Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
472
115.866.106
 
Việt Nam - nhỏ mới đẹp
Lý Đợi

Xã hội loài người đang dần đi vào thế chật hẹp và khan hiếm, vì thế, “to” đã và đang thành thứ lỗi thời, còn “nhỏ” thì mới khả dụng, mới đẹp. Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội thuộc phạm trù “to”, vậy nên, rất có nguy cơ bị lỗi thời ngay khi nó diễn ra, hoặc khi vừa kết thúc.

 

Nhỏ mới đẹp

Nhỏ mới đẹp (small is beautiful) có lẽ là khái niệm nổi lên từ tập tiểu luận của nhà kinh tế E. F. Schumacher (người Anh), tác phẩm có tên Small Is Beautiful: Economics As If People Mattered ra đời năm 1973. Thế nhưng, từ xa xưa, với những dân tộc nhỏ, đất nước nhỏ; hay từ thời bắt đầu canh tân (1868), Nhật Bản đã xem “nhỏ mới đẹp” như là tôn chỉ để xây dựng đất nước.

 

So về diện tích, Nhật Bản vào khoảng 377.944 km², Việt Nam khoảng 331.690 km², Nhật Bản rộng hơn. Dân số của họ cũng nhiều hơn, vào khoảng 127.380.000 người. Đức cũng thế, diện tích khoảng 357.050 km², dân số ước lượng năm 2005 vào khoảng 82.443.000 người. Nhìn một cách thông thoáng, ba nước này trong quá khứ và cả hiện tại, ngoài các tương đồng về diện tích và dân số, cũng có nhiều tương đồng khác, ví dụ như các biến cố lịch sử. Thế nhưng, Nhật và Đức thì chọn “nhỏ mới đẹp” để ứng dụng vào phần lớn các công việc của mình, từ hàng không vũ trụ, công nghiệp nặng cho đến vi điện tử, hàng tiêu dùng... Nhỏ mới đẹp đã giúp cho họ tiết kiệm và chi xài hợp lý, nên khái niệm “dân là hệ trọng” (people mattered) mới có thể thành hiện thực, và được đề cao.

 

Đại lễ 1000 năm Thăng Long của Việt Nam cái gì cũng to. Đành rằng, to có thể có cái đẹp của to, nhưng quá tốn kém. Nếu số tiền 94 ngàn tỷ đồng là đúng với thực tế chi tiêu, thì kể ra vụ Vinashin “cũng thường thôi”(!), vì suốt một thời gian dài cũng chỉ xài hơn Đại lễ một khúc. Nhiều báo đài ước tính bão lụt miền Trung (vừa và đang diễn ra) gây thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng, một số tiền rất lớn so với thực tế đời sống người dân, nhưng chỉ bằng khoảng 1/45 số tiền chi cho Đại lễ.

 

Việt Nam chỉ là một nước lớn, khi xét về dân số (xếp thứ 12 trên toàn thế giới) và ngôn ngữ. Còn xét nhiều tiêu chí khác, Việt Nam là một nước nhỏ; mà nhỏ có cái hay, cái thuận lợi của nhỏ. Nhỏ mới đẹp! Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Bắc Âu, đã nghĩ thế. Những nước gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand... cũng đã nghĩ và hành xử như thế -- nên trong một thời gian ngắn, họ đã “đẹp hơn” rất nhiều.

 

Cũng chính vì nhỏ mới đẹp, nên những sản phẩm tiêu dùng và điện tử của Nhật, Hàn Quốc (vốn là xứ nông nghiệp)... mới ăn đứt mọi xuất khẩu nông nghiệp khác, ví dụ xuất khẩu gạo. Mà xuất khẩu nông nghiệp thì lúc nào cũng cồng kềnh, phụ thuộc quá nhiều vào thiên tai, thời tiết.

 

 

Bão lụt tại khu vực Bắc Trung bộ (tháng 10/2010) làm thiệt hại một số tiền khổng lồ, tương đương với khoảng 1/45 số tiền làm Đại lễ. Ảnh: sưu tầm

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng đầu năm 2010, việc xuất nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản đã mang lại khoảng 12,2 tỷ USD cho Việt Nam, trong đó gạo chiếm 2,4 tỷ USD. Theo báo Đầu tư, năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt khoảng 15 tỷ USD, bằng 1/6 số tiền chi cho Đại lễ.

 

Tính ảo giác

Bản chất của những sự kiện văn hóa thiên về trình diễn và sân khấu thường phải đạt tới tính ảo giác thì mới được xem là thành công. Bởi vì tất cả những chuẩn bị trước đó, dù lâu dài, tốn kém bao nhiêu đi nữa... nhưng khi trình diễn, diễu hành, lên sân khấu, truyền hình trực tiếp... xong, thì coi như xong, chẳng thể giữ lại các mô hình đó. Mọi thứ sẽ trở về bình thường. Cho nên, trong quá trình chuẩn bị, người làm sự kiện giỏi phải làm sao tạo ra cho được ảo giác cấp thiết cho ban tổ chức, nghĩa là không làm không được, không chi tiền là không xong. Ai làm sự kiện mà không tạo ra được ảo giác này, thì khi sự kiện diễn ra xong, mọi ảo giác tan biến, hiện thực ê chề hiện về, tiền rất khó đòi, khó lấy, dù hợp đồng giấy trắng mực đen rõ ràng.

 

Việc Đại lễ được tổ chức theo hướng ảo giác, nên chi tiền ào ạt cũng là thuận theo quy luật của ảo giác này. Nhưng sau Đại lễ, hẳn sẽ có nhiều vụ đòi nợ ồn ào, vì có nhiều trường hợp sự kiện đã xong mà tiền chưa được chi, biến thành nợ khó đòi.

 

*

 

Có nhiều ý kiến nhận xét việc dừng bắn pháo hoa tại 29 địa điểm là một điểm nhấn đẹp của Đại lễ. Điều này được tỏ ra là hành động có tính thiết thực, “đơn độc” chống lại ảo giác và tính thôi miên cộng đồng của Đại lễ. Nhưng hành động đơn lẻ và bất thường này có biến Đại lễ thành một cơ hội của lòng tốt, của từ tâm hay không... thì chắc không thể. Vì bản chất của sự kiện văn hóa bề nổi vốn không cần những gì quá thiết thực, cụ thể... như từ thiện, hay cứu người do bão lụt.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, việc dừng bắn pháo hoa tại 29 điểm là do vụ nổ trước đó gây chết nhiều người, nhà cầm quyền và ban tổ chức lo ngại nhiều phát sinh khác từ những tiếng nổ mà họ không kiểm soát được.

 

Các sự kiện diễn ra trong 10 ngày, phần lớn thiên về ảo giác, nên cũng khó để yêu cầu Đại lễ tiết kiệm một phần để làm những việc thiết thực như xây 1.000 cây cầu, 1.000 trường học, 1.000 giếng nước... cho học sinh vùng sâu vùng xa. Dù một phần thuế của cha mẹ họ đã góp mặt vào Đại lễ.

 

Hơn nữa, Hà Nội và người dân ở thành phố này vốn không có nhiều thói quen làm từ thiện, trong khi TP.HCM thì ngược lại. Xét về mặt công khai những con số từ thiện trên thông tin đại chúng trong khoảng 10 năm qua, việc ủng hộ cho thiên tai, tai nạn nói chung, nếu so với người dân TP.HCM, người dân ở Hà Nội thường ủng hộ ít hơn rất nhiều. Với bão lụt miền Trung năm này cũng thế, chỉ cần lướt qua các mặc báo thì đủ rõ.

 

TP.HCM là đơn vị đóng thuế nhiều nhất nước, nên Đại lễ dù diễn ra tại Hà Nội, thành phố này chỉ làm lễ để hưởng ứng, nhưng số tiền mà họ bỏ ra cho Đại Lễ, chắc cũng nhiều nhất nước. 

 

Người Hà Nội thường thích lo cho gia đình riêng, nên có vẻ thực dụng với cộng đồng. Nhưng vì sao một thành phố gồm phần lớn các gia đình thực dụng như vậy lại có thể làm một Đại lễ tốn kém và nhiều ảo giác như thế? Trước câu hỏi này, kiểu gì nhiều người dân cũng nghĩ rằng tiền chi thật sự cho Đại lễ thì ít, mà tiền chi nhân Đại lễ thì nhiều - đại nạn tham nhũng vẫn là bài toán khó. Nghĩ như vậy nên: Đại lễ, ngoài ảo giác về sự kiện, còn là một cơ hội thực dụng./.

Lý Đợi
Số lần đọc: 2186
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bùi Giáng, Nhất Phiến Tài Tình Thiên Cổ Lụy - Bùi Chí Vinh
Nhớ Tác Giả “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” - Trần Trung Sáng
Trở về Hà Nội, Kỷ niệm vui về nhạc sỉ Trần Hoàn - Vân Long
Nhà thơ Quang Dũng như tôi biết - Vũ Từ Trang
Nhân Tìm Lại Bài Thơ “Lính Râu Ria”, Nói Thêm Vài Chi Tiết Về Nhà Thơ Quang Dũng - Lại Nguyên Ân
Bóng bay - Bùi Phương Thảo
Mùa Thu Xanh - Nguyễn Thị Hậu
Trò chuyện với Mario Vargas Llosa - Hiếu Tân
Lan Man Chuyện - Phùng Thành Chủng
Thảm Họa Bùn Đỏ Boxit - Phạm Đình Trọng
Cùng một tác giả
Trợ giúp ! (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)