lục bát khác trong tập thơ thứ ba hình như đều chuyển hướng về sự nhẹ nhàng, hình ảnh thanh thoát, tưởng như cổ điển.  Một số bài có vẻ thời sự, thực tế.  Một ít bài thực sự gần với cổ điển, và một số bài nằm trong ý hướng sáng tạo nhạc tính, sáng tạo hình ảnh. Đây là hai bài thơ điển hình về sự nhẹ nhàng thanh thoát:

 

Em cười tà áo bay trên

Đám mây ở dưới nỗi phiền muộn xa,

Anh ngồi chỗ hẹn hôm qua

Đám mây ngồi cạnh bài thơ nhẹ nhàng,

Giấc mơ mặc áo lụa vàng

Nơi anh nằm ngủ có hàng thùy dương

(Nhẹ Nhàng)

 

Mùa xuân em mặc áo vàng

Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay

Em vừa xoay nhẹ vai gầy

Nhìn coi vũ điệu vào đầy giấc mơ

Nhìn coi chỗ cuối bài thơ

Nụ hôn màu đỏ trời cho rượu đào

Anh nhìn em mới bước vào

Nhìn xuân, xuân cất tiếng chào đầu năm

(Thơ Xuân Áo Vàng)

 

Áo Vàng, áo lụa vàng êm ái, màu áo phụ nữ, thường lai vãng trong thơ Nguyên Sa. Có lẽ áo xanh áo tím, ông cho thêm vào để đủ bộ trong thơ, không phải là sở thích độc tôn của tác giả "Áo Lụa Hà Đông".

 

Như đã nói trên, ý hướng của ông là sáng tạo nhạc tính, thứ nhạc tính tình yêu.  Nhạc tính tình yêu là gì? Để biết rõ điều này, ta thử đọc lại thơ Nguyên Sa: điều ta dễ dàng nhận ra là có nhiều chữ ông thường lặp lại, rất nhiều điệp vận. Những vần bằng êm ái, gần như là khuôn sáo đối với thi ca, lại thấy thật dồi dào trong thơ của ông, một lặp lại có chủ ý, rõ ràng như: mây bay, áo bay, sương sa, trăng khuya, vòng tay, hiền ngoan, tuyệt vời, ngon, tròn, mưa, xưa, chiều, anh, em, nụ môi... Chú trọng về sự nhẹ nhàng, thơ tình dịu ngọt, thơ tình dành riêng cho âu ca hạnh phúc, ông không ngại sử dụng điệp ngữ điệp âm, trong thơ lục bát cũng như trong thơ bảy chữ. Đây không phải một khám phá của người đọc, mà chính ông có ý thức rất rõ về sự sáng tạo nhạc tính tình yêu đó qua loạt bài "Cuộc hành trình tên lục bát", đoạn nói về điệp vận trong bài thơ "Paris, Có Gì Lạ Không Em": "Vần là một hiện tượng cơ cấu, là sự phối âm của toàn thể chữ trong đoạn thơ hay bài thơ... Vẻ đẹp của giáo đường không phải là cộng lại của những viên gạch. Kiến trúc của giáo đường mang lại vẻ đẹp cho mỗi viên gạch... Tôi lựa chọn nền âm thanh, chọn lựa sự xuất hiện của những tiếng đồng âm, tạo nên một nền âm thanh... Vần sương và trăng hoàn toàn lạc vận, vần em trở lại hai lần, trăng vần với trăng điệp âm điệp vận... Tôi không thấy người đọc nào than trách những xử dụng vần điệu vượt ra ngoài khuôn khổ của vần điệu, hoàn toàn xây dựng trên sự mơ ước sáng tạo, sự phối hợp âm thanh của cả đoạn, của nhiều đoạn, của toàn bài. Chỗ dung thân của thơ phải chăng là sự bao dung có tên là tình yêu?" Quả thật khi nghe bản nhạc phổ thơ Nguyên Sa "Paris Có Gì Lạ Không Em", ta không hề lưu ý về những điệp ngữ điệp vận của lời thơ. Tác giả khiêm tốn gọi đó là do sự "bao dung tình yêu", cám ơn người đọc người nghe. Còn ta gọi đó là "nhạc tính tình yêu" do tác giả chủ tâm tạo nên. Ta thử đọc bài thơ "Tương Tư", sự chủ tâm của tác giả biểu hiện trong những đặc tính tương tự. Bài thơ có sáu đoạn mà vần khuya lặp lại đến ba lần: "Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya...Hay là gió lạnh lúc đêm khuya...Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya...” Vần quen và em cũng lặp lại hai lần mà khi nghe giọng ngâm thơ hay của Phương Hạnh trên đài truyền hình ta như hoàn toàn không lưu ý đến những điệp ngữ này.  Lời thơ và giọng ngâm thơ, cũng như lời thơ và điệu nhạc hay, tăng cường cho nhạc tính tình yêu, vượt lên những săm soi quá để ý về chữ:

 

Có phải rằng tôi chưa được quen

Làm sao buổi sáng đợi chờ em

Hay từng hơi thở là âm nhạc

Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương.

Tôi không biết rằng lạ hay quen

Chỉ biết em mang theo nghê thường

Cho nên cặp mắt mờ hư ảo

Cả bốn phương trời chỉ có em.

 

Còn rất nhiều điệp ngữ trong bài "Tương Tư" và điệp ngữ từ bài này đến bài khác, trong đó bao gồm những vần trại có tính cách tương đương mà tác giả khiêm tốn gọi là lạc vận.  Vần trại thuộc về kỹ thuật cao, làm cho người đọc đừng thấy "quá kỹ thuật" nếu dùng toàn là vần khít khao. Dĩ nhiên, kỹ thuật cao là để đưa tới nghệ thuật:

 

Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi, một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Anh nhớ em ngồi áo trắng thon

Ngàn năm còn mãi lúc gần quen

Em gầy như liễu trong thơ cổ

Anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường

 

Đến đây, ta nhận ra có một chút mâu thuẫn. Chủ ý dùng vần trại, vần tương đương, tránh né vần khít khao, đó cũng là một hình thái đăm chiêu về từ ngữ, về cách dùng chữ.  Trong khi chủ ý của tác giả là để ta quên chữ mà cất cánh bay theo nhạc tính tình yêu. Quên chữ, quên điệp ngữ, lâng lâng với tình yêu, chắc chỉ dành riêng cho tình ca Nguyên Sa, tình ca dịu ngọt, tình ca âu yếm. Những thứ tình ca khác như tình say đắm quá đáng của Xuân Diệu, tình hoang đường siêu thực của Đinh Hùng, tình phụ rẫy của Thái Can, tình vu vơ "đi lên đi xuống thành phố có em" của Vũ Hữu Định, tình đơn phương một chiều "thà là giọt mưa tan trên tượng đá, có còn hơn không" của Nguyễn Tất Nhiên... chắc là phải có một thứ ngôn ngữ riêng, một cách làm thơ với kỹ thuật riêng nào đó.  Mà cũng có thể họ chỉ cốt ý diễn tả tình ý, không chủ tâm tìm một sự hòa điệu chặt chẽ giữa nội dung và hình thức.  Làm cho tan loãng vào sự thưởng ngoạn, điều thi sĩ Nguyên Sa muốn đạt tới: "Chỗ dung thân của thơ phải chăng là sự bao dung có tên là tình yêu". Có nhà thơ nào định sáng tác thứ tình đau "Một Đời Tan Vỡ" như trong nhạc Lam Phương, tình lỡ làng nhưng còn một chút gì hãnh diện vì người yêu lên xe hoa chỉ vì sức ép của gia đình như trong bài "Gợi Giấc Mơ Xưa" của nhạc sĩ Lê Hoàng Long, hoặc thứ tình hy sinh như trong bản "Nghìn Trùng Xa Cách" của nhạc sĩ Phạm Duy… liệu các nhà thơ ấy có liên tưởng đến sáng tạo cách cấu trúc riêng, chưa kể về sự sáng tạo thể thơ riêng, tương tự việc tìm cơ cấu như nhà thơ Nguyên Sa. Chẳng hạn, dùng nhiều điệp ngữ vần trắc để tả tình hậm hực, cứ một hai chữ lại xuống hàng để tả tình ấp úng (như Nguyễn Vỹ dùng để tả từng giọt mưa rơi)... Đa phần chắc là chỉ mượn các thể thơ đã có sẵn, đừng dùng chữ quá xưa đã lỗi thời, đừng dùng chữ quá táo bạo ít ai dám đá động tới. Điều cốt yếu là có được một cái gì riêng, có chất thơ, không lập dị.

 

Ngoài ra, trong các bài thơ lục bát ở tập ba, và một số bài thơ đăng rải rác trong tạp chí ông dự định in vào tập bốn, đã thấy xuất hiện những hình ảnh dường như là ảo giác, hóa thân vào các sự vật thiên nhiên:

 

Cây tây chết ở Sơn Khê

Cây đông tróc gốc cành chia lá vàng

(Trong bài: Phân Thân)

 

Em đi mỗi nhánh một lần

Nhánh xa đi trước, nhánh gần đi sau.

(Trong bài: Dặn Dò)

 

Ta cong mình xuống bãi xa

Con sông thấy lạnh bước qua nằm cùng

(Trong bài: Bãi Xa)

 

Đá to rớt gốc cây đào

Ta mang trả núi, vẫy chào cố nhân

(Trong bài: Cố Nhân)

 

Khi trời trả hết nắng mưa

Trên lưu vực thượng sông chờ nhánh sau.

(Trong bài: Ngũ Cung)

 

Em đi mỗi nhánh, con sông bước qua nằm cùng, là những so sánh và nhân cách hóa lạ. Tác giả như bị ám ảnh về cây tróc gốc và chia lìa tan tác không có trong hai tập thơ trước. Hình tượng gần như ảo giác và ám ảnh buồn rầu đó, phải chăng đến với ông giai đoạn "hậu giải phẫu" vào tháng 8 năm 1988, sau khi ông phải đi trị chứng ung thư cổ. Đó là vì ta liên tưởng cách phân tích thơ do bệnh lý ám ảnh, giống như thơ Hàn Mặc Tử sau khi vào trại Cùi ở Quy Nhơn. Nhưng căn cứ vào một số bài thơ tình yêu thanh thoát ông sáng tác cũng trong giai đoạn trên, và dù trong hoàn cảnh nào vẫn tiếp tục sáng tạo tân kỳ (như hình tượng con trăng xuống uống nước - hoặc con trăng chính là người trong cơn say uống được ba phần chai rượu), ta lại có một kết luận khác: Nguyên Sa là nhà thơ luôn luôn tìm cái gì mới cho thơ mình, một nhà thơ trọn đời hệ lụy với thi ca./.

 

Walnut, California, bổ túc bài viết ngày 28 tháng 4 năm 1998

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2682
Ngày đăng: 09.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chân dung cái Đẹp -1 - Bùi Đức Hào
Chân dung cái Đẹp -2* - Bùi Đức Hào
Liêu Trai Chí Dị - Nơi Ma Tốt, Người Xấu - Đỗ Ngọc Thạch
Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Hồng lâu mộng – Tiểu thuyết ái tình hay nhất mọi thời đại - Đỗ Ngọc Thạch
Bản Giao Hưởng Số VII Và Không Gian Siêu Hình Của Âm Nhạc - Nguyễn Hồng Nhung
Chức năng của thi ca - Khổng Ðức
Đệ Nhất Danh Tác: Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa - Đỗ Ngọc Thạch
Hòa Giải Và Hóa Giải Ba Lọai Nhà Thơ Hôm Nay hay Thơ như là con đường 2. - Inrasara
Hình thức gắn bó với nội dung trong thơ Nguyễn Vỹ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)