Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
728
116.506.410
 
Học trò cũ
Trần Lệ Thường

Trong tiếng hát trong trẻo khi trầm trầm lúc vút cao là những tiếng vỗ tay dòn tan dồn dập theo từng nhịp điệu. Tôi thấy Huyền cười thật tươi, đôi mắt long lanh sáng dưới ánh đèn, người lắc lư nhè nhẹ theo mỗi câu hát. Doanh trại quân đội như bừng sáng lên, không phải vì những bóng đèn được bật sáng khắp nơi mà vì những gương mặt bộ đội trẻ măng ngời ngời sáng tinh anh.

 

Gần cả ngày trời dong ruổi ở Phú Mỹ, đoàn nhà báo đến doanh trại Quân đội nhân dân khoảng bốn giờ chiều. Nắng còn rải vàng trên những đồng cỏ Bàng xanh ngát. Tôi tháp tùng đoàn phóng viên về Phú Mỹ làm phóng sự là theo lời rủ rê của Huyền. Đó là đứa bạn thân từ thời học trung học, chúng tôi vẫn thân thiết dù mỗi đứa mỗi ngành nghề khác biệt, dù ai cũng có gia đình riêng tư để lo toan. Tôi xin nghỉ phép hai ngày để về huyện Giang Thành với tâm trạng nôn nao. Có một thời gian dài ba tôi đã ở đây trước khi về thành phố. Má tôi, phần lớn cuộc đời luôn sống trong sự chờ đợi. “Chẳng có gì hạnh phúc hơn khi được chờ đợi người mình yêu thương. Đó là động lực giúp cho mình vượt qua bao gian khó tiếp tục sống trong vui vẻ.” Má thường nói như vậy, không biết có phải là để động viên an ủi chính mình. Những giọt nước mắt âm thầm khi xa cách và những nụ cười hớn hở lúc ba về khiến cho tôi hiểu tình cảm của má dành cho ba sâu nặng đến chừng nào. Nhưng mỗi một người đều có một lý tưởng để đi theo. Yêu thương là phải biết hy sinh. Đứa em trai tôi rất thần tượng ba, tuy nhiên nó không vào bộ đội lại đi theo ngành kinh doanh. Bản thân nó không có tình yêu đất nước mãnh liệt và yêu cuộc sống bộ đội như ba.

 

Huyền kết thúc bài hát trong tiếng vỗ tay rào rào. Một “chú bộ đội” trẻ hát tiếp theo bằng một bài ca hùng hồn. “Năm anh em trên một chiếc xe tăng ,như năm bông hoa…” Huyền đi xuống nhìn về phía tôi cười nhưng không đi đến vì có người đã kéo Huyền ngồi xuống bàn gần đó. Đêm giao lưu náo nhiệt ồn ào đánh thức bộ mặt yên tĩnh đìu hiu của một xã biên giới. “Thưa cô!” Một người đến ngồi cạnh tôi lên tiếng. Bộ quân phục màu xanh thẳng nếp, một gương mặt trẻ măng với nụ cười mừng rở. Trông ngờ ngợ? Tôi nghe không rỏ lắm vì tiếng đàn hát lớn quá, mặc dù vậy tôi cũng cười nhẹ khi thấy người đó chào. “Cô quên em rồi sao?” Người bộ đội trẻ nói lớn hơn và đưa tay chỉ vào ngực mình. “Thằng Bửu quậy ở lớp 9A nè cô!” Đến bây giờ thì tôi đã nhớ rồi.Thật ra khi Bửu nói “Cô quên em rồi sao?”thì tôi đã nhận ra nó. Đứa học trò quậy quạng khi tôi chủ nhiệm lớp 9A. Mấy năm sau đó tôi nghe các thầy cô khác nói Bửu đã khá hơn nhiều. Mỗi ngày qua đi, con người ta trưởng thành hơn, những suy nghĩ, những cái nhìn về cuộc sống cũng phần nào khác đi. Lúc đó Bửu thường xuyên trốn học, tụ tập với bạn bè xấu đi chơi, đánh nhau, không làm bài tập về nhà, bỏ thi nhiều môn…Ba má nó rất buồn, than phiền nhiều mỗi khi được mời đến trường. Bửu là con một, được cưng chìu từ nhỏ nên sinh ra hư hỏng. Nó lấy trộm tiền, “đánh mất”điện thoại di động, xe đạp nhiều lần, đôi khi lén lấy xe gắn máy của ba chạy vượt đèn đỏ bị phạt, giữ xe, còn có nhiều lần va quẹt vào xe khác…gây biết bao phiền toái cho gia đình. Lại còn uống thuốc tự vẫn nữa chứ. Một buổi chiều, Bửu về nhà với cái đầu láng bóng chỉ còn một chỏm tóc dựng ngược ở phía trước như cái bờm ngựa, ba tát cho mấy cái bắt phải cạo phăng chỏm tóc đó luôn. Má càu nhàu luôn miệng, thở dài từng chập kêu ca. “Thật là vô phúc!” Bảy giờ tối vẫn không thấy Bửu ra khỏi phòng, bị mắng nên cơm chiều nó vẫn chưa ăn. Khi má vào phòng thì thấy nó nằm nhăn nhó trên giường rồi như không chịu nỗi Bửu la lên. “Con uống quá nhiều thuốc rồi má ơi! Con muốn tự tử.” Sau cái trận bị súc ruột đau đớn Bửu không bao giờ dám nhắc lại hai từ “tự tử” đó. Còn thêm một lần bỏ nhà ra đi. Vì “ đánh mất” điện thoại nữa nên ba tuyên bố không bao giờ sắm cho, khi nào đã đi làm việc có thu nhập thì tự mua lấy mà xài. Nó lấy vài bộ quần áo rồi bỏ nhà đi, bỏ học luôn. Lang thang cả ngày, tối nó đến nhà đứa bạn thân nhất ngủ, gợi ý muốn ở nhờ vài ba ngày. Sáng ra thằng bạn nói. “Má tao nói mày về nhà đi Bửu, không thể cho mày ở đây được đâu. Má sẽ gọi điện cho ba má mày đó.” Bửu khạc, chửi thề như dân hè phố rồi xách túi đi lang thang, tối ngủ ở công viên chung với muỗi. Được đêm đầu, đêm sau nó bị bọn bụi đời rượt chạy đến văng cả túi xách giày dép. Gần một giờ sáng nó về đến nhà với bộ dạng lếch thếch, trên người là bộ quần áo hôi hám dơ bẩn, đói đến bủn rủn tay chân, mắt hoa lên. Ba gầm gừ trong cổ họng chứ không nói gì, má giả vờ bình thản nhưng không che giấu được vẻ vội vả vào bếp làm cái gì cho nó ăn. Má của thằng bạn đã gọi điện thoại cho ba má Bửu khi nó vừa xách túi đến. Cả hai người ở nhà chờ đợi không tìm kiếm vì biết nó sẽ quay về khi đói meo. Lại cũng đừng ai nói gì đến chuyện bỏ nhà  ra đi. Cuối năm, nó ngồi lại lớp.

           

“Cô nhớ rồi! Em thay đổi nhiều quá. Cô không thể hình dung được em như ngày hôm nay.” Tôi mĩm cười nói nhẹ nhàng, trong lòng cảm thấy thật ấm áp. Bửu đưa tay sau gáy gãi gãi đầu che giấu ngượng ngùng. Cử chỉ dễ thương như một đứa trẻ. “Em tốt nghiệp trung học phổ thông ba má em rất vui mừng. Ba nói con đường để em trưởng thành hơn là con đường vào bộ đội. Hồi ấy…còn nhỏ mà cô…ham chơi…Em thật có lỗi!” Bửu nói như một lời phân trần hối cải. Sau những rắc rối phiền toái nó gây cho tôi năm ấy, chỉ cần nó nói một câu đó thôi cũng quá đủ rồi. Như thể chuyện chưa hề xảy ra, lòng tôi trút hết bao ưu tư phiền muộn về “con ngựa chứng” năm nào. Tôi hiểu, ở cái tuổi “Coi trời bằng vung” đó nó có thể làm bất cứ điều gì mà không biết rằng vượt quá xa là sẽ tuột dốc luôn, đánh hỏng cả cuộc đời. Tôi vỗ nhè nhẹ lên vai Bửu để nó yên tâm. “Cô có trách gì đâu. Cô thật sự rất vui mừng khi thấy em đã trở nên người có ích cho xã hội, cho đất nước.” Rồi huyên thuyên Bửu nói về cuộc sống ở doanh trại, nó sống hơn ba năm rồi và chưa hề có ý định sẽ rời khỏi quân đội. Một năm vài ba lần Bửu về thăm nhà, má thì tháng nào cũng xuống thăm. Đi đường chỉ mất vài tiếng đồng hồ thôi. Không phải là xa xôi lắm nhưng cũng không phải gần.

           

Có ai đó giới thiệu Bửu lên hát nên nó đứng lên. “cô ngồi chơi nghe! Em sẽ hát bài “Bụi phấn” để tặng cô. Cô đừng tưởng em hát dở nghe. Em đã từng thi Tiếng hát phát thanh truyền hình đó.” “Bài đó cô thấy không phù hợp trong lúc này.” Bửu nhìn tôi , ánh mắt vô vàn biết ơn. “Em thì lại thấy rất phù hợp khi may mắn gặp lại cô.” Và tiếng hát hòa trong tiếng vỗ tay rập ràng âm vang trong đêm vắng giữa một vùng ven biên giới. Giang Thành vào mùa mưa vẫn có những ngày nắng đẹp khô ráo, những đêm sao đầy trời ,gió thổi mát rượi và những cánh đồng cỏ Bàng vẫn luôn xanh mướt./.

 

Trần Lệ Thường
Số lần đọc: 1950
Ngày đăng: 16.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con vẹt - Huỳnh Văn Úc
Phố Nhỏ, Những Ngày Mưa… - Mang Viên Long
Mùa Đông - Thế Vũ
Chị gà mái hoa mơ của tôi - Lâm Bích Thủy
Cổ tích một tiếng chuông - Văn Thành Lê
Nguyệt Thực - Khuất Đẩu
Bài Ký Núi Phấp Phỏng - Nguyễn Thanh Hiện
Từ Quân Y Viện Nguyễn Huệ - Nguyên Minh
Biển có sóng - Trần Lệ Thường
Chia Tay - Vũ Lập Nhật
Cùng một tác giả
Mùa đông hoa trắng (truyện ngắn)
Hoa Hòang Anh vẫn nở (truyện ngắn)
Hương đêm (truyện ngắn)
Trầm (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Bài học vỡ lòng (truyện ngắn)
Vòng tay yêu thương (truyện ngắn)
Gió bên hè (truyện ngắn)
Bông lục bình (truyện ngắn)
Thằng Tửng (truyện ngắn)
Đôi chân mày lệch (truyện ngắn)
Đêm ngắn (truyện ngắn)
Dây tóc tiên (truyện ngắn)
Lục Bình trôi (truyện ngắn)
Ngày nắng (truyện ngắn)
Đêm pháo hoa (truyện ngắn)
Song nguyệt (truyện ngắn)
Lan Hồ Điệp (truyện ngắn)
Quên (truyện ngắn)
Hoa cúc trắng (truyện ngắn)
Tóc rối (truyện ngắn)
Trái phá (truyện ngắn)
Hoa Loa kèn đỏ (truyện ngắn)
Ở lại đó (truyện ngắn)
Chùm Khế Ngọt (truyện ngắn)
Con muốn hư hỏng (truyện ngắn)
Gió mát ở sau lưng (truyện ngắn)
Mưa chiều (truyện ngắn)
Biển có sóng (truyện ngắn)
Học trò cũ (truyện ngắn)
Những con cá khô (truyện ngắn)