Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
319
116.590.239
 
Sài Gòn – hậu bán thế kỷ 19
Nguyễn Đức Hiệp

Theo tài liệu chính thức (1) thì thành Sài Gòn xây năm 1791 theo kiến trúc của Olliver de Puymaniel, dân số vào năm 1860 là khoảng 200.000, Chợ Lớn từ 12 đến 15.000 ngàn dân. Khi chiếm thành Sài Gòn năm 1859, trước khi trở ra Đà Nẵng và để lại một số quân trấn giữ ở Sài Gòn, đề đốc Rigault de Genouilly đã cho đặt chất nổ phá hủy thành Sài Gòn (do Minh Mạng xây lại sau khi phá hủy thành Phiên An sau cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi). Cũng theo tài liệu chính thức thì tiếng nổ kinh hoàng, lòng đất rung rinh các tảng đá to lớn của thành văng trên không (1). Kho lúa lương thực cháy cả tuần và âm ỉ cháy sau đó. Sau khi chiếm được Sài Gòn, thành phố chung quanh thành Sài Gòn hầu như bị hoàn toàn cháy hủy một phần do chiến tranh và một phần do dân chúng bỏ đi đã tự tiêu thổ đốt cháy tất cả, chỉ có khu Chợ Lớn không bị thiệt hại gì (2). Vì thế Pháp đã hoàn toàn thiết kế lại thành phố theo kiểu Tây phương.

 

Dân số ngay tại Sài Gòn lúc đó (1859) chỉ còn 5 đến 6000 người, nhưng chỉ 15 năm sau (1874), dân số Sài Gòn (không kể Chợ Lớn và vùng phụ cận) là 13448 người gồm 965 người Âu (trong đó Pháp là 913), 6246 người Hoa, 5595 người Việt, 205 người Ấn độ quốc tịch Pháp, 4 người Hoa quốc tịch Pháp, 1 người Phi châu quốc tịch Pháp, 161 Ấn độ, 135 Mã Lai, 17 Tagals (Phi) và chỉ 6 người Cao Miên, 2 Nhật (2) (11). Năm 1896, dân số là 44764, tăng lên hơn 3 lần (trong đó có 3258 người Âu, 13801 người Hoa, 26411 người Việt và số còn lại 1294 là người Cao Miên, Mã Lai, Ấn độ (Hindou) v.v…). Người mà Pháp gọi là Mã Lai chính là người Chăm vì về phương diện ngôn ngữ và chủng tộc thì người Chăm là thuộc hệ ngôn ngữ Malay và chủng Austronesian. Sài Gòn trở thành thành phố đa chủng tộc, đa văn hóa.

 

Sau khi đã hoàn toàn chiếm Sài Gòn-Gia Định, ở phía Đông Nam thành Sài Gòn đã bị hủy, Pháp xây 1 nhà thương, 1 nhà thờ, nhà in và kế cạnh đó là dinh rất lớn mà đề đốc Bonard xây từ nhà gỗ đã được mua từ Singapore. Trong nhiều năm ngôi nhà này là nơi thống đốc ở. Ở khu giữa nơi này và sông, lần lượt các tòa nhà được xây lên, trường thông ngôn, bệnh viện mới, cô nhi viện Sainte-Enfance.

 

Như đã đề cập trên, thành Sài Gòn và các nhà gần sông, rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé bị hủy trong chiến tranh và cũng do chính người dân thiêu hủy lúc bỏ đi khi quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Nơi này trước đây có khoảng 50000 dân. Sau 1859 chỉ còn khu vực Chợ Quán, giữa thành Sài Gòn và Chợ Lớn, là vẫn còn hiện diện có cư dân tập trung, nơi đây là xóm của những người theo đạo trước đây, họ đã không bỏ đi tiêu thổ khi quân Pháp đến Sài Gòn.

 

Không lâu những làng cũng được được tái lập từ những người di tản chiến tranh trở lại định cư ở giữa vùng Chợ quán và vùng cao về phía giữa Kì Hòa, cánh đồng mộ và thành Sài Gòn củ (5 làng) và ở rạch Thị Nghè 4 làng. Năm 1862, có 11 khu dân cư trở lại với khoảng 8000 dân. Ngoài người Việt, năm 1864 có 6000 người Hoa, hầu hết là nghề buôn bán sống trong khu vực từ gần bờ sông, kinh rạch đến khu Tong-Keou (Thuận Kiều) về hướng Củ Chi và khoảng 200 người Ấn sống nghề nuôi gia súc và lái xe ngựa. Pháp dùng tiền tệ mới franc, một franc tương đương với 1 quan (1 quan bằng 10 tiền và 1 tiền bằng 60 đồng) (3).

 

Lúc này để thiết lập cơ sở thương mại và giao thông, các bờ sông được nâng cao; công binh đã san bằng các điểm cao (2 hay 3 mét) trên vùng cao giữa thành Sài Gòn và cánh đồng mả. Các điểm cao này bị san bằng và đất được dùng để lấp các vùng thấp. Khi độ dốc trở nên đều hơn thì các đường bắt đầu được thiết kế, cắt thẳng góc nhau. Những con lộ lớn này được lát đá và trồng các cây lớn dọc hai bên, các nhà dọc đường rất ít và xây lên rất chậm; bởi vì người Pháp đến định cư còn rất ít và vật liệu rất thiếu nên chỉ xây các nhà cây, các công chức sống trong nhà giống người Việt và ngay cả thống đốc chỉ có dinh bằng gỗ, được mua từ Singapore, tháo gỡ ra trước khi chở đến Sài Gòn để ráp lại. Dinh gỗ này ở vị trí góc đường rue Taberd (sau đổi là rue Lucien-Mossard tức Nguyễn Du ngày nay) và rue Imperiale (sau đổi là route nationale, rue Paul Blanchy tức Hai Bà Trưng ngày nay) trong khuôn viên của trường Frères des Écoles Chrétiennes (Taberd).

 

Năm 1873 dinh toàn quyền mới, to lớn khang trang hơn, được hoàn thành ở vị trí là dinh Thống Nhất ngày nay (dinh này, sau gọi là Palais Norodom. bị phá hủy sau cuộc đảo chánh 1961 của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và được xây lại mới gọi là dinh Độc lập tức là dinh Thống Nhất ngày nay).

 

Cây cối được trồng hai bên đường mới xây, lúc đầu là các cây xoài vừa có bóng mát và trái cây (nhưng về sau các cây này bị chặt bỏ để trồng các loại cây khác như sao, cao su vì vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 xe đi lại dễ gây tai nạn cho các trẻ con thu lượm hái trái cây. Đường Jauréguiberry, nay là Ngô Thời Nhiệm, trong thập niên 1940-1950 vẫn còn các cây cao su (6))

 

Năm 1865, các tòa nhà dọc sông Sài Gòn được xây dựng cho hảng tàu biển (Messageries maritimes) mà tòa nhà lớn trụ sở của công ty là nhà Rồng ngày nay.

 

Các kinh đầy bùn, các hố rãnh cây cối mọc hoang dại, các đổ nát sau cuộc chiến vẫn còn thấy, làm Sài Gòn vào năm 1864 giống một nơi cắm trại hơn là một thành phố. Trong đêm 2, 3 tháng 9 cùng năm (1864) có con cọp vào vườn Esperance nơi pháo binh ở (1).  Năm 1864 cũng là năm thành lập nhà thương Chợ Quán gần rạch Bến Nghé, trước đó giám mục d’Isauropolis, ông Lefebre tự thành lập bệnh xá nhỏ năm 1861 tại nhà ông, ông tự săn sóc cho những người không phân biệt nghèo khó. Khi chuyển đến bệnh viện mới ở Chợ Quán tháng 9 1864, bệnh viện có thể điều trị 180 bệnh nhân, và có một bác sĩ và 3 soeurs chăm sóc bệnh nhân (3). Ông thống đốc de la Grandière cũng cho lập một vườn bách thảo, dưới sự quản lý của thú y sĩ, M. Germain trong đoàn quân viễn chinh. Ngày 28/3/1865 ông M. Pierre, nhà thực vật học được cử làm giám đốc với 12 mẫu tây vườn cạnh rạch Thị Nghè (5).

 

Thành phố Chợ Lớn phát triển nhanh nhất. Dọc rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hủ và trong thành phố Chợ Lớn năm 1864 đã mọc lên nhanh chóng các nhà chính xây ngăn nắp thẳng hàng theo kế hoạch. Và một vài người Hoa với một tinh thần doanh nghiệp đắc lực gan dạ, một đặc tính dân tộc của họ, đã bắt đầu xây các nhà lầu. Đề đốc De La Grandière đã nhận thấy điều này, và ông đã mời một thương gia người Hoa giàu có, tên là Ban-hap, người đầu tiên xây ngôi nhà lầu đẹp, đến để thưởng một đồng hồ quả lắc. Ban-hap mặc dầu là triệu phú nhưng rất thích món quà này. Ông ta đã dành riêng trong nhà ông một phòng đẹp nhất để chứa đồng hồ quả lắc của đề đốc De La Grandière tặng. Và ông đã bỏ ra nguyên ngày trong bộ đồ lễ, đi sau 4 người thợ khiêng trên một kiệu vàng chiếc đồng hồ quả lắc, quà của thống đốc, cùng với bằng khen. Ông đã để cho các chức sắc chiêm ngưỡng trước khi đặt vào trong phòng danh dự mà ông đã sữa soạn sẵn (3). Ban-hap cũng là hội viên sáng lập Hội trung ương cứu trợ tàu bị đắm (Société centrale de sauvetage des naufragés) thành lập năm 1865 ở Pháp với hội viên trên khắp thế giới. Ông cũng là chủ một xưởng làm thuốc phiện ở Sài Gòn.

 

Theo thống kê năm 1869 (3) của 6 tỉnh Nam kỳ (Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên) cho thấy toàn Sài Gòn có dân số là 104522, Chợ Lớn 35900.

 

Ở hậu bán thế kỷ 19, chung quanh Sài Gòn vẫn là các cánh đồng vô tân, gần Thủ Đức và trên đường đi Biên Hòa là các rừng trong đó có heo rừng, nai, chim công và cả cọp nữa. Theo bác sĩ Albert Morice (1848-1877) (9), người sống ở Nam kỳ và viết về vùng đất này vào các năm 1872-1874, thì vùng phụ cận chung quanh trung tâm thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn và giữa đường Sài Gòn-Chợ Lớn là các cánh đồng rộng lớn đến tận chân trời, trong đó có những suối, đầm lầy, ruộng lúa, ruộng trồng đậu phọng.

 

“.. Trong rạch, suối có nhiều cá mà dân bản sứ bắt ăn. Trong các đầm lầy có nhiều loài ếch, mà trong đó có một loại gọi là ếch bò (grenouille boeuf, Callula pulchra mà ta gọi là ễnh ương) kêu những tiếng lạ và cháy tai làm những người Âu lúc đầu ngạc nhiên nhưng sau đó nhàm lổ tai họ.

 

Ở phía đông Sài Gòn, trên đường đi Biên Hòa, có vài đồi nhỏ trên đồng bằng và nhiều mảnh rừng xuất hiện. Thay vì đất bùn đỏ ở thủ đô Sài Gòn và đất đen xanh vùng quê Sài Gòn, ở đây người ta đi trên các lộ mòn trãi cát trắng trong các rừng ở Pointat (?) và TuDuc (Thủ Đức). Những rùng này là nơi các đến của nhiều chuyến đi săn; vào ngày chủ nhật, một số dân đến giữa các khu rừng này để bắn chim sẻ và chim cu gáy (tourterelle). Đôi khi người ta cũng bắn được các con công. Heo rừng và nai thì rất thường gặp và đôi khi gặp cả "Ông Cọp" đến từ Bà Rịa và Biên Hòa để đi kiếm ăn.

 

May thay cho chúng ta ngày nay (tức thời 1872-1874) là thời gặp “ông cọp” đã vừa qua khi mà đôi khi chúng bắt ăn một vài người canh đơn độc. Tiếng nổ từ súng của chúng ta đã từ từ làm chúng tránh xa; khu rừng nhiệt đới thiên nhiên gần đó có nai, bò rừng và công đủ để thỏa mãn dạ dày và cung cấp cho chúng các món ăn ngon.

..

 

Để có thể quản lý  vùng đất vừa chiếm ở Sài Gòn, trong giai đoạn đầu họ đã lập trường thông ngôn, Collège Indigène de Sài Gòn, xây nơi mà xưa kia là rạp hát bội của Lê Văn Duyệt. Khi khánh thành năm 1877 sau 3 năm xây thì đổi lại là Collège Chasseloup-Laubat, và từ 1928 trở thành Lycée học hết bậc trung học (tú tài) (6).

 

 

Hi`nh 1- Bản đồ Sài Gòn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – Phía trái là đường xe lửa đi Chợ Lớn và Mỹ Tho. Đường xe lửa đến tận bến sông Sài Gòn, ở góc đường Charner (Nguyễn Huệ). Tân Định lúc này vẫn là làng và cạnh vườn Tao Đàn là làng Xuân Hòa. Kế Tân Định là làng Phú Hòa và làng Nam Chơn (hiện nay còn dấu tích làng Nam Chơn là đình Nam Chơn ở đường Trần Quang Khải). Đường Trần Hưng Đạo đi Chợ Lớn chưa có, vùng này là làng Tân Hòa. Đi Chợ Lớn cũng có đường (route basse) dọc rạch Bến Nghé-kênh Tàu Hủ (arroyo chinois), xe lửa (tram) cũng chạy trên con đường này từ trạm ở quảng trường Mê Linh dọc Quai de Commerce và Quai de Primauguet (Bến Bạch Đằng) đến Chợ Lớn. Quai de Primauguet sau đổi thành Quai de Francis Garnier. Tòa thị sảnh chưa xây, thành Sài Gòn không còn, đường dọc theo thành (Boulevard de la citadelle) nay là đường Tôn Đức Thắng (phía dưới) và đường Đinh Tiên Hoàng (phía trên). Giữa hai đường Boulevard de la Citadelle là trại lính bộ binh (caserne d’ infanterie, nay là sân Hoa Lư), trước đó không lâu nơi trại lính này là trung tâm thành Sài Gòn (thành Phụng). Thành Sài Gòn không còn. Trên bản đồ có ghi đường Thuận Kiều chạy ngang Jardin de Ville tức vườn Tao Đàn (trước 1975 là đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách Mạng tháng Tám) và đường Mọi (rue des Moïs, sau đổi là rue Richaud và nay là đường Nguyễn Đình Chiểu)

 

Chức thống đốc Nam kỳ (gouverneur de Cochinchine) bắt đầu từ năm 1878 được trao cho dân sự, không còn là thuộc quân sự bổ nhiệm nữa (lieutenant-gouverneur) dưới sự lớn mạnh dần của nhóm công hòa theo Leon Gambetta. Ông thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers. Nhiệm kỳ ông từ 1879 đến 1883, ngắn nhưng ông đã thiết lập kế hoạch đô thị và để lại nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Sài Gòn. Dưới thời ông de Vilers, ông Blancsubé, thị trưởng Sài Gòn là người đầu tiên được bầu là đại biểu Nam kỳ (5).

 

Ông có ảnh hưởng lớn về sự phát triển đô thị Sài Gòn. Khi Vilers đến năm 1879, với chỉ thị rất rõ: gia tăng xây các tòa nhà công cộng, mang lại không gian sức sống, phát triển hoạt động kinh tế. Trong vòng 4 năm nhận trách nhiệm, nhịp độ xây cất mới gia tăng nhanh chóng. Sự đầu cơ địa ốc và các thương lượng thương mại của các thương gia đã làm giá đất bán đấu giá tăng cao độ. Kế hoạch đô thị trung tâm thành phố hình thành. Ông lập ra một ủy ban nghiên cứu về giao thông đường biển, bộ đặt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ quân y hải quân Lapeyrère trong đó có đề án và kế hoạch làm đường xe lữa Sài Gòn-Pnom Penh.

 

Ông tách ra quyền hạn rõ ràng giữa dân sự và quân sự, làm rõ và cải tổ luật hình sự, thiết lập hội đồng thành phố và các hội đồng quận. Nhưng nhiều chương trình kế hoạch duy ý chí của ông gặp phải sự chống đối. Hội đồng quản hạt (Conseil Colonial) chống lại phương pháp không thương lượng hỏi ý kiến của ông.

 

Le Myre de Vilers chống lại ý định của Pháp xâm chiếm Bắc kỳ (Tonkin) để làm địa bàn mở rộng buôn bán thương mại thông thương với thị trường nam Trung quốc qua ngã Vân Nam và Quảng Châu. Vì thế ông bị bãi nhiệm vào tháng 5/1882. Ông trở về Pháp năm 1883 mang theo nhiều hình ảnh quí giá về những công trình của ông (13). Các hình ảnh này nằm trong kho lưu trữ Quai d’Orsay hơn 120 năm cho đến khi tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn công bố năm 2002.

 

Ông Petiton mô tả một phần chợ Vải như sau (4): “Chợ Sài Gòn gồm hai dãy nhà lợp bằng ngói hay tranh. Không có gì sáng sủa cho lắm, bên trong mỗi gian ở chính giữa là đường đi, mổi bên là các cửa tiệm nhỏ, các hàng bán lộ thiên; bên ngoài là các hàng bán cá, các nhà buôn bán trái cây, rau. Chợ có đầy các đứa trẻ mang giỏ, luôn luôn theo sát bạn để đựng cho bạn các hàng bạn đã mua. Đôi khi bạn thấy có một bàn trên đó có một người Ấn (Malabar) hay một người Hoa ngồi co, đó là những người đổi tiền. Đi quanh chợ bên trái và bên phải là các người Ấn được chủ chợ thuê đến mỗi gian hàng người bán nhận tiền một hào (dime) và đưa lại họ tờ biên nhận trả tiền.

 

Những quân nhân Pháp cũng đến đây để mua thực phẩm bổ sung cho phần ăn thường tình của họ; bạn sẽ thấy họ đi ra khỏi chợ cặp đôi với một giỏ treo trên cây tre trên vai họ; nếu bước đi của người Việt và người Hoa sống động và nhanh chóng, thì bước đi của lính chúng ta khi họ khiêng đồ thật là nặng nhọc chậm rãi, trên miệng họ là một điếu thuốc xì gà tồi tệ hiệu Vevey (Thụy sĩ), dài cũng như rất tệ và không hút được. Đoàn lính mua đồ đi ra, theo sau là một trung sĩ hay thượng sĩ, không hơn không kém thanh lịch.

 

Các con chó, giống như các chó Việt Nam, được thả rông tự do kiếm ăn ở chợ, đa số chúng tụ tập ở các hang thịt người Hoa, với dao cầm trong tay, thái những miếng thịt heo nhỏ, ít khi làm cho người Âu muốn ăn.

 

Lúc 9 giờ tối, những khách hàng rất ít còn lại, cũng vội vã ra về, trời đã trở nên nóng thêm”

 

Ông Petiton nói đến ở dọc bến Sài Gòn là nơi duy nhất có một vài quán café. Các quán café này của thời đó ta có thể thấy như sau trong một hình ảnh của bộ sưu tập của ông thống đốc le Myre de Vilers năm 1882.

 

 

Ông Marcel Monnier (1853-1918) trong quyển “Le tour d’Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin” viết là lúc ông từ bến tàu về khách sạn, ban đêm hai bên đường Catinat (Đồng Khởi) có các cột đèn đốt sang bằng dầu hỏa gây cho ông có cảm tưởng là đèn Sài Gòn đã thay đổi từ gas sang điện (8).

 

Ta có thể thấy phong cảnh sinh hoạt của Sài Gòn ở vùng ngoài, theo như ông Petiton kể. Nhà ông Petiton ở lúc ông thăm Sài Gòn nằm ở kế trung tâm thành phố thời bấy giờ, từ đường nơi có nhà giam đi về hướng Chợ Lớn nằm cách rạch Bến nghé thông với kênh Tàu Hủ khoảng 4 hay 500 m (đường Lý Tự Trọng hay đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay). Theo ông tả thì nhà (le cai-nha) gần đường lộ, chung quanh là vài cây dừa và các cây cau. Đối diện nhà về phía trái là một công sở.

 

Khoảng 6 giờ sáng là Sài Gòn bắt đầu cuộc sống thành thị. Ra khỏi nhà, ông thấy hai người Hoa gánh nước trong đó có một người ở trần và một người Việt gánh nước sau hai người này. Sau đó ông thấy trên đường có rất nhiều đàn ông, đàn bà, phụ nữ, trẻ con, các người đi bán mang giỏ chứa hang, các người Hoa có đuôi tóc sam, người Tagal (lai Tây Ban Nha và Phi Luật Tân). Có một người mà người ta gọi là Bồ Đào Nha Singapore hay Quảng Đông (lai Bồ và Hoa): ông này là người phiên dịch của sở giám sát (inspection de Sài Gòn) cho bang Quảng Đông. Người Hoa có 5 bang ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Một xe bò do các con trâu kéo đi chậm rã, nhịp nhàng. Quay về phía nhà ông ở, ông thấy vài con trâu ngay trong vườn !.

 

Qua diễn tả của ông Petiton, ta thấy Sài Gòn ngay vùng mà ngày nay được coi như thuộc trung tâm Sài Gòn, lúc bấy giờ còn rất quê với vườn dừa, cau và có cả các con trâu chung quanh.   

 

Đời sống Sài Gòn như thế nào?. Ta hãy đọc những gì ông Petiton viết như sau:

 

“..

Đúng 10 giờ sáng là lúc nhân viên từ công sở đi ăn trưa và sau đó về nhà nghĩ trưa cho đến 2 giờ chiều. Một số đọc báo, sách còn lại đa số là ngủ trưa. Thành phố từ 12 giờ trưa đến 2 giờ, rất vắng người vì mặt trời nắng. Lúc 2 giờ mọi người trở lại làm việc. Vào lúc 5 giờ chiều khi tiếng trống kẻng nổi lên, mọi người đủ loại giới, trí thức, thông ngôn Việt, hay Hoa vui vẽ hối hả ra khỏi nơi làm. Những người thông ngôn hay các trò học thông ngôn rất hảnh diện với vẽ quan trọng. Họ lãnh 100 franc mỗi tháng, đó là một số tiền lớn cho những người công chức Việt Nam. Lúc 5 giờ rưỡi là lúc các người cảnh sát (matas) ra về. Lúc này cũng là lúc có nhiều xe ngựa riêng của các chủ xe đi dạo đến vùng Chợ Lớn và Cầu Ông lãnh. Khoảng 5 giờ rưỡi hay 6 giờ chiều là lúc giải trí đi dạo bằng ngựa hay xe ngựa. Đường đi dạo bằng xe ngựa thông thường nhất là đường đi Chợ Lớn cách Sài Gòn 5km. Ở giữa đường Sài Gòn-Chợ Lớn là khu đầm ao hồ (Mares) nơi đó có trại lính kỵ binh đóng ở Sài Gòn.

 

Sáu giờ chiều, những công nhân người Việt và Hoa chấm dứt giờ làm việc trong ngày, và từng nhóm lớn đi về những ngoại ô đông dân và trãi dài ở Cầu Ông Lãnh và Gò Vấp. Tôi thấy lúc này cần phải hoạt động và đi bộ một chút; trên tất những đường tỏa ra từ thành phố, tôi gặp một hàng người Việt đi bộ, người này đi sau người kia; trời tối sụp xuống nhanh chóng. Tôi nghe vài tiếng súng bắn báo hiệu cho tôi biết là các tàu chiến trong vũng tàu bắt đầu kéo cờ xuống.

 

Ban đêm đã đến, 7 giờ; cần ngồi xuống trước bửa ăn tối mà bất kỳ ai làm cho anh cũng giống như bửa ăn tối trên tàu mà anh đang say sóng. Bảy giờ rưỡi, kèn hiệu đi nghĩ được gióng lên: tất cả những người lính tốt đều đi ngủ.

 

Lúc 8 giờ, tiếng súng đại bác nói lên điều gì tôi cũng không biết; có thể là giờ cảng sông Sài Gòn đóng cửa. Sau tiếng cà nông, nếu anh ra đường lúc này, thì là bắt đầu một cuộc đi chơi lý thú.

 

Ban đêm ở Sài Gòn, không giống chút nào với Sài Gòn lúc ban ngày. Người Hoa với các loại lồng đèn đủ màu, các tiệm may, tiệm sửa giày v.v... các nhà chơi bài, các người bán hàng ăn rong lưu động làm cho thành phố có một dấu ấn đặc biệt đập vào mắt người ngoài.

..

 

Ở thời điểm chưa có máy bay là phương tiện chính liên lạc như sau này, thì Sài Gòn liên hệ với thế giới bên ngoài là qua tàu thủy chạy bằng hơi nước. Ở Sài Gòn cuộc sống một ngày hôm nay giống như ngày hôm trước và ngày mai, trừ thời điểm lúc tàu thủy sắp cặp bến.

 

Những ngày chờ tàu từ Pháp đến khi tàu bắt đầu vào cảng Sài Gòn từ Vũng Tàu là những ngày lý thú nhất cho tất cả mọi người. Tàu vào Sài Gòn từ Vũng Tàu lâu, vì con sông mà tàu đi vào rất uốn lượn nhiều ngã nên vì thế phải cần một tàu nhỏ chạy bằng hơi nước được gởi ra Vũng Tàu để hướng dẫn tàu vào. Khi tàu đến, trên đỉnh cờ một viên đạn tròn đen được kéo lên, và được hậu thuẩn bởi một phát súng cà nông từ tàu Duperré. Lúc tàu thả neo trong cảng thương mại đối diện với nhà rồng (messageries), cũng là lúc mà một phát đạn cà nông nữa báo hiệu.

 

Tàu nghĩ ở Sài Gòn 24 tiếng trước khi đi Hong Kong. Một vài tiếng sau khi đậu bến, người ta tìm những lá thơ mình muốn trong hộp thơ mình, đây là lúc mọi người đều nôn nức.

 

Vài giờ hay vài ngày sau khi tàu từ Pháp đến, tùy theo thời điểm trong năm, một tàu từ Nhật và từ Trung quốc cũng đến Sài Gòn, và nghĩ tại đây 24 tiếng trước khi đi Âu châu mang theo các lá thư qua đó. Những thương gia lúc này rất bận, họ chỉ có 24 tiếng để viết thư, để quyết định và giải quyết các vấn đề quan trọng. Khi các tàu đã đi thì Sài Gòn trở lại yên tỉnh như mọi ngày (4).

..”

 

Thống kê (7) của bác sỉ Honoré Aurillac, năm 1870 dân số Sài Gòn như sau

 

Viet Nam+Khmer+Mọi (indigenes)  220000

Hoa                                               18000

Ấn                                                    700

Âu                                                    600

 

Sau khi mô tả phong cảnh thơ mộng yên lặng thanh bình trong bệnh viện Sài Gòn giữa vườn cây, ông Monnier đã tả cảnh buổi họp của Hội đồng quản hạt Nam kỳ (conseil colonial) như sau lúc ông đến tham quan và chứng kiến một buổi họp (8). Hội đồng quản hạt được thành lập năm 1880, gồm 6 người Pháp bầu bởi những người có quốc tịch Pháp sống ở Sài Gòn, 6 người Việt được bầu trong mỗi khu bầu cử bởi một hội đồng các đại biểu chọn từ mỗi làng bởi các chức sắc trong làng, 2 người từ phòng thương mại được các hội viên phòng thương mại đề ra và 2 người được thống đốc đề cử (5) (11). Nhiệm kỳ là 4 năm, cứ 2 năm bầu lại phân nữa. Quyền hạn của hội đồng quản hạt tương đương như của các hội đồng dân cử ở các thuộc địa Anh (như Australia, Singapore…).cùng thời. Ngân sách toàn Nam kỳ là do hội đồng quản hạt quyết định, hội đồng liên hệ trực tiếp với bộ trưởng thuộc địa ở Pháp và có quyền lập ra các ủy ban điều tra.

 

“.. Tôi dành ở phần cuối nói về một nét địa phương không kém lớn lao, nơi không có thơ mộng văn chương, nhưng là nơi hội họp và bàn luận của một quốc hội “chân nhỏ”, không kém hùng biện, hào hứng trôi trãi. Cơ quan dân cử đầu tiên trong xứ này, đó là Hội đồng quản hạt.

 

Không phải chỉ là phong cách và hình thức trang trí bên trong, chúng không có gì là đặc biệt để quan tâm. Ngoài những quạt treo trên trần (pankas) (chú thích của người dịch: chữ panka có nguồn gốc từ chữ Ấn độ “punkha” chỉ các quạt treo trên tường được các người hầu kéo qua các dây thừng trong phòng khách ở các nhà người Ấn, “punkha” được người Anh phổ biến đến các xứ khác trong vùng) và cân bằng nhẹ nhàng như có một bàn tay vô hình. Các bàn ghế, đồ đạt hầu như cũng giống như đa số các nơi khác danh cho các đại biểu. Phòng hình bầu dục, tất cả đều trắng, không có nét trang trí và nếp đường chỉ nào, hai bên mở ra hai ban công hành lang để công chúng quan sát. Chắc chắn là có những quốc hội khác không có chổ nào được bằng như ở đây. Tôi đã dự một buổi họp và đã không tiếc thời gian mất cho buổi chiều như vậy. Cuộc thảo luận hôm đó, nói thật ra thì chỉ gây một chú ý bình thường không có gì đặc sắc hào hứng. Hôm đó chỉ bàn những chuyện nhỏ mọn: các kiến nghị, đòi hỏi các trợ cấp, nâng đỡ - rất nhiều đòi hỏi -  lúc có câu hỏi không rõ về các thuế mới, về sự tăng thuế xuất khẩu lúa gạo thì cuộc thảo luận trở thành sống động. Nhưng cũng không lâu thì người ta trở lại các bản kiến nghị.

 

Chung quanh bàn có hình móng ngựa, các đại biểu (conseiller) Pháp y phục trắng xen giữa các đồng nghiệp người Việt đội khăn đen, tất cả tách biệt trên thảm xanh lá cây như các mảnh quân trong trò chơi domino; những đại biểu bản sứ, rất nghiêm trang, đứng đắn, lắng nghe nhưng không hiểu, tuy vậy quyết không để nghe mất một câu nào. Duy nhất là lúc bỏ phiếu, thì người thông ngôn nói cho họ biết về tình hình diễn biến hiện tại và dịch những kết luận của báo cáo viên. Với vấn đề cá biệt, đã quá đi vào chuyên sâu, để có thể đi đến nói lại kết luận, người thông ngôn luôn tìm được phương cách để truyền đạt giống như người phát ngôn trong vở kịch “Bourgeois gentilhome” (“Trưởng giả học làm sang” của Molière), chỉ trong ba hoặc bốn chữ tượng thanh, gần giống như các từ như BelmenMarababa Selhem (chú thích của dịch giã: những từ này dùng trong vở kịch trong đó Covielle giả nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với ông Jourdain dùng một chữ cô đọng nhưng có nghĩa rất nhiều, dài tương đương với vài câu trong tiếng Pháp. Covielle dùng những từ như trên hoàn toàn bịa đặt để gạt ông Jourdain gã con gái cho Cléonte). Điều này làm tôi nghiêng về ý kiến là tiếng Việt Nam có những đặc tính giống như tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mà ta không thể bỏ qua được, nói lên được rất nhiều mà chỉ dùng một vài chữ thôi. Dưới đó, các ông đại biểu người địa phương (indigenes, tức Việt Nam) đội khăn nghe xong thì bàn luận rất nghiêm trọng, và sau đó đi qua vấn đề khác kế tiếp.

 

Nhưng cá tính của hội đồng này, một lý do cốt yếu làm cho chúng ta có cảm tình, rất đơn giản, là nó không có sự hổ thẹn giã giối, không quá thận trọng nể vì, nó thể hiện cả sự yếu đuối của con người và sự nghiêm khắc chặc chẻ trong tranh luận. Nó ngược lại với những gì xảy ra ở các quốc hội hay hội đồng (parlement) khác, mà trong đó không khí tranh nhau rất khó thở ngột ngạt căng thẳng, rất thông thường át đi tiếng nói của những nhà đại biểu hùng biện. Ở đây tất cả mọi người đều nói được… và có rất nhiều giải khát. Không phải chỉ là ly nước đường truyền thống, dành riêng và được uống ừng ực kiêu ngạo của ông chủ tọa, mà nhiều ly nước cho tất cả mọi người. Những đại biểu của hội đồng quản hạt, chính họ cũng có quyền bất diệt là không bị chết khát. Trước mỗi đại biểu là một ly nước sinh lực (tonique) lựa chọn theo ý mình, được pha với nước soda và nước đá. Thỉnh thoảng một chú bé làm dich vụ, đi vòng quanh, chêm vào các ly đã cạn và trình ra trước các người đại biểu muốn hút thuốc đủ loại các thuốc lá, xì gà. Nếu những người kiểm duyệt tính tình nghiêm trang chán ngắt ủ rê muốn phản đối về những canh tân như vậy, tôi sẽ mời họ trước khi ra luật đến dưới bầu trời nắng da diết của xứ này trong vòng vài tiếng; sự đắn đo hão huyền của họ sẽ tan biến như tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Đối với tôi, tôi cho rằng điều này không có vần đề gì với tôi. Hơn nữa, tôi có một ước nguyện, là đòi hỏi hội đồng nên nới rộng biện pháp hay như vậy cho đến cả những khán giả bình thường đến xem hơn là họ chỉ được thấy những ly nước uống giải khát, và hít mùi thuốc lá thơm mà thôi.

…“

 

Sau Le Myre de Vilers, thời thống đốc Paul Blanchy, cơ sở hạ tầng được tiếp tục xây dựng, đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho được hoàn tất và khánh thành năm 1885 do kỷ sư Thévenet thực hiện. Và năm 1891 bưu điện thành phố được hoàn thành.

 

Sài Gòn, tháng 9 năm 1885, cũng tiếp nhận hàng ngàn người dân tị nạn. Họ là những người Việt theo đạo Thiên chúa chạy từ Qui Nhơn vào trên một tàu Đức chở đến sau khi thoát khỏi những chiến dịch cấm đạo diễn ra ở miền Trung do triều đình nhà Nguyễn khởi động, “trước khi đánh Pháp từ ngoài, trước hết phải diệt các ‘người Pháp bên trong’”, như những viên quan triều đình đã nói (10). Họ được các xứ đạo ở Sài Gòn tiếp nhận bảo trợ định cư lại ở vùng đất mới.

 

Đến cuối thế kỷ 19, Sài Gòn đã là một thành phố đủ mọi sắc tộc Âu, Á sống không khác các thành phố cùng thời lúc đó là SingaporeHong Kong (5). Năm 1888, một đoàn xiếc Australia “Woodyear’s Electric Circus” ghé Sài Gòn trình diễn trong hành trình đi lưu diễn ở nhiều thành phố Á châu và Thái Bình Dương.

 

Trở thành một đô thị trung tâm thì phải có một tờ báo. Tờ báo Le Courrier de Sài Gòn, xuất bản một tuần 2 lần, ra mắt số đầu tiên ngày 3/4/1888 (lúc ông cựu thị trưởng Sài Gòn, Blansubé mất). Đây là tờ báo tư nhân đăng những tin liên quan đến thành phố và các nơi khác, từ các mẫu tin nhỏ nhất như đua ngựa, chương trình trình diễn trong nhà hát thành phố (không phải nhà hát hiện nay), tai nạn, trộm cắp…đến những tin về kinh tế, chính trị ở Đông Dương và quốc tế qua thông tin của hảng Reuter. 

 

Trong cuộc bầu cử đại biểu Nam kỳ vào quốc hội Pháp ngày 13/5/1888, tờ Le Courrier Sài Gòn đã ủng hộ ông Carabelli tranh cử với ông Ternisien. Tờ báo tấn công dữ dội ông Ternisien (luật sư ứng cử viên cộng hòa, chống lại hàng rào quan thuế nhập khẩu)) cho là ông Ternisien đã có những hành động bất lợi cho Pháp khi ông ở Cam Bốt thương lượng với vua Cam Bốt về những hợp đồng thương mại và thiết lập đường xe lửa mà lúc trước cựu thống đốc Le Myre de Vilers đã có dự định thiết lập.  Những chi tiết cá nhân, thơ từ và quá khứ hoạt động của ông Ternisien đã bị tờ báo mang ra công kích. Nhưng ông Ternisien đã được nhiều người cử tri ủng hộ (nhất là người Ấn độ). Ông phó thống đốc, Navelle, đã gởi cho ông thị trưởng Carabelli 4 ngày trước ngày bầu cử cập nhật ghi lại danh sách các cử tri Ấn Độ, nhưng ông Carabelli từ chối vì cho là là không đúng luật và ông không có thẩm quyền làm như vậy.  Chỉ khi ông Navelle khẩn cấp gởi thư ra lệnh dùng điều khoản 38 trong sắc lệnh ngày 8/1/1877 để bắt ông Carabelli phải thi hành. Lúc đó ông Carabelli mới chịu (12).

 

Kết quả bầu cử là ông Ternisien thắng, trước ông Carabelli và ông Laurans (chủ nhiệm tờ Indochinois). Ở vòng hai ông được bầu vào quốc hội với số phiếu 710 (1,216 đi bầu trong số 2,144 cử tri ghi danh), hơn ông Carabelli với 494 phiếu. Nhưng ông Ternisien chỉ làm được 6 tháng thì qua sự khiếu nại của ông Carabelli về sự không rõ ràng của danh sách cử tri, quốc hội Pháp đã hủy kết quả và hoãn bầu lại đại biểu Nam kỳ cho đến tháng 4 năm 1889 để thiết lập lại danh sách cử tri trong đó những người Ấn từ thuộc địa Pháp ở Ấn độ khi ở Sài Gòn chỉ được bầu ở xứ họ chứ không được bầu ở Sài Gòn (13). Tuy vậy trong kỳ bầu cử tháng 4 năm 1889, thì cả ông Ternisien và ông Carabelli cũng không thắng mà người thắng vào quốc hội là ông Le Myre de Vilers, sau khi nhảy vào tham gia vào cuộc tranh cử  đầy kịch tính này. Ông Ternisien sau đó trở lại làm nghề luật sư ở Vĩnh Long.

 

Tháng 4/1888, thị trưởng thành phố ông Carabelli trưng bày ở tòa thị sảnh các dự án mang điện thắp sáng thành phố. Thành phố Sài Gòn sửa soạn bước vào thế kỷ 20./.

 

 

Tham khảo

 

(1) P. Cultru, Histoire de la Cochinchine française, des origines à 1883. A. Challamel (Paris), 1910. (2) L. I., Saïgon-Souvenir, petit guide Sài Gònnais à l'usage des passagers des débutants dans la colonie, Editeur Coudurier et Montégout (Saïgon), 1906.

(2) Eugène Bonhoure, Indo-Chine, Challamel (Paris), 1900.

(3) Paulin Francosi Alexandre Vial, Les premieres années de la Cochinchine, colonie francaise, BiblioBazaar, LLC, 2009.

(4) Anatole Petiton, La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage, Éditeur : Impr. de L. Danel (Lille), 1883.

(5) Les colonies françaises: notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique,Quantin (Paris), 1889-1890.

(6) Trần Ngọc Quang, Sài Gòn và những tên đường xưa, http://namkyluctinh.org/a-lichsu/tngocquang-Sài Gòntenduongxua.pdf.

(7) Honoré Aurillac, Cochinchine. Annamites, Moïs, Cambodgiens, Challamel aîné (Paris), 1870

(8) Marcel Monnier, Le Tour d'Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin, E. Plon, Nourrit et Cie (Paris), 1899.

(9) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.

(10) Réveillère, Paul-Émile-Marie (dit Paul Branda),

Ça et là. Cochinchine et Cambodge. L'âme khmère.

Ang-Kor. Troisième edition, Fischbacher (Paris), 1887.

(11) Paul Bonnetain, Le Monde pittoresque et monumental.

L'Extrême-Orient, Quantin (Paris), 1887 (trang 130).

(12) Le Courrier de Sài Gòn, 11/5/1888 no. 12,

trang 2, http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5527269m.image.r

=Landes+naufrage+Cholon.f2.langEN

(13) Assemblee National de France, Base de données des députés français depuis 1789,

http://www.assemblee-nationale.fr/sycomore/fiche.asp?num_dept=6987

 

 

 

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 3850
Ngày đăng: 11.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn Vị Thánh Tương Hiền Minh Triều Trần - Phùng Văn Khai
Thử hỏi về một vài địa danh thắng cảnh ở Bình Thuận ? - Phan Chính
Wang-Tai là ai? - Nguyễn Đức Hiệp
Nhận thức lại về nguồn gốc người Hán - Hà văn Thùy
Bài viết về hậu duệ họ Lê - Diệp Hồng Phương
6 Chữ và 16 Chữ - Đinh Kim Phúc
Về Địa Danh Vịnh Vân Phong - Nguyễn Man Nhiên
Hài cốt cụ Nguyễn hay xương thằng Tây? - Nguyễn Văn Dũng
Địa danh Khánh Hòa thời mở đất - Nguyễn Man Nhiên
Văn Miếu Diên Khánh - Nguyễn Man Nhiên
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)