Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
465
116.388.901
 
Thử Đề Xuất Với Trần Gian
Nguyễn Thanh Hiện

Loài người là phải đi tới, chứ không thể đi chà lui. Còn đi tới đâu, hay tới chỗ nào, thì còn phải chờ.  Đó là lời ông nói với người làng. Và cái tôn giáo ông đang đeo đuổi là để góp phần vào việc giúp cho con người không còn đi chà lui.

 

Giáo chủ là ông, mà tín đồ cũng là ông. Có nghĩa, tôn giáo do ông sáng lập mới chỉ có mỗi một người theo. Đạo là còn trong lúc thể nghiệm, nên cả vợ con ở trong nhà cũng chưa ai được theo. Đó là lời bà vợ ông nói với người làng.

 

Tuổi của tôn giáo ông là tính từ ngày tấm biển mang dòng chữ NHÀ HÀNH ĐẠO được treo lên ở ngưỡng cửa nhà trên, tức gian nhà thờ ông bà trong ngôi nhà xây bằng gạch có cả thảy ba gian. Đạo của ta không thờ phụng ai khác hơn là tổ tiên ông bà. Ông nói. Hoá ra tôn giáo ông là thuộc loại không thờ ngẫu tượng (Trên bàn thờ ông bà có hình hai cụ thân sinh ông. Nhưng đấy là ảnh, chứ không phải là tượng)

 

Cách hành đạo của ông quả chẳng giống chút nào với cách hành đạo trong các tôn giáo khác. Có thể nói đấy là cách đề xuất một kết hợp tôn giáo với thi ca. Cụ thể là ngày ngày (hoặc đêm đêm) ông vào nhà hành đạo, tức vào nhà trên, để ngồi vào bàn mà chép tự truyện. Đem cả cái tốt đẹp lẫn xấu xa của cuộc đời ta đặt lên giấy, rồi mang chính  trí tuệ ta ra mà cân đo. Đấy là ông tóm lược về cách tu luyện của ông cho người khác hiểu. Cho nên phải nói rằng kinh văn của tôn giáo ông là được trước tác từng ngày, và mỗi ngày thì cuốn kinh văn đó là một dày thêm. Và tất nhiên là nguồn tư tưởng của kinh văn phải luôn được tu chỉnh, luôn được cập nhật hóa, cho  phù hợp với cuộc đi tới của con người.

 

Chưa để cho ai vô đạo của mình, nhưng từ ngày treo tấm biển hành đạo lên là ông bắt đầu một cuộc truyền giáo rộng lớn, cuộc truyền giáo luôn giữ đúng theo tiêu chí ngẫu hứng. Nói rõ ra là kể từ lúc treo tấm biển hành đạo ấy lên thì bất kỳ ai, dù là người trong làng, hay khác làng, dù đàn ông hay phụ nữ, là người già đầu bạc hay tuổi trẻ đầu xanh, nếu cảm thấy có hứng thú thì cứ việc vào nhà ông, để ngồi vào bàn mà đọc kinh văn, tức đọc sách tự truyện của ông. Người ta không thể biết chắc đấy quả là tự truyện, hay chỉ là những áng văn chương hư cấu. Nhưng kinh văn ấy quả đã để lại trong lòng những người đã đọc nó những cảm thức nóng bỏng về trần gian. Ta đã trải qua một trăm mười hai vương quốc của loài kiến, tranh luận với năm mươi mốt nhà sinh vật học trên thế giới về chế độ xã hội có vua chúa của loài kiến, và chỉ khi quay về ngôi làng bé nhỏ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ta mới nhận ra rằng thế giới của loài kiến là một phúng dụ rất đẹp về thế giới con người, hay nói cách khác, nó, cái xã hội loài kiến đó là những ngụ ngôn vĩ đại đối với con người. Cứ thử đơn cử một câu trong sách tự truyện của giáo chủ, như câu này chẳng hạn, thì cũng dễ hồ nghi là ông đã hư cấu ra mọi sự.

 

Đúng là ông đã theo lũ kiến thật. Vừa xong cái tiến sĩ sinh vật học là ông lao ngay vào công cuộc nghiên cứu về loài kiến. Ở vùng quê trung du của ông là có rất nhiều kiến (kiến lửa, kiến riệng, kiến hôi…), lắm lúc đã trở nên thứ tai họa trong gieo trồng. Nhưng dưới sự đè ép của con người, thì đám kiến ở đây chẳng thể thể hiện hết khả năng sinh tồn của mình. Có nghĩa, các quần cư của loài kiến ở đây chưa phải là đối tượng nghiên cứu khoa học của ông. Có nghĩa, ông phải lên rừng. Ngài tiến sĩ kiến ( bấy giờ  người làng gọi ông thế) đã biền biệt trên rừng suốt mười mấy năm. Nếu như lâu lâu không thấy bà vợ ông mang thai, người làng cũng dễ cho rằng ông đam mê khoa học đến nỗi quên cả nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người là phải làm cho loài giống mình luôn sinh sôi nẩy nở. Đam mê nghiên cứu là vậy, rồi bỗng bỏ rừng, về nhà, treo biển, thiết lập một tôn giáo mà lúc đầu ai cũng thấy là có vẻ kỳ cục. Ta, kẻ từng đam mê những ngụ ngôn vĩ đại ở trên rừng, thì giờ đây tôn giáo của ta cũng là ngụ ngôn, ta từng sống với những ngụ ngôn vĩ đại ấy, thì giờ đây ta cũng chỉ tin là chỉ ngụ ngôn mới khơi được ở con người tình cảm luân thường. Ông nói với những ai muốn hiểu về tôn giáo của ông. Cũng là hơi khó hiểu. Nhưng chỉ trích đọc một chương nào đó trong sách tự truyện của giáo chủ, như chương sau đây, chẳng hạn, là sẽ rõ cả.

 

…Ta đến vương quốc thứ tám mươi của loài kiến thì gặp một sự cố quá lớn. Đây là vương quốc của giống kiến càng có thân hình khá to. Dường chỉ về đêm, chúng mới sống trong hòa bình. Còn ban ngày, ánh mặt trời vừa chiếu rọi trên rừng là ta đã thấy chúng cấu xé nhau. Có xác một con hổ đang thối rữa ven một suối nước. Khối thực phẩm to lớn này là nguyên nhân của chiến tranh. Ta lên rừng là để khảo cứu về loài kiến, nên đâu có thời gìơ để hiểu vì sao con hổ chết. Bấy giờ có hai sự kiện làm cho ta phải nghĩ ngợi. Một là, khi một loài bé nhỏ như loài kiến lại ăn thịt một loài to lớn như loài hổ. Và hai là, khi nguồn thực phẩm quá lớn thì cuộc chiến tranh giành nguồn thực phẩm ấy sẽ kéo dài ra. Chúng đánh nhau suốt hơn tháng trời. Cứ chia thành từng hai nhóm một, từng hai phe một, mà đánh nhau. Tất nhiên là ta phải ở lại đó trong suốt thời gian chúng đánh nhau. Ta đã khóc, nước mắt không phải là nhiều, nhưng vì đứng ở lòng con suối mà khóc, nên ta tin nước mắt của ta sẽ hòa vào biển cả, bỡi sông suối nào lại không đổ về biển cả. Nhưng nói vì thấy lũ kiến chết nhiều quá mà khóc, là nói chưa thật. Ta biết là bấy giờ, khi thấy lũ kiến chết nhiều quá, thì trí tưởng của ta lại hướng về loài người. Cũng giống lũ kiến  ở nơi này, các cuộc chém giết nhau của loài người cũng là đồng loại chém giết nhau. Lũ kiến không có lời nói, im lặng đánh nhau, im lặng chết, nên không thể nói chuyện luân thường trong thế giới của chúng. Nhưng loài người, sau khi chém giết nhau, kẻ thắng thì tự ngợi ca mình, kẻ thua còn sống sót thì dùng hết thảy những lời lẽ có thể dùng được để tô điểm cho lòng thù hận của mình. Cho nên, nếu không nói đến chuyện luân thường, thì cơ hồ loài người tự hủy diệt mình. Nhưng ai là kẻ nắm giữ luân thường?

 

Ta đến vương quốc thứ tám mươi hai của loài kiến thì gặp cuộc va chạm giữa con người và kiến. Lũ kiến vàng quả là có đầu óc kiến trúc rất lớn. Là kiến trúc sư của thời hiện đại thì anh cứ thử phác thảo thứ nơi ăn chốn ở cho cái công xã loài kiến đến hàng nghìn con ấy thử coi? Nhà ở của lũ kiến vàng là thứ công trình có đủ tất cả các hạng mục cho một cuộc tồn sinh. Nó, cái tổ kiến ấy, là nơi hội họp của bầy đàn, là đồn lũy để cố thủ trước kẻ địch, là chiếc giường trong việc ái ân, chiếc nôi cho một thế hệ mới chào đời…

 

Những phút đầu tiên đặt chân đến vương quốc ấy, ta cứ mê mẩn đứng nhìn những công trình kiến trúc theo lối treo ấy. Vào một buổi sáng núi rừng có vẻ đầy cảm hứng, lúc lũ kiến vàng đang tụ tập ở sân ngôi nhà chung, sửa sọan bay đi tìm thực phẩm cho kế hoạch dự trử của mình, thì đám người ấy xông tới. Ta nói là chớ nên làm hại những sinh vật nhỏ bé mà có đầu óc kiến trúc như loài kiến. Bọn họ, cả thảy là năm người đàn ông lực lưỡng, tưởng ta cũng là dân ăn kiến. Hãy nói đi, là ông đứng về phía con người hay phía lũ kiến? Tất nhiên ta hiểu, nếu nói đứng về phía lũ kiến, lập tức ta bị ăn đòn. Nhưng rồi ta cũng bị ăn đòn, dẫu chưa nói là đứng về phe phía nào. Như vậy là ta phải lặng lẽ ra khỏi vương quốc quả là rất sầm uất của loài kiến đó. Vừa bước, ta vừa ngoảnh nhìn những ngôi nhà treo dày đặt trên các cành cây, thấy lửa cháy, và đám người chuyên ăn kiến thì lần lượt dứt những cái tổ ấy xuống khỏi các cành cây. Ăn kiến là thuật ngữ để chỉ những người chuyên đi đốt tổ kiến vàng trên rừng để thu lấy đám kiến con chưa mọc cánh và thứ trứng sắp nở con về làm thức ăn cho con người. Ta cũng không biết có nên đem thuật ngữ luân thường ra nói ở trường hợp này hay không?

 

Phải nói là trời đất chí công với ta khi ta đến vương quốc của loài kiến vô cùng bé nhỏ đó. Ở nơi này ta kết thúc được một công cuộc nghiên cứu, và mở ra một công cuộc nghiên cứu khác. Riệng, là tên loài người dành riêng cho loài kiến đó. Một vương quốc của kiến và hoa rừng. Hay nói theo nghiên cứu khoa học thì nơi cư trú của loài kiến riệng là những rừng cây thấp và có nhiều cây có hoa. Thức ăn chính của chúng là mật hoa. Cứ từng đàn nhỏ leo lên nằm ở những khóm hoa rừng, chẳng vội vã gì trong việc ăn uống của mình. Cuộc sống của loài kiến riệng là một cuộc nhẩn nha, thời gian như chẳng là cái quái gì đối với bọn chúng. Hút mật hoa xong thì kéo đến nằm hoặc là trong một hốc cây, hoặc là nơi một mô đất, chổ ở như chẳng có nghĩa lý quái gì đối với bọn chúng. Và dưới mắt con người thì bọn chúng, cái lũ kiến chuyên hút mật hoa đó, là xúc phạm đến vẻ đẹp của các loài hoa. Nhưng nữ thần của các loài hoa đã giảng cho ta nghe về chuyện này. Vào một sáng mùa xuân (ta đến vương quốc của loài kiến ấy là vào mùa xuân), ta đang nhìn đám kiến riệng hút mật ở một khóm hoa bần bân ( hoa bần bân là loài hoa thơm nhất ở vùng núi rừng này), và đang cảm thấy bực bội trong lòng, thì nữ thần của các loài hoa từ trong khóm hoa ấy bước ra. Em xin chào anh. Nàng chào hỏi ta xong thì vẫy tay về phía lũ kiến. Vẻ đẹp của nàng như làm cho đầu óc ta trở nên thông tuệ. Có phải là lũ kiến đã làm xô lệch đường nét của hoa, tức chạm đến chỗ tự tại trong thế giới  các thần? Ta đã hỏi được một câu, mà chưa chắc trước đó đã nghĩ ra. Nàng trẻ hơn ta nhiều lắm. Nhưng sự thông tuệ trong ta mách bảo ta rằng  trong thế giới các thần là không có tuổi tác. Nàng bảo nghĩ như thế là nghĩ theo cách của con người, còn trong thế giới các thần thì việc lũ kiến hút mật hoa là thuộc về một trong những nét của tồn tại. Em đang nói về các mối quan hệ trong thế giới các thần? Thưa phải. Nàng đáp, và giảng giải thêm rằng ở thế gian gọi các mối quan hệ ấy là luân thường, thì trong thế giới các thần gọi là những nét của tồn tại. Nhưng ai là kẻ nắm giữ luân thường trong thế giới các thần? Ta liền hỏi. Nàng bảo, ngay cả thần của các thần, tức là trời, cũng chẳng thể nắm giữ luân thường, mà vẻ đẹp của một áng mây trôi, tiếng nhạc của gió, nét hào hoa của một vầng nhật nguyệt, hay một vũ điệu của một quần tiên, những thứ như thế là đã gợi nên những cảm thức về một trật tự của tồn tại. Có nghĩa chỉ có những khơi gợi về trật tự của tồn tại, chứ chẳng ai có thể nắm giữ được nó? Ta xen vào hỏi. Nàng mỉm cười với ta thay cho lời đáp. Rồi theo cung cách các thần, nàng hôn lên vầng trán ta, để chia tay ta. Còn ta thì theo cung cách con người, ta hôn lên môi nàng, để thay lời từ biệt. Phải, chẳng có ai cả, là có thể nắm giữ luân thường, ngay cả nguyên thủ của các thần, ngay cả nguyên thủ của loài người. Ta giữ nguyên niềm hứng khởi, quay trở về nhà, treo biển, lập nên tôn giáo ngụ ngôn của ta. Mà tôn giáo của  ta cũng chỉ là thử đề xuất với trần gian./.

 

2005

Nguyễn Thanh Hiện
Số lần đọc: 1578
Ngày đăng: 05.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gươm mài bóng nguyệt - Giang Kiều
Rừng Trầm Mai Sau - Ngụy Ngữ
Mảnh Vỡ Của Ngày. - Hồ Thanh Ngạn
Cây Cầu Tuổi Dại. - Nguyễn Mộng Giác
Gò Bồi Bên Kia Sông - Trần Hoài Thư
Ly - Trần Duy Phiên
Những Lớp Mây Phai - Hồ Minh Dũng
Hội trường - Nguyễn Hiếu
Bản giao hưởng cổ tích - Đặng Văn Sinh
Số Phận Lũ Sáo Nhà - Kinh Dương Vương