Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
760
116.540.873
 
Mảnh Vỡ Của Ngày.
Hồ Thanh Ngạn

1.

Khi tôi bắt gặp nét nhìn của hắn thì lòng đã mênh mang vô cùng. Tôi chợt hiểu. Như giữa chúng tôi sự liên hệ vụt mất đi. Như sự bàng hoàng của nét mắt hắn. Như dáng nhìn bỗng thờ ơ. Như sự im lặng tê dại. Như sự suy tưởng bỗng dững dưng… Sự dối diện trở nên xa lạ trong thoáng nhìn chua chát đó. Như một ước định bất chợt phát hiện từ một dạng thức của trí tuệ sau phút im lặng. Im lặng thật dài.

 

Như mặt sông lúc đổi triều quay tròn bọt nước. Bập bềnh những ngập ngừng. Thật buồn cười, nhưng không còn gắng gượng, không còn níu kéo…

 

Mắt mở lớn nhưng chỉ nhìn vào khoảng hư vô. Liên hệ nào đó nếu không phải là sợi khói mong manh. Tôi mỉm cười nhìn suốt sự tỉnh táo của mình. Tỉnh táo một cách bình thản, không hề một chút ngạc nhiên. Như sự im lặng ráo hoãnh ý thức. Như giữa không gian  im vắng, tĩnh vật vô tri. Như giữa chúng tôi màu sắc của căn phòng đã trở nên nhợt nhạt. Đồ vật mang vẻ chết lạnh của ý thức, thản nhiên trơ cứng lại và dồn vào dòng im lặng.

 

Sinh khí chỉ còn một chút khói thuốc lởn vởn rồi tan biến vào khoảng không.

Hắn muốn nói một điều gì. Không. Suy tưởng đã dừng lại nên lời cũng ngập ngừng. Hãy im lặng. Yên lặng để chuyển biến tự nhiên như dòng sông. Hãy để cho sự im lặng héo hắt nỗi xúc động của chúng ta. Hãy để cho sự im lặng của bóng tối bao quanh ngọn nến bập bùng. Hãy để cho nỗi sáng suốt dày vò những suy tưởng đã tàn lụn. Thử hỏi ta đã sống thật đời mình hay chỉ sống bên cạnh đời mình? Ràng buột nhìn thấy như thứ tình cảm cô đơn của một viễn tượng đeo nặng. Cùng cực chua chát. Nhưng vẫn ước ao. Nhưng vẫn vẽ vời. Dõi theo một ảo tượng để tưởng con đường đang đi, quên mất sự vong thân buồn bã…

 

Tôi không thể như thế. Hắn cũng không thể như thế. Những liên hệ ràng buột cũng không thể như thế. Nhưng mọi chuyện, khi giơ tay thì đã muộn màng.

 

Tìm cho mình một suy nghĩ. Suy nghĩ nào đó? Oi vầng trán đã in bao lần nếp nhăn. Mắt đã mờ và trí đã mòn khắc khoải. Từng hơi khói thấm dần, đã thành thói quen những lần châm thuốc. Ngón tay đã vàng và phổi đã phập phồng những hơi thở già nua. Khuôn mặt nguyên vẹn nhưng đã cằn cỗi vẻ lạnh lùng. Buồn nãn đã tràn trên hai tay buông thỏng, nên con đường một mình đã thành ngõ sâu hun hút. Trí tưởng đã cùn nên ý hướng hết hăng say. Muốn giấu mặt nhưng lòng đã chia cách mơ mộng cũ. Muốn ngã mình nương nơi an trú thì cuộc tình đã không còn tuổi hai mươi. Muốn an thân nhưng vẫn băn khoăn những lầm lẫn. Mắt không thể nhắm lại và thân xác không thể trở thành cỏ cây…

 

Trong một thoáng, tôi tưởng mình không còn đó. Sự sáng suốt như màn đêm vắng lặng. Cách biệt và thản nhiên. Như ở một thế giới nào đó sự sống mơ hồ lay động những ánh sao.

 

Tôi bỏ mẩu thuốc vào gạt tàn mà không dụi tắt. Tay mân mê cái tay dựa mạ kền của chiếc ghế đang ngồi. Phải đó, trơn tru như thế này, nhẵn lạnh như thế này. Tình cảm. Oi tình cảm. Làm thế nào mà thương cho hết. Làm thế nào mà thương cho trọn. Ý thức về nó như những ray rứt không thể lắp bằng. Như lòng thương hại cho chính mỗi thân phận. Của từng dãy dài những vuông giường sắp lớp. Của những bàn tay ngữa ra và khuôn mặt nhăn nhúm. Của chiến tích trên cơ thể còn lại. Của đứa bé trần truồng bên vòi nước công cộng. Của những giọng cười mua chuộc. Của những tiếng nói ngoài vùng bản xứ. Của những bon chen, hổn độn. Của những đồi mộ chập chùng… Và của tình yêu muốn an nghỉ…

“Như lòng thương hại cho mỗi chính thân phận”. Nụ cười u uất vẩn gợn trong trí về nỗi xót xa như từng mảnh vỡ. Biểu tượng tan nát của sự phân hóa không thể nào hàn gắn được mà cứ tưởng là bất biến. Lòng ích kỷ và mọi sinh hoạt đã thành thói quen – cuộc sống này và xã hội này.

 

Tôi duỗi người tránh xa mùi gắt của mẩu thuốc đang cháy dở. Khói thật đặc tuôn ra vội vàng trong phút hấp hối . “Phải, mày không thể nhìn tao như thế”. Tôi không muốn hiểu hắn bằng nụ cười buồn.

 

 

2.

Thánh đến thăm tôi lúc nắng đã khuất sau dãy nhà lầu trước mặt.

Nhìn dấu nắng ửng hồng trên đám lá vú sữa nhà bên cạnh, tôi hình dung khoảng đường Thánh phải đi bộ mỗi lần tới thăm. Khu chợ ầm ĩ bên cạnh trạm xe buýt. Sạp trái cây với những quày chuối chín không đều. Những cái xe lồng kính gọn gàng, ban ngày nước mía, ban đêm bánh mì. Tháp nhà thờ và dãy hàng tạp hóa… Đoạn đường ngắn mà ồn ào trước khi rẽ vào hẽm này.

- Xuyên nó gửi biếu anh bưởi. Đi Biên Hòa mệt quá. Ở nhà thờ có chuyện gì đó anh. Đông lắm.

- Ừ. Ban sáng Chấn đến đây. Tôi không biết đâu.

Đáp cái giọng nhảy nhót như sáo của cô bé, tôi vẩn vơ nghiệm ra niềm vui trong lòng cô bé. Phải, mệt lắm nhưng vui lắm. Những quả bưởi. Con đường thật nắng và Thân, và cái xe. Vậy đó cô bé. Như cái vòng. Cô bé thấy cái vòng đó. Và tôi thấy được niềm vui của cô bé. Quanh quẩn và vớ vẩn như ngắm một sợi tóc trên tay.

- Bao giờ Xuyên về nhà chồng?

- Phiền lắm anh. Như sự chọn lựa nhắm mắt. Nó chẳng vui gì đâu.

Thánh đặt hai quả bưởi lên bàn rồi đến ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tay trái vẫn cầm chiếc khăn tay nhỏ xíu.

- Sự buồn bã phải nhận lấy phần người con gái bao giờ cũng là im lặng. Đàn bà bao giờ cũng nhiều im lặng hả anh?

- Nói cho đúng thì mỗi người nghĩ đến mình nhiều quá. Đó không phải là vị trí chọn lựa…

Ý tưởng chưa định ngừng thì Thánh quay lại. Nét nhìn lạ hoắc. Chiếc thánh giá bằng vỏ ốc nàng vẫn thường đeo đong đưa trên màu áo xanh thẩm.

Không. Cô bé cũng đã hai mươi mốt. Và tôi nghĩ đến Chấn – “Tau không thể nhìn mày như thế”.

 

*

Thân không phải là tên bạn nối khố nhưng tôi biết về hắn ít nhiều trong khoảng thời gian chơi với nhau. Cái xe hắn sắm được quả là một thứ tài sản to lớn đối với cái thứ cùng quẩn như chúng tôi. Trong cái tập hợp của guồng sống, quả mỗi người đã được đặt sẵn ở một vị thế không thể không chấp nhận. Để tạo nên thành phần này. thành phần khác trong sự xếp hạng thành giai cấp như một định chế của loài người. Bởi loài vật thì làm gì có giai cấp. Sự khôn ngoan của con người thành ra thật ngốc nghếch. Bởi dù trong những hình tượng tốt đẹp nào đó, có ai lại muốn biến cải xã hội loài người thành xã hội loài vật?

 

Thân vẫn thường đùa với tôi là “nếu thế giới này vô sản hết thì hắn sẽ lập chiến khu”. Tôi buồn cười hình dung khu rừng hắn ở – một mình với một cái xe. “Ừ, thì chiến khu một mình”. Ý nghĩ đó cũng trơ trọi, đơn độc, như mỗi cuộc sống cá biệt, rời rạc, riêng lẻ. Ở phần thâm sâu nào đó không ăn nhập, không hoà hợp gì với sự nhịp nhàng của triều sống. Xã hội chỉ là cái tập thể ô hợp có lề lối mà ràng buột chấp nhập vốn là thói quen – cái thói quen của những liên hệ tình cảm. Không ai làm trọn được cái trách nhiệm ý thức của guồng sống của một triều đại. Mọi sự thay đổi có sắp xếp từ định ý, nếu không phải là độc đoán thì cũng là một nhầm lẫn tội lỗi, và ý thức hệ vì sự biến cải tót đẹp cho đời sống nếu không là sự hòa đồng suy tưởng tự ý thì chẳng khác gì thứ tình cảm cô đơn, bất lực.

 

Nhưng làm thế nào cho mỗi người thấm nhuần điều đó, như con chiên tự nguyện. Hay chỉ như chiến khu của Thân?

 

Thân không ba hoa nhưng hắn không muốn ai hơn mình. Bao nhiêu lần tôi cố nhịn cười về cái ngông nghênh của hắn. Hắn nghĩ là những cô gái hắn quen biết đều yêu hắn. Giản dị như hắn có lẽ không bao giờ khổ tâm.

 

Có những điều hắn quả quyết một cách quá đáng. Chắc nịch như đã nắm gọn trong tay. Trên phương diện nào đó có thể hắn có lý. Nhưng những lúc như thế tôi nhìn hắn như một bãi hoang trống vắng, lạc lòai như chưa bao giờ được âu yếm. Bởi không thể nào “dù có lầm lẫn thì cũng là những cái lầm lẫn dễ thương” trong sự phiêu lưu tình cảm như hắn.

 

Thân gần gủi với tôi nhiều hơn từ khi có thêm giao tế của cô bé. Nhưng hắn vẫn cái mặt coi tôi không ra gì trong bộ tịch thản nhiên, làm như tôi không hay biết. Như sự quen thuộc làm cho người ta trở nên lì lợm. Sự lì lợm cũng thản nhiên như hình thức khốn cùng của một khuôn mặt che giấu thảm hại. Mà thế đó…

 

Về một xử sự hợp lý hoặc không, đối với hắn tôi thấy khó có thể tỏ ý kiến trong lãnh vực tình cảm riêng tư.

 

Phải chi tình cảm cũng ăn được. Như nụ cười để soi mình. Hề biết mấy! Dự phóng sinh mệnh mà mỗi người tưởng mình nắm phần chủ động cũng tình cờ như dòng nước. Điều cố gắng, là làm đẹp cuộc đời trong dự phóng của mình, dù là dự phóng đã nằm trong định mệnh.

- Cậu có nghĩ là một lúc nào đó ta không thể nhìn lui lại đời mình?

- Tau hả? Nếu hạnh phúc cứ tự nhiên như những tình cờ thì tau cũng nghĩ hạnh phúc có thể tạo dựng bằng những cố gắng thực sự trong ý hướng đối nghịch. Sự dừng lại như một nhận diện. Mày thấy không, có ai làm được sự chọn lựa trót sinh?

 

Tôi nói không phải để trả lời hắn mà nói theo ý hắn:

- Buồn nãn và mệt mỏi cũng là cái cớ. Nhưng mỗi khi muốn thoát khỏi ràng buột của đời sống này, đương nhiên ta đã chấp nhận một đời sống khác, sẽ chen vào – Như cái chiến khu của mày. Những thú nhận điêu ngoa cũng chỉ là một hình thức vong thân. Quên là mình đang đứng ngoài cuộc để xót xa nhìn một phần sống hoang đường đã được tô điểm bằng quá nhiều hư ảo.

- Ừ… Có thể… Thật vô ích. Nhưng…

Hắn ngập ngừng, và trí tôi vẽ nên chiếc thánh giá bằng vỏ ốc đong đưa.

- Mày đã nhìn một quả gấc chín? Mày đã ngắm một sợi tóc rụng trên tay?

Hắn nhìn tôi ngơ ngác. Nét mặt chừng bất chợt. Nghĩ đến Thánh tôi thấy thương hắn vô cùng.

 

 

3.

“Những đổ vỡ đã không thể tránh.Cần thiết như giọt nước mắt không thể cầm lại của sự xúc động.Nhưng chưa ai làm đám tang cho một tâm hồn.Tau ấy à? Tau đã nhìn mình bằng cái bóng trong gương. Tau muốn nối lại cái buổi sáng nhợt nhạt đã im lặng với mày quá nhiều. Đừng xác định một vị trí liên hệ tình cảm – bằng hữu, tình ái… và, hoặc là quốc gia hay xã hội gì đó.

 

Mỗi người phải thật sống đời mình, mới làm nên tình yêu.Phải sống thật mới làm nên quốc gia, xã hội… Có ai truyền được cái hơi thở rúng động của cơ thể và tâm thần khi ngây ngất những lời quốc ca? Có ai đã biết ngước mắt lên lá cờ để thấy quốc hồn bừng bừng dòng sử mới? Hay chỉ cho những người chết?

 

Dù là biểu tượng – vá víu được chăng để tìm lại cái ảo ảnh bình thường trong tấm gương vỡ? Mày thấy không? Thằng Thuấn chưa hề một lần bắn một phát đạn nơi mặt trân. Hắn thử làm cái đón chờ sự chết. Dù là từ một cuộc chiến bất đắc dĩ.

 

Khi mà tiếng súng từ phía này bắn, tau nghĩ hắn không- có- đó. Có chăng hắn chỉ là cái vẩn vơ trong những liên hệ của Trân, của tau, của mày… và những vật vờ suy tưởng hắn tìm thấy!

Phải, tau không có quyền rút ra khỏi đời sống này, nhưng còn quyền-chiến-khu của tau? Chiến khu của vùng im lặng. Cái ảnh ảo trong gương nhập với tau làm một trong vùng im lặng đó”.

 

 

4.

Đổi chỗ ở lần này là lần thứ ba.

Người ta bảo là căn-nhà-lá khi chỉ cho tôi thuê, nhưng thật thì đó là ngôi nhà vách ván, lợp tôn và nền tráng xi măng. Ngôi nhà chìm sâu trong xóm và phải đi qua bao nhiêu hẽm ngang hẽm dọc. Tôi thương cái lối đi vào thẳng tắp với hai dãy rào của những khu nhà bên cạnh.

Riêng biệt với một mảnh sân nhỏ trước mặt, có trồng vài cây kiễng và một cây mận đã cao. Thật thích hợp như ý tôi mong muốn. Đã hai lần ở gác mướn nên lần này, khung cảnh cả ngôi nhà cho tôi sự thoải mái thật mềm mại. Bao nhiêu năm sống ở đây tôi mang chỉ có một ý nghĩ thật buồn cười. Sàigòn thì nhà cửa cũng bon chen.

 

Dãy nhà lầu trước căn gác cũ. Những đường hẽm, lối xóm chằng chịt. Những dãy nhà liền vách, cùng một bề rộng của từng căn chia đều, với những khuôn cửa cùng kiểu, nhấp nhô cơi lên những cái gác xép không đều. Những đường dây điện bắt nối vội vàng… choán mất cái tầm nhìn đã thật giới hạn. Tất cả hợp thành cái đời sống bẩn chật, náo động của những khu định cư từ sau 54. Rồi thời cuộc đã ghép thêm những chen chúc mới làm cho mọi sinh hoạt trở thành như nghẹt thở. Đời sống đã đổ dồn về mọi thành phố, như đất đứng của vùng nuôi dưỡng an toàn.

 

Nỗi lo sợ và bất an cũng lan tràn như cuộc chiến. Người ta thấp thỏm một cảnh sống cơ cầu. Mọi bình thường đều đã xáo trộn, nên tôi chỉ nhìn thấy cái ước muốn ti tiện ở những khuôn mặt no ứ sự sống. Từ những tòa nhà ngày một ngất ngưỡng và từ những chòm xóm đèn đuốc tối tăm.

Thèm biết mấy nỗi yên lành chất phác của bầy chim trên đồng ruộng. Thèm biết mấy những cánh tay trần chỉ lo khai vỡ thiên nhiên.

 

Tôi bằng lòng khu nhà mới như niềm vui sướng tìm được. Ít ra tôi cũng có được niềm bình an của những buổi sáng yên tĩnh, của những buổi tối nhẹ nhàng hay những buổi chiều riêng biệt.

 

Cách thành phố bằng một chuyến đò, nhưng dòng sông đã tách hai vùng thành hai khu vực. Cùng trong một triều sống mà bên này sông mọi hoạt động êm đềm như sự quên lãng. Cái nhịp nhàng của thời con trẻ chạy rong. Và dòng sông thuần hậu như khoảng rộng của tầm nhìn. Vẻ quê mùa của vùng sống sát cạnh thành phố này là đêm đêm nhìn về bên kia sông sáng rực, và ánh đèn màu lấp lánh trên suốt mặt sông.

 

Tôi soi rõ sự thầm lặng trong lòng mình của một nếp đời chấp nhận. Phản ảnh từ những bon chen, như sự thất vọng của cuộc đời mà những ước muốn đã không thỏa đáng. Có lẻ Chấn cũng đã nhìn tôi như sự thất vọng đó. Có những lo toan của người làm mình cảm động nhưng không phải là hình ảnh của kẻ đứng bên này sông đưa tay vẫy. Cũng nụ cười đó, cũng vòng tay đó nhưng sự thay đổi đã ở trong lòng. Nỗi khốn khổ cùng tận, nhưng mọi người đã nén lại để cho cuộc đời vẫn vươn tới, để cho dòng sống vẫn trôi đi.

 

Xuyên về nhà chồng vẫn với nụ cười như thế. Rồi cuối cùng vẫn là sự thỏa thuận ghép thân phận mình vào thân phận của cuộc đời. Như sự quẩn quanh của những mảnh vỡ. Như thứ tình cảm của những chiếc lá lìa cành. Khi tôi dọn về khu nhà mới thì Thân cũng được lệnh thuyên chuyển ra Vùng I. Trước hôm hắn đi, buổi tối họp rượu có cả Chấn và Thánh. Nhìn ly nước cam vàng cháy bên cạnh những cốc bia sủi bọt rồi nhìn Thánh, tôi để riêng một nụ cười trong lòng.

- Nhìn mấy anh… tôi cũng thích uống bia nhưng tôi là con gái.

- Bậy. Có nhiều hình thức cũng cần đẹp. Nhưng hình thức không trang điểm được tâm hồn. Thánh muốn uống bia thật à?

- Không. Không phải tất cả những suy nghĩ như thế đều là ước vọng. Tôi muốn hòa mình ở vị trí tham dự. Tôi uống bia được chứ.

Rồi Thánh quay giọng với Thân:

- Đi như vậy bao lâu anh mới về Sài gòn?

Nãy giờ Thân vẫn lơ đãng với cốc bia trên tay, hắn nói như không trả lời:

- Thuyên chuyển lần này không phải là ước muốn của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ là mình cứ nhận lấy mà vui thích. Ít khi tôi ngờ vực đời sống của mình sẽ ràng buột thế này, thế kia… Tôi thích cái khoảng nhìn trước mặt mọi người đàn ông.

Từ câu nói của Thân, Chấn nhìn tôi rồi cúi xuống, tay vói gói thuốc trong khi Thánh hỏi:

- Anh không thấy khó chịu vì những thay đổi à?

Tôi bật lửa châm thuốc cho Chấn, xen vào như nói với cái nhìn của hắn.

- Sự thay đổi ở trong lòng mình. Mấy cô chỉ ước ao những điều dịu dàng mà rồi bao giờ cũng tự làm khổ mình về những băn khoăn thay đổi tưởng sẽ nhìn thấy. Có những khoảng nhìn trước mặt thật đẹp nhưng ở đó có quá nhiều vẻ vời, quá nhiều dự tưởng…

Tôi quay luôn với Chấn:

- Chấn! Tau xúc động. Nhưng bây giờ thì vô ích rồi. Mày có thể về bên kia sông nhìn suốt tâm tư của một người khác nhưng chẳng bao giờ mày giúp ích được gì. Sự hòa hợp đẹp nhất mày chỉ thấy được ở thiên nhiên. Suy tưởng của chúng ta không phải là thiên nhiên. Trách nhiệm một mình là hình ảnh tội nghiệp. Một thái độ trong một hoàn cảnh có thể được cổ xúy nhưng những quay cuồng, những xáo trộn mà chúng nhìn thấy cũng có thể là hợp lý. Những ngày tới đây tau mong là ở Vùng I tên Thân sẽ yên ổn trong khung cảnh mới… tau muốn nói là khung cảnh ở trong lòng.

Rồi quay qua với Thân tôi tiếp:

- Phải không mày? Làm thế nào mà nhìn một người khác bằng chính suy nghĩ của họ?

- Có thể từ những thất vọng có thật. Nhưng không phải tau hiểu mày như thế. Làm thế nào để được như một cây thông đứng? Một con ốc đã khép chặt miệng vỏ. Thu mình ở giới hạn thật nhỏ bé để nhìn được những chuyển biến thật lớn lao được à? Dù là những mảnh vỡ, dù là sự quanh quẩn của những cái vòng…

 

Thân vẫn cái dáng lơ đãng, nhưng giọng chắc nịch xen vào lời của Chấn:

- Không phải là những mối thất vọng. Có được bạn bè kể cũng khoái. Tớ tin rằng ai cũng thèm thấy được bên cạnh mình có một người cùng đi. Một viễn tượng vẽ ra, một cuộc tình nuôi kín… Nỗi cô đơn, sẽ hãi hùng biết mấy. Tớ cũng tin là mỗi người đều nắm được hạnh phúc của mình…

Ngập ngừng một chút, Thân tiếp, giọng trầm xuống:

- Nhưng có thể có một cái gì đó nơi suy nghĩ của mình.

Thánh theo dõi câu chuyện như lạc lõng giữa đám đàn ông mà lần họp mặt như không có một liên hệ nào. Giọng Thánh thành ra đột ngột kéo mọi người gần lại và những cái nhìn đều quay về phía nàng.

- Các anh làm tôi tưởng mọi suy nghĩ đều là thảng thốt. Bấp bênh cả những tình cảm.

- Không ai nhìn rõ vị trí của mình nên nghĩ điều không có thật.

Chấn tiếp như nói với tôi:

- Không phải là sự quên mình, và biết đâu cũng là thói quen của sự ngụy tạo. Tôi không muốn nói là sự bắt chước, sự vong thân… từ sự sống để tưởng là không có cuộc sống này. Nếu không còn những liên hệ của cuộc đời thì đâu còn là dòng sống.

- Không. Rồi mỗi người vẫn sống như trôi đi. Làm một người khác, người ta đánh mất quá nhiều mà không tự biết. Một sự hòa mình cũng vậy. Tau, tau nghĩ sự đánh mất đó trong vùng im lặng.

 

5.

Buổi sáng đi thật mau qua khung cửa. Nắng đang đổ nghiêng thành từng vệt mỏng, loang lổ trên khoảng sân sạch bóng. Tôi còn hơn một tiếng đồng hồ phải ngồi đây, đợi chờ giờ tan việc. Bây giờ thì thanh thản mà nghĩ ngợi. Thanh thản mà nhìn bóng nắng đang đứng dần. Công việc đã chu tất, lo tròn trong một bổn phận vừa phải – và phải chăng đó cũng là một hình ảnh của sự sống đang bám vào dòng đời. Thân xác và sinh kế. Sự mệt mỏi tinh thần và những ích kỷ uể oải. Vâng, những riêng lẻ, riêng lẻ như thế… đã hờ hững kết cấu thành một chuổi dài sự sống động phiền toái của một guồng máy không bao giờ mày được nhận diện.

Những suy nghĩ thật vớ vẩn. Vu vơ như điếu thuốc cháy chậm giữa hai ngón tay xương xẩu, cục mịch.

 

Nhìn đàn kiến nối đuôi nhau trên thành cửa tôi tin những điều vớ vẩn nơi đầu óc mình. Cái gì đó thật vô ích trong sự di động liên tục đang được hăng hái duy trì. Động tác không còn bỡ ngỡ nhưng thật vô giác, thật yên lành. Ngoan ngoãn như chiếc bàn đạp quay tròn dưới đôi chân.

 

Buổi sáng dần thu hẹp lại. Vết bóng của mái nhà đang tiến dần về phía tôi và mặt trời càng dần nóng.

Cảm giác rát bỏng như đôi môi khô héo phải mím chặc vào điếu thuốc những lần rít hơi.

Nắng Sàigòn cũng làm ướt áo quần. Cái nắng không gay gắt nhưng tức bí, đóng khung qua những bức tường cao chảy dài, và ngột ngạt trong cảnh tấp nập ồn ào.

Tôi nghĩ tới chuyến đò lát nữa đây sẽ trả tôi lại khu vực bên kia sông và nguồn yên ổn sẽ tìm thấy. Tiếng xình xịch của động cơ khô khan, tức tưởi, như âm vang cuối cùng của sự chuyển tiếp giữa hai nếp đời những chuyến ngang sông.

 

Rồi Thân. Rồi cái chiến khu của mỗi đời người. Rồi sự ngỡ ngàng như không một tí nào liên hệ với da thịt của những cập nạng dưới đôi nách. Rồi chiến cuộc với những cái xe ba bánh được ghép vào đôi chân… Người ta phải làm quen với sự tủi hờn, sự xót xa, được ghép vào đời sống, không xứng đáng thay thế cho cả phần đời còn lại. Mọi sự hy sinh thật vô ích. Tình cờ như những trái phá giữa trận tuyến. Vô giác như những viên đạn bất ngờ. Và quê hương… Và những phần thân thể đã mất mát… Rồi những giọt nước mắt, và sự vô tâm của dòng sống vẫn trôi đi.

Mọi sự xóa bỏ đó nói lên được điều gì? Làm nên được điều gì?

 

Tin Thuấn chết từ mặt trận cao nguyên không làm xao động vẻ thản nhiên băng giá trên khuôn mặt tôi, nhưng niềm đau đã quặn thắt ở trong lòng. Tôi nghĩ đến Trân…

 

Thuấn đã mang theo nguồn hạnh phúc vĩnh cửu hay sự xốn xang của những liên hệ còn lại? Cái chết và sự băng hoại của lòng thương mến như vòng tay đã buông lỏng. Buông lỏng nảo nề.

Rồi tôi nghĩ đến Thân.

Rồi tôi nghĩ đến Chấn.

 

Bên đó hiện ra những khuôn mặt vừa băn khoăn vừa buồn bã dịu dàng của Xuyên, của Thánh.

“ Không. Rồi dòng sống vẫn trôi đi.”

Những cái chết và cuộc sống này toàn là những chuyện vô tình. Nhưng nó, nó làm giàu cho triều sống và lịch sử sau này./.

 

Trích Ý Thức số 22 ngày 1 - 10 - 1971.

Hồ Thanh Ngạn
Số lần đọc: 1468
Ngày đăng: 03.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây Cầu Tuổi Dại. - Nguyễn Mộng Giác
Gò Bồi Bên Kia Sông - Trần Hoài Thư
Ly - Trần Duy Phiên
Những Lớp Mây Phai - Hồ Minh Dũng
Hội trường - Nguyễn Hiếu
Bản giao hưởng cổ tích - Đặng Văn Sinh
Số Phận Lũ Sáo Nhà - Kinh Dương Vương
Mưa Ở Phnom Penh - Nguyễn Xuân Tường Vy
- Nguyễn Hồng Nhung
Mùa Trâu Ăn Sương - Sương Nguyệt Minh
Cùng một tác giả
Mảnh Vỡ Của Ngày. (truyện ngắn)