Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
787
116.614.333
 
Sương gió qua đường: Con Suối Xà Lách Xoong
Nguyễn Hàng Tình

Thời còn đi bộ, ngày mấy dạo từ “nhà 14” ở ngã ba Trại Hầm băng qua ấp Hồng Lạc để đến toà soạn báo tỉnh ở Tp.Đà Lạt. Chung cư nghèo nối với cơ quan hiền bằng một cái ấp cần lao. Cần lao mà sang, thanh tao về phong thái, lối cộng cư, cách mưa sinh, nghĩa tình người đời, nết ăn, nết ở... Cho tới nay, khi đã có xe máy đi rồi, cứ đường nhựa to thẳng phóng, thế mà lâu lâu lại nhớ cái ấp Hồng Lạc bèn rà qua nhìn nó( Là "khách" mà cứ như " người thân", như "công dân" của ấp!)...

 

 

 

Biết rằng mỗi cái ấp ở phố núi Đà Lạt đều có số phận, có những câu chuyện lưu dân riêng. Các ấp ở Đà Lạt hình thành bằng thứ trật tự giọng nói, "chủ nghĩa đồng hương", tập trung quần tụ với nhau, như ấp người Quảng, ấp người Hà Đông, ấp người Huế, ấp người Nghệ Tĩnh, ấp người Nam Định..., thì cái ấp này lại rất hào kiệt, dung chứa tất tần tật người Việt từ đâu tới. Lưu dân quần tụ phía trên hai bên con suối, còn không gian bên dưới trả cho nguồn mạch tự nhiên lưu thông. Vào ở đây là sống hiền hoà, chan chứa cảm thông, nghĩa tình. Cái tên "Hồng Lạc" nghe "Việt" quá, nhìn thấy tương lai, nồng ấm, yêu đời yêu người. Có người phụ nữ thuộc diện lưu dân sau 1975 từ miền Bắc vào sinh sống tại ấp này bằng nghề giặt quần áo thuê, một ngày muốn đỡ nhọc nhằn hơn bằng cách “lên đời” mở lấy một quán cà phê cóc, chợt chị hỏi cái gã trí thức lang thang nào đó:" đặt tên gì cho quán đây ?". Anh chàng lang thang: "Hồng Lạc". Mà thiệt là từ đó cô bác công dân của ấp đến quán cà phê cóc ấy đông đen_ vì hình như uống quán cà phê này mới thấy là "quán nhà", “cà phê Hồng Lạc”, nó thân thương, sâu nặng, tên ấp mộc mạc xưa cũ được gọi lên hàng ngày, và xoá ngay khoảng cách phân biệt Nam-Bắc, người đến trước kẻ đến sau.

 

*

 

Một cái ấp cần lao đúng nghĩa. Thuộc vùng trung tâm thành phố du lịch, mà chả dây dưa, hưởng dư lợi gì của du lịch. Mấy trăm căn nhà từ tốn neo đậu theo vách thung lũng, dọc hai bên của con suối dài hơn 1,5km_không có căn nào gọi là " khách sạn". Nơi đó có những người sống bằng nghề chụp hình dạo; có người sống bằng chạy xe thồ; có bác sống bằng nghề đánh xe ngựa; có cô điếm già; có người chở ga cho các bà đầu bếp; có anh hàng phở; có cô nàng bún riêu; có bà già mì Quảng; có cô cửa hàng sách; chị cho thuê băng đĩa; có ông Kiến trúc sư kỳ dị; có người mù mở cơ sở massage "sạch"(sự "sạch" hình như cũng là trạng thái hiếm dần ở cái thành phố du lịch nổi tiếng này); có chàng kỹ sư Vật lý hạt nhân; có anh nhân viên Cục đồ bản; có cô Y tá; và có cả cái bác nhân viên ngành hoả xa bạc phơ mái tóc mà ngày người ta ra tay tháo dở tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang- Đà Lạt ông đã ôm lấy nó mà khóc một mình... Tuy nhiên, tất cả những thứ nghề nghiệp kia đều là phụ hoạ, là "phát sinh", bởi linh hồn của ấp lưu cửu trong lòng người Đà Lạt về nó là ... thứ rau có tên gọi “xà lách Xoong”.

 

*

 

Những cư dân đầu tiên ở đây sống bằng nghề trồng xà lách xoong, hay nói khác ấp này hình thành nhờ xà lách xoong. Nhớ năm ngoái, dịp lễ kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, chính quyền Tp.Đà Lạt chỉ định ấp này mang Xà lách xoong lên triển lãm. Và rau xà lách xoong cùng sình lầy của suối Hồng Lạc nằm chễm chệ trên giá trưng bày ở khu triển lãm chính cho du khách muôn phương xem. Giữa rừng rau củ đầy nhan sắc và danh giá sú, súplơ, khoai Tây, cà rốt, cải thảo, đậu Hà Lan, và muôn hoa các loài..., "nàng rau" xà lách xoong lặng lẽ cười.

 

Đứng nơi cầu Su-zê bên hồ Xuân Hương nhìn ngược về hướng đông, nơi có ga xe lửa, dãy biệt thự cổ Trần Hưng Đạo hay khu Resort Hoàng Anh Gia Lai(là khu Tỉnh Uỷ Lâm Đồng cũ,  rồi sau đó giao đứt HAGL đầu tư lập Resort kể từ năm 2004, nhưng nay_năm 2010_ vừa được HAGL sang bán tiếp cho một nhà Tư bản khác từ xa đến, và chủ mới đặt tên là "Resort Royal_Hoàng Gia") thấy dáng hình con suối hiền hoà và dải suối rau xà lách xoong thân thương ấy. Ấp Hồng Lạc là một thung lũng vừa, không sâu, có đỉnh đồi cao hai bên là dải rừng thông đường Hùng Vương và trục đường xe lửa răng cưa. Dải trũng sình dọc theo con suối Hồng Lạc để chảy ra hồ Xuân Hương từ đó thành một dòng chảy xà lách xoong. Mỗi tháng 70 -80 tấn rau xanh lấy lên từ dải sình hai bên suối Hồng Lạc này tung đi xa gần.

 

 

Suốt 70-80 năm nay thế, kể từ ngày người Pháp đưa giống rau đặc biệt giàu dinh dưỡng Xà lách xoong sang đây, nó đã được trồng ngay tại ấp này, duy nhất ấp này, độc nhất nó. Đó là thứ rau đặc biệt, dễ dùng, ăn sống, nấu canh... đều tuyệt! Nói tới nó người "nhạy cảm" sẽ thấy đầu lưỡi xốn xang ngay bởi đại loại như món: xà lách xoong trộn dấm, xà lách xoong trộn cà chua, xà lách xoong trộn trứng vịt luộc, xà lách xoong nấu canh tôm, canh xà lách xoong thịt bò bằm; và "quảng đại" nhất là xà lách xoong... bỏ vào nồi ...lẩu. Đố nhà hàng nào gọi là sang trọng ở Đà Lạt mà không có món gì đấy về xà lách xoong quá đặc biệt thân thương, rau bình dân nhưng lộng lẫy này. Dân Sài Gòn chết mê chết mệt trước thứ rau giòn dai chỗ đầu lưỡi và nồng cay thơm nơi sống mũi vốn mọc lên trên sình lầy cao nguyên Langbian. Nhờ  chịu bám xuống sình, tắm trong sương, và trưởng thành trong cái lạnh Đà Lạt nên xà lách xoong suối Hồng Lạc mới giòn ngon, khó quên đến thế. Cứ nhìn thứ xà lách thân hình cao, thân to, lá dày, bóng mượt, bẻ nghe giòn tan, tiếng vang đến tai là biết ngay " thuộc về ấp Hồng Lạc". Nhưng sình lầy mà "dơ thì xà lách xoong không sống, nước phải thông suốt như mưa chảy từ trên cao xuống, cứ thoả mái ngập suối ngập vườn thế. Đây cũng là dòng thực vật "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

 

*

 

Mười năm trước ấp -suối -và dải vườn rau xà lách Xoong ở suối Hồng Lạc là một điểm nhấn xanh, một khoảng thanh bình về người và nơi chốn, một vạch duyên riêng có của phố núi, một giá trị. Ngày trước người ta chỉ cho trồng xà lách xoong mà cấm tuyệt chuyện mơ tưởng xâm chiếm, xây nhà đe nạt không gian xanh sát của con suối, vì chính nó cùng những lớp vườn rau kia là tấm lưới lọc tự nhiên vĩ đại cho nguồn nước đổ về hạ lưu là hồ Xuân Hương bên dưới để “con mắt Đà Lạt”(hồ Xuân Hương) luôn  trong thanh, quyến rũ thu hút du khách.

 

Rồi một ngày lượn qua ấp, nhìn lại chợt giật mình vì tự dưng bê tông vô tư liếm dần dải thảm xanh tự nhiên ấy. Nhà cửa ép con suối Hồng Lạc từ hai bên, nó teo lại, toi táp lắm. Thấy thảm thương. Con suối đặc trưng quan trọng này của đô thị núi đồi Đà Lạt chỉ còn là hình hài của một cái cống. Xưa đất sình lầy người ta né ra, nay như ai đó nói, ở Đà Lạt, giờ hễ thấy chỗ nào còn trông trống là người ta nghĩ đến... cái thước, "phân lô". Mà ở khu vực Trung tâm thành phố, chỉ còn suối này là trống, rộng, ngon ăn. Đã vậy còn nghe đâu người ta sắp xoá sạch những vườn xá lách xoong kia, vì đã có một chủ trương đô thị hoá suốt dọc hết con suối Hồng Lạc tội nghiệp. Nó chuẩn bị chính thức sống đời sống một "cái cống", sau nhiều ngàn năm hình thành tự nhiên. Con suối cùng cái ấp lạc quan này cũng không thoát.

 

*

 

Ừ nhỉ, chợt rà lại hết, mới hay đâu riêng gì suối Hồng Lạc, ở Đà Lạt trong vòng 15 năm qua bao nhiêu là con suối đã  biệt xứ mất rồi. Đô thị sơn cước mà không có suối khe nhấn nhá tồn tại, không có cái "gen núi đồi" thì bản sắc chỉ còn là câu chuyện xa xỉ. Người bạn chuyên nghiên cứu về thuỷ văn và môi trường Đà Lạt của tôi bảo xoá sạch những con suối trời tạo là "giết" Đà Lạt, là tự sát. Ông bảo tảo lam độc bỗng dưng xuất hiện, và không thể xử lý ở hồ Xuân Hương là do cách ứng xử với những con suối trên lưu vực. Không nghĩ về vai trò của con suối, cùng sự buông thả cho đô thị hoá, thẳng tay cất nhà cửa, và nhắm mắt phân lô sạch các nguồn lạch tự nhiên thì hồ nước thiên nhiên thanh cảnh Xuân Hương chỉ còn là một bể chứa nước thải, không hơn,  và cứ vậy suối thành khe, thành đường cống đô thị. Đâu đợi xa xôi, lịch sử đô thị trên cao nguyên này chưa từng biết đến ngập lụt thì những năm gần đây bà con  phố núi đã thường xuyên  sống chung với lụt mỗi khi mùa mưa về trên hạ lưu suối Cam Ly, suối qua ấp Hà Đông, hay suối đổ về hồ Đội Có...  Mấy người bạn kiến trúc sư qui hoạch của tôi từ Hà Nội và Sài Gòn lên Đà Lạt gặp những kỳ thế, hay bảo: "... Người ta quên mất chuyện hoạch lại hệ thống suối lạch  ở Đà Lạt rồi, chết thật !". Đó là chưa nói chuyện bài học, cũng là  xứ du lịch, nhưng ở Hội An  người ta thật tinh tường và thực dụng khi đưa cả những mảnh vườn rau nhỏ bé vào khai thác du lịch_  Thế mới biết hình như "có tầm" là khi người ta có thể nhận ra cái nhỏ ngay dưới chân mình để khả dĩ nhìn được xa. Giá mà, Đà Lạt cũng...

 

Sáng nay mùa Xuân về, cái ấp Hồng Lạc còn chút hiền hoà vẫn se lạnh và đỏng đảnh ký ức núi, thoi thóp dáng vóc vườn-phố đặc trưng Đà Lạt. Những người nông dân Hồng Lạc đang hối hả thu những vụ xà lách xoong cuối cùng, vì đã nhận được thông báo đền bù sáu mươi ngàn đồng cho mỗi mét vuông ruộng rau xà lách xoong kia. Họ bảo, nếu có chỗ đất sình phù hợp sẽ đi thuê để tiếp tục được trồng xà lách xoong, " nhưng chẳng còn con suối nào nữa đâu, thành "phố" cả rồi. Đây, (suối Hồng Lạc), là chỗ trú cuối cùng của nó!".

 

Tôi tranh thủ chụp lấy những tấm hình cuối cùng về cái ấp tần tảo có thứ rau lặng lẽ đặc sắc (nhưng tên không cần có trong danh mục rau xuất khẩu của Đà Lạt!) của phố núi ngàn rau, có con suối đặc biệt tên mang thứ hạnh phúc  ước ao tươi hồng này để ai đó trong ấp mai này khi cần "ngắm lại" ngày xưa của nơi chốn tôi tặng cho từng người.

 

Tôi biết, bạn biết, anh biết, chị biết, em biết, cô bác biết, rằng những con suối ở Đà Lạt là nỗi trầm tư xứ sở, là hình hài nhắc nhớ về dòng giống đô thị bước ra từ rừng, đô thị của núi đồi, là cái khác so với phố phường đô thị miền đồng bằng dưới kia./.

 

1- Con suối Hồng Lạc và hình ảnh vườn xa lách xoong bị nhà cửa bóp teo lại dần.

2- Người Hồng Lạc và vườn xa lách xoong- Nguyễn Hàng Tình

3- Người nông dân này từ miền trung vào làm thuê nghề trồng xa lách xoong .

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 3013
Ngày đăng: 25.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bình Thủy 1969 - Trần Mộng Tú
Pari, một thoáng - Khải Nguyên
Những cánh rừng biến mất - Đặng Huỳnh Lộc
Ánh Thiện Duyên Tỏa Sáng - Phan Đức Nam
Nắng Xuân Trên Cầu Yên Lệnh - Hoàng Trọng Muôn
Mổ Xẻ Bức Tranh Văn Học Nghệ Thuật VN Hiện Thời - Nguyễn Hàng Tình
Tản Mạn Một Chuyến Về Thăm - Nguyên Minh
Nhớ Đoàn Giỏi – nhà văn chiến sĩ công an - Đoàn Minh Tuấn
Chìm nổi Hoàng Công Khanh - Vân Long
Nhập cuộc Phê bình mở - Inrasara
Cùng một tác giả