Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
691
116.530.819
 
Những Bài Báo Của Vũ Bằng Trong Năm 1945 -3
Lại Nguyên Ân

DE GAULLE CẦN PHẢI KỂ TỘI DE GAULLE TRƯỚC!

 

Nếu quả thực De Gaulle kết tội Georges Claude,

nhà hoá học đã sáng chế ra bom bay. Phải chăng việc

xử giam chung thân này chỉ là một phương pháp rút ruột

 nhân tài để lôi ra một phương pháp sáng chế gớm ghê?

 

Còn ai lại không nhớ chuyện bom bay?

Hồi đầu năm nay, nước Anh đã bị khốn khổ vì chuyện đó: cảnh đương tốt đẹp, tự nhiên ba mươi mốt quả bom, không do phi công ở trên thả xuống mà cũng không phải người ngồi trong điều khiển như kiểu nhân ngư lôi, lừ lừ bay đến giữa kinh thành reo sự khủng bố và làm chết người, đổ nhà… Bom ấy tự Đức bay sang và gọi là V1, V2 và V3.

 

Ba thứ bom, ba tên, nhưng tựu trung cũng từa tựa nhau, chỉ khác một đôi chút về tiểu tiết, nhưng đến sự tàn hại thì thực đã ghê gớm mà định đánh ở chỗ nào thì quả đã không lầm. Hàng triệu nhà bị phá, hàng mươi vạn người bị chết. Trước khi ngã, Đức làm cho thế giới thất kinh. Và riêng ở nước ta, người mình đã có lúc nghĩ đến thần thánh trong truyện Phong thần phi kiếm ở trong lò thái cực sang bên địch.

 

Cái khí giới lạ lùng! Người ta đã khảo cứu và tính chuyện phân chất để cũng làm bom bay đánh Đức. Nhưng chưa kết quả. Bỗng Đức thua. Và chuyện bom bay gần như chỉ còn là một giấc mơ hãi hùng, thì hôm mới đây có tin báo nhà hoá học kiêm lý học Georges Claude, sáng chế ra bom bay, đã bị đem ra toà. Mà ai mang ra? Không, cái nước hại vì bom bay nhất là Anh thì không nghĩ đến chuyện bắt Georges Claude làm tội. Nhưng là bọn “gô-lít” nước Pháp: họ buộc Georges Claude vào tội tại sao lại bán phương pháp sáng chế và xưởng làm bom bay cho Đức? Đã đành sau mỗi cuộc chiến tranh người ta thường hay có thói kết tội những kẻ sáng chế ra những khí cụ giết người, mà những nhà sáng chế đó cũng không cần phải đợi có ai bào chữa hộ… Nhưng chúng ta cũng nên biết qua tình cảnh của nước Pháp trước cuộc chiến tranh này ra thế nào.

 

Nói cho đúng, rất nhiều cái sáng kiến hay về khoa học đều do Pháp đẻ ra, nhưng nước Pháp đã do một bọn chính khách sâu mọt cầm đầu nên hầu hết những sáng kiến đó phải mai một cả. Những nhà sáng chế có tiền lễ cho các nhà cầm quyền thì mẫu phi cơ, kiểu chiến hạm hay phương pháp chế tạo thuỷ lôi của mình được công nhận; bằng không có tiền thì cứ việc mà chết đói nhăn răng.

 

Cái ý làm phi cơ vĩ đại kiểu B-29 bắt đầu từ ở Pháp mà Mỹ thực hành, thì ta cũng không nên lấy làm lạ bom bay của người Pháp nghĩ ra mà lại đem làm ở Đức để đánh Anh và Pháp.

Việc này rất đáng để cho ta suy nghĩ về sự sử dụng nhân tài của nước Việt Nam độc lập sau này.

 

Riêng về trường hợp Georges Claude thì đời ông ta cũng nên biết rằng nó bí mật cũng chẳng khác gì chuyện bom bay. Ông nguyên là người Pháp, sinh ở Paris vào một năm lịch sử: 1870, năm xảy ra cuộc Pháp-Đức chiến tranh tính đến nay vừa được 75 tuổi. Năm 1922, ông đã nổi danh khắp hoàn cầu về hai sự phát minh: ép không khí thành chất lỏng và chế “a-mô-ni-ắc” bằng cách tổ hợp. Ông lại còn […][a] người sáng nghĩ ra đèn “néon”. Cách đây chín năm, Georges Claude đã bắt đầu phát sinh ra cái ý niệm làm bom bay. Cái ý niệm này, một nhà văn nước Pháp đã viết trong một cuốn dự tưởng tiểu thuyết theo kiểu Đi chơi cung trăng của Jules Verne, tôi đã được đọc hồi hãy còn đi học. Hồi đó ai dám tưởng rằng sự phát minh dự tưởng đó lại có thể là một sự thực của ngày mai? Một quả bom có tính cách phá tan nhà cửa thành ra bụi cát, do một người điều khiển từ xứ Ái Nhĩ Lan, tự nhiên bay vù vù như một con chim khổng lồ sang đánh đúng Paris…

 

Nước Pháp lúc đó đang hoan hô cái tục khoả thân và uống hàng triệu triệu thùng rượu “vit-ky” đâu lại có để ý đến câu chuyện điên rồ đó? Vì vậy nhà sáng chế dự tưởng kia đã lọt vào trong con mắt của người Anh và ban trinh thám Intelligence Service đã nhận thấy ông ta ở trong con người thực của Georges Claude. Và họ đã đem Claude sang đảo Ái Nhĩ Lan thực.

 

Có ai còn nhớ chuyện Hitler cướp Mussolini ở trong tay Anh, Mỹ hay không?

Ở Ái Nhĩ Lan, cách đây tám năm, một vụ cướp tương tự thế cũng đã xảy ra, mà kẻ bị bắt chính là nhà hoá học kiêm lý học đã sáng nghĩ ra bom bay vậy. Georges Claude, được chính phủ Anh săn sóc, lập một phòng thí nghiệm bí mật ở trên một cái đồi khuất nẻo. Goá vợ, ông ta sống với con gái và con rể (cũng là một nhà bác học nổi danh) để ngày đêm nghiên cứu về bom bay. Thì bỗng một hôm kia, cả gia quyến Georges Claude đều mất tích. Và từ đó không bao giờ người ta còn biết hành tung của Claude…

 

… Trừ ban trinh thám Intelligence Service. Họ biết rằng Claude đã bị mấy nhân viên trong ban tiền tuyến của Đức bắt đem về một cái lâu đài gần biệt thự của Tổng thống Hitler ở Bersteinghaden, nhưng làm thế nào được? Đảng quốc xã, đang mạnh, lúc đó canh gác nhà hoá học như thể chăng lưới sắt…

 

Nhưng rồi việc đó cũng qua đi.

Cho đến một ngày đầu năm nay, giữa một buổi trưa trong đẹp, ba mươi mốt quả bom trắng hếu, không do phi công ở trên trời thả xuống mà cũng chả phải người ngồi ở trong điều khiển như kiểu nhân ngư lôi, bay đến gieo sự khủng bố ở giữa kinh thành Luân Đôn.

À không, đến cái khí giới này thì ông Churchill đã phải nhận là đã làm hại đất nước Anh nhiều lắm.

*

Ta không ca tụng Đức làm gì nữa, bởi vì về phương diện khoa học, Đức vẫn được liệt vào hạng nhất. Nhưng tại sao lại không rút ở trong việc này ra một bài học cho ta?

 

Những khối óc lớn, ở vào một nước nhỏ, không bao giờ mưu được một công cuộc gì khả thủ. Cái việc cần nhất của một chánh phủ là phải biết tìm nhân tài và đem ra trọng dụng. Chuyện vua Tự Đức hồi phong trào duy tân không nghe lời Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ là một chuyện thê thảm của nước ta đã bỏ phí nhân tài vậy.

 

Trước cuộc chiến này, Pháp cũng thế. Dưới quyền một ông tổng thống “ngủ nhè” bị Đức đánh vào gần đến Paris rồi mà vẫn còn khóc vì không biết mình nên trốn hay nên chạy, bọn chính khách mọt dân đã bóp bẹp những khối óc vĩ đại vì đã đuổi những kẻ có thực tài đi tản mác trong thế giới. Bọn chính khách đó muốn sống yên thân với tiền bạc ăn đút của ngoại quốc và cuộn tròn mình ở trên bụng những con điếm quốc tế làm nghề rút ruột bạn lòng và rút luôn cả những sự bí mật trong quốc gia của họ.

 

Vì vậy, ta mới thấy chuyện ông tổng trưởng này bỏ tù một nhà văn vì đã dám nói thực ý tưởng của mình ra; kia một ông phó giám đốc bộ ngoại giao đánh cắp bức điện “Indifférent” cổ kính; lại nọ, một ông xã trưởng giam giữ người ta lại vì một người đã có can đảm nhạo một cuộc thi bay quốc tế.

 

Có ai còn nhớ chuyện một ông tổng trưởng bộ hàng không làm gãy cánh máy bay Pháp thế nào chăng? Một nhà sáng chế nghĩ ra được một kiểu phi cơ trận, nhưng chết một nỗi là không có tiền để “vi thiềng” cho kẻ cầm đầu: kiểu máy bay đứng tên đó không được bộ hàng không công nhận. Một tháng sau, người ta công nhận một kiểu máy bay khác tồi hơn, chỉ bởi một lẽ nhà sáng chế thứ hai này có tiền nhiều. Chánh phủ đặt làm hàng vạn chiếc. Nhưng chưa xong được một ngàn thì một nhà sáng chế thứ ba lại hiện ra, − một nhà sáng chế không những có nhiều tiền mà lại còn có cả nhiều gái để dâng lên Ngài ngự… Tất nhiên một ngàn chiếc phi cơ đã làm xong đó lại huỷ đi, để bộ hàng không công nhận một mẫu thứ ba… Cứ thế, cứ thế mãi…

 

… Cho đến khi xảy ra cuộc chiến tranh thế giới, Pháp kêu rát cổ bỏng họng xin Anh đem máy bay sang cứu, bởi vì nước Pháp thiếu máy bay dùng về quân sự!

 

Thật cũng là một sự đáng buồn cho nước Pháp, cho một nước thật mạnh mà cũng thật văn minh, bị sụp đổ trong phút chốc chỉ vì lẽ sâu mọt đục khoét mà không làm thế nào chữa được.

Trận thế giới chiến tranh này, nói cho thực, có mấy thứ chiến cụ lạ nhất? Có ba thứ: bom bay, chiến xa khổng lồ và phi cơ vĩ đại.

 

Như chúng ta đã biết, phi cơ vĩ đại kiểu B-29 chính là điều sáng nghĩ của Pháp mà Mỹ đem thực hành. Ta cũng đã biết rằng bom bay cũng là một sự phát minh của Pháp. Nhưng có một điều này mà ít người để ý: chính cái sáng kiến đem chiến xa khổng lồ áp dụng vào chiến tranh khoa học tối tân cũng lại là một sáng kiến của Pháp nữa, và báo Gringoire đã có nói đến từ 1938.

Ai là người đã có cái sáng kiến thứ ba? Đó là tướng De Gaulle vậy.

 

Đối với việc trên này, chúng ta có cảm tưởng gì?

Một cảm tưởng rất nhàm. Một triết lý rất sáo. Thiên hạ thường nói một cách, mà làm một cách. Nói mà làm được, càng hay; nhưng nói mà không làm được thì thà làm mà không nói. Thảm thay là một nước có người nói mà không làm! Nhưng có người nói mà không xét xem lời nói của người ta có thể làm được không, để đem lợi dụng mà làm, thì cũng là một sự thiệt thòi ghê gớm!

Lỗi đó ai là người chịu trách nhiệm nếu không phải là chánh phủ cầm đầu? Đã đành chánh phủ cần phải nghĩ những việc thiết thực, đừng nên mơ mộng những chuyện bắt mặt trăng. Nhưng ta cũng chớ nên vì thế mà chỉ dám nghĩ đến những chuyện thấp hẹp quá, phàm những chuyện gì hơi to lên một chút, nhất thiết đều cho là dồ dại, viển vông.

 

Từ một nước mà thu hẹp phạm vi đến một cá nhân, ta vẫn thấy rằng cái nghệ thuật cao siêu nhất là biếtdám. Biết trông, biết nghe, biết tìm và dám nghĩ những chuyện vĩ đại và dám thực hành những chuyện đó thành sự thực.

 

Nga đã đem thực hành cái sáng kiến chế chiến xa khổng lồ.

Đức đã đem thực hành cái sáng kiến chế bom bay.

Mỹ đã đem thực hành cái sáng kiến chế phi cơ vĩ đại.

Nga, Đức và Mỹ là ba nước đã dám nghĩ dám làm dám sống, và sống mạnh.

 

Vậy, theo tin Domei, nhà hoá học kiêm lý học Georges Claude, người sáng chế ra bom bay, đã bị chánh phủ “gô-lit” mang ra toà và kết án xử giam chung thân vì đã bán xưởng hoá học của ông ta cho Đức.

 

Tôi tưởng nếu cần phải kết án thì kết án nước Pháp trước đã thì hơn. Tại sao nước Pháp lại không biết sử dụng nhân tài? Tại sao nước Pháp lại để cho sâu mọt đục khoét? Tại sao nước Pháp lại không đem những cái sáng kiến vĩ đại kia ra thực hành?

 

Tôi không tưởng rằng tướng De Gaulle lại dồ dại thế đâu, bởi vì nếu thật là người ta kết tội Georges Claude thì chính De Gaulle lại cần phải kết tội De Gaulle trước: ông đã có sáng kiến đem chiến xa khổng lồ áp dụng vào chiến tranh khoa học mà lại để cho Nga đem thực hành.

Không, đó chỉ là một cái cớ, đó chỉ là một cái dịp, theo thiển kiến của tôi.

 

Cứ công bình mà nói, De Gaulle chưa chắc đã là một tướng vô tài vô trí. Bây giờ không phải là lúc ngồi kể tài của ông ra, nhưng dù là ghét nước Pháp thực dân đến bực nào, tôi vẫn cứ phải nhận rằng De Gaulle phải có một cái gì cho nên mới giữ được cho nước Pháp được một địa vị như ngày nay vậy.

 

Việc Syrie - Liban là một sự thất bại của De Gaulle trong công cuộc đấu trí với Anh, nhưng trong công việc xử giam chung thân Georges Claude, ông không thể là một người ngu dốt.

 

Biết đâu trong việc xử giam này lại không là một thâm ý của ông? Tôi không thể tưởng tượng được một nước như nước Pháp lại chịu thua một cách nhục nhã để mà không có một ý niệm gì về sự phục thù…, không có một ý niệm gì về sự phục hưng…

 

Tôi nghĩ rằng bây giờ có lẽ chính là lúc De Gaulle ra tay sửa lại những điều lầm lỗi của nước Pháp trước kia; tôi nghĩ rằng có lẽ chính lúc này là lúc De Gaulle dụng kế để gọi nhân tài về nước; tôi nghĩ rằng lúc này có lẽ chính là lúc De Gaulle muốn sửa soạn để lấy lại cái địa vị ưu thắng của nước Pháp cũ… và biết đâu… chẳng là để sửa soạn đối phó với các nước địch, nếu Nga và Pháp thoả thuận đi với nhau trên một con đường.

 

Sinh vào thời buổi này, nhân tài cũng như đồ vật quý, bị cướp giật như chơi mà ban Intelligence Service của Anh thì lại có tiếng là tài về khoa… ám sát.

 

Chả biết có phải tướng De Gaulle xử giam chung thân Georges Claude là vì cái thâm ý bảo toàn cho Claude để rút cái phương pháp sáng chế bom bay ở trong ruột Claude ra và lợi dụng khối óc khổng lồ của Claude để quăng vào mặt nhân loại một ít sự phát minh kỳ quái mới?

 

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.252 (8/7/1945)

 

 

HÀ NỘI CÓ GÌ LẠ?

 

Ông Tổng trưởng Nội các Trần Trọng Kim tiếp đại biểu các nhà báo tại phủ Khâm sai

“Công việc thì nhiều, nhưng không thể nhất thiết làm xong ngay một lúc. Ta hãy biết rằng: chủ quyền lĩnh thổ ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng hoàn toàn phục hồi về Việt Nam Đế quốc,[a] từ ngày 20 tháng bảy, dương lịch hồi 12 giờ trưa (giờ mùa nực hiện hành trong nước)” (Lời ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim tuyên bố với đại biểu các báo ở phủ Khâm sai, chiếu thứ năm 19/7/45).

 

Năm giờ hai mươi phút thì ngài ở trên phòng làm việc phủ Khâm sai bước xuống phòng khách. Ở đây, mười bốn nhà báo Hà Nội đã ngồi đợi. Cửa sổ đều đóng vì trời còn nắng. Phòng lặng tờ tờ. Một ánh sáng mờ mờ. Ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim lặng lẽ bước vào, chân dận đôi giầy vải trắng. Không khí gian phòng và những đồ trần thiết đơn giản thật hợp với ông Tổng trưởng vừa bước vào, bình dị như một bức tranh vẽ chì. Ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim cúi đầu chào mọi người và chọn một cái ghế bên phải ngồi, không có một tiếng động con. Ông xoa tay, cười và nói mấy câu cảm tạ. Giọng nói tự nhiên như cử chỉ. Quần áo mặc, toàn là đồ trắng hạng thường, y như hồi hãy còn làm Thanh tra các trường sơ học Hà Nội. Ông vẫn giữ cái vẻ bình tĩnh thanh thản, nhưng so với lúc trước thì cử chỉ có vẻ dễ dàng và nhanh nhẹn hơn nhiều. Người có sút đi đôi chút, nhưng da dẻ hồng hào, trông có bộ mạnh hơn. Ông nói nhỏ nhưng dễ dãi; ông chọn chữ chọn câu nhưng thao thao bất tuyệt. Ta có cảm tưởng ngồi nghe một ông bạn già kể chuyện tâm sự một cách thành thực. Nói như nói chơi mà làm cảm động lòng người lắm.

 

− Tôi ra Bắc chuyến này là để điều đình với các nhà đương chức Nhật mấy việc. Trong những việc đó, có một việc đã có kết quả hay: người Nhật bằng lòng giao trả nước ta ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Mai, thứ sáu 20 tháng bảy năm 1945, hồi 12 giờ trưa sẽ cử lễ phục hồi ba tỉnh đó về đế quốc Việt Nam. Chả nói thì ai cũng đã biết, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng từ 57 năm nay bị cắt nhượng cho nước Pháp; nay nước Nhật giao trả cho ta, ba thành phố kể trên sẽ cứ giữ địa vị nguyên như cũ. Quyền quản trị trong mỗi thành phố sẽ giao cho một ông Thị trưởng do Chánh phủ Việt Nam cử ra. Hà Nội thì là ông Trần Văn Lai, Hải Phòng ông Vũ Trọng Khánh, và Đà Nẵng là ông Nguyễn Khoa Phong.

 

Đó là một trong những công việc mà tôi có trách nhiệm ra đây điều đình vậy. Tôi còn điều đình nhiều việc khác nữa, và hầu hết được các nhà đương cục Nhật, vốn có trí óc sáng suốt, đã vui lòng để ý xem xét rồi… Tôi mong rằng chúng ta sẽ được toại nguyện; nhưng bao nhiêu công việc đó không phải chỉ trong một ít ngày mà giải quyết hết cả đâu. Ta phải đợi chờ và cần làm việc cho thứ tự, chứ bây giờ quốc dân muốn cái gì cũng phải giải quyết ngay thì không thể làm được. Bởi vì tình cảnh hiện đại nước ta thật có như một mối tơ vò: phải kiên tâm ngồi gỡ từng nút, nếu nóng ruột thì chỉ thêm rối nát.

 

Nói cho thực, ai là người Việt Nam lúc này mà lại chả sốt sắng muốn cho nước nhà mạnh ngay, giàu ngay, tự lập ngay? Nhưng cái thế chưa làm được ngay thì làm thế nào được? Tôi tin rằng nước Việt Nam ta sẽ có một tương lai tốt đẹp, nhưng công việc đó phải làm từ từ và tôi xin thề với thanh thiên bạch nhật rằng cái sức tôi có thể làm thế nào được cho nước thì tôi đem ra làm cả. Nếu có người nào xét rằng có thể làm được hơn thế để đưa nước Việt Nam đến chỗ tốt đẹp mau hơn, thì tôi rất sẵn lòng giao trả lại để mà đi về nhà, dưỡng cái tuổi già đa bệnh và đọc sách. Chính thực ra, lúc về đây, tôi không ngờ lại còn được mạnh khoẻ như thế này. Đau lắm. Tôi bị bệnh cương mạch máu, lắm khi phải nằm mà làm việc. Nhưng may ít lâu nay được ở bên cạnh hai bác sĩ Hồ Tá Khanh và Vũ Ngọc Anh nên sức khoẻ đã khá và tôi lấy thế làm mừng lằm. Công việc thì nhiều, nếu không có sức khoẻ không làm gì được cả. Tôi sẽ ở đây ít bữa rồi trở về Thuận Hoá để rồi lại đi ngay, có lẽ đi Nam Bộ, bởi vì ở đó tôi cũng có nhiều công chuyện cần làm gấp.

 

Ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim còn nói nhiều chuyện về ngoại giao, về tiếp tế, cho chúng ta biết một ít chuyện về tài làm việc và đức trầm tĩnh của vua Bảo Đại; đoạn, mời anh em uống nước chè, những chén nước chè nguội nhưng làm mát lòng người không biết bao nhiêu, và hồn nhiên lấy ra một cái bật lửa hạng năm xu ngày xưa, cái hạng bật lửa có bùi nhùi đỏ, bật lên đưa cho mọi người châm thuốc hút, một thứ thuốc hạng thường.

Trong hơn một tiếng đồng hồ hầu chuyện, người ta có cảm tưởng ông Trần Trọng Kim thành thực về tất cả mọi phương diện và quả là một người xứng đáng để cho quốc dân tin tưởng và hy vọng.

 

Sáu giờ bốn mươi nhăm phút thì bắt tay từ giã. Đại biểu các báo ra về với những cảm tưởng tốt trong lòng. Tôi lui ra sau cùng, sau khi đã hỏi ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim về công việc trước tác của ông hồi trước khi làm Tổng trưởng.

 

Ông Trần Trọng Kim lấy tay vuốt mái tóc điểm bạc, gật đầu, trả lời tôi:

− Có. Ngoài một cuốn sách khảo về thiên văn, tôi có soạn một cuốn Việt Nam sử lược mới, hoàn toàn hơn và có phần nói rõ ràng hơn về hồi Pháp thuộc, nhưng hiện nay, vẫn chưa xong. Tôi không biết bản thảo hiện để ở đâu; tôi đương bảo cháu ở nhà tìm kiếm; nhưng chắc lúc này, bận rộn thế, tôi cũng chưa thể tiếp tục mà làm cho xong ngay được. Âu cũng là một điều đáng tiếc.

 

Lễ phục hồi thành phố Hà Nội.

Ông Trần Văn Lai nhận chức Thị trưởng

 

Theo chương trình thì mười hai giờ đúng làm lễ phục hồi thành phố Hà Nội, cùng một giờ với Hải Phòng và Đà Nẵng. Nhưng mười hai giờ kém mười lăm, báo động. Mãi tới gần một giờ trưa, cuộc lễ mới bắt đầu. Đúng ra thì thành phố đã dự bị một cuộc đón tiếp ông Thị trưởng Trần Văn Lai rất xứng đáng, nhưng vì ông yêu cầu đừng làm gì, nên mọi công việc đón rước đều hoãn lại.

Cuộc đón rước vì thế rất giản dị, nhưng do đó lại hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn. Về phần quan chức Nhật ta nhận thấy ông phó Toàn quyền, ông trưởng bộ tham mưu, cả ông tối cao cố vấn Yokoyama và Nishimura, ông quyền đốc lý Konagaya và các võ quan đại diện lục quân, hiến binh… Về phần các quan chức Việt Nam có ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim, ông Vũ Ngọc Anh, ông Phan Anh, ông Hoàng Xuân Hãn, ông Phan Kế Toại và các ông giám đốc các công sở, các ông chủ sự, các công chức. Giờ hành lễ, các quan chức Nhật và Việt đứng yên trên hành lang toà Đốc lý hướng về phía vườn hoa Pôn Be làm lễ chào cờ. Phường nhạc Bảo an binh cử bài “Đăng đàn”. Thanh niên hát. Và cuộc lễ cử hành ở trong phòng giấy ông thị trưởng, trang hoàng rất giản dị nhưng sạch sẽ và sáng sủa, dưới bốn chân tường có đặt những chậu cây lá xanh làm dịu mắt vô cùng. Ánh đèn dìu dịu. Ở ngoài kia không khí rung động một cách hiền hoà. Hàng trăm người đứng trên bãi cỏ trước Kho Bạc chờ xem.

 

Lúc phường nhạc Bảo an binh nghỉ, tức là lúc bắt đầu cuộc lễ. Giữa là một cái bàn giấy. Quan chức Nhật đứng một bên. Quan chức Nam đứng một bên. Ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim tiến lại phía bàn, nhanh nhẹn nhưng vẫn không thiếu vẻ ung dung, lấy bản chiếu nói về việc thống nhất lãnh thổ Việt Nam tuyên đọc. Từ giờ này, ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng sẽ hoàn toàn phục hồi về Đế quốc Việt Nam. Mỗi thành phố sẽ có một ông thị trưởng Việt Nam. Hà Nội, Hải Phòng sẽ thuộc quyền Bắc Bộ Khâm sai đại thần, còn ở Đà Nẵng sẽ thuộc quyền Nội vụ Bộ trưởng đại thần.

 

Ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim cảm ơn Hoàng quân Đại Nhật Bản đã giải phóng cho nước ta và các nhà đương chức Nhật Bản đã tạm đảm nhận các công việc cai trị Hà Nội cho dân cư Hà Nội vẫn được an cư lạc nghiệp như thường. Nay việc thống nhất lĩnh thổ đã thực hiện gần xong, bổn phận của dân nước là phải lo đến việc duy nhất dân tâm, cùng với khẩu hiệu “quốc gia thống nhất” còn phải hô khẩu hiệu “quốc dân hợp nhất”. Ông Bùi Như Uyên dịch hai bản diễn văn ra tiếng Nhật xong thì ông thị trưởng mới Trần Văn Lai ra nói mấy lời cảm ơn quân đội Nhật dầu khó khăn thế nào cũng giữ lời hứa giúp và ủng hộ nền độc lập các nước ở khu đại Á Đông, và cuối cùng, ông mong rằng dân chúng Hà Nội sẽ không chia đảng phái, đồng tâm hiệp lực làm cho Hà Nội to, đẹp, mạnh, giàu như kinh đô các đại cường quốc.

 

Ông nguyên quyền thị trưởng Konagaya đáp lại mấy lời nhã nhặn và ước rằng nhờ sự gắng sức, sự tận tâm và những đức tính tốt của ông thị trưởng mới, một người bạn mà ông vẫn có bụng yêu, việc cai trị kinh đô Bắc Bộ Việt Nam sẽ có kết quả tốt đẹp hơn và nền thịnh vượng của thành phố cùng sự sinh hoạt của dân chúng mỗi ngày một tăng tiến hơn.

Sau hết, ông Trần Văn Lai mời các người Nam có mặt tại lúc đó xuống đền Trung Liệt truy niệm hai vị anh hùng Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, khi xưa cố giữ thành phố Hà Nội đến lúc cuối cùng không được, đã đành tuẫn tiết theo thành, lưu lại một trang oanh liệt trong Việt sử.

 

Lễ truy niệm hai vị trung liệt Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương

 

Còn nhắc lại các đoạn lịch sử ai oán đó làm gì nữa?

Nói cho đúng ra cái lòng địch khái của quốc dân ta, lúc người Pháp mới sang xâm chiếm ở đây, cũng hăng hái lắm; nếu những người có quyền vị có thanh thế biết đứng ra cổ lệ kích dương lòng ái quốc thì người Pháp cũng còn lâu mới lấy được thành Hà Nội.

 

Tiếc thay những người đó lại sẵn lòng bán nước, táng tâm không còn chịu biết tiết nghĩa là gì: nào Lê Trinh làm đề đốc bỏ binh quyền chạy trốn; nào Thông Phong làm chim mồi cho Tây; nào Tôn Thất Bá leo tường chạy trốn; nào Bố chánh Phan Văn Tuyển co giò lên tai, chạy về làng Mọc Quan Nhân; nào lãnh binh Hồ Như Lễ, Nguyễn Đình Dương ném gươm quăng giáp để lạy Tây cầu sống… Hỡi ôi, cái tinh thần nòi giống của người mình còn gì nữa nếu trong đó lại không xuất hiện ra những liệt sĩ anh hùng như Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, thà can tâm chịu chết với thành chứ không chịu ôm đầu chạy trốn.

 

Cái chết oanh liệt của hai vị anh hùng đó, ngàn vạn năm sau vẫn còn chói lọi ở trong Việt sử, và có quyền hưởng sự thành kính cho hai mươi nhăm triệu đồng bào hàng năm vẫn đến chiêm bái ở Thái Hà Ấp, đền Trung Liệt. Đền Trung Liệt, lúc mới lập, lấy tên là đền Tam Trung, vì đền thờ ba vị anh hùng Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu và Đoàn Thọ, cả ba đều bỏ mình vì nạn nước, trong khi giặc Pháp đến xâm lăng. Trung tức là một lòng ngay thẳng; Liệt là “sức lửa nóng dư, không ai dám phạm”, lại có nghĩa “người có tâm chí cương quyết, không chịu khuất phục một thế lực hay một sức mạnh nào”.

 

Xem vậy, hai chữ trung liệt dùng để gọi tên đền thờ Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu và Đoàn Thọ thực là xứng đáng; vậy mà trước đây ít năm, có kẻ lại dám lấy cớ trùng tu, đem đổi Trung Liệt ra làm “Trung Lương”, lấy cái ý “lương” là tốt là hiền, không có gì đáng để ghi cái dấu thơm của ba vị anh hùng tuẫn quốc, và đem luôn bài vị của mười người khác nữa bày luôn vào đó để tính chuyện “ăn chực” phần hương khói.

 

Nhưng quốc dân ta đâu lại có chịu để cho người ta lừa dối như thế được? Mà anh hồn của ba vị Đoàn, Hoàng và Nguyễn, khi nào lại chịu để cho mười mấy kẻ kia được dự vào cùng một nơi cúng lễ với mình?

 

Báo giới quốc văn đã hết lời trách móc và lòng công phẫn của quốc dân không một lúc nào thôi bốc cháy, nhưng vì có người Pháp che chở cho lũ quyền gian nên cái Trung Lương vẫn cứ trơ trơ ra đó.

 

Nhưng trong có một đêm, chính quyền Pháp bị lật nhào. Những kẻ bán nước rồi sẽ có chỗ ngồi riêng của chúng, nhưng việc đầu tiên người ta thấy cần phải làm ngay là phá nát ngay hai chữ “Trung Lương” đi, đắp hai chữ “Trung Liệt” cũ vào, và soạn lại bài vị xem cái nào nên để cái nào nên huỷ, và sau cùng ban khám xét bài vị chỉ giữ lại nguyên hai cái: một của Hoàng Diệu và một của Nguyễn Tri Phương.

 

Lúc ông Tổng trưởng Trần Trọng Kim, ba ông bộ trưởng, ông Khâm sai, ông thị trưởng và thanh niên nam nữ Việt Nam xuống đền Trung Liệt truy niệm các bậc trung liệt, hồi ba giờ chiều thì ba chữ “Trung Liệt miếu” đã đắp xong và kẻ sơn đen rất đẹp. Cây cối xanh tươi ôm lấy quả đồi có một vị trí nên thơ. Chim nói, chim hót. Ánh nắng rực rỡ chiếu theo khe lá và lọt vào trong đền làm rực rỡ thêm những hoa lá và hương nến bày ở trên ban thờ. Những vị đại biểu của chính phủ Việt Nam kính cẩn đứng trước ban thờ làm lễ tam khấu.  Một không khí cảm động toả ra khắp đền và khắp quả đồi. Người ta muốn khóc vì sung sướng, sung sướng vì thấy tinh thần đoàn kết chặt chẽ của quốc dân Việt Nam, không những ở thế hệ này mà thôi mà lại còn với cả các thế hệ trước ta nữa và sau ta nữa. Tinh thần đoàn kết đó sẽ là bất diệt, và dù là thiên công thử thách ta đến bậc nào, ta cũng phải thấy rằng nước ta không diệt được, tinh thần ái quốc của chúng ta không tuyệt được.

 

Nghiến răng căm tức quân Pháp trong bảy chục năm nay và giận bọn quyền gian đã lừa dối đồng bào, hai vị anh hùng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu từ nay hẳn được mỉm cười dưới suối vàng mà phù hộ cho nòi giống Việt Nam.

 

Nhưng còn ông Đoàn Thọ, một trong tam trung, không biết rõ là ban xem xét bài vị đền Trung Liệt đã khảo kỹ càng chưa, mà việc bỏ bài vị đi như thế là phải hay không phải? Tôi không được biết rõ. Chỉ xin nhắc lại để cho các vị có trách nhiệm, các sử gia, các học giả xem xét kỹ càng hơn. Bởi vì nếu từ trước đến nay đền Trung Liệt không thờ ông Đoàn Thọ thì không nói làm gì; nhưng đằng này lại đã có thờ rồi, thờ vì có công cùng với hai ông Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương cố giữ thành Hà Nội, nay nếu không xem xét cho thực kỹ, nhất thiết bỏ đi thì e rằng chẳng những đắc tội với tiền nhân mà lại còn làm tủi anh hồn một vị liệt sĩ đã hy sinh thân thế cho đất nước.

        

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 255 (29/7/1945).

 

 

BA BỨC THƯ THƯỢNG KHẨN

TA LẠI GỬI CHO TA

 

BỨC THƯ THỨ NHẤT

 

Tôi thấy cái bổn phận cấp tốc phải gửi cho anh bức thư này là bởi vì tôi hiểu biết anh hơn ai hết. Anh hiện đương đứng ở trước hai cái cửa: cửa sống và cửa chết. Khỏi phải nói, anh cũng biết ngay rằng cửa sống rộng thênh thang nhưng đưa người ta đến sự hư mất đời đời; còn cửa chết thì dẫn ta đến sự sống, nhưng lại hẹp hòi, chật chội.

Anh sẽ vào cửa nào? Tôi biết chắc là anh sẽ rẽ sang tay phải.

 

Bởi vì anh là người Việt Nam. Cái lịch sử, cái văn hoá của nước chúng ta không cho phép ta được nghĩ đến những điều ty tiện. Ông cha ta đã đem xương máu ra mở một con đường sống cho chúng ta thì chúng ta không được phép quên mất linh hồn vô giá, quên mất sự giữ gìn nền độc lập hoàn toàn, quên mất bổn phận bảo vệ hương hoả của ông cha để lại.

Chúng ta không thể đi vào cửa rộng để mà tìm cái chết.

*

Giờ phút này đây, anh đã thấy việc bảo vệ hương hoả của ông cha ta cấp bách thế nào chưa? Cái nạn ngoại xâm chưa hết hăm doạ người ta, thì việc nội trị lại như hét vào tai ta kêu đòi thêm cố gắng. Anh phải sống để mà đền nợ nước. Nếu anh biết nghĩ, anh sẽ thấy rằng ví anh cố sống đến mười kiếp nữa thì cái nợ nước đó đền cũng chưa phu: anh bỏ cả vợ, cả con, cả nhà, cả cửa để tranh đấu cho nền độc lập cũng vẫn là chưa xứng đáng. Vậy mà anh đã làm những gì trong giờ phút nghiêm trọng này? Anh ngồi đấy để mà xem những người khác chiến đấu cho anh; anh giương đôi mắt hèn hạ nhìn thời cuộc và mong rằng sự may mắn sẽ tự nhiên rơi xuống như sung để cho anh sống “tiếp theo và hết” cái đời ỷ lại như con lợn. Hôm nay, vô tuyến điện có một chính khách kia tuyên bố sẽ ủng hộ nền độc lập của nước nhà, anh sung sướng đi kháo cho khắp thảy mọi người được biết, tuồng như chính sự độc lập đó đã do chính anh “phát minh” ra; nhưng ngày mai, nếu tướng Đờ Gôn có phét lác kêu rêu tàu Richelieu đã quay mũi đi Đông Dương, − à, xin anh yên chí cho rằng tôi đã biết trước là thể nào anh cũng phờ phạc, chán đời, lo sợ như chó chết.

Thế thì còn ai biết anh là cái quái gì, hở anh ơi?!

 

Nước nhà đương qua một cái nạn lửa cháy này. Chắc chắn là chúng ta phải nhìn thấy những sự sụp đổ của nền văn minh cũ. Theo luật tiến hoá của thời gian, những lâu đài dinh quách mới sẽ do sự sụp đổ đó nẩy nở ra. Một tương lai tốt đẹp hơn không cho phép một người nào bi quan cả. Vậy thì được bắt tay vào một công cuộc kiến thiết vĩ đại như thế, tôi tưởng anh phải lấy làm vẻ vang tự phụ, anh phải tranh đấu lấy một phần công việc của mình, anh phải lấy làm sỉ nhục nếu không được góp sức trong cái bãi chiến trường cần lao đó; thế mà anh lại dửng dưng là nghĩa làm sao? Tôi không hiểu. Ông cha ta ưa văn học cử tử và yêu thích sự nhàn nhã, sự trầm lặng, sự lặng im. Anh phải chủ trương sự tiến hoá, anh phải luyện lấy óc khoa học, anh phải tỏ ra là tên lính hăng hái nhất trong đoàn quân chiến đấu với một sự đau khổ của nhân loại do sự dật lạc gây ra. Anh phải tình nguyện làm một thanh niên đắc lực để làm trẻ lại cái quan niệm giao kèo hoài nghi, phải chống lại sự bất bình đẳng làm cho nhân loại lầm than khổ sở, phải xông ra trước nhất với toàn thể quốc dân tranh lấy quyền tự do dân chủ: tự do đi lại, tự do hội họp, phổ thông đầu phiếu… Còn bao nhiêu việc anh phải cùng với quốc dân phải đòi, còn bao nhiêu sự phản tuyên truyền của một số ít Việt gian mà anh có bổn phận, trong phạm vi của anh, hét lên mà chống lại, hầu có thống nhất quốc gia dân tộc!

 

Tiến lên! Phải tiến lên xung phong mà hiệp cùng dân chúng để giết kỳ hết bọn sài lang cướp nước, để giải phóng cho giống nòi, để tranh đấu cho tinh thần anh dũng, thích nguy khinh chết.

*

Tất cả những kết quả tốt đẹp của nền tân dân chủ anh đều ham muốn cả, bởi vì anh là người. Đã là người thì ai cũng muốn bình đẳng cả, ai cũng phải tranh giành lấy một chỗ đứng trong nhân loại. Nhưng anh lại không muốn bắt tay vào tranh đấu, anh ỳ cái thân cụ ra không muốn tranh đòi gì hết; anh chỉ rình người ta làm cỗ sẵn cho anh. Cái óc đó là óc ti tiện, óc khốn nạn, óc bẩn thỉu, óc dê óc chó. Thảm hại, anh làm cho Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo đã chết rồi mà còn phải khóc vì đã có những con cháu ươn hèn như anh đó!

 

Anh trả lời tôi thế nào?

À, anh tưởng là anh treo một cái cờ ra cửa, anh đi dự vào những cuộc biểu tình, hô lên mấy câu “ủng hộ” rõ to, anh học được mấy bài Diệt phát xít, Tiến quân ca để hát vang lên không suy nghĩ, thế là anh đã làm bổn phận một công dân cứu quốc rồi ư?

Chưa đủ. Chưa đủ. Chưa đủ.

 

Mà tôi lại còn nói rằng như thế chưa là cái nghĩa lý gì. Như thế, chưa phải là tranh đấu, chưa phải là đoàn kết. Đoàn kết và tranh đấu, anh cần phải tranh đấu và đoàn kết cả khi không biểu tình, cả khi không hát, cả khi không vẫy cờ. Anh phải coi sự đoàn kết như một tôn giáo, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đoàn kết mà thôi, nghĩ đến đoàn kết khi ăn, nghĩ đến đoàn kết khi ngủ, nghĩ đến đoàn kết khi làm việc. Đoàn kết lúc thắng cũng như lúc bại, đoàn kết lúc vui cũng như lúc buồn, đoàn kết lúc dễ cũng như lúc khó.

 

Đoàn kết để cho thành một khối bền chặt như uy-ra-ni-om làm cho bọn sài lang không chia rẽ được, đoàn kết để một là chết hết cả, hai là hoàn toàn độc lập, đoàn kết để thương xót lấy nhau, nâng đỡ lấy nhau, bởi vì hỡi hỡi anh ơi, nếu chúng ta không thương xót nhau, nâng đỡ nhau thì chả có ai nâng đỡ, thương xót ta hết.

 

“Hãy tự cứu lấy”. Lời của đức giáo tổ còn ghi ở trong óc mọi người. Mà xin anh nhớ cho rằng ở đời này không có gì không phải mua bằng sự nỗ lực đấu tranh. Hạt lúa không chết thì cây lúa không mọc được. Đức chúa Giê-su không chết để làm trọn thánh ý của đức chúa Cha, không thể cứu chúng ta khỏi tội. Mà tổ tiên ta không dội máu đào, phơi xương trắng, thì đâu có chúng ta bây giờ?

*

Vậy thì tranh đấu, cũng như đoàn kết, anh cũng phải coi như một tôn giáo nữa: “Không đổ máu không thể có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9.22) thì không tranh đấu không thể có một tương lai được. Người trước anh và người đương thời với anh, kẻ thì đã chết vì hi sinh, kẻ thì bỏ hạnh phúc quyết nằm gai nếm mật không ngoài cái ý muốn cướp lại nền độc lập cho đất nước. Đất nước mà được như ngày nay là do sự tranh đấu, sự hi sinh tột bậc của họ. Anh đã tranh đấu chưa? Anh đã hi sinh một ít công lao, một ít của cải, một ít hạnh phúc chưa? Hay là trong khi đồng bào anh nặng một lòng thương nước thương nòi thì anh ăn cho trệ rồi đi tán láo chuyện đời, anh chỉ ròng nghĩ đến phong y túc thực và anh lim dim con mắt nằm như một con bò trên cái sập gụ để chán đời và triền miên suy nghĩ về dĩ vãng.

 

Giết chết ngay cái cuộc đời ấy đi cho ta, bởi vì còn kịp lúc!

Sự tranh đấu, anh phải hoà vào với không khí để anh hít thở, anh phải coi như là một cuộc chạy thi, ai hơn thì vẻ vang, ai thua thì phải luôn luôn tâm niệm: “Ta phải làm hơn mọi người”.

 

Anh ơi, sự chiến đấu trong năm sáu năm nay của quốc dân ta đã gian nan vất vả lắm nhưng anh nên biết rằng cái kết quả hãy còn ít oi quá lắm. Ngừng lại thì nguy ngay. Phấn khởi lên! Hăng hái lên! Nghiến răng lại mà tiến lên! Cuộc tranh đấu còn dài, và tôi xin nói ngay rằng, − bởi vì tôi biết anh không sợ sự thử thách − rằng giờ phút này đây, sự tranh đấu gian nan không kém và có khi còn khó khăn hơn.

 

Vậy, khá khá đứng lên ngay, chuẩn bị lại tinh thần tranh đấu để vượt qua những sự khó khăn sắp gặp đi! Thế hệ này là thế hệ can đảm. Quân Đức vào được đến Moscou mà lại bị thua là bởi vì dân Nga biết tranh đấu đến người cuối cùng, đến phút cuối cùng. Anh cũng sẽ tranh đấu như người dân Nga đó, tranh đấu đến chết thì thôi, và anh sẽ thấy rằng tranh đấu mãi và đoàn kết đến chết không bao giờ thua được. Nước Pháp chết vì những nhân tài của nước đó đã không biết tranh đấu và đoàn kết. Nhất định quân Pháp xâm lăng sẽ bị chúng ta giết chết hết ở đây, nhất định tất cả các quân xâm lăng sẽ bị chúng ta giết chết hết ở đây!

*

Chúng ta hiện đang sống trong một cuộc đời cực khó. Trong lịch sử của loài người, − mà ở nước ta thì ngay mới ngày hôm qua đây chứ đã xa đâu? − thường có những ngọn trào trôi xiết, mang phăng phăng những người bơi lội yếu đuối nhất đến cái đích vinh quang. Anh với các bạn anh không thế: các anh bắt buộc phải bơi ngược dòng. Vất vả lắm gian lao lắm. Nhưng nếu thật anh là người xứng đáng với cái danh hiệu “người” thực, nếu anh là người của thế kỷ thể thao hai mươi này thực, anh phải nhận là anh lấy thế làm sướng lắm, sướng bởi vì gặp gian lao, vất vả và nguy hiểm mà sự thành công nguy hiểm gian lao vất vả chỉ làm cho người ta có giá trị hơn.

 

Bao nhiêu đức tốt nết hay mà hiện giờ ta cần phải có, chính đã cứu sống cha ông ta. Luật tạo hoá không bao giờ thay đổi. Chưa bơi thì ta tưởng như không bao giờ có thể tới được bờ, nhưng đã quăng mình xuống nước rồi thì lại thích bơi mà tưởng tượng như bơi mãi không bao giờ mệt. Nhưng điều cần nhất, ta phải tập bơi trước đã. Nghĩa là ta phải muốn, phải cương quyết muốn. Cương quyết muốn tức là chuẩn bị tinh thần đó, và cái bí mật của sự chuẩn bị tinh thần đó chính là sự tin tưởng đó, hỡi anh! Ở đời này chưa có ai từng làm xong được một việc gì mà ngay lúc đầu lại không tin rằng mình có thể làm xong được. Một nhà tiểu thuyết cầm bút viết một cuốn sách đầu tiên thường tưởng tượng không bao giờ kết liễu. Thế mà rồi sách cũng xong đấy; đến quyển thứ năm, đến quyển thứ sáu, người ta thấy rằng rất có thể viết quyển thứ mười một, thứ mười hai và người đó viết cuốn mười lăm, mười sáu nhẹ nhàng lắm, thư thái lắm. Cái điều đã đúng với những cuốn sách, đúng cả với bất cứ công việc gì ở đời này: muốn sống thì phải sống, muốn độc lập thì phải độc lập, cả nước muốn giết chết bọn sài lang cướp nước thì bọn sài lang cướp nước phải chết, không thể nào sống được ở trên giải non sông này.

 

Muốn! Đó là tất cả cái chìa khoá của sự sống. Anh ơi, hãy tin tưởng ở nòi giống, ở tinh thần, ở sự thắng lợi cuối cùng. Nghiến răng lại mà cùng gắng sức, mà kiên quyết tiến lên, mà can đảm đi cho kỳ được đến thành công. Lịch sử thế giới từ trước đến nay chưa hề chép chuyện một nước nào trọng đạo lý và hoà bình mà lại có thể bị một nước khác làm cho tiêu diệt được! Trái lại, qua những sự thử thách, nước đó chỉ có thể lớn hơn và mạnh hơn, bởi vì, được khổ, được gian lao, và lại được thoát khỏi sự gian lao, à, xin anh biết cho rằng không có một phúc phận nào vĩ đại hơn, rực rỡ hơn và đáng kính hơn thế vậy.

 

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 261 (9/9/1945)

 

BỨC THƯ THƯỢNG KHẨN THỨ HAI

TA LẠI GỬI CHO TA

 

Bây giờ nói anh nghe chuỵên ngoại giao của nước ta

 

Câu chuyện này, sự thực, không phải đến bây giờ anh mới quan tâm đến. Ngay từ hôm cuộc nhân dân cách mạng nổi lên, cái mặt anh đã méo đi rồi. Anh đi dự hết các cuộc biểu tình; anh hát bài Tiến quân ca, đến đoạn “Tiến lên, cùng thét lên” thì hò hét to hơn ai hết; anh không sắm 1 lá cờ để treo trước cửa nhưng sắm một lúc luôn 5 lá và thành thực không tiếc tiền. Ai cũng tưởng anh là một người cương quyết, một người can đảm, một người có lòng tin như một thứ sắt tốt, nung dưới hai ngàn độ, không thể nào chảy được. Ấy vậy mà thành đoảng vị! Tôi muốn củng vào sọ anh bởi vì tôi đã biết tỏng ra là nó nghĩ gì rồi. Những khi bạn bè lui gót, anh nằm như cái xác tây chết trên giường, những khi trằn trọc trong đêm, anh vắt tay lên trán nghĩ đến nỗi quốc gia trăm mối; những khi đi nghe chõ truyện, anh thấy đồn quân Pháp thực dân định do các ngả đường Lào, Đồng Đăng và Lạng Sơn cất lẻn vào biên giới Việt Nam, anh đã lo sợ vô cùng, hỡi hỡi người bạn của tôi! Không phải lo sợ quốc dân không thừa sức phanh thây bọn cướp nước và vứt xác họ xuống biển cho cá rỉa. Không phải lo sợ những thử thách đương chờ người ta để thử xem gan dạ ta thế nào. Không phải, không phải cả. Anh đã lo sợ một điều khác, một điều gần như viển vông: Anh lo sợ rằng “Không biết ban ngoại giao thường trực của ta vẫn tiến hành công việc hay đình trệ; mà nếu vẫn tiến hành thì hiện lúc này đang thắng lợi hay thất bại?”

 

Thế thì có đáng chán nản cho cái khối óc của anh không hở đời? Tôi không bảo rằng phàm người ta lo nghĩ thì đều có hại. Tôi biết rằng bất cứ sự quyết định quan trọng nào cũng là kết quả của sự trầm mặc, của sự lo xa nghĩ sâu; nhưng ta nên biết rằng tất cả những sự trầm mặc đó, những sự lo xa nghĩ sâu đó đều có một đối tượng nhất định và vô hại. Nhưng mà lo sợ những cái vẩn vơ, “sáng tạo” ra những tai nạn xa xôi, vô hình để mình lại tự làm hại sự bình tĩnh của mình, thì nhất định tôi chủ trương là không được. Một kiến trúc sư phải nghĩ đến tương lai cái nhà của mình làm; một người thợ phải nghĩ sao cho lúc mặt trời bóng xế khỏi phải đi hành khất; một ông bộ trưởng phải nghĩ đến những kết quả sau khi mình ký một sắc lệnh gì. Nhưng ta chớ nên đi qua cái tâm của chúng ta. Chúng ta đừng nên thắc mắc về chuyện đổ trời nối kiếp ngày mai thì cũng chớ nên lo rằng chánh phủ nhân dân lâm thời không lo nghĩ tiến hành về công việc ngoại giao với Nga, Tàu, Anh, Mỹ.

 

Cũng như anh, tôi biết rằng vấn đề ngoại giao hiện giờ là vấn đề sinh tử của nước nhà. Bổn phận ta là phải nghĩ đến lo đến, nhưng ta không nên vì thế mà tự cho ta cái quyền được nghi ngờ, bởi vì chánh phủ này do dân chúng cất lên thì chính dân chúng tất đã thấy họ có thẩm quyền như thế nào rồi. Mà nếu họ đã có thẩm quyền như thế nào rồi thì anh yên trí với tôi rằng ông bộ trưởng ngoại giao tất phải hiểu biết hơn anh và tôi về việc ngoại giao. Mà nếu anh và tôi đã băn khoăn lo nghĩ về việc ngoại giao như thế thì chánh phủ nhân dân lâm thời còn lo nghĩ một vạn, một triệu lần gấp bội. Chỉ có một điều là vấn đề ngoại giao, − khác hẳn vấn đề văn hoá, vấn đề xã hội hay vấn đề kinh tế, − không thể mỗi lúc mà tiết lộ ra ngoài để cho mọi người cùng hay. Vậy thì anh nên biết thế mà cũng đừng băn khoăn nữa, mà cũng đừng hỏi nữa. Mà hỏi làm sao được? Bởi vì vấn đề ngoại giao, − anh đã biết thừa rồi đấy, − nó như một cái chong chóng đặt ở trước một ngã tư, bây giờ thì thế này, chốc nữa thì thế khác, quy tụ không ngừng, chả biết bắt đầu từ đâu mà cũng chả biết đến đâu là hết. Vậy thì tuyên bố làm sao cho được? Nhất là nếu tuyên bố ra thì cái hại lại nhiều hơn cái lợi; nhất là nếu tuyên bố ra thì được lòng nước nọ mà lại mất lòng nước kia; nhất là nếu tuyên bố ra thì có khi lại có thế làm hại cả đến vấn đề quân sự nữa, − nếu có một trận chiến tranh thứ ba lại nảy nở ngay từ bây giờ ở cái mầm mà người ta gọi là cái mầm đại hoà bình thế giới! Nền đại hoà bình thế giới phen này có thật vững vàng không?

*

Này, tôi xin nói thật: cái việc ngồi tiên tri thời sự, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, không bao giờ hay hớm. Bởi vì thời sự, do nghìn vạn nguyên nhân kích thích, thường vẫn ra ngoài phạm vi sự tính toán của tâm hồn nhân loại. Năm 1793, Nã Phá Luân có thể tưởng tượng được một người Pháp như thế nào, ở đảo Sainte Hélene năm 1807? Anh ơi, ta vẫn chủ trương rằng người ta phải lo đến tương lai nhưng chỉ lo đến tương lai khi nào người ta hành động được mà thôi.

 

Cái việc anh phải lo nghĩ bây giờ chính là nền độc lập hoàn toàn vậy. Mà muốn độc lập hoàn toàn thì phải có điều kiện cốt yếu gì? Phải tranh đấu, phải đoàn kết, phải có thực lực. Cái việc ngoại giao mà anh băn khoăn thắc mắc đó thắng lợi hay thất bại chính là xây dựng  ở trên ba cái nền tảng thiết yếu trên kia vậy. Thế thì cớ sao lại làm khổ tâm hồn mình mãi về công việc ngoại giao? Hãy cày cái thửa ruộng của anh, anh bạn của tôi! Anh nên nghĩ đến cái thực lực của nước anh, anh nên nghĩ đến sự đoàn kết của đồng bào, anh nên nghĩ đến sự tranh đấu của quốc dân.

 

Ba cái đó mà mạnh thì ngoại giao mạnh đó. Ba cái đó mà vững thì ngoại giao vững đó. Ba cái đó mà cứng thì ngoại giao cứng đó. Cũng như một người, một nước, dù mạnh dù vững dù cứng đến thế nào cũng không thể sống biệt lập một mình. Sống vui vẻ với các nước khác để mà thành một khối mạnh hơn, đó là công việc của ngoại giao. Nhưng ngoại giao dù giỏi đến đâu, dù có Tô Tần, Trương Nghi, Mao Toại sống lại đi nữa, thì cũng không có ai có tài gì mà biện thuyết cho một nước yếu đứng ngang hàng với một nước mạnh được, nhất là trong cái thế kỷ hai người này. Kẻ mạnh bao giờ cũng nói to. Kẻ yếu bao giờ nói cũng nhỏ. Có phải nhà tư tưởng biện rằng: “Một người khoẻ mạnh về vật chất rất ít khi có một tinh thần bạc nhược đấy không”? (“Parce que l’homme qui est physiquement fort est parcement un homme craintif”. – André Maurois).

Hãy khoan, tôi biết là anh sắp nói với tôi thế nào rồi.

 

Anh nói với tôi rằng anh sầu khổ cho nhân loại quá. Cái nỡm gì cũng vật chất, cũng sức khoẻ, cũng mạnh. Tuồng như sức khoẻ này quản trị được cả thế giới chứ người ta không biết thế nào là khối óc nữa à? thế nào là tinh thần nữa à? thế nào là cao thượng thi vị nữa à? Không biết bao nhiêu lần, anh và các bạn “đồng chí” anh vẫn cứ giở cái giọng gàn bát sách ra như thế! Ai bảo anh rằng một cái nhà đúc súng không thi vị? Ai bảo anh rằng tinh thần thể thao lại không phải là một tinh thần thanh cao? Ai bảo anh rằng một cái bắp thịt thép lại không phải là một bài thơ tuyệt tác? Đốt đi, những bài thơ ca tụng cái kim ngân thời đại; đập đi những khối óc triền miên về dĩ vãng; tàn đi cái tinh thần sa đoạ lúc nào cũng tưởng tượng rằng thế kỷ này không được cao thượng bằng thế kỷ trước, − một thế kỷ có những ông cụ sài đẹn uống rượu chén hạt mít ngâm thơ nịnh trời già, công kích xe chạy điện, chửi rủa tàu bay cao.

 

Nhưng mà thôi, tôi hãy khoan tranh luận với anh xem những tiếng than chết dở đó đúng hay là không đúng, bởi xét ra là vô ích. Tôi chỉ biết rằng anh và tôi, chúng ta đương sinh tồn ở cõi đời này, cuộc sống bắt đầu hôm nay, và đời nó như thế bởi vì nó thế. Có phải là chúng ta cứ ngồi than thở mà đời sẽ tốt đẹp hơn đâu. Mà nếu anh không phải là ma, tất anh phải biết rằng nhất định bây giờ không phải là lúc xét xem có đích thực là chúng ta sẽ sướng hơn nếu không có một nền tân văn minh, không có máy móc, không có những sự phát minh khoa học? Xét xem như thế để làm cái khỉ gì? Anh không vì thế mà no được kia mà! Anh không vì thế mà đuổi kẻ thù đã giết hại ông cha anh kia mà! Anh không vì thế mà được hoàn toàn độc lập kia mà! Cuộc đời khoa học cơ khí đã nhảy lên sân khấu mà hoạt động trước mắt anh kia, không phải là đến cái thứ hạng anh huỷ bỏ nó tiêu diệt nó. Mà cách giải quyết cũng không phải là xem nên công kích hay hoan nghênh nó. Xe tăng, súng trường, súng liên thanh, đại bác, phi cơ đã có rồi, chỉ có một cách giải quyết mà thôi: xét xem ta nên tổ chức cuộc đời chúng ta ra thế nào, xếp đặt tư tưởng của ta ra thế nào, xây dựng chiến công của chúng ta ra thế nào để rút lấy ở hiện tại tất cả hạnh phúc tất cả sự đẹp đẽ mà nó có thể mang ban cho đất nước chúng ta.

 

Nết ưa chuộng hoà bình là một cái nết mà hình như trời biệt đãi chúng ta, nhưng nếu có kẻ xâm lăng thì nhất định ta phải dùng đến cánh tay thép để đập họ xuống như đàn bọ. Chúng ta đoàn kết, chúng ta tranh đấu nhưng chúng ta không nói chuyện nhảm với quân Pháp xâm lăng; chúng ta có một khối dân thương nước hơn thương mẹ, biết cách lấy sắt và máu ra nói chuyện với bọn sài lang phát xít.

 

Anh ơi, tôi cũng nghĩ như anh vậy: khí giới nhiều và mạnh chưa chắc đã giết được ai, nếu mà người ta không có một tấm lòng. Nhưng trái lại? Nếu mà người ta có một tấm lòng, nếu mà người ta đoàn kết hai mươi triệu người như một, nếu hai mươi triệu người như một đều có một tinh thần vững chắc như uy-ra-ni-om rồi mà lại thiếu khí giới thì anh có nghĩ rằng đó cũng là một sự thiếu sót ru?

 

Chánh phủ nhân dân có nhiều khí giới để bảo vệ đất đai rồi; nhưng có bao nhiêu khí giới cũng vẫn là chưa đủ. Anh có bổn phận cấp tốc phải tặng súng, phải tặng bất cứ súng hạng gì cho chánh phủ nếu anh có; anh phải cổ động cho người chung quanh anh cũng làm như anh; anh phải cổ động cho người ta bỏ vàng ra, bỏ tất cả vàng ra để chánh phủ đứng ra mua súng để dùng và phân phát cho nhân dân mỗi khi cần dùng đến; anh phải gào lên, thét lên, khóc lên để tỏ cho mọi người biết rõ rằng “có súng để bảo vệ đất đai thì ngày mai mới có thể cầm lấy bát cơm mà nuốt cho cho trôi được”. Cái việc thượng khẩn của chúng ta bây giờ là không nghĩ gì cả, không chia rẽ gì cả, không làm gì khác cả  ngoài cái việc nhìn thẳng vào “Người Mẹ Chung” để giữ gìn lấy và cắn răng bảo vệ cho kỳ được nền độc lập hoàn toàn.

 

Đừng e thẹn đừng rụt rè đừng suy tính. Chạy lên thét lên gào lên để đòi lấy một công việc của chánh phủ trong công cuộc cứu quốc; để mà thi hành tài trí và hoài bão của mình; để sau này đến lúc thịnh trị khỏi phải hối hận với lương tâm: “Tôi đã không làm gì cho nước”.

 

Một kẻ đại lãn bao giờ cũng là một thí sinh thi lấy bằng “sầu khổ”. Trong lúc không ngủ được, bất cứ người nào cũng sầu khổ bởi vì không có cách trốn tránh những tư tưởng của mình. Thi sĩ Byron, bẩm sinh là một người sầu khổ, đã tìm thấy hạnh phúc ở Hi Lạp trong cuộc chiến tranh đòi độc lập. Ở đó nhà thi sĩ có sướng đâu có vui vẻ khoái lạc gì đâu, nhưng ông bận rộn và ông quên việc đời, tựa như đứa trẻ trong khi chơi quên khóc. Tôi chưa thấy một người nào sầu khổ trong khi chiến đấu.

 

Anh bạn của tôi! Trong lúc quốc gia đang đòi hỏi tất cả sự gắng sức của các con, anh cũng sẽ chiến đấu như Byron vậy. Nếu anh biết bắn súng, anh phải dạy người ta bắn; nếu anh có tài biện thuyết, anh phải đem tin tưởng nuôi lòng người ta; nếu anh biết võ nghệ, anh phải dạy người ta học võ. Anh thấy một sự gì thiếu sót chưa làm? Chạy ngay đến những phòng thường trực mà chỉ bảo. Thấy chỗ nào quân Pháp âm mưu, tức tốc chạy ngay đi mà báo. Thấy Việt gian chỗ nào, trình ngay và đứng sau bảo an binh để bắt cho nó không chạy thoát thân. Anh làm tất cả, anh làm tất cả. Nếu anh sung vào Cứu quốc quân rồi, em anh sẽ là Thanh niên tự vệ; nếu vợ anh đã là Phụ nữ cứu quốc rồi, con anh sẽ sung vào Nhi đồng cứu vong đoàn. Những người quen anh làm tất cả, những người quen anh làm tất cả. Và nếu anh không làm được tất cả, nếu những người quen anh không làm được tất cả, thì anh cổ động bạn anh làm, cổ động gia quyến anh làm, cổ động những người đi đường làm. Làm người giữ trật tự, làm người cứu thương, làm người phất cờ, làm người kẻ biển, làm người đứng gác đêm ở ngoài đường để đề phòng những bất trắc xảy ra, làm bất cứ cái gì có ích cho đất nước lúc này. Ai cũng làm tất cả, ai cũng làm tất cả.

 

Nhà triết học Bertrand Russel kể chuyện rằng trong đời ông đã từng gặp một người sung sướng. Đó là một người thợ đào giếng. Y khoẻ mạnh, y đào hòn đá chuyền từ bên nọ sang bên kia, và y biết rằng y làm được. Đó là một phương diện của hạnh phúc. Đó là hạnh phúc của người hùng.

 

Nghĩ rằng nếu anh nỗ lực tranh đấu thì cũng sẽ được hưởng hạnh phúc đó cho riêng anh, mà rộng ra, đối với đất nước lại còn làm tròn được bổn phận là một dân con; anh có chết cũng nhắm được mắt mà không bị nhục với ông cha nơi chín suối.[1]

 

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 262 (16/9/1945)

 

© 2010 Lại Nguyên Ân sưu tầm

 



[a] chỗ này sưu tập T.B.C.N. tôi dùng có chỗ bị rách,  mất chừng 1-2 từ. (L.N.Â.)

[a] Lưu ý: “Việt Nam Đế quốc” là quốc hiệu mới lúc này. Một số giấy tờ cũ còn lưu lại của thời này cũng thấy dấu triện có quốc hiệu này; (có thể  tạm hiểu “đế quốc” = nước của Hoàng đế).

[1] Đây là bài cuối cùng, tức là không có bức thư thứ 3 như đầu đề chung cho biết;  ‘Trung Bắc Chủ Nhật’ s. 262 ra ngày 16/9/1945 là số cuối cùng của tờ tuần báo này. (L.N.Â.)

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 1956
Ngày đăng: 06.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời Chưa Nguôi Củi Lửa - Thụy Vi
Viết cuối hè. - Nguyễn Hồng Nhung
Từ một con đường - Nguyễn Thị Hậu
Chuyện Của Con Bò Ốm - Mang Viên Long
Khuya thu Hà Nội /Mùa thu của tôi - Vinh Anh
Những Bài Báo Của Vũ Bằng Trong Năm 1945 -2 - Lại Nguyên Ân
Về Đồng Bằng Xem Gốm Đỏ - Minh Nguyễn
Nhật Kí Lang Thang - Khải Nguyên
Những Bài Báo Của Vũ Bằng Trong Năm 1945 -1 - Lại Nguyên Ân
Mối Tình Vương Giã, Hai Đám Cưới & Một Đám Ma - Thụy Vi
Cùng một tác giả