Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
753
116.500.070
 
Về Một Thuật Ngữ Thuộc Văn Hoá Học
Ngô Phương Quốc

Trong Bản sắc dân tộc và yếu tố hiện đại trong sáng tác điện ảnh hiện nay(1), Trần Luân Kim (chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam) đã định nghĩa(2) về bản sắc dân tộc như sau: “Bản sắc dân tộc là cốt lõi, cốt cách, là biểu trưng sắc thái riêng của hồn dân tộc”(3). Theo tôi, đó là định nghĩa thiếu chính xác về bản sắc dân tộc, một khi nhìn nhận khái niệm bản sắc dân tộc thiếu chính xác, tất yếu, việc bàn luận về Bản sắc dân tộc và yếu tố hiện đại trong điện ảnh của Trần Luân Kim cũng thiếu chính xác.

 

Vậy bản sắc là gì?

 

Theo Karl Haußer thì “người ta hiểu bản sắc là việc xử lý chủ quan độ liên tục/ không liên tục về mặt tiểu sử và độ bền vững/ không bền vững về sinh thái qua một cá nhân gắn với những đòi hỏi của bản thân và yêu cầu xã hội”(4).

 

Theo Erickson thì, bản sắc dân tộc là “sự cảm nhận trực tiếp về sự bình đẳng và tính liên tục của bản thân và cùng với nó là việc cảm nhận rằng người khác cũng nhận thức được sự bình đẳng và tính liên tục này”(5).

 

Chúng tôi đồng ý với quan niệm của Karl Haußer, từ đó, bài viết mở ra ba vấn đề: thứ nhất, về mối quan hệ giữa tính liên tục và sự bền vững của bản sắc (identity), thứ hai, là tính lịch sử và môi trường tồn tại của một dân tộc, thứ ba, mối quan hệ giữa yếu tính bên trong dân tộcsự cảm nhận bên ngoài của một dân tộc đối với một dân tộc; thứ tư là cấu trúc nội tại quy định cho phẩm tính của một dân tộc là bản sắc.

Quay trở lại với định nghĩa của Trần Luân Kim thấy, đó là lối định nghĩa mơ hồ, chưa thể phán xét trọn vẹn về thế nào gọi là bản sắc dân tộc, mặt khác, cũng chưa phân biệt được đâu là bản sắc dân tộc và đâu là tính cách dân tộc. Tôi nghĩ, định nghĩa trên của tác giả là cách định nghĩa về Tính cách của một dân tộc thì đúng hơn là định nghĩa về bản sắc dân tộc. Ở đoạn sau của bài viết, để minh chứng cho định nghĩa của mình, Trần Luân Kim nói “trong lúc bản sắc dân tộc không phải là cái bất biến mà là kết quả của các quá trình tiếp biến giữa cũ và mới, giữa quen thuộc với xa lạ”(6), thì đó chỉ là một phần thuộc về tính lịch sử của bản sắc chứ không phải là bản sắc. Định nghĩa như vậy là phiến diện và không thuyết phục. Trong bài viết này, tôi không định nghĩa về bản sắc dân tộc, mà chỉ xin đề xuất những gợi mở cần thiết để hiểu phạm trù ấy theo bốn tiêu chí trên.

 

Bản sắc dân tộc thể hiện ở mối quan hệ giữa tính liên tục và sự bền vững nội tại của một dân tộc. Đây là mối quan hệ tất yếu và bản chất của một dân tộc. Trong đó, tính liên tục thể hiện ở sự vận động nội tại, tiếp biến trong lòng dân tộc những dữ kiện, sắc thái văn hóa khác nhau theo mỗi giai đoạn. Nó lấp đầy những giới hạn ở từng thời điểm lịch sử. Luận chứng trên của Trần Luân Kim chỉ đúng ở điểm này. Tuy nhiên, sự tiếp biến nội tại ấy luôn nằm trong một chỉnh thể cố kết bền vững, mà tính dân tộc là điều có thể cảm nhận, nhưng lại là phi- hợp thức trước thực tiễn khả tri tự thân. Ở đây, cần làm rõ hai vấn đề, thứ nhất, khả năng cảm nhận phẩm tính dân tộc thuộc về cảm tính nhiều hơn là lý tính. Sự thay đổi hàng ngày của tính dân tộc là điều không thể nhận thức và phân chia rạch ròi, chính xác đâu là phẩm tính A và đâu là phẩm tính B. Do vậy, định nghĩa trên của Trần Luân Kim chỉ là hình thức cảm xúc của cá thể người trong một dân tộc về tính dân tộc mà thôi, nếu vậy thì, bản sắc dân tộc theo tác giả bài viết, thực ra đang lâm vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cục bộ. Bởi vì, đó là sự cảm nhận thuộc về nội tại của dân tộc đó, chứ đâu có sự kiểm thảo, đánh giá của dân tộc này với dân tộc khác. Theo tôi, cơ sở để xác định bản sắc của một dân tộc là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm nhận nội tại và sự đánh giá của dân tộc khác với dân tộc này. Vì vậy, ở trên, tôi có nhắc tới vấn đề phi- hợp thức trong thực tiễn khả tri tự thân (tính không thể nhận thức) về tính dân tộc của mọi dân tộc. Khả năng nhận thức về phẩm tính của dân tộc này chỉ có thể xảy ra, khi có sự can thiệp trong đánh giá từ phẩm tính của dân tộc khác. Nghĩa là, tính độc lập của dân tộc chỉ có được khi có sự đánh giá bên ngoài, giống như ranh giới độ tuổi 25 và 26 trong một con người. Con người chỉ thực sự biết mình ở tuổi 26 khi có sự đánh giá và kiểm thảo khách quan từ phía cá nhân khác bên ngoài, trong lúc đó, nội tại bản chất con người họ đã tự vận động thay đổi nhưng chưa có ý thức triệt để chủ quan tính cá nhân. Như vậy, bản sắc dân tộc chỉ có được khi nó tồn tại đồng thời giữa tính liên tục và sự bền vững nội tại của nó.

 

Bản sắc của một dân tộc chỉ có và xác định được, khi bản thân nó tồn tại sự rạch ròi về tính lịch sử và môi trường tồn tại. Điều ấy có nghĩa, bản sắc của một dân tộc chỉ có được khi nó tự phơi bày lịch sử dựng xây và phá hủy của nó trước môi trường xã hội toàn cầu. Nếu sự rạch ròi về tính lịch sử cho phép bản thân một dân tộc có quyền gợi mở những cơ sở cho việc xác định phẩm tính quốc gia (trong đó tính cách dân tộc chỉ là một phần rất nhỏ, bao gồm: “cốt lõi, cốt cách , là biểu trưng sắc thái riêng của hồn dân tộc” (Trần Luân Kim)) trước đối tác là khu vực hoặc cộng đồng văn hóa một châu lục, hoặc liên- cộng đồng văn hóa thế giới, thì, môi trường tồn tại dân tộc (môi trường sinh thái nhân văn + môi trường xã hội) sẽ quy định yếu tố vừa khu biệt vừa tương đồng với những dân tộc khác. Vì vậy, mới có hiện tượng đồng chủng văn hóa giữa các khu vực sinh thái. Do đó, bản sắc dân tộc bên cạnh tính cục bộ luôn tồn tại tính xâm lấn. Điều này cho phép chúng ta gạt bỏ trong đầu suy nghĩ về tính cục bộ, về quyền tự trị dân tộc hẹp hòi của mình, không phải cứ dân tộc của mình là bản sắc chỉ thuộc về mình, là phân biệt, là so sánh với dân tộc khác. Bởi khi chúng ta tiến hành hành vi so sánh ấy, là lúc ta vướng vào mớ bòng bong, nhiều mâu thuẫn của mình. Và đó là cơ sở để nói tiếp điều thứ ba.

 

Bản sắc dân tộc chỉ có được khi tồn tại mối quan hệ giữa yếu tính bên trong dân tộc và sự cảm nhận bên ngoài của một dân tộc đối với một dân tộc. W. James đã đúng khi phân biệt rạch ròi giữa cái “I” và cái “me”(7). Cái “I” của một dân tộc là cái tự trải nghiệm, tự lãnh lấy bằng sự vận động sâu từ bên trong trên tất cả các lĩnh vực, là cái cho phép mình gọi là “lòng tự cường dân tộc”. Tuy nhiên “lòng tự cường” đó không phải tự nhiên nó được gọi lên thành tiếng, nó chỉ được nhận biết qua sự cảm nhận từ nhân tố khách quan đến từ bên ngoài, tức là sự xuất hiện của cái “me”. Như vậy, bản sắc của một dân tộc không phải chỉ thuộc về văn hóa, nó là tổng kết hợp giữa văn hóa và văn minh. Điều ấy, cho phép chúng ta hạ bệ cái tượng đài ấu trĩ về quan niệm cho rằng, bản sắc dân tộc là thuộc về văn hóa (8). Và quá trình xác định bản sắc của một dân tộc là quá trình bổ sung, đồng thời làm đầy không ngừng của cái đến từ bên ngoài và cái ra nhập từ bên trong, của sự trộn lẫn không phân biệt giữa yếu tố vật chất và yếu tính tinh thần.

 

Bản sắc dân tộc chỉ có được khi tồn tại cấu trúc nội tại quy định cho bản chất của dân tộc là bản sắc. Cấu trúc nội tại bản sắc theo Karl Haußer gồm 3 yếu tố: “sự tự quan niệm”, “cảm giác về giá trị tự thân” và “niềm tin kiểm soát”(9).

 

- “Sự tự quan niệm”: Là tổng thể những yếu tố thuộc về chỉnh thể của một dân tộc: văn hóa, cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, bộ máy hành chính…Trong đó nổi bật là những giá trị thuộc về văn hóa phi- vật thể. Chữ viết được xem là đặc trưng cơ bản quy định quan niệm cá biệt về những vấn đề xung quanh một dân tộc, nó quy định giá trị suy tư và sự văn minh của dân tộc đó. Tuy nhiên, đây chỉ là đơn cử nổi bật. Những yếu tố quy định sự tự quan niệm của một dân tộc là tổng kết hợp của các nhân tố hàm hỗn quanh nó gồm: vật chất/ phi- vật chất.

 

- “Cảm giác về giá trị tự thân”: Đây là khả năng tự mình đánh giá mình của mỗi dân tộc, hình thành những giá trị thuộc về tập quán, phong tục, giúp một phần quy định đặc trưng dân tộc tính của dân tộc đó thông qua các đặc trưng mang yếu tính lễ hội (tự phơi bày+và khả năng kiểm thảo có chủ ý).

-   “Niềm tin kiểm soát”: Quy định thực trạng tinh thần của một dân tộc, về lòng tự hào cũng như sự tự tin trên tiến trình tự phơi bày mình trước một dân tộc khác qua quá trình giao lưu và tiếp nhận. Quá trình này quy định sự khách quan hóa trong việc đánh giá và hình thành bản sắc dân tộc từ phía các dân tộc hoặc các liên minh dân tộc khác.

 

Từ bốn luận điểm trên cho phép chúng ta nhận biết phần nào về cái chúng ta thường gọi hàng ngày là “bản sắc dân tộc”, nó vừa đơn giản nhưng cũng vô cùng phức tạp. Do vậy, từ những luận giải trên đối chiếu với cách quan niệm của Trần Luân Kim thấy, cách định nghĩa, cũng như quan niệm về bản sắc dân tộc của tác giả là chưa hợp lý và thiếu chính xác. Từ đó có thể thấy, toàn bộ bài viết Bản sắc dân tộc và yếu tố hiện đại trong sáng tác điện ảnh hiện nay cũng kéo theo hệ quả sai lầm từ nhận định của tác giả bài viết. Vì vậy, bài viết, theo tôi chưa thể xem là đi vào bản chất thực của vấn đề./.

 

 


(1)     Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Bản tin lý luận phê bình văn học nghệ thuật, số 9, tháng 10 năm 2009.

(2)     Chúng tôi cho rằng, đây là định nghĩa do cá nhân Trần Luân Kim đưa ra, vì, thứ nhất, đó là một lời khẳng định; thứ hai, lời khẳng định đó không dựa trên phả hệ về lịch sử vấn đề đang bàn luận.

(3)     Trần Luân Kim, “Bản sắc dân tộc và yếu tố hiện đại trong sáng tác điện ảnh hiện nay”, Báo đã dẫn, tr. 14.

(4)     Günter - Trommsdorff (2001), Từ điển xã hội học, NXB Thế giới, H, tr.19.

(5)     Günter - Trommsdorff, Sđd, tr.19. Những khái niệm trên, chúng tôi có tham khảo thêm ý kiến của Gs triết học Thái Kim Lan- Đại học Munich (Đức) trong một buổi nói chuyện.

(6)     Trần Luân Kim, Báo đã dẫn, tr.14.

(7)     Günter - Trommsdorff, Sđd, tr.20.

(8)     Trần Quốc Vượng (2003) với Nhìn nhận bản sắc văn hóa Việt Nam (in trong Văn hóa Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm, NXb văn học, H,  tr.26), Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB văn học, H, …

(9)     Günter - Trommsdorff, Sđd, tr.21.

Ngô Phương Quốc
Số lần đọc: 1703
Ngày đăng: 31.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự Đồng-Điệu Và Đột-Ngột Trong Thơ Đinh Hùng - Trần Văn Nam
Allen Ginsberg, Hồn Thơ Biển Cả - Hoàng Hưng
Thi Pháp Hiện Đại - Nguyễn Hiếu
Xuân Sách Và Tập Thơ Chân Dung Nhà Văn - Đỗ Ngọc Thạch
Về sự đánh giá Nguyễn Du của Nguyễn Công Trứ qua nhân vật Thuý Kiều - Yến Nhi
Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác - Nguyễn Hiếu
Poseidon - Hamvas Béla
Lý Thuyết Freud Đang Trở Thành Thời Thượng Ở Trung Hoa - Hiếu Tân
Nghĩ Về Nhan Đề “Bướm Trắng” Của Nhất Linh - Trần Văn Nam
Người đọc Phương Tây nói gì về các tác phẩm văn học VN đương đại? - Hoàng Hưng