Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
674
116.543.584
 
Khai Quật Khu Lò Luyện Sắt Vườn Lò (Hiệp Hòa –Bắc Giang)
Trần Anh Dũng

Di chỉ lò luyện sắt Vườn Lò thuộc thôn Quyết Thịnh, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Xã Đức Thắng nằm ở phía bắc huyện Hiệp Hòa, là một trong số xã nằm gần với huyện Phổ Yên và Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên- Nơi có nhiều mỏ sắt lộ thiên và có trữ lượng sắt rất lớn hiện tại vẫn đang được khai thác. Di chỉ Vườn Lò đã được 2 tiến sĩ Lê Đình Phụng và tiến sĩ Nguyễn Hữu Hạnh phát hiện và đào thám sát đầu năm 2006 với diện tích 4,5m2.( Lê Đình Phụng và  Nguyễn Hữu Hạnh 2006). Tiếp theo đó, Viện khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã cùng phối hợp khai quật di chỉ Vườn Lò .

 

Hố khai quật được mở tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Hùng, diện tích là 80m2 (bắc nam 10m x đông tây 8m). Hố mở theo hướng bắc nam, lệch đông 150. Khu vườn này được nhân dân xác định chính xác là nơi có tên gốc Vườn Lò thủa xưa.

 

Đợt khai quật lần này đã phát hiện được dấu tích của 17 lò luyện sắt, thuộc 3 lớp lò.

 

Lớp lò thứ nhất, có 1 lò kí hiệu là K1, bắt đầu xuất hiện từ lớp 1 độ sâu 30-32 cm. Lò chỉ còn nền bị đốt cháy đỏ vì nó nằm sát với mặt đất hiện tại,phần tường nổi lên trên đã bị phá huỷ hết. Nền lò có dạng hình tròn, đường kính khoảng 2,1 m. Nền lò dày 28-32 cm, ở toàn bộ chiều dày đó bị nung đốt, chứng tỏ nhiệt độ nung ở đây rất cao. Một chi tiết rất đáng lưu ý là trên bề mặt của nền lò còn khá nhiều các lớp sắt rỉ bám. Phía đông- nam của nền có những đống xỉ quặng lẫn với các ống gốm và những xỉ sắt hình thoi dài bị đổ thành từng đống, những viên xỉ quặng có kích thước khá lớn 30cm x 36 cm x 29cm; 29 cm x 26 cm x 15 cm; 29 cm x18 cm x 26 cm.

 

Lớp lò thứ hai (lớp lò giữa), có 3 lò mang kí hiệu K2, K3 và K4. Tiêu biểu là lò K2: Lò có dạng gần hình tròn, được đắp bằng đất chịu lửa có các thành phần cát sỏi lẫn với các sỏi đầu ruồi, các mảnh xỉ quặng nhỏ đã bị trai hoá. Tuy nhiên, thành phần đất chịu lửa chỉ nằm bên trong lòng lò. Lò đã bị vỡ hầu hết nhưng rất may còn nguyên vách hậu lò phía sau, các tường phía đông tây và dấu vết của cửa lò cùng một phần nền lò.

 

Cửa lò quay về hướng bắc lệch tây 220. Còn lại là 2 ụ cao mà kết cấu chất liệu của nó gần giống như xỉ quặng, màu nâu xám, bề mặt cũng bị lỗ chỗ và rắn chắc. Ụ phía tây cao 22 cm, rộng 20 cm, ụ phía đông cao 26 cm, rộng nhất là 25 cm, khoảng cách giữa 2 ụ (cửa lò) là 38 cm, khu vực giữa khoảng cách của 2 ụ này có rất nhiều than củi.

           

Thân lò, chiều dài của lò từ vách hậu bên ngoài đến cửa lò là 1,03m. Lòng lò chỗ rộng nhất là cuối lò, rộng 60 cm. Phía bên ngoài của thân lò đắp cong khum. Tường ở các góc vách hậu đắp cong.

           

Bờ tường hậu có chiều cao còn lại là 33 cm. Phía bên ngoài của bức tường này, ở góc Đông Nam đặt 2 ống gốm hình tròn song song với nhau, và dính liền nhau theo chiều gần thẳng đứng. Hai ống này đều có lỗ thủng ở giữa và đầu dưới của nó không thông với lòng lò. Nhiều khả năng nó là ống để người ta rót nước kim loại từ trong lò vào ống này để kim loại đó chảy ra ngoài thành những sợi có mặt cắt hình tròn. Dưới cuối của ống do được rót nhiều kim loại đã bị bám cặn làm tắc lỗ. Mỗi lần tắc lỗ người ta buộc phải thay ống này đi. Đường kính của mỗi ống là 7-7,2 cm. Ở các góc tây nam  cũng có dấu vết để đặt 2 ống gốm nhưng có lẽ chúng đã bị phá vỡ.

 

Lớp lò thứ 3, gồm có 12 lò, lớp VI, độ sâu 0,90 m-1,05m nằm ở nền sinh thổ sét vàng, mật độ phân bố dày đặc.

           

Cấu trúc, đều là lò hình tròn được khoét xuống nền sinh thổ, không rõ có tường hay không (Ảnh 2, 3). Trong mọi lò chứa nhiều than hoa. Lớp lò này sâu dần xuống về phía đông và phía nam, là lớp sâu nhất. Các hố này hình tròn, đường kính từ 60cm đến 78cm, sâu từ 25cm-30cm. Trong hố chứa đầy than củi, ống gốm, xỉ sắt. Đây có thể chính là một loạt lò rèn.

 

 

 

 

Hiện vật khai quật được ở Vườn Lò gồm có các loại đồ gốm men Việt Nam và Trung Quốc,  đồ sành Việt Nam kỉ 17-18 (Ảnh 4), ống gốm dùng trong kỹ thuật luyện kim,  xỉ sắt (Ảnh 5, 6).

 

 

 

Căn cứ vào những di vật như gốm men, đồ sành, đồ đất nung phát hiện được ở trong tầng văn hóa của hố khai quật, có thể xác định chắc chắn rằng những lò sắt ở khu vực Vườn Lò đã tồn tại chủ yếu ở thế kỷ XVIIII. Có thể trước đó vào cuối thế kỷ XVII người ta đã bắt đầu sản xuất ở khu vực này. Khu lò luyện sắt có thể đã bị lụi tàn vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Tại hố khai quật, chúng tôi không tìm thấy dấu vết của đồ gốm thế kỷ này đến đầu thế kỷ XX lại tiếp tục tìm thấy những đồ gốm đương thời. Như vậy nhiều khả năng khu vực Vườn Lò đã bị bỏ hoang trong một thời gian dài khiến cho các lớp cư dân đến cư trú sau đó không hề biết gì về làng luyện sắt này.

 

 Trong hố khai quật chỉ với 80m2, chúng tôi đã tìm được 3 lớp lò với 17 lò luyện sắt còn lại dấu vết, chắc chắn số lượng lò còn ít hơn so với thực tế. Tất cả số lò này đều tồn tại chủ yếu tồn tại trong khoảng thế kỷ XVIII. Điều này cho thấy mật độ lò tập trung dày đặc, đặc biệt là ở giai đoạn lò sớm (lớp lò thứ 3). Số lượng của lớp lò này rất nhiều, mật độ dày, cũng chính những phế liệu của lớp lò này đã được san lấp để hình thành nên lớp lò thứ 2. Với kết cấu của những lò tìm thấy trong giai đoạn lò 1 (lò hình tròn, lòng lò có dạng lòng chảo, bên trong còn xót lại những xỉ sắt, ống gốm, than củi). Chúng tôi nghĩ đây là những lò rèn.

 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, làng Vân Thắng chuyên đúc đồ sắt, phải chăng cách thức của lò này là sử dụng kỹ thuật đúc? Với 3 lớp lò tồn tại trong vòng hơn 1 thế kỷ đã cho thấy sự phồn thịnh của làng luyện sắt cổ.

 

So với cuộc khai quật năm 2005, ở lò luyện sắt Bùi  Bến, Bắc Giang thì những loại hình xỉ sắt ở trong di chỉ Vườn Lò có hình thù, đặc điểm khác hẳn nhau. Có thể ở di chỉ Bùi Bến, người ta chỉ sản xuất phôi sắt còn ở di chỉ Vườn Lò, người xưa vừa sản xuất những phôi sắt vừa sản xuất những đồ sắt phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng  ngày.

 

Vườn Lò vừa là di chỉ cư trú, là nơi sinh hoạt vừa là xưởng sản xuất. Tại đây đã phát hiện được rất nhiều đồ gốm minh chứng cho điều đó./.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Lê Đình Phụng và  Nguyễn Hữu Hạnh( 2006): Báo cáo điều tra thám sát Khảo cổ học huyện Hiệp Hòa- Bắc Giang. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 4, tr. 148.

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 2813
Ngày đăng: 21.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghề Gốm ở Tân Phước Khánh (Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu nghề gốm ở Hưng Định (tỉnh Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm Hiểu Nghề Gốm ở Hưng Định (Tỉnh Bình Dương ) - Trần Anh Dũng
Đồ gốm sứ trang trí hình em bé - Trần Anh Dũng
Làng gốm đất nung Bửu Long - Trần Anh Dũng
Mỹ Xuyên và sản xuất sành ở miền trung qua tư liệu khảo cổ học - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-1 - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-2 - Trần Anh Dũng
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)