Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
590
116.537.852
 
Poseidon
Hamvas Béla

(Trích trong tiểu luận triết học Câu chuyện vô hình- Hamvas Béla). Nguyễn Hồng Nhung dịch

 

 

Gốc rễ của truyền thuyết cho rằng Poseidon không phải vị thần của biển cả, mà của rừng núi. Trong tác phẩm Mùa xuân Olimpik  Spitteler kể lại chuyện ông già Nereus đã phải lòng cô con gái của thần biển như thế nào, đã bị lừa ra sao, bị nhốt vào chuồng thế nào, và nhất là người ta làm thế nào để giảm bớt nỗi mê đắm của lão, bằng cách ngày nào cũng gửi một trinh nữ của biển đến cho lão.

 

Sau cùng ông lão cưới con gái thần biển làm vợ. Người ta dạy lão bơi, nhào lộn, vui đùa với gió và với những đợt sóng, tóm lại dạy lão cách làm quen với biển. Cách cai trị không cần phải dạy: lão luôn luôn là một vị thần.

 

Trước đấy rừng rú là nhà của lão. Lão dạo chơi giữa những gốc cây ẩm ướt, cưỡi trên lưng con hươu đực, rồi dùng chiếc roi mây quất tả tơi những vòm lá xanh, để khi những vòm cây xao xác lao xao, lão phá lên cười như nắc nẻ. Lão cũng tha xuống biển niềm say mê này.

 

Trước khi biển biết đến lão, những ngọn sóng không biết cách ca hát, không biết cất tiếng thét gào âm u  như thế nào. Lão  dạy sóng gào rú cũng như reo cười. Lão dạy nước biến thành giông bão vui đùa. Lão không giống những vị thần khác thích sai bảo người hầu và chỉ thưởng thức ngắm nghía tác phẩm của mình.

 

Lão thích tự mình tham dự, giống như một nghệ sĩ dương cầm, ngồi xuống bên đàn và trình diễn, bằng chính đôi tay của mình. Lão nhào lộn trên biển, giống như đang nhảy nhót trong rừng, lão ngây ngất ngắm những ngọn sóng ào ạt trườn lên hạ xuống, táp vào những vách đá dựng đứng.

 

Nhà điêu khắc Hy Lạp Lusippos đã tạc tượng vị thần này. Một mái đầu rủ những lọn tóc sẫm, mớ tóc có một màu duy nhất: óng ánh nâu và tim tím- màu nâu tím, đấy là màu sâu thẳm nhất, sẫm hơn cả màu đen. Khi lão rũ tóc, một mùi hương tỏa ra như mùi biển hoặc mùi rừng rú: ẩm ướt, tươi mát, tinh khiết và ngất ngây.

 

Hình dáng của lão? Đấy là một kẻ vạm vỡ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi lão lay những gốc sồi hàng trăm tuổi như ta nhổ một cây cỏ. Không gì dễ dàng nhận ra hơn sự  thay đổi trên khuôn mặt lão; như thể sắc mặt lão chỉ đợi để người ta hỏi tại sao không giận giữ hoặc cười phá lên. Những sắc diện linh động kỳ diệu!- và trong tay lão là cây đinh ba. Le trident de Neptune est le sceptre du monde.

 

Xúc cảm ẩn nấp trong toàn bộ con người lão : sự giận dữ, cảm giác buông thả toàn diện không phanh hãm, giống hệt  như nỗi ngất ngây  hưởng thụ hoặc giọng cười hết cường độ. Cái gọi là mức độ lão không chịu đựng nổi.  Bởi  lão là vị thần của sự bất tận: vị thần của biển và của rừng.

 

Mọi sự vật khác thật chật hẹp, tầm thường, quá đơn giản, phẳng lặng, đầy chất thị dân và đơn điệu. Lão cần âm thanh, tiếng gào rú, sự quay cuồng, bão tố, các cảm xúc ngập tràn và những nỗi say đắm!

 

Thân thể lão lông lá xồm xoàm như của một con thú, có thể hình dung ra cảnh này: các nàng tiên cá và những đứa trẻ của họ, những cậu con trai nửa người nửa cá( triton) các nhân mã thiếu niên( kentaur) túm chặt lấy những túm lông trên ngực lão, để lão quay tít chúng quanh trục lốc của mình và phá lên cười ha hả.

 

Rồi cả đám quây quần vui nhộn ấy từ mỏm đá cao nhất gieo mình xuống biển, bắt đầu một cuộc hỗn chiến; lão đứng giữa, xung quanh lão hàng trăm cô bé cậu bé vẩy té nước lên người lão, chỉ thấy bọt biển mặn tung lên trắng xóa, lão hét vang  và té nước lại bằng những ngọn sóng điên cuồng.

 

Có thể lão từ rừng xuống biển bởi trong cái tố chất nguyên thủy sống động này, khiến  lão lên cơn khùng, đùa giỡn, nhảy nhót, lẩn trốn và dẫm chân thình thịch dễ dàng hơn chăng.

 

 

2.

 

Những kẻ sùng kính các vị thần Hy lạp thời nay đối xử không đúng với Poseidon. Có thể họ không hiểu lão.

 

Phần lớn người ta cho rằng lão không phải là một vị thần chính cống: ở lão không có sự trang trọng, cơ thể lão trông không thanh lịch. Trông lão hơi lộn xộn và có gì đó tầm thường. Nhất là với những kẻ mờ mắt vì chiêm ngưỡng Olimpos trong Homeros, những kẻ chỉ nhìn thấy những đẳng cấp hàng đầu!- những kẻ chỉ nhìn thấy biển từ bờ.

 

Những kẻ không bao giờ dám nhảy xuống biển hoặc trèo lên một con  thuyền để tận mắt nhìn thấy nước thẳm, vực sâu, vực đá hiểm nghèo, nơi những con bạch tuộc giương mắt lồi thèm khát với hy vọng tóm được con mồi nên háo hức dằn mình xuống.

 

Họ không nhìn thấy lão trong làn nước phồng lên, vẫy vùng với đám bọt xoáy tròn và sì sụp trong tiếng rên rỉ hể hả. Có lúc lão ngự trên mỏm đá, như nhà vua ngắm nhìn đội quân sóng lượn ào ào táp dữ dội  vào các triền đá. Nhưng phần lớn lão tự mình cưỡi sóng và tham dự vào trò chơi. Lão ngắt rong biển dưới đáy đại dương, kết lên đầu thành vòng nguyệt quế , cưỡi trên những ngọn sóng sủi trào bọt.

 

Đến khi mệt phờ, lão chọn tảng đá trắng nhất, phơi mình trong nắng và ngủ thiếp đi. Biến lúc đó lặng như tờ, gió trốn vào những cái hang. Lũ cá ẩn nấp dưới các bụi rong rêu thực vật, các nàng con gái của sóng ngủ thiếp bên cạnh các kỵ binh hoang dã của biển dưới đáy đại dương.

 

Luôn luôn có gì đấy thương hại khi người ta nhắc đến các vị thần „phi bản chất”. Thương hại? Tại sao? bởi trong con người có một cái gì đấy phi bản chất.

 

Có hay không một kẻ đáng thương hại hơn, kẻ không biết kính trọng sự khùng điên, trò chơi, nỗi tức tối, cũng như tiếng cười giòn giã của một Poseidon lông lá xồm xoàm?

 

Có kẻ nào đáng tội nghiệp hơn trên trái đất, kẻ không biết đùa nghịch với nước, không biết lang thang vơ vẩn hàng nửa ngày trời trong rừng sâu, và hơi thở không tắc nghẹn lại giữa lồng ngực khi nghe tiếng xào xạc mơn man của vòm cây lá? Kẻ chưa bao giờ bắt gặp những lọn tóc nâu tím trong bóng râm của rừng cây và trên những phiến đá cạnh biển?

 

Người ta không hiểu và không nhận ra Poseidon,  điều này có nghĩa là người ta không hiểu tý gì về hiện thực của thế giới cây rừng-biển, họ không nhận biết  mùa hè nóng bỏng lẫn gió lặng câm, hơi thở ban mai nhè nhẹ, lẫn giông bão phía Bắc cùng những thét gào, không nhận ra bình yên không rạng rỡ, như Homeros đã từng viết: leuké d’én amphi gáléné- bình yên trầm ngâm buông xuống.

 

Nhưng sự bí ẩn không đơn giản.” Không chỉ đối với những kẻ hiện sinh vĩ đại- một tác gỉa  Anh phát biểu-mà với tất cả mọi người, thần Neptun đã chọc lún cái đinh ba vào thẳm sâu tâm hồn họ; il is a promise for all men- một hứa hẹn dành cho tất cả chúng ta.”

 

Thường xuyên, thậm chí như một cách hiểu thông thường về thần linh, vị thần tóc nâu tím, vạm vỡ xồm xoàm này cũng chỉ là một hiện tượng. Nhưng sau hiện tượng đó có cái gì? Có vị thần của rừng, của biển, của đam mê, của trò chơi, của sự láu lỉnh và sự giận giữ?

 

Thế nhưng rừng nghĩa là gì? biển nghĩa là gì? trò chơi, sự cáu kỉnh, xúc cảm? cái gì là giông bão, là cưỡi trên lưng hươu rừng và trên những triền sóng? cái đinh ba có nghĩa gì?

 

O des blutes Neptun, o furchtbarer Dreizack- Rilke thốt lên: Ôi Neptun đẫm máu với chiếc đinh ba khủng khiếp!

Nhìn thấy Poseidon- Neptun không khó, ai cũng nhìn thấy, nhưng họ không biết là họ đã thấy. Để nhìn thấy lão- đúng thấy lão- cần nhìn thấy thần linh!

 

Verborgene FluB-Gott des Blutes Herr der Lust- vị thần của niềm vui dấu diếm, chúa tể của ngất ngây. Nhìn thấy lão không hề dễ. Không hề dễ, hay quan trọng hơn: không kém phần nguy hiểm.

 

Thần Dionysus, một vị thần La mã, người không liên quan đến Olimpos, không rạng ngời, không đặc thù, không lỗi lạc, người ta nói chàng ở lẫn với một dân tộc nào đấy, có thể là dân Hy lạp, ở phương bắc xa xôi, chàng là một vị chính thần. Khi dân Hy lạp tiến về phía Địa trung hải Dionysus thất lạc một thời gian, có thể chàng sống cùng dân Trak- sau một thời gian lại thấy chàng xuất hiện. Bởi vậy chàng không có quan hệ với những kẻ Olimpos.

 

Poseidon, như một vị thần của rừng cổ, cũng ở phía Bắc, có thể cũng là dân Hy lạp, có thể chỉ liên quan hờ hững với Zớt, Hera và Apollo. Nhưng điều chắc chắn khi Poseidon, vị thần rừng cổ biến thành thần biển, từ lão biến mất một đặc tính gì đó, người ta quên đi hoặc không bao giờ nhớ ra một cái gì đó từ lão nữa.

 

Không phải là Poseidon của Homeros nữa. Cần phải quay lại thời kỳ xa xưa hơn. Để hiểu rõ.

 

 

3.

 

Cần phải suy luận  đến  tận cùng; con người phần lớn cập bến đến một nơi nào đấy, một nơi nó không hoàn toàn muốn đến.

 

Dionysus, có thể là một vị thần đứng đầu một dân tộc nào đấy. Không thể chứng minh được. Hoặc có thể, nhưng không đáng chứng minh. Người ta chỉ nghi ngờ một thực thể vĩ đại như thế sao lại gắn bó ít ỏi với đại gia đình các thần linh Hy lạp, sao lại ở cung điện Olimpos ít ỏi đến thế?

 

Cũng có thể vì đấy là một vị thần Hy lạp cổ, nên các vị thần mới hơn sau này đã đẩy ngài ra và chiếm mất vị trí của ngài.

 

Nhưng Poseidon đã từng là một vị thần đứng đầu, điều này có chứng cớ. Trước tiên: vị thần đứng đầu là gì? là một vị thần đầu tiên và có quyền lực nhất. Chứng cớ? là chiếc đinh ba.

 

Trên tất cả các tấm ảnh, tượng, văn bản người ta đều vẽ Poseidon, vị thần Neptun La mã với chiếc đinh ba. Le trident est le sceptre du monde – cây đinh ba là phù hiệu của thế gian. Đúng thế.

 

Ở Ấn độ thần Siva cầm nó trong tay, ba nhánh của đinh ba có nghĩa là kẻ cai trị ba thế giới. Đinh ba là phù hiệu của vua thế giới thần bí. Ba thế giới: có thể là nước, đất, không khí; cũng có thể là Bầu trời, Đất và Địa ngục. Nói một cách hiện đại, đấy là: Thiên nhiên,Linh hồn và Tinh thần. Đấy chắc chắn là ba thế giới.

 

Người ta vẽ cả ba con mắt, và cả ba đều nhìn vào thế gian. Một nhánh của đinh ba là Brahmat, chúa tể của thế gian ( bên phải); một nhánh là Visnut, kẻ duy trì thế gian( bên trái), và nhánh thứ ba là Harat, kẻ phá hoại( ở giữa)

 

Nhiều người biết về chiếc đinh ba. Rất xưa, trước  thời của  đạo Phật, người ta tìm thấy một tác phẩm trongmột  văn bản gọi là Bön có tên: Nền tảng của sự thật cao cả, hay Những giọt máu của Trái tim Không gian bất tận

 

Văn bản này bắt đầu như sau:

 

Để tính cách thánh thượng của mi

chiến thắng

những kiêu căng ngạo mạn của các loài thực thể hoang dã

hãy đặt lên vai mi bộ lông thú dữ

và nắm lấy cây đinh ba

biểu tượng của mục đích cao cả.

 

Ở đây cây đinh ba là dấu hiệu quyền lực, là tượng trưng sự cai quản cao nhất- là công cụ phép thuật chiến thắng những thực thể hoang dã và những nỗi say đắm bản năng.

 

The trident of Poseidon is a symbol of the third region, which the sea occupies, assigned to him after the heaven and air -Plutarch – một nhà diễn giải Anh đã từng nói như vậy,  và những thuật ngữ Amphitrité và Triton của ông bắt nguồn từ cây đinh ba.

 

Trong cuốn sách viết về sự thần bí của Eliphas Levy có đưa ra một hình ảnh kỳ dị. Trên một bánh xe hai thực thể bám vào, một kẻ đầu lộn ngược, kẻ kia đầu ngẩng lên. Tác giả không giải thích ý nghĩa bức tranh.

 

Trong lời bàn luận Corpus Hermeticum của Mead có thể tìm thấy ý nghĩa bức tranh. Kẻ ngẩng đầu lên bám lấy bánh xe là Levinthan, kẻ cai trị không gian khí quyển. Kẻ chúc đầu xuống dưới là Behemot, trong tay hắn là cây đinh ba. Đây là thực thể tụt xuống phía dưới, vào bên trong, vào bóng tối, chìm sâu vào biển, vào rừng. Trong tay hắn là cây đinh ba, tay lái của vực thẳm. Là biểu tượng phép thuật, điều khiển thế giới ẩn kín.

 

Cũng cần nói thêm về giả thuyết của Schuler.

 

Poseidon theo giả thuyết là chúa tể của thế giới bên kia, trong khi thế giới bên kia không là gì khác ngoài là một bể tắm của tinh túy sự sống, là vòng tròn của sự sống hiện hữu.

 

Để cho dễ hiểu hơn cần giải thích một ví dụ. Tại sao Poseidon lại xua đuổi Odyssey mười năm trời trên biển? Bởi vì Odyssey đã xúc phạm vương quốc Poseidon, vương quốc của người chết. Tội của chàng Odyssey là đã dám nhục mạ người chết, nên chàng cần bị trừng phạt.

 

Homeros tất nhiên không biết chuyện này. Đọc Odyssey không hiểu được hoàn toàn tại sao chàng lại bị xua đuổi dữ dằn đến thế. Cứ như thể một sự trái gió trở giời của thế giới thần linh. Nhưng nếu nghĩ cho kỹ, Odyssey đã cắt đứt mối liên hệ với thế giới người chết đầy chất liệu cổ xưa tối tăm, đã nhục mạ cuộc sống, sẽ thấy rõ ràng tại sao vị thần của thế giới tối tăm lại trả thù chàng.

 

Tuy nhiên Odyssey là cuốn sách hoàn hảo nhất viết về thế giới của Poseidon. Toàn những hình ảnh từ vực sâu hiện lên, giấc mộng, ảo ảnh, sự kỳ diệu, các siren (tiên biển), các quái vật, những kẻ khổng lồ, cư dân Phaiák trong giấc mơ, những kẻ mang cái tinh túy hiện sinh của sự sống: bởi vậy Odyssey cần phải rơi xuống địa ngục để làm quen với cái thế giới mà chàng đã xúc phạm.

 

Thêm một điều nữa.

 

Platon đã tuyên bố trong Timaios, vị thần của Atlantis bị chìm xuống biển chính là Poseidon. Cả châu lục này dành cho lão, đặc biệt là thủ đô, nơi có nữ thần biển. Truyền thống Atlantic, như vậy đã bị chìm nghỉm.

 

Nhưng chỉ với con mắt của những kẻ chưa nhập định mà thôi. Giờ đây chúng ta không có cả thời gian lẫn dẫn chứng về việc này. Nhưng nếu chúng ta đọc những tài liệu Ai cập cổ, nhất là Pert em Herut, với những lời giải thích đáng tin, so sánh với Tabula Smaragdina và Corpus Hermeticum, từ từ một thế giới đã chìm nghỉm, đen tối hiện ra: một đường viền kiến thức Poseidon thần bí tối tăm và sâu thẳm hơn ngày nay rất nhiều.

 

Ở Ai cập người ta vẫn còn nhớ nhiều đến sự sống mở, đến mối liên hệ giữa cuộc sống và cái chết và sự thống nhất bí ẩn của nó, thứ mà sau này người đời đã quên, và là thứ sau này Homeros cũng không hề biết, như Odyssey đã từng chứng minh.

 

Tác phẩm Timaios nếu không cho là truyện cổ tích, mà cho là một kiến thức tượng trưng người ta sẽ nói nhiều về thế giới của nó. Nếu cho đấy là truyền thống có quan hệ gắn bó với các văn bản Ai cập và thông qua đó gắn với các văn bản còn xưa hơn nữa- ví dụ với người Atlantic- lúc đó người ta đã  tìm thấy biện pháp giải quyết. Merezskovsky  nói nhiều về giải pháp này trong những bí ẩn phương Tây.

 

Cái đinh ba còn là tượng trưng dương vật. Là cây gậy điều khiển thế giới. Cây đinh ba trong tay Poseidon có ý nghĩa này hay không, không thể biết được. Có thể chỉ là hình ảnh tượng trưng, có thể lắm;

 

Có thể là biểu tượng của ba thế giới, bởi lão cai trị trên quả đất như thần của rừng, cai trị trên nước như thần biển, và cai trị trong không gian như thần của gió.

 

Rất lâu rồi, trước cả thời đại của thi phẩm Homeros, lão là vị thần đứng đầu của thế giới, có thể trong châu lục Atlantic, hoặc ở nơi khác; lão là chúa tể của các vị thần và con người, là kẻ sáng tạo, kẻ duy trì và kẻ phá đi- cây đinh ba còn lại trong tay lão tiết lộ đấy là ai.

 

 

4.

 

Rilke cho rằng cây đinh ba thật đáng sợ. Ông viết về Poseidon như một vị thần hưởng thụ, vị thần ẩn náu dưới những đợt sóng máu.

 

Brunton cũng cho rằng cây đinh ba là cái roi huyền bí thượng đế quất thẳng vào sâu thẳm của linh hồn. Như người đánh cá, tay cầm đinh ba, đi dọc bờ biển nếu gặp cá hoặc tôm, cắm sâu vào cơ thể chúng để bắt, Poseidon cũng làm như vậy với biển cả linh hồn, đâm xuyên qua và nắm giữ lấy cái gì trong sâu thẳm.

 

Bởi vì trong biển cả của máu và linh hồn rên xiết các thực thể: những quái vật không thể đếm nổi, thiên thần, tiên, rồng,  toàn bộ huyền thoại thần bí của sự khủng khiếp của cái đẹp, niềm vui và cái loài rắn rết rùng rợn.

 

Pert em Heru cuốn Tử thi Ai cập nói về các loài quái vật, khi con người rơi xuống thế giới của Poseidon, lần lượt sẽ gặp gỡ chúng.

 

Cái đinh ba thật đáng sợ. Bọn trẻ con mới hồn nhiên và vô tội làm sao trước khi chúng làm quen với Poseidon, chúng mới phấp phỏng làm sao khi thần linh trừng phạt, ấn đinh ba vào bóng tối để ấn ngập vào mình quái vật.

 

Những lúc đó máu trong con người mới sôi động làm sao, khi nó muốn tránh đi, nhưng một cảm giác bất an đè nén tóm lấy nó, những hình ảnh hoang dại, những bản năng mờ mịt bỗng thức dậy trong nó, khi máu khuấy động  trào dâng.

 

Sự bồn chồn bất an này không đến từ bên ngoài; không phải sự tò mò của tình yêu, sự tha hương, cảnh vật lạ, nhận thức mới, mà là một khao khát kiến thức, đánh thức những khát vọng không thể dập tắt và làm nguôi ngoai.

 

Cây gậy thần bí này đụng chạm tới con người từ bên trong. Sự màu nhiệm  xảy ra từ sâu thẳm vô hình. Trong đôi mắt của các cậu bé và các cô bé có thể nhận ra sự hãi hùng và bối rối, cái không thể giải thích khác ngoài sự kiện Kẻ dùng chiếc đinh ba đang đi săn, và đâm vớt lên từ sâu thẳm những con quái vật.

 

Lúc con trẻ yêu một người nào đấy, khi chúng hành hương đến nơi xa lạ, dù để học tập, hay để phiêu lưu, đấy là trạng thái đã muộn, đã cho phép Kẻ cắm đinh ba động tới niềm say mê trào máu và giông bão.

 

Trước đó rất lâu, trước khi đứa trẻ yêu người tình thứ nhất, trước khi nó học đọc, tập phiêu lưu và thu thập kiến thức, trước đó những động tác đáng sợ của máu trào sôi đã hành hạ nó.

 

Đấy là thời kỳ, Kẻ cầm chiếc đinh ba bắt đầu khuấy động máu người, nhổ ra và khi nó bắt đầu lôi từ con người ra các loài tiên, rồng, thiên thần và những quái vật khủng khiếp, lúc đó gọi một cách hiện đại, người ta bảo con người bắt đầu dậy thì.

 

Một từ ngữ ngu xuẩn. Một sự ngu xuẩn khi đánh đồng việc xuất hiện của thượng đế, sự khủng hoảng của con người khi bị xua đuổi ra khỏi Vườn Địa đàng đồng nghĩa với sự phát triển của các tế bào. Không gì nhục mạ số phận con người hơn bằng từ ngữ nhân tạo này.

 

Tất cả chúng ta đều phải trải qua thời kỳ thanh xuân bơ vơ này, khi run rẩy và khủng khiếp, chúng ta nhìn chiếc đinh ba lôi từ trong chúng ta ra những con quái vật kinh khủng.

 

Giọng ta bỗng trở nên khẽ khàng, lắp bắp, ta chui vào một xó, thức trắng đêm, hoặc nếu có ngủ, trong giấc mộng những con quái vật lần lượt thoát ra từ sự huyền bí sâu xa, những bóng dáng tuyệt vời, rùng rợn, các khuôn mặt, các cơ thể, các cảm xúc, các hình ảnh và các dục vọng, con người không làm gì khác  ngoài việc rên rỉ chui vào chính bản thân mình và run lẩy bẩy bởi nỗi hồi hộp tê liệt.

 

Khi con người yêu, khi nó bắt đầu học hỏi, nhận biết, đi tha phương, lúc đó nó bắt đầu sử dụng những đợt sóng máu dâng tràn: nó chạy theo đàn bà, chạy theo kiến thức, chạy theo tiền, quyền lực. Chiếc đinh ba bắt đầu xua đuổi nó.

 

Máu trào lên trong huyết quản và tràn ra bên ngoài, trong óc, trên mắt, lên tay, vào chất giới tính tràn ngập thế giới bên ngoài, toàn bộ cuộc đời bỗng nhiên lay chuyển, bùng nổ, như thần linh  cưỡi lên con ngựa bất kham và lao xuống biển cả.

 

Người ta nói giữa các vị thần linh, thần Apollo tiêu diệt những bông hoa thịt còn Dionysus tiêu diệt tất cả những gì ngây thơ vô tội và hồn nhiên. Poseidon tiêu diệt tất cả, những gì tự cảm thấy cân bằng, phá hỏng và làm suy sụp toàn bộ những gì tưởng đã đến đích, tưởng đẹp vĩnh cửu, thánh thượng và hân hoan.

 

Đấy là cây đinh ba. „Kẻ nào rất tự tin vào bản thân, kẻ đó sẽ bị Poseidon dúi xuống biển”. Cho dù lão là kẻ nhảy xuống biển, và giơ cây đinh ba về phía hiểm nguy. Đấy là cây đinh ba.

 

Ở Tây Tạng nhà tu hành đội mũ đỏ trên con đường hành hương mang theo cây đinh ba ba chạc, gọi là ceszum.

 

Ở Ấn Độ kẻ khổ hạnh mang theo cây gậy ba chạc tượng trưng: họ là những kẻ thống trị các sức mạnh Poseidon, là các thày phủ thủy và các đạo sĩ của biển người: họ biết tạo dựng bình yên bằng cây đinh ba và tạo cả giông tố nữa. Đấy là cây gậy điều khiển thế gian.

 

Thế giới này cũng muốn trở thành con trẻ, bình thản, hài hòa, dản dị, muốn trở lại là chính nó trong sự hoàn thiện, sự vững chắc, vì vậy nó muốn dừng lại, nguội đi, trở nên cứng rắn, trở thành bức tượng của chính mình, thành mặt nạ, hình ảnh và xác ướp của chính nó.

 

Poseidon quấy đảo cái thế giới bình thản, tự tin của cái đẹp, đập tan sự hòa hợp và phá tan trật tự được tuyên bố là tận cùng. Đấy là quyền lực của lão, là bản chất thần linh của lão, mang đến giông tố và hiểm nguy cho thế gian đang chuẩn bị dừng lại, như”đâm xuyên vào cái vỏ cây ao ước cứng lại của linh hồn” và xé tan ra, dẫm đạp lên cái trật tự tuyên bố tận cùng và với tốc độ phi như vũ bão của cả đàn ngựa phá tan tành tất cả những gì tuyên bố hoàn thiện.

 

Đây là sự giải phóng, sự phá vỡ, sáng tạo cái mới, là giông tố, chiến tranh, là cách mạng, sự nổi loạn, sự bất an, cảm giác hồi hộp, là cây gậy điều khiển dựa vào nỗi kinh hoàng, đấy là cây đinh ba.

 

 

5.

 

Người ta gọi thiên thể trong hệ Mặt trời là Neptun, mới được phát hiện ra chưa đến một trăm năm. Tượng trưng của thiên thể này cũng là cây đinh ba.

 

Chiêm tinh học nhận biết khả năng thần bí của các thiên thể, và cho rằng nó có tác động đến cuộc sống con người. Các thiên thế mới tìm ra lập tức được đưa vào các hệ. Có thể khi đặt tên cho các vì sao, người ta chỉ tìm những cái tên thật kêu. Nhưng lại có người cho rằng, đây không phải điều ngẫu nhiên.

 

Ngôi sao Neptun, người ta bảo đúng là chứa chấp những đặc tính Poseidon, và những đặc tính này phản chiếu vào con người trong phút giây sinh ra, phụ thuộc nó nằm ở đâu trên bầu trời và có liên quan thế nào đến các tinh tú khác: trong số phận của thực thể sống ấy nó sẽ có tác dụng mạnh hay yếu, tích cực hay tiêu cực.

 

Về Neptun chiêm tinh học cho rằng đấy là ngôi sao của nước, của sự mơ hồ, của độ sâu thẳm huyền bí, là ngôi sao của hệ thần kinh và các cảm giác xa xôi. Dưới tác dụng của nó, những gì con người muốn dấu đi sẽ từ từ phát triển.

 

Nó là cái la bàn của sự sống vô thức. Nếu ở gần  hoặc ở một góc độ nhất định cùng tinh tú này, những hình ảnh đặc biệt đột nhiên xuất hiện từ bí ẩn sâu thẳm, như thể bằng các chạc của cây đinh ba, nó đụng chạm tới con người, và lôi kéo ra từ đấy những ảo ảnh mơ mộng, mông lung, kỳ lạ.

 

Trên những công trình nghệ thuật có thể nhận ngay ra tác động của Neptun. Những cái kỳ lạ, mới  mẻ đến phát bối rối, những gì hình thức của ý tưởng không nhận biết được, chỉ có thể nhận ra bằng trực giác. Con người đôi khi yêu thích sống giữa những ảo tưởng bay bổng, con người yêu thích những dây thần kinh căng ra, rồi tháo bỏ, dưới tác động của Neptun.

 

Bởi vậy những kẻ mà hình ảnh này trở thành nỗi đam mê ngây ngất thần kinh, kẻ đó thích sự dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu, thuốc phiện… Dưới tác dụng của quyền lực Neptun còn có thuật thôi miên, hồi tưởng, gọi hồn- tất cả những gì ẩn kín, thần bí, không kiểm chứng được, cách xa với thế giới nhận thức.

 

Sao Neptun tượng trưng cho sự bịp bợm, mù mờ, những ảo tưởng, các loại hành động phạm tội, các âm mưu, những sự vụ ngồi lê đôi mách, sự hỗn loạn, sự nhiễu nhương, dối trá, háo danh. Nó đặc biệt có liên hệ đến chất độc và sự giả dối.

 

Tất cả những điều kể trên có lẽ không là gì khác ngoài cái Tôi không có giới hạn xảy ra ở vô thức dưới tác dụng tiêu cực của Neptun khêu gợi, gọi phơi bày tất cả những đức tính trên từ những con người quá nhạy cảm.

 

Trong tất cả mọi người đều lẩn quất moral insanity- ai cũng có xu hướng thưởng thức chất độc- cũng như trong tất cả mọi con người đều ẩn dấu một thế giới rộng lớn, thần bí, mơ hồ, nơi từ đó  các hình ảnh thăng hoa rực rỡ hoặc đầy chấn động giải thoát.

 

 

6.

 

Người nào hàng tuần, cứ nửa ngày lại  làm động tác vứt bỏ áo quần bên cạnh bờ biển, nhảy xuống nước, chon von trên các tảng đá, nhặt ốc, chăm chú theo rõi những bông hồng biển, rong rêu, những sao biển, những loài đỉa biển độc đáo, kẻ cạnh bờ biển hay trên rừng đều nâng niu những viên đá ẩm ướt, bới đống lá khô, sục sọi tìm dưới đám cỏ hay dưới các rễ cây già đều có cảm giác đáy biển hay rừng sâu có họ hàng với nhau.

 

Nếu Poseidon cùng lúc là vị thần của rừng và biển, điều này có gì đâu cần phải giải thích. Đây là sự sống ấp ủ, là vương quốc rền rĩ mơ hồ ẩn náu dưới bề mặt sự vật.

 

Phần lớn con người không dám đặt những thực thể này lên lòng bàn tay. Có loại có những cái chân dài khác thường, đôi mắt to bao phủ toàn bộ cái đầu, những sợi lông quái dị dựng đứng tỏa tứ phía, và đột ngột nhả ngòi độc vào cái bụng phệ của con người.

 

Loài khác có càng như một cái kéo, một loài khác nữa lại cắp cái kéo này ở thân dưới. Loài động vật biển này giống hệt con rắn, nhưng có tám chân ở cổ, nó bò, trườn cả cái thân hình nặng nề bằng những cái chân này. Đôi ba con tái nhợt vì tình trạng không ánh sáng, con khác lại có màu thịt sống.

 

Có những loại bám chặt vào các mỏm đá, có đến hơn một trăm cánh tay, như thể một trăm con rắn tỏa ra từ cái đuôi của chúng. Nếu vớt con vật này lên khỏi nước, trông loài thảo vật này như một miếng giẻ, rũ xuống, nhưng trong biển, trông nó như một bông thược dược nở tung, mỗi cánh hoa là một con giun dài màu trắng.

 

Rồi con bạch tuộc tám cánh tay, mắt sưng mọng với những vòng tay bám chặt nguy hiểm chết người, trông nó trong suốt với tấm thân màu xanh sẫm, rồi từ tấm da trong như kính xanh này phản chiếu lại những tia máu đỏ sẫm từ những con cá nó đớp, như thể ánh sáng rọi từ bên trong cơ thể con vật.

 

Nỗi lo sợ của con người không phải không có cơ sở. Những quái vật này ẩn náu bên trong chúng  những đặc tính nguy hiểm. Chúng bám chặt lấy, cấu cào bằng những sợi lông khủng khiếp gây ra những vết thương đau đớn, chúng phun ra dòng nước hôi thối và ẩm ướt khiến da người như bị bỏng, đóng vẩy và rất lâu mới lành.

 

Rất nhiều loại động vật và thảo dược  như thế, bởi phần lớn người ta không biết chúng là loài gì, chúng còn đáng sợ hơn cả một con voi hoặc con vật có sừng.

 

Nhưng tại sao chúng đáng sợ như thế, thực ra không phải vì chúng xa lạ, xấu xí, tấn công và làm người khác bị thương. Khi con người đối diện với những thực thể đáng sợ như vậy, người ta cảm thấy quen quen. Đây là dấu hiệu không thể nhầm lẫn của sự nhận biết, một cái gì đó bên dưới cơ thể con người vụt chuyển động.

 

Một cái gì như tim đập nhưng ở trong bụng. Như thể bụng nhận ra họ hàng và kêu lên. Con người cảm thấy hoang mang ở nơi mềm mại nhất trong cơ thể, hay đúng hơn là ở bên dưới, bộ phận đất và biển của con người, nơi cất giữ, nơi với thế giới sâu bọ con người không chỉ có họ hàng mà còn hoàn toàn đồng nhất. Và đây chính là ý nghĩa của cảm giác hòa đồng này.

 

Gan, thận, ruột, bộ phận sinh dục đều là những thứ đồng loại với những con giun, những bông hoa biển, những con tôm, những con sâu và những loài đa chân khác. Ruột cũng làm chức năng trong con người như bạch tuộc: hút vào. Cũng từ từ mọng lên, cũng sống ở nơi không ánh sáng, cũng tham lam và thô tục, cũng gớm giếc về hình dáng.

 

Và con người biết, linh hồn cũng có những tầng dưới lớp đá và lớp lá mục, nơi lũ sâu bọ rên rỉ. Cái vô thức, khi muốn thể hiện mình, đều hiện lên trong hình ảnh của biển hay của rừng.

 

Và trong đại dương này, cái không là gì khác ngoài hình ảnh rừng dưới nước, và biển không là gì ngoài hình ảnh đại dương nước trên mặt đất, trong thứ linh hồn người này Poseidon ngự trị với lũ thanh niên nửa người là nhân mã ( kentaur) và các nàng tiên biển nửa người là cá, với những loài sâu bọ, loài đa chân chưa thuần hóa và rên xiết, với những con bọ cạp, những con bạch tuộc, những loài đỉa biển những loài khát máu, đầy chất độc, những con rồng đói khát, với sự thèm muốn trơ trẽn, với khát vọng chiếm đoạt chiến lợi phẩm hau háu, với sự ích kỷ dai dẳng với toàn bộ nỗi bực tức của địa ngục.

 

Đấy là thế giới Poseidon của con người, nơi máu sôi lên cuốn theo bao ảo ảnh và dục vọng, những thứ tinh thần cố gắng cưỡng lại, phủ nhận, xua đuổi, cố gắng kìm nén, nhấn chìm, ấn xuống, xuống, xuống biển và xóa sạch dấu vết!

 

Thế nhưng nếu con người thả trả lại một con bọ chét xuống biển, ngày hôm sau nó dội lại thành một con rồng bảy đầu biết phun lửa- và trong khi chỉ cần  cho loại sâu bọ một giọt để sống, con rồng đã nuốt chửng toàn bộ con người.

 

Truyền thuyết Andromeda kể rất rõ ràng về điều này.

 

 

7.

 

Người ta gọi Poseidon cổ đại là Halios Gero trên biển.

 

Dịch ra là: ông lão của nước mặn. Muộn hơn những người Hy lạp gọi là Proteus, có họ hàng như thế nào đấy với Nereus, vua biển, cha của các nàng Sóng. Proteus và Nereus có là một hay không, không ai biết. Cả điều này nữa, họ là hậu duệ của chúa tể cổ xưa của các vị thần hay không, hay họ hòa làm một với lão. Điều này cũng không quan trọng lắm.

 

Nhưng có một điều chắc chắn, cái thế giới trong đó có các vị thần rừng và biển trị vì, chính là tầng ẩn náu dưới các lớp của sự vật, là linh hồn vô thức, là hỗn mang sâu bọ, là sự phồng lên đơn điệu thô thiển của hệ thống ruột, của sự tham lam bạch tuộc và máu sôi lên trong huyết quản: đấy là một hiện thực mà chiếc gậy cai quản của nó là cây đinh ba.

 

Lão già của nước mặn và Proteus có thể là họ hàng thật. Odyssey kể rằng, những người Hy lạp đã rình lão như thế nào, khi trong cháy bỏng của phương nam nóng nực lão phơi mình cùng những con báo biển của lão trên những tảng đá và ngủ thiếp đi.

 

Những tên khổng lồ Heros túm lấy lão, không cần chạy trốn, lão biến thành con rắn; rồi thành con hổ, rồi thành cá, thành bạch tuộc, thành hải âu, thành cua, thành con dê đực, thành con voi. Lão có thể biến thành bất cứ hình thức nào của sự sống.

 

Tại sao? Bởi bản chất của lão ở đâu cũng có. Lão là sự ẩm ướt, là nước, là máu, là dãi, là sức mạnh khổng lồ chỉ chờ đợi những dịp những khả năng có thể, để bám vào đó mà sinh sôi. Định luật cơ bản đầu tiên của sức sống Poseidon:  quá trình tiến hóa ( mentamorfozis), định luật thứ hai: sự lan rộng vô tận.

 

Mentamorfozis- quá trình tiến hóa nghĩa là từ trí tưởng tượng giàu có vô tận thể hiện và biến đổi lên vô vàn hình dạng, những thứ thực ra là chính nó.

 

Như cách thức sự sâu thẳm của vô thức giải tỏa những hình ảnh của giấc mơ và trí tưởng tượng, những ảo vọng, những cảm xúc, những ảo ảnh méo mó quái dị: các hình ảnh tăm tối của thế giới vô thức lập tức  được thể hiện bằng những thực thể sống động và thực tế- con giun, con sư tử, loài côn trùng, con rắn, loài bò sát đa chân, chim bốn chân.

 

Nhưng tất cả thực thể chỉ là một giữa muôn vàn dáng hình, sự tưởng tượng không bao giờ được thỏa mãn chỉ có một hình thức duy nhất, và chỉ duy nhất có một khả năng trong toàn bộ mọi khả năng của cái biến đổi vô tận.

 

Proteus- Poseidon, một thực thể trong đó vị thần linh của biển, vị vua của nước và các quá trình ẩm ướt ngự trị, đấy chính là chúa tể của metamorfozis-quá trình tiến hóa.

 

Bởi vậy lão ngự trị trong nhiều hình thức thực thể nhất: người ngựa ( kentau) loài tiên biển (siren), những tên khổng lồ thuần túy, các nàng tiên cá, những người đàn bà chân chim có lông vũ.

 

 

8.

 

Con người có ba thế giới: tinh thần, linh hồn và cuộc sống. Hình thức cổ của tinh thần: ánh sáng. Hình thức cổ của linh hồn: cái đẹp. Hình thức cổ của cuộc sống: loài sâu bọ.

 

Ánh sáng tỏa sáng và bất tận. Cái đẹp tạo dựng và thực hiện trong thế gian; còn loài sâu bọ sinh sôi trong thiên nhiên không ánh sáng và phi cái đẹp.

 

Môi trường cổ của cuộc sống: nước. Tất cả mọi cuộc sống đều như nước, ẩm ướt mềm mại, nhấp nhô sóng, không hình dáng, gắng đi vào chiều sâu và phủ ngập những tầng sâu. Một đặc tính của nước là bất lực và bình thản nhưng nhạy cảm đến vô tận.

 

Bởi vậy tất cả đời sống cổ đều yêu thích sự mơ hồ, không để ý tới cái đẹp và bị lay động ngay từ một hơi thở nhỏ nhất. Cử động cổ là sóng nước tự xoáy lại mình: vực nước xoáy. Vực nước xoáy có mặt trong hai biểu hiện ẩm ướt cổ: trong biển và trong sự tuần hoàn máu.

 

Nó xoáy tròn và kéo xuống, xoay vào bản thân, hút vào và nuốt xuống. Nó ăn, ôm, bồi bổ, sụp đổ, đánh chìm, tự xoay vào lòng và tiêu hóa. Đời sống cổ lẩn trốn ánh sáng, sinh sôi trong những góc tối tăm.

 

Nó duy nhất là một sức mạnh trên thế gian không hề muốn trở thành cái đẹp. Bộ lông xồm xoàm, bộ ruột nặng mùi tái nhợt vàng ủng bứt từ biển xé tan các đợt sóng, nó là hơi ợ đắng ngắt thô tục thoát ra từ bụng, là sự ngượng ngùng của đàn bà, và như loài sâu bọ sục sạo dưới những hòn đá, rêu bám dày đặc vào thân cây, như sinh vật biển bám vào mỏm đá, như loài lưỡng thể sống trong đầm lầy, nỗi thèm khát hung dữ, bần tiện thô bỉ, hoang dại, hau háu và độc ác không được phép trở thành cái đẹp- nó cần trở thành sự lạnh lùng, lèo lái, dây dưa, dai dẳng, cần trở thành bền bỉ và giãn nở như dạ dày và tử cung, trở thành tính ghen tỵ, hèn nhát, trả thù, cần trở thành chất độc, sự ngu xuẩn, sự đói khát, sự hư hỏng, nhưng dường như những thứ này cũng là cái đẹp, đẹp một cách khiếp đảm và kinh hãi.

 

Không thể có lời giải thích.

 

Đây là sự chậm chạp, lườn lẹo, luồn cúi, thô tục, trơ trẽn, sự tỉnh táo mặt dày và lạnh lùng, sự ích kỷ trơ tráo, sự tỉnh táo đê tiện, loại cuộc sống sâu bọ đói khát đáng ghê tởm không ham muốn ánh sáng, chẳng cần cái đẹp, chỉ muốn sinh sôi nảy nở, bành chướng ra, vơ vào mình và tiêu hóa, như một con bạch tuộc khổng lồ hoặc loài bò sát cổ đại.

 

Đặc tính cổ của cuộc sống là sự thích nghi dai dẳng này, thứ chỉ bành chướng và kéo dài, thứ mọi hình thức đều tốt như nhau, thứ thay đổi, lượn sóng, hình thành biến thành cái gì cũng được, bất kể như thế nào bao nhiêu, thứ hình dáng của các thực thể chỉ một khoảnh khắc, bởi nó liên tục đụng chạm, réo gào, xoáy cuộn, phồng lên.

 

Đấy là một đại dương cuộc sống, nơi cùng chỗ tất cả chen chúc tôm cua, chim chóc, rắn rết, rồng, nhân mã, cá, thực vật, nấm, loài tiên biển, nàng tiên sóng, chàng lùn, sâu bọ, nhộng- đấy là tất cả được gìn giữ trong bụng một thực thể, luôn chướng ra co lại một cách bất tận, đấy là một thế giới bình thản và hoang dã, cực kỳ xấu xí, đầy ghen tị, đói khát bất an, trong con người dưới lớp vỏ vô thức xoáy tròn và động chạm trong sự tối tăm xấu xí.

 

Người ta nói, đây là một”quyền lực cổ không phá vỡ nổi” rằng bản thân nó” là một sức mạnh sự sống không hình dáng và chưa thực hiện nổi”, thứ bằng sự dai dẳng không khoan nhượng, hoang dã và trơ lỳ khao khát sự sống: muốn tồn tại.

 

Có thể lắm.

 

Thứ thế giới này không cần ánh sáng, không có đạo đức, mà chỉ làm hỏng, chỉ khạc nhổ, làm hôi thối, làm bất an, không ngượng ngùng, lạnh lùng, như cái bụng hoặc tử cung, luôn luôn đói khát và ham muốn bằng những chất ẩm ướt của nó, bằng những cánh tay,những lông lá, răng vuốt của nó giành giật và phá vỡ cái đẹp, thứ không mảy may để ý tới, bởi nó không muốn gì hết ngoài một điều duy nhất: tồn tại.

 

 

9.

 

Poseidon yêu thích được khoác lên mình hình dáng con ngựa đực. Có thể dễ dàng hình dung lão tìm thấy sự thích thú trong loài động vật tính cách nóng bỏng và hay dậm chân này, loài ngạo mạn ngẩng cao đầu, quay vòng linh lợi và phóng mù tít khiến trái đất mịt mù bụi, tấm bờm trên cổ bay phấp phới như cờ.

 

Truyền thuyết Hy lạp kể rằng Erikhthonios, vua của vực thẳm một lần nhìn thấy nàng Oreithüa, con gái nữ thần nguồn Kalliore tắm. Vị thần này đem lòng yêu nàng, bèn cải trang vào hình dạng con ngựa giống và đến thăm nàng con gái.

 

Các dân tộc trên thế giới quen với hình ảnh con ngựa giống như với cây đinh ba.

Và khắp nơi người ta đều hiểu như nhau: „con ngựa giống của thượng đế là tượng trưng của bản năng phản chiếu không chút dấu diếm, là thực thể đến những gốc rễ sâu thẳm nhất cũng tỏa sáng.”

 

Hình ảnh tượng trưng này có nghĩa: trên hay dưới đều không có sự khác biệt; bên trong cũng sáng sủa, các giác quan cũng mang tính chất tinh thần như nhận thức bản năng.  Dưới những lớp mờ mịt của vô thức cũng mang sự thức tỉnh thông qua ánh sáng chiếu, điều này không có nghĩa những sức mạnh sâu thẳm đã bị mất. Không.

 

Con ngựa giống là thực thể chứa đựng tất cả những gì bên dưới có- dưới đại dương, dưới lòng đất, dưới tầng vô thức, một thế giới của bụng tối tăm, đói khát, trườn bò, hoang dã – nó có thể biến thành ánh sáng mặt trời chói chang, như thể từng giọt máu biến thành từng ngày sáng rực rỡ.

 

Đôi mắt, dáng nhảy, giọng hí, cái bờm dựng đứng đỏ tía trên cổ  của ngựa giống là ánh sáng chan hòa rực rỡ và sức mạnh cuồng dại của nó tỏa như ánh sáng.Con ngựa giống của thượng đế là thực thể tất cả chất dương tính tỏa sáng ngời không chút mờ mịt- nó là Mặt trời giống đực.

 

Với toàn bộ sức mạnh của bản năng, của nỗi say mê khao khát và đòi hỏi, của máu thịt trần trụi, của sự nóng nảy kiêu hãnh và ngạo mạn, của nỗi tự tin không chút ngượng ngùng và sự khát khao dai dẳng.

 

Trong thực tế Alexandros đã hãm phanh con ngựa giống lại, điều đó có nghĩa là bản thân ngài trở thành Poseidon: biết biến một thế giới tối tăm thành ánh sáng mặt trời, và chiếu sáng ở nơi sâu thẳm nhất cũng như ở nơi cao cả nhất.

 

Kẻ da đỏ đã thuần con ngựa Mustan bất kham, như môn tâm lý học tuyên bố, con người trong giấc mộng của nó, ánh sáng chiếu rọi đã phá tan, làm thuần hóa bản năng tối tăm của nó.

 

Người Tây Tạng cho rằng kỷ luật bản thân là kỵ sĩ của nó. Môn Joga phương đông coi hơi thở là con ngựa giống.

 

Hơi thở chưa được tập luyện như một con ngựa hung dữ, làm lay động sự vô nghĩa trong con người, nhưng với hơi thở đã được tu luyện, con người có thể phóng bay vào ba thế giới và mở toang ra trước mắt con người là thế giới tinh thần, linh hồn và những bí ẩn sâu sắc của cuộc sống.

 

Hơi thở đã được tu tập có khả năng khiến con người soi rọi cho mình hiểu biết về một vũ trụ tối tăm.

 

 

10.

 

Poseidon là một hiện tượng thần linh duy nhất biết cai trị thế giới của rừng và biển, một thế giới không hình dáng, kinh hãi, bất thần, hay thay đổi, tối tăm. Lão là chúa tể của thế giới này.

 

Bởi lão là thực thể duy nhất, từ sự bùng nổ không phanh hãm của đất, đá, nước, của thế giới vô thức dưới lớp da, từ cuộc sống của những quái vật sinh sôi nảy nở bước vào một thế gian ngập ánh sáng và trở nên rạng rỡ thay vì mất luôn sức mạnh của mình.

 

Thực thể này có tên gọi: giống đực.

 

Bởi vậy lão yêu thích khoác lên mình hình dạng con ngựa giống, bởi vậy ở xứ Kreta cổ đại người ta kính trọng lão trong hình dạng con bò mộng.

 

Quyền lực của giống đực ngự trên sự nhiễu nhương tăm tối, với cây đinh ba là GIỐNG ĐỰC và PHALLOS.

 

Poseidon sinh ra từ chất liệu Proteus linh động, đàn hồi tăm tối, nhưng vượt lên trên, như cách thức giới tính giống đực có ý thức thống trị trong đời sống thường.

 

Câu chuyện này giờ đây có thể hiểu dễ dàng hơn bất kỳ lúc nào.

 

Có một nhà thơ thời hiện đại, người khám phá và hiểu sâu sắc thế giới của Poseidon: đấy là nhà thơ người Anh David Herbert Lawrence.

 

Chưa ai có thể  hiểu cái thế giới cuộc sống hau háu, dai dẳng chậm rãi trườn dài trong tăm tối chưa hề đụng chạm tới tinh thần và linh hồn như ông.

 

Từ thi phẩm của Lawrence không chỉ hiểu rõ về biển, rừng, máu, mà cả về cây đinh ba nữa: không chỉ hiểu cuộc sống mà còn hiểu cả về cái thống trị cuộc sống nữa. Bằng một cách thức đặc biệt.

 

Nhà thơ người Anh này không phải một kẻ săn lùng cuộc sống thấp hèn, không phải một kẻ thờ phụng tình dục, không phải là một thực thể chìm đắm trong những xúc cảm tàn bạo, như người ta vẫn tưởng trong các tiểu thuyết.

 

Lawrence là một nhà khổ hạnh Và cái gì là cái quan trọng trong ông. Aszkezis tiếng Hy lạp có nghĩa là kỷ luật có ý thức và đã rèn giũa.

 

Có kẻ khổ hạnh tự hành, có kẻ khổ hành tinh thần, tâm hồn, công việc, có kẻ khổ hạnh tình thương mà trong ý nghĩa này  ai, ở vị trí nào có ý thức tự rèn giũa bản thân mình: trong công việc, trong tư duy, trong tinh thần, trong đạo đức. Tất cả mọi nhà khổ hạnh đều là một phần tử của joga: một thực hành liên tục và có ý thức.

 

Có cả joga –giống đực.

 

Khi con người thức tỉnh ở bản chất giới tính giống đực của mình và gánh vác bằng cái văn hóa xung quanh giới tính này, nó trân trọng, tẩy rửa, chăm sóc, tạo thành văn hóa riêng mình khiến điều này tự phản chiếu lại, và nhận ra giới tính giống đực này là thực thể thượng đế.

 

Văn hóa là phép thuật, để các vị thần khai mở và chỉ đường khi con người hiểu Quyền lực hoang dã và đáng sợ chính là mặt trời rạng rỡ. Kẻ nào thực hành khổ hạnh, chỉ đưa lên bàn thờ duy nhất một Quyền lực, kẻ thực hành không mệt mỏi sự kính cẩn một cách có kỷ luật, có ý thức và tỉnh táo. Nó đẩy những thế giới khác sang một bên, và chỉ kính cẩn đúng một thần linh duy nhất. Đấy là Joga.

 

Nhà thơ đã thực hành một phallikus aszkezis- một khổ hạnh giống đực- bằng kỷ luật sâu, tỉnh táo và sùng kính, và từ bỏ tất cả, chỉ giữ lại duy nhất điều này. Sự kính cẩn vô bờ bến này, lòng biết ơn( pietas) sâu sắc không lay chuyển với tôn giáo phallikus này, có khả năng nhìn thấy giới tính giống đực như Mặt trời và cảm nhận đúng như thế.

 

Bởi đúng là như vậy.

 

Bởi mặt trời đúng là như thế, có mặt trời của thế giới vũ trụ vật chất, của tinh thần, của linh hồn, của tư duy, của nền kinh tế, của danh vọng.

 

Mọi thành phần của thế gian đều có thể biến thành tôn giáo, điều cơ bản là hãy trở thành một tôn giáo đúng nghĩa: trong sạch, cao quý, sáng láng, thực chất và thượng đế.

 

Thứ tôn giáo- giống đực cũng có thể trở nên cao quý, như cuộc sống phallikus cũng có thể trở thành aszkezis: thứ kỷ luật từ bỏ thế gian một cách có ý thức và cao cả.

 

Bởi vì thể loại một đời sống đã trôi đi rất lâu rồi, ngày nay chỉ còn lại những tượng trưng của nó: tính hiệp sĩ không là gì ngoài là joga phallikus, là thứ tôn giáo của tính đàn ông có kỷ luật và cao cả. Không thể là khác, bởi trong đời sống kỵ sĩ người đàn ông và con ngựa là một. Bởi vậy họ là kỵ sĩ.

 

Người đàn ông biến thành con ngựa giống nhưng là con ngựa giống thượng đế, mang những đặc tính sang trọng, cao cả, kiêu hãnh, lịch sự, cảm thông, hy sinh- tất cả những điều này là tôn giáo. Người đàn ông đặt số phận mình lên bàn thờ và cả cuộc đời không làm gì khác ngoài thực hành aszkezis. Để trở thành giống đực- mặt trời.

 

Kỵ sĩ là kẻ bình thản, dũng cảm, giữ lời, ngay thẳng, là kẻ bảo vệ người bị áp bức, là kẻ thờ phụng và hầu hạ đàn bà một cách không mệt mỏi- chính vì vậy họ luôn đúng là giống đực, là người đàn ông, là con ngựa giống, con bò mộng, là kỵ sĩ.

Tính hiệp sĩ là một hình thức sống Poseidon, nhưng không chỉ có trong con người. Con dê đực, con bò mộng, mọi loài chim giống đực nhưng không có một thực thể nào hiệp sĩ bằng con gà trống.

 

Tính hiệp sĩ không chỉ ở chỗ suốt đời kính trọng và phục vụ đàn bà, mà đúng hơn ở chỗ người đàn ông chú trọng kỷ luật một cách hà khắc và có ý thức giữ gìn lòng kiêu hãnh thống trị, sức mạnh và quyền lực cùng sự hoang dã đáng sợ của họ, để hiến dâng cho đàn bà.

 

Điều này chính là chất tôn giáo chứa đựng trong tính cách hiệp sĩ: dâng hiến giới tính con đực cho người đàn bà, bằng mái đầu kiêu hãnh ngẩng cao, một cách linh lợi, đầy ý thức, một cách cao quý và sùng kính.

 

( 2010.10.16)

 

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

 

 

 

Hamvas Béla
Số lần đọc: 1919
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lý Thuyết Freud Đang Trở Thành Thời Thượng Ở Trung Hoa - Hiếu Tân
Nghĩ Về Nhan Đề “Bướm Trắng” Của Nhất Linh - Trần Văn Nam
Người đọc Phương Tây nói gì về các tác phẩm văn học VN đương đại? - Hoàng Hưng
Tây Tiến, Tuyệt Chiêu của Quang Dũng - Nguyễn Khôi
Nguyễn Duy – Hành Trình Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại - Đỗ Ngọc Thạch
Áng mây trắng xứ Đoài Quang Dũng - Văn Giá
Chiến-Đấu-Ca Và Bi-Hoài-Ca Song Hành Trong Bài Thơ Tây-Tiến - Trần Văn Nam
Nghĩ Về Ba Giai Đoạn Diễn Ý Của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trần Văn Nam
Cần Xem Xét Lại Mục Tiêu Dạy Học Tác Phẩm Chí Phèo - Phạm Ngọc Hiền
Nguyễn Khuyến - Mơ Màng Cuộc Thế Cũng Cầm Bằng 1 - Đỗ Ngọc Thạch