Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
816
116.620.376
 
Từ Quân Y Viện Nguyễn Huệ
Nguyên Minh

1.

Buổi tối tôi thường bắc ghế ngồi trước ngôi nhà trọ, bên cạnh là bà Năm, miệng nhai trầu, kể chuyện cho nhau nghe, đến khuya chúng tôi mới vào giường ngủ. Tôi không muốn phải nhìn thời gian trôi đi chậm chậm mang theo nỗi buồn, nỗi lo sợ về tính mạng của Thơ cùng sự cô đơn của tôi trong lúc này. Hồi còn ở nhà cha mẹ, suốt ngày tôi thường kiếm đủ mọi việc để làm. Tôi phụ giúp công việc nội trợ với mẹ tôi. Tôi săn sóc tắm rửa cho các em tôi. Buổi tối tôi kèm các em học toán. Tôi đan áo cho chồng. Tôi làm khăn tay hàng lố cho chồng. Thời tôi còn con gái mẹ tôi thường nói với ba tôi trong bữa cơm: “Trong các chị em con Điệp là đứa hư nhất nhà. Con gái lớn rồi mà không biết làm gì cả, nấu nồi cơm cũng không xong. An rồi chỉ biết đến trường, chưng diện đi chơi với bạn bè, tối chỉ biết đọc tiểu thuết. Phải tập nó làm bếp, cai quản việc nhà, có chồng chẳng lẽ hai vợ chồng ăn cơm tiệm, bỏ giặc giũ, thuê người quét nhà sao. Thằng nào mà nó biết mày hư như vậy ai dám rước của nợ này?”

 

Đúng như mẹ tôi nói, tôi hư thật, mọi chuyện trong nhà Uyên làm thay thế tôi tất cả. Đôi khi thấy tôi quá vô tư Uyên phải hỏi: “Chị không nghĩ rằng một ngày nào đó chị có chồng có con, chị phải lo tât cả cho chồng, chị sẽ về nhà chồng làm dâu, con gái đâu ở với cha mẹ mình mãi được nuông chiều như vậy sao?” Tôi chỉ cười, giả lơ. Tôi lại còn nói đùa với Uyên: “Lo như mày chỉ khổ. Bây giờ mình còn con gái sướng được chừng nào hay chừng ấy, chuyện gì phải lo những ngày chưa đến.”

 

Thời giờ rỗi tôi thường nghe nhạc. Những đêm trăng đẹp, hai chị em tôi bỏ ghế ngồi trên sân thượng mà chuyện trò. Tôi kể cho Uyên nghe về những đứa con trai thường theo tôi suốt con đường từ nhà đến trường cùng những lời tán tỉnh. Tôi đọc cho Uyên nghe những bức thư của những người yêu tôi say đắm kèm theo tiếng cười riểu cợt cùng lời bình phẩm của tôi. Những đứa con trai dại dột si tình, mỗi nụ cười của tôi, mỗi tia nhìn của tôi, mỗi cử chỉ làm điệu của tôi cũng đủ làm cho họ điêu đứng. “Anh nghĩ lầm về tôi rồi. Làm sao tôi có thể yêu anh được”. Tôi cười lên cả sự đau khổ của những người yêu tôi.

 

Bà Năm nhổ bã trầu xuống đất, bà lấy ống quần đen đưa lên chùi miệng. Bà nói giọng miền Nam:

- Chắc cô Điệp mới lấy chồng hả? Trông ông ấy hiền lành dễ thương ghê. Còn thằng con tôi, lúc trước nó cũng đẹp trai lắm, đâu khù khờ điên khùng đến nỗi xơ xác như vầy. Tôi cũng có đứa con gái độ tuổi như cô, cũng đẹp như cô, nhưng tôi vô phước, thằng con trai như vậy, đứa em nó lại bỏ học đi làm sở Mỹ rồi có chửa đẻ ra thằng con lai đen thui, bây giờ nó cho con người ta nuôi, bỏ đi biệt xứ. Tôi vô phúc nên gia đình mới tan hoang như vậy.

 

Tuy tôi và bà Năm mới gặp nhau, cùng ở một căn phòng dành riêng cho thân nhân của thương binh, đêm đêm ngủ chung với nhau, tâm sự với nhau, và nhất là hoàn cảnh đau đớn của bà đã làm tôi gần bà hơn, xem bà như người thân trong gia đình. Một ngày nào đó vết thương của Thơ liền lại và Lai, đứa con trai của bà Năm, được trở về, chúng tôi sẽ chia tay mãi mãi, nên tôi không ngần ngại gì, tôi giải bày tâm sự mình với người đàn bà đó. Tôi nói như trút đi những gánh nặng đã giữ trong lòng. Buổi chiều chậm lại. Trước mắt tôi, bên kia bờ tường gạch, phía trên giăng thêm dây kẽm gai, những dãy trại của quân y viện Nguyễn Huệ bật đèn. Những khung ánh sáng hình chữ nhật le lói và buồn bã. Thế giới bệnh hoạn Thơ đang sống. Mắt tôi vẫn hướng về đó, miệng tôi vẫn kể thật khẽ như tôi đang thầm thì bên tai chàng:

- Tôi lấy anh ấy mới được một tháng, vợ chồng sống với nhau mới được một tuần lễ, anh ấy phải trở về đơn vị tác chiến ở tận cao nguyên, một đồn bót hẻo lánh. Bây giờ thì anh ấy nằm trong quân y viện này. Và tôi, hằng đêm nằm bên ngoài hàng rào này chờ đợi cho trời chóng sáng, như bà, để được vào cổng quân y viện, đến chăm sóc cho chồng.

 

Thơ ra đi để lại với những lời hứa hẹn: “Anh không thể mang em theo. Nơi đại đội của anh đóng trên ngọn đồi cách xa thành phố và làng mạc, nơi ấy có giây thép gai bao quanh, những bải mìn chôn dấu, những hào lũy dẫn dắt vào những lô cốt chìm, đào sâu dưới đất chỉ nhô lên mặt đất vài tấc, nơi chỉ toàn những lính tráng đêm cũng như ngày phải thay nhau thức trực, mắt thật sáng để nhìn phía trước mình. Anh sẽ về thăm em vào dịp Tết. Em ráng đợi. Thế nào anh cũng cố gắng xin đổi vể tiểu khu, lúc ấy anh sẽ thuê nhà mang em theo. Em cứ ở với ba má, có Uyên em bớt buồn phiền.” Thấy tôi làm việc suốt ngày Uyên lại cười: “Thật em không hiểu chị. Khi thành đàn bà tự nhiên mình biết lo hả chị. Bây giờ chị trở thành bà nội trợ giỏi rồi. Em phải bắt chước chị mới được, ít ra trong thời còn con gái mình phải hư như vậy, có chồng rồi đâu cũng vào đó phải không? Đúng là sắp rời cha mẹ để đi ở riêng rồi đó. Tập sự phải không?” Không phải như Uyên nói, như ba mẹ tôi nghĩ. Tôi làm những công việc thường nhật để không thấy mình nghĩ gì cả, làm như lấp khoảng thời gian chờ đợi ngày chồng về. Thuở trước tôi hay ăn diện đi chơi với bạn bè, nghe nhạc xem tiểu thuyết cũng như bây giờ tôi làm bánh trái giúp cho mẹ tôi, thêu khăn, may áo gối cho chồng hay bày vẻ các em tôi học hàng đêm, đều cùng một ý nghĩ là tôi không muốn nhìn trước, nghĩ đến những ngày mai, những sự việc chưa đến. Uyên khác với tôi, nó mơ mộng, nó lo cho những ngày sắp tới trong đời của một đứa con gái nên Uyên thường khổ về những gì chưa đến đó.

 

Thơ vẫn thường gửi thư  đều đều cho tôi. Những lá thư nói về những đêm trăng sáng trên ngọn đồi, những buổi hoàng hôn trời tím, những đêm tối đầy sao cùng những lời tình tứ nồng nhiệt, những nhớ nhung về một nụ hôn đắm đuối ngày nào, về những sợi lông măng láng mướt trải đều trên cánh tay tôi, về chiếc gáy trắng và cao, về khoảng mát dịu dàng của khoảng trủng đôi ngực căn đầy. Thư chàng làm tôi rạo rực, xao xuyến về một tình dục của một tuần trăng mật hưởng chưa trọn. Tôi mong ngày hai đứa gặp nhau. Lá thư tuần trước nhận được chàng báo tin chàng đã đổi về tiểu khu. Chàng mới thuê được một căn gác nho nhỏ xinh xinh đủ hai đứa sống, và chàng chuẩn bị trở về để đón tôi. Nỗi vui mừng trong lòng tôi như một chiếc hoa mai vàng vừa xoè cánh đã vội rụng xuống do bàn tay thô bạo của một kẻ ghét hoa ngắt bỏ. Một điện tín, một mảnh giấy xanh, màu của hy vọng tràn trề, lại chứa điụng một dòng chữ ngược ngạo, một tin làm tôi choáng váng mặt mày: “Tìm anh ở quân y viện Nguyễn Huệ”. Một đêm tôi không ngủ, một đêm tôi trằn trọc, một đêm đưa trí óc tôi vào một vùng tưởng tượng quá rộng. Bao nhiêu câu hỏi đặt trong đầu mà suốt quãng đời đã qua chưa bao giờ tôi phải nghĩ đến. Có lúc tôi chợp mắt, chập chờn trong cơn mê. Chàng đứng đầu giường gọi khẽ tên tôi. Tôi trở mình và mở mắt. Trời ơi, sao đầu chàng, mặt chàng, má môi chàng dính đầy máu. Chàng vẫn nở nụ cười, khuôn mặt chàng phút chốc lành lặn như cũ, lại rạng rỡ thêm. Chàng cúi xuống hôn lên môi tôi. Tôi choàng tay ôm qua lưng chàng. Chàng ngã người lên thân thể tôi và chàng bất động. Chàng như một thân cây bị chặt ngang, ngã quỵ. Máu lai láng ướt cả tấm nệm, chân chàng đã cụt tận đầu gối. Tôi ôm lấy mặt khóc. Chàng về, chàng về nay đã cụt chân. Chàng về, chàng về nay đã cụt chân. Buổi sáng dậy thân xác tôi rã rời, đôi mắt tôi đờ dẫn, tâm thần tôi hoang mang. Bấy giờ tôi mới hiểu cơn bệnh sáng nóng chiều lạnh của Uyên. Cơn bệnh của nỗi lo sợ về một mối tình không biết tan vỡ từ lúc nào. Tôi vội lo thu xếp quần áo vào chiếc va ly nhỏ để đến một thành phố xa lạ, tìm đến quân y viện Nguyễn Huệ, gặp lại người chồng mới cưới trong một thân xác tàn phế nào?

 

2.

Buổi sáng, hầu hết mọi người ở trọ dãy nhà gỗ này đều kéo nhau vào cổng quân y viện. Tôi cũng vậy, tôi vào thế giới của Thơ. Tôi đã thuộc đường đi lối bước. Ngày đầu tiên tôi bỡ ngỡ không biết tìm Thơ ở đâu. Những người trai trẻ mặc quần áo xanh với những thương tích, người nám cháy cả mặt, kẻ chống nạn đi khập khễnh, người cụt chân ngồi trên chiếc xe lăn, những đôi mắt ấy nhìn chăm chăm vào tôi, những đôi mắt nào như thèm thuồng, nào tinh quái, nào buồn bã u sầu, nào cảm thông, nào ghét bỏ. Tôi sợ và trốn tránh. Tôi biết hỏi ai đây về Thơ. Tôi chờ người lính mặc quân phục mang phù hiệu con rắn quấn quanh miệng ly đi ngang mà hỏi: “Xin lỗi ông, cho tôi hỏi Thiếu úy Đinh Hoàng Thơ nằm trại nào.” Người lính lắc đầu đưa tay chỉ về dãy nhà trước mặt: “Xin bà hỏi nơi phòng chỉ dẫn đó.” Người con trai ngồi một mình ở chiếc ghế đá dưới tàn cây bên cạnh, đỡ lời: “Xin lỗi, chị có phải là vợ thiếu úy Thơ?” Tôi nhìn vào người thanh niên, đôi mắt anh lờ đờ, tròng trắng chuyển màu vàng khè, da mặt anh ta tái mét. Tôi chưa kịp lộ vẻ gì anh ta đã nói tiếp: “Tôi nằm cùng một phòng với Thiếu úy Thơ”. Người đàn ông đó dẫn tôi đến chàng. Tôi nhìn những người đàn ông nằm bệt trên giường ở hai bên tôi. Thơ ở đâu. Trong hàng trăm thương binh, người quấn băng trắng hết cả mặt, cả đầu chỉ chừa hai lỗ nhỏ với đôi mắt kinh hoàng, người đã mất cánh tay, kẻ không còn hai chân. Tiếng người nào rên rĩ ở cuối phòng thật nhỏ rồi chợt hét lên thất thanh làm tôi nổi da gà, lạnh người. Thuở nhỏ tiếng kêu của lũ mèo hoang giữa đêm vắng trong căn nhà hoang bên cạnh phòng đã làm tôi run sợ, bây giờ tiếng người rên trong cơn đau đớn lại làm tim tôi thắt lại như ngừng đập, máu trong cơ thể tôi như chạy ngược chiều. Tôi dừng lại cuối phòng đó. Mắt tôi mờ hẳn đi. Thơ nằm cứng đơ, mắt chàng nhắm nghiền nhưng môi chàng run run và phát ra tiếng rên rĩ. Khuôn mặt Thơ xác xơ, râu chàng mọc tua tủa quanh cầm. Hai chân Thơ quấn hết băng trắng và ngay đơ như hai ống tre. Nước mắt tôi chảy quanh, môi tôi mấp máy, bàn tay tôi cầm chặt bàn tay Thơ từ lúc nào, tôi muốn gọi thật khẽ: Anh! Anh ơi! Nhưng có vật gì chận nghẹn cổ họng tôi. Mỗi tiếng rên của chàng, mỗi cử động nhỏ nhất của chàng cũng đủ làm tôi tê tái, se sắt. Tôi ngồi bên chàng suốt cả ngày, chàng vẫn còn mê mang. Cứ hết chai serum này đến chai khác chuyền nơi tay vào thân thể chàng.

 

Chiều xuống, khi không còn tia nắng nào, tôi lủi thủi từ giã chàng, ra cổng quân y viện, trở về căn phòng trọ. Tôi ngồi dựa lưng vào tường gỗ, nhìn qua hàng rào hướng về phía trại chàng cùng những lo lắng sầu khổ. Những lời an ủi của những người nằm cùng phòng chàng không đủ làm tôi yên tâm: “Không sao đâu chị, anh bị thương ở đầu gối, hôm qua có lẽ anh tỉnh táo hơn. Bây giờ anh không biết gì đâu. Hết giờ thăm bệnh chị cứ ra ngoài, buổi tối chúng tôi săn sóc anh cho”. Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi không muốn rời chàng. Người nằm đối diện với Thơ ngồi dựa lưng vào thành giường chỉ tay vào bụng anh ta: “Tôi tên là Hòa. Tôi bị bắn lòi ruột, bác sĩ cắt bỏ một khúc dài. Những ngày đầu tôi mê mang, lúc tỉnh dậy tôi hốt hoảng lấy tay rờ lên bụng mình, tôi chưa nhận ra tôi đang nằm trong bệnh viện, tôi cứ tưởng mình còn lảo đảo bước lên từng xác chết của đồng đội, tay ôm lấy chùm ruột lòi ra ở bụng, máu ra lai láng. Tôi hét lên: chúng nó bắn tao lòi ruột rồi, trời ơi! Ai đã đỡ lấy tôi. Ai đã bụm miệng tôi lại. Nhìn quanh mình trên giường nào cũng anh em trút bỏ hết quân phục, khoác trên thân thể tàn phế này một bộ đồ màu xanh. Những người trong lúc bình phục như tôi săn sóc cho những người còn mê mang đau đớn như anh, cũng như mấy anh em vào đây trước tôi đã giúp đỡ tôi. Sáng mai chị vào.” Lời nói đó càng làm tôi xúc động hơn. Tôi nhìn anh ta với đôi mắt như thầm cám ơn.

 

Suốt mấy ngày sau Thơ mới qua cơn mê sảng. Đôi mắt Thơ mở từ từ, nỗi vui mừng của tôi cũng rạng rỡ. Mắt Thơ nhấp nháy, sau cùng Thơ nhìn thẳng vào khuôn mặt tôi. Môi Thơ nở nụ cười. Nước mắt tôi chảy dài lên má, xuống môi tôi, tôi cũng nhếch môi cười. Môi Thơ mấp máy nói không ra lời. Tôi gọi thật khẽ: Anh! Nước mắt tôi nhỏ thành giọt, long lanh như sương mai, rơi xuống đọng lại trên môi Thơ. Bỗng, mắt Thơ giương ra, thật sáng, tay Thơ đưa vào đầu gối, miệng Thơ hét lên: Chân tôi đâu? Chân tôi đâu? Thơ làm tôi kinh hoàng, chân tay run lên. Hoà vội vói tay chụp lấy cánh tay Thơ, anh nói thật nhỏ và đầm ấm: “Thiếu úy, chân thiếu úy vẫn còn nguyên vẹn, không phải cưa.” Lời nói đó làm mắt chàng từ từ khép lại. Thơ gọi khẽ tên tôi. Thơ đưa bàn tay rờ khẽ lên vết thương. Và, chàng nở nụ cười trên môi.

 

Suốt mấy tháng trường tôi săn sóc cho Thơ từng bữa ăn. Hai chân chàng băng bột, không sao cục cựa. Nhiều lần chàng bảo tôi về nhà cha mẹ, chàng chỉ còn nằm dưỡng bệnh, có việc gì đã có anh em lo cho, tôi lắc đầu không chịu. Tôi biết làm sao tôi có thể yên tâm, hoặc bỏ ra ngoài mọi sự lo lắng về tính mạng chàng bằng cách làm mọi việc hàng ngày bên cạnh sự đầm ấm của cha mẹ, chị em tôi như trước đây.

 

Tôi biết Thơ cũng như bạn bè chàng, những người thương binh cùng phòng chàng đang cần sự có mặt của tôi. Tôi như người thân thuộc, một người em, một người chị của họ. Lần lần họ tâm sự với tôi. Những lời thật buồn. Những câu chuyện thật dí dỏm, thật chua chát, thật khôi hài và cũng thật bi đát: “Anh Thơ bị thương vì bọn địch. Còn tôi, chị biết không, suốt cả tháng trường lặn lội trong rừng rậm, đụng độ liên miên với địch, nhiều khi đôi bên chỉ cách nhau một con suối, một nấm mồ, xáp lá cà lưởi lê cứ việc lụi thẳng. Tôi suýt chết mấy lần. Tôi bị thương không phải do địch quân, mà lại vì oanh tạc nhầm. Máy bay đồng minh lượn trên đầu và trút bom xuống. Tiên sư nó lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc. Lũ chúng tôi chỉ biết chạy như điên. Thằng truyền tin la hét om sòm nơi máy vác trên vai gọi về trung đoàn. Hắn chết nát thây. Khi nhìn những chiếc máy bay bỏ dở phi vụ, tản mác nơi khác và mất hút, tụi tôi chết cũng khá nhiều. Tôi lảo đảo bước, lật từng xác chết vuốt mặt cho họ, dìu dắt những đứa mất tay bể bụng. Có đứa chửi rùng beng. Trực thăng đến, viên đại úy Mỹ xin lỗi về vụ đáng tiếc xảy ra. Cuối cùng họ khiêng bỏ bọn tôi lên máy bay về quân y viện. Kỷ niệm để lại cho tôi là những vết sẹo nơi thân thể này. Thôi chị ạ, thời buổi chiến tranh mình phải chấp nhận những gì xảy đến cho mình dù là vô lý. Nhìn anh em ở đây, mình cũng tự an ủi là may mắn hơn họ dù sao thân thể mình cũng còn đầy đủ”. Người khác lại tâm sự: “Tôi đang ngồi xem bức thư người yêu báo tin em sắp lấy chồng. Em nói với tôi là không có duyên nợ với nhau. Em rất buồn khi phải viết thư từ biệt tôi. Thật may cho em, em từ giã đúng lúc. Chị thấy không, với một cánh tay còn lại này làm sao đủ tỏa hơi ấm sưởi cho em những đêm lạnh mùa đông. Với một cánh tay còn lại, làm sao tôi ôm em cho chặt thoa dịu làm tan đi những nỗi sợ hãi của em mỗi lần đại bác, hỏa tiển pháo kích vào thành phố. Với một cánh tay đã cụt làm sao tôi dẫn dắt em dạo phố, phải không chị. Khà, khà, khà.”

 

Còn chàng thì: “Anh đã thuê nhà, ngôi nhà nho nhỏ nằm ven sông. Anh biết em sẽ thích thú, mỗi buổi chiều hai đứa mình sẽ bắt ghế ra ngồi đằng trước nhìn con nước lờ đờ chảy, anh sẽ kể cho em nghe về quê hương anh. Con sông Hương xanh biếc. Chiếc cầu Trường Tiền sáu nhịp mười hai vài bắc ngang. Những đêm mùa đông mưa dầm anh cùng lũ bạn lang thang trên những con đường vắng mà nói về những dự tính tương lai. Những đêm trăng sáng cả bọn nằm nơi bãi cát nghe sóng vỗ rì rào vào bờ cát trắng xóa ở biển Thuận An. Những bà O già, cả đời chỉ biết lo cúng cấp những người đã chết như ông bà chú bác anh em trong dòng họ. Anh muốn đưa em vào những vùng kỷ niệm ấu thơ đầy thanh bình đó, cũng như anh muốn quên đi những tháng này vừa qua đầy máu chảy. Em có hiểu vì sao mỗi lần gởi thư cho em từ tiền đồn anh không dám kể lại hay nhắc đến những khuôn mặt chiến tranh hàng ngày bao quanh anh? Anh giã từ tiền đồn, anh làm người trở về thành phố, với những thanh bình giả tạo, với những yên tâm không có thật. Ngôi nhà anh thuê nằm ven sông đó chỉ còn là một đống gạch vụn và thân thể anh thì tàn phế.”

- Thôi em hãy dìu hộ anh lên chiếc xe đẩy kia. Anh muốn thở một bầu không khí trong lành. Anh muốn nhìn một khoảng trời xanh. Anh muốn ngủ một giấc êm đềm dưới bóng cây.

 

Chân chàng đã tháo băng bột, hai cánh chân ốm teo khẳng khiu như hai thân tre, hai anh bạn bồng chàng đặt vào chiếc xe lăn, chân chàng run lên như thằn lằn đứt đuôi, người chàng toát đầy mồ hôi, môi chàng tím bầm, răng chàng đánh vào nhau cầm cập. Nước mắt tôi chảy dài theo cơn đau của chàng. Anh bạn bảo:

- Không sao đâu chị. Lâu ngày không cử động nên vậy đó.

Tôi đẩy xe đến một gốc cây bàn đầy bóng mát, Thơ thở nhẹ đầy khoan khoái. Tôi ngồi nơi chiếc ghế đá cạnh chàng. Thơ bảo tôi kể chuyện về những ngày cách xa. Tôi biết nói gì với chàng bây giò, nhưng rồi tôi cũng nói thật khẽ, như tôi đang kể lể với tôi vậy:

- Mỗi lần nghe tin người quen vừa tử trận, mẹ thường cầu nguyện cho anh. Em không dám để một giây phút rỗi rảnh, em tìm việc làm liên miên. Em chờ anh về. Em sợ những giây phút chợt thức giấc thấy vầng trăng chiếu qua khung cửa sổ, và mình thì cô đơn. Những người bạn gái em lần lượt chít khăn tang, theo sau một đàn con dại. Em không dám nghĩ rằng một ngày nào đó em cũng phải như thế. Tất cả đều do định mệnh phải không anh? Em nhìn anh như vầy cũng đủ sung sướng rồi. Có phải em may mắn hơn các bạn của em không anh?

 

Những người thương binh đi ngang qua đều nhìn hai chúng tôi với đôi mắt nhớ thương về một cõi nào, về một hình ảnh xa xôi nào đó. Chàng khẽ bảo tôi:

- Mỗi ngày chúng ta ra đây nhìn một khoảng trời xanh trong giờ phút ngắn ngủi này cũng đủ rồi, em đưa anh vô trong phòng nhường xe cho các bạn.

Tôi dìu chàng lên giường, chàng tựa lưng vào tường, chàng rút một điếu thuốc đặt trên môi, tôi châm diêm cho chàng. Các bạn chàng đang vui cười về một câu chuyện tiếu lâm. Bỗng có tiếng người hét thất thanh làm những khuôn mặt họ ngơ ngác, nụ cười tan biến. Tôi nhìn chiếc xe đẩy không thấy. Đúng là tiếng xe rớt nơi bậc tầng cấp phía sau. Chàng cũng nhận ra thế. Chàng nói:

- Thôi rồi, lại ông thần Lai lái phản lực. Em chạy ra sau đỡ anh ấy lên với.

Tôi và hai anh bạn đi khập khễnh ra sau. Chiếc xe cùng chàng thanh niên rơi nhào ngã lăn dưới bậc thềm. Hai anh bạn dìu Lai đứng dậy. Tôi dựng xe lên, đặt Lai ngồi vào và đẩy xe vào lại giường anh ta. Vết thương nơi đầu anh rướm máu rỉ ra từ chiếc băng quấn chặt. Anh bạn vỗ nhẹ vào vai Lai nói khẽ:

- Tội quá, nằm ngủ một giấc đi bạn.

Lai không nghe, hắn cứ ngồi dậy. Lai nhìn tôi chầm chập rồi hắn cười:

- Em đó hả. Em mới đến hả? Nói thật với anh đi, thằng nào đã hại đời em. Anh sẽ lái phản lực thả vào nhà hắn một quả bom cho nát thay cái thằng khốn kiếp.

 

Tôi chỉ biết cười và gật đầu cho yên chuyện. Tôi đã quen rồi những lời nói đó của Lai. Ngày đầu tiên Lai vô trại, không ai biết Lai ở đơn vị nào, mấy anh em cứ tưởng Lai chỉ bị thương nơi trán, nơi chân thôi, không ai ngờ anh mất trí. Hôm nay anh bảo: Tôi là trung úy Biệt động quân. Hôm sau: thiếu úy biệt kích, rồi là nghĩa quân. Những ngày sau mới biết anh là phi công oanh tạc cơ.

- Nói thật đi em. Em có thấy anh vừa lái máy bay trên không lượn qua lượn lại, thả đều đều những quả bom xuống chiếc cầu bắc qua con sông dài đó không? Chúng nó bắn lên không như mưa, nhưng anh là thiên thần không gian mà. Tiên sư cái thằng bạn râu quai nón. Mỗi lần anh em sắp lên đường, thấy nó lấy dao cạo râu là chán rồi, thế nào trong bọn cũng mất đi một tên. Lần nào cũng đúng như thế, về sau anh em phải năn nỉ nó, mày làm ơn để bộ râu đó cho chúng tao còn sống sót. Râu mày dài thì lấy kéo hớt bớt vậy.

 

Lai đưa tay nắm vai anh bạn hét lên:

- Nhớ nghe, mày đừng cạo râu, mày sợ hôn em không cho phải không? Mạng sống anh em do nơi bộ râu của mày đó.

Cả phòng đều cười. Anh bạn vội gật đầu lia lịa. Lai nằm xuống giường rồi hắn ngủ thiếp đi.

Khi tôi trở lại với chàng, chàng nhìn thẳng vào mắt tôi, môi tôi, tóc tôi rồi chàng cầm tay tôi nói thật khẽ:

- Lấy chồng đời chiến binh buồn quá hả em. Em không bệnh hoạn thế mà cũng ở trong quân y viện này mấy tháng, chỉ khổ thân. Cô bé ốm nhiều. Mai về với cha mẹ đi.

Tôi khẽ lắc đầu. Dù cực nhọc khổ sở bao nhiêu tôi cũng ở lại đây chăm nom, an ủi chàng và các bạn chàng đến chừng nào chàng ra khỏi cổng quân y viện.

 

3

Thơ cởi bộ đồ xanh bệnh hoạn liệng bừa lên giường, tôi cầm lấy xếp ngay ngắn đem đến trả lại cho viên thượng sĩ y tá trưởng. Thơ khoác lên người bộ đồ trận, đầu đội mũ lưỡi trai, chân mang giày đinh và hai tay chàng kẹp nơi nách đôi nạng gỗ. Thơ bước từng bước chậm chạp. Từng tiếng cộc cộc gõ đều đều trên nền xi măng. Thơ dừng lại từng giường nói những lời giả từ anh em. Ngày nào cũng có lời từ giả, và cũng có những đôi mắt mở to đón chào anh em mới tới. Chàng đến bắt tay viên y tá trưởng. Ông ta vỗ nhẹ vai chàng và thành thật nói:

- Tôi mong rằng thiếu úy tìm được sự bình tâm và hạnh phúc.

 

Tôi đi sát bên cạnh Thơ. Chúng tôi đi thật chậm ngang qua những hàng cây, những chiếc ghế đá, những dãy trại dài, nhìn lại lần cuối, bỏ lại đằng sau kỷ niệm những tháng ngày sống ở đây. Từ ngày cưới nhau, cũng bảy tháng qua. Từ ngày gặp lại chàng sau sáu tháng nằm viện, bây giờ chúng tôi mới đi cạnh nhau dù chàng chàng khập khễnh bước theo nạng gỗ. May mắn cho tôi, tôi còn chàng. May mắn cho chàng không phải để lại quân y viện này một cánh tay, một bàn chân, con mắt hư, một khúc ruột.. Đi ra khỏi quân y viện chàng chỉ xin một cập nạng gỗ làm người thương binh trở về. Trở về với gia đình, với người vợ trẻ mới cưới, chưa đầy một tuần sống chung vui. Chàng dừng lại, đôi mắt chàng trở nên xa vời. Tôi cũng ngừng bước nhưng trong lòng cũng lo sợ về một sự không may nào xảy đến bất ngờ. Trong tuỷ xương ống chân chàng vẫn còn một viên đạn đồng. Bác sĩ khuyên cứ để vậy, nếu mổ xương sẽ nguy cho tính mạng chàng. Tôi hỏi khẽ:

- Sao đó anh?

Chàng chỉ tay về dãy trại bên kia, tôi nhìn theo. Chàng không nói tôi cũng nhận ra Lai. Lai đang ngồi xếp bằng trên bãi cát, dưới ánh nắng gay gắt buổi trưa, hai tay chắp lại trước ngực. Đôi mắt đăm đăm nhìn về phía mắt trời chói chang và miệng Lai lâm râm. Ngày đầu tiên, nhìn cảnh đó, một người trong trại la lên: “Sắp hòa bình rồi anh em. Sắp đình chiến rồi anh em ơi.” Ôi những đôi mắt u sầu sáng lên, những đôi môi rạng rỡ, những câu hỏi dồn dập: “Thật không? Tin ở đâu”. Anh bạn chỉ qua cử sổ: “Kia kìa ông đạo phi công nhà ta đang cầu nguyện”. Những nụ cười ta biến, những ánh mắt chợt xa vời.

- Mình có nên đến từ giã Lai?

- Thôi đi em, để yên cho hắn cầu nguyện.

Rồi chàng nói thật khẽ:

- Mình đi nhanh cho kịp chuyến xe cuối về quê nhà.

Chàng phá lên cười:

- Với cặp nạng này, với cái chân què này, em bước chậm nhất anh cũng không theo kịp. Ngày xưa mỗi lần đi chơi đâu anh vẫn thường bảo sao em đi chậm vậy, hoặc em than phiền là bước theo cho kịp anh em mỏi cả chân. Bây giờ em có trách anh hoặc thúc giục anh bước cho kịp em không?

Tôi khẽ lắc đầu:

- Không. Nhanh hay chậm tụi mình cũng về được quê nhà./.

 

Ý Thức số 3 ngày 1 tháng 11 năm 1970

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 2101
Ngày đăng: 11.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển có sóng - Trần Lệ Thường
Chia Tay - Vũ Lập Nhật
Gã cực sướng - Lê Trâm
Thằn Lằn - Phạm Vũ Thịnh
Chim Gõ Kiến - Khải Nguyên
Ông nông dân đi ra phố - Nguyễn Hiếu
Quán Khánh Giang - Hồ Thủy Giũ
Bản phố - Nguyễn Danh Bằng
Lá Cuối Mùa - Ngô Thị Ý Nhi
Những Giọt Nước - Kinh Dương Vương