Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.622.964
 
Con đường của rượu
Nguyễn Thanh Hiện

“Qua nói với mấy em là nói theo ý riêng của qua. Cho nên có nghe lọt tai hay không là việc của mấy em”

 

Khi trò chuyện với những người đến chuyện trò với mình, bao giờ ông Trần cũng giữ sự khiêm tốn đúng mực của kẻ theo Lý học.

 

Lý học nói ở đây là môn phái triết học thuộc thời Tống (960-1279) ở Trung Quốc.

Khổng học của nước Trung Quốc cổ tồn tại đến thời này thì đổi hướng : Không còn dừng lại ở việc bàn luận về mối quan hệ  giữa con người với con người như đã làm trong hơn nghìn năm qua, mà vươn đến các lĩnh vực siêu hình : Vũ trụ từ đâu mà có? Con người do đâu mà có? …

 

Trương Tái (1020-1077) đề xướng Khí học

 

Chu Đôn Di (1017-1073) đề xướng Lý học , được  các học trò là Trình Hạo (1032-1085) , Trình Di (1033-1107) tiếp tục phát triển. Nhưng phải đến  Chu Hi (1130-1200), học trò bốn đời của Trình Di, thì  Lý học mới đạt đến đỉnh cao. Chu cho rằng Lý là cái Đạo, là gốc của mọi sự  vật. Người ta bảo triết học của Trình-Chu là Khổng học mới, giống như  triết học của Thomas  Aquinas  bên Châu Au  là Plato mới.

 

Thời Tống bên Trung Quốc thì ngang với thời Lý ở Việt Nam.

 

Lý học truyền sang Việt Nam bằng cách nào và vào lúc nào, thì người viết chuyện này không đủ trình độ để dò ra. Chỉ biết là ở làng Bàu Đá, cách thành Đồ Bàn cũ  chừng hơn mươi cây số về phía tây nam, có  một dòng họ  đã mấy chục đời theo  Lý học.

 

“Dòng họ nhà qua mấy chục đời nay coi việc chưng cất rượu là cách hành đạo. Ngồi nghe cách  cơm rượu sôi ở trong vò mà sửa  lại ngọn lửa bếp sao cho hợp với việc chuyển vận trong ống hơi  và trong  bầu hơi của đám khí nước. Mà muốn sửa ngọn lửa bếp thì đâu phải một sớm một chiều là làm được”

 

Ong Trần nói về cái khó trong việc đun cơm rượu. Cho đến lúc này thì ông đã ngót nghét chín mươi. Nên hầu hết những người hằng ngày đến trò chuyện cùng ông  đều thuộc hàng đàn  em hoặc hàng con cháu.

 

Để hiểu được cái Lý của trời đất, Trình-Chu chủ trương tu tâm dưỡng tánh. Tức hành đạo bằng tự tu dưỡng. Nhưng sang tới làng Bàu Đá thì Lý học đã được đổi mới : Dòng  họ ông Trần hành đạo bằng cách ngồi chưng cất rượu .

 

Qua chỉ tỉ dụ thôi. Ngọn lửa bếp đột nhiên  mà to lên  thì cơm rượu  trong vò nóng lên, đám khí nước đột nhiên thay đổi mực chuyển vận mà sinh ra ứ trệ, trong phép chưng cất gọi là khê, tức sinh mùi vị không tốt so với mùi vị trước đấy. Còn như ngọn lửa bếp đột nhiên mà nhỏ đi, thì đám khí nước sinh ra sự thiếu hụt, trong phép chưng cất gọi là nhạt, tức mùi vị cũng không bằng mùi vị đương có…

 

Ong Trần nói về những hậu quả khó lường trong việc thay đổi ngọn lửa bếp trong chưng cất rượu.

Có mấy vị tiến sĩ  ngành  dân tộc học và khảo cổ học, người Nam Bộ, vừa đỗ đạt xong thì rủ nhau làm chuyến điền dã đến làng Bàu Đá, cốt là để xả hơi sau những năm tháng  kinh sử vất vả, nhưng đồng thời cũng để cho biết miền đất đã sản sinh ra thứ rượu gạo đang được bày bán nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, và hình như có nhiều nhà kinh doanh muốn xuất đi các nước trên thế giới. Lúc đến nơi bọn họ mới biết  là mình đã gặp được một người theo Lý học.

 

“Uống rượu  đây là qua thay mặt cho những người dân quê ở đây để uống với mấy em. Còn như nói về rượu thì qua có thể nói cho mấy em nghe mấy ngày mấy đêm cũng được”

 

Trong khi hành đạo ông Trần đã ngộ được cái phóng dật Nam Bộ mà ông không hay. Nên giờ nói ra điều mình nghĩ, thì lập tức cái đạo cốt  của ông khiến cho mấy vị tiến sĩ trẻ dân Nam Bộ như bị ông hớp mất hồn. Có nghĩa, sau khi uống xong chén rượu khách thì các vị ấy lặng lẽ xếp bằng trên nền nhà, ngay cạnh lò chưng cất rượu, nơi ông Trần đang làm công việc chưng cất, mà lắng nghe ông giảng về rượu.

 

“ Dòng họ nhà qua tuy theo Khổng học, nhưng đạo Khổng tới thời Tống bên Tàu thì không còn giống với đạo Khổng thời Khổng tử, Khổng học đã biến thành Lý học, rồi khi Lý học đến với dòng họ nhà qua thì không còn giống với Lý học thời Tống. Bỡi cách hành đạo của dòng họ nhà qua thì khác với cách hành đạo ở bên Tàu..

 

Con đường đi của rượu đối với dòng họ nhà qua  cũng là con đường hành đạo. Con đường của rượu khởi đầu bằng ngọn lửa tự sinh, trong phép chưng cất gọi là sự lên men, và kết thúc cũng bằng lửa tự sinh, hay còn gọi là độ nồng của rượu. Chính ngọn lửa này làm cho người ta ngất ngây, gọi là say, trong khi uống rượu.

 

Mà lửa tự sinh hay lửa đun lò bếp  đều  là của trời đất. Nên  phải thấu cái lý của trời đất  mới điều động được  lửa ở  trong lò bếp. Nhưng thấu cái lý của trời đất là sao, thì chẳng thể diễn bằng lời. Cho nên trong việc chưng cất rượu không phải  nghe, nhìn bằng tai bằng mắt, mà  bằng ý nghĩ. Ý nghĩ mà trong sáng thì đường đi của rượu tất thông suốt. Ý nghĩ mà vẩn đục thì đường đi của rượu sẽ ứ trệ, hoặc thiếu hụt, những giọt nước  thành phẩm,  tức là rượu, tất sẽ khê, nhạt.

 

Cứ thế, ngày này sang ngày khác, qua cứ ngồi vào nơi chưng cất, lòng chỉ nghĩ đến con đường đi của rượu.

 

Cho đến hôm qua nếm thử những giọt nước thành phẩm nghe thơm mùi thơm thánh thiện, thì biết là mình đã ngộ được cái lý của trời đất”

 

Có một vị trong mấy vị tiến sĩ trẻ ấy muốn làm một công trình nghiên cứu về rượu Bàu Đá trong nền lý học mà dòng họ ông Trần đeo đuổi trong bao nhiêu thế hệ . Anh ta đã trở  lại làng Bàu Đá để lấy tư liệu. Nhưng ông Trần thì vừa mới chết trước đó mấy hôm.

 

Người viết chuyện này có cái duyên may là đã được trò chuyện cùng ông Trần trước khi ông chết cũng chỉ có mấy hôm.

 

"Mà đây cũng chỉ là ý riêng của qua, khi bảo rằng con đường của rượu là cuộc chuyển hóa tế vi của sự vật"

 

"Thế khi nhìn thấy được con đường đi của rượu, tức thấy được từ cái cứng hóa làm cái mềm, thì cũng sẽ nhìn thấy được con đường của nhân sinh"

 

"Đấy lại là ý của riêng em. Còn qua thì chỉ thấy thế này. Lửa là thứ cốt tử trong mọi sự vật. Nó mà xê xích, gia giảm một chút, thì trong chưng cất rượu sẽ sinh khê nhạt, còn trong cuộc nhân sinh rất có thể là làm cho huy hoàng lộng lẫy thành ra điêu tàn"./.

 

2007

Nguyễn Thanh Hiện
Số lần đọc: 1885
Ngày đăng: 26.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuối cùng họ cũng lấy nhau - Nguyễn Hiếu
Ba Truyện Ngắn ... Rất Ngắn - Khải Nguyên
Lá xanh rụng cuối ngày - Sương Nguyệt Minh
sông nước. - Nguyễn Thanh Hiện
Phố Núi - Khuất Đẩu
Nụ cười lão bơm xe đạp - Vinh Anh
Hình Như Tôi Cũng Bị Thương - Nguyên Minh
Lần Vết Giai Thoại - Khải Nguyên
Tuy Hòa, Những Ngày Mưa - Mang Viên Long
Lửa Và Rơm - Ngô Thị Ý Nhi