Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
828
116.526.221
 
Quãng đời lấm láp
Phạm Đình Trọng

Đến vùng biên Gò Mun lần tìm nguồn mạch những dòng chảy hàng lậu từ bên kia biên giới tràn sang, tôi được nghe từ người lính biên phòng đến anh cán bộ hải quan đều nhắc đến “Chiêm thầu đai”, một cao thủ hàng đầu trong các trùm buôn lậu. Qua cách nói của họ tôi nhận ra trong sự tự ái nghề nghiệp vì họ thường bị Chiêm qua mặt, còn có cả sự nể phục! Tư Chiêm à ? Lại cả những thủ đọan tinh khôn ranh quái trong đánh hàng lậu của “Chiêm thầu đai” cũng có gì giống sự tinh khôn từng trải của “Chiêm cá dói”, lính trinh sát ngày nào! Nếu Chiêm hàng lậu hôm nay lại đúng là Chiêm trinh sát anh hùng ngày trước thì oái oăm quá nhỉ! Tôi thầm mong đừng có chuyện đó nhưng linh cảm cứ mách tôi đó là sự thật! Và tôi đi tìm gặp Chiêm với nỗi khấp khởi mong được gặp lại người quen cũ mà tôi vẫn quí mến.

 

Nhá nhem tối tôi mới đến căn nhà gỗ lợp lá thốt nốt của Chiêm nằm bên con đường băng qua cánh đồng trống. Ngôi nhà rộng đầy đủ tiện nghi như ở thành phố nhưng vắng lặng. Chỉ có vợ Chiêm và đứa con nhỏ ở nhà. Gặp vợ Chiêm, chỉ sau vài câu thăm hỏi tôi đã nhận ra điều linh cảm của tôi là đúng. Nước da đen mịn như hun khói, dáng mỡ màng tròn lẳn như trái dừa, nguồn gốc Khờme của vợ Chiêm còn được nhận ra ở tên gọi, Sa Mết, được Chiêm Việt hóa là Sa Thị Mến! Ánh mắt long lanh của người đàn bà khi nhắc đến cái tên Việt tỏ ra chị rất hài lòng với quà tặng của ông chồng Tư Chiêm. Trong các giấy tờ anh Tư đều khai tên em là Sa Thị Mến rồi mới ghi tên Sa Mết trong vòng đơn. Nhiều lúc ảnh còn kêu em là Xa mết Gần mệt! Này em Xa mết Gần mệt chạy ra mua cho anh bao Hêrô. Có bữa em hỏi ảnh: Sao, anh Tư thấy gần em mệt dữ ta? Ảnh cười: Anh chồng nào gần vợ mà chả phải mệt vì các bà! Nhưng thằng chồng đi xa mà vẫn mê mết vợ là hiếm lắm đấy! Bà vợ ấy có phước lắm đấy! Tôi đã nhìn thấy cái phước đó hiển hiện trên gương mặt Sa Thị Mến đang ngời ngời rạng rỡ! Mồm mép tép nhảy của Chiên, tôi đã từng biết nhưng tài nịnh vợ này thì đến nay tôi mới phát hiện ra!

 

Hồi vùng biên giới này còn khét lẹt lửa đạn tôi đã đến đơn vị trinh sát nổi tiếng cả mặt trận gặp tiểu đội trưởng trinh sát Vũ Chiêm. Tôi đã có bài báo viết riêng về anh. Hồi đó anh đang yêu và anh cũng cảm nhận được cuộc tình của anh sẽ nhiều trắc trở, rắc rối nên ngoài những người bạn lính gần gũi, chuyện yêu đương của anh, ai biết đến đâu thì biết, còn với người khác, anh không hề hé lộ. Nhưng anh đã kể mọi điều với tôi và hỏi ý kiến tôi, tôi bảo hãy hỏi trái tim Chiêm ấy! Lúc đó cuộc tình này mới chỉ có đoạn khởi đầu. Đến nay Sa Thị Mến mới kể tiếp đoạn sau.

 

Mười bảy tuổi đã vào du kích, Sa Mết trở thành người dẫn đường đưa tiểu đội trinh sát của Chiêm vừa chân ướt chân ráo đến vùng đất này đi địa hình. Sau những đêm có Sa Mết dẫn đường, đêm đầu tiên tiểu đội Chiêm tự len lỏi vào sâu đất giặc chuẩn bị cho trận đánh tập kích của đơn vị thì gặp sự cố. Gần sáng, sắp về đến đơn vị, đã có thể dồn đội hình rì rầm nói chuyện bỗng phát hiện ra thiếu Duy, chiến sĩ mới. Đợi mãi vẫn không thấy! Lạc đường rồi! Lính trinh sát đi lạc là chuyện thường. Thời đánh Mĩ, lạc rừng, nhịn đói vài ngày, nếu không tìm được đơn vị mình thì cũng gặp đơn vị bạn. Đánh bọn Pônpốt này lại khác. Chúng chui rúc, xục xạo, giăng quân, rải mìm khắp nơi! Lính mới lớ ngớ không rơi vào ổ phục cũng lạc vào bãi mìn! Chiêm quyết định để tiểu đội phó dẫn quân về báo cáo đơn vị, anh gom lương khô còn lại của anh em cho vào bòng đeo lưng rồi ôm AK quay lại đất giặc. Tình thế này lại phải cần đến Sa Mết. Chiêm đi tìm Sa Mết và cùng cô mò mẫm qua những bãi mìn, những chốt giặc, những ổ phục kích dày đặc.

Tôi đã được nghe Chiêm kể tỉ mỉ về cuộc tìm kiếm đồng đội đầy hiểm nguy này nhưng tôi sẽ không nhắc lại những tình huống ngặt nghèo đến thót tim. Tôi chỉ nói chuyện bất thường trong trái tim hai con người quả cảm. Hai ngày ba đêm đi tìm chiến sĩ, anh tiểu đội trưởng trinh sát và cô du kích trẻ đã tìm ra nhau, tìm ra tình yêu của chính họ! Giữa mìn giăng và họng súng, giữa cái chết rình rập, anh lính trinh sát đã được sống những giây phút ngây ngất thần tiên của tình yêu.

Đi lạc rồi bị dính mìn nát bàn chân, trinh sát Duy lần vào một phum trù phú bỏ hoang, bốn bề dày đặc lính Pônpốt. Anh tìm chỗ giấu mình và kiên trì chờ đồng đội tìm đến. Đêm thứ ba, Chiêm và Sa Mết đã tìm thấy anh. Từ sự từng trải chiến trận, Chiêm qui định cho mỗi chiến sĩ trong tiểu đội một kí hiệu riêng. Đi lạc, đi công tác lẻ cần liên lạc với đồng đội thì phát kí hiệu đó. Kí hiệu của Duy là ba chấm, hai chấm liền nhau và một chấm hơi xa phía bên phải. Đi trong đêm tối, Chiêm căng mắt, lắng tai để nhận ra những chớp sáng, những tiếng nổ bất thường. Không thấy hai tiếng nổ gần nhau và một tiếng nổ thưa ra! Không thấy hai chớp đèn liên tiếp và một chớp đèn ngắt ra! Bỗng Chiêm thấy một vệt trắng lờ mờ trên thân cây. Một cây cao su bỏ hoang bị một vết chém bạt mất mảng vỏ, nhựa chảy ra trắng mờ. Chiêm đưa tay sờ lên phía trên mảng nhựa trắng liền nhận ra ở thân cây hai vết chém liền nhau và một vết chém hơi xa phía bên phải. Duy đây rồi! Dòng nhựa cao su đã se đặc là vết chém đã qua hai, ba ngày. Chiêm và Sa Mết cứ lần theo ám hiệu ấy, có chỗ là ba tảng đá xếp bên lối mòn, có chỗ là ba vỏ đạn cắm vào bẹ chuối trắng, có chỗ lại là ba vết máu in trên mảng tường đổ.

Khi Chiêm cõng Duy về đến đơn vị thì bòng lương khô trên lưng anh cũng vừa cạn! Nhưng cái bòng lương thực của trái tim anh thì cứ mãi căng đầy từ đấy! Sau này cánh trinh sát thường đùa rằng cậu Duy đi lạc là do  a trưởng cố tình bố trí để a trưởng có cớ dẫn cô Sa Mết vào rừng cao su! Nghe nói thế, Chiêm chỉ cười. Không phải a trưởng bố trí mà là duyên số sắp đặt đấy các cậu ạ!

Khi Chiêm cùng đơn vị truy đuổi bọn Pônpốt đến tận Poipét rồi ở lại đó, Sa Mết mới biết mình đã có bầu. Gần đến ngày Sa Mết sinh, Chiêm mới trở về làm đám cưới. Sau đó ít ngày, Chiêm ra quân về ở lại đây luôn. Bốn đứa con. Con trai đầu trong giấy khai sinh có tên là Vũ Mùa, cái tên do mẹ nó đặt cho để tương xứng với bố nó là Vũ Chiêm. Nhưng Tư Chiêm lại gọi nó là thằng Cao Su và Cao Su trở thành tên gọi thường ngày của nó! Không hiểu cái tên Cao Su ấy có liên quan gì đến cái rừng cao su trong câu chuyện đùa tếu ngày nào của lính trinh sát? Hai đứa con gái kế đã lấy chồng. Đứa con trai nhỏ mới sinh khi Chiêm đã trở thành ông chủ thầu đai.

Tuổi ngoài bốn mươi, người đàn bà tròn lẳn như trái dừa còn đầy sức sống và đôi mắt loang loáng còn đầy sức cuốn hút. Anh lính trinh sát tuổi ngoài hai mươi bị đôi mắt này ở tuổi mười bảy nhấn chìm là điều dễ hiểu, không có gì bất thường! Chỉ có điều bất thường là anh lính trinh sát đầy chiến công lại trở thành trùm buôn lậu! Điều bất thường ấy có phải cũng từ đôi mắt long lanh kia? Chợt người đàn bà khẽ reo:

- Anh Tư về đó!

Tôi nhìn ra cửa. Vẫn vắng lặng! Nhận ra trên vẻ mặt tôi là câu hỏi đâu? Chiêm đâu? Người đàn bà lại nói:

- Tiếng xe máy của ảnh đang về đó!

Tôi lắng nghe. Từ lúc tôi đến đây vẫn luôn có tiếng xe máy rì rầm lúc xa, lúc gần. Bây giờ cũng vẫn thoang thoảng tiếng rì rầm đó. A, tiếng xe máy đang lớn dần lên! Đến lúc ánh đèn pha lia vào nhà loang loáng tôi mới tin điều Sa Thị Mến nói là đúng. Nhận ra tiếng xe của chồng từ trong mơ hồ xa xôi, người vợ đó phải yêu chồng lắm! Tiếng xe máy tắt trước thềm. Người đàn ông vâm váp bước nhanh vào nhà, đứng sững lại nhìn tôi rồi vồ lấy tôi, xiết tôi trong hai gọng kìm tay cứng cáp:

- Anh Ba! Hơn hai mươi năm rồi anh vẫn còn nhớ em, tìm đến em, anh cưng em dữ ta! Em đi công chuyện nghe nói có ông nhà báo tên Ba đến nhà tìm, em quay về nhưng vẫn chưa tin là anh. Trời ơi, đúng anh Ba nè!

Tôi cố vùng vẫy trong vòng tay Chiêm:

- Làm sao quên được Chiêm cá dói!

Chiêm thả tôi ra, đứng ưỡn ngực như người lính làm động tác báo cáo trước chỉ huy:

- Chiêm cá dói đây! Thằng lính trinh sát được bộ tư lệnh thông báo tuyên dương toàn mặt trận đây! Nhưng bây giờ chẳng còn ai biết đến Chiêm cá dói nữa! Người ta chỉ biết có Chiêm thầu đai, Chiêm buôn lậu thôi!

Tôi nhìn vào đôi mắt Chiêm, đôi mắt không còn đỏ như mắt cá dói nữa, hỏi:

- Sao lại có cái tên ghê gớm ấy?

- Em là thầu đai, là chủ một đường dây buôn lậu kiếm sống nuôi vợ con chứ có gì ghê gớm đâu anh! Cuộc đời xoay vần, em cũng phải xoay chuyển theo thôi chứ biết làm sao! Rồi em sẽ kể anh nghe quãng đời trần ai của em, còn trần ai gấp nhiều lần thời quần nhau với bọn Pônpốt! Với anh, em chẳng cần phải dấu diếm gì. Nhưng em phải giới thiệu anh với vợ em đã.

 

Chiêm đưa mắt tìm vợ và gọi to: Em ơi! Vợ Chiêm chạy ra đứng bên chồng.

- Anh Ba nhà báo đó em! Bài báo viết về anh thời lính trinh sát mà em vẫn giữ, anh Ba viết đó! Cả bức hình cũng anh Ba chụp luôn! Tiếc là hồi đó anh Ba chưa gặp em. Nếu gặp, có khi anh Ba còn viết về em dài hơn cả bài viết về anh nữa vì em còn đáng viết hơn anh nhiều! Bài báo em giữ hơn hai muơi năm, nay mới gặp người viết, mừng dữ ta! Chào anh Ba rồi em có món gì đãi anh Ba đưa ra đi!

 

Vợ Chiêm bày đồ ăn, bia lon lên bàn rồi lại lui vào gian nhà trong với đứa con nhỏ đã ngủ say. Hóa ra Chiêm không phải là dân nhậu! Mới nhấp một chút bia, mặt Chiêm đã đỏ bừng. Từ đó Chiêm chỉ rỉ rả nói chuyện, chốc chốc lại kéo thật sâu một hơi thuốc lá làm điếu thuốc đỏ bùng lên. Tôi cũng không phải là dân nhậu. Tôi chỉ thực sự thưởng thức và thú vị với hương vị bia ở lon đầu tiên. Đến lon thứ hai, thứ ba vẫn uống được nhưng không thú vị nữa! Lon bia đầu tiên của tôi vẫn đang còn nặng tay. Chợt nhớ một câu chuyện trong cuộc đời lính trinh sát của Chiêm hơn hai mươi năm trước là có lần Chiêm bị bọn Pônpốt bắt, bị trói vào gốc cây giữa những lán hầm lính, tên lính gác đi lại sát bên cạnh, thế mà đêm đó Chiêm vẫn trốn thoát, Tôi bảo Chiêm:

- Bị bọn Pônpốt bắt cậu vẫn trốn được nhưng cậu lại không thoát được đôi mắt nhung của cô Xa mết Gần mệt để rồi thành trùm buôn lậu!

Chiêm cười:

- Anh cũng biết cái tên đó của vợ em à? Thế thì cô ấy kể hết mọi chuyện với anh rồi còn gì! Em không thoát được đôi mắt hun hút của Sa Mết nhưng em sẽ thoát cảnh đi hàng lậu hiện nay nếu hồi đó đơn vị cư xử với em khác đi!

Tôi ngạc nhiên:

- Sao, việc buôn lậu của cậu lại dính cả tới quãng đời lính ngày trước à?

Giọng Chiêm chùng xuống:

- Sao không dính được, anh! Nếu đơn vị chấp nhận cho em được lấy Sa Mết, rồi em vẫn đi học sĩ quan, thì làm sao em có thể trở thành trùm buôn lậu được!

 

Sao? Cuộc tình Sa Mết của cậu lại lắm trắc trở vậy sao? Tôi hỏi và Chiêm lại dốc nỗi niềm. Đuổi bọn Pônpốt đến sát biên giới Thái Lan, đơn vị em dừng lại đó xây dựng chính quyền nhân dân và tổng kết chiến dịch. Em được đơn vị cho viết báo cáo thành tích để trên xét khen thưởng. Đơn vị đã bình xét và đang làm hồ sơ đề nghị nhà nước tặng danh hiệu anh hùng cho em. Em còn có trong danh sách được cử đi đào tạo sĩ quan. Trước khi đi học, đơn vị sẽ kết nạp đảng cho em. Chính trị viên đại đội đã về quê em xác minh lí lịch. Mọi thủ tục đã xong, chỉ còn chờ quyết định của đảng ủy cấp trên. Đúng lúc đó em nhận được thư Sa Mết báo tin cô ấy đã có bầu! Rắc rối đây! Chính trị viên đại đội đã nhiều lần nhắc em muốn tiến bộ thì phải chấm dứt mối quan hệ tình cảm với Sa Mết! Bây giờ lại phải báo cáo với ổng chuyện này!

 

Chính trị viên đại đội là cán bộ xã được động viên nhập ngũ trong những đợt vét quân hồi cuối cuộc chiến tranh chống Mĩ nên tuổi ông phải gấp đôi tuổi em. Ông rất quí em, coi em như con. Mọi dự định tốt đẹp về tương lai của em đều do ông đề xuất lên trên. Vì thế cơn thịnh nộ của ông trút xuống đầu em thật dữ dội khi em cầm thư Sa Mết lên gặp ông. Sao lại đổ đốn thế, hả? Đồ vô kỉ luật! Đồ thoái hóa biến chất! Đồ tồi! Thôi dẹp! Không đảng, không sĩ quan, không anh hùng gì cả! Đảng nào, quân đội nào chấp nhận một thằng hủ hóa đồi bại! Thôi, giải tán!

 

Ông vẫn có thói quen kết thúc cuộc họp, kết thúc cuộc trò chuyện với cấp dưới bằng câu nói dõng dạc đó! Nhưng em vẫn ngồi đó! Em thấy mọi việc thật đơn giản, không có gì nghiêm trọng cả! Em chưa vợ. Sa Mết chưa chồng. Tuy gốc gác Khơ me nhưng Sa Mết vẫn là người Việt đã cùng bộ đội gan dạ chiến đấu chống bọn Khe me đỏ lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam! Không có lí do gì để không chấp nhận Sa Mết, không chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng em! Sa Mết đã có bầu thì đơn vị cho em vài ngày về làm đám cưới rồi em trở lại đơn vị tiếp tục mọi việc đang tiến hành. Nếu mọi việc diễn ra như thế thì bây giờ có lẽ bọn em đang sống trong một khu tập thể gia đình quân đội nào đó. Cuộc sống bộ đội tuy còn vất vả nhưng đơn giản, thanh thản, rất phù hợp với bọn em.

 

Kéo một hơi thuốc dài, Chiêm tiếp:

- Thấy em vẫn ngồi đó, chính trị viên đại đội dịu giọng bảo: Bao nhiêu năm ra sống vào chết, anh hùng như thế mà bây giờ lại hỏng vì một đứa con gái! Tiếc lắm! Uổng lắm! Chỉ có một cách cứu vãn là coi như không có chuyện đó! Coi như không có cô Mết Mệt nào cả! Quên nó đi! Kết nạp đảng rồi đồng chí cứ đi học về xây dựng quân đội. Chuyện vợ con sẽ làm lại từ đầu! Thiếu gì con gái mới lớn tươi ngon như trái chín cây đang chờ đồng chí ở quê. Tôi ở đây sẽ giải quyết êm thấm mọi chuyện cô Sa Mết cho đồng chí! Đó, chỉ có cách đó thôi! Tôi chọn cách đó là muốn mở hướng tiến cho đồng chí để đồng chí phục vụ quân đội lâu dài! Qua thử thách trong chiến tranh, những người như đồng chí là vốn quí của quân đội! Chúng tôi chịu trách nhiệm trước đảng việc phát hiện và bồi dưỡng vốn quí đó! . . . Ông còn nói dài lắm. Em cũng nhận ra những điều ông nói đều là gan ruột chân thành cả nhưng em vẫn không thể chấp nhận được! Coi như không có chuyện Sa Mết, coi như em không liên quan đến cái thai của Sa Mết thì mới được quân đội chấp nhận, mới được đi đào tạo sĩ quan, mới được khen thưởng! Phải nhẫn tâm, giả dối, ích kỉ mới được chấp nhận sao? Không, em không làm như thế được! Đợi chính trị viên nghỉ lấy hơi em liền nói rõ suy nghĩ của em rồi em rời khỏi nhà chỉ huy đại đội. Tuy vậy, sau đấy em vẫn chờ đợi. Nhưng không còn ai nhắc đến chuyện khen thưởng, chuyện đi học, chuyện kết nạp đảng cho em nữa! Tất nhiên cả chuyện phong Anh hùng cũng không bao giờ có nữa! Thế là em chỉ còn một lựa chọn: Ra quân về sống với Sa Mết.

- Rồi trở thành trùm buôn lậu từ đó? Tôi hỏi.

Chiêm lắc đầu:

- Anh tưởng buôn lậu dễ thế sao? Phải rập mặt làm thuê đã! Dân ở đây ngoài mấy người có ruộng tốt hoặc có tiệm buôn bán, có nghề gia đình còn lại hầu như đều đi đai hàng lậu thuê cho mấy ông chủ thầu đai. Vợ sắp sinh mà tiền khôntg có, em lập tức phải tham gia vào đội quân chỉ cần có sức và có máu liều. Làm chủ thầu đai phải có đầu, có mối quan hệ bạn hàng và có vốn. Lính trinh sát anh nào cũng phải có đầu. Mối quan hệ bạn hàng cũng không khó. Chỉ có vốn là khó! Vợ đẻ liền ba đứa con, làm không đủ đút mồm, em phải mất hơn mười năm làm thân lừa mới có được chút vốn. Em trở thành chủ thầu đai còn nhờ có một may mắn là ông chủ đai của em sau khi đã có lưng vốn kha khá liền ra thành phố làm ăn, giao lại cho em toàn bộ mối làm ăn của ông. Từ đó đến nay chưa được bốn năm!

- Bốn năm đã đủ lưng vốn để làm như ông chủ trước chưa?

- Làm ăn bây giờ khó lắm anh à! Lực lượng chống buôn lậu ra tay quyết liệt! Các chủ đai lại cạnh tranh sát phạt nhau dữ dằn lắm! Sơ xảy là chết! Không thể làm liều, không thể làm lớn như lúc đầu. Lại phải chi phí bôi trơn rất lớn nên tích lũy chậm lắm!

 

Đắn đo mãi tôi mới nói được một lời khuyên đối với Chiêm:

- Kiếm tiền cũng quan trọng! Nhưng kiếm tiền bằng cách nào còn quan trọng hơn! Con người ta khác nhau là ở chỗ đó, Chiêm ạ!

Chiêm thở dài:

- Cuộc sống thúc bách, em cứ phải nhắm mắt đưa chân! Em bước vào nghề đai thuê rất tự nhiên vì coi đó chỉ là lao động làm thuê, kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Đi đai thuê mà lại có một chút đầu óc thì ai cũng muốn thành chủ đai! Thế là từ đai thuê lên chủ đai cũng rất tự nhiên, như vô thức vậy! Em đã là trùm buôn lậu! Thật không ngờ! Đã đâm lao phải theo lao! Công việc đã vào guồng quay, đã có quán tính nên cứ bị hút mãi vào, không dừng lại được! Nhưng gặp lại anh, trong em như có cái giật mình, giật mình đến sững lại!

 

Tôi động viên Chiêm:

- Cuộc sống bây giờ đã mở, không còn bó chân, bó tay, bó cả đầu óc như trước nữa. Có đầu óc thì thiếu gì cách làm ăn đàng hoàng! Tôi rất tin ở đầu óc Chiêm. Trước đây trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, Chiêm vẫn tìm được lối thoát. Như cái đận Chiêm bị bọn Pônpốt bắt chẳng hạn. Hoàn cảnh hiện nay làm gì khó bằng lúc đó?

- Em cũng thấy thế. Nhưng anh để cho em làm hết vụ hàng tết đã!

- Thôi, đừng nấn ná nữa! Chấm dứt ngay đi!

Chiêm giải thích:

- Đợt hàng tết là vụ làm ăn lớn nhất trong năm. Em đã ém hàng đầy đủ rồi. Chỉ còn đợi đến giờ G là thông hàng. Anh yên tâm đi, em sẽ chấm dứt quãng đời lấm láp này trước ngày ông Táo về Trời!

Tôi biết con người Chiêm, lời nói là đinh đóng cột. Rót đầy hai li bia, tôi đưa li bia cho Chiêm và nâng li của tôi lên:

- Thế nhá! Nào, cạn li! Li bia này như li rượu thề của quân tử xưa cam kết trước một việc lớn đấy!

Cụng li. Uống một hơi cạn li bia, Chiêm lại nắm chặt tay tôi.

 

Chia tay Chiêm, tôi cũng lập tức bị cuốn vào đợt làm báo tết. Viết báo nhà rồi còn phải “chạy xô” thêm vài báo nữa. Lo tết cho thiên hạ xong lại phải lo tết cho nhà mình. Đến lúc gửi thiệp tết cho bạn bè mới sực nhớ đến Chiêm. Gửi thiệp tết cho Chiêm đúng vào  ngày ông Táo về Trời lại chợt nhớ mốc thời gian Chiêm đã hứa chấm dứt quãng đời lấm láp, tôi liền gọi điện cho Chiêm. Nhưng lần nào bấm máy cũng “Thuê bao quí khách vừa gọi không liên lạc được” là làm sao? Điện thoại riêng của Chiêm có khi nào tắt máy đâu! Có vẻ như có chuyện không bình thường! Trong nỗi băn khoăn, tôi mở sổ tay tìm số điện thoại của đồn trưởng biên phòng, người gần gũi thân tình với tôi trong suốt đợt tôi về đó viết bài. Đồn trưởng rất bất ngờ và xúc động về cú điện thoại đường dài của tôi gọi đến chúc mừng năm mới. Tôi hỏi thăm hoạt động chống hàng lậu dịp tết của đơn vị và tiện thể hỏi về Chiêm, đối tượng buôn lậu nổi cộm. Đồn trưởng nói như reo báo tin: Chúng tôi vừa kéo được mẻ lưới lớn, bắt tại trận trùm buôn lậu Tư Chiêm cùng chuyến hàng rượu tết lớn chưa từng có! Nhà báo về viết vụ này đi, nhiều chuyện hay lắm! Tiền, tình, ân, oán đủ cả! Lâm li bi hài như tích cải lương! Tôi hỏi thêm sơ qua vụ việc rồi cúp máy. Chiêm bị bắt cũng dễ hiểu. Nhưng sao lại còn tình tang ân oán nữa?

 

Không đồng tình về cách làm ăn của Chiêm nhưng nghe tin Chiêm bị bắt, tôi cũng buồn và tiếc cho Chiêm. Đối với tôi, Chiêm là người anh hùng lỡ cơ đã trượt dài trong sự lỡ cơ đó! Tuy vậy, Chiêm vẫn là con người trung thực, mọi tốt xấu đều rất rõ ràng. Con người ấy còn lương thiện hơn nhiều kẻ buôn lậu chức tước, buôn lậu dự án, buôn lậu cả học hàm học vị! Buôn lậu đấy nhưng người ta bình thường hoá là “chạy”, chạy chúc, chạy quyền, chạy dự án, vân vân. Cả xã hội đều biết những chuyện buôn lậu ấy. Nhiều người còn biết rõ cả những quan chức buôn lậu! Thế mà họ vẫn đường đường phương diện quốc gia trên ngôi vị quan chức nhà nước, chẳng ai lộ mặt cả! Chiêm sống thật quá, rõ ràng quá! Cái tốt, cái xấu cứ lồ lộ cả ra! Cái tốt lừng lẫy chiến công anh hùng thì không được nhìn nhận! Cái xấu buôn lậu đã bị bắt quả tang thì sẽ xét theo luật hình! Các cơ quan chống buôn lậu ở chỗ Chiêm tôi đều thân thiết, tôi có thể nói với họ để nhẹ tay phần nào với Chiêm. Nhưng tôi biết Chiêm rất sòng phẳng, dám làm dám chịu, chẳng đời nào Chiêm cần tôi làm việc đó. Dù sao tôi vẫn ra bến xe, nhảy lên chiếc ô tô tốc hành đang đón khách đi Gò Mun. Chiêm vừa là con người tôi yêu quí trong cuộc đời, vừa là nhân vật trong bài viết thu hút sự quan tâm của tôi. Tôi cần biết điều gì đã đến với Chiêm?

 

Tôi bước vào nhà đột ngột làm cho Sa Mết giật mình, cái giật mình của người đang thảng thốt, đang nơm nớp lo âu! Nhận ra tôi, Sa Mết kêu lên: Anh Tư bị bắt rồi, anh Ba à! Tôi hỏi: Sao lại để bị bắt? Từ cửa, một thanh niên cao lớn bước vào nhà. Sa Mết nói: Thằng Cao Su đó, anh Ba! Thằng Cao Su khoanh tay chào tôi. Chà, cao lớn sức vóc hệt bố! Đi sau Cao Su là một cô gái mà mới thoạt nhìn tôi đã phải thầm kêu Con gái Chiêm đẹp đến thế này a ? Mẹ đen mun, bố cũng chẳng khá hơn mà con gái có nước da trắng hồng, mỏng tanh. Cặp môi không có dấu son cũng đỏ mọng. Đứa con gái thoáng nhìn tôi rồi cúi mặt theo Cao Su đi vào gian nhà trong. Nhìn theo đứa con gái đi khuất, Sa Mết bực bội nói:

- Tất cả là từ con đó!

Tôi hỏi:

- Nó là đứa thứ mấy của Sa Mết?

Sa Mết càng giận dữ:

- Nó là con quỉ, đâu phải con em!

Chắc con nhỏ làm điều gì dại dột để má nó giận! Tôi nghĩ thế. Nhưng không phải! Đứa con gái mặt hoa da tuyết kia là Tiểu Muội, con gái Mã Lềnh, một trùm thầu đai người Hoa ở chợ Nor Xam Om bên Campuchia chuyên mặt hàng rượu tây. Mã Lềnh làm ăn lớn, không ai dám đụng hàng của Mã. Muốn làm hàng rượu tây phải qua Mã. Nhưng từ tết năm ngoái, Chiêm đã dám cả gan mó dái ngựa, thầu cả hàng rượu tây! Thế là con ngựa Mã Lềnh liền cho Chiêm biết nó không phải chỉ có sức mạnh của bốn vó mà còn có cái đầu quỉ quyệt của con cáo!

 

Từ sau tết năm ngoái, con gái Mã Lềnh đang độ khoe sắc bỗng đem cái nhan sắc rực rỡ ấy thường xuyên qua lại với con trai Chiêm là thằng Cao Su được Chiêm cắm ở chợ Nor Xam Om làm một đầu mối của đường dây chuyển hàng. Anh chàng Cao Su hai mươi ba tuổi lớn xác đã rành chuyện buôn bán nhưng còn ngờ nghệch trước đàn bà liền bị hạ gục trước sắc đẹp mê hồn của cô gái Hoa mười tám tuổi! Những bí mật tổ chức làm ăn của bố được Cao Su lôi ra hết làm quà cho người đẹp và cũng để khoe bản lĩnh làm ăn của mình! Những bí mật ấy lập tức đến tai Mã Lềnh và trở thành nguồn tin của quần chúng báo cho cơ quan chống buôn lậu! Và chuyến hàng cuối cùng lớn nhất của Chiêm đã đi thẳng vào ổ phục của lực lượng biên phòng! Trời ơi, đúng là tiền, tình, ân, oán, lâm li bi hài! Đã dằn mặt nhau đến như thế sao con ranh Tiểu Muội vẫn còn cặp kè với thằng Cao Su nhà này làm gì nữa ?

Sa Mết rầu rĩ:

- Anh Ba coi, thế có rầu ruột không? Anh Tư bị bắt ít ngày thì con nhỏ đó lại đến gặp thằng Cao Su khóc lóc rằng đến bây giờ nó mới biết là nó đã thương thằng Cao Su thiệt lòng và nó đã mang bầu, mầm sống nó đang mang là dòng máu nhà họ Vũ! Nó dẫn cả lão Mã Lềnh ba nó đến gặp em. Lão Mã Lềnh nói chắc chắn rằng Ngộ đã liên hệ xin được chịu phạt hành chánh, pảo đảm cả người và hàng đều được trả lại đầy đủ. Tiền phạt ngộ cũng chịu hết! Xin xóa bỏ hận thù, hai nhà hòa hiếu để hai đứa nhỏ được thương yêu nhau. Nhưng anh Tư không chịu. Anh Tư bảo hai đứa nhỏ có thương nhau hay không, có thành vợ thành chồng hay không là việc của hai đứa! Còn việc của anh Tư, anh Tư tự giải quyết, không cần đến Mã Lềnh!

 

Nghe chuyện tôi càng sốt ruột muốn gặp Chiêm. Với tư cách nhà báo và với mối quan hệ của tôi với nơi đang giam giữ Chiêm, tôi có thể xin gặp Chiêm trong trại tạm giam. Nhưng chiều đã muộn, đành đợi đến mai!

 

Chiều hăm ba tháng chạp, bao nhiêu việc ở gia đình cần có người đàn ông thế mà tôi thì ngồi thu lu chẳng biết làm gì ở góc biên giới xa xôi còn Chiêm thì bó gối trong trại giam. Cái gia đình này đang còn cần sự xốc vác của Chiêm. Đã sang tuổi xế chiều thế mà còn phải mất thêm một quãng thời gian tù tội trả giá cho quãng đời lấm láp vừa qua, rồi Chiêm có còn xốc vác được nữa không? Ôi chao, nghĩ mà sốt ruột!./.

 

 

Phạm Đình Trọng
Số lần đọc: 1682
Ngày đăng: 30.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Thầy Dạy Búp Bê - Phan Trang Hy
Thế Kỷ Nào - Đặng Kim Côn
Ngôi Nhà - Võ Tấn Khanh
Good-bye days - Vũ Lập Nhật
Mùa Nước Nổi - Nguyễn Minh Phúc
Ông Bầu - Nguyên Minh
Thầy Thích - Kinh Dương Vương
Những mảnh vỡ (23) - Nguyễn Thị Hậu
Chùa Cô Ba - Mang Viên Long
Không Tìm Thấy Biển - Hồ Việt Khuê