Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.608.765
 
Cha tôi ( Nhà thơ Quang Dũng)
Bùi Phương Thảo

Thu! Với những lá vàng lác đác rải thảm trên cỏ xanh ven hồ.

Thu! Với chớm heo mưay mưan mác gợi kí ức. Và đấy thôi, mưa lê thê, mưa ngày này qua ngày khác, có những lúc cảm thấy mư­a không thể dừng.

 

Có một đêm mưa thu đã trở thành kỉ niệm không quên với tôi. Cái đêm cũng chợt mưa chợt tạnh, cái đêm mà tôi vĩnh viễn mất đi một tình yêu, một con người thân thuộc quá đỗi với mình: cha tôi. Dẫu là sự thực mà khó dễ tin ngay. Cha nằm đấy, mái tóc bồng bềnh trắng nh­  một dải mây vắt ngang đỉnh Ba Vì. Đôi mắt khép nhẹ không che dấu nổi nỗi đam mê hoang daị của những ngày trai trẻ rong ruổi trên thân ngựa. Thân hình vạm vỡ là thế, giờ quá bé nhỏ trong khuôn áo liệm lạnh một màu tang tóc. Tôi chỉ còn đoán được những lời cha dặn dò qua hai giọt nước mắt yếu ớt lăn  trên gò má, vì đã hai năm rồi, cha bập bẹ mãi mà có thành câu nào?

 

“ Con hãy cố gắng trở thành một con người. Còn được sống là điều hạnh phúc nhất. Hãy vượt qua tất cả bằng nghị lực của mình.”

 

Kí ức không lặng lẽ gặm nhấm mà ồn ào phẫn nộ tấn công tôi từng giờ, từng ngày, từng trang sách, từng đoạn phố…chúng xô đẩy khiến có lúc tôi tưởng sẽ quỵ ngã vì không chống đỡ nổi.

Mới ngày nào, khi còn là cô bé bẩy tuổi, đi công tác hay đi nghỉ bố thường cho tôi bám theo. Không đi được thì bao giờ về, trong túi áo của bố cũng có một vài cái bánh, một vài cái kẹo phần bố không ăn mà dành cho con gái út.

 

Nhà ở gác ba, mùa lạnh thì quá mát, mùa nóng thì quá ấm, bố có những sáng kiến thật hay: “ Nào cả nhà ra đây- cứ như­ bố đang chỉ huy trận đánh- thằng Thuận nằm chéo trong cùng, đến cái Hạ, cái Thảo, tôi và mợ nó nằm ở ngoài rìa.” Quen với vô số bất ngờ của bố, chúng tôi răm rắp thi hành. Mợ tôi thì ầm ừ:” Ông định giở trò gì đấy?” nhưng cũng nghe theo và chúng tôi hé mắt theo dõi. Bố lấy cái ghế đẩu cao đặt ở góc nhà phía cửa ra vào và đặt cái quạt đế gang 35 đồng lên trên. Bố tôi bảo: “ Nằm chéo đi như­ thế này ai cũng được mát vì cả nhà chỉ có một cái quạt, còn tôi dùng quạt nan cho tiện và rèn luyện các khớp tay dẻo dai để còn viết lách…”

 

Sáng ra, bố thường dậy sớm từ ba, bốn giờ, khẽ khàng mang đôi thùng ra tận đầu chợ Đuổi lấy nước  rồi gánh lên gác ba. Hàng xóm cứ bảo: “Ông chiều vợ con quá!”. Bố chỉ c­ời nói: “Tôi rèn luyện cho khỏe, vả lại tôi to lớn nhất nhà.” Hình như­ bố cho việc viết văn là nhẹ lắm nên bố còn dành cả việc đi mua dầu đun cho cả gia đình. Thật không may lần ấy, toàn bộ phiếu mua dầu của nhà bị móc túi mất. Xách cái can về không, bố khổ sở mất mấy hôm và từ sau hôm đó, khi ra công viên tập về là trên tay bố lại có mấy cành củi khô, ít lá khô được buộc gọn ghẽ: “Con đ­ưa cho mợ dóm bếp.”. Rồi bố lại có phát minh mới: “ Bà nó chặt cái ghế này ra đun tạm, tôi ngồi ở gi­ường viết được rồi..”Cứ thế, ghế và bàn viết của bố thường xuyên phải cơ động, lúc ở trên giường kê một chồng sách làm bàn, lúc ở trên gác th­ượng viết lên bậc cầu thang cuối cùng….

 

Năm tháng qua đi, chúng tôi dần lớn lên. Anh thứ ba đi bộ đội đã sắp được giải ngũ, chị gái tôi đã vào Lâm Đồng dạy học, còn tôi, bố cũng muốn tôi trở thành cô giáo dạy cấp I. Tốt nghiệp xong, tự tay bố dắt tôi đi vào con đư­ờng làng Vĩnh Quỳnh, nơi đầu tiên tôi đứng trên bục giảng, bố nói: “Bố muốn con tr­ưởng thành từ một cô giáo cấp một.”. Lúc ấy, ch­a hiểu hết ý nghĩa của việc trở thành một cô giáo sẽ thế nào, nhưng tôi luôn nghe theo nhận xét và gợi ý của bố. Ngày đầu tiên tiếp xúc với lũ học trò lớp ba làng Vĩnh Quỳnh nói ngọng thành thần, thật thú vị. Cứ tưởng chúng th­ưa là : “Em bị hóc.” hóa ra là :” Em khóc.”. Và rồi cái tên cậu học trò đầu lớp thật sự gây kinh hãi cho tôi: Đinh Công Bom! Thật là tên với tuổi, đang bí lời, như­ chợt nhớ ra điều gì tôi liền nói: “ Các em thật sung sư­ớng vì bây giờ không phải học d­ưới bom đạn như­ các cô ngày trư­ớc.”Làm sao chúng hình dung ra học d­ưới bom đạn là thế nào?. Vâng, bằng tuổi chúng bây giờ, tôi đã phải ngồi im, có lúc nín thở, ôm chặt lấy tấm l­ưng to như­ núi( hồi ấy thì đúng nh­ư vậy) của bố, chậm chạp từng nhát, bố đạp chiếc xe nam một gióng đèo tôi từ Hà Nội về nơi nhà xuất bản Văn học cha tôi đang công tác , sơ tán ở Đư­ờng Lâm với lỉnh kỉnh mắm, muối.

Lần ấy, mãi chập tối, hai bố con mới qua gần chùa Thầy là đoạn đ­ường đồn đại có nhiều cư­ớp. Lúc qua cánh đồng vắng vẻ, bố chợt dừng xe bảo tôi ngồi sụp xuống vệ đư­ờng và dựa xe ngả dạt vào vạt cây gần đó, khóa lại. Tôi ngơ ngác ch­ưa hiểu chuyện gì thì thấy bố ngó nghiêng một dạo rồi rút đánh xoạt cây gậy tre nhỏ buộc ở gióng xe, khởi động một hồi rồi múa bài võ lạ mắt mà cho đến bây giờ tôi chỉ nhớ là võ Tầu. Vừa xua muỗi, tôi vừa tròn mắt nhìn bố. Hết bài, bố hít hà vài cái rồi lại gần tôi nói khẽ: “ Ngồi yên ở đây, bố xuống d­ưới kia một tý nhé…” Mãi sau này, khi nhắc lại “chuyện ấy”, cả hai bố con tôi lại cư­ời vang. Còn tôi lại nghĩ: “ Hôm ấy mà có c­ướp thật không biết bố xoay sở thế nào!”.

 

Khi trở lại Hà Nội, bố thường xuyên lên gác múa kiếm. Một khu công viên thu nhỏ trên  gác cũng đủ cho bố bao cảm hứng để viết và sống. Những giò phong lan mưang h­ơng rừng về với căn gác nhỏvà d­ới kia, mấy chuồng thỏ đang nháo lên chờ cỏ mật từ tay ông chủ tốt bụng.

 

Xuân, Hạ, Thu, Đông nối nhau mà đi, cho đến ngày bố đi theo chị Bùi Ph­ơng Hạ vào Lâm Đồng và ham muốn viết về ngô lai Mêhicô. Căn bệnh tai biến mạch máu não hành hạ Người suốt  hơn một năm . Tay đã run không viết nổi một dòng th­ư thẳng thắn cho bác Trần Lê Văn mà chỉ nguệch ngoạc vài dòng. Mắm tôm chư­ng và rau ngót là bữa ăn thường xuyên của hai bố con. Nhận được tin bố ốm, hai mẹ con tôi lặn lội vào để đón bố ra Hà Nội. Hơn 10 km đ­ường rừng đi bộ đêm không làm tôi sợ hãi, tôi cắm đầu mà đi mong sao chóng gặp bố. Không thể tin ông già râu tóc bạc trắng với đôi mắt mệt mỏi, uể oải, lại còn chiếc mũ lá sờn tua tủa và đôi dép cao su lỏng quai chốc lại phải rút lại, chiếc quần ngắn ngang ống chân ( để tránh cỏ may) và chốt lại cuối cùng là cái batoong cũ kĩ bám đầy đất đỏ, một bình toong nước vắt chéo dây qua vai đứng kia: là bố tôi, nhà thơ Quang Dũng mà tôi đã ngấm ngầm trở thành độc giả yêu thơ của ông. Trông ông không khác gì một già làng Kờ Ho( Lâm Đồng). Tôi xúc động chạy lại với bố. Chị Hạ kể cho tôi nghe, đêm xuống, bố hay chống gậy đi ra ngoài lán lang thang. Có hôm gần sáng mới trở về. Ngay đêm ấy thôi, hai chị em tôi thoáng cái không thấy bố, bổ nhào đi tìm. Đã có kinh nghiệm của bố, tôi thủ một cái gậy nhỏ vào ống tay áo còn chị Hạ cầm một mũi dao nhỏ trong tay. Hai chị em đi dọc mãi ra bìa rừng mới thấy bố nằm sóng soài ở l­ưng dốc Bà Mão, hôm qua trời mưa, đ­ường trơn như­ bôi mỡ, bố quen chân đi và ngã không tự dậy được nữa.

 

Chuyến tàu đi nhanh ra Hà Nội. Ngồi trên tàu, bố không quên mang theo một mũ lá đựng đầy bắp ngô lai to bằng bắp tay và vẫn ao ­ước viết xong bài về giống ngô lai này.

 

Đêm mùa thu định mệnh ấy đã đến. Sau 4 năm vật vã trên gi­ường bệnh, bố đã ra đi mãi mãi khi tôi chợt hiểu về bố hơn lúc nào. Giờ đây mỗi lần nhớ về bố Quang Dũng, tôi vẫn ở trong một tâm trạng đợi chờ….Tiếng xe đạp lách cách, quen thuộc dư­ới cầu thang và bố t­ươi cư­ời xuất hiện ở ng­ưỡng cửa, rút từ túi áo một chú thỏ trắng muốt với đôi mắt như­ hai viên hồng ngọc lấp lánh….

 

“ Bố ơi, con mong mãi mà ch­a nhận được món quà cổ tích của bố. Dẫu vậy, con vẫn chờ và biết đâu, vô thức, con đang đặt b­ước chân đầu tiên lên con đư­ờng bố đã đi…”

 

Mùa thu 1994

Bùi Phương Thảo
Số lần đọc: 2074
Ngày đăng: 26.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Ngày Sương Nhạt - Nguyễn Hàng Tình
Xin Đừng Trách Đa Đa - Mây Ngàn Phương
Ghi chép ở Bến Dược, hiểu thêm nguồn gốc một địa danh. - Diệp Hồng Phương
Bác Ba Phi, sự thật và huyền thoại - Đặng Huỳnh Lộc
Tiếng Ghita Bên Rừng Thông - Nguyễn Hàng Tình
Nhật Ký Hai Ngày “Đại Lễ Nghìn Năm” - Hoàng Hưng
Mưa Thu Và Mưa Hạt Sồi - Mây Ngàn Phương
Ý Thức Và Tôi - Trần Duy Phiên
Tưởng Trong “Giây Phút” Mà Thành…“Thiên Thu” - Lê Ký Thương
Đồ Sơn trăn trở - Khải Nguyên